ndmph

Online Cuối Tuần

4 bài viết trong chủ đề này

Tin ở đức tin

Nguyễn Việt Hà

Nguồn: Tạp chí Sống mới

02:29' PM - Thứ ba, 23/12/2008

Hồi xa xưa, Hà Nội lãng mạn vẫn còn tàu điện. Trên tàu điện thỉnh thoảng lại có một ông hom hem trung niên áo vét bạc màu, đeo kính râm gần giống như những người khiếm thị. Ông này quàng một cái khay gỗ, linh tinh bày nhiều loại gói. Có loại nguy hiểm như thuốc tẩy, như thuốc chuột. Gió mùa đông bắc nhè nhẹ rít qua cửa sổ toa tầu và giọng ông rè rè cao: “Gió đông nam thổi ngược, gió đông bắc thổi xuôi. Anh nghi nghi hoặc hoặc. Chị nghi nghi hoặc hoặc. Uống một liều là giải hết nỗi nghi ngờ”. Ngôn từ sâu xa bí hiểm gần giống như câu thơ “Ai cũng hiểu nhưng một người không hiểu” mà một hãng được lớn bây giờ đang tìm cách sở hữu. Mọi người hoang mang nhao nhao đoán và ông trung niên điềm đạm giải thích, đấy là thuốc chữa hôi nách.

Theo nhiều nhà nổi tiếng là đạo đức thật thì xã hội đương đại của ngày hôm nay có nhiều nghi hoặc quá. Quanh một người bình thường luôn “thập diện mai phục” không biết bao nhiêu là đớn đau và bất trắc. Vâng, đã bao giờ bạn bị bằng hữu thân thiết bán rẻ chưa. Đã bao giờ bạn bị người tình quay quắt dối trá bội bạc chưa. Thậm chí tệ nữa, bạn đang hạnh phúc ê hề nhung lụa, bỗng một sáng giá vàng cổ phiếu xuống, bạn rơi xuống tận đáy ngầu đục thị trường. Chao ôi, hầu như những thảm cảnh này đều khắc nghiệt hơn hẳn cái bệnh ngoài da oái oăm kia. Và khi phải đối diện với những thứ kinh hoàng đó để mà trong trắng sống, nhỏ nhoi, con người ta là duy nhất chỉ còn một chỗ vịn, đấy là lòng tin.

Lòng tin hay còn được gọi trang trọng là đức tin, hay còn được bay bổng gọi là niềm tin, đại loại đa số các trọc phú đã trót có tiền thì đó là một thứ vừa thiêng liêng lại vừa vớ vẩn. Bởi đơn giản, trong lịch sử dằng dặc của nhân loại vẻn vẹn có dăm ba người là cặm cụi lao khổ vất vả rùi đi tìm nó rồi vinh danh nó. Đấy là Hoàng Tử Tất đạt Đa Xứ Nepal, sau này được gọi là Đức Phật. Đấy là anh thanh niên Giê – Xu xứ Nazareth, sau này được gọi là Đức Ki tô. Đấy là ông thầy đồ Khổng Khâu nước Lỗ, sau này được gọi là Đức Vạn thế sư biểu. Đấy là, đấy là… Thế nhưng vẫn là quá ít nếu phải so với nhan nhản những người tinh khôn lành mạnh. Không phải ngẫu nhiên một nhân loại mênh mông văn minh đến thế, ranh mãnh đến thế lại chỉ có bơ vơ dăm ba người như vậy.

Này lòng tin, mày đang ở đâu…

Một thương nhân sắp sửa thành đại thương gia đã xuất sắc dạy con trả lời cho câu hỏi siêu hình này. Ông ta đem thằng con bảy tuổi đang chập chững bước vào tiểu học, để lên một mặt bàn chót vót cao rồi âu yếm nói : “Con nhảy xuống đây với bố nào”. Thằng con ngây thơ, tin tưởng lẫm chẫm lao xuống. Ông bố bình thản quay lưng châm thuốc, và đương nhiên thằng con rơi cái bịch, răng lợi văng vãi tung tóe. Lúc đấy ông bố mới ân cần nâng con dậy nghẹn ngào dặn “Con hãy nhớ, khi vào đời thì ngay cả bố mình cũng không thể tin được”. Thật là một bài học kinh dị sâu sắc. Tất nhiên, thằng con lớn lên trưởng thành trong thương trường và sẽ chỉ biết tin vào nó. Rồi nó thản nhiên cho melamine vào sữa bột, trộn phoocmôn vào bánh phở, dán bằng giả lên trán các tiến sĩ. Và nó cũng chun chút tin Thượng đế, vì lúc đó đã mỏi tay đếm tiền, nó giải trí bằng cách đọc slo-gan in trên tờ đô la xanh “We trust in God”.

Đức tin hình như càng ngày càng hiếm trong xã hội bây giờ. Những anh hùng thời đại nồng nặc mùi giấy bạc của ngày hôm nay chỉ còn đẫm đầy sự tự tin. Bọn họ tự tin đến mức tồng ngồng hoành tráng hát “Ra đi ra đi không quần không áo… Thằng Tây nó tiến thì mình giật lùi, thằng Tây nó lúi thì mình giật tiền”. Sự tự tin quá mức dẫn đến sự đểu cáng, đến sự ngông cuồng tự mãn sẵn sàng bất chấp dẫm đạp lên người khác. Đức tin tuyệt đối không phải là sự tự tin. Tình yêu mà không có đức tin sẽ tha hóa thành ích kỉ nghi kị phàm tục. Tình thương mà không có đức tin thì sẽ trở nên trịch thượng thương hại, một thứ giả dối nhố nhăng thương vay khóc mướn. Đức tin đơn giản là sự chân thành vị tha, sự tuẫn tiết vì đạo lớn, sự bình dị tự nhiên trung thực. Những người tử tế thường nương vào nó để cứu mình rồi giúp đời.

Tuy nhiên, là những người có đức tin nồng nàn, thỉnh thoảng các nhà thơ hay bị quá lo khi trót làm những câu thơ sái: “Một lời là một vận vào khó nghe” ( Kiều). Gần đây có một nhà thơ nữ vừa mất đã làm một câu thơ tiên nghiệm “Vờ như mùa đông đã về”. Và chị đã đi vào cõi vĩnh hằng mà không kịp biết mùa đông. Một nam nhà thơ khác thấy vậy thì hồi hộp lắm, bởi anh trót viết một đoản thi với chủ đề: “Chưa tới mùa xuân”. Bạn bè thương quá, khuyên anh nên thêm ở câu kết một dòng “Khi tôi chết, Việt Nam vào World Cup”, bảo đảm tuổi thọ của anh sẽ dài như hy vọng của bóng đã nước nhà.

Khi đăng báo anh rưng rưng nghe theo và độc giả tin rằng anh sẽ là thi sỹ duy nhất bất tử.

Nguồn: Tạp chí Sống mới

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tư tưởng triết học tự nhiên của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Trần Nguyên Việt
Tạp chí Triết học


Cách đây 511 năm, xã Lý học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, nơi được gọi là "địa linh nhân kiệt" đã sinh ra cho đất nước ta một nhà lý học nổi tiếng, một nhà tiên tri giỏi, một nhà thơ lớn với những đóng góp qúy báu cho nền thi ca Việt Nam thời kỳ trung thế kỷ đó là Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585).

Trong di sản của ông còn sót lại đến ngày nay, chúng ta mới chỉ mới từng bước khám phá từng phần những tư tưởng uyên thâm xen kẽ giữa những vần thơ tức sự, cảm hứng, những bài vịnh và văn bia. Những quan điểm triết học trong tư tưởng của ông đang ngày càng đòi hỏi phải vận dụng những phương pháp khoa học để minh chứng cho một điều là, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đặt và giải quyết một số vấn đề triết học không kém phần bác học so với các bậc hiền triết trên thế giới cùng thời, tức là những vấn đề quan trọng của khoa học lịch sử triết học.

Trong đó, một vấn đề đáng được nghiên cứu một cách nghiêm túc là triết học tự nhiên trong tư tưởng của ông. Do tính đặc thù trong những di sản tinh thần mà Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại là các tư tưởng được ông trình bày trong đó không theo một hệ thống chuyên đề triết học riêng biệt, và mặt khác, những học trò nổi tiếng của ông như Giác Hải, Nguyễn Dữ, Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh… cũng không ghi lại dù chỉ là những cuộc đối thoại triết học ngắn giữa thầy và trò, cho nên từ trước tới nay, đa phần các công trình nghiên cứu về tư tưởng của ông chỉ dừng lại ở việc hệ thống hóa các quan điểm triết học trên hai phương diện cơ bản là "đạo Trời" và "đạo Người". Theo chúng tôi, việc nghiên cứu lịch sử tứ tưởng Việt Nam trước hết phải dựa vào nguyên tắc phương pháp luận cơ bản của khoa học lịch sử triết học là phương pháp so sánh để từng bước làm rõ đặc thù tư tưởng của dân tộc tức là để xem các quan điểm triết học của các nhà tư tưởng nước ta đã kế thừa và có những phát kiến gì mới so với các học thuyết du nhập. Đối với trường hợp của Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm, tư tưởng triết học của ông có phải chỉ giới hạn ở nội hàm của hai khái niệm "đao Trời" và "đạo Người" hay không, đó là vấn đề phải được làm rõ hơn.

Xuất phát từ ý tưởng đó, chúng tôi nếu nghiên cứu tư tưởng của Nguyễn Khiêm mà chỉ dừng lại ở việc hệ thống các quan điểm triết học trên hai phương diện cơ bản là "đạo Trời” và "đạo Người” thì đã vô tình bỏ qua những đóng góp quan trọng của ông cho tư tưởng Việt Nam. Bởi vì, xét về toàn thể, hai phạm trù triết học đó không thể hiện một cách đầy đủ toàn bộ tư tưởng triết học của ông. Riêng khái niệm "đạo Trời" đã làm chúng ta liên tưởng ông là một nhà nho "thuần tuý" với những tư tưởng chính trị - đạo đức kết hợp với tư tưởng "mệnh trời" và "lý số” của Khổng giáo. Nếu mạnh dạn xem xét rộng hơn, sâu thêm "đạo Trời" trong tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm - một hiền sĩ không chỉ chịu ảnh hưởng của tam giáo (Nho, Phật và Lão), mà còn cả ý thức bản địa, chúng ta thấy nảy ra một số vấn đề: bản thể luận trong thế giới quan của ông có nhiều điểm khác với học thuyết của các bậc tiên nho, việc vận dụng thành quả nhận thức thế giới vi mô và thế giới vĩ mô vào nhận thức các quan hệ xã hội, một đặc điểm của trào lưu triết học tự nhiên đã được ông thực hiên một cách nhuần nhuyễn. Đó là những vấn đề đang thu hút sư quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến tư tưởng triết học tự nhiên của ông.

Xét một cách tổng thể? Nguyễn Bỉnh Khiêm chịu ảnh hưởng sâu sắc các học thuyết Tống Nho, Đạo Phật và Lão Trang. Bản thể luận mà ông đề cập đến khi trình bày các quan điểm triết học của mình đã vượt ra ngoài phạm vi của "đạo Trời". Tuy nhiên, chúng ta không nên so sánh bản thể luận đó với bản thể luận của các nhà triết học tự nhiên thời kỳ Phục hưng ở Châu Âu như Lêôna Đơ Vanhxi, Nicôlai Côpécníc… bởi họ đều là những nhà khoa học tự nhiên. Về sau, Seling, nhờ nghiên cứu các học thuyết triết học của Cantơ và Phíchtơ mà phát triển thành triết học tự nhiên của riêng mình với những nhận định mang tính gợi mở cho khoa học hiện đại về sự thống nhất và phát triển của tự nhiên, về sự hình thành thế giới hữu cơ từ thế giới vô cơ… Chúng ta chỉ có thể làm được một việc tạm gọi là phù hợp với phương pháp luận nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam là tiếp cận hệ thống các quan điểm triết họe của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong di sản thơ văn còn lại đến ngày nay.

Nghiên cứu tư tưởng triết học của bất kỳ nhà tư tưởng nào cũng đòi hỏi phải có cách tiếp cận nhất định, hay nói cách khác, phải cố phương pháp nghiên cứu thích hợp mới chỉ ra được tư tưởng triết học đặc thù của họ. Tư tưởng triết học được trình bày trong thơ ca Nguyễn Bỉnh Khiêm rất phức tạp, bởi ngoài những lập luân của những luận thuyết, những quan điểm triết học, còn có cả hình thức và nội dung nghệ thuật trong đó. Xét trên bình diện nghiên cứu lịch sử tư tưởng triết học, dường như các phương diện đó không liên quan đến nhau nhiều, song trên thực tế, chúng lại có sức mạnh thuyết phục rất lớn, đặc biệt là đối với nước ta vào thời Nguyễn Bỉnh Khiêm sống, trình độ phát triển tư duy lý luận còn thấp. Nguyễn Huệ Chi và Tạ Ngọc Liễn đã có những nhận xét mà theo chúng tôi, chưa được thoả đáng về mối quan hệ giữa thơ ca và tư tưởng triết học của Nguyễn Bỉnh Khiêm: "ở con người thi nhân này đã có một bộ phận thơ ca rời bỏ những cảm xúc thẩm mỹ về cái cụ thể để hướng tới một cái gì trừu tượng hơn, mang tính khái niệm thuần tuý, hoặc tập trung cảm hửng vào những mối liên tưởng siêu hình". Chúng tôi cho rằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ là nhà thơ triết lý cuộc sống, mà còn là nhà thơ triết học bởi cảm xúc thấm mỹ của ông về cái cụ thể là trực quan sinh động ở mức độ cao về cái cụ thể đó.

Nguyễn Bỉnh Khiêm chịu ảnh hưởng sâu sắc triết học tự nhiên của Kinh Dịch. Bất kỳ ai đã làm quen với các khái niệm cơ bản của Kinh Dịch cũng đều hiểu được việc ông vận dụng một cách tài tình các nguyên lý của Dịch vào thơ văn của mình như thế nào. Kinh Dịch không chỉ là một cuốn sách triết học cổ nhất của Trung Hoa, mà còn là một cuốn bách khoa kinh nghiệm cho nghề nông của nước này đó là sự phát hiện ra các hiện tượng, các quy luật của tự nhiên được kiểm nghiệm qua mấy nghìn năm và từ đó, người Trung Hoa tiến hành biểu tượng hóa, mô hình hóa các hiện tượng, các quy luật của tự nhiên bằng các vạch liền và đứt (vạch liền gọi là hào dương, vạch đứt gọi là hào âm). Các vạch này liên kết với nhau theo tổ hợp ba vạch, tạo thành tám quẻ (bát quái), một lần nữa, các quẻ này lại liên kết với nhau theo những phương án có thể để tạo thành 64 quẻ kép với sự tham gia của 384 hào. Theo người Trung Hoa cổ đại, 64 quẻ này là tổng hợp hết thảy các hiện tượng xảy ra trong tự nhiên và từ đó, có thể suy diễn được sang lĩnh vực của xã hội. Trong di sản tinh thần cổ đại của Trung Hoa, Kinh Dịch không chỉ là tác phẩm triết học thành vàn đầu tiên, mà còn là công trình khoa học dựa trên kinh nghiệm cuộc sống. Nó đóng vai trò làm lịch, trợ giúp nghề nông của người Trung Hoa cổ đại khi sự can thiệp của con người vào các quá trình của tự nhiên chừa thô bạo như hiện nay, tức là sự can thiệp dẫn đến những thay đổi bất thường các quá trình vật lý của sinh quyển.

Nguyễn Bỉnh Khiêm vận đụng các nguyên lý của Kinh Dịch để phát biểu thế giới quan của mình khá nhiều lần trong các bài thơ về các hiện tượng tự nhiên, về thế sự và thời cục diễn ra trong xã hội. Thơ của ông thường biểu hiện sự mô phỏng các quy luật tự nhiên trong đời sống xã hội. Chẳng hạn trong bài "Cảm hứng" dài 300 câu, ông mô tả quá trình sinh thành của vũ trụ và sự hình thành các nguyên tắc của đời sống xã hội trên cơ sở các quy luật tất yếu của tự nhiên như sau: "Thái cực khi mới bắt đầu phân chia thì tam tài đã xác định được vị trí của mình. Nhẹ và trong bay lên tạo thành trời, nặng và đục lắng xuống thành đất, ở giữa kết tụ lại thành người. Cả ba bộ phận ấy] đều xuất phát từ một khí”. Đây là cách trình bày theo quan điểm triết học tự nhiên, nhưng hoàn toàn không phải là của Nguyễn Bỉnh Khiêm như một số tác giả nhận định, mà là quan điểm vũ trụ luận truyền thống của Trung Hoa và mang tính "tiêu chuẩn". Song, công lao của Nguyên Bỉnh Khiêm trong việc sử dụng quan điểm đó để truy cứu các hiện tượng xã hội theo tinh thần của triết học tự nhiên thì không ai có thể phủ nhận được. Đoạn thơ tiếp theo cho chúng ta thấy rõ điều đó: "Bậc thánh nhân theo khuôn phép của trời, muôn đời ập nên kỷ cương của loài người, noi theo được cái tất đẹp của ngũ điển, trình bày được cái đầy đủ của cửu trù. Vua và tôi phải có nghĩa với nhau, cha và con cái tình thân là tột độ, chồng và vợ kẻ xướng có người tuỳ, anh và em người cưng thì có người đễ, chơi với bạn thì giữ vững điều tín".

Như vậy, nếu tam tài xuất phát từ khí thì bậc thánh nhân cũng theo đó mà đặt ra ngũ luân cho quan hệ xã hội. Vũ trụ không ngừng vận động, biên đổi do hai thế lực âm dương tác động với nhau, phát triển đến cùng cực thì quay lại cái điểm xuất phát theo nguyên lý của thái cực. Quan hệ xã hội cũng vậy, thời cục có lúc lên lúc xuống, đời này qua đời khác không giống nhau về hoàn cảnh cụ thể. nhưng vàn phải theo các nguyên tắc cương thường mà thánh nhân đặt ra, có như vậy, phong hóa và trật tự xã hối mới được duy trì và ồn định.

Một đặc điểm nữa trong quan điểm triết học tự nhiên của Nguyễn Bỉnh Khiêm là so sánh tính tương đồng về mặt cấu trúc cũng như đặc tính của tiểu vũ trụ (vi mô) và đại vũ trụ (vi mô). Chúng ta xem xét vấn đề này một cách cụ thể trong bài "Kê noãn" của ông: "Trứng gà không tròn cũng không vuông, ấy thế mà bao bọc cả trời đất trong đó. Chất thái tố trang ở ngoài có hai lần trắng, chất đan biếm chứa ở trong có một điểm vàng. Thái cực chưa chia, vẫn còn hỗn độn. Hai khí âm dương hợp lại mới nở ra. Khi đã thành lông cánh sẽ bay bổng lên trời mây, hóa làm sao Kim Kê giúp vầng thái dương.

Quả trứng gà được con mắt quan sát của Nguyễn Bỉnh Khiêm là một tiểu vũ trụ, nó cũng trải qua một quá trình khép kín, từ khi hình thành đến phát triển. Đây cũng là một quá trình tuân theo nguyên lý của dịch học về sự vô thuỷ vô chung của thái cực, hết rồi lái bắt đầu trong phạm vi tuần hoàn. Từ đó, ông đã có nhận xét linh hoạt hơn đối với quan niệm truyền thống phương Đông về vũ trụ được hai biểu tượng cứng nhắc là trời phải tròn, đất phải vuông. Trời là cha biểu thị cho thế lực dương, đất là mẹ, biểu thị cho thế lực âm. Âm dương giao cảm mà tác thành vũ trũ theo nguyên lý của đạo, hoặc nói theo ngôn ngữ của Lão Tử, “Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh ra vạn vật. Vạn vật đều cõng âm mà ôm dương điều hòa bằng khí trùng hư" (Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ âm nhi bạch dương, trùng khí dĩ vi hòa). Chính cách hiểu tương đối về hình thái cũng như cấu trúc của quả trứng với tính cách là một tiểu vũ trụ bao hàm trong nó cả trời và đất đã làm cho quan điểm triết học tự nhiên của ông phù hợp với việc xem xét quá trình hình thành và phát triển của vũ trụ. Giống như [con người] trong khoảng giữa của vũ trụ do kết quả phát triển và phân định của thái cực, con gà được tạo tác từ nhân (chất đan biêm màu vàng), tự phát triển đến mức đủ lông, đủ cánh thì bay bổng lên trời cao làm sao Kim Kê cho vầng thái dương được sáng thêm. Còn con người với tính cách là sản phẩm của sự kết tụ tinh tuý giữa trời đất mà chúng tôi đã trích dẫn ở trên, cũng phải hội đủ những điều kiện cần thiết để có ích cho xã hội.

Qua hai thí dụ nêu trên, chúng ta thấy, quan điểm triết học tự nhiên của Nguyễn Bỉnh Khiêm về quá trình hình thành và phát triển của vũ trụ là rõ ràng. Tuy nhiên, đặc điểm của loại quan điểm này là chỉ dừng lại ở việc mô phỏng, tạo điều kiện cho việc so sánh sự giống nhau ở tính huyền diệu của tiểu vũ trụ va vũ trụ bao la, thăm thẳm mà chúng ta đang sống. Mục đích của nó, suy cho cùng, nhăm trả lời cho vấn đề triết học muôn thuở: Con người ta từ đâu mà ra, cuộc sống của nó phải trải qua những bước căn bản nào và khi đến chặng cuối của cuộc đời, nó đi đâu về đâu?

Khác với các nhà triết học tự nhiên Hy Lạp cổ đại những người chuyên suy ngẫm, truy tìm cái bản nguyên của vũ trụ như nước, lửa, không khí… và cũng khác với các nhà triết học tự nhiên ở Châu Âu những nhà khoa học tự nhiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm thừa nhận ngay bản nguyên của vũ trụ là khí. Song, nếu xét về quan hệ giữa Khí và thái cực thì nhiều nhà nghiên cứu của chúng ta băn khoăn bởi điều là, trong hai phạm trù đó, phạm trù nào là phái sinh. Tuy ông, không nói cụ thế, sog chúng ta có thế hiếu được rằng thái cực và khí cùng tồn tại. Theo quan điểm triết học truyền thống Trung Hoa, thái cực là một cái gì đó vô thuỷ vô chung, vô hình vô dạng. Ở đây, Nguyễn Bỉnh Khiêm diễn đạt quá trình hình thành vũ trụ bằng sự khởi đầu cái công việc huyền diệu mà thái cực đảm nhiệm là phân chia (sơ triệu phân). Song, điều đáng lưu ý là phải có cái gì đó làm đối tượng để phân chia. “Không có bột sao gột được nên hồ"? Chính vì vậy ông thừa nhận khí có trước vạn vật, kể cả con người, còn thái cực mang tính nhị nguyên bao hàm cả nghĩa vật chất, cả nghĩa nguyên lý với tính cách là quy luật, đạo…

Rõ ràng, ở Nguyễn Bỉnh khiêm, bản thể của vũ trụ là khí. Khí hiểu theo nghĩa vật chất văn chưa có hình, nó là tiềm ẩn, tiềm năng của thế giới hiện hữu. Ở đây, sự gặp gỡ giữa Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo về phương diện bản thê của vũ trụ là ở tư tưởng không hình, không tên, không sắc, không tưởng. Nguyễn Bỉnh Khiêm đúc kết tư tưởng này bằng hai câu như sau: "Tòng đầu sắc thị không. Bản lai vô nhất vật". Từ đầu sắc đã là không. Vấn không có một vật gì cả). Tư tưởng này cho thấy, ông đã thừa nhận sự tiến hóa của vũ trụ là một quá trình diễn ra phức tạp và lâu đài, là sự kết hợp của hai thế lực âm dương (lưỡng nghi) rồi sinh ra tư tưởng (bắt đầu sự hiện hình của tồn tại), chứ không phải ngay lập tức đã có vạn vật trong vũ trụ.

Chính tư tưởng về sự tiến hóa của vũ trụ theo quy luật tuần hoàn (đi, về, bĩ cực, thái lai hết rồi lại bắt đầu) "Nhất chu khí vận chung nhi thuỷ. Bác phục đô tòng thái cực tiên" (nghĩa là khí vận chuyển rồi lại quay trở về nguồn gốc, hết quẻ bác đến quẻ phục rồi lại trở về với gốc thái cực), đã làm cho Trạng Trình liên tưởng ngay đến các hiện tượng xã hội như có rồi lại mất, vào rồi lại ra, vào càng dễ thì ra cũng càng dễ, không ai có thể bảo tồn được vĩnh viễn cái mình đang có. Đặc biệt, ông lưu ý đến sự giàu có do cách sống bất lương, phí pháp thì sẽ nghèo đi rất nhanh, giống hệt tần số dao động của sóng trong mối tương quan đến biên độ của nó.

Ý nghĩa của quan điểm triết học tự nhiên của Nguyễn Bỉnh Khiêm được thể hiện rõ ở phương diện giáo dục con người thống qua nhận thức quy luật của tự nhiên phải hiểu được đao rồi mới tạo được đức, bởi đức là cơ sở đề đạo thể hiện. Tròng bài "Thừa trần", ông xem trần nhà như bầu trời nhỏ. Con người sống trong ngôi nhà phải biết rằng mình đang sống dưới bầu trời nhỏ đó và phải tu thân tích đức, sao cho không làm mất đi sự thanh khiết ban đầu [của nó], để mỗi khi ngửa mặt lên nhìn [nó] không thấy hổ thẹn với chính bản thân mình. Sự liên hệ này mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc: con người sống trong tự nhiên, đồng thời bị ràng buộc bởi các quan hệ xã hội. Từ quan mềm bán địa về thờ thần, thờ cúng tổ tiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm dẫn dắt con người vốn chỉ biết đặc niềm tin vào sự thần bí đến với nhận thức môi trường sống xung quanh mà không hề cắt bỏ "cái thần" của nó.

Có thể đúc kết quan điểm triết học tự nhiên mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đề cập tới trong thơ văn của mình như sau:
Một là, ông công nhận vũ trụ được hình thành từ khí, trải qua một quá trình tiến hóa lâu đài, chứ không phải do một thế lực siêu nhiên nào đó tạo ra.
Hai là, xuất phát từ tín ngưỡng bản địa về đa thần ("thần cây đa, ma cây gạo"), Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thóat ra khỏi sự ràng buộc của thần học, làm cho "các thần" đó hòa tan trong từng khách thể của tự nhiên.
Ba là, thông qua nhận thức các hiện tượng diễn ra trong tự nhiên để đúc kết lại thành các quy luật, tiếp theo là nhận thức được các quy luật đó để vận dụng vào nhận thức các quy luật của đời sống xã hội. Đó cũng là đóng góp của Nguyễn Bỉnh Khiêm vào sự phát triển lý luận nhận thức, nói theo ngôn ngữ triết học hiện đại.

Chúng tôi cho rằng, quan điển triết học tự nhiên của Nguyễn Bỉnh Khiêm cần phải được nghiên cứu một cách sâu hơn, rộng hơn mới thấy hết được tầm bác học cũng như những đóng góp của ông cho tư tưởng triết học của dân tộc. Đây cũng là hướng gợi mở trong phương pháp nghiên cứu lịch sử tư tưởng dân tộc, nhằm góp phần giải đáp vấn đề: có hay không tư tưởng triết học Việt Nam?

Nguồn: Tạp chí Triết học

Share this post


Link to post
Share on other sites

6 xu hướng của giới trẻ Việt năm 2008

Lan Hương

Vietnamnet.vn

Năm 2008 khép lại không có những “scandal” hoành tráng nhưng cộng đồng giới trẻ Việt vẫn chứng kiến sự lên ngôi của một số xu thế, cả trên giảng đường, trong không gian ảo lẫn trong cuộc sống thật.

1. Blog lên ngôi, forum tụt hạng

Thông tin blog Yahoo 360 có thể bị đóng cửa hồi đầu năm 2008 khiến cộng đồng netizen (công dân mạng) Việt Nam “hoảng loạn”. Rất may sau đó Yahoo tiếp tục duy trì 360 và cho tới nay Blog Yahoo vẫn thống trị không gian ảo như một kênh trao đổi và chia sẻ thông tin hàng đầu trong giới trẻ hiện nay.

Qua những năm tháng “hoàng kim”, forum (diễn đàn) online hiện đang dần vắng vẻ bởi cư dân mạng lui về hoạt động ngày càng thường xuyên trên blog cá nhân hoặc blog của các nhóm bạn bè. Khi forum trở thành “phố chợ” đông đúc, nơi không ít nick ảo lợi dụng vì các mục đích xấu của cá nhân thì blog dần chiếm lĩnh thị trường nhờ không gian riêng tư, khả năng chọn lọc “bạn chơi” kỹ càng hơn.

Không chỉ là cuốn nhật ký điện tử lưu trữ các thông tin, hình ảnh cá nhân, blog còn trở thành ngôi nhà chung liên kết người Việt trẻ ở khắp nơi để bày tỏ chính kiến, thể hiện quan điểm về những vấn đề nghiêm túc của cộng đồng, quốc gia và thế giới.

Dự báo sang năm 2009, tiếp cận nhiều hơn với giới trẻ quốc tế, cư dân mạng Việt Nam sẽ tiếp tục “vùng vẫy” trên Yahoo 360, đồng thời bắt đầu gia nhập những mạng xã hội ảo đang “hot” nhất hiện nay như Facebook hay MySpace.

Posted Image

Blog Yahoo 360 tiếp tục thống lĩnh. Ảnh chụp màn hình.

2. “High-tech” đến trường

Không chỉ sử dụng diễn đàn, blog và Yahoo Messenger làm công cụ giải trí và “chat chit” vui vẻ, giới trẻ Việt đã biết tận dụng nguồn tài nguyên vô giá trên internet và các ứng dụng công nghệ cao phục vụ cho học tập.

Làm powerpoint thuyết trình, chia sẻ tài liệu online, học nhóm qua mạng, ôn bài qua chat, truy cập thư viện điện tử… không còn xa lạ với nhiều SV.

Posted Image

Tận dụng công nghệ cao phục vụ học tập đã trở thành thói quen của nhiều SV. Ảnh: Lan Hương

Khuôn viên nhiều trường ĐH cũng bắt đầu phủ sóng wifi cho phép SV truy cập internet để tìm kiếm tài liệu ngay tại trường.

Tuy nhiên, do hạn chế về trình độ ngoại ngữ, giới trẻ Việt vẫn chưa sử dụng được những nguồn tài liệu phong phú trên các website nước ngoài.

3. Nở rộ hoa khôi học đường

Posted Image

Các cuộc thi nữ sinh thanh lịch, hoa khôi học đường nở rộ như nấm sau mưa. Ảnh: Cẩm Quyên

“Trường trường thi hoa khôi, người người thi hoa hậu”. Chưa bao giờ các cuộc thi sắc đẹp nở rộ như năm vừa qua, từ trường phổ thông cho tới ĐH, từ cấp trường cho tới cấp khoa, thậm chí nhiều lớp cũng tự tổ chức thi hoa khôi quy mô nhỏ.

Mục đích của các cuộc thi này là tôn vinh “sắc đẹp và trí tuệ” của nữ sinh và thực tế cũng đã chọn được những “mỹ nhân học đường” xứng đáng được trao vương miện. Tuy nhiên, nhiều chuyện “lùm xùm” ở hậu trường như tin đồn mua bán giải thưởng, bàn tay sắp đặt của các nhà tài trợ, tiền thưởng không tới tay thí sinh, ứng xử ngây ngô… khiến các cuộc thi mất đi ít nhiều ý nghĩa nhân văn.

4. Salsa, múa bụng hớp hồn giới trẻ

Posted Image

Các bước nhảy mê hoặc của bellydance hút hồn giới trẻ. Ảnh: Cẩm Quyên

Những bước nhảy bốc lửa của vũ điệu salsa và những cú lắc người mềm mại của bellydance đã hút hồn giới trẻ Việt trong suốt thời gian qua.

Tự do và phóng khoáng, mãnh liệt và bốc lửa, salsa khiến người trẻ bùng nổ trên sàn nhảy. Mềm mại và uyển chuyển, gợi cảm và nóng bỏng, bellydance như một vũ điệu sinh ra để tôn vinh vẻ đẹp hình thể của tuổi trẻ.

Khi mới du nhập vào Việt Nam, tuy ban đầu hấp dẫn các bạn trẻ bằng yếu tố “lạ”, dần dần salsa và bellydance không còn là một thứ mốt mà đã trở thành một trào lưu được yêu thích thực sự. Nhiều bạn trẻ coi học nhảy vừa là hình thức giao lưu, mở rộng mối quan hệ, vừa giúp rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai và làm đẹp cho bản thân mình.

Những lớp học salsa và bellydance đầu tiên do chính người Việt mở đã bắt đầu xuất hiện với mức học phí dễ chịu nên càng thu hút được giới HS, SV cùng tham gia.

5. “Tự sướng” và “khoe hàng”

Posted Image

Những bức ảnh khêu gợi của dân teen đang tràn lan trên mạng. Ảnh chụp màn hình

Tràn lan và “khủng” nhất trên nhiều diễn đàn và blog của giới trẻ năm vừa qua là những tấm hình hoặc clip “mát mẻ” với đủ các tư thế khêu gợi của chính dân teen Việt.

Rảnh rỗi thì leo lên giường hoặc vào toilet… cởi đồ giơ máy ảnh “tự sướng” rồi gửi cho bạn bè hoặc tải lên mạng cho vui. Nhiều bạn trẻ còn đổ xô đi chụp ảnh “nude” với lý do “lưu giữ lại những khoảnh khắc thanh xuân”.

Không chỉ nữ sinh mà nam sinh cũng “tích cực tham gia” vào các phi vụ “khoe hàng”. Một trong những hình ảnh gây shock nhất năm 2008 là đoạn clip hai nam sinh mặt búng ra sữa say sưa… hôn nhau trong tiếng hò reo của bạn bè xung quanh.

Một số trang web còn đăng tải ảnh “mát mẻ” kèm theo “lý lịch trích ngang” của nhân vật để mọi người cùng vào “bình loạn”.

Muốn nổi tiếng trên không gian ảo, muốn tăng lượng người đọc hoặc có thể bị bạn bè chơi xấu, những chàng trai, cô gái tuổi teen vẫn hồn nhiên xuất hiện trong những tấm ảnh gợi cảm đang được trưng bày tràn lan trên mạng.

6. Kết hôn sớm

Posted Image

Giới trẻ không ngần ngại bước vào hôn nhân sớm. Ảnh: ttvnol.com

Năm 2008 cũng đánh dấu một bước chuyển lớn trong đời sống tình cảm của những người trẻ khi rất nhiều các cặp “vợ chồng son” kết hôn ngay sau khi tốt nghiệp ĐH, thậm chí ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ổn định về công việc, lại có sự hậu thuẫn cả về vật chất lẫn tinh thần từ phía phụ huynh và cũng không loại trừ lý do “tế nhị” khác, nhiều đôi bạn trẻ đã nên vợ, nên chồng trở thành cha mẹ khi mới vừa bước qua tuổi 20.

Đặc biệt, trong năm vừa qua, nhiều “hot boy”, “hot girl” như “chị Kính Hồng” Thanh Vân, Vân Buri, ca sỹ Đăng Nguyên… cũng lên xe hoa . Thậm chí Miss Audition Ngọc Anh đã làm mẹ ở tuổi 20.

Nguồn: Vietnamnet.vn

Share this post


Link to post
Share on other sites

Người trẻ phải tự chủ

Lê Ngọc Sơn - Phương Loan (Thực hiện)

nguồn: Sinh viên Việt Nam

Chuyên gia Nguyễn Trung, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, (cũng từng là Thư ký của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã tâm sự cùng SVVN về câu chuyện tự chủ của người trẻ và sứ mệnh của họ trước yêu cầu của đất nước...

Ông từng nhấn mạnh những đòi hỏi cấp bách của đổi mới, cải cách đối với Việt Nam sau 22 năm đổi mới. Với riêng giới trẻ, đòi hỏi này đặt ra như thế nào, thưa ông?

- Nếu được phép nói thẳng thắn suy nghĩ của tôi về chính thế hệ mình, xin thưa: Trong sự chuẩn bị cho thế hệ trẻ hôm nay trước thách thức mới của đất nước, thế hệ đi trước - trong đó có tôi - đã phạm nhiều lỗi lầm, làm cho thế hệ trẻ ngày nay của đất nước ta bị chậm trễ. Cá nhân tôi thực sự ăn năn về điều này.

Tôi cho rằng thế hệ chúng tôi đã phạm không ít lỗi; do nhiệt tình cách mạng, do sự bất cập.., và nhiều người trong thế hệ chúng tôi đang ngày càng phạm nhiều lỗi do tha hóa nữa. Mọi yếu kém của chúng tôi để lại nhiều hệ quả cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Mong giới trẻ hôm nay hãy dám và quyết nhận thức đất nước này là của các em và tự quyết định tất cả từ nhận thức này!

Các em hãy nhìn vào khoảng cách tụt hậu kinh hoàng so với thế giới bên ngoài mà đất nước đang phải đối mặt ở thế kỷ

Đã hơn 3 thập kỷ trôi qua, làm ăn cực nhọc là thế, thành tựu không thể nói là nhỏ, thế mà khoảng cách phát triển của ta so với thế giới sao vẫn xa vời! Không định thần nhìn nhận lại tất cả, không khéo chúng ta sẽ ngày càng đi sâu vào con đường đi làm thuê, đất nước có nguy cơ trở thành đất nước cho thuê với triển vọng là bãi thải công nghiệp của các quốc gia khác! Giữa lúc thế giới đang bước vào thời kỳ kinh tế tri thức!

Con đường trở thành người đi làm thuê và đất nước cho thuê? Đề nghị ông nói rõ nỗi lo này của ông.

- Vâng. Lao động cơ bắp, bán tài nguyên, cho thuê địa điểm sản xuất và bán môi trường vẫn là các yếu tố tăng trưởng chủ yếu trong nền kinh tế nước ta. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) ta thu hút được trong 20 năm qua rất nhiều, song một bộ phận khá lớn cũng là để sử dụng những yếu tố vừa kể trên. Nền kinh tế nhiều năm liền có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng trình độ phát triển mọi mặt còn rất thấp. Tình hình này trong một thời đoạn nhất định là cần thiết, song sau 22 năm mà ngày nay còn kiên trì xu thế tăng trưởng và phát triển như vậy là nguy hiểm. Đã đến lúc phải chuyển mạnh sang một phương hướng phát triển khác: Ngày càng nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao hơn, ngày càng nhiều sản phẩm của thương hiệu Việt Nam với giá trị gia tăng ngày càng cao, nhất là ngày càng nhiều sản phẩm của trí tuệ Việt Nam.

Trên hết cả là phải sớm thoát khỏi tư duy của kẻ làm thuê, phải luôn cảnh giác với nguy cơ biến đất nước mình thành đất nước cho thuê – với nghĩa là một đất nước thiếu sự phát triển năng động tự nó từ bên trong!

Nói như thế, ông không sợ mang tiếng là xúi giục thế hệ trẻ chúng tôi vong ân bội nghĩa và làm loạn?

- Không!

Xong hoặc chưa xong, thế hệ chúng tôi đã làm công việc của mình, đã và đang trở thành quá khứ. Không có lý do gì cho phép thế hệ này tự phong cho mình là khuôn vàng thước ngọc cho thế hệ tiếp theo. Tự phong như vậy không khác gì là xây dựng con đường cho đất nước đi lên, song chính bản thân mình lại ngồi chễm trệ án ngữ trên đoạn đường thế hệ mình vừa mới xây xong.

Tự phong như thế, thì đời đời kiếp kiếp nước ta sẽ sống trung thành trong cái quán tính lịch sử của sự tụt thậu, mà đúng ra là phải khắc phục nó bằng được. Năm Mậu Ngọ (1858 – Pháp đánh Đà Nẵng và mở đầu thời kỳ thuộc địa ở nước ta!) cái quán tính lịch sử cay đắng ấy đã mở đầu một chu kỳ mới của nó mà đến hôm nay dân tộc ta vẫn chưa trả giá xong. 150 năm đã trôi qua, nhưng bài học này còn nguyên vẹn. Đó là 80 năm nô lệ, 40 năm với 5 cuộc chiến tranh lớn – trong đó 3 thế hệ liên tiếp gánh chịu những hy sinh khốc liệt, 30 năm xây dựng trong hòa bình với biết bao nhiêu lận đận, và hôm nay vẫn là một nước nghèo.

Xin giới trẻ hãy ý thức điều này : Làm gì thì cũng phải tự giải phóng mình ra khỏi cái bóng của chúng tôi trước đã!

Xin hãy nhìn lại, cho đến đầu thế kỷ 19, Việt Nam đâu có thua kém gì Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan... Thế nhưng hôm nay?

Xin cũng đừng nói là các thế hệ Việt Nam trước Mậu Ngọ (1858) yêu nước không bằng các thế hệ Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám.

Trong mối tương quan với đương thời, các thế hệ Việt Nam trước Mậu Ngọ cũng không kém sáng suốt so với các thế hệ Việt Nam hôm nay đâu.

Cho nên, kẻ thù đích thực làm cho nước ta rơi vào tay thực dân Pháp hồi ấy là đất nước ta tụt hậu hẳn một giai đoạn phát triển so với thế giới bên ngoài. Kẻ thù tụt hậu ấy hôm nay vẫn chưa bị dân tộc ta giải giáp.

Nhận thức trách nhiệm của mình đối với đất nước trước thời đại ngày nay, không thể không nhận diện tường tận kẻ thù này.

Giới trẻ Việt Nam cần xác định cho mình vị trí nào? Trách nhiệm của giới trẻ với một đất nước ở tuổi trưởng thành là gì?

- Vị trí nào ư? Vị trí làm chủ cuộc đời mình và để từ đó có bản lĩnh làm chủ đất nước. Phải chiếm lĩnh vị trí này, chứ không phải chỉ có xác định! Điều này chẳng có gì mới, được nhắc đi nhắc lại đến mòn cả chữ. Bây giờ phải hành động.

Nền kinh tế đất nước đang ở tuổi hai mươi, nên được hiểu đó là đất nước đang tràn đầy đòi hỏi sức phát triển trong “cái áo chật”, mọi thế hệ già trẻ chúng ta hiện nay đứng trước nhiệm vụ phải mang lại cho nền kinh tế sức sống năng động, bền vững, trong cái “áo mới” . Ai phải làm nhiệm vụ của người nấy! Song cá nhân tôi gửi gắm trông mong rất nhiều vào các bạn trẻ.

Bàn về trách nhiệm của giới trẻ:

Tôi nghĩ trong tình hình “cái áo chật” như thế của đất nước, trong tình hình kinh tế đất nước khát bỏng động lực phát triển, xin cho tôi nói thẳng thắn một cách lỗ mãng: Giới trẻ nước ta cũng không nên và không được phép trẻ con quá lâu nữa – cũng có nghĩa là không được chậm lớn quá lâu!

Trẻ con quá lâu hay chậm lớn, trước hết ở chỗ khó mà nói rằng khi chúng ta bước vào tuổi 18 hay tròn 18 tuổi, dù là còn học tiếp hay bước vào đời, là chúng ta đã ý thức được đầy đủ: Từ nay ta phải tự đứng trên đôi chân của ta! Từ nay mọi việc của ta, liên quan đến đời sống của ta, do ta quyết định và tự chịu trách nhiệm!.. Từ nay ta là công dân thành niên ngang hàng với mọi công dân trong cả nước về trách nhiệm và nghĩa vụ đối với đất nước! Dù là bạn còn cha mẹ phải tiếp tục nuôi ăn học, dù là bạn còn phải sống nhờ vào nguồn trợ cấp nào đó cho việc học hành của mình... Tất cả sự phụ thuộc như thế và tương tự như thế không hề miễn giảm mảy may trách nhiệm và nghĩa vụ của bạn với tư cách là người thành niên, người lớn.

Bước vào tuổi 18, kể cả ngồi trên ghế nhà trường, tuổi trẻ chúng ta không còn được phép để cho ai muốn nhồi vào đầu mình cái gì cũng được. Chẳng có đáp án nào có sẵn các bạn phải tuân theo của sự nhồi nhét cả! Các bạn có quyền nhận hay từ chối, trên cơ sở phán định của chính mình.

Một biểu hiện nữa của bệnh “trẻ con quá lâu” hay “chậm lớn” là còn ít dám mơ ước táo bạo, trong khi đó thường hay nặng về những cái xin tạm gọi là “mơ ước tầm thường”.

Trước khi bàn sâu thêm chuyện này, hãy ngó ra bên ngoài một chút. Theo tôi Bill Gates và Barack Obama là hai ví dụ điển hình của những ước mơ táo bạo. Hai người này đã chọn được ước mơ đúng – cho chính bản thân họ và cho nước Mỹ. Họ có nghị lực, trí tuệ, cách thực hiện đúng trong môi trường tự do cho những ước mơ như thế. Và họ đã thành công cho đến giờ phút này.

Ở nước ta không hiếm sự thành công của những ước mơ táo bạo – có thể chưa được nổi bật hoặc chưa ở tầm vóc như hai ví dụ trên. Các ví dụ thành công ở nước ta có thể còn là ít hay quá ít – phần rất quan trọng là do những hạn chế của trình độ phát triển và thể chế nước ta đang có. Thế nhưng chờ đợi có được trình độ phát triển và thể chế như mong muốn rồi mới dám mơ ước thì không đáng gọi là mơ ước nữa. Và chính đây là điều đáng nói: Chẳng dám mơ ước thì chẳng bao giờ làm được gì!

Đúng, bất chấp mọi hạn chế chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống, chúng ta ngày nay đang có một điều kiện mới mà trước đây chúng ta chưa có nhiều hoặc rất khó tiếp cận: đó là thông tin. Thông tin ngày nay đã đưa tầm mắt của chúng ra cả thế giới và đến mọi lĩnh vực của cuộc sống. Tôi ước ao tuổi trẻ chúng ta với tầm nhìn mới này sẽ chọn được ước mơ táo bạo, dám sống vì ước mơ táo bạo, ý chí lập thân, lập nghiệp bằng ước mơ táo bạo.

Vậy nói thật đơn giản: Trách nhiệm của giới trẻ với đất nước đang ở tuổi trưởng thành là các bạn phải sớm trở thành người lớn.

Chính kiến tự mình phấn đấu xác lập nên? Thế còn các chương trình, giáo án, đáp án, giáo lý... đã trở thành những phần cứng phải có được mang tới từ nhà trường? Ngộ cái chính kiến mà tuổi trẻ chúng tôi tự phấn đấu xác lập nên không giống cái chúng tôi được học thì sao?

- Nếu có sự khác nhau thì cũng nên coi đó là chuyện bình thường và tự mỗi bạn nên tiếp tục tìm ra lý lẽ giải quyết sự khác nhau này. Tôi nghĩ, ngay cả những điều tốt đẹp nhất nhà trường có thể đem lại cho bạn, bạn cũng phải tìm cách hấp thụ được thành dinh dưỡng nuôi sự hiểu biết và ý chí của bạn, biến nó thành nghị lực của riêng bạn. Không có sự hấp thụ này, việc học sẽ giống như con vẹt học nói thôi – nó có thể phát âm rất chuẩn và làu làu cả câu, cả bài.., nhưng vẫn là cái nói của một con vẹt. Tôi hình dung được tự phấn đấu xác lập nên như vậy khó và đòi hỏi nhiều trí tuệ lắm, thậm chí có khi phải trả giá nguy hiểm nữa. Song trong quá trình hấp thụ này các bạn có quyền nghi ngờ, có quyền sai, và thậm chí có quyền thất bại nữa, miễn là bạn phải tự ý thức được tất cả và tự chịu trách nhiệm tất cả, quyết tâm đi tiếp tới bằng được cái đúng.

Chỉ có như vậy, cái tốt đẹp nhà trường mang đến cho bạn mới thành là của bạn. Chỉ có như vậy, bạn mới đề kháng được mọi cái không tốt đẹp bất kỳ đến từ đâu. Vì đứng trên đời này, bạn cần như nhau cả nghị lực và sức đề kháng.

Tôi nghĩ, một con người dám nghi ngờ, dám sai, dám thất bại để tìm đường đến thành công, tôi nghĩ đấy là một con người đẹp và sớm muộn sẽ thành đạt.

Một xã hội biết tôn trọng sự nghi ngờ, tôn trọng cái dám sai, cái dám thất bại với tình thần như thế, xã hội ấy sẽ ngày càng hiếm chỗ cho những thói đểu cáng và sự hèn mạt. Xã hội ấy sẽ ngày càng hấp dẫn chúng ta và đáng sống.

Những đòi hỏi đó có quá sức với người trẻ Việt nam hiện nay?

- Tôi không thấy có sự “quá sức” như thế trong cuộc sống hàng ngày, mà chỉ thấy nhiều hơn sự lãng phí sức trẻ, lãng phí đến rơi nước mắt, xẩy ra từ hai phía: (1)Cuộc sống xã hội gây ra sự lãng phí này; và (2)tự các bạn lãng phí sức mình.

Chưa nói đến biết bao nhiêu cái bất hợp lý và yếu kém khác trong đời sống xã hội, riêng nền giáo dục còn nhiều mặt thiếu sót như chúng ta đang có là một ví dụ trực tiếp nhất, dễ thấy nhất về sự lãng phí này gây ra cho giới trẻ, sự lãng phí những thứ thể không mua được, không có cách gì lấy lại được: con người, thời gian và cơ hội.

Còn sự lãng phí tự mình – nghĩa là chính các bạn gây ra cho mình: Chắc chắn các bạn sẽ tự đánh giá được. Tôi chỉ muốn lưu ý các bạn về 2 nguyên nhân đáng sợ nhất: (1)lãng phí vì sự hiểu biết của mình còn thấp, (2)lãng phí vì mình thỏa hiệp với yếu kém của bản thân và của ngoài xã hội.

Người trẻ cần phải chuẩn bị những gì để tiếp nhận gánh vác những đòi hỏi của thời cuộc?

- Tôi không có lý thuyết nào để trả lời các bạn cả. Mỗi chúng ta dù khác nhau thế nào, đều nhận được sự nuôi dưỡng của cha mẹ, nhà trường và cuộc sống. Đó là chuẩn bị được trao tặng để chúng ta bước vào đời. Cần trân trọng và tận dụng sự chuẩn bị được trao tặng này. Song thế nào đi nữa, cũng không thể thiếu được sự chuẩn bị của chính mình – chắt lọc từ sự chuẩn bị được trao tặng, từ mơ ước, từ cả những thất bại và sự trả giá... – tất cả với ý thức ta là chủ cuộc đời ta và ý chí trở thành người chủ xứng đáng của đất nước ta.

Sống biết yêu trọng danh dự và yêu đất nước quê hương mình – nguồn lực tinh thần này sẽ thúc đẩy, sẽ hướng dẫn sự chuẩn bị của mỗi chúng ta để tiếp nhận, để gánh vác trách nhiệm của mình mà thời cuộc đòi hỏi. Thậm chí tôi còn muốn nói: Yêu như thế là kim chỉ nam luôn luôn đúng.

- Đối với cá nhân con người, theo ông ước mơ gì là cao đẹp nhất?

Câu hỏi này xưa ngàn đời, và khó ngàn đời! Câu trả lời đã có từ ngàn đời và ngàn đời nay vẫn xa vời: Tự do! Con người tự do!

Tạo hóa một tay ban cho con người bản tính tình yêu tự do, tay kia lại thiết lập ra trong cuộc sống cái gọi là “tính tất yếu”. Từ đó trong cuộc sống tự nó hình thành ra cái tự do thực sự chỉ có thể là cái đạt được trong phạm vi hiểu được – với nghĩa là làm chủ được - cái tất yếu. Vì thế, càng sống trên đời này, tôi càng thấm thía tự do chỉ có thể giành lấy, trên cơ sở làm chủ cái tất yếu; làm chủ cái tất yếu đến đâu, sẽ có được tự do đến đấy. Đừng oán trách tạo hóa keo kiệt, tôi dần dần cũng ngộ ra như thế.

Thế hệ đi trước có thể làm gì để hỗ trợ họ?

- Tôi thực lòng không thích trả lời câu hỏi này. Sao lại cứ phải nói đến hỗ trợ? Nhưng nếu vẫn phải trả lời, thì việc đáng làm nhất trong nhiều việc người lớn phải làm để hỗ trợ là đừng bao giờ nói dối thế thệ trẻ.

Liệu người trẻ đã được trao cơ hội và đặt niềm tin đủ để họ làm những gì mà ông kỳ vọng?

- Tôi nghĩ là chưa đủ. Cái tính “trưởng”, “gia trưởng”.. của người lớn cho thấy sự thiếu tin tưởng vào thế hệ trẻ. Ngoài ra còn biết bao nhiêu bệnh mãn tính khác của người lớn trong cách cư xử với thế hệ trẻ, nhất là cái bệnh coi ta là chân lý, chân lý duy nhất trên đời này. Nói gay gắt, đấy là cái tính thích thế hệ trẻ trở thành các robot do người lớn lập trình!

Bản thân các nhà lãnh đạo hiện nay đã đánh giá đúng và đủ về giới trẻ và đã tận dụng sức trẻ, huy động họ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước?

- Tôi nghĩ là chưa. Chỉ riêng một việc lãnh đạo không kiên quyết dấy lên trong toàn xã hội một cuộc đấu tranh quyết liệt với cách dậy học còn nặng về nhồi sọ, và chỉ muốn ĐTNCS Hồ Chí Minh chỉ là cánh tay của Đảng đã nói lên điều này. Tại sao thanh niên thời đại ngày nay không thể là những bộ não trẻ của Đảng? Tại sao thanh niên không thể là người tạo ra trong Đảng bầu nhiệt huyết mới, trẻ trung?

Tại sao thế hệ chúng tôi không đặt ra cho mình nhiệm vụ tạo dựng ra một môi trường thể chế ươm mầm và làm nẩy nở những Bill Gates hay Obama của Việt Nam? Thế hệ chúng tôi làm chưa xong thì thế hệ các bạn phải làm tiếp, các thế hệ sau làm tiếp nữa... Song trách nhiệm “khởi công xây dựng” sự nghiệp này thuộc về chúng tôi, chúng tôi chẳng có lý lẽ gì để trốn tránh được.

Song hình như công việc “khởi công xây dựng” như thế còn chậm chạp lắm, mặc dù công cuộc đổi mới đã được 22 năm và đã xác định được mục tiêu là dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh! Đấy là điều tôi vô cùng băn khoăn.

Tôi tin: Thế hệ trẻ đứng vào vị trí của mình, đất nước sẽ sớm được ngửng mặt cùng thiên hạ.

Nhân dịp năm mới 2009, xin chúc các em một năm giầu nghị lực và niềm vui.

Xin cảm ơn ông!

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay