wildlavender

Ba giai đoạn trong đời người

1 bài viết trong chủ đề này

BA GIAI ĐOẠN TRONG ĐỜI NGƯỜI

I.

Cuộc đời của mỗi người đều phải trải qua 3 tầng nấc hoặc 3 giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất là sống. Để duy trì sự sống, cần ăn, mặc, ở, đi lại.

Trên đời có vô vàn thứ thức ăn, về thực chất chúng không khác nhau mấy. Mặc cũng vậy, vải bông hay gấm vóc đều có tác dụng gần như nhau. Ăn uống là để phòng đói khát, mặc là để phòng giá lạnh. Cũng vậy, ở nhà ngói hay nhà tranh chẳng có gì khác nhau lắm về ý nghĩa đối với cuộc sống. Nói về đi lại, ngày xưa Khổng Tử ra đường đi xe hai ngựa kéo, Lão Tử chỉ cưỡi một con trâu, còn người thường thì cuốc bộ.

Ngày nay khoa học kỹ thuật tiến nhanh, mỗi ngày một đổi mới, chuyện ăn mặc ở đi lại của chúng ta khác hẳn ngày xưa, song xét về ý nghĩa và giá trị đối với cuộc sống thì vẫn thế cả. Cuộc sống vẫn còn ở giai đoạn thứ nhất.

Các loài động thực vật cũng có cuộc sống của chúng, có cách duy trì sự sống. Cho nên xét về tầng nấc thứ nhất của sự sống, tức mặt sinh hoạt, người và các sinh vật đều tương đối gần với thiên nhiên. Có thể nói đời sống của con người không khác xa lắm với các loài động thực vật.

Vì để duy trì sự sống (sinh mệnh), ta mới có cuộc đời, chứ không phải là vì cuộc đời mới có sự sống. Cuộc đời (sinh hoạt) ở tầng ngoài. Sự sống ở tầng trong. Cuộc đời phụ thuộc vào sự sống.

Sự sống không thể hiện trên cuộc đời, mà nó có tác dụng khác. Đó là tầng nấc thứ hai trong quá trình phát triển sự sống, tức hành vi của con người. Nói cách khác, giá trị sinh mạng của con người nên thể hiện trên sự nghiệp của người đó.

II.

Ta đến với thế giới này đâu phải chỉ để ăn mặc ở đi lại. Ngoài những cái đó ra, ta nên có hành vi và sự nghiệp của đời mình. Đây mới là chủ thể của đời người.

Ngày nay nhiều người làm việc là để kiếm sống, Vì để giải quyết chuyện ăn mặc ở đi lại mà kiếm một nghề nghiệp, dùng công việc để đáp ứng nhu cầu sống. Dĩ nhiên cũng có thể nói công việc là một loại hành vi. Song trên thực tế con người nên có một kiểu hành vi cao thượng hơn công việc. Nói như cổ nhân, đó là tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Một người có tu thân – nghĩa là không nói điều mình không muốn nói, không làm điều mình không muốn làm, thì dù họ là tổng thống, đại doanh nhân hay nông dân, công nhân, xét về hành vi, họ đều bình đẳng với nhau. Họ chỉ khác nhau về chất lượng cuộc sống, song về tinh thần làm người thì bình đẳng với nhau. Nói bình đẳng là nói từ chỗ ấy. Nếu chỉ xét về chất lượng sống thì sao có thể có sự bình đẳng giữa người với người? Người trên toàn thế giới này đều không bình đẳng với nhau!

Có những việc người giàu sang mới có thể làm, người nghèo hèn thì không làm được, và ngược lại. Chỉ có tu thân – loại hành vi tinh thần này mới bình đẳng, tự do. Tu thân như cổ nhân nói, cho tới nay vẫn còn giá trị, ý nghĩa. Sau này cũng vậy.

Bước thứ hai là tề gia. Mỗi người đều có một gia đình. Cha hiền từ, con hiếu thảo, anh em yêu kính nhau, vợ chồng hòa thuận – cuộc sống như thế mới có ý nghĩa.

Trong thiên hạ đâu có sự tuyệt đối công bằng không thiên vị? Ăn cho mình, mặc cho mình, ở cho mình... đều là cho riêng mình, đâu phải cho mọi người. Tu thân tề gia không phải là chủ nghĩa cá nhân. Không có cha mẹ, ta từ đâu ra? Tu thân tề gia cũng không phải là xã hội chủ nghĩa – thân và gia đều là tư hữu.

Tu thân tề gia là một đạo đức hành vi, công tư đều có. Bạn phải gắng hết sức mình để tu thân tề gia. Ai cũng phải làm thế, như vậy mọi người đều bình đẳng.

Tầng nấc thứ ba là trị quốc bình thiên hạ. Cá nhân, gia đình, quốc gia là một khối liền nhau. Con người giỏi lắm cũng chỉ thọ trăm tuổi; rất ít người sống được đến 80-90 tuổi. Sau 100 năm, người trong một gia đình đều hoàn toàn thay mới. Các tôn giáo lớn đều bàn về vấn đề này, riêng người Trung Quốc (TQ) thì không thích bàn vì họ đã quen yên tâm với chuyện ấy.

III.

Tại sao phải tu thân, phải tề gia, phải xả thân vì nghĩa lớn? Đây là giai đoạn thứ ba của đời người, là hồi kết, chốn quy tụ của cuộc đời.

Đời người có mở đầu thì cũng phải có kết cục. Cái gọi là hồi kết ở đây thì khác với cách nói của tôn giáo. Theo tôn giáo, khi người ta chết thì linh hồn sẽ lên thiên đường hoặc xuống địa ngục. Người TQ không bảo cách nói ấy sai hay đúng, chẳng bàn chuyện ấy; họ nói hồi kết của đời người là ở tính người.

Một sinh vật đều có thiên tính của mình. Con người thì sao? Người khác các loài động vật ở chỗ thiên tính của người thì cao hơn động vật và khó phát hiện; chẳng những người khác không biết mà bản thân có lẽ cũng không biết. Mọi hành vi của con người đều phải phù hợp với thiên tính của mình. Ai cũng có sở thích riêng.

Thí dụ bày hai món ăn, một món gà, một món cá. Bạn thích ăn món nào? Điều đó thấy ngay, rất đơn giản. Nhưng nếu bạn học văn học, hỏi bạn thích thơ hay thích tiểu thuyết, bạn không thể trả lời được ngay. Trong tiểu thuyết lại có truyện ngắn, truyện dài... cho nên càng không thể nói ngay thích loại nào. Các hành vi khác của con người cũng vậy. Tóm lại, hành vi của con người phải hợp với thiên tính của mình.

Nếu có thể thỏa mãn thiên tính của mình thì người ta sẽ mong muốn hồi kết cuộc đời mình sẽ được yên vui. Thiên tính của tôi là thế, chỉ có làm như vậy tôi mới yên tâm, cảm thấy vui vẻ.

Xin hỏi: đời ta ngoài yên và vui ra, còn có yêu cầu thứ ba nào không? Yên là điều quan trọng nhất trong đời. Yên rồi mới có vui. Có người giàu sang mà sống chẳng yên vui; ngược lại, có người nghèo hèn lại sống yên vui. Vậy ta nên tranh thủ được giàu sang hay yên lòng với nghèo hèn? Giàu sang nghèo hèn chỉ là một cảnh ngộ của đời người, cái ta cần là yên và vui. Chỉ cần hành vi của ta hợp với thiên tính thì hoàn toàn chẳng cần biết cảnh ngộ thế nào mà vẫn cứ vui.

Người TQ thường nói đức tính. Thế nào là đức? Thí dụ nói ý thích, đó là thiên tính của con người, không cần điều kiện bên ngoài. Vui cũng là thiên tính. Đau buồn cũng thế. Gặp chuyện đau buồn mà lại không đau buồn thì chẳng thể yên vui được. Như khi cha mẹ chết, nếu không khóc thì lòng bạn sẽ không yên, sao còn nói tới yên vui? Cáu giận cũng là thiên tính của con người. Cáu giận đúng chỗ cũng cảm thấy nội tâm được yên vui.

Tôi không biết một chữ nào nhưng tôi cũng có mừng giận buồn vui. Ngoài đường có khối người không biết chữ, có lẽ cái mừng giận buồn vui của họ càng tự nhiên càng ngây thơ hơn chúng ta, họ phát tiết các tình cảm ấy một cách đúng chỗ hơn ta, trọn vẹn hoàn hảo hơn ta. Hồi kết cuối cùng của đời người nên quy tụ về đức tính. Tính tức là đức; đức tức là tính, cổ nhân gọi đó là tính mệnh; chúng ta phải phát triển nó một cách trọn vẹn.

Mừng giận buồn vui nếu thể hiện đúng chỗ và trọn vẹn thì có thể làm gương, làm mẫu mực cho kẻ khác – ta gọi những người ấy là thánh nhân hoặc người trời. Họ hợp làm một với Trời, với Thượng Đế, với thiên nhiên vĩ đại. Đời người nếu đạt tới được giai đoạn ấy thì có thể chết mà không hối tiếc gì.

Làm người, trước hết phải nói tới cuộc sống (sinh hoạt), đây là văn minh vật chất. Thứ hai phải nói tới hành vi và sự nghiệp, tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ – đây là tinh thần nhân văn. Triết lý cao nhất của đời người thì nói về đức tính. Đức tính thuộc về cá nhân, cũng là thứ loài người xưa nay cùng có. Hồi kết của đời người cũng phải kết ở chỗ này.

Nguyên Hải lược dịch theo « Gia đình chủ phụ báo » số 504 (TQ)

nguồn dongtac.net

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay