nhatnguyen52

Dịch học họ HÙNG -VIII

5 bài viết trong chủ đề này

Dịch học họ HÙNG . bài 39

20. Cặp quẻ: Nạn – giải (Nan)

Posted Image

Đây là cặp quẻ đối xứng một bên nạn còn bên kia là giải nạn.

Về hình tượng quẻ, đây là cặp đối xứng mẫu mực.

Thủy Sơn – Kiển ý nghĩa của hình tượng là nước dâng quá cao tràn núi lấp đồi, thực sự là cơn đại hồng thủy, nên đặt tên quẻ là nạn, nói đầy đủ là nạn lụt.

Lôi Thủy giải: thủy dưới lôi là hình tượng của mưa gió sấm chớp. Đặt tên là quẻ giải vì mưa đến để giải hạn. Rõ nghĩa phải viết là giải hạn hán, 2 tình cảnh hoàn toàn trái ngược trong thiên nhiên.

Dịch học của Tàu đặt tên là : Kiển – giải. Đồng nghĩa với nạn - giải.

A- Quẻ nạn = Thủy/ Sơn

a) Lời Quẻ

Kiển – lợi Tây Nam, bất lợi Đông Bắc, lợi Kiến đại nhân, trinh, cát.

Ở phần trước đã nói; nạn ở đây là nạn lụt, thủy ở trên, sơn ở dưới, nước dâng cao tràn qua núi đồi, tức là nạn lụt khủng khiếp, còn đại Hồng Thủy, đây là quẻ đã được truyền thuyết Việt Nam nói đến trong truyện Sơn Tinh Thủy Tinh, lịch sử Trung Hoa cũng nói đến trong tích vua Đại Vũ trị thủy, độc giả cứ mặc nhiên chấp nhận ức thuyết là cơn đại Hồng Thủy này xảy ra ở miền Bắc và Bắc Trung Việt hiện nay. Khi ấy phía Nam là phía Trung Quốc và ngược lại hướng xích đạo là hướng Bắc. Như vậy Tây Nam trong quẻ này là Tây Bắc của phương hướng ngày nay.

Lợi Tây Nam nghĩa là di chuyển về hướng núi rừng Tây Bắc Việt Nam hiện nay thì có lợi vì đấy là miền núi.

Bất lợi Đông Bắc tức Đông Nam hiện nay vì địa thế vùng này là vùng trũng, nước đang dâng lên thì dĩ nhiên vùng đồng bằng trũng là bất lợi rồi, lợi kiến đại nhân nghĩa là đại nạn gian nan thử thách sẽ xuất hiện đại nhân tức Sơn Tinh hay vua Đại Vũ, Trinh cát ý là: trị thủy phải kiên gan trì chí như vua Vũ suốt 9 năm đào 9 con sông cho nước chảy ra biển mới thành công.

b) Lời Tượng:

Sơn Thượng hữu thủy, kiển, Quân tử dĩ phản thân tu đức.

Quan niệm của người xưa là thiên nhân tương dữ, việc trời và việc người có liên quan chặt chẽ với nhau; mưa thuận gió hòa là do thánh đức của bậc minh quân, còn thiên tai là do sự kém đức của nhà vua, thiên tai là sự trừng phạt của ông trời. Chữ quân tử ở đây chỉ đấng quân vương cai trị trăm họ thấy thiên tai đến với đất nước là do đức độ chưa đủ nơi mình nên phải xem xét lại đời sống, việc làm của mình mà sửa đức, tiến nghiệp. Tu đức là tu dưỡng đạo đức, phản thân là tự kiểm, hay theo đạo công giáo gọi là xét mình ( để xưng tội.) .

c) Lời Hào

c.1) Vãng kiển lai dự.

Tiến đi sẽ gặp nạn, lùi lại được tiếng khen.

Hào sơ là thời nguyên thủy dân trí còn thấp kém lắm chưa thể tiến hành các cải cách xã hội được. Lùi lại tức phải biết chờ đợi, thời cơ chín mùi rồi mới có thể tiến hành được, như làm sao có thể nói đến dân chủ, dân quyền khi cuộc sống còn chủ yếu là săn bắt hái lượm…

Vậy nên phải lùi lại chờ đợi.

c.2) Hào nhị:

Vương thần kiển kiển, phỉ cung chi cố.

Bậc công thần vượt bao hiểm nạn đâu có phải chỉ vì bản thân (vua và quan) mà vì trăm họ, muôn dân.

Hào nhị đắc trung ở thể dưới tượng là bậc công thần.

c.3) Hào Tam

Vãng kiển lai phản

Tiến thêm nữa sẽ mắc nạn, nên quay lại.

Hào Tam chủ lợi lộc, tiếp tục làm giàu hơn nữa sẽ mắc nạn “quá giàu”, là tư sản rồi sẽ có ngày bị đấu tố, khôn hồn thì tránh 2 chữ “đại gia”.

c.4) Hào Tứ

Vãng kiển – lai liên.

Hào tứ trong một quẻ chỉ sự lý luận thái quá, tiến lên nữa thì thành bệnh duy lý. Một bước lên tới trời, khua môi múa mép nhưng trăm voi không được bát nước sáo…

Giảm bớt lại để lý luận không xa thực tế .

c.5) Hào ngũ

Đại Kiển – Bằng lai

Thiên tử gặp nạn, chư hầu phải kéo quân đến giải nạn.

Đại kiển không phải là nạn lớn mà ở giữa 2 chữ có dấu phẩy, nghĩa là bậc lớn hay ông lớn bị nạn lớn ở đây chỉ Thiên tử, chữ bằng không phải là bạn mà chỉ chư hầu. Theo qui chế của nhà Chu, khi thiên tử gặp nạn thì lập tức thông tin cho chư hầu bằng cách đốt lửa tạo khói trên các phong hỏa đài, nhận được tín hiệu báo nguy lập tức các hầu có nghĩa vụ kéo quân về cứu thiên tử.

c.6) Hào thượng

Vãng kiển lai thạc, cát, lợi kiến đại nhân

Tiến thêm nữa gặp nạn, lùi lại gặt hái lớn, tốt lắm. Gian nan, hiểm nạn rèn đúc nên trưởng nhân hay con người trưởng thành.

Đặc biệt quẻ nạn hay kiển nói về hiểm nạn phát sinh từ sự thái quá, và đều khuyên lùi lại, hay giảm bớt đi thì tốt.

Hào Sơ: ngu dốt quá gặp nạn.

Hào Tam: giàu có quá gặp nạn.

Hào tứ: lý luận quá gặp nạn.

Hào thượng: thanh cao quá cũng gặp nạn.

Qua đó minh chứng cho một đạo lý đơn giản: đắc trung thì thành công, thái quá bất cập đều thất bại.

B- Quẻ giải hay giải nạn = Lôi / Thủy

Trung Hoa xưa, nghề nông chủ yếu là trồng lúa nước nên mưa đối với họ có ý nghĩa sinh tử, hạn hán đồng nghĩa là đói kém.

a) Lời Quẻ

Giải, lợi Tây Nam, vô sở vãng, kỳ lai phục cát, hữu sở vãng, túc cát

Quẻ giải nạn, lợi về sự bình yên, nếu việc không bắt buộc phải đi, nên quay lại, còn có việc phải đi nên đi sớm (để về sớm).

Theo quan niệm Dịch lý: phía Tây là hằng, tịnh, an, phía Nam là bình, thường; Tây Nam là phương bình an.

Giải được nạn rồi tức là tái lập sự yên bình hay bình yên.

Mưa tưới cho đất đâm hoa cỏ cây cối tốt tươi, với việc canh tác lúa nước thì kịp thời vụ là quan trọng nên nếu có việc nhưng không bắt buộc thì quay về còn bắt buộc phải đi thì đi sớm về sớm rồi bắt tay vào việc cày cấy nếu để trễ thì coi như hỏng cả vụ mùa.

b) Lời tượng

Lôi vũ tác, giải, quân tử dĩ xá quá, hựu tội.

Sấm mưa là tượng quẻ giải quân tử (minh quân) xem tượng ấy mà khoan thứ cho những sai phạm, ân xá cho phạm nhân.

Giải là giải nạn, giải thoát khỏi sự khổ sở hiểm nguy – đau đớn. Ở đời ai chả có lúc lỗi lầm với những gì vô tình phạm phải, vua có thể khoan dung độ lượng giảm bớt án phạt, còn những phạm nhân đang thụ hình, nếu có sự ăn năn hối cải nhà vua nên ra lệnh ân xá vì hình phạt nhằm giáo hóa, uốn nắn cho cây cong thẳng lại chứ không phải là sự trả thù.

c) Lời Hào

c.1) Hào Sơ

Vô cữu

Tội đã được giải, trở về đời sống bình thường như bao người khác. Không còn gì là tội lỗi nữa.

c.2) Hào nhị

Điền hoạch tam hồ, đắc hoàng thỉ trinh cát.

Dịch nghĩa: đi săn, được 3 con cáo, được mũi tên màu vàng, bền vững thì tốt. Có sức mạnh chính nghĩa (hoàng thỉ), tiêu diệt lũ ác gian (tam hồ = 3 con cáo), kiên trì với chánh đạo, tốt lắm. Người xưa dùng chữ Hồ hay Hồ ly chỉ bọn tà ma, gian ác.

Hoàng là màu vàng sắc trung, thỉ là mũi tên, công cụ chiến đấu tượng trưng cho sức mạnh.

c.3) Hào Tam

Phụ thả thừa, trí khấu chí trinh lận.

Mang vác đồ đạc khi ngồi trên xe chả khác nào mời trộm cướp đến, cứ như thế – nguy hiểm.

Đã mang vác đồ đạc thì đi bộ. Đã ngồi xe thì không mang vác nữa mà bỏ đồ xuống trên xe. Ngồi xe mà còn mang vác để chứng tỏ đấy là đồ quí giá không dám rời ra, làm như thế đúng là chỉ vẽ mời mọc bọn trộm cướp đến .

c.4) Hào Tứ

Giải nhi mẫu, bằng chí tư phu

Phải cởi giải (bỏ) những ràng buộc thấp hèn thì mới có thể tiến thành kết giao với người quân tử.

Những phần tử ưu tú trong xã hội ngày nay có thể nào thành tín kết giao với đám “bợm” sáng xỉn chiều say?

Việc này tương tự như ngày nay muốn được kết nạp vào hàng ngũ cán bộ ưu tú thì bản thân phải có thời gian phấn đấu, rèn luyện tức…. “giải nhi mẫu” hay giã từ quá khứ tội lỗi… thấp hèn để được đứng vào hàng ngũ của những vị “thánh sống” giữa đời thường cùng nhau quyết tâm biến mặt đất này thành thiên đường.

c.5) Hào ngũ

Quân tử duy hữu giải, cát, hữu phu vu tiểu nhân.

Chỉ có quân tử mới có thể giải nạn, tốt lắm, người quân tử ấy có lòng thành tín tới độ cảm hóa được cả lũ tiểu nhân.

Giải nạn bao giờ cũng đòi hỏi nhiều hy sinh vất vả nên chỉ có bậc quân tử hay trưởng nhân mới có thể thực hiện được… lòng thành tín của con người đến tột cùng có thể cảm động đến cả trời đất huống gì tiểu nhân.

c.6) Hào thương

Công dụng xạ chuẩn vu cao dung chi thượng , hoạch chi ,vô bất lợi.

Vị công tước bắn trúng con chim dữ trên bờ thành cao, hạ được nó rồi không gì không lợi (việc gì cũng lợi). Hào cuối của quẻ giải, bắn chết con ác điểu đang thống trị mặt đất ý nói tên hôn quân vô đạo, hạ nó rồi cả thiên hạ được giải thoát khỏi sự lầm than khổ ải, có thể hào từ này nói đến chuyện Vũ vương giết Trụ vương nhà Thương Ân lập nên nhà Chu, Trụ vương Chính Là ác điểu .

Share this post


Link to post
Share on other sites

Dịch học bài 40

21. Cặp Quẻ Bớt - thêm hay tổn – ích

Posted Image

Cặp Quẻ này trùng tên trong Dịch học họ Hùng và Dịch của Tàu, vì chữ tổn và ích bản thân nó đã là từ Việt thường dùng.

Tổn và ích nghĩa là một bên bớt đi để tăng thêm cho bên kia.

Muốn phát triển thì phải tiết kiệm để đầu tư, tiết kiệm là tổn, phát triển là ích.

Chính sách thuế khóa và an sinh xã hội cũng là tượng của cặp quẻ tổn – ích. Người thu nhập cao phải chịu thuế nặng đấy là tổn, chính phủ lấy tiền ấy để thực hiện sự nâng đỡ giúp đỡ tầng lớp nghèo đấy là ích.

Nhà vua trích kho lẫm, cứu tế dân nghèo nhưng kỳ thực là làm ích cho chính mình, tổn một ít của cải, được ích vô cùng lớn hết cả thần dân tôn xưng là vì vua hiền minh như vậy có phải là đổ móng cho thêm chắc ngai vàng không ?

A- Quẻ bớt hay tổn = Sơn/ Trạch

Về hình tượng thì sơn cao lên, hồ trũng xuống, lấy bề cao đổ xuống để giảm độ trũng sâu, như thế vì bề cao giảm đi nên gọi là tổn hay giảm bớt.

a) Lời Quẻ:

Tổn, hữu phu nguyên cát vô cữu khả trinh, lợi hữu du vãng, hạt chi dụng nhị qủy khả dụng hưởng.

Vua giảm bớt xa hoa (để bù cho dưới bằng các công trình phúc lợi chung) có lòng chí thành vô cùng tốt đẹp làm gì còn có lỗi, sự nghiệp bền vững vì biết tiết kiệm để phát triển đất nước, lòng mình như thế chỉ cần dâng cúng thần linh bằng 2 bình hương (hay 2 bát thóc) cũng đủ được chứng giám rồi.

B) Lời tượng:

Sơn hạ hữu trạch: tổn, quân tử dĩ thí lộc cập hạ,

nếu lấy bớt chiều cao của sơn bù vào bề sâu của hồ thì hồ bớt sâu, xem tượng ấy quân tử phải ban phát lợi lộc cho người kém hơn mình, còn chỉ nói chuyện đạo đức suông, thì không tránh khỏi sự khinh ghét của bên dưới.

Cư đức tắc kỵ là chỉ biết giữ cái bề ngoài đạo đức nơi mình còn một ly cũng không rời thì chắc chẳng ai ưa.

c) Lời Hào

c.1) Hào Sơ

Dĩ sự, thuyên vãng, vô cữu, chước tổn chi.

Cần kíp mau lẹ cho kịp thời, không lỗi.. Bớt đi (số lượng) một ít cũng không sao.

Gặp việc cần kíp thì quý nhất là kịp thời, thí dụ việc cứu đói thì ít đi một chút cũng được nhưng đáp ứng ngay lúc đó, còn đã chết rồi thì đem đến nhiều cũng ích chi, nên nếu vì cần kíp mà phải bớt đi cũng không tội gì.

c.2) Hào nhị:

Lợi trinh, chinh hung, phất tổn ích chi.

Vị trí hào nhị là đắc Trung hạ thể, ý nói sự tính toán khoa học hợp lý, cứ duy trì điều ấy có lợi, gây chiến là điều nguy hiểm, giữ được như thế tức không tổn mình mà ích người hoặc không hao tổn gì (do chiến tranh) mà vẫn được ích vậy (phát triển được)

c.3) Hào Tam

Tam nhân hành tắc tổn nhất nhân, nhất nhân hành tắc đắc kỳ hữu.

Ba người cùng đi, tất phải bớt một người, một người đi tất sẽ được bạn.

Nguyên lý số một của Dịch học là sự cân bằng lưỡng lập, nhất âm – nhất dương hợp thành một đơn vị Dịch lý.

Ý Hào tam là có 2 nhóm người: nhóm này có 3 người ; nhóm khác chỉ 1 người, tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng “tổn – ích”, bớt một đàng thêm cho một đàng để cả 2 đạt thăng bằng. Cụ thể: 2 người một nam một nữ sẽ lập thành một gia đình, còn người thứ 3 là thừa…. Trong khi đó nhóm bên kia chỉ có một người lẻ loi , tình cảnh đó tất dẫn đến sự trao đổi các phần tử để đạt thăng bằng cho cả 2 nhóm.

Hào Tam đưa ra một điển hình của tổn và ích.

c.4) Hào Tứ:

Tổn kỳ tật, sử thuyên, hữu kỳ vô cữu.

Giảm bớt thói hư tật xấu nhanh chóng có nhiều bạn, có việc vui không lỗi gì.

Tay bợm sáng xỉn chiều say bớt hẳn việc ăn nhậu thực là điều vui mừng cho gia đình và cả cho bà con chòm xóm nữa. Dĩ nhiên đấy là chuyện vui cho mọi người.

c.5) Hào ngũ:

Hoặc ích chi thập bằng chi quy phất khắc vi, nguyên cát.

Hào từ hào ngũ chắc là nhắc đến sự tích “Việt Thường cống rùa” cho Nghiêu đế.

Vào đời vua Nghiêu (đế Nghi) , nước Việt Thường ở phía nam Giao Chỉ cống nhà vua con rùa lớn trên lưng có khắc lịch sử Trung Hoa từ thời mở nước bằng chữ Khoa đẩu.

Vì vậy mới nói con rùa quý có giá trị bằng 10 bằng hay 20 bối (có sách nói là 10 bằng = 100 bối), bằng, bối là 2 đơn vị đo lường thời cổ, ta chỉ hiểu ý là có giá trị lớn lắm…

Việc dâng và nhận rùa này cực kỳ tốt. Đặc biệt hào tứ này không hiểu là có sự lẫn lộn hay không ; trong Quẻ tổn lại có một hào ích chen vào?

c.6) Hào thượng

Phất tổn ích chi, vô cữu, trinh cát, lợi hữu du vãng, đắc thần vô gia.

Có tổn thiệt gì đâu, chỉ được ích thôi, không lỗi gì, lâu dài thì tốt lắm, dùng cải hóa cuộc đời mình, đắc đạo thần tiên chu du khắp nơi (thần vô gia).

Cực cấp của tổn là đánh mất luôn bản năng –dục vọng trong thân xác mình, không còn tham – sân – si, chữ lợi hữu du vãng nghĩa đen là tiến đi thì có lợi, ở đây dùng với nghĩa bóng rất đặc biệt: dùng cải hóa đời mình tức đi tu tiên, đắc đạo sẽ trở thành “thần vô gia” hay bậc thần chu du khắp nơi.

B/ Quẻ Thêm = Phong/ Lôi

Sấm gió nương theo nhau, tức 2 hiện tượng đó hỗ tương thúc đẩy phát triển để đi đến kết quả là cơn mưa sẽ tới.

Đó là hiện tượng trong tự nhiên còn trong Dịch học quẻ ích có ý nghĩa rất đặc biệt, phong là chế độ chính trị, lôi là công cụ sản xuất.

Ta thấy: chế độ chính trị dựa trên cơ sở vật chất là trình độ khoa học kỹ thuật hay cụ thể hơn là công cụ sản xuất, 2 mặt này tác động qua lại thúc đẩy nhau phát triển nên Dịch gọi là ích tức làm ích cho nhau nghĩa là thúc đẩy nhau phát triển .

Cũng có thể hiểu ích là làm lợi cho nhau.

a) Lời Quẻ

Ích, lợi hữu du vãng, lợi thiệp đại xuyên .

Làm lợi cho nhau: tiến đi thì lợi, lợi vượt sông lớn.

Quẻ ích thúc đẩy nhau tiến lên, từng bước thăng tiến xã hội loài người ngày càng văn minh hơn.

B) Lời tượng:

Ích: quân tử dĩ lạo dân, khuyến tướng.

Trời xám xịt, gió thồi ào ào, sấm chớp vang rền là lúc trời đất chuyển mình, thấy vậy dân có phần lo sợ, bậc trưởng nhân biết trước việc chuyển mình hung dữ ấy lại là điềm lành báo hiệu cơn mưa sắp đến, chuẩn bị cho mùa màng tốt tươi nên trưởng nhân phải an ủi vỗ về dân trong cơn lo sợ đồng thời khuyến khích dân hăng hái chuẩn bị cho vụ mùa, rộng hơn là khuyến khích dân cải tiến kỹ thuật, chế tạo công cụ sản xuất để nâng cao năng suất tạo dựng cuộc sống ngày một ấm no, văn minh hơn lên (ý nghĩa quẻ lôi).

c) Lời Hào

c.1) Hào Sơ

Lợi dụng vi đại tác, nguyên cát – vô cữu

Dùng sự tương tác này mà phát triển xã hội tiến đến văn minh (đại tác) không gì tốt hơn còn gì lỗi nữa.

Tương tác ở đây là sự thúc đẩy qua lại của phong: chế độ chính trị và lôi là công cụ kỹ thuật.

Dịch học có những câu mà tới nay gần 3000 năm sau vẫn khó hiểu trong đó có:

- Xuất hồ chấn

- Tề hồ tốn

Xuất tức là khởi động tiến trình phát triển, xuất từ quẻ chấn nghĩa là đầu tiên phải cải tiến công cụ kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động, cải tiến công cụ lao động có nghĩa là thay đổi về cơ bản mối tương quan giữa con người và thế giới tự nhiên, sự thay đổi này tất yếu dẫn đến sự thay đổi trong tương quan – người – người biểu hiện ở 2 mặt là chế độ kinh tế và chế độ chính trị (tề hồ tốn), tới lượt chế độ kinh tế và chính trị sau khi cải cách sẽ giải phóng tiềm lực vô cùng lớn lao trong nhân dân, và nguồn lực ấy lại được tái huy động vào guồng máy sản xuất phát triển, cứ như vậy mà xã hội con người tiến lên.

c.2) Hào nhị

Hoặc ích chi thập bằng chi qui, phất khắc vi, vĩnh trinh, cát, vương dụng hưởng vu đế cát.

Ở hào ngũ quẻ tổn ta đã đặt dấu hỏi thì tới hào này mới hiểu 2 hào giống hệt nhau về sự việc và ý nghĩa (xin xem lại)

Có người tặng hay cống con rùa vô cùng quí giá, không thể từ chối, bền vững mãi mãi, tốt lắm, vương làm lễ tế cáo TiênVương rất tốt.

Rõ ràng đây là điển tích Việt Thường cống rùa cho đế Nghi ..

c.3) Hào Tam

Ích chi dụng hung sự, vô cữu, hữu phu, trung hành, cáo công dụng khuê .

Làm ích cho người bằng cách bắt vượt qua gian lao nguy hiểm, không lỗi, có lòng thành tín đi đường ngay nẻo chính, những điều này được báo với vị Công đang chủ trì việc tế tự. Thay vua (ý chỉ Chu công nhiếp quyền); bắt vượt hiểm nguy là cho cơ hội thử thách, nếu thể hiện được tài đức sẽ cất nhắc lên, như vậy rõ ràng ý muốn làm ích cho.

c.4) Hào tứ

Trung hành, cáo công tòng, lợi dụng vi y thiên quốc.

Tận trung, ngay thẳng trình với vị công tước nhiếp quyền, được chấp nhận, dùng việc thiên đô làm ích cho quốc dân.

Đây là tích nói về việc xây dựng thêm Đô Thành phía đông, tức Lạc Ấp vì Hạo Kinh quá thiên về phía Tây, việc liên lạc xử lý công việc thuộc phía đông đất nước thường chậm trễ không kịp thời từ đấy nhà Chu có 2 kinh đô Đông và Tây. ( Tây đô là Côn minh Đông đô là Hà nội ? ) .

c.5) Hào ngũ

Hữu phu, huệ tâm vật vấn, nguyên cát, hữu phu, huệ ngã đức.

Thành thực, lòng dạ trong sáng còn nghi ngờ gì nữa, hết sức tốt đẹp người người tin tưởng vào sự ngời sáng nơi đức độ của ta.

Quí tộc cũ nhà Ân Thương chống đối nhà Chu, bị Chu công bắt đem về định cư ở Lạc Ấp, do chính ông trực tiếp cai quản, việc làm vừa ân vừa uy của ông đã cảm hóa được họ, sau Lạc Ấp hay Loa Thành trở thành kinh đô nhà Đông chu, Chu Công được người Việt rất kính trọng gọi là tướng quân Cao Lỗ, người đã xây Đại La Thành hay thành Cổ Loa và trực tiếp trấn nhậm ở đấy đến hết đời. Ông là bậc đại trí, đại đức, một trong những người đã sáng tác Chu Dịch lưu truyền đến tận ngày nay.

c.6) Hào Thượng

Mạc ích chi, hoặc kích chi, lập tâm vật hằng hung

Lòng tham không đáy mong được ích hoài, bị công kích mãi không bằng lòng lúc nào cũng nhấp nhổm, nguy tai.

Ơn ích đến với mình có thời có lượng thôi, mong cầu mãi là tham lam như thùng không đáy, đã được lại cứ muốn được thêm, tính cách như thế dĩ nhiên sẽ bị chỉ trích, người như thế không lúc nào trong lòng thanh thản an định, bằng lòng với hiện tại. Như thế sẽ rất nguy hiểm, thế nào rồi họa cũng đến nơi.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Dịch học họ HÙNG . bài 41

22. Cặp Quẻ : Kể – Quyết (cả)

Posted Image

Dịch học của Tàu gọi là: Cáo – quyết, cáo cũng nghĩa là kể ra, nói ra.

Ý là: luật pháp hay những điều triều đình đã quyết phải phổ biến cho mọi người tức là tính công khai và minh bạch của luật pháp.

Quyết là dứt khoát như thế không thay đổi,. Đã quyết rồi mà không phổ biến rộng rãi thì ai biết rõ mà chấp hành.

Dứt khoát, cứng rắn và công khai minh bạch là yếu tính của nền pháp trị.

Ta thấy ngay từ thời phong kiến mà các tác giả Dịch học đã có quan điểm vượt rất xa thời đại mình, hơn 3000 năm sau vẫn hoàn toàn đúng, ngay người “đương thời” cũng vẫn phải noi theo.

A- Quẻ: Kể (cả) Thiên/ Phong

Gió di chuyển dưới trời tức sát mặt đất đấy là tượng truyền thông, hay phổ biến thông tin rộng khắp đến mọi nơi cho mọi người.

a) Lời Quẻ:

Cáo, nữ tráng vật dụng thú nữ.

bọn tiểu nhân đang thịnh thời, không thể bộc trực lôi ruột lôi gan mình ra lúc này.

Ở nước Việt ta như Chu Văn An bộc trực khẳng khái dâng sớ xin chém 7 tên nịnh thần hại nước hại dân, nhưng nào có kết quả bọn chúng vẫn phây phây, muốn vạch tội chúng tức “cáo” thì cũng phải lựa thời thế, cả triều chính là vây cánh của lũ gian thần ấy thì vua cũng chẳng dám nghe mình, bộc trực lúc này coi chừng thiệt thân mà thôi.

b) Lời tượng:

Thiên hạ hữu phong, cáo, hậu dĩ thí mệnh cáo tứ phương

Dưới trời có gió là tượng quẻ cáo-kể lãnh đạo xem tượng đó mà ban lệnh truyền cho 4 phương, khắp nơi đều rõ.

Mệnh lệnh ban ra mà không phổ biến tới mọi người thì cũng như không, phong ở đây tượng trưng cho sự truyền thông hay đưa tin, nói theo lối nói ngày nay thì luật pháp và mệnh lệnh ban ra phải công khai và minh bạch thì mới thực hiện được.

c) Lời Hào

c.1) Hào Sơ

Hệ vu kim nị, trinh cát hữu du vãng kiến hung, luy thỉ phụ trục trịch.

Ngừng công việc cải cách lại, giữ nguyên như thế thì tốt, tiến hành công việc sẽ gặp nguy, đám tiểu nhân nhảy nhót múa may quay cuồng lôi kéo mọi người

Hào Sơ là thời buổi ban sơ dân trí còn thấp lắm, đưa ra những cải cách sẽ gặp phản ứng không tốt, thậm chí nguy hiểm cho đại cuộc, vì quyền lợi của nó đám tiểu nhân đang vận động, kéo bè cánh lung tung để chống lại mình.

c.2) Hào nhị

Bào hữu ngư vô cữu, bất lợi tân

Bỏ cá vào cái bao, không lỗi đâu. Không cho nó gặp khách, giữ bí mật thông tin về tình hình quốc gia không lỗi gì, khách ra vào nhà không có lợi.(khó cho sự bảo mật)

Kẻ địch muốn tiến đánh nước mình trước hết bao giờ chúng cũng thu thập tin tức, dựa vào tin tức đó chúng mới có thể phác thảo kế hoạch tấn công. Bất lợi khách ra vào nhà là trong số đó thế nào cũng có gián điệp đi nắm tình hình. Ý hào là có những lúc phải cách biệt thông tin giữa trong nước và ngoài nước.

c.3) Hào Tam

Đồn vô phu, kỳ hành từ thư, lệ vô đại cữu

Mông đít không da, đi chập choạng, có nguy nhưng không lỗi.

Chỉ huy mà không nắm được thông tin nơi chiến trường thì dựa vào đâu mà suy nghĩ quyết định kế hoạch nên hào từ nói không có cơ sở và tiến đi chập choạng. Không có kế hoạch chặt chẽ hướng dẫn, mò mẫm bước đi, có phần lo nhưng không mắc lỗi lớn.

c.4) Hào Tứ

Bào vô ngư, khởi hung .

không có cá trong bao, bắt đầu việc cải cách sẽ nguy hiểm.

Bọn tiểu nhân không có đứa nào bị bắt giữ cả, tức là bọn chúng đang rộng đường tác yêu tác quái, quân tử không thể phát động việc cải cách lúc này sẽ rất nguy hiểm, cũng có thể hiểu:

Mù tịt, làm sao phát động, liều lĩnh sẽ nguy hiểm.

Binh pháp có câu: Biết người biết ta trăm trận trăm thắng, không biết một chút gì về địch quân, không thể xuất quân hành binh được, tình thế vô cùng nguy hiểm.

c.5) Hào ngũ

Dĩ kỷ bao qua, hàm chương, hữu vẫn tự thiên.

Dây leo dựa vào thân cây gỗ, phải có sẵn chương trình hành động thì trời mới mở cho thời cơ hành động, không có sự sẵn sàng thì trời cũng đành bó tay.

Cây dây leo phát triển được nhờ bám vào thân cây gỗ, lý luận là sự tổng kết cô đọng từ thực tiễn lý luận muốn phát huy buộc phải dựa trên thực tiễn.

Hoặc cũng có thể hiểu:

Bậc trưởng nhân phải bao dung, nuôi dưỡng các hiền sĩ, như chứa sẵn sự tốt đẹp vậy, có sẵn sàng như thế thì trời mới ban cho thời cơ hành động.

Như Mạnh Thường Quân trong nhà nuôi cả ngàn tân khách, để gặp thời sẽ dùng đến.

Thân đau ốm mà không chịu uống thuốc chỉ cầu nguyện ơn trên... thì trên cũng đành bó tay vì ơn ích không có cầu dẫn suất làm sao đến nơi được, không sẵn sàng kế hoạch hành động thì thời cơ không thể đến, trời muốn giúp lắm cũng đành chịu.

c.6) Hào Thượng

Cáo kỳ giác, lận, vô cữu

Việc đã gần xong mới báo cáo, đáng tiếc vì đâu còn gì mà xử lý… nhưng không lỗi là do khách quan, khoảng cách quá xa, thông tin đến không kịp thời.

Giác là cái sừng ở trên đầu là vị trí cao nhất tượng là việc đã sắp xong rồi , không sửa đổi gì được nữa, có báo cáo cũng bằng thừa.

B- Quả Quyết = Trạch/ Thiên

Trạch là sự hiểu biết hay tri thức, thiên hay kiền là sự cương mãnh.

Quyết là quyết định dứt khoát mạnh bạo dựa trên cơ sở tri thức khoa học

a) Lời quẻ:

Quyết, dương vu vương đình, phu hiệu hữu lệ, cáo tự ấp, bất lợi tức nhung, lợi hữu du vãng.

Tuyên cáo tội trạng của nó trước triều đình, lấy lòng chí tín mà phát nghiêm lệnh, thông báo cho cả ấp quốc biết, mối đe dọa của giặc “Từ Nhung”, tiến lên ắt thắng lợi.

Vũ Canh con của Trụ Vương được phong tước hầu cai trị ở kinh đô cũ của triều Ân Thương – đã âm mưu cùng người Đông Di, Từ Nhung nổi loạn chống lại triều Chu, Chu Công đã phát binh đích thân đánh dẹp, 3 năm mới đem lại bình yên, cuộc hành quân này gọi là cuộc Đông chinh, đám quí tộc nhà Ân Thương gọi là ngoan dân (dân ngoan cố) bị Chu công dời về sinh sống ở Lạc Ấp, Chu Công cho xây ở đấy Đô Thành thứ 2 của triều Chu và đích thân trấn nhậm ở đấy để giáo hóa đám ngoan dân này .

b) Lời tượng:

Quyết, quân tử dĩ minh thứ chính vô cảm chiết ngục.

Quân tử làm sáng tỏ chính sự và không để tình cảm chen vào và khi phán quyết tội trạng và hình phạt.

Làm sáng tỏ chính sự là mọi quyết định về chính sách quốc gia đều công khai, rõ ràng ở triều đình.

Phán quyết về tội danh và án hình một cách hết sức cẩn trọng, dứt khoát “pháp bất vị thân” tức không để tình cảm chen vào sự luận tội .

c) Lời Hào

c.1) Hào Sơ

Tráng vu tiền chỉ, vãng bất thắng vi cữu.

Chủ mạnh ở ngón chân thì làm sao mà đi, ngón chân không có công dụng gì trong việc bước đi, nó phụ thuộc hoàn toàn vào hệ cơ bắp của chân, sức như vậy mà cứ tiến thì nên công trạng gì ? Đấy là lỗi lầm.

Đại khái như một đạo quân xung trận mà chỉ mạnh ở “công binh” thì thắng ai được, vậy mà cứ tiến bừa là lỗi của người cầm quân.

c.2) Hào nhị

Dịch hào, mộ dạ hữu nhung vật tuất

Lúc nào cũng sẵn sàng tác chiến dù ban đêm giặc Từ nhung kéo đến cũng không lo gì.

Dịch hào là hô hào, cảnh giác.

c.3) Hào Tam

Tráng vu cưu (quỳ) hữu hung, quân tử quyết quyết, độc hành ngộ vũ, nhược nhu, hữu uẩn, vô cữu.

Hăng mạnh lộ ra mặt là điều nguy hiểm, quân tử hay bậc trưởng nhân quyết thực hiện điều đã quyết, một mình đi bị mưa ướt hết trang phục, có chút điều tiếng bực mình nhưng không lỗi gì.

Sự hăng mạnh lộ ra mặt, nguy hiểm vì bọn tiểu nhân có thể đoán biết mà ra tay trước trừ khử mình, bậc trưởng nhân khi đã quyết là quyết tới cùng, một mình cũng tiến đi dù gian lao vất vả tới đâu đi nữa , dù có điều tiếng gì đi nữa cũng bỏ ngoài tai đường ta ta cứ đi chó sủa mặc chó, như vậy đâu có lỗi gì.

Hào từ này mô tả tình cảm và hành động của ông Chu Công.

Anh ông là Vũ Vương thăng hà, cháu ông là Thành Vương còn nhỏ nối ngôi cha, ông nắm quyền nhiếp chính cai quản quốc gia, khi Vũ Canh là hậu duệ nhà Ân Thương cùng bọn Đông Di Từ Nhung nổi loạn Chu Công thống lãnh binh quyền đánh dẹp , ở triều đình có người nghi ngờ về lòng trung quân của ông, thống lãnh binh lực và mọi quyền hành trong tay sợ ông cướp ngôi của cháu…. Ông bỏ ngoài tai tất cả và kiên quyết đông chinh , sau này Thành Vương trưởng thành ông đã không chút đắn đo trao trả quyền điều hành đất nước cho cháu và một lòng cúc cung tận tụy phục vụ nhà Chu tới cuối đời.

c.4) Hào Tứ

Đồn vô phu, kỳ hành từ thư, khiên dương, hối vong, văn ngôn bất tín.

Mông đít không da, đi chập choạng như dắt dê, hối hận không còn, nghe nói nhưng không tin.

Hào cửu tứ chỉ sự thái quá, không có lý luận khoa học dẫn đường, mò mẵm mà đi (vừa chạy vừa xếp hàng); Hành động cách mạng phải đi sau lý luận cách mạng như người chăn dê thì đi sau đàn dê như thế sẽ không phải ăn năn, dù địch học đã chỉ dạy mà không tin theo nên mới ra như vậy.

Học thuyết tiến hóa hay lý luận khoa học chính là Dịch học, ý hào này là trước khi tiến hành việc quốc gia đại sự phải cẩn thận dựa trên cơ sở khoa học mà hoạch định kế hoạch tỉ mỉ

c.5) Hào ngũ

Nghiễn lục quyết quyết, trung hành vô cữu

Nhổ cỏ nhổ tận gốc, hay dứt khoát dọn sạch cỏ rác, cứ đường ngay nẻo chính mà đi thì còn lỗi gì.

c.6) Hào thượng

Vô hào, chung hữu hung

Không nghe lời cảnh báo, cuối cùng sẽ mắc nguy hiểm.

Hào thượng chỉ sự tột cùng, quyết tột cùng trở thành độc đoán, độc tài nên mắc hung.

Cạnh lãnh đạo bao giờ cũng có cơ quan tham mưu, cơ quan này dựa trên khoa học và các yếu tố khách quan mà dự đoán xu thế phát triển của sự vật mà phác thảo kế hoạch trình cho lãnh đạo, không thèm để ý đến các ý kiến tham mưu tự quyết đoán theo cảm tính hay ý định chủ quan của riêng mình, như vua Trụ nhà Ân Thương cuối cùng mang họa sát thân.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Dịch học bài 42

23. Cặp Quẻ Lỏng – Khỏng (Khoảng)

Posted Image

Đồng nghĩa với cặp quẻ vô vọng - đại súc của Dịch học Tàu, lỏng là trống không ; khỏng là chữ viết trệch đi của chữ khoảng hay quảng nghĩa là nơi rộng rãi có sức chứa lớn.

Dịch học Tàu gọi là: vô vọng - đại súc, ý nghĩa là trong lòng mình có lỏng hay trống không tức không trông mong gì lợi lộc cho riêng mình, thì lòng nhân ái rộng mở yêu thương tha nhân rất mực, như thế là đại súc.

Lỏng – khỏng là tột cùng đức ái, may ra chỉ thánh nhân mới có được.

Ta so sánh với cặp quẻ:

Lý – Tiểu súc

Vô vọng – đại súc

Dùng lý để phân định đúng sai, phải trái với người chỉ là sức chứa nhỏ vì còn cần tợi liều lượng , phải không mong điều gì cho mình tức không còn phân biệt của ta hay của người thì lúc ấy phải – trái, hợp lý hay không hợp lý trở nên vô nghĩa khi ấy lòng nhân ái trở nên vô bờ tức: Đại Súc. Đại Súc còn nghĩa nữa là chứa điều to lớn, Dịch học cho những việc về vật chất tiền nong, cuộc sống v.v… là việc nhỏ, còn đạo đức là cái lớn, đại súc là tích chứa đạo đức.

A- Quẻ Lỏng: địa/ phong

Quẻ địa phong vô vọng hay lỏng có tượng :

Đất là nơi ta ở mà có gió thổi ở dưới như thế chỉ có ở đỉnh núi hay hang động nơi núi cao.

Tới đây ta hiểu ra, tại sao các đạo sĩ đắc đạo của Lão giáo đều tu tiên trên đỉnh núi, ngày nay ở Trung Hoa và Việt Nam còn nhiều ngọn núi được coi là linh thiêng gắn liền với tên tuổi của những đạo sĩ đắc đạo trở thành thần tiên.

Lòng mình trống không, không gợn một chút lợi danh thực thanh cao vô cùng, người không còn mong mỏi trông đợi gì cho mình thì tấm lòng trở nên quảng đại… quảng đại chính là đại súc.

Địa thượng cũng tượng là cái hang trống chỉ có gió luồn bên trong đấy là hình tượng của sự trống rỗng.

a) Lời quẻ:

Lỏng, nguyên hanh lợi trinh, tàng phủ chính, hữu sảnh, bất lợi hữu du vãng.

Không mong mỏi gì là đã hàm chứa 4 nguyên đức của thiên đạo, nếu lòng không thực sự như thế chỉ có tai họa, không thể thăng tiến được.

Không mong mỏi gì cho mình là vô cùng cao thượng, đạt được như thế ắt đã ngộ thiên đạo nên lòng chứa được cả 4 nguyên đức, nguyên hạnh lợi trinh, điều cốt yếu là phải thực như thế, còn nếu là giả trá để kiếm danh vị hay sự tôn vinh của người đời thì tai ương tất đến vì cái kim giấu lâu ngày trong bọc thế nào cũng có lúc lòi ra, lúc ấy chẳng dám nhìn ai nữa còn nói gì đến sự thăng tiến.

b) Lời tượng:

Vật dữ vô vọng, tiên vương dĩ mậu đối thời, dục vạn vật.

Bậc minh quân không mỏi gì cho riêng mình, mà chỉ lo cho muôn dân, tùy tình thế thời buổi mà chăm lo cho dân.

Thí dụ: mùa hè mà phát chăn bông thì đâu ơn ích gì.

Hoặc lúc dân đang đói mà giảng đạo đức, lễ nghĩa thì sao có hiệu quả.

Vào mùa cấy mà vua làm lễ cày tịch điền cầu mưa thuận gió hòa là mậu đối thời dục vạn vật.

Dân đã khá giả sung túc thì dạy dân lễ nghĩa cho phong hóa xã hội ngày một tốt đẹp hơn lên, đấy là mậu đối thời dục vạn vật.

c) Lời Hào

c.1) Hào Sơ

Vô vọng vãng cát

Lòng không mong mỏi gì riêng tư mà tiến hành công việc thì thực là tốt, ở đây chữ vô vọng đồng nghĩa với chí công vô tư.

c.2) Hào Nhị

Bất canh hoạch bất tri dư, tắc lợi hữu du vãng

Không trồng trọt sao có thu hoạch không khai hoang thì làm sao có ruộng, phải tiến hành thì mới mong kết quả chứ (điều lợi).

Hào từ này chỉ rõ nghĩa chữ vô vọng, vô vọng không có nghĩa là không trông chờ… nếu có gieo thì phải mong gặt hái chứ, có lao nhọc thì phải trông chờ thành quả chứ.

Vô vọng nghĩa ở Dịch học là không mưu lợi riêng cho mình mà lo cho toàn thể nghĩa là cán bộ khi lo việc nước thì đừng có trông mong chấm mút, đừng có rút một công trình, còn đối với mọi người khi làm thì dĩ nhiên phải trông đợi kết quả sao lại vô vọng được.

c.3) Hào Tam

Vô vọng chi tai, hoặc hệ chi ngưu, hành nhân chi đắc, ấp nhân chi tai.

Họa không mong mà đến, như có người cột trâu cạnh đường bị người đi đường dắt mất, người trong ấp lại bị nghi ngờ, đúng là tai bay vạ gió.

Tai vạ thì có ai mong đâu nhưng vẫn xảy ra, sở dĩ vậy là tại người không cẩn trọng, không lường trước sự việc để mất của, còn gây xào xáo rối loạn trong chòm xóm thật đáng trách.

c.4) HàoTứ

Khả trinh vô cữu

Liệu có bền không ? Không lỗi.

Hào tứ chỉ sự thái quá, không lâu dài được đâu chỉ đắc trung mới trường cửu, không lỗi vì ngoài ý muốn chủ quan. Còn nghĩa nữa, tiểu nhân giả vô vọng hay giả chí công vô tư để leo lên cao, khi có địa vị rồi, có thể “ăn” được rồi liệu nó còn giữ bộ mặt giả nhân giả nghĩa được bao lâu? Nên hào tứ nói nếu giữ được vô vọng lâu dài thì mới không lỗi vì lâu dài như thế chứng tỏ lòng “vô vọng” thật sự.

c.5) Hào ngũ

Vô vọng chi tật, vật dược hữu hỷ.

Tật bất cần đời, không cần thuốc thang gì cũng tự khỏi vì một khi bụng đói thì chân tất phải bò,

c.6) Hào thượng

Vô vọng hành, hữu sảnh, vô du lợi.

Đi mà không cần đến tức hành động không có mục đích, có tai họa, không ích lợi gì.

Làm cho có làm không mong gì thành công, hao phí tài lực của xã hội đó là tai họa.

Còn ích lợi gì nữa? . Không nói sợ người ta bảo mình câm nên nói bừa nói đại Nói không suy nghĩ chẳng cần người hiểu miễn người ta đừng tưởng mình câm là được, người trí như thế tính như thế thì sớm muộn gì cũng có tai họa, người đời thường gọi là vạ miệng.

B/ Quẻ khoảng = trạch/ địa (quảng)

Khoảng ở đây là khoảng rộng, chứa được số đông, biến âm của chữ quảng trong quảng đại là to lớn rộng rãi tức đại súc

Đại súc có thể hiểu theo 2 nghĩa:

Đại súc là sức chứa lớn lao.

Đại súc là chứa điều to lớn.

Cả 2 nghĩa đều đã bàn ở phần trước rồi

Hồ ở trên đất, vững chãi chắc chắn trên nền móng to lớn của đất nên sức chứa cũng to lớn lắm.

a) Lời quẻ

Đại súc, lợi trinh, bất gia thực, lợi thiệp đại xuyên

Có tấm lòng quảng đại, bền vững lâu dài thì vô cùng tốt, bất gia thực ý là: không ăn cơm nhà vì đã là người của công chúng. Tấm lòng quảng đại hết sức cần cho công cuộc phát triển.

Đại súc là mình vì mọi người, bất gia thực là mọi người vì mình.

b) Lời tượng:

Đại súc, quân tử dĩ đa thức, tiền ngôn vãng hành dĩ súc kỳ đức

Chứa sự to lớn, bậc trưởng nhân bằng nhiều cách, học hỏi lời xưa tích cũ của tiền nhân, lấy đấy làm tấm gương noi theo để rèn luyện nuôi dưỡng đạo đức tốt lành nơi mình.

c) Lời Hào

c.1) Hào Sơ

Hữu lệ – lợi dĩ

Có điều phải lo, dừng lại tốt hơn. Hào sơ ở vị trí thấp nhất, ở quẻ này chỉ công đức nơi mình còn mỏng lắm. Chưa thể tiến lên vị trí cao hơn, phải dừng lại để lo bồi dưỡng đức độ. Tạo nền tảng cho vững đã.

c.2) Hào nhị:

Dư thoát phúc (bức)

Xe văng mất bánh

Phát triển xã hội phải dựa trên tiến bộ khoa học kỹ thuật, tức sự phát triển đòi hỏi phải có cơ sở vật chất tương ứng. Không thể tiến lên nếu xe không có bánh là vậy.

Nghĩa thứ 2 là: địa vị xã hội phải dựa trên nền tảng tài và đức. Không đủ tài đức mà bon chen địa vị thì khác gì xe không bánh làm sao mà tiến được.

c.3) Hào Tam

Lương mã trục, lợi gian trinh, nhật nhàn dư vệ, hữu du vãng.

Cơ sở vật chất kỹ thuật và chế độ xã hội như 2 con ngựa đuổi nhau, con này tiến đi, con kia đuổi theo vượt qua, con này lại đuổi theo cứ như thế mà tiến tới, công cuộc tiến hóa rất gian nan khúc khuỷu phải bền lòng mới thắng lợi. Phải nắm vững quy luật tiến hóa để điều khiển công cuộc phát triển mới có thể thành công hay tiến triển tốt đẹp (hữu du vãng)

c.4) Hào tứ

Đồng ngưu chi cốc, nguyên cát .

phải cột buộc con nghé ngay khi chưa mọc sừng, rất tốt.

Ý hào là: dạy con từ thuở còn thơ, trẻ con tâm hồn trong trắng tính khí chưa ngả theo hướng nào nếu biết uốn nắn chỉ bảo ngay từ lúc đó nó sẽ hướng thiện ngay bước đầu và cứ con đường đó mà đi mãi về sau. Còn gì tốt hơn nữa.

c.5) Hào Ngũ

Phần chỉ chi nha, cát.

Thiến con heo có nanh đi , tốt.

Heo có nanh là heo rừng, sở dĩ nó hung hăng là nó động dục, thiến nó thì đâu còn hung hăng nữa nên cái nanh của nó cũng đâu còn nguy hiểm gì.

Ý hào nói là ngăn ngừa từ gốc xóa đi các nguyên nhân đẩy đưa người ta đến chỗ phạm tội.

Thí dụ muốn xóa nạn trộm cắp vặt ra thì ngoài việc trừng trị, nhà nước phải lo công ăn việc làm cho dân ai cũng no đủ thì làm gì còn .việc..“bần cùng sinh đạo tặc” .

c.6) Hào Thượng

Hà thiên chi cù hanh

Ôi, thiên đạo thênh thang, hanh thông hết mực.

Đại súc với nghĩa tích chứa đạo đức, hào lục là tột cùng, đức đã tích chứa đến hết mực thì trở thành tiên thành thánh đâu còn là người phàm nữa, vì vậy hào này nói đường trời thênh thang không còn gì cản trở nữa bậc thần tiên chu du khắp nơi, hào này nói đến việc tu tiên đắc đạo cưỡi hạc chu du.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Dịch học họ HÙNG . bài 43

24. Cặp Quẻ: Tu – Tỉnh (Tù)

Posted Image

Tù – Tỉnh Dịch học Trung Hoa gọi là khốn - tỉnh, Khốn đúng ra là khống (như khống chế), khống này đồng nghĩa với chữ Tù trong tiếng Việt.

Khống chế được dục vọng thân xác mình, thì tinh thần trở nên minh mẫn sáng suốt.

Thân xác con người cũng là một sinh vật, nên có những đòi hỏi vật chất để tồn tại, vượt qua mức sinh lý là nhu cầu văn minh hưởng thụ, nhu cầu vật chất thực sự không lớn lắm nhưng do sự tham lam thổi phồng lên trở thành hầu như vô tận, ở đây không chủ trương diệt dục chỉ tính làm sao có thể khống chế để thỏa mãn nó một cách vừa đủ và chính đáng.

Khống chế được thân xác thì tinh thần trở nên sáng suốt, không bị thân xác lôi kéo khiến cái nhìn trở nên méo mó lệch lạc chữ ta – lấn lướt chữ người. Nhân dục mờ thiên lý, khống chế được nhân dục thì thiên lý sáng tỏ, sáng suốt bắt đầu từ sự công bình giữa ta và người, gỡ cái lăng kính nhân dục xuống thì ta thấy mọi diễn biến đúng thực như nó diễn biến. Có vậy mới nhìn nhận đúng suy nghĩ đúng và quyết định đúng , 3 cái đúng đó hợp thành sự sáng suốt.

Chữ Tù đồng nghĩa với từ khống của hoa ngữ, nhưng chữ tỉnh trong Dịch học họ Hùng hoàn toàn khác với chữ tỉnh của Tàu.

Tỉnh là sự sáng suốt tỉnh táo, còn dịch của Tàu chữ tỉnh là cái giếng.

Tỉnh ở đây là tượng trời quang mây tạnh (trời tạnh, mây quang) hay sự sáng suốt.

A/ Quẻ Tù = Trạch/ Thủy

Thủy dưới trạch là hình ảnh nước tù đọng ở đáy hồ –ao .

Nước trong ao không thông với bên ngoài sông suối trong Việt ngữ vẫn gọi là: ao tù, nước đọng. Lấy tượng tù hãm ấy đặt tên là quẻ tù đọc sai đi là tu. Dịch sang Hoa ngữ là Khống tức khống chế, ký âm sai ra khốn như khốn khổ khốn nạn.

a) Lời Quẻ

Khốn, hanh, trinh - đại nhân cát vô cữu, hữu ngôn bất tín.

Thân thể bị khống chế – tinh thần lại hanh thông (nhận ra chân lý để viết thành Chu dịch) bền gan vững chí nên bậc trưởng nhân thì tốt lắm, không lỗi gì. Trong hoàn cảnh tù tội này, có điều muốn mà không nói ra được. Lời quẻ này nói về Văn Vương khi bị giam ở ngục Diũ Lý đã viết nên Chu Dịch.

b) Lời tượng:

Trạch vô thủy, khốn, quân tử dĩ trí mệnh toại chí.

Hồ cạn nước , cùng cực của sự tù đọng bế tắc , bậc trưởng nhân lâm vào cảnh nghiệt ngã thà hy sinh tính mạng để bảo toàn chí hướng của mình.

Điển hình cho lời tượng này là các thánh tử đạo: thà chết không bỏ đạo, tức chí hướng mình đã chọn.

Thí dụ nữa, các chiến sĩ cách mạng bị bắt, họ chấp nhận chết chứ không khai báo đấy cũng là trí mệnh toại chí.

c) Lời Hào

c.1) Hào Sơ

Đồn khốn vu châu mộc, nhập vu u cốc, tam tuế “bất dịch”

Mông Đít nát ra vì đòn gậy, bị giam vào ngục tối, 3 năm chưa được thả.

Phạm tội bị trừng phạt ấy là lẽ công bằng ở đời, muốn tránh khốn như thế thì phải biết sống theo “ luật pháp”.

c.2) Hào Nhị

Khốn vu tửu thực, chu, phất phương lai, dụng hưởng tự, chinh hung, vô cữu .

bị vây khống bởi ân sủng đã nhận của triều Ân Thương nên ở đất phía Tây của Tây Bá xương bây giờ chỉ giữ vững những gì tổ tiên để lại là tốt nhất, phát động chiến tranh lật đổ triều Thương sẽ nguy hiểm.

Giữ như vậy thì không lỗi. Hào từ này nói đến việc ông Tây Bá Cơ Xương lập quốc ở phía Tây Trung Hoa, nhưng không tấn công lật đổ ngai vàng của vua Trụ (Cơ Xương là con rể của nhà Ân Thương) được nhà Ân Thương phong là Tây Bá.

c.3) Hào Tam

Khốn vu Thạch, cứ vu tật lê, nhập vu kỳ cung, bất kiến kỳ thê hung.

Bị tù đày nơi ngục đá, nằm trên cỏ gai, khi trở về nhà không thấy vợ đâu, thực là xấu.

Hào tam trong quẻ Dịch chỉ lợi lộc của cải.

Buôn gian bán lận bị tống vào nhà đá được hưởng mùi đau khổ, mãn hạn thả ra về nhà vợ đã biến mất… ý hào là kẻ chỉ biết lợi không nghĩa không tình thì làm gì có người trung thành với nó, vợ lấy nó cũng chỉ vì tiền nay ở tù thì đi kiếm người khác tình nghĩa gì đâu mà thủy chung chờ đợi.

c.4) Hào tứ

Lai từ từ, khốn vu kim xa, lận hữu chung.

Phó hội chậm trễ, bị nhốt vào cũi sắt trên xe tù, đáng lo nhưng sau cùng lại tốt đẹp.

Chắc chắn đây là một điển tích lịch sử, đáng tiếc chưa xác định được là ai, thời nào?

c.5) Hào Ngũ

Tỵ nguyệt khốn vu xích phất, nãi từ hữu thuyết – lợi dụng tế tự.

Dùng hình phạt tàn khốc cắt mũi chặt chân để khống chế bọn rợ Xích Địch đang nổi loạn , dẹp êm dần dần, thoát khỏi loạn ly , lúc này cử hành tế tự thì có lợi.

Xích Địch là rợ ở phương Bắc. Đây là một điển tích nữa của cổ sử Trung Hoa còn phải tiếp tục suy gẫm, tìm kiếm…

c.6) Hào thượng

Khốn vu cát lũy, vu nghiệt ngột, viết động hối hữu hối, chinh cát.

Tình thế bức bách, như dây leo quấn chặt mình, thực ngột ngạt, căng thẳng, hành động hối hả vội vã sẽ phải hối hận. Tiến đánh sẽ tốt.

Vua Trụ lệnh cho chư hầu phương Đông và phương Bắc (phương của Dịch lý) tấn công đất phía Tây của nhà Chu.

Tình thế bức bách, căng thẳng nhưng Tây Bá xương không hành binh phạt Trụ, vì tự xác định sự liên hệ giữa ông và vua Trụ quấn quýt ràng buộc như dây leo không khéo xử lý sẽ thành bia miệng truyền đời cho hậu thế, dù cho sự căm giận và tinh thần tướng sĩ đã dâng rất cao.

B) Quẻ: Tỉnh = Thủy/ Phong

Mây ở trên (thủy) gió ở dưới, gió thổi mây bay trời quang mây tạnh đấy là tượng của sự sáng suốt hay trong sáng.

a) Lời Quẻ:

Chữ tỉnh là đầu óc sáng suốt nhưng chữ tỉnh dùng trong lời quẻ này thì tỉnh có nghĩa là nguồn sáng hay cái gốc của văn minh, ý chỉ Dịch học, Chu dịch hay Kinh Dịch đã được ông Cơ Xương hoàn thiện và công bố bằng văn bản hay viết thành sách, trước đó Dịch học cổ xưa chỉ có ký hiệu không một lời nào.

Ý ở đây: Dịch học tức khoa học nền tảng hay nền tảng của khoa học .

vô đắc, vãng lai tỉnh tỉnh ngật chí diệc vị duật, tỉnh, huy kỳ bình, hung.

Nguồn sáng, đô ấp có thể đổi nhưng nguồn sáng Dịch lý không thể thay đổi. Chân lý vĩnh hằng thì làm gì có thêm có bớt, ai cũng có thể tham khảo, suy ngẫm Dịch học để giải quyết những việc của mình, có kẻ do đầu óc mình hiểu sai hoặc cố tình hiểu lệch lạc để thủ lợi, như thế thì nguy hiểm xấu lắm.

Quẻ khống và tỉnh liên kết ý nghĩa thành một cặp và sự kiện, ông Cơ Xương bị Trụ bắt giam ở ngục Diũ Lý, trong cảnh khốn cùng nơi lao tù, đầu óc ông bổng trở nên sáng suốt, 3 năm nghiền ngẫm suy tư ông đã viết Chu dịch truyền cho đến ngày nay.

b) Lời tượng

Tỉnh: Quân tử dĩ trừng phẫn trất dục

Ở trước đã có bàn: có 2 nguyên nhân khiến người ta trở nên ngu tối tức không tỉnh.

- Một là đầu óc bị dục vọng khống chế hoàn toàn, khiến người ta vì chữ lợi mà cố tình ngu.

- 2 là: do phản ứng sinh lý: giận quá mất khôn

Nay lời tượng quẻ tỉnh dạy bậc quân tử hay trưởng nhân phải trừng phẫn trất dục, tức dằn cơn giận xuống và dẹp bỏ những dục vong sang một bên. Không cho nó chi phối đầu óc mình nữa.

c) Lời Hào

c.1) Hào Sơ:

Tỉnh nê bất thực, cựu tỉnh vô cầm.

Dịch lý truyền đến đời ông Cơ Xương đã bị bóp méo trở thành thứ bùa chú vớ vẩn, tinh hoa của trí tuệ biến thành thứ bùn đất để bọn bất lương cầu tài cầu lộc hay dùng chính lý luận Dịch học để mê hoặc dân chúng. Củng cố sự thống trị của vua chúa ., cựu tỉnh vô cầm có nghĩa là Dịch học cũ không còn có thể phát huy giá trị cao siêu nữa con chim vì chim là loài bay lên trời cao, nên lời hào nói là vô cầm.

c.2) Hào nhị:

Tỉnh cốc xạ phụ, úng tệ lậu (lúc này)

dịch học như cái bình vỡ (nước chảy hết rồi) chẳng còn chút ý nghĩa gì. Với những cái đầu hạn hẹp, u tối, (như cái hang ) thì tinh túy của Dịch học cũng chỉ như vài giọt nước rơi xuống đầu lũ ếch nhái.

Ý của hào là Dịch học nút số và vạch quẻ đến đời ông Cơ Xương thì chẳng ai hiểu gì nữa cả, nếu có hiểu một chút, thì lại hiểu theo kiểu chuyện quỷ thần, tà ma … ý nghĩa cao siêu tinh túy chứa trong Dịch học đã mất hết như nước thoát ra khỏi cái bình , chỉ còn lại cái vỏ.

c.3) Hào Tam:

Tỉnh tiết bất thực, vị ngã tâm trắc khả dụng cấp, vương minh, tịnh thụ kỳ phúc.

Dịch học là tinh hoa của trí tuệ đúc kết bao đời, vậy mà không vận dụng được, do Dịch chỉ có ký hiệu, không lời, người muốn học Dịch cũng không học nổi, vì không có chữ thì lấy gì mà phơi bày ý nghĩa hướng dẫn tư tưởng ; tình cảnh ấy khiến ông Cơ Xương hết sức đau lòng nên nhân khi bị giam giữ ông đã suy ngẫm dồn hết tinh lực viết nên quái từ của Chu dịch Làm ánh sáng soi đường cho những ai muốn nghiên cứu học tập Dịch lý để có thể vận dụng giúp ích cho mình cho người, ông Cơ Xương sau là Văn Vương thực là đấng minh quân và Dịch học ông viết ra cho nhân loại được hưởng ơn phúc mãi mãi.

c.4) Hào Tứ

Tỉnh thứu – vô cữu.

Dịch học đang được bổ sung hòan chỉnh, làm gì có lỗi.

c.5) Hào ngũ

Tỉnh liệt, hàn tuyền thực.

Nước giếng trong mát, sử dụng trọn vẹn, tất cả dùng được.

Ý nghĩa của Chu dịch như làn nước trong mát, hướng dẫn con người cách sống, cách sử xự trong những tình huống hoàn cảnh khác nhau, Chu dịch chứa các quy luật phát triển, nghiên cứu thấu thiệt mà vận dụng để đưa xã hội tiến lên Ngày một văn minh hơn, làn nước trong mát ấy dùng mãi mà không cạn công đức của Văn Vương thực lớn vô cùng.

c.6) Hào thượng

Tỉnh thu, vật mạc, hữu phu nguyên cát.

Nguồn sáng đã được phục hồi, không được che đậy đi, đặt sự tin tưởng vào Dịch học, vô cùng tốt lành.

Chu dịch đã hoàn thành, sức sáng của Dịch học lại như cũ, các nguyên tắc vận động là chỗ dựa cho con người trên bước đường phát triển.

Dịch học là của nhân loại, không ai được che đậy (làm của riêng),bậc trưởng nhân xác tín vào sự đúng đắn của các quy luật dịch học, để vận dụng sáng tạo trong cuộc sống đưa xã hội tiến lên.

Còn gì tốt hơn nữa.

Share this post


Link to post
Share on other sites