nhị địa sinh

Huyền Thoại Kho Báu Hoàng Cung.

1 bài viết trong chủ đề này

Huyền thoại kho báu hoàng cung

08/02/2013 07:35

(TN Xuân) Đó là kho báu mà theo truyền miệng là do vua Hàm Nghi chôn giấu ở một địa điểm bí mật sau ngày kinh đô Huế thất thủ vào 5.7.1885.

Cuộc cướp bóc

Người ta trưng ra bằng chứng về một nhà truyền giáo người Pháp là Henri de Pirey, đã viết trên tạp chí B.A.V.H (Bulletin des amis du vieux Hué - 1914) rằng khi rút khỏi kinh thành Huế, vua Hàm Nghi đã chuyển kho báu của hoàng cung đến phía bắc. Kho báu này ước chừng 950 thùng, trong đó có 400 thùng đựng đầy vàng và 150 thùng đựng đầy bạc, số còn lại là các đồ quý giá nhất trong nước, nhưng vì chiến cuộc nên nhà vua chỉ mang theo được 100 thùng mà thôi. Không lâu sau, vua Hàm Nghi bị Pháp bắt, đày sang đảo Réunion, số vàng của vua chôn giấu nơi đâu?

Nhiều người đặt câu hỏi như thế và lên đường tìm kiếm. Nhưng họ quên rằng hoặc không biết, trong suốt 3 tuần lễ sau ngày vua Hàm Nghi ra đi, phần lớn kho báu trong hoàng thành đã lọt vào tay người Pháp. Điều đó được ghi nhận qua tài liệu lưu trữ ở Văn khố Bộ Ngoại giao Pháp tại Paris, với lời kể của linh mục Pène-Siefert, cho biết người Pháp đã lấy trong trại Cấm Vệ quân 113 lạng vàng, 742 lạng bạc, 2.627 quan tiền. Lấy tại cung bà thái hậu Từ Dũ 228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương và hạt trai, hạt ngọc; 271 vật dụng bằng vàng, 1.258 nén bạc, 3.416 lạng vàng. Họ cũng lấy hết vật phẩm của các tiên đế nhà Nguyễn dùng lúc sinh thời từ mũ miện, đai áo, triều phục, long sàng, đến các đỉnh trầm, khay chén... Tính ra “kho tàng trong hoàng cung đã mất đi ước chừng 24 triệu quan vàng và bạc”.

Cuộc thất thoát kho báu của các vua triều Nguyễn kéo dài 2 tháng sau ngày kinh đô Huế bị thất thủ bởi người Pháp vào tháng 7.1885 đã gây tai tiếng hơn cả cuộc cướp phá lâu đài của hoàng đế nhà Thanh ở Bắc Kinh. Sau này vua Đồng Khánh nhiều lần đòi lại kho báu đã bị người Pháp lấy đi như biên bản ngày 21.3.1888 của Pháp đã ghi: “Trở lại chuyện đã bàn trước đây, hoàng thượng (vua Đồng Khánh) nhắc rằng các vật phẩm quý giá của hoàng gia bị thất thoát sau biến cố ngày 5.7 và chắc chắn hiện giờ đang nằm trên đất Pháp, giá trị nhất là chuỗi kim cương kết lại từ đời vua Gia Long cho tới đời vua Tự Đức, cùng một bảo kiếm nạm ngọc quý truyền lại từ đời vua Gia Long”.

Một trong những vật ấn tượng trong kho báu hoàng cung là con voi bằng vàng đúc rất tinh xảo, đã bị hai người Pháp có trọng trách tranh giành về riêng mình. Để rồi cuối cùng con voi vàng (kim tượng) là báu vật truyền đời kia bị chặt ra làm hai để chia cho hai đại diện thực dân Pháp mỗi người một nửa! Đó không phải là lời đồn của binh lính người Pháp hoặc quan chức người Việt, mà được ghi trong một báo cáo của Khâm sứ Trung kỳ Paul Rheinart gửi Toàn quyền Đông Dương Richaud ngày 28.2.1889 kèm theo lời phàn nàn: "Điều buồn lòng song vẫn phải nhắc lại là thiếu tướng Prudhomme đã chiếm đoạt những vật phẩm quý báu một cách không do dự (...), và điều đáng tiếc nữa là không có ai đem trả lại phần nào trong những của cải vô giá mà họ đã tước đoạt trắng trợn”. Các chi tiết trên phần lớn nằm trong tài liệu lưu trữ ở Văn khố Bộ Ngoại giao Pháp - Paris (chưa xuất bản) được sưu tầm, trích dẫn, dịch thuật bởi Nguyễn Xuân Thọ, Nguyễn Ngọc Cư và do nhà nghiên cứu Phan Thuận An giới thiệu qua tài liệu về các bảo vật ở hoàng cung, đăng trong Tuyển tập những bài nghiên cứu về triều Nguyễn do Sở Khoa học - Công nghệ - Môi trường Thừa Thiên-Huế kết hợp với Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế ấn hành (tháng 7.2002). Theo tài liệu trên, sau ngày vua Hàm Nghi đi đày, hoàng cung còn giữ lại nhiều bảo vật vô giá như những bửu tỷ bằng vàng khối có cái nặng đến 18 kg, ngọc điệp nhà Nguyễn, những chiếc độc bình lớn bằng men lam Huế (bluers de Hue), các tủ chạm cẩn xà cừ, các ché lớn thời Minh và các ché màu lục nhạt (céladon), các đĩa lớn đường kính 55 cm màu hồ thủy đẹp tuyệt vời... Ngay cả những nhà sưu tập và nghiên cứu ngôn ngữ học nước ngoài như Paul Boudet - là chứng nhân thời ấy - đã cho biết rằng, lúc bấy giờ ở điện Càn Thành (điện Trung Hòa) “vẫn còn 26 quyển kim sách đúc bằng vàng chứa đựng các chi tiết được ghi lại về lễ đăng quang của các vua Gia Long, Thiệu Trị, Tự Đức, Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, Đồng Khánh, Khải Định, những điều liên quan đến lễ tuyên phong cho các hoàng hậu và các hoàng thái tử” và 46 cái ấn bằng ngọc hoặc bằng vàng. Nay những bảo vật trên hầu như đã không còn và lưu lạc khỏi kinh thành Huế, thất tán khắp bốn phương trời...

Bức tranh của vị hoàng đế đi đày

Tháng 11.2010, một tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi, lần đầu tiên được đem ra bán đấu giá tại Paris (Pháp). Bức sơn dầu Déclin du jour (Chiều tà) này có kích thước 35 x 46 cm, ghi là vẽ năm 1915. Lúc đó cựu hoàng ở Alger (Algérie), sống và sáng tác tranh tượng tại biệt thự Gia Long, khu El Biar. Theo quy định pháp luật, bảo vật quốc gia phải thể hiện là vật chứng của một sự kiện lớn, hoặc gắn bó với các anh hùng danh nhân, từ đó có thể nói bức tranh Déclin du jour của vua Hàm Nghi là một bảo vật. Cuộc bán đấu giá bảo vật ấy được Mathilde Tuyết Trân - một người Việt sinh sống ở nước ngoài - kể lại giá khởi đầu ấn định từ 800 - 1.200 euro. Chỉ trong vài phút giá tăng liên tục đến 4.500. Đến khi những người Việt Nam có mặt trong phòng đấu giá trả tới 5.000 euro, thì “bắt đầu có người cho giá qua điện thoại, họ thêm ngay 1.000 euro, đẩy giá tấm tranh lên 6.000 euro. Từ đó cuộc đấu giá “tay đôi” giữa hai người phụ nữ trong phòng và người đẩy giá qua điện thoại diễn ra”. Theo Mathilde Tuyết Trân, con số đã đẩy đến mức 8.800 euro cộng thêm 26% phụ phí đấu giá, thành mức tiền phải trả cuối cùng là 11.088 euro - gấp 8 lần giá ban đầu. Điều đó đã “thể hiện tình cảm đối với một kỷ vật của vua Hàm Nghi (...) tình cảm những người có lòng với quê hương và quá khứ lịch sử”.

Posted Image

Điếu hút thuốc lào thời Gia Long, vẽ chim hạc và cành mai

Posted Image

Bình vôi thế kỷ 19

Posted Image

Đồ sứ do Bảo Đại đặt làm tại Pháp có thơ và minh họa theo truyện Kiều: “Khi gió gác khi trăng sân - Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ”

Posted Image

Tô có nắp (tiềm quy giáp) vẽ mai rùa và rồng thời Minh Mạng

Posted Image

Đĩa vẽ chim công và hoa mẫu đơn, ký kiểu tại Anh thế kỷ 19

Posted Image

Bình hoa lớn vẽ mai rùa và rồng giỡn ngọc (long hí châu) thời Minh Mạng

Posted Image

Tô men rạn “lưỡng long tranh châu” thời Gia Long - Ảnh tài liệu của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn - Giao Hưởng chụp lại

Giao Hưởng

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130128/huyen-thoai-kho-bau-hoang-cung.aspx

Share this post


Link to post
Share on other sites