Posted 29 Tháng 12, 2008 Dịch học bài 44 25. Cặp Quẻ Thay cũ – Đổi mới Biến đổi hay thay cũ đổi mới là biến xấu thành tốt. Sự việc đang hết sức tồi tệ, muốn đảo chiều phải thay một guồng máy mới, đổi thay trong chính trị thường dùng mỹ từ cách mạng, nhà Thương thay nhà Hạ, nhà Chu thay nhà Thương được lịch sử gọi là Thang Vũ cách mạng, tức cuộc thay đổi do vua Thành Thang và Chu Vũ Vương tạo ra. Cặp quẻ này Dịch học của Tàu là cặp cách – đỉnh, cách là cải cách đồng nghĩa với đổi, còn đỉnh là cái đỉnh, cái vạc là để nấu nướng, nấu nướng tức biến đổi đồ ăn từ sống thành ra chín… cũng có thể hiểu là đỉnh là đã đến tột cùng rồi như mặt trời giữa trưa hoặc trăng đêm rằm rồi sẽ thay đổi đi, trưa rồi tới chiều, trăng tròn rồi khuyết, tất cả đều biến đổi trong tự nhiên không gì đứng yên mãi . A- Quẻ Thay cũ = hỏa/ phong Biến hay thay cũ. Lửa ở trên gió thổi ở dưới, tùy theo gió thổi mạnh hay nhẹ mà nhiệt độ biến thiên, tăng lên hay giảm xuống, thánh nhân xem tượng ấy mà đặt tên là quẻ thay cũ, Dịch học Tàu gọi là cách tân chính trị là thay cũ (đổi mới). a) Lời Quẻ: Biến, dĩ nhật, nãi phu, nguyên hanh lợi trinh, hối vong. Thay cũ tức chánh biến – phải có thời gian mới tạo được niềm tin của dân chúng, biến cách tốt đẹp thì phải dựa vào 4 nguyên chuẩn, nguyên hạnh lợi trinh, tất cả vì dân, đúng hơn là vì hạnh phúc lâu dài của nhân dân, không phải băn khoăn gì. b) Lời tượng: Trạch trung hữu hỏa, biến (cách) quân tử dĩ trị lịch minh thời. Quẻ biến động ; bậc trưởng nhân xem tượng trời đất biến đổi mà làm ra lịch pháp, phân định 4 mùa hoặc định rõ thời vụ mùa màng để cho dân gieo trồng. Một năm 4 mùa tuần tự biến đổi thay nhau, con người làm nông nghiệp cũng theo thời vụ, mùa nào cấy lúa, mùa nào trồng khoai, vì vậy bậc thánh nhân lo lắng giúp đỡ cho dân bằng cách soạn ra lịch pháp, nếu không thì thời gian cứ trôi mãi như vô tận, người dân biết bấu víu vào đâu để phân định mùa màng làm ăn. c.1) Sơ cửu Củng dụng hoàng ngưu chi cách Muốn làm chính biến lật đổ một triều đại đã có bề dày lịch sử mấy trăm năm không phải dễ dàng gì, không thể một người một “nước” mà làm nổi, phải hình thành hẳn một liên minh cách mạng, liên minh phải thống nhất ý chí, gắn kết chặt chẽ với nhau như được buộc lại bằng dây da bò. c.2) Hào nhị Dĩ nhật nãi cách chi, chinh cát, vô cữu. Hết ngày thì phải tới đêm tức là đã đến lúc phải thay cũ, thời cơ cách mạng đã đến, xuất quân tiến đánh đi rất tốt không lỗi gì, ở đây ý nói liên minh các chư hầu do Vũ Vương cầm đầu hãy tiến công đánh vào dinh lũy của Trụ Vương đi. c.3) Hào Tam Chinh hung, trinh lệ, cách ngôn tam tựu, hữu phu . Tiến đánh thì nguy hiểm, chần chừ kéo dài thì đáng lo ngại, phải cân nhắc, suy tính hết sức cẩn trọng như uốn lưỡi 3 lần trước khi nói thì mới tin chắc thành công, đấy là tình thế và tâm tư của Vũ Vương nhà Chu trước khi tiến hành cách mạng lật đổ nhà Ân Thương. c.4) Hào Tứ Hối vong, hữu phu, cải mệnh, cát. Những đắn đo trăn trở chấm dứt, tin chắc vào thắng lợi, mệnh trời đã chuyển, tốt đẹp. Người xưa tin tưởng được mệnh trời mới có thể làm thiên tử, mệnh trời đang ở với nhà Thương, nhà Chu làm cách mạng tức cải mệnh trời. Trụ Vương xấu xa độc ác, nên mệnh trời đã chuyển giúp cho Vũ Vương thắng lợi cách mạng thành công tốt đẹp. c.5) Hào ngũ Đại nhân hổ biến, vị chiêm hữu phu, bậc đại nhân xoay chuyển thời thế. Mọi người không cần thấy cũng tin tưởng vào cuộc cách mạng (chính nghĩa thành công) c.6) Hào Thượng Quân tử báo biến, tiểu nhân cách diện chinh hung, cư trinh cát. Quân tử thực lòng biến cách, tiểu nhân chỉ thay đổi bề ngoài. Đấy là bộ mặt xã hội khi cách mạng đã thành, chuyển biến không phải là tất cả lũ tiểu nhân chỉ bề ngoài hoan hô lấy lệ chứ không thực lòng vì nếu đổi mới , vì nếu kỷ cương phép nước công minh thì chúng lấy gì mà ăn? không thể dùng bạo lực để cách mạng triệt để mãi… giữ vững sự yên bình của xã hội, đẹp lắm rồi đừng khuấy động nữa. Dịch học dạy ta một điều hết sức thực – không phải cách mạng rồi là chỉ còn toàn người tốt, bọn “cách diện” chỉ tạm ẩn đi chờ thời cơ mà thôi, mọi người đừng lơ là chủ quan, cuộc đấu tranh giữa cái tốt và xấu không bao giờ dứt được, quan trọng là từng thời điểm ai thắng ai mà thôi. B- Quẻ đổi mới = trạch/ hỏa Đổi mới : quẻ Đoài là tri thức sâu rộng , quẻ Ly là thần trí sáng suốt, chỉ bậc đại nhân toàn trí toàn tài mới thay cũ đổi mới được. Quẻ này gần giống với quẻ phong hỏa đỉnh. Đỉnh là cái vạc để nấu đồ ăn của Dịch học Tàu – Trạch là nơi chứa nước, lớn như hồ như suối, nhỏ như nồi như vạc, trạch trên hỏa là tượng cái đỉnh đang nấu thức ăn có lửa đun ở dưới, công dụng của đỉnh là biến thức ăn từ sống thành chín, từ vật không dùng được thành dùng được. a) Lời Quẻ: Nguyên cát hanh Thay cũ đổi mới hết sức to lớn, tốt lành và hanh thông, khi cái cũ đã trở thành cục đá cản đường tiến lên thì phải thay đổi đi đấy là lẽ trời và lòng người, có gì cản trở được. b) Lời tượng: Quẻ đổi mới: quân tử dĩ chính vị ngưng mệnh. Thụ mệnh trời ban gọi là ngưng mệnh, chính vị là ngôi vị của mình là chính đáng. Cái cũ đã trở nên xấu xa hủ bại. Trời chuyển mệnh trao ngôi vị vào tay bậc đại thánh đại trí đấy là lẽ thường cũng là thiên lý, bậc trưởng nhân nào có ham hố chức quyền chẳng qua là thi hành mệnh lệnh từ trời cao, lên ngôi chí tôn vì hạnh phúc của trăm họ muôn dân. c) Lời Hào c.1) Hào Sơ Đỉnh điên chỉ, lợi xuất bỉ, đắc thiếp dĩ kỳ tử, vô cữu. Lật úp cái đỉnh xuống, tống hết đồ ăn cũ thiu thối ra, được mọi người và cả con cháu họ ủng hộ. Ý hào là khi đã lật đổ triều đại cũ trước hết là thay cũ, phải bỏ guồng máy cũ sa thải quan lại cũ, hủy bỏ nề nếp hủ bại cũ như thế sẽ được nhân dân ủng hộ nhất là lớp trẻ nhiệt huyết và nhạy bén với cái mới. c.2) Hào nhị Đỉnh hữu thực, ngã cừu hữu tật bất ngã năng túc, cát. Đã thay cũ rồi đến đổi mới, thiết lập guồng máy mới, con người mới, kỷ cương mới. Bọn người cũ (quan lại) vẫn chứng nào tật nấy nên bất cộng tác, đổi thay rất tốt đẹp. c.3) Hào Tam: Đỉnh nhĩ cách, kỳ hành tắc, trĩ cao bất thực, phương vũ khuy hối, chung cát. Lòng dân đang thay đổi hay dư luận đang đổi chiều (đỉnh nhũ cách). Tuy sự ưu việt của chế độ mới chưa bộc lộ ngay nhưng rồi đây các lợi ích sẽ đến với mọi người, không phải băn khoăn gì (phương vũ khuy hối) rồi ra sẽ hết sức tốt đẹp. c.4) Hào tứ: Đỉnh chiết túc, phúc công tốc, kỳ hình ốc, hung… Không đảm đương nổi công việc khiến tổn hại đến đại cuộc, phải chịu sự trừng phạt đích đáng, xấu lắm. Quẻ này chắc nói đến việc ‘tam giám’ nhà Chu thất bại để con cháu nhà Ân Thương cũ âm mưu cùng bọn Hoài Di – Từ Nhung nổi loạn. Vũ Vương sau khi lật đổ đã không tận diệt nhà Ân Thương mà phong cho con vua Trụ là vũ Canh Tước Hầu cho cai quản vùng kinh đô cũ, Chu Công sai 3 người em là: Thái Thúc – Quản Thúc và Hoắc Thúc ở những vùng đất chung quanh để canh chừng gọi là tam giám ….. không hiểu họ giám thế nào lại để Vũ Canh với Hoài Di Từ Nhung nổi loạn khiến Chu Công phải thân chinh đánh dẹp suốt 3 năm trường. 3 ông “giám” người tự tử người bị giết và kẻ bị lưu đày. c.5) Hào ngũ Đỉnh hoàng nhĩ, kim huyên, lợi trinh. Lòng dân đã hướng về triều đại mới. Cách mạng tiến bước vững chắc. Đem lại lợi ích lâu dài cho nhân dân. Đỉnh hoàng nhĩ : tai đỉnh màu vàng ý nói dư luận đã hoàn toàn đồng thuận, kim huyên là cái đòn khiêng bằng kim loại , ý chỉ tiến đi vững chắc. c.6) Hào thượng Đỉnh ngọc huyên, đại cát, vô bất lợi. Cách mạng đã thành công rực rỡ, tính ưu việt của chế độ mới đã phát huy trọn vẹn, cực kỳ tốt đẹp, không có gì là không lợi. Đỉnh ngọc huyên có dịch giả dịch là cái đòn khiêng đỉnh bằng ngọc…. Thì chịu thua không hiểu nổi, thấy kỳ quá có vị sửa lại: cái đòn khiêng đỉnh có nạm ngọc…. Cũng tạm ổn nhưng không hiểu ý nghĩa là gì. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 29 Tháng 12, 2008 Dịch học họ HÙNG . bài 45 26. Cặp quẻ Lôi – Cản (Cuốn) Lôi Tiếng Việt còn có nghĩa là kéo đi, cấn biến âm của Cản. Cặp quẻ này là cặp đối. Kéo đi và cản lại là tính chất, công dụng hay sự tác động của nó đối với sự phát triển , về hình tượng thì lôi là sấm, cấn là núi. Dịch học của Tàu là cặp quẻ.: Thuần Chấn – thuần Cấn. Công cuộc phát triển chịu sự tác động của 2 lực đối nghịch, một lực kéo đi (lôi), một đàng kéo hay cản lại. Kết quả của sự phát triển là tổng của 2 lực này. Nếu quẻ lôi – kéo thắng thì xã hội tiến lên, còn quẻ trì kéo thắng thì thụt lùi hay suy thoái. A. Quẻ lôi = chấn/ chấn Lôi hay sấm lại được dùng trong quẻ với 2 nghĩa là: tiếng sấm tự nhiên và tiếng trống sấm hay trống đồng. a) Lời quẻ: Tiếng sấm báo trước sự hanh thông trôi chảy, tiếng trống sấm thôi thúc trong lễ tế, người ta cười nói vui vẻ, tiếng trống vang xa trăm dặm, người chủ tế vẫn không chút run tay. Vì sự thành kính tột cùng tinh thần tập trung cao độ ngoại cảnh không còn chi phối được. Ở quẻ này sấm giống như là dụng cụ của cơ quan dự báo khí tượng vậy… a) Lời tượng: Tiến lôi, chấn, quân tử dĩ khủng cụ tu tỉnh. Tiếng sấm thúc dục, đấy là tượng quẻ chấn, bậc trưởng nhân nghe thấy phải biết lo sợ, kiểm điểm bản thân, sửa chữa các lỗi lầm, giữ cho bản thân lúc nào cũng trong sáng không chút bợn nhơ. c) Lời Hào c.1) Hào Sơ Chấn lai khích khích, hậu tiếu ngôn há há, cát. Nghe tiếng sấm thúc dục, phải biết lo lắng đề phòng thì sau mới có thể cười nói vui vẻ, tốt lắm. Bản tính con người trong cảnh thanh bình ăn nên làm ra rất dễ mê đắm không để ý gì đến hung họa bất trắc, tiếng sấm là sự cảnh tỉnh đánh thức con người, luôn thức tỉnh thì tránh được tai họa và có cuộc sống vui tươi khỏe mạnh. c.2) Hào nhị Chấn lai, lệ, ức táng bội, tễ vu cửu lăng, vật trục thất nhật đắc. Sấm sét liên hồi, đáng lo, có thể phải chịu tổn thất lớn vì thiên tai bão lụt, lo dắt nhau chạy lên chỗ thật cao, không được vướng víu với của cải mà thiệt thân, thiên tai qua đi sẽ làm ăn phục hồi. c.3) Hào tam: Chấn tô tô, chấn, hành vô sảnh. Cảm nhận sự rung động, địa chấn ư ?, dắt díu nhau tránh đi thì không thiệt hại tổn thất. cũng có thể dịch là: thấy xốn xang trong lòng, điềm báo chăng, tránh ngay khỏi nơi ấy hay dừng không làm việc ấy nữa sẽ tránh được tổn thất tai họa. Hào tam chủ lợi, ham mê của cải quá mà có thể phạm tội được cảnh báo dừng lại kịp thời, thì tránh được hậu qủa xấu . c.4) Hào tứ Chấn toại nê . – sấm đánh xuống bùn nghĩa là sấm không vang xa được hay sự đánh động cảnh tỉnh không được ai để tâm tới, không có sự đáp ứng phản tỉnh . Hào Tứ chỉ sự thái quá Duy lý; người ta đã sa vào chữ “duy” thì không nghe ai nữa sự cảnh tỉnh nhắc nhở trở nên vô ích, chỉ khi nào vỡ đầu sứt trán thì mới tỉnh ngộ lúc ấy hậu quả đã vô cùng nghiêm trọng . Vô phương cứu chữa. c.5) Hào ngũ: Chấn vãng lai, lệ, ức vô táng hữu sự. Nghe tiếng sấm đã vội lo, biết lo trước thì tránh được mất mát thiệt hại , là người Việt thì mới hiểu chữ “ đánh động”, đánh động là báo trước việc xảy đến rất Đúng ý nghĩa hào này ;đã biết trước mà lo đề phòng thì còn sợ gì nữa c.6) Hào Thượng: Chấn sách sách , thị quyết quyết , chinh hung, chấn bất vu kỳ cung , vu kỳ lân , vô cữu , hôn cấu hữu ngôn . Nghe tiếng trống rền, mặt mày nhớn nhác – nếu ở chiến trường thì nguy. Mình chưa bị cảnh cáo nhưng người bên cạnh đã bị rồi, không lỗi gì nhưng nếu cứ kết thân sẽ mang tiếng. Đội quân tinh nhuệ nghe tiếng trống thúc quân thì đội ngũ nghiêm chỉnh mà xông lên, ở đây thì nhốn nháo cả lên, lộn xà lộn xộn không hàng không ngũ gì thì sẽ bị vỡ thế trận ngay, đánh nhau mà như vậy thì thua chắc. Mình chưa bị gọi đích danh nhưng kẻ thân cận với mình đã bị cảnh cáo, nhìn người phải biết lo sửa mình ngay biết vậy thì không lỗi, ngược lại cứ thân thiết với họ chắc sẽ mang tiếng (có liên quan với phần tử xấu) hoặc vạ lây . A- Quẻ Cản = Cấn/ Cấn Người Việt thường dùng từ kép ‘cấm chỉ’ nghĩa là không được làm như thế nữa ; thực ra phải nói là cấn – chỉ mới đúng. Cấn đồng nghĩa với chỉ Hoa ngữ nghĩa là dừng lại, quẻ cấn nghĩa là ngăn cản bắt dừng lại tương tự chữ can ngăn . a) Lời quẻ: Cấn kỳ bối, bất hoạch kỳ thân, hành kỳ đình, bất kiến kỳ nhân vô cữu. Mình không để ý đến chính mình nên đi vượt lên trên mà không biết (đằng trước không thấy ai), bị nắm lưng kéo cho chậm lại (cản), không lỗi. Bất hoạch kỳ thân là quên mất không để ý là mình đang bước đi nên vượt lên trên, với Dịch học quan trọng nhất là chữ trúng, đúng thời đúng vụ, nhanh quá là thái quá chậm so với thời là bất cập. Bị kéo lại từ phía sau là mình đã chậm lại thì không lỗi gì. b) Lời tượng: Kiêm sơn, cấn, quân tử dĩ tư bất xuất kỳ vị. Núi đồi chập chùng là tượng quẻ cản, bậc trưởng nhân xem tượng đó mà biết tư tưởng đúng với vị trí, tầm vóc của mình. Có như vậy ta mới có thể nhìn nhận sự việc một cách chính xác và xử lý đúng đắn, đưa ra các giải pháp phù hợp đúng tầm và khả thi , việc thuộc vi mô mà xử lý như ở tầm vĩ mô hay ngược lại đều sẽ thất bại. c) Lời Hào c.1) Hào Sơ Cấn kỳ chỉ, vô cữu, lợi vĩnh trinh. Ngăn cản khi mới bắt đầu, tránh được lỗi, lợi lâu dài ; ngón chân là nơi thấp nhất của thân thể, ý là: vừa mới bắt đầu đã chận lại ngay chưa phí phạm gì, chưa gây hậu quả gì nặng nề . c.2) Hào nhị: Cấn kỳ phì, bất chửng kỳ tùy, kỳ tâm bất khoái. Phì là cái bắp chân, ý chỉ công việc mới tiến hành chưa lâu lắm, cái sai chưa lớn, hậu quả cũng chưa có gì nghiêm trọng, vì chưa thực hiện được ý đồ nên lòng nó không vui. c.3) Hào Tam: Cấn kỳ hạn, liệt kỳ dần, lệ huân tâm. Việc đã tiến được nửa đoạn đường mới ngăn lại, hạn là chỗ giữa thân mình ý hào là đã làm một nửa công việc, ngừng lại thì thiệt hại lớn lo cháy cả ruột. c.4) Hào tứ Cấn kỳ thân, vô cữu. Tỉnh ngộ, tự mình ngưng lại không lỗi. chợt giật mình tỉnh lại nhìn thấy mình đi sai đường, tự dừng lại. Nên không mắc lỗi. Không được cảnh tỉnh thường xuyên con người rất dễ sa đà theo thói hư tật xấu, nhìn nhận ra và dừng lại không dấn xâu thêm vào chỗ sai lầm thì không lỗi gì. c.5) Hào ngũ: Cấn kỳ phụ, ngôn hữu tự, hối vong. Bớt đi, nói quá lời rồi, lời nói cũng phải có thứ tự cấp độ của nó, đừng tùy tiện “nâng cấp” quá đáng , xấu thì nói xấu thôi đừng bảo xấu lắm và tốt cũng vậy. Làm được như vậy thì không hổ thẹn gì nữa. c.6) Hào thượng Đôn cấn – cát Theo học giả Lý Kính Trì, không phải là Đôn Cấn mà là Đoan Cấn. Đoan nghĩa là còn trong trứng nước ta thấy chữ Đoan ở đây hợp lý hơn. Đoan Cấn là ngăn chặn từ trong trứng nước, tức mới manh nha ý đồ đã bị chặn lại, như thế là quá tốt. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 29 Tháng 12, 2008 Dịch học bài 46 27. Cặp quẻ tùng – Tiệm Dịch học của người Tàu gọi là tiệm – qui muội. Tiệm là tiến từ từ tức là chậm. Tùy là đi theo như gái theo chồng nên Dịch của Tàu mới gọi là quẻ quy muội nghĩa là gả con gái về nhà chồng. Ý nghĩa cặp quẻ này là: Như chủ nghĩa Marx nói: thượng tầng kiến trúc phải phù hợp với hạ tầng cơ sở hay trong Dịch học là: chế độ xã hội và trình độ kỹ thuật máy móc phải phù hợp với nhau. Khi cái nền kỹ thuật máy móc được nâng lên thì chế độ kinh tế rồi chế độ chính trị phải phù hợp theo, nhưng thường do quyền lợi của một thành phần xã hội, luôn luôn có một lực trì kéo khiến chế độ xã hội luôn theo sau cả một quãng dài và sự chuyển đổi chỉ đến sau một biến cố long trời lở đất. Ý cặp quẻ này là : nếu con người thụ động để khoa học kỹ thuật tiến một bước dài rồi chế độ xã hội mới chuyển đổi theo như thế là tiệm hay chậm, bệnh “chậm” này Dịch học gọi là bất cập, sự bất cập luôn đưa đến những tổn thất lãng phí tài nguyên và một bộ phận của xã hội phải chịu sự đè nén áp bức, nói chung là giảm bước tiến của nhân loại. Tóm lại: tiệm - quy muội hay tùng – tiệm là thụ động tùy theo sức ép tình thế dẫn đến bất cập hay chậm. Con người phải biết vận dụng các quy luật phát triển trong Dịch học mà nắm lấy chữ đắc trung hay thời cơ v.v.. chủ động chuyển hóa chế độ xã hội, như vậy nhịp tiến mới nhanh hơn. A- Quẻ chậm = phong/ Sơn Chậm hay tiệm là lấy tượng phong sơn, gió thổi bị núi chặn lại nên tốc độ chậm chạp , từ từ a) Lời quẻ: Tiệm, chinh hung, vô du lợi. Chậm chạp , không nắm được thời cơ nếu trong chiến trận thì thực nguy hiểm. b) Lời tượng: Sơn thượng hữu mộc, tiệm, quân tử dĩ cư hiền đức, thiện tục. Quẻ tiệm, bậc trưởng nhân ăn ở hiền lành nhân đức, cải thiện phong hóa xã hội ngày một tốt đẹp hơn lên, ý lời tượng là quân tử lấy mình làm gương cho xã hội noi theo dần dần chuyển biến. c) Lời Hào Hào từ lại dùng chữ hồng hay chim hồng hạc tượng trưng cho trí tuệ, hồng màu đỏ, quẻ ly ngọn lửa, biểu tượng của sự sáng suốt – trí tuệ. c.1) Hào Sơ Hồng tiệm vu can, tiểu tử, lệ hữu ngôn vô cữu. Hồng hạc tiến đến bờ nước, ý chỉ trí tuệ còn gần như thời nguyên thủy, như đầu óc trẻ con (tiểu tử), đáng lo ngại, có lời chê bai nhưng không lỗi gì. c.2) Hào nhị: Hồng tiệm vu bàn, ẩm thực hãn hãn cát. Chim hồng lạc tiến đến tảng đá bằng phẳng, nghĩa là trí tuệ đã phát triển một bước hết sức cơ bản: phát minh ra nông nghiệp làm căn bản cho sự tồn tại của loài người – thực tốt đẹp lắm. c.3) Hào tam: Hồng tiệm vụ lục, phu chinh bất phục, phụ dựng bất dục, hung, lợi ngự khấu. Chim hồng tiến đến miếng đất bằng phẳng, chồng đi đánh giặc chưa hề về nhà, vợ lại có bầu… nhưng bỏ con không nuôi, nguy hiểm, chỉ có thể dùng vào việc đánh giặc. Chữ Lục ở đây là biến âm của từ lộc nghĩa là lợi ích vật chất. Đầu óc chỉ biết có lợi lộc, chồng đi vắng, vợ có bầu rồi bỏ con như thế là bất trung, bất nghĩa và bất nhân, đấy là đầu óc của doanh gia theo đạo thờ tiền, dạng người này chỉ có thể dùng vào việc đánh giặc và thưởng tiền không thể dùng vào những việc khác. c.4) Hào Tứ Hồng tiệm vu mộc, hoặc đắc kỳ giác vô cữu. Hào tứ luôn chỉ sự thái quá, hồng hạc bay lên cây, đậu được ở một cành cao, không lỗi gì. Đầu óc suy tưởng vượt quá thời đại lại là một “cái đầu” cần thiết, đâu có lỗi gì, đẹp như con chim trên cành cao. c.5) Hào ngũ: Hồng tiệm vu lăng, phụ tam tuế bất dựng, chung mạc chi thắng, cát. Chim hồng lạc tiến lên đỉnh đồi cao (dù chồng không có ở nhà) người vợ vẫn một lòng kiên trinh thủy chung, sau cùng sẽ vượt thắng mọi cản trở , vợ chồng đoàn tụ hạnh phúc, hết sức tốt đẹp. Trí tuệ đã phát triển đến đỉnh cao, ngang tầm với trí tuệ là nền phong hóa đạo đức xã hội tốt đẹp cao cả, với người tài đức vẹn toàn cuối cùng bao giờ cũng thành công tốt đẹp mọi mặt. c.6) Hào thượng: Hồng tiệm vu lục, kỳ vũ khả dụng vi nghi, cát. Hồng hạc đã về với đất mẹ mà lông của nó vẫn còn được dùng hóa trang trong các nghi thức cúng tế thần linh và tổ tiên, tốt đẹp vô cùng. Người có đầu óc vĩ đại thì không bao giờ chết vì những gì họ để lại còn ở mãi với đời sau. Trong Dịch học họ Hùng có 2 con vật được trọn một quẻ: con rồng chiếm trọn quẻ Kiền, con chim Hồng hay Hồng hạc chiếm trọn quẻ Tiệm. Con rồng tượng trưng cho chí khí của một người, nhờ chí khí mà khẳng định chính mình với người khác và với trời và đất. Con hồng hạc tượng trưng cho trí tuệ hay đầu óc, con người vượt lên trên tất cả động vật khác nhờ cái đầu hiểu biết, phát minh và quyết định đều là nhờ có trí tuệ. Rồng tượng trưng cho nhân đức Hồng hạc tượng trưng cho tài ba . Nhưng ở Dịch học thông hành và cả trong ý kiến xã hội người ta chỉ nhấn mạnh tới con rồng mà xem nhẹ chim hồng hạc, chỉ riêng Dịch học họ Hùng và đạo Khổng là có sự cân bằng, một bên là đức một bên là tài, một bên là tâm một bên là trí phối hợp cân bằng. Sự mất cân đối trong quan niệm trên khiến người xưa có hẳn một triết lý sống rất lệch lạc… “an bần lạc đạo” ngày nay đã đến lúc chúng ta phải đổi lại… “phồn hoa, lạc đạo”, tại sao cứ phải an bần mới lạc đạo? Tâm và trí đâu có đối kháng một mất một còn để phải hoặc chọn cái này hoặc chọn cái kia? Tư tưởng an bần lạc ở thời cận đại có phần đóng góp rất quan trọng vào sự lạc hậu về khoa học kỹ thuật của phương Đông ngày nay. Các nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo đã nhìn thấy vấn đề và đang điều chỉnh, đúng là sai một ly đi một dặm, không biết bao lâu nữa mới có thể đuổi kịp các nước Âu Mỹ. B- Quẻ tùng hay qui muội = lôi/ trạch Hành động dựa trên sự hiểu biết đấy là tượng quẻ tùng , tức theo hay đi theo, có tiến bộ khoa học kỹ thuật mở đường thì mới có thể cải cách xã hội, thể chế nào thì có cơ sở vật chất kỹ thuật của thể chế đó, đấy là ý nghĩa “tòng” của dịch học. a) Lời quẻ: Nữ quy, cát, lợi trinh, quẻ tùng; gái theo chồng, tốt, ích lợi dài lâu. Dương theo âm (nghịch với người Tàu), vợ theo chồng, tài phải theo đức, trí tuệ phải được sự dẫn dắt của lương tâm, triều đình phải theo sự chỉ đạo của vua đấy là đạo tòng hay tùng của tự nhiên thuận theo trời thì tốt đẹp, hưởng lợi ích lâu dài. b) Lời tượng: Lôi trạch quy muội – tùng quân tử dĩ viễn tiểu nhân – bất ác nhi nghiêm Tiểu nhân là hạng tâm địa nhỏ nhen , đấy là điều xấu nhưng đâu có vi phạm pháp luật nên đâu có thể ...làm gì nó ., tốt nhất là không nên gần chúng, với thái độ nghiêm cẩn thì tiểu nhân cũng chẳng trổ mòi gì được, thái độ đó là đúng mực, Dịch không dạy ta làm ác dù với cả lũ tiểu nhân, chỉ phòng ngừa là chính. c) Lời Hào c.1) Hào Sơ Quy muội dĩ đệ, phả năng lý chinh cát. Theo chồng làm vợ bé, què cũng có thể đi được, chinh chiến thì tốt. Quan niệm vợ chồng cổ xưa của người Việt, chồng lo bon chen công danh sự nghiệp hay là làm ăn ở ngoài còn việc trong nhà gọi là tề gia nội trợ do vợ đảm nhiệm, chính vì vậy người vợ còn được gọi là “nội tướng”. Nhưng ở Hào Sơ, người đàn bà tư chất kém cỏi hay sức lực yếu đuối tới độ không thể tự đứng, tự đi mà phải dựa cả vào chồng, tựa như người vợ bé không có quyền hành gì cả chỉ biết một lòng tuân phục, sự phục tùng tuyệt đối nếu ở chiến trường lại rất tốt, tướng hô nằm là nằm, lệnh xông lên là xông lên không sợ hiểm nguy. c.2) Hào nhị: Diếu năng thị, lợi u nhân chi trinh mắt bị hư mà vẫn biết đường đi đó là nhờ “theo chồng” chồng đi đâu dắt mình đi theo đấy, người đàn bà trí lực kém cỏi cứ theo chồng mà sống. Hào nhị khác hào sơ ở chỗ hào nhị chỉ theo chồng, còn hào sơ phải vừa theo vừa dựa vào chồng thì mới đi được, một đàng chỉ không quyết được đường đi, còn Hào sơ thì vừa không biết đường đi vừa không đủ sức lực để đi. Quan điểm này là của thời đã qua, còn hiện nay thiếu gì đàn bà làm “lãnh đạo” thiếu gì đàn ông phải tòng phụ (theo vợ). Chữ u trong u nhân là từ việt nghĩa là u tối, u biến âm của ô là màu đen. c.3) Hào Tam Qui muội dĩ tu, phản qui dĩ đệ Lấy chồng tưởng được làm vợ chánh, té ra là chỉ làm bé cho người ta mà thôi. Hào Tam chủ lợi, người chồng thờ tiền không dám giao việc tề gia cho vợ … sợ vợ cuỗm mất tiền bạc thì sao… nên hóa ra vợ cũng như con ở mà thôi… không có quyền hành gì cả dù là việc trong gia đình, c.4) Hào tứ: Qui muội: khiên kỳ thi qui hữu hối. Lỡ mất chuyến tàu rồi, đành chậm lại quay về chờ dịp khác. Thời vận đến mà do không sẵn sàng nên đã để nó trôi qua không nắm bắt được, thôi đành chậm lại chờ dịp khác…, hào này chỉ mượn chuyện theo chồng để nói mọi chuyện, việc gì cũng vậy thôi không sẵn sàng thì cơ hội trôi qua, đó là quy luật chung. c.5) Hào ngũ Đế ất qui muội, kỳ quân chi duệ, bất như kỳ đệ chi duệ, nguyệt cơ vọng, cát. Con gái đế ất về nhà chồng, trang phục bề ngoài vợ chánh mà còn thua vợ lẽ, điều ấy thể hiện bên trong đức hạnh sáng như trăng rằm, tốt lắm. Con gái nhà quyền quí mà bề ngoài bình dị, không xe xua, khoe khoang thể hiện một bề trong đức hạnh sáng như trăng rằm, trăng sáng dùng chỉ đức hạnh phụ nữ, ngược lại ánh sáng mặt trời chỉ đức độ của nam giới, trăng tròn có nghĩa là đức hạnh vẹn toàn. c.6) Hào thượng Nữ thừa khuông, vô thực sỉ, sĩ khuê dương, vô huyết, vô du lợi. Nữ cầm giỏ nhưng trong không có cái gì để cúng, nam cắt tiết con dê để lấy máu thề nhưng chẳng có giọt nào… như thế chẳng được ơn ích gì. Kết hôn mà chẳng bên nào thực lòng, bị ép buộc hay tính lợi dụng nhau mà thôi, cả thành và tín đều không có, bất thành vì không có trái cây, bất tín vì không có máu dê, như thế thánh thầy nào chứng giám? Làm gì có ơn ích mà đòi hưởng. Thực là cuộc hôn nhân của trai giang hồ lấy gái lầu xanh. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 29 Tháng 12, 2008 Dịch học họ HÙNG . bài 47 28/ Cặp quẻ Phong – Lưu hay Giam giữ Tên khác của cặp quẻ này là giam – giữ Giam; phong là bao lại, che kín Giữ; lưu là giữ, ở lại. Giam, phong là cách ly; cô lập, nhốt lại. Giữ, lưu là giữ lại, cầm chân tại chỗ Giam giữ đồng nghĩa với giam cầm. A- Phong (giam) Hỏa/ Sơn Hỏa trên sơn là hình tượng quẻ phong, núi lửa đang phun, tro khói che cả ánh mặt trời, vì lẽ đó đặt tên là quẻ phong, phong ở đây là bao lại, che đi khác với quẻ Lôi Hỏa phong của Dịch học Tàu cho phong nghĩa là phong thịnh, to lớn. a) Lời Quẻ Phong, Hanh, Vương cách chi, vật ưu, nghi nhật trung Xảy ra nhật thực, mặt trời bị che khuất, vua phải làm lễ tế trời, đừng quá âu lo, dâng lễ đúng giữa trưa. Cái gì bị che lấp mà vua âu lo phải vội vàng tế tự trời đất? Chắc chắn là hiện tượng nhật thực, thời xưa cho là điềm báo chuyện chẳng lành nên mới lo sợ như thế, tế lễ lúc giữa trưa thì đích xác là tế trời, vì lúc đó mặt trời ở thiên đỉnh là lúc to lớn, sung mãn nhất. Chữ Hanh ở đây không hiểu ý, phải chăng ngụ ý… muốn hanh thông vua phải… b) Lời tượng: Phong, quân tử dĩ chiết ngục trí hình. Phong; bị che lập, bậc trưởng nhân vì tượng đó làm rõ tội trạng (đúng người, đúng tội) và thi hành hình phạt đích đáng. Che lấp đi, giấu diếm đi hòng chạy tội, tiếp tục làm ác, nhưng không thể thoát được sự xét xử nghiêm minh của pháp luật, thế gian này mà có thêm nhiều ‘bao công’ thì thiên hạ lo gì tội ác, lo gì không yên bình. c) Lời Hào c.1) Hào Sơ: Ngộ kỳ phối chủ, tuy tuần, vô cữu, vãng hữu thượng. Gặp được người đang tìm để phối hợp, cũng ngang tầm (ngang nhau) không lỗi. Bước tới là đi lên, chữ chủ ở đây là sự chủ ý, chủ tâm. Hào sơ, đen tối vì mặt trời chưa mọc, ý chỉ thời con người còn hoang dã, đây là lúc những người có tâm huyết kết hợp lại để mưu cầu sự cải tiến cho xã hội, đưa nó đi lên, thoát khỏi tối tăm, tuy tầm nghĩa là đôi bên tương đắc. c.2) Hào nhị: Phong kỳ bộ, nhật trung kiến đẩu, vãng, đắc nghi tật, hữu phu phát nhược cát. Mặt trời bị che khuất, trời tối sầm lại giữa ban ngày mà nhìn thấy sao, nếu bỏ đi thì sợ bị ngờ vực, chỉ còn biết với lòng chí thành mong khải phát được hôn quân ám chúa. Lúc ấy mọi việc lại tốt lành. Mặt trời bị che ý là ông vua bị bọn gian thần hay yêu nữ che mắt bịt miệng, tức triều chính đang bị khuynh đảo, bậc công thần yêu nước thương dân trước tình cảnh này phải xử trí sao đây. Bỏ đi thì sợ bị nghi ngờ về lòng trung thành khó mà thoát tội, chỉ có đường can đảm liều thân lấy lòng chí thành can gián hầu mong vua thoát khỏi sự u tối, được thế thì vô cùng tốt đẹp. c.3) Hào Tam: Phong kỳ bái, nhật trung kiến muội, chiết kỳ hữu quăng, vô cữu. Bị đám cận thần giăng màn che kín, giữa ban ngày mà thấy đen thui, trong tình cảnh này, đành chặt bỏ cánh tay phải tức gạt bỏ các cận thần hữu dụng nhất xưa nay, có như thế mới không mắc lỗi lầm. Hào tam khác hào nhị ở chổ: hào nhị là tâm sự của bậc tôi hiền trong tình cảnh quân vương trở nên hôn ám. Còn hào tam là ngược lại, là tình cảnh của bậc minh chúa, buộc phải xử những tay chân thân cận nhất vì mưu toan bịt mắt vua hầu thừa nước đục thả câu…. c.4) Hào Tứ Phong kỳ bộ, nhật trung kiến đẩu, ngộ kỳ di chủ cát Việc tranh giành cướp ngôi khiến chính tình đen tối như đêm 30, đã gặp được và phò tá người có di mệnh kế tục ngôi vua, thực tốt lành. c.5) Hào ngũ Lai chương, hữu khánh dự, cát . bóng tối đã qua đi, ánh sáng đã trở lại, mọi người vui mừng chúc tụng, thực tốt lành… gian thần, bạo chúa đều không còn, cái thiện đã thắng, ánh sáng văn minh lại chói lọi. c.6) Hào Thượng: Phong kỳ ốc, bộ kỳ gia, khuy kỳ hộ, khuất kỳ vô nhân, tam tuế bất địch, hung. Quây kín nhà mình, che chắn cho gia đình, liếc qua cửa, không thấy bóng người, 3 năm như thế, xấu lắm. Muốn bảo toàn đặc quyền đặc lợi của bản thân và phe nhóm nên đóng cửa tuyệt giao với bên ngoài. Hậu quả ra sao, ngày nay ai cũng đã biết thế nào là hậu quả của việc bế quan tỏa cảng, thời xa xưa đã xấu, thời nay hậu quả còn xấu hơn, nhân loại tiến vùn vụt còn mình dậm chân tại chỗ. Chữ “địch” có lẽ viết sai của chữ “dịch”, tam tuế bất dịch là 3 năm không thay đổi gì. B- Quẻ Lưu (giữ) = Lôi/ Hỏa Giữ trong tiếng Việt là cứ nguyên như thế không thay đổi cả chất lẫn lượng, cả về vị trí lẫn tốc độ. Lôi hỏa là tượng của “minh phạt sắc pháp” tức sự uy nghiệm,sáng suốt của luật pháp. Lôi = tượng trưng của sự uy nghiêm Hỏa = là sự sáng suốt Lôi và hỏa là 2 tố chất bắt buộc phải có của nền luật pháp chân chính. Sáng suốt để định đúng người đúng tội, không để xảy ra oan sai và cũng không để lọt lưới một trường hợp nào. Lôi là sự uy nghiêm, trừng trị đích đáng xứng với những tội lỗi đã phạm những gì đã xảy ra. a) Lời Quẻ Lưu tiểu hanh, lưu trinh cát 2 chữ cùng là âm lưu nhưng khác nghĩa. Lưu tiểu hanh là giữ lại, chỉ thông suốt việc nhỏ. Lưu trinh cát, chuyển động mãi tốt. Lưu giữ là sự bảo tồn nguyên trạng. Tấm hình ta lưu giữ được chỉ là sự lưu lại ở một điểm, một thời khắc nhất định. Trên chuỗi ảnh động liên tục (lưu trinh) như một tấm hình trích ra trong một đoạn băng video vậy. b) Lời tượng: Lưu, quân tử dĩ minh thận Dụng hình, nhi bất lưu ngục. Quẻ lưu giữ, quân tử phải thận trọng và sáng suốt trong việc dùng hình phạt, không kéo dài quá đáng thời gian giam giữ. Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại, câu trên đủ giúp ta hình dung ra tác động của sự tù tội nó ghê gớm đến chừng nào. Vì vậy bậc trưởng nhân có trách vụ cầm cân nảy mực phải hết sức công minh trong việc phán quyết hình phạt; Dịch học không hề bảo ta đừng lưu ngục vì phạm tội là phải chịu sự trừng phạt, có như thế mới bảo vệ được những người lương thiện, Dịch chỉ dạy ta đừng lưu ngục quá đáng thôi. Tội đáng một năm thì tuyên hình phạt lưu giữ đúng một năm, không lưu thêm một ngày nào nữa, như thế mới là công minh. c) Lời Hào c.1) Hào Sơ Lưu, tỏa tỏa, tư kỳ sở thủ tai Cứ giữ thói ty tiện nhỏ nhen sớm muộn gì tai họa cũng đến, kẻ có tư cách như thế có thể đạt được điều này điều kia nhưng lâu dài chắc chắn sẽ thất bại vì mọi người sẽ lánh xa hắn ta. c.2) Hào Nhị Lưu tức thứ, hoài kỳ tư, đắc đồng bộc, trinh. Lưu trú (ở) nơi đất khách hay sống lưu vong, còn giữ được nhiều của cải, có được gia nhân trung thành, phải kiên trì với chính đạo. Sa cơ thất thế phải sống kiếp ăn nhờ ở đậu, nhưng may mắn vẫn giữ được tiền của và gia nhân vẫn một mực trung thành như thế là chưa tuyệt đường, vẫn còn có cơ hội trở lại phục hồi địa vị đừng sờn lòng. c.3) Hào Tam Lưu phần kỳ thứ, táng kỳ đồng bộc, trinh lệ. Cháy nơi lưu ngụ (ở) mất hết tôi tớ, như thế thật đáng lo. Nhà cháy dĩ nhiên cháy hết tài sản, hào tam là thời duy lợi…. Không có tiền thì đầy tớ nào phục vụ nữa, đấy cũng là chuyện thường tình ở đời có gì đâu mà lạ. Không nơi cư trú, không tiền bạc, không tay chân đúng là cảnh thất sở thân sơ. c.4) Hào tứ Lưu vu xử, đắc kỳ tư phủ, ngã tâm bất khoái. Tạm lưu cư, tìm lại được tài sản bị mất, dù vậy trong lòng vẫn không vui. Không vui là vì vẫn phải ở tạm, chưa phải là địa vị chính thức của mình, theo chức vụ trong bậc thang hiện nay thì mới chỉ là “quyền” thôi, như quyền bộ trưởng, quyền giám đốc chứ chưa được chính thức, tại sao vậy vì hào tứ chỉ sự thái quá chưa đắc trung. c.5) Hào ngũ: Xạ trĩ, nhất thỉ vong, chung dĩ dự mệnh. Muốn có một cuộc sống văn minh, trước hết phải nỗ lực làm việc, nhịn ăn nhịn tiêu để đầu tư phát triển, sau cùng sẽ đạt được điều mong ước, để lại tiếng thơm đến muôn đời. Trong Dịch học, chim trĩ tượng trưnng cho sự văn minh, xạ trĩ chỉ có nghĩa đích nhắm đến là cuộc sống văn minh. Nhất thỉ vong nếu dịch là mất một mũi tên...thì không ổn, vì tên đã trúng đích thì đâu có mất? Chỉ mất khi bắn trượt không thu hồi được. Chung dĩ dự mệnh phải dịch đầy đủ là: sau cùng những nỗ lực của con người hợp sức với trời đất mà làm nên đại nghiệp hay tạo ra sự thành công lớn lao khiến lưu danh mãi mãi. c.6) Hào thượng Điểu phần kỳ sào, lưu nhân tiên tiếu hậu hào đào, táng ngưu vu dị , hung. Chim cháy mất tổ, con người mất nước, người sở tại hay người ở đấy trước an cư lạc nghiệp, đời sống vui vẻ sung sướng biết bao nhiêu, sau lũ rợ dị tộc cướp mất tất cả (táng ngưu) thực là một thảm họa. Hào từ này cũng là câu chuyện lịch sử của dân nhà Chu, 5 lần định cư năm lần phải rời bỏ quê hương kéo nhau đi chỗ khác sinh cơ lập nghiệp vì lũ rợ dị tộc ; sau cùng mới tụ cư ở Kỳ Sơn và trở nên hùng mạnh , trong hào tứ Dịch học họ Hùng đã dùng chữ Lưu với nghĩa là nơi ở nơi lưu trú, đồng nghĩa với quê hương. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 29 Tháng 12, 2008 Dịch học bài 48 29- Cặp quẻ Đoài – Tốn hay Chứa – chan Đoài là tích chứa, chồng chất lên, tốn là tán, tản ra. Đây là cặp quẻ đối xứng. Trong Dịch học đã hàm chứa định luật bảo toàn năng lượng, không gì sinh ra, không gì mất đi tất cả chỉ là sự dời đổi, chuyển hóa. Nếu có một bên tích tụ bắt buộc phải có bên phát tán. Có đi lên thì có đối xứng đi xuống. Có người lời thì phải có người lỗ. Có người mất ắt có người được…. Quẻ Thuần Đoài chỉ tri thức hay sự hiểu biết, tánh của nó là tích tụ vì tri thức hay sự hiểu biết luôn được các thế hệ sau kế thừa và phát huy, tăng thêm, đời sau và đời sau nữa vẫn thế. Quẻ tốn chỉ việc sắp đặt, quản trị, đối với qui mô quốc gia là chính trị, tốn thực ra là biến âm của chữ tán, tản, tan nghĩa là càng văn minh thì quyền lực chính trị càng tán phát hay tản ra, tán phát hết mực là giao quyền về cho từng thành viên của xã hội tức mỗi công dân, tản quyền hết mức là dân chủ trực trị mọi người cùng nhau làm chủ…. Tự quyết định số phận của chính mình. A- Quẻ chứa hay Đoài: Thuần đoài. Hình tượng quẻ đoái là cái hồ, nơi tích trữ nước. Cơ thể con người thì Đoài là cái đầu hay đầu óc nơi chứa trữ và xử lý thông tin. a) Lời quẻ Đoài, hanh lợi trinh Quẻ Đoài là sự hiểu biết, hiểu biết về tự nhiên mang tính khách quan nên ở đây không có chữ nguyên. Hanh, lợi, trinh là hợp lẽ, thiết thực và bền vững. b) Lời tượng: Lệ trạch, đoài, quân tử dĩ bằng hữu giảng tập . 2 hồ mà thông nước với nhau cũng như 2 cái đầu truyền đạt thông tin cho nhau. Bằng hữu giảng tập là bạn bè giúp nhau học tập, trao đổi bổ sung kiến thức cho nhau. c) Lời Hào c.1) Hào Sơ: Hòa – Đoài – cát Tổng hợp những sự hiểu biết khác nhau lại hay kết hợp hài hòa mọi nguồn tri thức lại, rất tốt. Kết hợp cổ truyền và hiện đại, kết hợp sự hiểu biết trong các lãnh vực khác nhau, hay tổng hợp những hiểu biết của mình và của người. Tất cả những kết hợp đó gọi là hòa đoài. c.2) Hào nhị: Phu đoài, cát, hối vong. Có lòng tin vào khoa học, tốt, không phải hối hận. Khoa học là sự đúc kết các quy luật vận động, tin tưởng vào khoa học mới có thể khám phá tự nhiên và khai thác tự nhiên, rất tốt đẹp có gì phải hối hận. c.3) Hào Tam Lai, đoài, hung Hiểu biết chưa tới nơi tới chốn, xấu. Cũng có thể dịch là: phải xét lại những đều đã biết. Tức là có thể đã có sai lầm đưa đến những hậu quả tai hại, thực nguy hiểm. c.4) Hào Tứ Thương Đoài, vị ninh, giới, tật, hữu hỷ . phải luôn cân nhắc xem xét kỹ lưỡng, không được yên lòng vì những giới hạn và khuyết tật trong sự hiểu biết, như thế mới được vui mừng. 5/ Hào ngũ: Phu vu bác, hữu lệ. Tin vào những điều đã bị bác bỏ, thực đáng lo. Khoa học luôn luôn tiến bước, việc phủ định những hiểu biết trước đó là chuyện thường, phải luôn cập nhật những hiểu biết nếu không sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng. 6/ Hào thượng: Cảnh, Đoài Cảnh cáo khuynh hướng duy khoa học. Có sách chép là: Dẫn, Đoài. Ý nghĩa là: khoa học phải được dẫn dắt bởi đạo đức lương tâm tức là phải định hướng phục vụ nhân sinh, nếu không có ngày loài người sẽ bị tiêu diệt bởi chính những phát minh của mình. Đặc biệt các hào từ quẻ Đoài kết cấu ngôn ngữ rất lạ, từ Hoa nhưng cấu trúc Việt. B- Quẻ Tán = Tốn/ Tốn cũng là chan; san Tề hồ tốn, quẻ Tốn chỉ sự quản trị, quản trị từ đoàn thể nhỏ như gia đình tới đoàn thể lớn như thiên hạ, người lãnh đạo ra các mệnh lệnh để quản trị đoàn thể của mình , trong quẻ tốn này: phần lớn quẻ dùng từ tốn với nghĩa là tính toán, sắp đặt. Phần lời tượng và lời hào lại dùng với nghĩa là mệnh lệnh, sở dĩ vậy vì Dịch học hoàn chỉnh, ít ra cũng đã trên 3000 năm, lúc đấy ngôn ngữ khác xa bây giờ, vốn từ còn rất ít, nên một từ phải gánh vác rất nhiều nghĩa; lối hành văn cổ đối với chúng ta bây giờ là cực kỳ tối nghĩa, vì vậy chúng ta phải đọc Dịch lý với tinh thần hết sức thoáng đãng linh hoạt thì mới có thể hiểu đúng ý người xưa. a) Lời quẻ: Tốn, tiểu hanh, lợi hưu du vãng, lợi kiến đại nhân . nghĩa là: tính toán, để thông suốt việc làm ăn (tiểu), dùng vào việc phát triển xã hội (lợi hữu du vãng) và nâng cao tầm vóc con người (lợi kiến đại nhân, kiến ở đây là kiến lập, kiến tạo) b) Lời tượng: Tùy phong, tốn, quân tử dĩ thân mệnh hành sự Gió thổi liên tục là hình tượng quẻ tốn, bậc trưởng nhân theo đó mà ban bố mệnh lệnh thi hành chính sự. Gió thổi khắp nơi ý nói truyền tải thông tin đến mọi nhà, bậc trưởng nhân ra các mệnh lệnh truyền đạt đi khắp nơi để thi hành chính sự c/ Lời Hào c.1) Hào Sơ Tiến thoái, lợi vũ nhân chi trinh . tiến lên hay thoái lui, quân lệnh như sơn, mệnh lệnh ban ra chắc chắn rắn rỏi như núi đá. Quân lệnh nơi chiến trường buộc các chiến binh tuân hành tuyệt đối, mệnh lệnh dứt khoát sắt đá không thể chập chờn sáng nắng chiều mưa. Có như thế mới có thể chiến thắng. c.2) Hào nhị: Tốn tại sàng hạ, dụng sử vu phân nhược, cát, vô cữu. Lệnh ban ra một cách vu vơ, không dựa trên một cơ sở nào, giống như những lời phán truyền của ông đồng bà cốt. Trên sàng hay giường, hay giàn là mệnh lệnh dựa trên cơ sở lý luận khoa học chắc chắn, lệnh dưới sàng là lệnh vu vơ giống như những lệnh phán của ông đồng bà cốt hay thầy pháp bắt ma vậy, chữ cát, vô cữu ở đây không những thừa mà còn sai. c.3) Hào Tam: Tần tốn, lận Lệnh lạc lung tung cả (biết theo lệnh nào); sai lầm lớn. Lệnh rồi lại lệnh nữa, chưa thi hành lệnh trước đã ban hành lệnh sau. Thực là loạn lệnh làm sao mà thi hành? Lệnh lạc như thế là sai lầm lớn của người lãnh đạo- chỉ huy vì cuối cùng sẽ không có lệnh nào được thi hành. c.4) Hào Tứ Hối vong, điền hoạch tam phẩm. Không phải áy náy gì nữa, việc thực thi các mệnh lệnh ban ra đã mang lại những thành tựu lớn lao. Hào tứ chỉ sự thái quá, mệnh lệnh ban ra nhắm tới mục tiêu quá cao khiến phải áy náy, có phần lo lắng nhưng không sao, nhờ sự nỗ lực vượt bực đã có thành quả tuyệt vời. c.5) Hào Ngũ Trinh cát, hối vong, vô bất lợi, vô sở hữu chung, tiên canh tam nhật, hậu canh tam nhật, cát Vững chí, bền lòng theo đuổi mục tiêu nên được tốt đẹp, mọi hối thẹn tiêu tan, không có gì là không lợi, khởi đầu công việc không thuận lợi, nhưng kết thúc tốt đẹp, lưu ý theo dõi một thời gian trước khi ban hành mệnh lệnh và sau khi thi hành, so sánh để thẩm định hiệu quả. c.6) Hào thượng: Tốn tại sàng hạ, tăng kỳ tư phủ, trinh hung. Mệnh lệnh không có cơ sở khoa học, tổn thất nặng nề, cứ cái đà này thì vô cùng nguy hiểm. Share this post Link to post Share on other sites