Thiên Đồng

Thước Đo Xưa Của Người Việt

1 bài viết trong chủ đề này

Thước đo xưa của người Việt

Đối với mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, hệ thống thước đo là sự biểu hiện một cách trực tiếp và cụ thể phương thức tư duy, cách tính toán và cả đặc trưng văn hóa của họ.

 

Tuy nhiên, đã từ hàng thế kỷ nay, với ảnh hưởng mạnh mẽ của văn minh phương Tây, hệ thước mét có nguồn gốc từ châu Âu đã dần dần “thôn tính” toàn cầu, khiến ít quốc gia, dân tộc còn giữ được hệ thước đo truyền thống của mình. Việt Nam chúng ta không phải là một ngoại lệ. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin nêu lên một số kết quả trong việc tìm hiểu về hệ thống thước đo được sử dụng trong thời Nguyễn (1802-1945), thời kỳ tồn tại của chế độ quân chủ cuối cùng tại Việt Nam; cũng là thời kỳ chuyển tiếp của lịch sử dân tộc từ Trung đại sang Cận đại và Hiện đại.

Thực ra, hệ đo lường trước đây của người Việt khá phong phú và có đặc điểm riêng, muốn tìm hiểu nguồn gốc và cách sử dụng thực không phải đơn giản.

Để hiểu một cách chính xác và đầy đủ về hệ thống thước đo truyền thống của dân tộc chúng ta phải có một cái nhìn toàn diện về loại hình, công năng cũng như lịch sử tồn tại của hệ thống thước đo này.

Hệ thước đo xưa của người Việt, về cơ bản gồm 3 loại chính là hệ thước đo vải - hay thước may (tên chữ Hán là Phùng xích hay Quan Phùng xích), hệ thước đo ruộng đất - hay thước ruộng (tên chữ Hán là Điền xích hay Độ Điền xích) và hệ thước mộc - hay thước ta (tên chữ Hán là Quan mộc xích hay Mộc xích).

Hệ thước đo vải - hay thước may

Chưa rõ hệ thước này có nguồn gốc xuất phát từ đâu, chỉ biết độ dài của nó luôn khác với hệ thước khác. Một số nghệ nhân nghề dệt truyền thống thì cho rằng, chiếc thước này được hình thành và bị “ràng buộc” với khuôn khổ của chiếc khung cửi cổ truyền. Sự hạn chế của phương pháp thủ công khiến kích thước khổ vải dệt ngày xưa ít thay đổi qua thời gian. Bởi vậy, dù kích thước của các cây thước mộc, thước ruộng từng thay đổi rất nhiều qua các triều đại, nhưng đối với cây thước may thì sự điều chỉnh trên hầu như không đáng kể. Hiện nay, tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế vẫn còn lưu giữ được một cây thước rất đẹp, tương truyền là thước của Bộ Công triều Nguyễn. Toàn bộ cây thước này dài đúng 1 mét Tây (100cm); 3 mặt khắc giá trị của 3 loại thước khác nhau, gồm Kinh xích, Chu Nguyên xích và Phùng xích. Tại mặt khắc giá trị của Phùng xích, tức thước đo vải- thước may, giá trị của 01 thước đo được là 59,80cm, tức xấp xỉ 0,6m.

Tuy nhiên, theo các thợ may lão thành vùng Huế, thì giá trị của cây thước may cũng có thể dao động trong khoảng từ 0,6m - 0,65m. Những cây thước cổ thường có giá trị lớn hơn, trong khoảng 0,64 - 0,65m, còn những cây thước muộn thường có giá trị xấp xỉ 0,6m. Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ học, không rõ căn cứ vào đâu, nhưng cũng cho rằng, giá trị cây thước may là 0,645m. Như vậy, bước đầu có thể nhận định rằng, dưới thời Nguyễn, giá trị thực của cây Phùng xích hay thước may nằm trong khoảng 0,6m - 0,65m.

Hệ thước đo ruộng đất - hay thước ruộng

Căn cứ vào sử sách, có thể khẳng định rằng, hệ thước đo ruộng đất được áp dụng dưới thời Nguyễn là có nguồn gốc từ thời Lê. Tuy nhiên, việc áp dụng hệ thước đo này cũng có diễn biến rất phức tạp.

Nguyên từ thời chúa Nguyễn, các chúa đã cho đo ruộng đất toàn bộ Đàng Trong để lập địa bạ từ năm 1669. Nhưng không rõ giá trị của cây Điền xích lúc ấy là bao nhiêu và có phải nó đúng là cây thước vốn được sử dụng từ triều Lê hay không? Nhưng đến đầu triều Nguyễn, vào năm Gia Long thứ 5 (1806), để thống nhất đơn vị đo ruộng đất trong toàn quốc, nhà vua đã sai chế ra cây thước Trung Bình (Trung Bình xích): Cây thước này được áp dụng đến năm 1810, sau khi một người dân ở xã Cổ Linh, huyện Gia Lâm trình lên cây Điền xích của nhà Lê và vua Nguyễn cho áp dụng nó làm cây thước chuẩn để đo đạc lại ruộng đất trong toàn quốc thì mới chấm dứt vai trò. Sách Đại Nam thực lục của Quốc Sử Quán triều Nguyễn có ghi rõ: “Tháng 8 (Năm Canh Ngọ, Gia Long thứ 9 (1810)) ban thước kinh đo ruộng cho trong ngoài. Thước kinh do triều Lê cũ chế ra ban hành đã lâu, dân gian vẫn thường dùng. Năm Gia Long thứ 5 (1806) mới dùng thước trung bình, chế hơi dài hơn, bởi thế đo ruộng mẫu số sai nhau nhiều. Vua sai hỏi tìm được thước kinh cũ. Lấy được ở dân xã Cổ Linh huyện Gia Lâm, bèn theo cách thức ấy lấy đồng (nặng 1 cân 12 lạng) mà làm ban cho các thành dinh trấn. Những ruộng đất công tư từ trước đã dùng thước trung bình mà khám đạc, thì làm sổ để đó mà theo. Từ nay nếu có việc tranh địa giới hay tố cáo ẩn lậu và báo xin khai khẩn thì dùng thước kinh để đo”.

 

 

Như vậy, từ năm 1810 trở về sau, cây thước đo ruộng của triều Nguyễn chính là cây Điền xích của triều Lê; giá trị của nó được xác định bằng 47cm (lúc này, 1 mẫu ta ruộng đất được tính bằng một diện tích hình vuông, mỗi cạnh là 150 thước, tức bằng 4.970m2). Việc áp dụng cây thước này trên toàn quốc kéo dài đến năm 1867 thì giới hạn lại trong khu vực Bắc Kỳ và Trung Kỳ vì Nam Kỳ đã bị thực dân Pháp chiếm đóng và áp dụng theo hệ thước đo của người Pháp, tức hệ thước mét. Đến năm 1898, cây thước trên chỉ còn áp dụng tại khu vực Trung Kỳ do tại Bắc Kỳ đã áp dụng một hệ thước có giá trị nhỏ hơn. Sở dĩ chúng ta biết được điều này vì trong Sử cũng ghi rõ, vào ngày 2 tháng 6 năm 1897, Toàn quyền Pháp Paul Doumer đã ra một nghị định quy định: “Kể từ ngày 1/1/1898, ở Bắc Kỳ, 1 thước ta có độ dài bằng 0,4 mét (tức sụt hơn trước 0,07 mét)”. Theo tác giả cuốn “Việt Nam những sự kiện lịch sử” thì đây thực chất là một thủ đoạn nham hiểm của thực dân Pháp nhằm tăng diện tích ruộng đất lên một cách giả tạo, mục đích là để tăng ngân sách từ việc đánh thuế vào người nông dân. Bởi từ thời điểm này trở đi, 1 mẫu ta áp dụng ở Bắc Kỳ chỉ còn bằng 3.600 m2.

 

 

Còn ở Trung Kỳ, cây thước Điền xích vẫn giữ nguyên giá trị độ dài là 47cm đến khi nhà Nguyễn cáo chung, thậm chí đến tận ngày nay một số người vẫn quen “tư duy” bằng cây thước này.

Có một trường hợp rất thú vị có thể dẫn ra ở đây là tại đình làng Văn Xá, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, để “cố định hóa” cây Điền xích và để không ai có thể thay đổi được, dân làng Văn Xá đã đem khắc nguyên giá trị của cây Điền xích lên cột đình làng. Qua bao nhiêu lần sửa sang tu bổ, cây thước này vẫn không hề suy suyễn, giá trị của nó vẫn là 47cm!

Hệ thước mộc - hay thước ta:

Đây là loại thước khá phức tạp bởi bao gồm nhiều hệ khác nhau, cụ thể gồm 3 hệ chính:

+Hệ thước đo độ dài.

+Hệ thước kỹ thuật hay thước nghề

+Hệ thước tín ngưỡng hay thước Lỗ Ban, thước Chu Nguyên.

Thước đo độ dài tức cây thước đo chiều dài của cột, kèo, gian, chái, đo chiều dài đường đi hay khoảng cách giữa các khu vực. Đây là cây thước phổ biến nhất nên được gọi là thước Kinh. Thước Kinh dưới thời Nguyễn trong giai đoạn đầu có giá trị trong khoảng 42,4cm - 42,5cm. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/1898, theo Nghị định của Toàn quyền Paul Doumer, cây thước này đã bị “hợp nhất” với cây thước đo ruộng và đều gọi chung là Thước ta, với giá trị là 40cm. Cây thước hiện lưu trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật được làm sau thời điểm này nên một Kinh Xích (thước Kinh) của nó có giá trị là 40cm.

Hệ thước kỹ thuật hay thước nghề thì có nhiều loại: thước Đinh, thước Sàm, thước Vuông, thước Nách... Nhìn chung đây đều là những loại thước phục vụ cho người thợ mộc trong quá trình thao tác kỹ thuật. Các loại Thước nghề thường khắc kèm giá trị của cây thước Kinh để tiện dụng cho người thợ.

Hệ thước tín ngưỡng hay thước Lỗ Ban, thước Chu Nguyên thì hết sức phức tạp bởi có rất nhiều loại với quan niệm và cách sử dụng khác nhau.

Lỗ Ban là tên một người thợ mộc lừng danh của Trung Hoa cổ đại, tương truyền là người phát minh ra cưa, đục và các dụng cụ của nghề mộc. Ông được tôn làm Tổ của ngành mộc Trung Quốc. Thước Lỗ Ban tương truyền là do ông sáng chế, nó còn có các tên gọi khác như Môn xích, Bát tự xích. Đây là loại thước người thợ mộc thời xưa dùng để đo kích thước nhà cửa, phòng ốc, đình viện, giường phòng và các loại khí cụ. Theo sách Trung Quốc cổ đại kiến trúc từ điển của Sở Nghiên cứu văn vật Bắc Kinh, hiện nay tại Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh vẫn còn 1 cây Môn Xích, được xem là cây thước chân truyền của đời xưa. Thước dài 46cm, rộng 5,5cm, dày 1,36cm. Hai mặt lớn của thước đều chia làm 8 trực. Một mặt, giữa các trực khắc các chữ “Tài Đại Tinh, Bệnh Thổ Tinh, Li Thổ Tinh, Nghĩa Thủy Tinh, Quan Kim Tinh, Chấp Hỏa Tinh, Hại Hỏa Tinh, Cát Kim Tinh”, 2 bên lại khắc các câu về điều tốt xấu (cát, hung).

Mặt kia, giữa 8 trực khắc các chữ: “Quý Nhân Tinh, Thiên Hội Tinh, Tể Tướng Tinh. v.v... Mỗi trực lớn, ở hai bên lại chia khắc 5 trực nhỏ, phân ra khắc các chữ “Quý Nhân”, “Phát Tài”, hoặc Tà Yêu, Hội Hại.v.v... (6)

Nhìn chung trong thời cổ, ở Trung Quốc và các nước ảnh hưởng văn hóa Hán, thước Lỗ Ban được sử dụng rất phổ biến và có nhiều biến dạng.

Hiện nay có 2 loại thước Lỗ Ban chính, lưu truyền không chỉ ở nước ta mà còn ở cả Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông là: thước trực 8 (Bát môn xích) và thước trực 10 (Thập môn xích) với giá trị rất khác nhau. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy cả 2 loại thước này cùng in trên cây thước sắt cuốn do Đài Loan sản xuất (thường in kèm trong thước sắt 7,5m), bán khá phổ biến tại trên thị trường.

Tuy nhiên trên thực tế tại nước ta, thước Lỗ Ban có nhiều biến thể rất phong phú. Cùng là loại Bát môn xích nhưng có cây thước giá trị là 43,9cm, có cây dài đến 56cm (thước Chu Nguyên xích tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế), cũng có cây chỉ dài 28,4cm... nên thật khó có kết luận chung về loại thước này!

Trên đây chỉ là một số ý kiến mang tính chất “đặt vấn đề” về hệ thước đo truyền thống của dân tộc. Chúng tôi rất mong vấn đề này sẽ được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và thảo luận kỹ càng.

Posted Image

 

http://khoahocphotho...nguoi-viet.html

 

Share this post


Link to post
Share on other sites