Posted 21 Tháng 9, 2013 Tài liệu tham khảo: Giai thoại Tả Ao TẢ AO ÔNG TỔ PHONG THỦY TẢ AO người Việt Nam học được khoa địa lý chính thống ở Trung Quốc vào thế kỷ 16 (có nhiều tư liệu viết về điều này đều không nhất quán, có sách nói là vào thế kỷ 17 hay 18). Còn tên thật của ông là Nguyễn Đức Huyên, người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tỉnh. Và Tả Ao sinh vào năm nào không ai rõ, chỉ được biết ông sinh vào thời vua Lê chúa Trịnh (1545 – 1788), qua các câu chuyện truyền khẩu.Nhà Tả Ao nghèo, cha mất sớm còn mẹ bị bệnh lòa mắt, vì thế nên ông đến giúp việc cho một ông thầy thuốc người Tầu ở trong huyện, trước lấy tiền trị mắt cho mẹ sau học thêm được nghề bốc thuốc chữa bệnh. Chính vì thế mà ông chữa được bệnh mắt lòa cho mẹ.Ông thầy Tầu thấy Tả Ao có chí lớn, nên khi về lại bên Trung Hoa đã dẫn ông theo để dạy thêm nghề thuốc. Trên đất khách, gần nhà ông thầy thuốc, có một thầy địa lý rất giỏi, cũng đang bị bệnh về mắt, Tả Ao liền được thầy phái sang chữa trị thay ông ta. Thầy địa lý nói rằng, nếu Tả Ao chữa khỏi bệnh mắt cho mình thì ông sẽ thưởng 50 lượng vàng. Tả Ao nhờ kinh nghiệm chữa khỏi bệnh mắt cho mẹ, nên đã chữa khỏi bệnh cho thầy địa lý, nhưng ông không nhận vàng mà chỉ xin ông ta truyền cho nghề xem phong thủy.Vì ơn nghĩa, nên thầy địa lý bằng lòng, truyền dạy hết tinh hoa địa lý phong thủy cho Tả Ao, đến khi thành tài học và hành viên mãn, ông xin cả 2 ông thầy cho về nước. Trước khi cho Tả Ao về Việt Nam, ông thầy địa lý muốn thử lần cuối sự hiểu biết của Tả Ao, ông ta làm ra 100 mô hình đất kết trên bãi cát, dưới mỏi huyệt có yểm một đồng tiền, rồi đưa Tả Ao 100 cây kim ra đấy tìm huyệt để điểm.Tả Ao điểm đúng 99 lổ của đồng tiền, còn một cây điểm ở mép, mà huyệt này lại là huyệt thứ 100. Đây là huyệt ảo, vì mô hình tạo dáng rất huyền bí ẩn hiện dưới những mô đất nhấp nhô, những thầy địa lý giỏi cũng khó phát hiện ra đúng huyệt đạo. Cho nên thầy địa lý biết rằng người Việt Nam đã học hết bí kíp phong thủy của người Trung Hoa.Khi Tả Ao về đến quê hương, ông chỉ lo hành nghề bốc thuốc, ít khi sử dụng đến khoa địa lý, chỉ khi nào cần thiết ông mới ra tay xem thế đất dùm mọi người, tuy vậy danh tiếng xem địa lý, phong thủy của Tả Ao lại nổi hơn nghề thầy thuốc. Cũng chính vì ông không hành nghề xem phong thủy cho ai, nên không có hậu bối. Khi Tả Ao mất người nhà chỉ tìm thấy 2 bộ sách viết về địa lý phong thủy, là Địa đạo diễn ca và Dã đàm Tả Ao. Nhưng trong dân chúng có nhiều sách được in ra nói là sách do chính Tả Ao viết. Còn các nhà địa lý phong thủy, khi đọc xong 2 quyển sách trên, đều cho đây là sách quý. NHỮNG TRUYỀN THUYẾT VỀ TẢ AO Tuy Tả Ao không hành nghề xem phong thủy, ông chỉ chuyên chữa bệnh cho người nghèo, nhưng trong dân gian có những truyền thuyết truyền khẩu nói về nghề xem phong thủy của ông.Có lẽ vì điều này mà ông được người đời xưng tụng “vua địa lý” của nước Việt chăng ?!Sau đây là một vài truyền thuyết về tài xem địa lý phong thủy của Tả Ao : CỨU VUA NHỜ MỘ KẾT PHÁT Một ngày nọ Tả Ao đi ngao du sơn thủy, tuổi tuy đã già nhưng dáng người vẫn quắc thước khoẻ mạnh, khi ông đi đến một làng quê nọ, trời nắng nóng nên ghé vào ngồi nghỉ mát dưới gốc cây đa bên làng, ông nhìn thấy một anh nông dân đang miệt mài cày ruộng, đến khi mặt trời đứng bóng mới chịu tháo cày cũng vào gốc đa ngồi mở cơm nắm ra ăn. Thấy một ông lão cùng ngồi ở đó nhưng không ăn uống gì cả, anh ta mới lên tiếng hỏi :- Xế trưa rồi ông không dùng cơm sao, hay là ông không sẵn mang theo, thôi cùng nắm cơm này ăn với cháu cho vui.Anh nông dân vừa giở cơm, vừa mau mắn mời ông lão : - Cháu mời ông dùng cơm…Thấy thái độ anh nông dân dễ mến, Tả Ao không khách khí, bèn vui vẻ ngồi lại cùng ăn. Bốn năm ngày như vậy, anh nông dân vẫn một lòng kính trọng Tả Ao, mời cơm và ông cũng không lần nào từ chối. Đến bữa cuối cùng, bỗng ông nói với anh nông dân : - Chắc anh vẫn không biết ta là ai? Ta chẳng giấu gì anh, ta chính là thầy địa lý Tả Ao đây ! Anh nông dân nghe danh Tả Ao đã lâu, nay có dịp diện kiến nên vừa mừng vừa hốt hoảng, liền quì lạy xin ông tha lỗi. Tả Ao đỡ anh nông dân đứng dậy nói tiếp : - Ta xem anh là người có đức nên có ý giúp anh đặt một ngôi mộ sau này sẽ phát phúc, phát tài, cho anh nở mặt với thiên hạ… - Ông dạy quá lời, nhà cháu mấy đời nay đều là nông dân chân lấm tay bùn, bần hàn, đi cày thuê cuốc mướn kiếm cơm qua ngày, mong gì nở mày nở mặt với ai ? - Anh cứ yên tâm. Ta nói sẽ giúp anh được giàu sang phú quí trong vòng 100 ngày thôi. Nào anh hãy dẫn ta ra nơi mộ của cha mẹ của anh đi, ta xem thế nào sẽ sửa cho.Anh nông dân mừng rỡ bèn nghe theo lời Tả Ao, dẫn ông đi ra mộ của cha anh ta. Tả Ao xem xong mới truyền : - Mộ đặt nơi thế đất không tốt, suốt đời sẽ bần hàn cơ cực. Phải đào lên cải táng, di dời qua nơi đất khác mà thôi.Nói rồi bảo anh nông dân đào mộ lên, xếp xương cốt vào một chiếc hủ đất đem đi chôn ở một huyệt đất mà Tả Ao đã chọn sẵn. Xong đâu đấy, Tả Ao căn dặn : - Anh nhớ không cho ai biết chuyện này ! Một trăm ngày nữa, vào ngày mùi tháng ngọ, đúng giờ tý anh phải có mặt ở kinh đô, đứng ở hướng Đông. Hễ gặp một người đàn ông mặc áo trắng, đi hài xanh, từ trong thành chạy ra với bộ mặt hốt hoảng, thì anh cứ chạy lại bảo: “Con xin cứu ngài!”, rồi cõng thẳng về giấu trong nhà, ngày ngày lo cơm nước cho tử tế. Anh cứ thế mà làm, đừng suy nghĩ gì hết !Nói xong, Tả Ao từ biệt anh nông dân mà đi thẳng, về sau anh ta có đi tìm nhưng chẳng biết ông đi về đâu. Đúng như lời dặn của Tả Ao, đúng ngày giờ anh nông dân ra kinh đô đứng đợi ở cửa Đông. Bỗng nghe có náo động từ trong thành vọng ra nào tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng quân reo hò, tiếng người gào thét, rồi lửa bốc cháy đỏ rực một góc trời. Và quả nhiên, một người đàn ông dáng thư sinh mặc áo trắng, đi hài xanh, hớt hải một mình chạy qua gần chỗ anh nông dân đang đứng. Anh ta chỉ đợi có thế bèn chạy đến bên nói to: - Thưa ngài, con xin cứu ngài!Nói đoạn ghé vai cõng người ấy chạy một mạch về giấu trong nhà. Người ấy dáng chừng sợ hãi, suốt ngày im lặng nghe ngóng động tĩnh. Anh nông dân cũng chẳng hỏi thân thế của người đàn ông ấy đang lo sợ đến quên ăn mất ngũ. Vài ngày sau bỗng có loa truyền rằng, ai đang giữ vua ở đâu thì báo cho quan quân kịp đưa vua về kinh. Lúc ấy ông khách mới nói cho anh nông dân biết mình chính là vua, mấy ngày trước đây bị bọn gian thần định soán ngôi. Rồi nhà vua sai anh ta đi báo cho quan quân biết nơi vua đang ở ẩn. Khi quan quân đến rước vua, vua cho phép cả anh nông dân cùng đi theo mình về kinh thành. Tại kinh đô vua thiết triều, trấn an trăm họ và phong cho vị ân nhân là anh nông dân được làm quan đến chức nhị phẩm, cùng vàng bạc lụa là nhiều vô số kể.Thì ra ngôi mộ mà Tả Ao đặt cho người cha anh nông dân, kết phát y như lời ông nói khi trước, chỉ trong vòng 100 ngày. KHI TẢ AO THƯƠNG VÀ GIẬN Khi thương… Quanh năm Tả Ao thường đi đây đó khắp trong nước để tìm những ngôi đất quí. Một lần đi qua tỉnh nọ thấy có một ngôi đất rất đẹp, bèn buột miệng khen: - Kiểu đất này mà đặt mộ thì chắc chỉ sáu tháng là phát làm quan ! Nhà ai có phúc thì được hưởng thôi ? Sau đó ông đi về hướng làng, gặp một người đàn ông trung niên đi tới. Nhìn thấy nét mặt ông ta tuy phúc đức nhưng tướng lại khắc khổ quá. Tả Ao mới hỏi: - Ông có muốn ra làm quan không ? Người đàn ông đáp : - Lạy ông, nhà tôi bất hạnh ba đời, học hành chỉ đủ đọc sách, muốn làm quan không xong, thi cử đợt nào cũng thi rớt, nên nay vẫn sống kham khổ làm ruộng kiếm sống thôi. Được làm quan thì phúc ba đời để lại. Tả Ao nghĩ bụng ông ta không nói sai. Rồi ngắm nhìn ông ta một lúc bèn nói: - Thôi được, tôi sẽ giúp ông̣ đặt lại ngôi mộ tổ. Ông về lo sẵn 300 quan tiền. Người đàn ông mừng lắm vội mời Tả Ao theo mình về nhà, gọi người thân ra đào ngôi mộ tổ, bốc xương cốt cho vào cái tiểu sành đem đến chôn sâu xuống huyệt đất do Tả Ao vừa thấy ban sáng mà táng lại. Xong việc, ông ta giữ lời, trao cho Tả Ao đủ 300 quan tiền, nhưng Tả Ao chỉ lấy có ba quan, còn lại bảo đem phát hết cho người nghèo khó trong làng. Gần sáu tháng sau, vào một đêm không trăng, cả nhà ông ta đang quây quần dưới ngọn đèn bỗng có tiếng người gõ cửa. Người nhà ông ta ra mở cửa, thấy trước mặt là một ông tướng uy nghi lẫm liệt nhưng có vẻ đang thất cơ lỡ vận. Khách thật thà nói mình đang lỡ độ đường, xin gia đình cho ăn uống. Ông ta vốn hiếu khách vội sai người nhà nấu cơm đãi khách rất mực nồng hậu. Cơm nước vừa xong, ông khách mới nói: - Thưa ông̣, tôi là tội phạm đang bị nhà Chúa lùng bắt. Đằng nào tôi cũng không thoát khỏi. Xin ông̣ mang dây thừng trói tôi lại rồi đem nộp cho chúa Trịnh mà lĩnh thưởng. Như vậy dù tôi có bị hại, tôi cũng giúp ích được cho gia đình ông̣, còn hơn là uổng thân vô ích. Cả nhà kinh ngạc sững sờ trước những lời nói của người khách lạ. Không ai nỡ hành động, nhưng ông khách cứ giục mãi, bất đắc dĩ họ phải làm theo.Chúa Trịnh được ông ta giao nộp viên tướng thất thế, hết sức khen ngợi, bèn phong cho làm chức Tri huyện để trọng thưởng. Vị khách đó chính là Mạc Kính Đô, tướng nhà Mạc đang bị thất thế. Vì cảm tấm lòng tốt của ông lão mà Kính Đô đáp lại ông bằng một hành động lạ lùng có một không hai trong thiên hạ.Đúng như lời tiên đoán của Tả Ao không sai. Chỉ trong sáu tháng là được làm quan.… và giận ! Một hôm Tả Ao đang đi đến vùng đất nọ. Thấy ngôi đình làng ở đây đặt hướng bị thất cách, ông đứng ngắm mãi rồi đến gần để xem cho rõ.Giữa lúc trong đình đang làm lễ kỳ yên. Các vị chức sắc trong làng đang chuẩn bị bữa tiệc chiều. Một người biết mặt Tả Ao liền chạy ra khẩn khoản mời ông vào trong đình. Các vị chức sắc được gặp thầy địa lý trứ danh nên mừng lắm, ông tiên chỉ trong làng nói : - Hôm nay là ngày tế kỳ yên trong làng, may được gặp thầy thật là phúc cho cả làng này lắm. Nhân thể nay mai làng cho sửa lại ngôi đình, xin cụ coi cho cái hướng nào tốt, làm sao cho làng chúng tôi phát khoa bảng rầm rầm, nhằm đè đầu cưỡi cổ thiên hạ một phen cho họ biết tay ! Lâu nay cả làng chưa ai thi đậu cả! Một ông hăng hái nói thêm : - Cụ tiên chỉ nói phải đấy thưa cụ ! Các làng bên, không làng nào không có tiến sĩ, cử nhân, xoàng thì cũng phó bảng, chót chét cũng tú tài. Riêng làng này chắc các cụ trước đặt hướng đình có nhầm nhỡ gì đây,nên bao nhiêu năm trời vẫn suôn cành, không hưởng được trái lộc nào. Cụ đã đến đây xin ra tay giúp chúng tôi được đè đầu cưỡi cổ thiên hạ một phen cho hả ! Tả Ao chỉ cười nói : - Tưởng gì chứ nếu các cụ chỉ ước có vậy thì tôi xin ra tay, không dám nề hà gì ! Nhưng chỉ xin 3000 quan tiền để lấy công thôi.Các vị chức sắc nghe nói đến tiền công đến 3000 quan, thì lắc đầu le lưỡi, có người than thở : - Làng này vì không đỗ đạt, nên không “tơ hào” được gì nên còn nghèo túng, chỉ mong sau này đè đầu cưỡi cổ được thiên hạ, nói gì 3000 đến 5000 quan chúng tôi cũng lo cho cụ được, mong cụ xem lại mà bớt cho. Tả Ao nghĩ thầm trong bụng, ta lấy tiền giúp người nghèo chứ có phải dùng riêng đâu. Bọn chúng mi thích đè đầu cưỡi cổ thiên hạ để kiếm tiền hưởng thụ, thì ta sẽ chiều ý thôi. Nghĩ thế nên giận, Tả Ao lên tiếng : - Nghe các vị nói như vậy, ta cũng cảm động lắm, thôi thì các vị có bao nhiêu để trả công, xin cứ nói thấy được ta giúp cho. Vị tiên chỉ nghe Tả Ao nói thế, liền đáp : - Trong đình chỉ còn vỏn vẹn 500 quan tiền, mong cụ lấy giúp.Tả Ao lại giận trong lòng, đình làng nghèo mà cúng kỳ yên đến hai bò năm trâu mười lợn như thế này thì thánh thần nào chứng. Nhưng để làm gương cho đám chức sắc, ông cũng hài hả đáp : - Thôi được, mấy vị đã nói thế ta cũng giúp cho làng, sau này ai cũng đè đầu cưỡi cổ thiên hạ đều được cả.Ngay sau đó, Tả Ao ra trước sân đình đặt tróc long định hướng, rồi cắm hướng mới cho ngôi đình. Xong ông cáo biệt đi thẳng. Mấy tháng sau khi đình đã được xoay ngôi đổi hướng, các vị chức sắc kỳ mục không nói cho dân làng nghe chuyện, mà chỉ dặn con cháu ra công đèn sách nay mai ứng thí.Nhưng quái lạ, tất cả đám con trai, từ lớn đến bé hễ cầm quyển sách định học, nhưng học mãi mà chữ nghĩa chẳng vào đầu ! Các thầy đồ được mời đến dạy cũng thở dài ngao ngán. Rồi thay vì sách vở bút nghiên, càng ngày càng có nhiều anh con trai con các chức sắc kỳ mục rủ nhau đi sắm hòm đồ nghề thợ cạo, xách đi khắp nơi hớt tóc dạo ! Trong lúc hành nghề, họ tha hồ mà “đè đầu đè cổ” thiên hạ để… cắt tóc, cạo mặt, ngoáy tai…Các cụ chức sắc lúc ấy mới ngã ngửa hiểu ra cái thâm ý của thầy Tả Ao trước đây ! Nhưng cũng hiểu rõ, tại họ quá tham lam, chỉ biết tư lợi cá nhân, nên mới bị Tả Ao chơi trác. http://thantienvietn...am-taoist-.html Share this post Link to post Share on other sites
Posted 21 Tháng 9, 2013 Trích lại bài của Sư Phụ Thiên Sứ ================= Câu chuyện trên - phần cứu vua - có nhiều sai lệch so với chuyện gốc tôi xem hồi còn nhỏ. Câu chuyện tôi xem tóm tắt như sau: Tả Ao khi đi khắp nơi trên đất Việt tìm huyệt quý, một đêm lỡ độ đường, lại bệnh, nên ghé vào một ngôi nhà tranh, vách nát ven đường. Chủ nhà một anh nông dân nghèo mở cửa ân cần tiếp đón. Thấy ông lão có một mình,lại bệnh hoạn, chủ nhà ra sức chăm sóc chu đáo. Tả Ao khỏi bệnh, bèn cho biết mình chính là Tả Ao và muốn đền ơn người đã giúp mình. Nhưng rất tiếc người chủ nhà mồ côi cha mẹ từ nhỏ,không biết mộ huyệt cha mẹ ở đâu. Tả Ao bèn bảo anh này vác cuốc cùng mình đang đêm ra cách đồng rìa làng, chỉ vào một chỗ và bảo anh ta đào một hố rộng vừa đủ một người đứng, sâu đến cổ và bảo anh này đứng xuống đó. Cụ Tả Ao dặn: "Khi nào anh thấy ấm đền đầu gối thì bảo tôi". Nói xong, cụ ra đầu ruộng, dận long mạch, bắt quyết, niệm thần chú vận khí vào trong hố. Anh chủ nhà cũng rất khôn ngoan, hiểu rằng cụ Tả Ao vận khí vào hố để đền ơn mình và suy ra hơi ấm càng lên cao thì càng giầu hoặc làm quan to. Bởi vậy, khi hơi nóng lên đến đầu gối thì anh ta nói chỉ mới đến mắt cá chân. Khí hơi ấm lên đến bụng anh ta nói mới đến bụng chân. Thấy lâu, cụ Tả Ao sinh nghi, thầm nghĩ "Với khả năng của ta thì không thể lâu đến như vậy được", bèn đứng dây, không vận long mạch nữa ra sờ vào người anh ta thì thấy hơi ấm đã lên đến cổ. Cụ tức mình quát lớn, măng anh ta sảo trá và lừa đảo cụ. Cụ tự trách mình: "May mà ta cẩn thận, kiểm tra lại. Nếu để hơi ấm lên đến đầu thì thằng này làm vua chứ chẳng phải chuyện chơi. Như vậy ta sẽ phạm tôi nghịch thiên mệnh ". Nhưng cụ cũng dặn vào ngày giờ tháng đó đến cổng thành phia Nam, thấy người mặc áo trắng đi hài xanh thì đón về nhà phụng dưỡng và cho anh chủ nha biết rằng: Anh ta sẽ làm đền chức thương thư, nhưng bất đắc kỳ tử". Câu chuyện tôi xem trên báo Loa - in vào những năm 30 của thế kỷ trước. Từ đó đến nay mới ngót 80 năm mà đã tam sao thất bản. Ây là thời đại văn minh, có văn bản truyền lại rõ ràng mà còn như vậy. Câu truyện trên báo Loa có tính minh triết sâu sắc. Những người học Địa lý có thể tìm ở trong truyện này những giá trụ đích thực của nó nếu chịu suy ngẫm. Còn câu truyện mà Thiên Đồng đưa lên tầm thường, đầy mâu thuẫn. Ở trên thì cụ Tả Ao ẩn danh làm nghề bốc thuốc chữa bệnh; "Tuy Tả Ao không hành nghề xem phong thủy, ông chỉ chuyên chữa bệnh cho người nghèo", Ở dưới thì cụ xưng danh: "Ta chẳng giấu gì anh, ta chính là thầy địa lý Tả Ao đây !" Đúng là vớ vẩn. Mấy tay tầm thường, nhưng cứ tưởng mình là cao nhân, thánh trí, bày đặt sửa chữa lại cốt chuyện của tiền nhân. Nên làm sai lệch cả ý của tiền nhân truyền lại. Tôi sẽ xóa topic này, nếu hôm nay Thiên Đồng không chuyển xuống mục Phong thủy,ghi rõ nguồn và minh bạch : "Tài liệu tham khảo". Share this post Link to post Share on other sites
Posted 21 Tháng 9, 2013 Tài liệu tham khảo: Giai Thoại về Cụ Tả Ao Phần 1 : Tả ao Phong thủy nhất trên đời Họa phúc cầm cân định chẳng sai. Mắt Thánh trồng xuyên ba thước đất, Tay Thần xoay chuyển bốn phương Trời. Chân đi Long Hổ luồn qua gót, Miệng gọi Trâu Dê ứng trả lời. Ai muốn cầu sao cho được vậy Ấy ai Địa lý được như ngài. Nhà Phong Thủy nổi tiếng của Việt nam Tả Ao tên thật là NGUYỄN ĐỨC HUYỀN, người làng Tả Ao thuộc tỉnh Hà tĩnh. Cụ sống vào đời Chúa Trịnh , gia đình quá nghèo, cha lại mất sớm, mẹ bị mù nên phải tìm đủ mọi việc để giúp đỡ mẹ già. Lúc bấy giờ có một ông thầy thuốc người Tầu nổi tiếng về khoa chữa mắt, nên cụ tìm đến xin được hầu hạ thầy để thầy ra tay tế độ chữa mắt cho mẹ mình. Ông thày Tầu thấy cụ siêng năng, chăm chỉ lại thông minh nên đã truyền cho cụ một số phương cách chữa mắt. Nhờ vậy mà cụ chữa được mắt cho mẹ. Khi nghe tin ông thày Tầu sắp về nước, cụ vội vã đến xin phép thầy đi theo hầu hạ và học hỏi thêm về khoa chữa mắt. Ông Thầy bằng lòng. Thế là cụ bôn ba theo thầy Tàu và được truyền dạy tất cả những gì mà ông thày Tầu có được về nghề chữa mắt, nhất là khi ông thày Tầu đã quá già.Từ đó cụ tự chữa cho nhiều người lành bệnh mắt, danh cụ vang khắp vùng.Có một thày Địa lý nổi danh trong vùng bị đau mắt, nghe danh cụ , liền cho người dẫn đến gặp cụ. Chỉ trong một thời gian ngắn ,cụ đã chữa khỏi bệnh mắt cho ông thầy Địa lý. Thầy Địa lý mừng quá, đem vàng hậu tạ, nhưng cụ không nhận mà chỉ xin được làm đệ tử môn Địa lý Phong thủy mà thôi. Thấy người có tài đức lại có chí ham học hỏi, nên thầy Địa lý không ngần ngại đồng ý truyền hết những gì về Phong thủy mà mình có được. Chẳng bao lâu, cụ đã thành thạo tất cả những gì mà vị thày Địa lý đã truyền cho mình. Tương truyền khi học xong nghề thầy, ân sư người Tầu thử tài môn đệ trước khi "tốt nghiệp" : ông thầy chôn 100 đồng tiền xuống mô hình bãi cát rồi bắt cụ Tả Ao cắm kim vào đúng lỗ mỗi đồng. Cụ Tả Ao châm đúng giữa 99 đồng, chỉ có hơi lệch 1 đồng. Thầy Tầu than: "Thôi nghề của ta từ nay truyền sang nước Nam rồi!", ông thầy Địa lý công nhận cụ là người sáng trí, tài cao, đức trọng, nên không tiếc rẻ công sức mình truyền dạy cho. Khi dời nước Tầu về nước, cụ đã chữa mắt cho rất nhiều người, ngoài ra cụ còn đi tìm những vùng đất tốt và nghiên cứu các Long mạch, các Địa linh ở quanh vùng. Cụ không vì tiền bạc, danh vọng mà đi tìm các cuộc đất tốt cho những kẻ không xứng đáng được hưởng. Dù cụ giới hạn về khoa địa lý, nhưng nhiều người đã tìm đến cụ để nhờ cụ giúp tìm đất tốt cho nhà cửa, mồ mả, phương hướng thuận lợi cho họ. Dân chúng thời bấy giờ đã gọi cụ là cụ Tả ao ( Làng Tả ao ), danh tiếng của cụ vang đi khắp nơi và người đương thời truyền tụng cho nhau nhiều giai thoại của cụ Tả ao ngay còn lúc cụ còn sống. Một trong những giai thoại nổi tiếng nhất của cụ Tả Ao là chữa thế đất cho làng Hành Thiện ở Nam Định: cụ đi tới làng Hành Thiện thấy đất làng hình con cá chép bơi ra biển, phù sa mỗi ngày một bồi thêm đất làm làng hưng phát, chỉ hiềm con cá chép không có mắt nên không phát khoa danh. Dân làng nghe cụ nói bèn hậu đãi trà rượu và khẩn khoản xin cụ đặt lại hướng làng. Cụ Tả Ao thấy dân làng tử tế liền chỉ cho làng đào một cái giếng lớn làm mắt cho con cá chép, từ đấy dân làng bắt đầu phát khoa danh, nhất là họ Đặng. Cụ Tả Ao đi xem đất suốt từ Nghệ Tĩnh ra các làng mạc ở khắp miền Bắc và trong gia phả của nhiều gia đình còn ghi lại những công trình địa lý phong thủy của cụ. Nhiều chuyện khôi hài do quần chúng thêm thắt như chuyện cụ Tả Ao thấy dân làng kia rất xấu tính mà lại xin cụ để kiểu đất nào có thể "đè đầu thiên hạ", cụ liền tìm cho làng một kiểu đất khiến dân làng dần dần theo nghề "húi tóc" có thể "đè đầu vít thiên hạ" đúng như ý nguyện! Tương truyền cụ đang đi chơi ngoài bãi biển thấy sóng gió nổi lên ầm ầm biết là hàm rồng 500 năm mới há mồm một lần ở biển Đông, liền chạy về nhà mang cốt mẹ ra định ném xuống hàm rồng, nhưng vì thương tiếc chần chờ nên hàm rồng đóng lại, biển khép êm sóng lặng như trước! Lúc sắp chết, cụ dặn con cháu khiêng mình ra miếng đất đã định trước là đất địa tiên "nhất khuyển trục quần dương" (một con chó đuổi đàn dê), nhưng không kịp đành dừng lại nửa đường phân kim lựa cho chính mình một miếng đất phúc thần đời đời ăn hương hoa mà thôi. Tương truyền ông để lại 2 bộ sách về địa lý: Địa Lý Tả Ao (Địa Đạo Diễn Ca) 120 câu Dã Đàm Tả Ao Tầm Long Gia Truyền Sau này có nhiều dị bản chép lại và có nhiều tên khác: Địa lý Tả Ao di thý chân chính pháp Tả Ao chân truyền di thý Tả Ao chân truyền tập Tả Ao tiên sinh bí truyền gia bảo tàng Tả Ao tiên sinh địa lý Tả Ao tiên sinh thý truyền bí mật cách cục Bản quốc Tả Ao tiên sinh địa lý lập thành ca - Phần 2 Truyền thuyết về Tả Ao thành Phúc Thần như sau: Sau nhiều năm bôn ba tầm long, Tả Ao đã chọn cho mình chỗ an táng khi về già theo thế ĐỊA TIÊN"nhất khuyển trục quần dương" ( Con chó đuổi đàn dê) ở xứ Đồng Khoai . Nếu táng được ở đây thì chỉ ba ngày sau là thành Địa Tiên. Tả Ao có 1 đệ tử tin cậy và khi ông mất người trò sẽ theo lời dặn dò để an táng Thầy vào đó, nhưng khi Thầy trò từ Trung Quốc về thì trên đường không may người trò bị ốm dịch mất. Tả Ao có hai người con trai nhưng do chu du thiên hạ, không màng dang vọng, bổng lộc nên gia cảnh, con cái thì bần hàn. Lúc sáu lăm tuổi, biết mình sắp về chầu tiên tổ nên bảo hai con khiêng đến chỗ ấy, rồi nằm dưới mộ và tự phân kim lấy, dặn con cứ thế mà chôn. Mới được nửa đường, biết là sẽ chết trước khi đến nơi , không thể kịp được nên Tả Ao bèn chỉ một gò bên đường có thế "huyết thực" mà dặn con rằng: "Chỗ kia là ngôi huyết thực, bất đắc dĩ thì cứ táng ở đó, sẽ được người ta cúng tế". Hai con bèn táng luôn ở đó, sau Ngài thành Phúc Thần một làng (Nam Trì). Trong đình Nam Trì có câu đối của Tả Ao nói về địa lý, phong thuỷ Nam Trì: "Tây lộ khê lưu kim tại hậu - Đông giang thuỷ tụ mộc cư tiền" nghĩa là phía tây của đường làng có dòng nước chảy, phía sau của làng là hướng Tây Bắc (hướng tây bắc hành kim) – phía đông làng có sông nước tụ làng nhìn về hướng nam (hướng nam hành hoả). Sau này dân làng Thờ Tả Ao như Thành Hoàng làng . Phần 3Đây là giai thoại cụ Tả Ao theo cuốn Nam Hải Dị Nhân của Phan Kế Bính, nay xin đăng lên đây để mọi người tham khảo thêm. TẢ AO. Người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An, tên là Nguyễn Đức Huyên (có bản nói là Hoàng Chỉ). Nhân tên làng, cho nên tục gọi là Tả Ao. Lúc còn trẻ nhà nghèo lắm, mẹ phải bệnh lòa mắt, Tả Ao mới theo người khách buôn ở phố Phù Thạch về Tàu, để lấy thuốc chữa mắt cho mẹ. Thầy thuốc khen là người có hiếu, mới dạy cho phép làm thuốc. Học thành nghề mới trở về, xảy có một thầy địa lý chính tông đau mắt, sai người mời thầy thuốc đến chữa, thầy thuốc già yếu không đi được, mới sai Tả Ao đi chữa thay. Thầy địa lý khỏi đau mắt, thấy Tả Ao có ý tứ khôn dễ dạy, và cảm cái ơn chữa khỏi cho mình, mới truyền cho Tả Ao phép làm địa lý, Tả Ao học hơn một năm đã giỏi. Thầy địa lý muốn thử xem sức học làm sao, đổ cát làm ra hình sông núi, rồi yểm 100 đồng tiền xuống dưới cát, và cho Tả Ao 100 cái kim sai tìm huyệt mà cắm kim vào lỗ đồng tiền. Tả Ao ngắm xem các huyệt, cắm trúng 99 cái kim vào 99 lỗ đồng tiền, chỉ sai mất một cái cắm ra ngoài. Thầy địa lý nói rằng: - Nghề ta sang phương Nam mất rồi! Mới cho Tả Ao một cái tróc long và các câu thần chú hô thần để cho về nước Nam. Tả Ao vâng lời từ về; về đến nhà thì mẹ vẫn còn mạnh, mới chữa thuốc cho mẹ khỏi lòa. Một khi, đi qua núi Hồng Lĩnh, trông lên xem, thấy có kiểu đất “cửu long tranh châu”, mừng mà nói rằng: - Huyệt đế vương ở đây rồi! Lập tức nhổ ngôi mộ của cha, cất vào huyệt trên núi. Không bao lâu sinh được một đứa con trai. Người Tàu xem thiên văn, thấy các vì sao chầu cả về phương Nam, biết là người nước Nam được đất. Chính phủ Tàu truyền cho các nhà địa lý, ai để đất cho người An Nam, hoặc là dạy người An Nam, thì phải sang nước Nam dùng thuật mà phá đi, nếu không thì tru di cả ba họ. Thầy địa lý trước, biết chắc là ông Tả Ao được đất mới sai con sang tìm đến nhà Tả Ao, lập mưu mà triệt đi. Người ấy tìm đến nơi, vào chơi nhà mà bảo rằng: - Từ khi đại huynh ở Tàu về, đã cất được ngôi tiên phần nào chưa? Tả Ao nói thực cả chuyện trước. Con thầy Tàu mới dùng mẹo đào lấy ngôi mộ ấy, mà bắt đứa con của Tả Ao đem về Tàu. Được ít lâu mẹ Tả Ao mất. Tả Ao tìm một ngôi đất ở ngoài bãi bể, kén ngày kén giờ để hạ huyệt. Đến giờ, sóng gió ầm ầm, người anh Tả Ao giữ áo quan của mẹ, không cho hạ xuống, một lát sóng gió yên thì ở đấy nổi lên thành bãi rồi. Tả Ao than rằng: - Đây là hàm rồng đây, cứ 500 năm mới há miệng ra một lần, mà há chỉ trong một lát mà thôi. Bây giờ đã ngậm lại rồi, còn táng làm sao được nữa. Trời không cho thì chỉ uổng mất công ta mà thôi. Từ bấy giờ Tả Ao không chịu làm ăn gì cả, chỉ lang thanh đi làm đất cho người ta. Một bữa đi xem đất đến làng Bùi Sơn, huyện Hoằng Hóa, thấy có một huyệt đất hay, bèn bảo người ta rằng: “Có ngôi đất, táng giờ Dần đến giờ Mão thì phát, nếu ai táng ngôi ấy tất được của, hễ ai chịu nhường cho ta một phần chia mười, thì ta cho ngôi đất ấy”. Có một người xin táng, Tả Ao dặn đến sáng sớm mai thì cất. Táng xong mặt trời mới mọc. Người ấy vác cuốc ra rửa chân ngoài sông, thấy một người chết trôi, nhân thể có cuốc, mới vớt lên chôn cho xác ấy, thấy trong bọc người chết có hai túi bạc, mở ra đếm thì được 50 nén, mới biết Tả Ao là tài, biếu Tả Ao 5 nén, rồi Tả Ao đi. Khi đến huyện Thanh Liêm lại tìm được một ngôi, bảo người ta rằng: “Đây có ngôi đất, chỉ táng trong một tháng thì phát quận công, nếu ai cho ta 100 quan tiền, thì ta táng cho”. Có một ông nhà giàu xin táng. Bấy giờ chúa Trịnh đang đánh nhau với nhà Mạc. Tướng nhà Mạc là Mạc Kinh Độ thua trận ở huyện Kim Bảng chạy trốn. Chúa Trịnh rao ai bắt được thì thưởng cho làm quận công một đời. Ông nhà giàu ấy táng được 20 ngày rồi. Bỗng một hôm thấy có một người vào nhà bảo rằng: “Ta là Mạc Kinh Độ đây, cho ta đánh một bữa chén, ta sẽ làm ơn mà cho đem nộp lấy thưởng”. Ông nhà giàu mừng rỡ, làm cơm thết đãi. Mạc Kinh Độ ăn uống xong, cho trói mình lại mà đem đến đồn Cầu Châu nộp cho chúa Trịnh. Chúa Trịnh lập tức thưởng cho làm quận công. Người ấy được thưởng tạ Tả Ao 100 quan tiền. Tả Ao chỉ lấy 3 quan để ăn đường, rồi đi chỗ khác. Tự bấy giờ danh tiếng đồn khắp thiên hạ. Tả Ao đi chu du bốn phương, phàm 20 năm trời. Đi qua các huyện Gia Bình, Từ Liêm, Đông Ngạn, Siêu Loại, Gia Lâm, táng cho nhà nào cũng được, lớn thì làm đến Tiến sĩ, Thượng thư; nhỏ cũng làm nên giàu hùng trưởng. Kể ra nhiều lắm, không sao cho xiết. Khi đi qua làng Thiên Mỗ, thấy có một ngôi đất to, muốn táng hộ cho nhà họ Trần. Vừa đặt tróc long xuống đất, tróc long đổ ba lượt. Tả Ao niệm phù chú gọi Thổ thần lên hỏi, thì Thổ thần nói rằng: “Đất này phát ba đời quốc sư đại vương, con cháu công hầu không bao giờ hết. Trời đã để đành cho nhà Nguyễn Qui Đức; còn nhà họ Trần kia ít hồng phúc, không kham nổi được đất này; nếu ông làm cưỡng của trời thì tất có vạ. Vả lại ông đi khắp thiên hạ, làm phúc cho người ta đã nhiều, mà không được ngôi nào để táng cho cha mẹ, ông nên nghĩ thế thì biết”. Vì thế, Tả Ao từ bấy giờ không dám khinh thường để mả cho ai nữa. Tả Ao sinh được hai con trai, nhà thì nghèo mà làm đất không lấy tiền của ai, cho nên con cái thường không đủ bữa mà ăn. Khi đã già, tìm sẵn một ngôi đất sinh phần cho mình, ở xứ Đồng Khoai, gọi là cách “Nhất khuyển trục quần dương” (nghĩa là một con chó đuổi đàn dê). Nếu táng được ngôi ấy, thì chỉ ba ngày thành địa tiên. Đến lúc phải bệnh, sai hai con khiêng mình ra đấy, toan phân kim lấy rồi nằm xuống cho chôn; nhưng đến nửa đường thì đã gần chết, không kịp đến được chỗ kia, mới trỏ một cái gò bên cạnh đường, dặn con rằng: “Chỗ kia là ngôi huyết thực (nghĩa là được hưởng người ta cúng tế), bất đắc dĩ táng ngay ở đấy cũng xong”. Nói xong thì mất, bấy giờ mới 65 tuổi. Hai con đem táng vào gò ấy, quả nhiên về sau làm phúc thần một làng. Địa lý xưa nay ở nước Nam, không ai giỏi bằng ông Tả Ao, thế mà chỉ làm phúc cho người, đến mình thì không sao làm được, mà con cái vẫn nghèo khổ, thế mới biết rằng câu tục ngữ nói: “Tiên tích phúc nhi hậu tầm long”. Dịch : Tích phúc (đức) trước, tìm long (tìm long mạch; tróc long) sau. nguồn: http://hatvan.vn/for...read.php?t=4029 Share this post Link to post Share on other sites
Posted 21 Tháng 9, 2013 Vì sao Tả Ao không truyền "nghề" cho hậu duệ? GiadinhNet - Tả Ao được tôn là "Thánh địa lý", từng theo khoa Địa lý chính tông ở Trung Quốc và là thầy địa lý giỏi nhất Việt Nam theo dân gian. Đền thờ của ông được lập ở nhiều nơi, có cả bên Trung Quốc; sách của ông được nhiều thế hệ thầy địa lý sau này "ăn theo"... Thế nhưng tại sao Tả Ao lại không truyền "nghề" cho hậu duệ?Tả Ao chỉ là tên địa danh?Ông là thủy tổ khai sinh môn địa lý phong thủy ở Việt Nam. Các sách vở cũng như truyền thuyết đều gọi ông là Thánh Địa lý Tả Ao, Trạng Tả Ao; là đệ nhất chính tông về địa lý, giỏi như Cao Biền bên Trung Quốc. Trong dân gian lưu truyền nhiều giai thoại về hành trạng pháp thuật của ông ở nhiều làng quê.Thực ra, Tả Ao không phải là tên mà là địa danh nơi ông sinh sống, cũng như Nguyễn Tiên Điền là Nguyễn Du người xã Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Theo sách vở và cả truyền miệng thì Tả Ao có những tên sau: Vũ Đức Huyền hiệu Địa Tiên, Nguyễn Đức Huyền hiệu Phủ Hưng, Hoàng Chiêm, Hoàng Chỉ. Ông sinh vào thời Lê sơ (1428-1527), có sách nói thời Lê – Mạc (1533-1592), thời Lê – Trịnh – Nguyễn (1592-1789), có người khẳng định ông sinh năm Nhâm Tuất (1442) có sách còn nói Tả Ao và Cao Biền thi thố tài năng (tức là đời nhà Đường ở thế kỷ IX). Tuy nhiên, qua những chuyện kể có liên quan đến Mạc Kinh Độ nên hiện nay người ta dễ chấp nhận ông sinh vào thời Lê sơ.Quê quán, có sách nói ông sinh ở làng Tả Ao (Hà Tĩnh). Có sách lại nói gốc ở Sơn Nam (vùng Hải Dương, Hưng Yên), sau đó gia đình phiêu bạt và định cư ở làng Tả Ao. Do các sách đều ghi Vũ Đức Huyền (hợp với ngoài Bắc còn miền Trung trở vào là họ Võ). Từ suy đoán này có thế chấp nhận ông sinh ở vùng Sơn Nam (Hải Dương, Hưng Yên) phiêu bạt và định cư về xã Ao Cầu (sau này tách thành 2 xã Tả Ao và Tiên Cầu), phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, nay là xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ở đây có đền thờ Tả Ao, giếng Tả Ao. Ở thôn Nam Trì, xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên có đền thờ 3 thượng đẳng phúc thần: Tể tướng Lữ Gia (Bảo Công), tướng Nguyễn Danh Lang (Lang Công) và Cao Biền (Cao Vương) và Bản cảnh thành hoàng Tả Ao. Bởi nơi đây Tả Ao đã chọn đất lập làng để làng thịnh vượng và phát triển.Tại sao ngài lại giỏi địa lý như vậy?Có 2 nguồn truyền miệng về việc Tả Ao tầm sư học đạo nên nggười. Một truyền thuyết kể rằng, Tả Ao cứu một thầy địa lý người Trung Quốc chết đuối ở sông Phù Thạch xứ Nghệ. Ông ta đem vàng bạc trả ơn, ngài không lấy. Thấy ngài tướng mạo khôi ngô và tính tình hiền hòa, ông ta đưa về Tàu truyền nghề địa lý để trả ơn. Do thông minh nên ngài thu thập được những tinh hoa trong thuật phong thủy địa lý của người thầy, về nước rồi hành trạng pháp thuật.Một giả thuyết thứ hai nói rằng, do mẹ của ngài mù lòa, nhà lại nghèo, để có thuốc chữa mắt cho mẹ, ngài đã ở không công cho người khách ngồi bốc thuốc ở Phù Thạch. Thấy ngài là người con hiếu thảo, lại ăn ở chu đáo, hiền lành, nên khi về nước, ông ta xin cho ngài đi theo. Ở đây ngài học lỏm được nghề cắt thuốc chữa mắt. Có lần ngài đã chữa khỏi mắt cho một thầy địa lý lành nghề, thấy tướng mạo tuấn tú, tính cách nhanh nhẹn hợp với nghề của thầy và cũng để trả ơn, ông xin phép thầy lang đưa ngài về nhà để truyền thuật địa lý. Do bản tính thông minh ngài đã thâu tóm được phép thuật đó về nước. Giả thuyết này về sau được người đời tin là thật hơn vì cách lí giải trọn vẹn tình hiếu thảo với mẹ (sách nào viết về ngài cũng nói có người mẹ mù lòa), hợp với hoàn cảnh nhà nghèo, nhưng lại là người thông minh, có chí học hỏi nên thành tài.Cái tài của thầy địa lý Tả Ao có bao câu chuyện hấp dẫn có trong sách vở cũng như truyền miệng dân gian, ta có thể tìm đọc hay nghe kể với các biệt tài: Xem thế đất để chọn hướng nhà thỏa mãn yêu cầu của thân chủ như sống thọ, phát tài phát lộc, phát quan, chọn nghề, sinh lắm con nhiều cháu; Chọn hướng táng mồ mả sao cho người sống được mạnh khỏe, giàu có, thành đạt; Chọn nơi đào giếng có nước lành, trong ngon, không cạn, không chạm long mạch; Chọn hướng đình để làng yên ấm trong ngoài, dân cư phát triển... Câu chuyện khẳng định cái tài địa lý của Tả Ao nhưng cũng lắm kết cục khôi hài (chứ không làm hại ai) nếu thân chủ, các chức sắc trong làng xã có những ý tưởng ngông cuồng...Nhưng sao không truyền cho hậu duệ?Tả Ao nổi tiếng bậc thầy về địa lý phong thủy, nhưng con cháu của ngài về sau thì không ai kế nghiệp được. Xung quanh câu chuyện này cũng có nhiều “dị bản” lí giải khác nhau. Có chuyện kể rằng, Tả Ao bị thầy địa lý (người dạy ngài) sang yểm huyệt táng cha của ngài nên không thể truyền nghề cho hậu duệ. Có truyện chép là một đêm nằm mộng, ngài được báo rằng “đất tốt là của quý, là bí mật của tạo hóa, nếu tiết lộ hết thì “âm” sẽ oán, nên phải tự dấu kín phép thuật”.Cũng có ý kiến cho rằng, Tả Ao có con nhưng các con bất hạnh, làm ông nản. Sau này thi thoảng mới xem phong thủy địa lý cho người khác (cũng ở mức bình thường), ông dành thời gian để chữa mắt cho dân.Tuy vậy, với 2 tập sách mỏng Tả Ao đã để lại cho đời như: Địa đạo diễn ca (chỉ 120 câu), Dã đàm (trong mấy trang văn xuôi) đã được người đời sau phát triển thành lý luận, thành gia bảo chân truyền. Trừ 2 cuốn nói trên, còn những sách khác hiểu lấp lửng là do ngài viết như: Địa đạo diễn ca (Tả Ao hiệu Địa Tiên); Dã Đàm (Tả Ao hiệu Địa Tiên) còn gọi Tả Ao tầm long gia truyền bảo đàm; Tả Ao chân truyền di thư; Tả Ao chân truyền địa lý (Hoàng Chiêm – 5 tập); Hoàng Chiêm địa lý luận; Hoàng Chiêm truyền cơ mật giáo; Tả Ao tiên sư bí truyền gia bảo trân tàng; Tả Ao địa lý luận; Tả Ao chân truyền tập (nhiều tập); Tả Ao tiên sinh bí truyền gia bảo trân tàng (nhiều tập); Tả Ao tiên sinh địa lý (nhiều tập)...Trừ 2 cuốn đầu là của Tả Ao, còn các cuốn sau là của các thầy địa lý khác phát triển về thuật địa lý Tả Ao. Với ngài, ngài không tự xưng là tiên sư, tiên sinh. Hay chân truyền, bí truyền, gia bảo vì không hợp với phong cách và hoàn cảnh của ngài.Với hiệu trong đền thờ Tả Ao là Địa Tiên (còn hiệu của Nguyễn Đức Huyền là Phủ Hưng). Hầu như các sách đều viết : “Tả Ao tên là Vũ Đức Huyền hiệu Địa Tiên, có nơi còn gọi là Nguyễn Đức Huyền...”. Trong cuốn Nghi Xuân địa chí do Đông Hồ – Lê Văn Diễn soạn năm 1842 cũng viết vậy. Cuốn Từ điển Hà Tĩnh ngoài mục Tả Ao cũng ghi như vậy, còn có mục Vũ Đức Huyền, nhưng không có mục Nguyễn Đức Huyền.Vậy ta dễ chấp nhận Thánh sư địa lý Tả Ao xưa còn gọi là Mỗ (một cách gọi dân dã), tên là Vũ Đức Huyền hiệu Địa Tiên. Sinh vào thời Lê sơ (1428 - 1527). Gốc người Sơn Nam (vùng Hải Dương, Hưng Yên), gia đình phiêu bạt và định cư ở làng Tả Ao nay thuộc xã Xuân Giang huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Có đền thờ Tả Ao, giếng Tả Ao nằm trong khuôn viên của cụm đền huyện Nghi Xuân.Võ Giáphttp://www.baomoi.co...152/5781127.epi Share this post Link to post Share on other sites
Posted 21 Tháng 9, 2013 Tư liệu tham khảo: NÓNG TỚI GẦN BỤNG. Tại một làng kia , có hai chị em mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ. Cảnh nhà rất túng quẫn, người chị gái thì góa chồng , lại thêm đứa con dại , ngày ngày buôn bán lần hồi , kiếm tiền nuôi gia đình. Những ngày mưa gió, không đi chợ được , người chị lại phải vào rừng kiếm củi về bán lấy tiền sống cho qua ngày. Người em, nổi tiếng là láu lỉnh nhất làng , nhưng thông minh , chăm học, văn hay chữ tốt. Thế mà số phận hẩm hiu , thi đã 3 khóa đều trượt cả. Thi mãi chẳng đậu , anh trách thân oán phận, đêm ngày buồn tủi trăm chiều, mong sao học hành đỗ đạt để đền ơn chị. Một hôm nghe tiếng ông Tả Ao đang qua làng, anh đánh liều đến van lạy ông, xin ông ra tay giáng phúc cho. Anh kể rõ tình cảnh : mồ côi cha mẹ từ sớm, ở với chị nuôi cho ăn học , gia đình thật là quẫn bách , xin ông giúp cho được công thành danh toại. Thấy anh có vẻ nhanh nhẹn , ăn nói hoạt bát, thông minh , ông Tả Ao liền nhận lời giúp anh , rồi bảo anh dẫn về nhà. Về tới nhà, anh kể rõ mọi sự với chị, xin chị dọn cơm rượu để thiết đãi ông Tả Ao. Không để em nói hết lời , người chị ra vái chào ông Tả Ao rồi xuống bếp làm cơm rượu thết đãi ông. Một lát sau, người chị bưng cơm rượu lên, anh quỳ xuống đất lạy ông Tả Ao hai lạy, gọi là chút lòng thành , mời ông chiếu cố cho. Người chị cũng chắp tay lạy ông nói:- Thật là thân gái góa chồng, mới được một con hãy còn thơ ấu, em trai thì số vất vả thi hết khoa này đến khoa khác đều chẳng đậu. Rồi người chị rưng rưng nước mắt, tiếp: - Cha mẹ chúng cháu mất sớm, nên hai chị em cố gắng đùm bọc nuôi nhau. Nay may mắn được cụ thương tình cứu giúp cho em trai cháu…. Ông Tả Ao thấy chị em ăn ở với nhau tốt như vậy nên cũng động lòng , vừa uống rượu, vừa hỏi mộ cha mẹ anh đâu. Hai chị em liền thưa: - Thưa cụ, cha mẹ chúng cháu đều mất từ khi chúng cháu còn nhỏ. Gia đình chẳng còn ai, nên không biết rõ mộ cha mẹ ở chỗ nào.Ông Tả Ao hỏi đến mộ tổ nhưng hai chị em cũng đều không biết nốt.Thấy ông ra vẻ suy nghĩ, người chị rất đỗi lo âu, cố nằn nì, van lạy ông tìm cách giúp cho.Muốn để hai chị em yên tâm, ông Tả Ao khuyên người không việc gì phải lo ngại, dù là không biết mồ mả gia tiên ở đâu, ông cũng tìm cách giúp cho được toại nguyện.Vừa uống rượu, ông Tả Ao vừa nghĩ ngợi. Chợt ông thấy ngoài sân có một luồng khí trắng bốc lên, trước còn lờ mờ như sợi chỉ, về sau mỗi lúc càng to dần như đám khói trắng ở dưới đất đùn lên. Ông liền nghĩ ra cách dùng lối táng sống, gọi hai chị em bảo đào một cái hố ở giữa sân, sâu hơn một thước.Vâng lời, hai chị em liền vội vàng lấy mai cuốc, kẻ đào người bới, chẳng mấy lúc đã đào xong cái hố, đứng xuống sâu tới bụng. Thấy hố đã đào xong, ông liền bảo người chị tạm lánh xuống bếp rồi bảo người em ra sân đứng xuống hố, và dặn hễ thấy nóng đến đâu thì phải bảo ngay cho ông biết.Tuân lời, anh ra đứng vào trong hố,ở trong nhà , ông Tả Ao dận long mạch, lấy hậu khí phát ngay cho người học trò lận đận…Long mạch vừa dận có một chút , anh đã thấy nóng ở chân, rồi dần dần đến đầu gối, đến đùi. Cả người anh bức bối khó chịu, toát mồ hôi, nhưng anh cố chịu nóng , đứng yên. Vì từ trước anh vẫn được nghe về lối táng sống này , càng nóng lên bao nhiêu thì càng phát bấy nhiêu. Cho nên , mỗi lần ông Tả Ao hỏi anh , anh đều nói dối , đã nóng tới đùi mà anh chỉ bảo tới bắp chân, nóng đến bụng mà anh nói mới tới đùi, đến khi gần tới vai , anh mới nói gần tới bụng.Dận long mạch đã lâu, mà mới gần tới bụng, ông Tả Ao lấy làm lạ, chạy ra sờ vào người anh thì đã thấy nóng tới vai , ông gắt ầm lên, bảo sao lại nói dối. Ông vội vàng lôi anh lên, nói: - Anh dối trá thế này , sau này tuy anh làm quan to, nhưng sẽ bất đắc kỳ tử, tôi bảo trước cho anh biết.Nói xong , ông vào trong nhà lấy tay nải , cắp ô đi ngay, không nói thêm một lời. Vừa đi , ông vừa nhủ thầm :“ May mà mình đứng dậy xem ngay, chứ để nó mà nóng tới đầu thì làm vương đứt đuôi đi , mình sẽ mang tội với trời”. Và tự hối hận vì đã quá nhẹ dạ thương người , định cho nó đỗ thấp, làm quan nhỏ thôi, để đền đáp công ơn người chị. Ai ngờ , nó láu lỉnh , đã để cho khí nóng tới vai, thì sau này chắc chắn nó sẽ làm tới thượng thư là ít.Quả nhiên như vậy, từ ngày sau đó, anh đã thông minh lại càng thông minh hơn, học một biết mười; đến khoa thi , anh chiếm bảng vàng, sau được bổ làm quan đến chức thượng thư trong triều.Nhưng về sau trong nước có loạn, vua sai cầm quân đi giệt giặc, anh bị thua, chết liền tại trận. Con cháu về sau cũng được nối nghiệp làm quan, nhưng đến đời cháu chắt thì chỉ đủ ăn đủ mặc. Sưu tầm blog==================Tương truyền cụ Tả Ao để lại 2 bộ sách về địa lý:1/-Địa Lý Tả Ao (Địa Đạo Diễn Ca) 120 câu2/-Dã Đàm Tả Ao Tầm Long Gia TruyềnSau này có nhiều dị bản chép lại và có nhiều tên khác:-ÐỊA LÝ TẢ AO DI THÝ CHÂN CHÍNH PHÁP. -TẢ AO CHÂN TRUYỀN DI THÝ. -TẢ AO CHÂN TRUYỀN TẬP. -TẢ AO TIÊN SINH BÍ TRUYỀN GIA BẢO TÀNG. -TẢ AO TIÊN SINH ÐỊA LÝ. -TẢ AO TIÊN SINH THÝ TRUYỀN BÍ MẬT CÁCH CỤC. -BẢN QUỐC TẢ AO TIÊN SINH ÐỊA LÝ LẬP THÀNH CA. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 21 Tháng 9, 2013 Tư liệu tham khảo: Vài Truyện Giai Thoại1....." Có một thầy Phong thủy, người ở làng Tả ao, Trấn Nghệ an, đương đêm ngồi ngó lên Trời, trông thấy các vì Sao hội tụ về phương Nam, sáng tỏ rời rợi, vỗ tay cười ầm lên. Người ngồi bên cạnh không hiểu như thế nào hỏi: - Ngài có điều gì thích chí mà cười lắm thế. Thầy Phong thủy nói: Kỳ qúa, ta vừa trông lên Trời, thấy các vì sao hiện về phân dã nước ta, bóng sáng vằng vặc. Kìa như ngôi sao sáng nhất chình là một Đế tinh, còn những vì sao xung quanh toàn là Tá tinh cả. Sau 20 năm, Rồng- Mây gặp hội, cá nước phải duyên, làm nên một hội, thịnh trị. Chỉ vì thấy một vị về bên tả ngôi Đế tòa, trông ra không phải hình tượng Văn tinh mà chủ trương về việc Văn, và tài ứng đối lanh lợi, vì thế nên thích mà cười. Chỉ trong một hai năm, các vị ấy giáng sinh xuống Trần đầu thai mà thôi. Phen này ta quyết đi chu du thiên hạ, thử xem giáng sinh về phương nào. Từ đó ông ấy đeo La bàn đi chơi, nay đây , mai đó, không đâu mà không đến.Một hôm , đi qua Sơn Nam thượng Trấn, đến làng Mạnh Chư, tục gọi là làng Dừa, Huyện Bình lục, Tỉnh Hà nam ninh bây giờ thì thấy vượng Khí trong làng phất lên đùn đùn, biết ở đó có một ngôi đất hay. Lần vào xem, quà nhiên thấy một Huyệt: Sơn cùng, Thủy triều, Long bàn Hổ phục, đôi bên Thần đồng phụ nhĩ, xung quanh cờ biển ứng vào, trước mắt đột lên một con Hỏa, trông như một con dao bầu, suốt từ phương Mão đến phương Tốn, thực là Huyệt kỳ dị. Bụng bảo dạ rằng:" Ngôi đất này chính là ngôi đất ứng sinh ra tá tinh đấy hẳn, thế mà chưa có nhà nào táng được là làm sao? Âu là ta vào trong làng xem ngôi đất này Trời để cho nhà nào thời ta làm ơn làm giúp, thay quyền Tạo hóa xem sao. Nghĩ rồi đi, vai đeo túi, tay chống gậy, làm ra dáng lù khù đi vào. Khi bấy giờ Trời đã tối, đi đến đâu cũng không ai cho trọ. Tự nhiên gặp một người say rượu gật gù bảo rằng:Thưa cụ, cụ đi đấu mà tối thế? Không ai dám chứa cụ thời xin cụ về nhà cháu. Nhà chau dù nghèo thực, nhưng cũng dư thết cụ được dăm ba ngày. Xin cụ đừng ngại. Cụ thấy nói tử tế lắm. Đi theo về nhà. Vào đến nơi, ông ấy bắt người nhà dọn chỗ nghỉ, rồi làm rượu mời cụ xơi, bắt vợ con ra chào hỏi trọng hậu.Cụ nhác trông người vợ có phúc tướng, mừng lắm hỏi:Ông bà đây làm nghề gì? Ông ấy đáp: Thưa cụ, nhà cháu nghèo lắm. Ở đây gần chợ nhà cháu thường làm nghề hàng thịt kiếm ăn. Cụ mừng thầm rằng: Ai ngờ nhà hàng thịt mà có người Phúc hậu như vậy. Hoặc giả vượng Khí ở đây chung tú vào nhà này chăng. Hay ta cứ ở đây xem. Sáng mai, thức dậy, cụ đã thấy một mâm tiết canh lòng cật sẵn đó mời cụ xơi. Từ đấy trở đi, cụ đến ở ba bốn tháng, sớm đi tối về, vợ chồng hầu hạ cơm nước, bữa nào cũng như bữa nào, không hề một lời tiếng nặng tiếng nhẹ, cứ một niềm chiêu đãi như vậy. Hoặc có khi cụ ốm, chồng thời chạy thuốc, vợ thời quét bẩn , giặt dơ, dẫu thế nào cũng không quản ngại chi cả. Cụ thấy thành tâm lắm mới bảo thực rằng: Nguyên tôi là một ông thày Địa lý đi qua đến đây, gặp ông bà thết đãi quá hậu, không biết lấy gì mà trả ơn được. Nhân tìm được một ngôi Âm phần, thôi thì để lão làm một cái lễ tạ." Vợ chồng thấy nói mừng lắm, thụp xuống lạy, xin đem hài cốt ông Thân phụ để cụ táng. Táng xong cụ dặn lại rằng: Ngôi đất này mạch cực kỳ quý, sau này tất sinh Trạng. Cậu bất tất phải học mà tài trí hơn người, đối ứng cực giỏi. Trong thời Vua yêu, Chúa dùng, Ra ngoài thời tùy cơ ứng đối. Sự nghiệp cực kỳ ngộ. Chỉ hiềm ông chưa được trông thấy. Nói rồi từ đi.Vợ chồng ông ấy cố nèo như thế nào cũng không chịu ở nữa.Từ đấy, chân mây dấu Hạc, đi tróc Long- Tầm Hổ về phương nào không biết.Từ khi cụ Tả ao táng mả cho, vợ chồng hàng thịt buôn bán phát đạt vô cùng.(còn sinh Trạng nào không thấy nói rõ (có lẽ là trạng Lợn), ai biết thì nói giùm nhe!)(sưu tầm từ bản tiếng Việt do Kim Mã- Vũ Hoàng dịch từ bản chữ Nôm- Cuốn Trạng Lợn- Hội Văn học nghệ thuật Hà nam Ninh- 1987). 2. CHẮC NHƯ ĐÓNG ĐINH (Truyện Ông Tả Ao của Đồ Nam) Một làng nọ thuộc tỉnh... ở trung châu Bắc bộ, là một làng rộng lớn và giàu có, nhưng phải cái xấu là trai làng, anh nào cũng “vắt cổ chầy ra nước”, chơi với ai cũng muốn nắm phần lợi về mình, không chịu bỏ ra một xu nhỏ. Còn gái làng thì tinh nghịch, cô nào cũng chua ngoa, đanh đá, lại có tính lẳng lơ. Vậy cho nên ca dao có câu: Làng kia có biển xà cừ, Bao nhiêu con gái theo sư mất rồi... Một hôm, ông Tả Ao đi chơi qua làng đó, ngắm thấy kiểu đất quý: trước miếu Bà, có cái thế đất hình nhân đàn bà nằm nghiêng, giữa huyệt có một cái giếng, nên con gái làng này rất đẹp. Chẳng những thế, ông lại còn thấy mấy kiểu đất trông như cái biển, cái chiên, chỉ hiềm vì miếu Bà lệch hướng nên trong làng không có mấy người làm nên to tát. Thấy làng có nhiều đất đẹp như vậy, ông liền dừng chân vào nghỉ tại một quán hàng, vừa uống nước, ăn bánh, vừa ngắm địa thế. Bỗng, có một bọn gái làng đi chợ về, cũng vào quán nghỉ chân uống nước, ăn trầu, cô nào cũng trắng trẻo, xinh xắn, nói năng cười cợt chẳng cần giữ ý tứ gì. Thấy ông Tả Ao ngồi đó, họ cũng chen vào ngồi, đùa cười như nắc nẻ, chẳng biết kính trọng người già cả là gì. Hôm đó là ngày phiên chợ, nên quán nước luôn luôn tấp nập kẻ ra người vào: thôi thì hết bọn gái này, đến bọn gái khác ghé vào nghỉ chân, ăn trầu, uống nước hoặc hút thuốc. Ông Tả Ao ngồi suốt buổi trưa, ngắm hết bọn này đến bọn khác. Ông xét thấy: gái thì lẳng lơ, vô lễ, trai thì kiêu ngạo, keo bẩn. Tất cả trai gái làng này đều có những cử chỉ lố lăng, ăn nói vô ý vô tứ. Chừng đã xế chiều, quán nước thưa người, ông mới lần theo đường nhỏ vào làng. Hết ngắm hướng đình rồi đến hướng chùa, lang thang nhìn xem phong cảnh, ông dừng lại trước miếu Bà, lẩm bẩm: -Gía họ biết điều, mình quay hộ hướng kia, ắt là trong làng được làm quan to, tha hồ mà giàu sang vinh hiển. Chợt một dân làng đi qua đó nghe thấy, đoán chắc đây là thầy địa lý không sai, bèn chạy về phi báo cho các ông kỳ mục trong làng ra đón mời ông. Thoạt đầu, ông chối từ; về sau thấy họ cố nằn nì, ông phải theo về đình làng. Thôi thì họ kêu nài đủ thứ, nào là xin ông làm phúc giúp cho một hai kiểu đất để làng làm ăn khá giả, nào là xin ông cho làng được nhiều người đỗ đạt, làm quan để làng nhờ cậy, dân làng sẽ ghi ơn ông muôn đời... Ông Tả Ao chỉ gật gù, bảo: -Để tôi còn phải ngắm các kiểu đất xem sao đã. Thực ra, chính ông muốn thử bụng các bô lão trong làng xem cách ăn ở, đối xử với ông ra sao. Cơm nước chín mười hôm, ngày nào ông cũng xách tay nải đi quanh quẩn trong làng từ sáng đến chiều, nhưng hôm nào về ông cũng bảo với các ông kỳ mục rằng chưa tìm được hướng, phải đợi lâu lâu mới được. Kỳ thực, trong ngần ấy hôm, các ông kỳ mục đối đãi nói năng những lời gì ông đều dò la rõ cả. Ông biết bọn họ không tốt, chỉ hời hợt ngoài mặt, mong sao cho công việc chóng xong để rồi tống tiền ông đi, chứ trong tâm không thành thực, niềm nở tiếp đãi ông. Một hôm, cơm nước vừa xong, ông vờ say rượu, nôn ọe, ngủ thiếp đi ra vẻ mê mệt lắm. Thấy ông như vậy, các ông huynh thứ thì thầm bảo nhau: -Không biết đó đúng là Tả Ao không? Hay chúng ta bị thằng này đến lừa làng mình, rượu chè no say ít lâu rồi chuồn thẳng, thì thật là bẽ với dân làng. Một cụ khác nói: -Tôi cũng nghi lắm, trông lão này không có vẻ gì tài giỏi. Đời thuở gì mà gần nửa tháng nay rồi cũng chưa đả động gì đến việc Địa lý... -Ta phải thúc dục hắn mới được, không thể để tuỳ hắn như trước nữa. Nếu hắn cứ chùng chình, khất lần khất lừa thì đuổi ngay đi cho xong chuyện, chẳng cần kết phát gì cả. Làng ta như vậy cũng đã danh gía chán rồi. Ông Tả Ao nằm gần đó, ai nói câu gì ông đều nghe rõ cả. Sáng sớm hôm sau, tỉnh dậy, ông vờ đi xem đất một lúc, rồi lại trở về đình. Vừa thấy bóng ông, mấy ông kỳ mục đã vội nói: -Thế nào, xin ông giúp ngay cho, kẻo lâu ngày quá rồi. Để mọi người nói xong, ông đáp: -Tôi cũng định về nói chuyện với các ông rằng hôm nay tốt ngày lắm, xin cho phân kim, làm lễ ở miếu Bà, xoay hướng miếu lại đôi chút là xong. Đoạn, ông lấy tróc long và la bàn trong tay nải ra, nói với các ông kỳ mục cho mõ rao mời dân làng ra miếu Bà xem cắm hướng, rồi làm lễ một thể. Nghe ông Tả Ao nói xong, các ông kỳ mục mừng rỡ, đánh ngay ba hồi trống triệu tập dân làng ra miếu xem cắm hướng. Cắm hướng xong, có mấy cụ nhà nho trong làng, ý chừng cũng biết tý chút về khoa Địa lý, kháo nhau khen mãi là giỏi, hết lời khâm phục Tả Ao. Một ông huynh thứ trong làng hỏi: -Ông cắm thế này thì làng chúng tôi phát đến gì? Ông Tả Ao trả lời: -Phát đến nhất phẩm triều đình, làm quan tứ trụ không sai. Đây này, các ông trông xem, có phải chỗ kia trông như sơn, như hải cả không, hai bên toàn là “trống cái”, “chiêng đồng”, và biển xà cừ chầu cả về miếu Bà này. Lại còn cái giếng kia là chính huyệt, đàn bà, con gái làng này tha hồ mà trắng trẻo, xinh đẹp, sẽ có người phát đến cung phi, hoàng hậu... -Thế cụ có chắc như vậy không? -Chắc, chứ sao lại không! Một, anh đứng gần đấy, ra vẻ giễu cợt, nói: -Chắc hơn cua gạch hay chắc hơn gắn sơn? -Hơn cả cua gạch và hơn cả gắn sơn. Chắc như đinh đóng cột vậy. Kiểu đất này muôn đời cũng không thay đổi. Công việc xong, ông Tả Ao thu xếp tai nải, đi ngay. Mấy ông kỳ mục lấy ra năm chục quan tiền tạ ông. Ông không lấy mà bảo đem phát cho kẻ khó. Xoay hướng miếu xong, làng nghe ngóng mãi mà cũng không thấy phát, chẳng có ai đỗ đạt, giàu có sang trọng gì. Mãi vài năm sau, chỉ thấy gái làng cứ không chồng mà chửa, trước còn ít, sau càng ngày càng nhiều, tiếng đồn lan ra khắp huyện. Trai làng thì cũng đổi nghề, trước kia cày cấy, buôn bán, nay lại xoay ra học nghề chạm, nghề sơn. Thấy vậy, các cụ trong làng lo quýnh, biết là ông Tả Ao phản, liền đi tìm các thầy địa lý giỏi để xem lại hướng. Hơn chục danh sư danh sư được mời về đều trả lời: “Kiểu đất này rất đẹp, nhưng đã bị xoay lại cả rồi, cái chiêng đồng, cái biển xà cừ đã hoá thành cái chậu sơn, hai cái gò đống kia đã hóa thành cái chàng, cái đục; còn cái trống kia đã biến thành cái họa cho gái làng, vì cái giếng trước miếu Bà bị cắm một cái cọc, nên gái chưa chồng hay bị chửa hoang...Những gò đống, hồ ao thì không thể xoay lại được, chỉ còn một cách sai người lội xuống giếng, nhổ cái cọc tre đi để cứu vãn cho gái làng khỏi bị chửa hoang mà thôi. Mười năm sau, khắp làng này trở thành thợ chạm, thợ sơn; gái làng thì thỉnh thoảng lại bị một thời kỳ chửa hoang vô kể. Về sau khám phá ra thì là vì mỗi các trai làng lân cận sang hỏi gái làng này không được, hay vì gái làng này có tính chua ngoa, cãi cọ với gái làng bên, đã bị trả thù. Kẻ thù đã ngầm sai người chờ lúc vắng vẻ lội xuống giếng, cắm cọc để gieo họa cho gái làng này. Về sau, các cụ bô lão trong làng phải cử người canh gác cẩn mật và cứ ít lâu, lại phải xuống giếng mò cọc một lần, để tránh cho gái làng khỏi cái nạn “hoảng chưa”.http://www.5giay.vn/...a-ly-ta-ao.html Share this post Link to post Share on other sites
Posted 21 Tháng 9, 2013 Cái này do Thiên Đồng vẽ vào hay chép từ nguyên bản đấy? Đẳng cấp như cụ Tả Ao làm sao mà lấy sông Tô Lịch làm căn bản cho thành Thăng Long được. Chình dòng Tô Lịch này khiến thế đất Thăng Long không được thuận, nên Cao Biền mới phải trần yểm ở đây. Không tin thử xoay các kiểu thì Thăng Long thuận với sông Hồng thì nghịch với sông Tô. Vậy mà tô xanh, tô đỏ làm gì. Đúng là vớ vẩn thật. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 21 Tháng 9, 2013 Thưa Sư Phụ, bài và hình là đệ tử sao y, trích từ nguyên gốc của trang nguồn. Thiên Đồng Share this post Link to post Share on other sites