nhatnguyen52

Dịch học họ HÙNG -VII

5 bài viết trong chủ đề này

Dịch học bài 34

15/ Cặp Quẻ: Khổng – lồ (Khảm – ly)

Posted Image

2 phần của tinh thần con người là lý trí và tình cảm, khổng lồ là biến âm của Khảm Ly dùng trong tiếng Việt chỉ sự to lớn vô cùng, vì lý trí và tình cảm là 2 đầu mối của mọi sinh hoạt tinh thần, hoạt động cân đối tốt đẹp người Việt bảo là có lý có tình, đây là một cặp lưỡng lập hoàn toàn không có tính đối kháng như người ta hay nghĩ sai. Sở dĩ vậy là xuất phát từ ý nghĩa công lý và tư tình, lý là phổ quát đúng ở mọi nơi mọi chỗ còn tình là cái rất riêng không ai giống ai.

A- Quẻ Khảm hay khổng : khảm/ Khảm

Dịch gọi là Tập Khảm vì cả trên và dưới đều là Khảm.

Khảm trong Dịch học có nhiều nghĩa, khảm trước hết là tình cảm, khảm là “cảm nhận” khác với “nhìn thấy” hay trông thấy.

Khảm là nước, là mây.

Tùy lúc, tùy nơi khi xét trong mối tương quan của một cái chung lớn hơn mà nó mang một ý nghĩa.

a) Lời Quẻ

Tập Khảm, Hữu phu, duy tâm, hanh, hành hữu thượng.

Tình cảm yêu thương trước hết là lòng tin, xuất phát từ con tim, như vậy tiến triển tốt đẹp, có sự chân thành ấy mọi việc đều đi lên bản thân được trọng vọng.

Tập khảm có thể dịch là yêu thương vô bờ hay tình cảm dồi dào.

Duy tâm ở đây nghĩa là phát từ đáy lòng mình tức chân thật hết mức, tình yêu mà tin tưởng hoàn toàn, chân thật hết mực thì còn gì bằng.

b) Lời tượng

Thủy tấn chí, tập khảm, quân tử dĩ thường đức hạnh, tập giáo sư

Thủy tấn chí là nước chảy không ngừng.

Tập khảm là 2 quẻ khảm đơn chồng lên thành quẻ khảm trùng.

Bậc trưởng nhân phải thường xuyên trau dồi nết đẹp (đức hạnh) nơi mình; và tập cách truyền đạt cho cả xã hội để phong hóa càng ngày càng tốt đẹp lên.

Cảm tiếng Việt còn đọc là cám (cám dỗ) tức lôi kéo người khác Quân tử phải một mặt lo cho mình để trở thành tấm gương cho thiên hạ, mặt khác phải làm sao cho người khác trở nên giống mình đấy là nhiệm vụ của quân tử trong xã hội, đó là ý nghĩa 2 lần khảm hay tập khảm.

c) Lời Hào

c.1) Hào Sơ

Tập khảm, nhập vu khảm đạm, hung

Tình lai láng tới mức si mê , xấu.

Tình chồng lên tình quá mức như si cuồng, lấn át cả lý trí, làm sao biết tốt xấu phải trái, như vậy là trở nên hôn ám vì tình, xấu là phải.

c.2) Hào nhị : Khảm hữu hiểm, cầu tiểu đắc

Mắc vào bẫy tình thực hiểm nghèo, cầu mong một chút may mắn

Lòng người hiểm độc, mình không tỉnh táo sáng suốt là ôm hận cả đời, bẫy tình như lưới nhện, dính vào là chết chắc làm sao còn dám mơ tới chuyện lớn lao gì nữa.

c.3) Hào Tam

Lai chi khảm khảm, hiểm thả chẩm, nhập vu khảm đạm, vật dụng

Sa lầy trong tình yêu, trong vùng soáy sâu hiểm của cuồng si, chẳng làm nổi việc gì.

Sa lầy là trạng thái không lối thoát, sâu và hiểm là không thể nào thoát ra được , si mê cuồng loạn là tâm thần không còn bình thường . Thực là vô phương cứu chữa.

Thông thường hào tam chỉ thời duy lợi , yêu tới độ say đắm si cuồng ở đây chỉ lòng nhà tư sản yêu tiền bạc của cải còn hơn cả thân mình ...

c.4) Hào Tứ

Tôn tửu quỹ nhị dụng phẫu, nạp ước tự chủ, chung vô cữu.

Dâng lên (tổ tiên) cơm và rượu đựng trong 2 chén sành, kết ước bên song cửa sổ, không lỗi gì.

Cùng nhau kết ước bên song cửa sổ rất có thể là một tập tục, một phần trong nghi thức hôn nhân cổ xưa (nói có thể vì không xác quyết được)

Đây là cuối đoạn đường của tình yêu lứa đôi, kết ước rồi chuyển sang nghĩa vợ chồng, không còn sự say đắm nhưng khởi đầu sự an lạc.

c.5) Hào ngũ:

Khảm bất doanh, kỳ lý bình vô cữu.

Tình chưa trọn vẹn nhưng thấy bằng lòng không lỗi gì.

Tình cảm, sự liên đới giữa người và người trong xã hội, chưa tràn trề nhưng được như vậy cũng yên lòng yên trí lắm rồi, còn lỗi gì nữa.

Tình cảm tràn đầy chỉ có trong tiểu thuyết, thực tế chỉ cần con người có chút thương cảm với nhau đã là đáng quý rồi.

c.6) Hào thượng :

Hệ dụng huy mặc, chí vu tùng cức. Tam tuế bất đắc, hung

Bị trói bằng dây thừng, nhốt giữa tường bằng cây gai, 3 năm mà không toại chí thỏa lòng (hoặc 3 năm rồi trong cảnh bất đắc chí) xấu.

Tình cảm sâu đậm như buộc chặt vào nhau vậy, thực đoạn trường, như bị vây bởi hàng rào cây gai vậy, 3 năm trôi qua rồi mà chưa lấy được nhau, xấu lắm.

Tình cảnh cực kỳ thương tâm, tình trường sao lắm nỗi nghiệt oan, kết thúc của chữ tình sao khổ sở quá vậy.

B/ Quẻ Lồ hay Lửa = Ly / Ly

Lửa chồng lên lửa, sáng suốt tiếp nối sáng suốt còn gì tốt hơn nữa.

a) Lời Quẻ

Ly, Lợi, Hanh, súc tẫn ngưu – cát

Quẻ ly chỉ sự sáng suốt, Ly : thiết thực làm lợi cho cuộc sống, Ly: sáng suốt tức hành động hợp lẽ tự nhiên.

Súc tẫn ngưu là nuôi trâu cái. Trâu đã là loài tốn thuận, trâu cái là tốn thuận cực kỳ, tốn thuận nghe theo sự điều khiển của con người, ý chỉ sự sáng suốt hay hiểu biết phải phù hợp với đạo đức, khoa học phải được sự dẫn dắt của Minh Triết.

b) Lời tượng:

Minh lưỡng tác ly, đại nhân dĩ kế minh chiếu tứ phương

Sáng rực rỡ là tượng quẻ Ly, bậc đại nhân tiếp nối những hiểu biết đã có và làm cho sáng hơn nữa để soi rọi khắp gầm trời.

Ý lời tượng là tiếp thu những hiểu biết tức học tập đạt trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến, nhưng như thế vẫn chưa đủ, phải miệt mài nghiên cứu nâng cao sự hiểu biết hơn nữa đồng thời truyền bá khoa học kỹ thuật ra khắp thiên hạ để xã hội trở nên xã hội văn minh.

c) Lời Hào

c.1) Hào Sơ

Lý thác nhiên, kính chi, cô cữu

Lý thác nhiên Chu Dịch bản lụa chép là: lễ tích nhiên, thực ra câu này là ký âm của : ‘lẽ tất nhiên’ trong tiếng Việt ; chỉ sự đương nhiên như thế khỏi phải bàn, con người buộc phải tôn trọng mọi định luật khoa học vì đó là quy luật tự nhiên , làm như thế không lo lỗi lầm gì nữa .

c.2) Hào nhị

Hoàng ly – nguyên cát _

Hoàng ly tiếng Việt viết là : đúng lý hay hợp lẽ – thực tốt đẹp từ gốc .

Trong kết cấu Quẻ trùng, khi nhìn theo chiều trên và dưới thì

Phần dưới chỉ những gì phụ thuộc tự nhiên, bên trên là những gì sáng tạo.

Hào nhị đắc trung phần dưới, nên lời hào là Hoàng Ly, Hoàng là đắc trung, Ly là lý lẽ, trung là trúng hay đúng.

c.3) Hào Tam

Nhật trắc chi ly, bất cổ phẫu nhi ca, tắt đại diệt chi ta, hung

Tà tà bóng ngả về Tây, không có tiếng nhạc lời ca, phải chăng thảm họa đang rình rập, xấu lắm.

Ở hào này chữ Ly, lửa chỉ ánh nắng hay ánh mặt trời

c.4) Hào tứ

Đột như kỳ lai như, phần như, tử như, khí như.

Thảm họa đột nhiên đến, đốt sạch, giết sạch chỉ còn lại cảnh hoang tàn.

Ở Hào Tứ chữ ly là lửa, khói lửa chỉ chiến tranh hay chiến trận.

Hào từ hào tam là điềm báo, báo trước sự không yên bình, sang hào tứ thì thảm họa thực sự đến. Cả 2 hào Tam và tứ là kể lại tình cảnh đất phía Tây của nhà Chu bất ngờ bị quân hùng tướng mạnh của Trụ Vương tấn công đánh phá, đốt sạch khiến trở nên hoang tàn. Lời 2 hào này phần nào biện minh cho hành động của Vũ Vương nhà Chu diệt Trụ Vương của nhà Thương.

c.5) Hào ngũ

Xuất thế đà nhược, thích ta nhược cát.

Quân thù rút đi để lại sự hoang tàn, lòng người sầu thảm bi ai tới khôn cùng. Nhưng tai họa đã qua có thể làm lại từ đầu, âu cũng là điều tốt.

c.6) Hào thượng:

Vương dụng xuất chinh, hữu gia chiết thủ, hoạch phỉ kỳ xú vô cữu.

Vua xuất chinh, thắng trận, chặt đầu tướng giặc, không bắt tội kẻ theo đuôi – không lỗi.

Hào thượng tiếp ý có hào trước, quân thù tàn ác như thế chỉ sự bạo tàn của đám ác quân của Trụ vương, ở đây không có chữ lý nào nhưng ngầm hiểu những gì đã xảy ra đủ biện minh cho hành động của Vũ vương nhà Chu , giết tên hôn quân không phải là giết vua mà là xử tên gian ác trả thù cho trăm họ. Nhà Chu lên ngôi là do mệnh trời muốn phục hưng Trung Hoa, đem lại yên ổn hạnh phúc cho muôn dân chứ không phải Chu vũ vương bất trung phản nghịch.

Quẻ Ly hết sực đặc biệt

Hòa sơ, hào nhị: Ly là lý lẽ

Hào tam, Ly là ánh nắng

Hào tứ, hào ngũ: Ly là lửa khói

Hào thượng Ly là lý (do)

Ly âm gốc là lửa, tiếng Việt chỉ ánh sáng, mặt trời, lý lẽ.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Dịch học họ HÙNG . bài 35

16 – Cặp: Hợp – Hằng (biến âm họp hành)

Posted Image

Trên một đường thẳng 2 vật di chuyển cùng chiều, cùng vận tốc thì khoảng cách giữa 2 vật không thay đổi.

Đấy là ý nghĩa cặp quẻ hợp hằng.

Hợp là vừa khớp với nhau, hằng là không đổi.

Trong vũ trụ mọi vật đều thay đổi không có sự đứng yên tuyệt đối nhưng có sự đứng yên tương đối khi so sánh giữa 2 vật như đã dẫn ở trên, vật này di chuyển vật kia cũng di chuyển theo vừa bằng vận tốc của nhau như thế là hợp, và khoảng cách giữa 2 vật không đổi là hằng.

Hàm, hạp, nghĩa là sự bổ sung, bù đắp lẫn cho nhau.

Hạp còn có ý nghĩa là hợp thời, đúng lúc.

A-Quẻ Hạp = Trạch/ Sơn; (Hợp Thời) hay đúng lúc

Sơn là núi nằm dưới trạch là hồ ý muốn nói: lấy núi lấp hồ thì thành mặt bằng, đó là sự bù trừ vừa khớp đúng.

Dịch của Tàu gọi là: hàm.

a) Lời Quẻ:

Hàm, Hanh, lợi, trinh, thú nữ cát.

Quẻ Hàm: hợp lý, thiết thực, lâu bền, gả con gái tốt lắm.

Gái theo chồng, là ý quẻ hạp, khoa học kỹ thuật ngày một tiến bộ, xã hội ngày một phát triển và chế độ chính trị kinh tế cũng phải thay đổi cho đồng nhịp đấy là sự vừa khớp. Là ý nghĩa của việc gả con gái theo chồng vừa khớp có nghĩa là đúng lúc, hợp thời đúng thời cơ.

b) Lời tượng:

Hàm: Quân tử dĩ biều đa ích quả xứng vật bình thí.

Quẻ hạp: bậc trưởng nhân phải bớt chỗ nhiều bù chỗ ít khiến cho sự vật được cân bằng.

Lấy chỗ nhiều bù chỗ ít là chính sách xã hội, nâng đỡ các thành phần có thu nhập thấp, làm sao thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đừng lầm lời tượng này với sự cào bằng,

c) Lời Hào

c.1) Hào Sơ : Hàm ký mẫu

Người đứng thì ngón chân ở dưới cùng, hàm kỳ mẫu là sự phối hợp bổ sung cho nhau vừa mới khởi đầu chưa có gì đáng bàn.

c.2) Hào nhị : Hàm kỳ phì, hung, cư cát

Tiến trình hòa hợp bổ sung đã sâu thêm, phì là cái bắp chân, hào sơ từ ngón chân hào nhị là tiến lên đã tới bắp chân. Khi bước đi thì bắp chân đi trước, lúc ấy còn sớm quá tình thế chưa chín mùi cho sự hòa hợp đồng nhất nên thánh nhân khuyên ở yên chưa thể tiến hành cải cách được.

c.3) Hào Tam

Hàm kỳ cổ, chấp kỳ tùy, vãng lẫn.

Cổ là cái bắp đùi , khi động nó động sau bắp chân, nhưng vẫn trước thân mình, ý là còn hơi sớm, tiến hành chuyển đổi không hợp lắm, nếu tiến thêm nữa thì không tốt.

c.4) Hào Tứ

Trinh cát, hối vong, đồng đồng vãng lai, bằng tòng nhĩ tư.

Hào tứ là đã qua cái đùi lên đến thân mình, tức đã đúng thời cơ, đúng lúc thay đổi.

Vững lòng, tốt, mọi hổ thẹn biến mất, người tới kẻ lui chẳng qua là sự tính toán hơn thiệt.

Đã đúng thời cơ hành động rồi, cứ giữ vững quyết định, không thẹn vì mình cố chấp, người đi hoặc đến với mình thật đông, đi hay đến là do tính toán thiệt hay hơn của họ.

c.5) Hào ngũ

Hàm kỳ muội, vô hối.

Rơi vào vị trí ở phía thịt lưng, hơi trễ một chút, không phải hổ thẹn gì.

Đằng trước ngực và sau lưng là sát điểm trung, nếu lấy con tim là tâm, hổ thẹn là vì chậm chân dù chỉ một chút thôi.

c.6) Hào thượng

Hàm kỳ phụ, giáp, thiệt.

Hòa hợp bằng cái miệng ý nói là mồm mép không thực lòng, hay chỉ lý thuyết suông, nói thì hay lắm nhưng làm chẳng ra gì.

Gặp những kẻ ấy phải đề phòng vì tâm địa nó không thực.

B) Quẻ Hằng = Lôi/ phong

Sấm và gió luôn quấn quýt bên nhau, đến cùng đến đi cùng đi không có khoảng cách nên lấy tượng ấy đặt tên là hằng tức là không đổi.

a) Lời Quẻ:

Hằng, Hanh, vô cữu, lợi, trinh, lợi hữu du vãng.

Không đổi dù đang chuyển động, không có lỗi, thiết thực và bền vững, thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn.

Âm dương gắn kết là đạo trời còn lỗi gì nữa, vợ chồng ăn ở lâu dài cùng nhau xây dựng sự nghiệp chắc chắn ngày càng tiến xa hơn nữa.

b) Lời tượng:

Lôi phong Hằng, quân tử lập bất dịch phương.

Sấm gió liền chặt, bậc trưởng nhân xem tượng đó mà lập chí, và không bao giờ sờn lòng đổi hướng đi.

Chí đã quyết theo chính đạo thì mãi mãi không đổi đó là sự tốt đẹp của đạo Hằng .

c) Lời tượng:

c.1) Hào Sơ

Tuấn Hằng, Trinh Huy, vô du lợi.

Nóng vội tìm sự bền chặt, cứ như thế là xấu, không việc gì lợi cả.

Hào sơ là lúc mới bắt đầu, chưa rõ bụng dạ tâm tính người ta ra sao đã vội thề hứa ăn đời ở kiếp như thế là xấu, không có lợi.

c.2) Hào nhị

Hối vong

Hào nhị – đắc trung của hạ quái.

Có sự nhìn nhận sáng suốt như thế kết ước lâu dài là đúng không lo gì phải hối hận về sau .

c.3) Hào Tam:

Bất hằng kỳ đức, hoặc thừa chi tu – trinh lận.

Không luôn giữ phẩm chất đạo đức, sẽ gặp điều sỉ nhục, cứ như thế thì sẽ hối tiếc.

Hào tam chủ lợi , hào từ chỉ bọn tham tiền bỏ ngãi -nghĩa

Đạo đức mà sớm nắng chiều mưa thì vinh dự gì nữa mà không nhục, đấy đích thị là bọn ngụy quân tử hay ngày nay gọi là thoái hóa biến chất.

c.4) Hào Tứ : Điền vô cầm

Điền ở đây không phải nghĩa là ruộng mà là đi săn. Điền vô cầm là đi săn mà về tay không chẳng được gì, ý nói không đạt điều mong ước.

Vị trí hào tứ biểu thị sự thái quá, đắc trung thì mới hằng được, thái quá hay bất cập đều không được như thế.

c.5) Hào ngũ : Hằng kỳ đức, trinh, phụ nhân cát phu tử hung

Một lòng giữ đức kiên trinh, đàn bà thì tốt vì đàn bạ thuận tòng một lòng một dạ theo chồng, còn đàn ông, bậc trượng phu phải mở đường khai lối không thể cứ mãi theo một lối mòn nên thánh nhân nói trinh thì không được tốt.

c.6) Hào thượng : Chấn hằng – Hung

Cổ vũ sự bền vững không thay đổi, xấu. Tại sao vậy?

Hào thượng là hào trên cùng của quẻ, đã đến lúc phải biến, mặt trời đứng bóng rồi sẽ phải ngả về Tây, trăng tròn rồi bắt đầu khuyết, đã đến lúc phải thay đổi rồi mà còn cổ vũ sự “hằng” là không phù hợp, như thế là xấu.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Dịch học bài 36

17. Cặp Quẻ: Ranh – mãnh ( rành – mạnh)

Posted Image

Ngôn ngữ Dịch học là : Quán – đại tráng

Vĩ đại và thông thái là cặp quẻ nói lên phẩm chất và năng lực siêu phàm nơi con người.

Đại tráng là vô cùng mạnh mẽ chỉ người có một ý chí mãnh liệt không gì lay chuyển nổi, điểm đặc biệt cặp quẻ này muốn nói: song hành với chữ đại tráng không thể thiếu chữ Quán hay thông thái nghĩa là thông hiểu rộng rãi, theo từ ngữ thường dùng ngày nay: Quán nghĩa là thấu triệt, biết một cách tường tận.

Dịch học cho ta một cặp: phẩm chất và năng lực siêu phàm, đại biểu cho tâm và trí, bất khả ly; nhiều học giả cho thấy chủ trương nhấn mạnh chữ trí của Khổng Tử, điều đó làm ta ngạc nhiên vì tư tưởng này đã chứa ngay trong cặp quẻ đại tráng – quán ; trí là khả năng xét đoán từ ngày nay trong tin học gọi là khả năng xử lý thông tin, không thể nào có được một anh hùng đạo đức nhưng kém trí cả, nhưng lại rất nhiều bậc đại trí – vô lương tâm hay hữu tài mà vô đức.

Không thông suốt, không phân định được đúng sai, phải trái thì làm sao xác quyết con đường phải đi để quyết chí bước trên nó, đạo đức luôn dựa trên nền tảng trí tuệ đấy là quy luật Dịch học đã vạch ra không thể khác được, nhưng điều ta không được lầm lẫn là bằng cấp cao chưa chắc đã là trí thức, bằng cấp chỉ là danh còn trí thức là thực. Danh và thực có thể đồng nhất nhưng cũng có thể không.

Chúng ta cũng không thể lầm lẫn giữa đạo đức và các định kiến xã hội ở một thời kỳ lịch sử nhất định, thí dụ tư tưởng: tôn quân trọng đạo hay tam cương ngũ thường chỉ là sản phẩm của thời quân chủ, phong kiến theo phụ hệ đấy hoàn toàn không phải là đạo đức… thậm chí còn có thể là phản đạo đức…

Đặc biệt Dịch học họ Hùng và Dịch học của Tàu hiện hành khác hẳn nhau về cặp Quẻ này, nói rõ ra là Dịch học của Tàu không có cặp Quẻ Đại Tráng – Quán này.

A- Quẻ: Rành ( đọc trại đi là Ranh) Lôi /Thiên

Rành rọt nghĩa là thông suốt hay biết rõ Hoa ngữ là Quán.

Lôi trên thiên, sấm nổ ở trên trời, âm vang của nó lan toả xuống khắp mặt đất vì thế đặt là quẻ quán, tự như ở trên cao nhìn xuống thì có gì mà không thấy, thấy hết là biết rõ, rành rọt. Nên Trong Hoa ngữ Quán còn có nghĩa là cái tháp, hiểu trọn vẹn theo tiếng Việt phải là cái tháp canh: tức ở trên cao nhìn xuống thì thấy hết, ở quẻ này sấm nổ ở trên trời là cực cao nên còn chỗ nào mà không thấy (canh là trông chừng).

a) Lời Quẻ

Quán, Tiểu lợi, Trinh

Rành rọt, biết rõ dùng để lo cho đời sống vật chất (Tiểu – lợi)

Cái biết là cái trường tồn

Quán thông là biết rõ những quy luật vận động của tự nhiên, nó chi phối mọi biến chuyển trong vũ trụ và đời sống vật chất của loài người.

Tiểu là nhỏ không phải ý là nhỏ bé về kích thước, trong Dịch học nhỏ chỉ lãnh vực đời sống vật chất, còn lớn là những gì thuộc về tinh thần.

B) Lời tượng:

Quán, Tiên vương, dĩ tỉnh phương, quan dân thiết giáo.

Quẻ Quán (rành rọt), đấng tiên vương đi đến các nước chư hầu, xem xét dân tình, tùy theo đó mà đặt ra lễ giáo, để giáo hóa dân.

Chế độ phong kiến do nhà Chu tạo nên, có chính quốc và chư hầu, chính quốc hay chư hầu đều là đất của vua, con dân nước nào cũng là con dân nhà Chu, vua Chu. Để điều hành đất nước hằng năm vua phải đi đến các nước chư hầu nghe tấu trình người tốt việc tốt để biểu dương kịp thời, xem xét dân tình, nết ăn nết ở ra sao rồi tùy theo đó mà đặt ra luật lệ để giáo hóa dân sao phong hóa ngày càng đẹp, hoàn thiện hơn.

Từ Quán ở đây nếu dùng Tiếng Việt ngày nay phải dịch là “đi xem” nghĩa là đi tới tận nơi để quan sát không chỉ ở nhà nghe báo cáo .

c) Lời Hào

c.1) Hào Sơ

Đồng quán, tiểu nhân vô cữu, quân tử lận

Nhìn như trẻ con, người thường thì không lỗi, bậc trưởng nhân mà nhìn như thế thì thật xấu hổ.

Nhìn như trẻ con là chỉ ghi nhận hình ảnh không xét đoán chi cả, hình ảnh đi vào rồi đi ra… một cách hời hợt vô thưởng vô phạt người bình thường nhìn như vậy thì còn chấp nhận được, bậc trưởng nhân mà không biết ghi nhận và phán đoán thì không chấp nhận được, ý nói nhìn sự việc diễn ra một cách bàng quan mặc kệ chẳng ăn nhầm gì tới mình. Quân tử cứ “mũ ni che tai” thì thực là đáng xấu hổ, cũng như vậy nếu nhìn để mà nhìn không phân tích phán đoán phải trái đúng sai tốt xấu.

c.2) Hào nhị

Khuy quan, lợi nữ trinh

Nông nổi, nhìn không có bề sâu, hay tầm nhìn hẹp hòi, đấy là cái nhìn của đàn bà. Bậc trưởng nhân mà có cái nhìn như thế thì thiên hạ đi ăn mày.

Quán một cách đầy đủ là nhìn trong không gian 3 chiều và trong động trạng.

Khuy quan chỉ có nghĩa là cái nhìn còn khiếm khuyết, chưa toàn diện, chỉ thấy bề nổi chưa thấy bề sâu. đúng trong tiếng Việt là cái nhìn nông nổi, đấy là năng lực bẩm sinh nên là đàn bà thì không có lỗi (định kiến lạ lùng thời phụ hệ xa xưa).

c.3) Hào Tam

Quan ngã sinh, tiến thoái.

Xem xét cách sống của chính mình hiện tại tức là tự kiểm điểm bản thân để điều chỉnh, sửa đổi cho xứng bậc trưởng nhân – quân tử.

Quan ngã sinh là tự kiểm

Tiến thoái là tự phê xem mình tiến bộ hay thoái hóa.

c.4) Hào Tứ

Quan quốc chi quang, lợi dụng tân vu vương

Hiền tài là sự sáng của quốc gia, đến nhà vua cũng phải tôn trọng.

Lời hào này rất hợp với một câu nói bất hủ chép trên bia đá ở văn miếu Hà Nội: ‘Hiền tài là nguyên khí quốc gia’, nguyên khí quốc gia chính là “Quốc chi quang” ở hào này.

Mang lại sự thịnh trị cho quốc gia không phải chỉ do vua hiền tôi trung, mà còn có các bậc hiền tài, các vị có cả tâm và trí nhiều khi không làm quan nhưng chính đời sống của họ lại là cái gương cho mọi người noi theo, lời nói của họ là ánh sáng soi đường cho quốc gia dân tộc bước đi, họ thực sự không có địa vị nhưng lại ở trên tất cả, đến bậc quân vương cũng phải tôn trọng.

c.5) Hào ngũ

Quan ngã sinh, quân tử vô cữu

Bậc trưởng nhân phải thường xuyên tự kiểm điểm, tự phê bình có như thế mới giữ được mình.

Làm được như vậy thì không mắc lỗi.

Lời hào ngũ ý nghĩa tương tự hào tam, khác ở chỗ hào tam nói về ý nghĩa việc quan ngã sinh, còn hào ngũ nhấn mạnh phải thường xuyên quan ngã sinh.

c.6) Hào thượng

Quan kỳ sinh, quân tử vô cữu

Quan sát sinh hoạt xã hội để phán xét mình, vì sinh hoạt xã hội chính là sản phẩm do cách sống của mình sản sinh ra, thiên hạ noi theo quân tử, nếu phong hóa suy đồi thì chính là do quân tử thoái hóa – nếu làm được như thế thì không có lỗi.

B) Quẻ Mãnh hay mạnh = Thiên/ Sơn

Núi sừng sững giữa trời là hình ảnh của sự mạnh mẽ vô song.

Dịch học người Tàu lại cho là: Thiên sơn độn… núi sừng sững giữa trời mà lại tượng trưng cho sự ẩn trốn thì không hợp lý tí nào.

Trong ngôn ngữ Dịch học chữ mãnh hay mạnh đồng nghĩa với từ đại tráng.

a) Lời Quẻ:

Đại tráng, lợi trinh. ( Ngờ rằng người Tàu đã ký âm sai chữ Lẽ thành chữ Lợi )

Vô cùng mạnh mẽ, hợp lẽ và vững bền.

Ý chí mạnh mẽ bao giờ cũng phải dựa trên lý lẽ tự nhiên, đúng quy luật, một chủ quan một khách quan hợp tác với nhau gọi là Đại Tráng.

B) Lời tượng

Đại tráng ,quân tử dĩ phi lễ phất lý.

hết sức mạnh mẽ, bậc trưởng nhân nếu thấy điều không hợp lẽ thì dứt khoát không làm.

Đại tráng không phải là sức khỏe của cơ bắp, ở đây ý chỉ thắng được lòng mình hay rõ hơn là thắng sự ham muốn vật dục nơi con người mình tức là đại tráng hay “siêu mạnh”.

Thí dụ: ai mà chẳng thèm muốn chức quyền và tiền bạc, nhưng người quân tử chỉ ham tiền của mình chứ không tham của người, chỉ dám ngồi lên ghế khi thấy mình làm được việc chứ không cố bon chen ngồi lên ghế cho bằng được… hòng kiếm chác… mọi người chỉ cần giữ được chữ công chính là đã xứng đáng với “đại tráng” rồi.

B- Lời Hào

c.1) Hào Sơ:

Tráng vu chỉ, chinh hung, hữu phu.

Hào Sơ thấp nhất cũng tương đương vị trí ngón chân trong cơ thể khi đứng.

Mạnh ở cấp thấp nhất là chỉ không sợ chết tức như ta hay nói hữu dũng vô mưu, chỉ có sức mạnh cơ bắp không có cái đầu thì đánh ai được, nếu đánh thì thua chắc (chinh hung)…vì vậy phải hữu phu: có lòng tin… vào bậc trưởng nhân chỉ dẫn khi hành động .

c.2) Hào nhị

Trinh cát

Kiên trì với ước muốn trở nên đại tráng, tốt lắm, dù chỉ mới lập chí cũng là điều đáng quý rồi, Hào nhị ở vị trí còn thấp, đoạn đường phấn đấu để trở nên đại tráng còn dài lắm, chỉ cần đừng ngã lòng là đủ được chữ cát .

c.3) Hào Tam

Tiểu nhân dụng tráng, quân tử dụng võng, trinh lệ, đê dương xúc phiên, lụy kỳ giác.

Tiểu nhân dùng sức mạnh, quân tử dùng sự mềm mỏng, cứ khăng khăng chỉ biết sức mạnh sẽ như con dê húc vào hàng rào rồi mắc sừng vào đấy không sao rút ra được.

Bọn Tiểu nhân thiên về bạo lực, trừng trị và trả thù, bậc trưởng nhân thiên về sự giáo hóa, trị bệnh cứu người là chính, bọn tiểu nhân cứ khăng khăng con đường ấy có ngày gặp nạn như con dê chỉ biết húc… nên kẹt luôn sừng vào hàng rào không sao rút ra được.

Võng là từ Việt ngược với căng, đồng nghĩa với chùng , không căng thẳng.

c.4) Hào Tứ

Trinh cát hối vong, phiên quyết bất doanh, tráng vu đại dư chi phúc

Bền lòng nuôi dưỡng ý chí cách mạng sẽ được đền đáp (mọi hối tiếc sẽ tan biến = hối vong), sẽ có ngày sức mạnh của bạo lực cách mạng đủ để đạp đổ bức tường bảo vệ chế độ thối nát, cỗ xe cách mạng tiến đi mạnh mẽ, nhờ cái vành bánh xe vững chắc ( ý chỉ dịch học ).

Liên kết với hào từ của hào tam ta mới hiểu được hào tứ.

Hào tam ý chí cách mạng có thừa nhưng thiếu khoa học lý luận cách mạng nên húc đầu vào đá, tức chưa đủ lực đã manh động tiến hành cách mạng nên thất bại vì tường rào không đổ, song hào tứ vẫn kiên trì ý chí cách mạng đến khi đủ lực ; nhận định thời cơ chọn thời điểm, đánh giá đúng sức mạnh nên cách mạng thành công. Bức tường đổ, tường đổ rồi thì không còn vật gì cản trở cỗ xe cách mạng tiến lên mạnh mẽ, sở dĩ được vậy là biết dựa trên hay vận dụng lý luận cách mạng, hay khoa học về tiến hóa xã hội. Một cách sáng suốt đúng đắn (chính là Dịch học).

c.5) Hào ngũ:

Táng dương – vu dị – vô hối

Làm cho bầy dê mất tính hung hăng không lỗi.

Cách mạng thành công rồi , thời đập phá đã kết thúc bắt đầu thời xây dựng, tính hung hăng hay húc của bầy dê đâu có dùng được nữa, tính chất này có khi lại trở thành mối nguy cho chế độ mới, bằng mọi cách phải diệt hay chấm dứt nó ngay.

c.6) Hào thượng

Đê dương xúc phiên, bất năng thoái bất năng toại, vô du lợi, gian tắc cát.

Con dê đực húc vào hàng rào tới cũng không được, lui cũng không xong không có gì là lợi cả, gian nan vất vả sau được tốt – lành.

Nói năng vung vít, một tấc bốc tới trời, bây giờ thực tế không như vậy, không thể tới vì càng tới càng xa rời thực tế “lún” sâu vào hoang tưởng, không thể lùi vì không lẽ nhận mình ...sai như vậy biết bao công sức, thậm chí bao sinh mệnh phải trả giá cho cái sai này à? Tình hình như thế còn gì là lợi nữa, nếu thực tâm thì sau khi gian nan sửa chữa sai lầm, đổi mới thành công thì rất tốt đẹp .

Share this post


Link to post
Share on other sites

Dịch học họ HÙNG . bài 37

18/ Cặp Quẻ Mọc – Lặn

Posted Image

Chu dịch : Tấn – minh di

Chủ tâm của mình muốn bon chen giành giật địa vị – thì làm cho đức sáng nơi mình bị thương tổn.

Ở đời 2 thứ người ta hay giành sống giành chết với nhau là: Quyền và lợi – hoặc lợi và danh.

Thi ân bất cần báo là đạo đức chân thực, còn thi ân để chờ người khác báo lại thì đấy không phải là làm việc nghĩa mà là ...kinh doanh.

Tương tự như vậy khi hy sinh xả thân cứu quốc cứu người thì đấy là việc nghĩa, còn chưa tham gia cách mạng đã tính chia ghế, chia phần thì đó cũng chỉ là phường đi buôn.

Nếu xả thân vì đại nghĩa thì hào quang tự nhiên phát sáng, người người kính trọng còn phường buôn thì như ánh sáng bị che đi mất rồi, có ai thấy đâu.

Về hình tượng cặp Quẻ này dùng cảnh mặt trời mọc và lặn để biểu thị , dân gian gọi là Mập – mờ .

Mọc = tấn , mờ = minh di biến âm thành mập - mờ.

Minh di là ánh sáng bị che đi, tức mờ, nguyên văn là sức sáng bị thương tổn.

A- Quẻ Mọc = Hỏa / Địa

Hoa ngữ là tiến lên

Hỏa địa tấn là tượng phương đông lúc mặt trời mọc, hỏa là mặt trời nhô lên trên , mặt đất là quẻ địa.

a) Lời Quẻ:

Tấn, khang hầu dụng tích mã phồn thứ, trú nhật tam tiếp

Rất nhiều học giả giải nghĩa là tiến lên, hầu tước có tài trị quốc an dân, được vua thưởng cho ngựa quý, trọn ngày được vua 3 lần tiếp kiến.

Câu trên nói lên:

- Công trạng : được gọi là khang hầu tức người mang tước hầu có tài trị quốc an dân.

- Phần thưởng : thưởng nhiều ngựa xe, trong lễ chế nhà Chu phân biệt rất nghiêm, tước vị gì thì được bao nhiêu ngựa, bao nhiêu xe, nói vua ban thưởng nhiều ngựa xe có nghĩa là được thăng chức, tức là sự nghiệp đang tiến lên vậy.

- Ngày vua tiếp kiến 3 lần biểu thị thái độ đặc biệt quý mến của vua với bậc hiền tài kiệt xuất

Riêng với Dịch học họ Hùng lời Quẻ có nghĩa là: Khang hầu, là chữ viết sai, chính xác là cang hầu, hay khăng hầu (khăng khăng là không đổi) cứng - không đổi là tượng của Dịch lý chỉ phương Tây, Khang hầu ở đây chính là Tây Bá hầu tức ông Cơ Xương.

Lời Quẻ là: Tây Bá hầu lập đại công được vua ban thưởng trọng hậu, một ngày mời tiếp kiến bàn việc nước tới 3 lần, ba trong tiếng Việt chỉ có nghĩa là nhiều mà thôi.

b) Lời tượng:

Minh xuất địa thượng, tấn, quân tử dĩ tự chiêu minh đức.

Mặt trời nhô lên ở đường chân trời, là tượng cho sự tiến lên, bậc trưởng nhân xem đó làm cho rực rỡ thêm ánh sáng đạo đức nơi mình.

c) Lời Hào

c.1) Hào Sơ

Tấn như, tồi như, trinh cát, hối vong – phu dụ, vô cữu.

Tiến lên bị chặn lại, bền chí thì gặp tốt, tan biến sự hối thẹn, chung quanh chưa tin tưởng, cứ đủng đỉnh chờ thời, không lỗi gì .

Thời khởi đầu hay nguyên thủy của loài người chưa có tri thức khoa học, lần mò mà tiến lên, có bước thành công nhưng cũng có bước thất bại, cứ bền chí tiếp tục tiến bước vì mới chỉ là sự trải nghiệm ban đầu nên đâu dễ cho mọi người tin cả, cứ từ tốn khoan thai mà làm việc rồi thế nào thời cơ cũng đến.

c.2) Hào nhị

Tấn như, sầu như, trinh cát, thụ tư giới phúc, vu kỳ vương mẫu

Tiến lên, không được như ý – bền lòng sẽ tốt, được hưởng phúc lớn từ bà cố nội ban xuống.

Dù chỉ mới là bước đầu, tiến lên dưới ánh sáng tri thức, vừa tiến hành vừa rút kinh nghiệm nếu có bước thành công nhưng cũng có bước bị trở ngại khiến phải rầu rĩ, nhưng cứ bền lòng rồi sẽ tốt – sẽ được hưởng một cách sâu rộng những thành tựu mới của khoa học kỹ thuật (tổ mẫu)

c.3) Hào Tam

Chúng doãn – Hối vong

Bây giờ mọi người đã tin tưởng , không còn hối thẹn điều gì .

Ở hào sơ là mò mẫm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến hào nhị bước đầu có tri thức, hệ thống hóa các mối liên quan của sự vật bằng ký hiệu công thức đơn giản, tới hào tam là thực sự có ánh sáng khoa học soi đường nên hào từ nói được mọi người tin tưởng.

c.4) Hào Tứ

Tiến như thạch thử, trinh lệ

Tiến theo kiểu của loài chuột đồng cứ như thế mãi thì nguy hiểm.

Chỉ một chữ thạch thử mà có vị dịch là chuột đồng, người khác lại dịch là chuột lớn, chuột năm nghề ? (ngũ kỹ thử), có vị lại dịch là con dế mèn… nay xin góp thêm một ý … thạch thử, chữ thạch là chữ ký âm bằng Hán ngữ từ “thọt” của Việt ngữ, con chuột thọt chân tức chân què… đã què thì bơi bơi lết lết làm sao mà tiến lên được … ý hào tứ là lòng ham muốn tiến đi như mọi người nhưng lực bất tòng tâm, không đủ khả năng để tiến, chỉ lết lết chút ít mà thôi.

c.5) Hào ngũ:

Hối vong, thất đắc vật tuất, vãng cát, vô bất lợi.

Bạch thư chu dịch chép là: thủ đắc vật thuyết.

Không có gì phải hối tiếc, không tính toán thiệt hơn, tiến lên rất tốt, không gì là không lợi.

Hào ngũ là địa vị thủ lãnh- quân vương phải lo cho xã hội phát triển tiến lên, đừng tính toán lời lỗ của riêng mình, được như thế thì không thẹn với lòng và không gì là không lợi tức lợi mọi đường.

c.6) Hào thượng

Tấn kỳ giác, duy dụng phạt ấp lệ, cát, vô cữu trinh lận

Tiến lên bằng sức mạnh của cặp sừng ( chỉ biết húc mở đường) dù chỉ dùng đàn áp trong ấp cũng nguy, phải có lý do chính đáng lắm mới không lỗi, kéo dài việc ấy thì đáng xấu hổ.

Dùng sức mạnh của cặp sừng húc càn mà tiến lên ý chỉ việc chiếm đoạt ngôi vị bằng bạo lực, ngày nay gọi là đảo chính quân sự, dùng sự bạo tàn đàn áp nhân dân là điều vô cùng nguy hại, như thế chỉ khiến người ta cùng đường, căm phẫn buộc phải nổi dậy chống đối. Phải có lý do chính đáng lắm việc hành xử như vậy mới không lỗi. Thí dụ người dân nhẹ dạ bị kích động, biểu tình đập phá tràn lan thì nhất thời phải dùng cảnh sát, vòi rồng mà trấn áp giải tán. Nhưng nếu vòi rồng dùi cui trở thành chính sách cai trị thì thật là điều đáng hổ thẹn.

B- Quẻ Lặn = Địa/ Thiên

Minh di Tiếng Việt là ánh sáng bị che khuất tức mờ tối , thiên chìm xuống dưới địa là tượng mặt trời lặn.

Bậc quân tử thực thì đốc thực huy quang, còn ngụy quân tử bon chen dành giật quyền cao chức trọng là tự đánh mất mình như là ánh sáng bị che lấp đi hay nói khác là chỉ thấy ...đen thui đấy chính là ý nghĩa của cặp quẻ tấn – minh di.

a) Lời Quẻ

Minh di, lợi, gian trinh

Khuất sáng hay mờ tối, vững lòng trong cảnh gian nan sẽ có lợi.

Nhiều nhà nghiên cứu bàn rất hợp lý… đoạn trên nói về ông Cơ Xương , minh di là lúc bị vua Trụ nhốt trong ngục Diũ Lý, trong cảnh lao tù, dù gian nan tới đâu vẫn một lòng theo đường công chính, giữ vững khí tiết người quân tử, sở dĩ ông bị tù là vì nổi tiếng là người nhân đức, nghĩa là đức sáng nơi ông đã chiếu tỏa, Trụ Vương hôn ám, sợ ảnh hưởng của ông nên đã ra tay để “minh di” , bỏ tù ông tức vây kín lại không cho ánh sáng chiếu ra.

b) Lời tượng

Minh nhập địa trung, minh di, quân tử dĩ lợi chúng, dụng hối nhi minh.

Mặt trời lặn vào trong đất đây là cách nói của người xưa chỉ mặt trời lặn, còn nghĩa bóng là: bậc trí giả hay trưởng nhân đến với quần chúng, Muốn làm lợi cho họ thì phải biết rõ trình độ của họ, nghe và nói ở trình độ đó, giáo huấn khuyến dụ cũng phải căn cứ trên mặt bằng dân trí không thể nói những điều quá cao xa không ích gì vì người nghe đâu có hiểu không tiếp thu được gì, đó là ý của câu : dụng hối nhi minh, thầy dạy học trò thì phải truyền đạt ở trình độ của trò thì mới có thể tiếp thu được.

C – Lời Hào

c.1) Hào Sơ

Minh di vu phi, thùy kỳ dực Quân tử vu hành, tam nhật bất thực, hữu du vãng, chủ nhân hữu ngôn.

Che lấy sự sáng (nơi mình) bằng cách cao chạy xa bay, cố gắng tới mệt rũ cả cánh, bậc trưởng nhân bước đi vội vả tới 3 ngày không dám ngừng lại ăn, phải trốn xa như vậy để còn có thể giữ được sự công chính , có dư luận không tốt.

Rõ ràng lời Quẻ diễn tả cuộc trốn chạy vội vã, cam go của một đấng quân tử trước cuộc truy sát của lũ hôn quân bạo chúa .

c.2) Hào nhị.

Minh di, di vu tả cổ, dụng chửng mã tráng – cát

Sức sáng bị thương tổn, bị thương nơi đùi trái, ý nói sự tiến đi bị cản trở nhưng không nghiêm trọng lắm.

Minh di ở đây có nghĩa là bậc hiền tài bị hãm hại, nhưng chỉ có thể làm chậm lại chứ không ngăn được đường tiến.

Dựng chửng mã tráng rất khó dịch, nhiều học giả dịch mã tráng là ngựa khỏe… thấy không ổn, ngựa khỏe phải là tráng mã, còn mã tráng là cấu trúc Việt ngữ . Còn dịch là con ngựa bị thương nghe cũng không ổn (tráng là bị thương)

Ở đây có một kiến giả khác thường:

Cũng như trường hợp “Thạch thử” vừa dịch vừa ký âm chữ Hán của ‘chuột thọt chân’ , ‘chửng mã’ là ngựa chứng trong tiếng Việt , ý hào từ chỉ sự hãm hại gây khó khăn cho sự tiến đi ( bị thương ở đùi trái ). Nghĩa câu ‘Dụng chửng mã’ là: vị hiền tài khuất phục được con ngựa chứng ý nói thu phục được một người dũng mãnh nhưng ngang tàng (chửng mã), việc này khiến ông ta càng thêm uy lực rất tốt.

c.3) Hào Tam

Minh di vu nam thú, đắc kỳ đại thủ, bất khả tật, trinh.

Đất của Tây Bá hầu tức ông Cơ Xương ở phía Tây Bắc Trung Hoa theo Dịch lý tức Tây Nam Trung Hoa hiện nay gồm phần đất nay là Quí Châu, Vân Nam, Quảng Tây và Bắc Việt Nam,còn đất kinh đô triều ca của Trụ vương nơi bờ Hoàng Hà, Hà Nam ngày nay, tức phía Nam của Dịch lý (phương hướng ngày nay đã đảo ngược Bắc Nam).minh di nam thú ở đây chỉ việc :

ông Cơ phát nối nghiệp cha là “Bậc hiền tại bị hãm lại (minh di)” làm Tây Bá hầu cầm đầu chư hầu nổi lên đánh Trụ vương, tiến quân về kinh đô nhà Ân (ở phương nam), nhưng ông Cơ Phát đã cho dừng binh không tiến nữa vì nhận định chưa chắc thắng đó chính là “bất khả tật” trinh tức phải kiên trì chờ đợi thời cơ không manh động .

Ở Quẻ này: minh di được dùng như là danh hiệu của Tây bá hầu, người hiền tài bị hãm hại.

c.4) Hào Tứ

Nhập vu tả phúc, hoạch minh di chi tâm, vu xuất môn đình.

Nhận ra mặt trái của bụng dạ người (Trụ Vương) lòng lang dạ thú đang trù hoạch việc hãm hại bậc hiền tài, lập tức phải cao chạy xa bay.

Ở đây nói đến tình cảnh của một đại công thần một đời trung nghĩa phò tá vua, nay nhìn ra bụng dạ hẹp hòi xảo trá của hôn quân đang muốn hãm hại mình, phải lập tức trốn chạy, có lẽ hào nói về ông Cơ Tử, đại công thần triều Ân Thương phải giả điên rồi trốn chạy thoát chết khỏi tay Trụ vương (ông tỉ can liều gan can ngăn bị Trụ Vương mổ bụng moi gan)

c.5) Hào ngũ:

Cơ tử chi minh di, lợi trinh

Ông Cơ Tử, bậc hiền tài thời Trụ vương kiên trì chờ thời bằng cách giả điên để thoát chết khỏi tay Trụ vương sau được Vũ vương nhà Chu rất trọng vọng .

Bậc hiền tài một lòng trung trinh với nước với dân, xử vào hoàn cảnh nghiệt ngã thời Trụ vương bạo ngược có 2 cách xử sự:

Ông Tỉ can liều mình can ngăn bị Trụ Vương mổ bụng moi gan đấy là ông đã: trí mệnh tọai chí, liều thân mình để giữ được chí cả còn ông Cơ Tử đã giả điên để thoát chết, giả điên tức “Minh di”, che dấu sự sáng suốt nơi mình để thoát nạn.

c.6) Hào thượng

Bất minh hối, sơ đăng vu thiên, hậu nhập vu địa.

Vầng hào quang đã tắt chỉ còn sự hổ thẹn như mặt trời mọc rồi đi đến thiên đỉnh, sau ngả về Tây và ánh sáng lụi tàn dần.

Nghĩa bóng là: do sự quang minh lỗi lạc, thăng tiến đến tột đỉnh vinh quang nhưng từ đó biến thành hôn ám, lòng lang dạ thú, ánh sáng cứ tắt dần cho đến khi mất hẳn để lại sau lưng sự nguyền rủa ngàn đời (Trụ Vương)

Trong lịch sử có rất nhiều vì vua như vậy, về già trở nên hôn ám giết hại các khai quốc công thần để độc bá quyền hành và danh vị

Share this post


Link to post
Share on other sites

Dịch học bài 38

19. Cặp Quẻ: chống – chọi hay đánh

Posted Image

Dịch học của Tàu gọi là Khuê – Sư

Dịch học họ Hùng và Dịch Tàu khác nhau ở Quẻ Sư – đánh

phong hỏa – đánh hay sư (quân)

Dịch học Tàu là : Địa Thủy Sư.

Phong hỏa hay phong hoả đài là công cụ chiến tranh của Trung Hoa. Tức là cái đài cao đốt củi cho khói lên tức 1 hình thức truyền thông tin trong quân sự , báo quân tình hoặc làm hiệu lệnh hành quân, thánh nhân dùng tượng này đặt tên quẻ sư – tức việc quân, hay hành quân, tiếng Việt gọi là đi đánh.

Dịch học Tàu : Địa Thủy Sư là: nước ở trong đất là:… không hiểu.

A- Quẻ chống hay Khuê = Hỏa/ Trạch

Trạch là cái Hồ, Hồ thì chứa nước là hợp lẽ tự nhiên, ở đây hồ chứa lửa là ngược ngạo, chống lại lẽ tự nhiên nên đặt tên là chống hay khuê có nghĩa là ngược ngạo, hay trái nghịch.

Cũng có thể dùng thoáng hơn là quân hay lũ nghịch tặc vô đạo

Có nhiều người ngày nay đang nói đến cái gọi là tư tưởng Trung Hoa, thực ra đích danh phải gọi là tư tưởng Hãn hay Tàu mới đúng…. khía cạnh đặc trưng của tư tưởng ấy là : cứ khom lưng làm trâu ngựa cho họ cỡi thì không sao, còn khác đi là : thời xưa thì lập tức biến thành quân nghịch tặc vô đạo… hỏi đạo gì? Còn ngày nay thì thành…. Phản động… hỏi động gì? Động chiều nào mà phản.

Mà đã chống là phải đánh hay đả…hết văn đả tới võ ̣đả ....kết quả là nhà tan cửa nát, ôi nay sao mà còn giống xưa đến thế.

a) Lời quẻ

Khuê, tiểu sự – cát

Trái nghịch, có thể vận dụng vào việc nhỏ, như chế tạo công cụ lao động để kiếm sống – tốt lắm.

Thí dụ về việc vận dụng khuê là chế tạo cái cung, 2 cánh cung vận động trái chiều tạo thành lực phóng tên đi .

Cung và tên là loại công cụ đánh dấu một bước tiến trong quá trình phát triển đi đến văn minh của loài người, đây chính là tiểu sự – cát.

B) Lời tượng:

Thượng hỏa hạ trạch Khuê, quân tử dĩ đồng nhi dị.

Thiên hạ ai cũng bằng ai, tức cào bằng tất cả đấy là ‘Đồng nhi đồng’ còn ‘đồng nhi dị’ là mỗi người tận dụng hết khả năng thiên phú của mình và ngược lại cũng thu nhập tùy theo sự đóng góp, nói theo từ ngày nay là làm nhiều, hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng, và lẽ dĩ nhiên chữ làm phải hiểu theo cả chất và lượng. Một giờ đóng góp của nhà bác học không thể nào bằng với một giờ của anh thợ sửa xe đạp lề đường.

Đấy là ý nghĩa của Đồng nhi dị.

c) Lời Hào

c.1) Hào Sơ

Hối vong – táng mã – vật trục tự phục, kiến ác nhân vô cữu

Không phải ân hận gì, mất ngựa chẳng phải tìm, tự nó tìm về vì ngựa là loài trung thành với chủ, tục ngữ Việt có câu giữ người ở lại chứ làm sao giữ được người (bỏ) đi.

Đã có lòng thủy chung thì dù phải tạm chia ly, chắc chắn cũng có ngày đoàn tụ, còn người đã muốn rời bỏ ta không quay về thì có tìm thấy cũng vô ích, kẻ bất trung bất tín như thế rồi ra sẽ trở thành ác nhân, mình không lỗi gì cả về việc này.

c.2) Hào nhị

Ngộ chủ vu hạng, vô cữu

Gặp chủ ở đường hẹp, không lỗi.

Đường hẹp hay ngõ hẹp là trái nghịch với đường thênh thang, đường thênh thang chỉ lúc vận hội hanh thông, làm ăn thuận lợi phát tài phát lộc, công danh sự nghiệp đang vẻ vang .. nhận chủ - tớ lúc đó là bình thường đi theo phò tá để kiếm chác chút đỉnh. Còn kết giao bằng hữu hay nhận chủ tớ lúc còn hàn vi, công danh sự nghiệp chưa đến thì đó là lòng thành tín thực sự – còn lỗi gì nữa.

c.3) Hào Tam:

Kiến dư duệ, kỳ ngưu xiết, kỳ nhân thiên thả ti, vô sở hữu, chung.

Sự phát triển xã hội trở nên ì ạch, vì con trâu kéo xe bị cản, nghĩa là động lực thúc đẩy sự hăng say làm việc là lợi nhuận không có, chống đối cách mạng lũ phản động đang bị trừng trị thích đáng, xâm mặt cắt mũ , đây là cuộc cách mạng vô sở hữu – Tất cả là của chung.

Hào tam chủ lợi , giờ cách mạng rồi không còn lợi nhuận riêng tư bỏ túi nữa nên tất cả trở nên ì ạch, cỗ xe phát triển được trâu kéo nghĩa là chính lợi ích vật chất thu được thúc đẩy người ta tăng năng suất thậm chí lao động quên mình , có như thế cỗ xe kinh tế mới đi tới được, bọn tù nhân bị xâm mặt cắt mũi chính là bọn phản động chống đối chính sách., Chống lại cách mạng vô sở hữu Không còn là của riêng ai tất cả là của chung .

c.4) Hào Tứ

Khuê cô, ngộ nguyên phu, giao phu lệ, vô cữu.

Đơn độc chống đối, gặp đồng chí cũ, thành tín kết giao, nguy hiểm, không lỗi.

Ngộ nguyên phu nghĩa đen là gặp người trước đây đã tin tưởng, dịch thoáng là: gặp lại bạn đồng chí cũ , giao phu nghĩa là thề ước sinh tử có nhau, nguy hiểm vì không còn là cá nhân chống đối nữa mà thành một lực lượng chống đối tức chống đối có tổ chức như thế tội sẽ nặng hơn nhiều ...

c.5) Hào ngũ

Hối vong, quyết tông phệ phu, vãng hà cữu

Hối thẹn tiêu tan, thề sống chết cùng đồng đảng, tiến đi, đâu có gì sai.

Lực lượng chống đối đã thành một đảng của những người đồng chí hướng sống chết với nhau quyết thực hiện cho được mục đích đã đề ra, quyết đi tới cùng con đường đã chọn.

c.6) Hào thượng

Khuê, cô, kiến thỉ phụ đồ, tải quỷ nhất xa , tiên trương chi hồ, hậu thoát chi hồ, phỉ khấu hôn cấu vãng ngộ vũ tắc cát.

Hào ngũ là đã có minh chúa, vậy mà mình cứ một mực chống phá tới cùng, không nghĩ gì đến cảnh dân chúng điêu linh, sẽ không còn ai ủng hộ nữa lúc ấy đội quân nổi dậy rất dễ biến thành lũ trộm cướp.

Đến hào ngũ là đã đắc vương đạo, đã có minh chúa tôi hiền mà còn tiếp tục chống lại là không còn chính nghĩa, lộ nguyên hình là kẻ mưu đồ xấu xa tư cách đê tiện và đồng đảng là lũ quỹ hung ác (heo và quỷ).

Bậc trưởng nhân định tiêu diệt chúng không thương tiếc, nhưng sau mở đức hiếu sinh (dương cung rồi hạ cung) “chiêu hồi” chúng, cho chúng cơ hội hoàn lương (trời mưa sẽ rửa sạch bùn), rửa sạch tội lỗi xấu xa, kết cục thực “có hậu”.

B- Quẻ đánh hay sư = Phong/ Hỏa

Quẻ phong trong quẻ trùng này, nghĩa là khói chứ không phải gió, phong hỏa đài có nghĩa là dùng hệ thống đài đốt lửa để thông tin quân sự, điều binh mã từ nơi xa, nên đặt là quẻ đánh hay hành binh.

a) Lời Quẻ:

Sư – Trinh – Trượng nhân cát – vô cữu .

hành brinh, phải nhất quán về hiệu lệnh (trinh), bậc trượng nhân đức cao trọng vọng cầm quân mới tốt, không lỗi gì.

B) Lời tượng

Phong tự hỏa xuất, sư, quân tử dĩ ngôn hữu vật, nhi hạnh hữu hằng.

Lửa đẻ ra – khói, lửa khói được dùng làm tín hiệu điều binh, xem tượng ấy bậc trưởng nhân nói phải đi đôi với làm, thường xuyên giữ gìn đức hạnh, để quần chúng trông vào mà tin tưởng.

Tục ngữ Việt nói không có lửa sao có khói, như vậy khói là tín hiệu để nhận ra lửa, việc nói năng trung thực, gìn giữ phẩm hạnh là tín hiệu để người khác nhận biết bậc quân tử hay chỉ là ngụy quân tử.

c) Lời Hào

c.1) Hào Sơ

Sư xuất dĩ luật, phủ tàng hung

Xuất quân với kỷ luật nghiêm minh không như vậy sẽ nguy hiểm.

Kỷ luật còn có nghĩa là chấp hành hiệu lệnh, hiệu lệnh phải nhất quán trong toàn quân, ngày xưa thường dùng cờ và tiếng trống, làm sao cả đạo quân nhận lệnh và thực hiện lệnh phối hợp một cách nhịp nhàng như những cơ phận trong thân thể con người như thế mới có thể thắng trận.

Phủ tàng là còn ngược lại sẽ nguy hiểm, hung

c.2) Hào nhị

Tại sư trung cát, vô cữu, vương tam tích mệnh

Cầm quân phải thực sự công minh, rất tốt, không mắc lầm lỗi, vua nhiều lần ban thưởng.

Đạo cầm quân là phải trên dưới như một, muôn người như một, muốn được như vậy vị chỉ huy phải thực sự công minh, chính trực, công minh là rõ ràng và công bình, đấy là đức hạnh bên cạnh tài ba của bậc tướng soái, có người cầm quân như thế đạo quân ấy chắc chắn trở thành đạo quân bách chiến bách thắng ( Vương tam đích mệnh)

c.3) Hào Tam

Sư hoặc dư thi, hung

Không có tư lệnh chiến trường, thực nguy hiểm

Nghĩa đen là việc quân mà giao cho nhiều đầu mối, hung

Chiến trường phải được chỉ huy thống nhất như con người chỉ có một cái đầu, mệnh lệnh phát ra từ đó phối hợp các bộ phận cơ thể cùng quy về một mục đích nhất định như tư lệnh phát mệnh lệnh điều động phối hợp các cánh quân các binh chủng hợp đồng tác chiến, có nhịp nhàng thống nhất như một cơ thể thì mới hòng thắng trận.

c.4) Hào Tứ

Sư tả thứ vô cữu

Tạm lui quân, không lỗi

Nghệ thuật cầm quân không phải chỉ biết có tiến, mà tùy lúc tùy tình thế phải biết tiến thối đúng theo kế hoạch, rút cũng là một cách tiến công vậy, từ quân sự gọi là rút lui chiến thuật… nghĩa rút cũng là một cách đánh mà thôi nên đâu lỗi gì.

Một nghĩa khác có thể hiểu:

Sư tả thứ vô cữu là quá lạm vũ lực rồi, có những việc không thể chỉ một mực đối phó cứng rắn là xong nhiều khi phải dụ dỗ vỗ về giảng việc nhân nghĩa… để tránh đổ máu phí phạn mà kết quả lại rất căn cơ đấy gọi là “tâm công” ngày nay thường gọi là : tâm lý chiến, hay chiến tranh chính trị. Như vậy tạm lui quân sao có lỗi được.

c.5) Hào ngũ

Điền hữu cầm, lợi chấp ngôn, vô cữu trưởng tử sáng (xuất) sư, đệ tử dư thi , trinh hung.

Ruộng bị chim ăn lúa, phá phách, xuất quân trừ diệt là chính đáng, phải dùng vị tướng tài đức vẹn toàn, tướng kém tài đức sẽ tổn thất nhiều. Kéo dài việc này mãi, xấu.

Điền hữu cầm thực ra là hình ảnh đã danh chính ngôn thuận để xuất binh, vì đây là giặc trong nước chứ không phải ngoại xâm nên vị tướng cầm quân phải tài đức vẹn toàn để thực hiện việc vừa ân, vừa uy không phải chỉ một mực muốn tiêu diệt, trinh hung là nếu cứ phải hành binh mãi thì xấu, để sa lầy trong cuộc chiến thì xấu lắm. Ý nói cuộc chiến phải nhanh chóng chấm dứt, nhanh chừng nào tốt chừng ấy.

c.6) Hào thượng:

Đại quân hữu mệnh, khai quốc thừa gia, tiểu nhân vật dụng.

Việc chiến chinh là bắt buộc để bậc đế vương thụ mệnh trời vì bá tính lập nên một triều đại mới , tuyệt đối không giao binh quyền cho kẻ xấu tranh bá đồ vương .

Câu này cũng có thể hiểu là : tiểu nhân tuyệt đối không được đụng đến việc quân binh.

Share this post


Link to post
Share on other sites