wildlavender

Chúng ta đã rèn luyện để cùng quen với sự nhẫn tâm ư ?!

3 bài viết trong chủ đề này

Chúng ta đã rèn luyện để cùng quen với sự nhẫn tâm ư ?

!Thứ hai, 17/11/2008, 07:00 GMT+7

Loạt bài về những kẻ vặt lông chim, giết chim, nướng thịt chim ngay giữa phố (Có một “tội ác” giữa lòng Hà Nội) của Vietimes, đã được nhiều người có lương tâm hưởng ứng, ngay cả những người vốn trơ lỳ với nạn trình diễn cái ác kia có lẽ, họ cũng phải giật mình thức tỉnh.

Posted Image

Náo nức, tấp nập, công khai bán chim ven những con đường đông người qua lại nhất Thủ đô.

Có mấy điều đặt ra sau đây: một, cơ quan chức năng vô cảm với cái nạn dã man tàn bạo mà họ coi là “chả chết ai” này. Họ chưa thật sự ra tay dẹp “tệ nạn” hành hình chim trời giữa phố, dù khi gặp nhà báo họ nói là khó “làm” lắm, với lại bọn vặt lông chim nó hoạt động tinh vi (tóm lại là ngụy biện cho sự vô cảm của mình). Điều thứ hai: những công dân bình thường của thủ đô, dù bất bình chuyện đó, nhưng chưa thấy ai đủ lương tâm, đủ trách nhiệm công dân tử tế để đả phá tội ác đã tồn tại từ quá lâu ở thủ đô ngàn năm văn vật (mà ai cũng biết) kia. Sao bạn không tự hỏi: bấy lâu nay mình không lên gặp chính quyền, kiểm lâm, an ninh trật tự, các nhà báo, nhà bảo tồn thiên nhiên để trình bày cái mà mình cho là đau đớn, rồi kiến nghị dẹp nạn “trưng bày” tội ác của con người với thiên nhiên hoang dã? Sự bất bình nào đó của bạn đã không đủ thôi thúc bạn để biến thành hành động. Một lý do nào đó, có thể là tầm thường, có thể là thường nhật cỏn con đã cuốn bạn đi, thay vì dám nghĩ và làm cái điều mà bạn cho rằng cần phải lên tiếng. Thứ ba: nỗi đau của các loài chim bị làm thịt đã đành một nhẽ, nhưng nỗi đau lớn hơn là giành cho con người. Từ máu me, từ sự thảm sát diễn ra đối với các loài chim ở giữa lòng thủ đô với hàng triệu người chứng kiến, xúc cảm tội ác kia nó sẽ len lén tràn ngập vào mỗi chúng ta. Chúng ta (đặc biệt là các học sinh, trẻ em, như loạt bài của Vietimes đã phỏng vấn, trích dẫn) sẽ buồn hơn, u tối hơn, hoang mang hơn, sẽ trơ lỳ và bị dấn sâu vào hành trình chung sống với những kiểu tội ác đó hơn. Nói cách khác, khi chúng ta nã đại bác vào giết chết các loài chim trời thông qua hành trình vặt lông, cắt tiết, dán nướng chim hoang dã giữa lòng Hà Nội; thì cũng có nghĩa là ta đã dùng súng lục nã vào chính tâm hồn ta, thế giới quan, nhân cách của ta và con cháu chúng ta. Hậu họa của vấn đề này, có vẻ như không sờ thấy được, chưa hiện ra ngay, nhưng đúng là khôn lường. Khôn lường!

1. Lại nhớ những kỷ niệm buồn, xin được kể ra đây để phụ họa cho ý tưởng tốt đẹp của Vietimes.

Khi tôi cùng nhóm du khách nước ngoài cùng dừng lại chụp “thảm cảnh” tàn sát chim thú rừng giữa thanh thiên bạch nhật ở ven thị xã Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Đèo cong vút, đường nhựa phẳng lì. Bốn chàng thanh niên vùng cao hỉ hả từ rừng ra, nghễu nghện khoác trên vai đủ lại gà rừng, chim công, chim bìm bịp, cu gáy, trĩ, gà lôi. Họ đi săn thâu đêm, suốt ngày, và đó là chiến lợi phẩm của họ. Họ treo cổ đám “tử thi” vừa hạ sát giữa mây mù trên những cây sào, thò nó ra ven đường để “khoe hàng”. Và bán mua lùm xùm.

Posted Image

Đám bìm bịp non thì được ưu ái cho sống sót, nhốt trong lồng. Bán cho thực khách. Hàng trăm, hàng nghìn người, ngày ngày đi qua con đèo này, trong đó có công an, kiểm lâm, giáo sư, tiến sỹ, thi sỹ. Có ai thấy buồn bã vì chúng ta đã quá dã man với những chim thú hoang hiếm hoi còn sót lại của thiên nhiên Tây Bắc? Một du khách nước ngoài đỏ mặt tía tai, thắc mắc: “Dã man! Có nhất thiết phải có cái “phong tục” hành hình động vật như thế không?”. Trước đó, tôi cũng chụp bức ảnh người ta trưng bày cải cái đầu nai, đầu hoẵng be bét máu để “chào hàng” cho thực khách. Ăn thịt nai, rồi ngắm cái đầu nai lêu lao máu tươi còn chảy, có lẽ thú tính của thịt khách được thỏa mãn đến tột cùng ư?

Chúng ta đã quen thân với sự nhân tâm đến thế rồi ư?

Đó là câu hỏi đầu tiên của tôi, khi gặp quá nhiều bộ phận đồng bào của mình tàn nhẫn với thiên nhiên. Và, cái đáng sợ hơn, là chúng ta dần dà dạy cho chính chúng ta, cả con cháu chúng ta sự “thân quen” với cảnh dã man, cảnh chọc thủng chính tấm lá chắn, tấm chăn tuổi thơ sực ấm của mình – bà mẹ thiên nhiên. Có nhà tâm lý học đã phân tích: những cảnh bạo lực không thể tưởng tượng được, những vụ án kinh hoàng, vô nhân tính do giới trẻ hư đốn gây ra mà báo chí gần đây thường xuyên đăng tải, nó có một phần nguyên nhân không thể không cảnh báo, đó là hậu quả của việc chúng ta đã “rèn luyện” cho đám trẻ sự “quen mắt”, quen nếp nghĩ với một môi trường sống mà đôi khi chúng ta đã hành xử với nhau, với cỏ cây, động vật một cách thiếu nhân ái. Ví như chặt đầu thú hoang rồi “bêu” lên cho máu chảy, ví dụ vặt trụi lông chim trời, mặc máu me loang chảy khi con chim trần trụi còn sống, rồi cứ thế bán, cứ thế nướng cho nhau ăn ngay trên hè phố, cứ thế đem vào bữa cơm hằng ngày.

Một việc nhỏ mà không nhỏ tí nào.

Posted Image

Một "người đẹp" vui vẻ đứng ở Hà Nội bán chim cuốc. Thơ văn nói

quá nhiều về con chim Đỗ Quyên (chim cuốc) này, người ta bảo,

linh hồn của ông vua Thục nhớ nước đã nhập vào giống chim

nhiều huyền thoại này. Nhưng, con buôn ở Hà Nội cứ đồng loạt

bán với giá 25.000 VNĐ/con, làm thịt tuốt! Họ đã bắt đến mức,

đồng quê Việt Nam, làng quê Việt Nam dần dà biến mất cái

tiếng chim cuốc kỳ ảo của tuổi thơ mỗi người.

2. Nếu con hổ khổng lồ - đẹp lộng lẫy đã bị giết chết, bóc lấy xương nấu cao, lột da lông đem nhồi trấu trong tấm ảnh tôi vừa chụp kia (xem ảnh) đột ngột sống dậy và biết nói tiếng người, biết nói thật – tôi tin, hổ sẽ nói rằng: ở góc độ bảo vệ động vật hoang dã, các bạn Việt Nam đang a-lô-xô, một hai ba tất cả các bạn… cùng nói dối. Nói dối không biết ngượng mồm, không chỉ đồng chí kiểm lâm nói dối, mà triệu triệu người cùng vui vẻ nói dối nhau.

Posted Image

Trưng bày tiêu bản hổ hoang dã trong một quán ăn ven QL1

Bức ảnh chụp ở quán ăn nổi tiếng dọc QL1, quốc lộ đông vui và dài rộng đệ nhất nước ta, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Với lượng thực khách khổng lồ, chủ yếu là cán bộ tương đối to, sang trọng tham gia giao thông trên QL1 ăn uống ở đây, hàng ngày, có bao nhiêu người “gương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm” như ông Thế Lữ viết – họ đã nhìn thấy con hổ này? Cả nghìn, cả vạn người chứng kiến. Nhưng tôi chẳng thấy ai giật mình cả. Luật ghi rõ: cấm săn bắn, buôn bán, tàng trữ động vật hoang dã quý hiếm và các sản phẩm liên quan. Điều cấm cứ tồn tại, như ở hàng nghìn hàng vạn nơi khác nó vẫn tồn tại.

Chúng ta thản nhiên và thích thú trưng bày sự vi phạm lẽ ra phải xử lý nghiêm minh này đến độ thành… mốt rồi. Cả nước, có hàng vạn “vụ” trưng bày hàng vạn động vật trong Sách đỏ Thế giới một cách rất trọc phú kiểu này. Cũng như, chúng ta vẫn thường thấy bắt mắt với các quán treo biển đầy thách thức: “Bán thịt thú rừng”, thậm chí reo vui “Rừng ơi ta đã về đây! Bán thịt thú rừng”. Dọc quốc lộ 2, bạn có thể thấy người ta trưng bày cả những cái thủ cấp hươu, nai, hoẵng bê bết máu tươi ở ven An toàn khu ATK nườm nượp khách hành hương. Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh cán bộ địa phương đãi một cán bộ có cỡ trong ngành kiểm lâm thịt thú rừng. Có người thắc mắc, ai lại đi ăn thịt núi rừng thế, đồng chí cán bộ cơ sở phân trần: thú này ở rừng Lào nó chạy sang, ăn được. Ta vẫn bảo vệ thú ở rừng ta đấy thôi. Ngay ở Hà Nội, muốn ăn thịt thú rừng, bạn cứ tòi tiền ra là có.

Posted Image

Một tấm biển ghê rợn của một quán Chim Tươi đông thựckhách ở TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh:

quán bán Tiết Canh Chim. Xin hỏi, bao nhiêu lần cắt cổ bao nhiêu con chim sẻ,

để có một bát tiết canh chim?

Bên cạnh quán ăn vô tư trưng bày thế giới rừng hoang ven Quốc lộ 1 vừa kể ở trên, này là trung tâm Bảo tồn Thú linh trưởng Cúc Phương do ông Tilô Nader làm Giám đốc. Cán bộ địa phương vẫn gióng giả nói về việc bảo tồn, việc chống săn bắn và buôn bán động vật rừng. Vẫn có hàng trăm nhà bảo tồn làm việc ở khắp Vịêt Nam. Có người còn kỳ công đi bộ xuyên Việt vận động bảo vệ động vật rừng. Chúng ta vẫn dành kinh phí và panô áp phích kêu gọi hãy thương xót những nguồn gen sắp tuyệt chủng của quả đất. Và, ông Tilô không hiểu nổi sự chung sống với điêu toa kể trên . Có lần, ông Tilô đã tức nảy đom đóm mắt gọi điện cho Công an, kiểm lâm, cho UBND tỉnh Ninh Bình tố cáo một khách sạn trưng bày tiêu bản của voọc mông trắng, loài từng nhiều năm được ghi nhận là tuyệt chủng trên toàn thế giới. Loài mà vì nó ông đã bỏ nước Đức sang Việt Nam sống mười mấy năm qua. Sau rồi, chờ mãi chả thấy đại diện cơ quan công quyền đến để hỗ trợ mình “bỏ tù” những kẻ phạm tội quả tang, ông Tilô mới ngã ngửa người ra: ở Việt Nam, ai cũng cười nhạt trước bầu nhiệt huyết của ông.

Ai đó ghé tai, ông Tilô ơi, thưa quý ông, đây là Việt Nam chứ có phải cố hương ông ở trời Tây đâu nhé. Nơi này, nói dối và nghe nói dối mãi người ta đã quen rồi. Nơi này, từ lời nói đến nhận thức, đến hành động nó xa xăm vô cùng.

Chúng ta cùng nói dối, vì chúng ta biết xung quanh ta có quá nhiều người nói dối trong các lời hô hào bảo vệ thiên nhiên hoang dã, mà loạt bài Vietimes viết về “Tội ác giữa lòng Hà Nội” và những câu chuyện vừa kể chỉ là một ví dụ nhỏ. Những con chim trời bị vặt trụi lông, chảy lóc cóc trên phố xá Thủ đô, giữa “ba quân tướng sỹ”, mặc “quan trên trông xuống, người ta trông vào”, thế nhưng cũng chẳng ai nhắc nhở. Chẳng ai thấy có trách nhiệm cả. Tôi thấy đỏ mặt, thấy quá ư sượng sùng, khi cô bạn tôi, một mắt xanh tóc vàng người Israel đã dừng xe trên đường Lê Duẩn, tròn mắt xem người đàn bà Việt vặt trụi lông của con chim đang sống, rồi cầm cả một bó chim trời tội nghiệp giơ lên vẫy gọi bất cứ ai đi qua, ý rằng có mua không. Cô ấy bảo, kinh khủng, không thể tưởng tượng nổi, ghê rợn! dã man! Chúng ta lại còn trình diễn sự dã man đó cho quốc dân đồng bào và khách ngoại quốc xem, như là để dạy nhau cái cách quen thân với sự nhẫn tâm vậy.

Thương thay!

Bài và ảnh của Đỗ Lãng Quân

Share this post


Link to post
Share on other sites

Buồn nhỉ! Nghiệp chướng trùng trùng biết bao giờ vơi? Ông cha ta ngày xưa giáo dục thế hệ tiếp nối bằng một kết luận rất đơn giản để ngăn chăn tội ác "Đừng làm thế! Phải tội!".

Ai trừng phạt mà phải tội? Nhận xét một cách đơn giản và dễ hiểu nhất chính là do sự tác động của con người làm mất cân bằng sinh thái khiến môi trường sống bị đảo lộn. Con người phải lãnh hậu quả! Đó là "phải tội" do sự trừng phạt của thiên nhiên. Nhưng sự trừng phạt này vĩ mô quá, chung chung và không cụ thể! Nhưng lý học Đông phương phân tích sâu sắc hơn nhiều. Những hành động dã man này sẽ ăn vào tiềm thức và ghi dấu ấn trong tướng pháp và hành vi con người. Đương nhiên khi gặp điều kiện nó sẽ tương tác một cách vô thức và là sự trừng phạt rất cụ thể. Để diễn đạt điều này , chắc lại cần hẳn một tiểu luận. Nhưng câu cách ngôn về tướng pháp sau đây rất đáng để chúng ta suy ngẫm và liên hệ với những điều mà chúng ta gọi là nghiệp chứng: "Tướng tự tâm sinh. Tướng tùng tâm diệt". Như vậy, chúng ta dễ dàng suy luận ra rằng: Tướng pháp là một điều kiện để con người có thể tiên tri về số phận, thì tâm ác do tập nhiễm những hành vi ác sẽ thể hiện qua tướng pháp và tất nhiên sẽ có một hậu quả xấu khi hội đủ nhân duyên.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đúng là thật nhẫn tâm và tàn nhẫn. Họ chỉ lợi trước mắt thôi. Những con vật bé nhỏ đó đâu có làm gì nên tội, nó hoàn toàn vô tội. Chỉ do nhận thức của con người quá kém...

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay