Thiên Đồng

Thông Điệp Từ Ngàn Xưa - Chữ Nòng Nọc -

1 bài viết trong chủ đề này

TƯ LIỆU THAM KHẢO
========================

THÔNG ĐIỆP GỞI TỪ NGÀN XƯA

Huyền Cơ

Posted Image

Hình 1

Bài viết gồm :

I – Lão Oa giảng độc – Thầy đồ cóc.

II – Thầy đồ cóc và chữ nòng nọc.

III – Con cóc là cậu ông Trời.

IV – Con cóc là cậu thầy Nho

I : Tìm hiểu bức tranh dân gian Đông Hồ LÃO OA GIẢNG ĐỘC - THẦY ĐỒ CÓC

Tranh khắc gổ dân gian Đông Hồ, xuất phát từ làng Đông Hồ, một vùng đất thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, một cái nôi văn hóa của nước Việt. Tuy nói là tranh dân gian, nhưng kỳ thật là do những bộ óc bác học thực hiện. Bởi vì họ nhận thức được rằng chỉ có quảng đại quần chúng mới có khả năng giữ gìn văn hóa của dân tộc được lâu dài, nên thông qua những bức tranh với những hình ảnh hết sức gần gủi với giới bình dân, người xưa đã chuyển tải những suy nghĩ của mình hay của thời đại mình, nhằm phản ảnh những buồn vui của đời sống người dân Việt lúc bấy giờ, sâu xa hơn nữa có những bức tranh mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng còn mang trong đó những thông điệp xa xưa của cư dân Việt, mà cho đến nay người ta vẫn còn tìm hiểu và khai thác. Bên cạnh hình ảnh con người, các nghệ nhân còn sử dụng những hình ảnh những con vật quen thuộc trong đời sống cư dân nông nghiệp như cóc, nhái, gà, vịt, trâu, lợn v.v nhân hóa thành những nhân vật để kể những câu chuyện của xã hội mình. Mỗi bức tranh là mỗi thông điệp, có tốt xấu, vui buồn, nhưng tất cả đều được khắc vẽ dưới một bố cục hài hòa, nỗi bậc lên nhờ những màu sắc rực rỡ. Một đất nước với một dòng lịch sử quá nhiều tang thương, đau khổ như thế mà tranh nào cũng dùng toàn những màu tươi vui thì mới biết rằng khát vọng một cuộc sống an vui, hạnh phúc bao giờ cũng là cái ưu tiên của con người, nhất là vào các ngày tết. Chính vì vậy ngày xưa tranh Đông Hồ chủ yếu phục vụ vào những ngày tết.

Sau một năm vất vã, Tết là thời gian người ta tổng kết lại mình, đề ra những gì cần làm sắp tới, tùy theo mong ước của mình mà người ta chọn mua bức tranh phù hợp với nguyện vọng treo trong nhà để gởi gắm niềm mơ ước nhân dịp đầu xuân. Ai muốn con đàn cháu đống thì mua tranh “Bầy lợn âm dương”, muốn thi đổ đạt làm quan thì mua tranh “Vượt vũ môn”, muốn con cái theo đường học vấn thì treo tranh “Thầy đồ cóc” v.v.

Nói chung, mục đích của tranh Đông Hồ là nói hộ cho những khát vọng, mong ước của con người, chính vì vậy những nghệ nhân sáng tác tranh chắc chắn đã phải thai nghén qua nhiều ngày tháng mới cho ra một tác phẩm hoàn chỉnh, chứ không thể là ngẩu hứng nhất thời được. Nói như thế có nghĩa là trong bức tranh không phải chỉ có hình vẽ thôi là đủ, mà còn các yếu tố khác như chất liệu giấy, màu sắc, chữ viết. Tất cả những yếu tố đó làm nên một bức tranh hoàn chỉnh và có giá trị.

Tuy nhiên, như đã nói trên, tranh Đồng Hồ được sáng tác bởi những con người bác học nhưng đối tượng là dân gian, mà dân gian xưa kia đa số không biết chữ, họ được truyền miệng rằng bức tranh này thì nghĩa thế này, bức tranh kia thì dành cho nguyện vọng kia, thế là người bình dân chỉ cần ghi lại trong đầu họ những hình ảnh và ý nghĩa của bức tranh đó mà thôi, đối với họ chỉ cần bấy nhiêu là đủ. Chính vì vậy mà trải qua nhiều năm tháng, các bản khắc về sau các chữ viết trên đó không còn được người khắc tranh quan tâm nữa, nên chi ban đầu thì khắc thiếu nét, nhưng có thể đọc được, lâu dần chỉ còn lại vài nét tượng trưng, thậm chí bỏ luôn, cốt làm sao cho bức tranh gọn lại để dể in, dễ bán, vì người khắc cũng không biết chữ và người mua cũng chẳng quan tâm. Tất nhiên đối với người khắc và mua tranh thì chẳng hề gì, nhưng đối với những người nghiên cứu về sau, việc mất đi những con chữ trên bức tranh trở thành một trở ngại lớn; sâu xa hơn nữa là mất đi giá trị đích thật của bức tranh và đặc biệt là làm ảnh hưởng đến cái thông điệp mà người xưa đã gởi gắm trong đó. Cho nên cái gì mà người xưa để lại, nếu chưa giải mã được thì cố mà giữ gìn nguyên vẹn, để dành cho hậu thế có đủ cơ duyên thì tìm hiểu, chứ vì cho rằng ngày nay chẳng ai cần hiểu làm gì nên không cần thiết, từ đó hủy bỏ. Làm như thế khác gì làm cho các tiền nhân chết thêm lần nữa.

Để minh chứng cho những gì tôi nêu trên, ở đây tôi xin lấy bức tranh “ Lão Oa giảng độc” hay ta thường gọi là “ Thầy đồ cóc” làm đối tượng để tìm hiểu.

Nhìn vào hình 1 căn cứ vào các chữ viết trên bức tranh, ta biết rằng đây là phiên bản F3, F4 thậm chí xa hơn nữa. Vì với những con chữ ấy, đối với người rành chữ Hán thì còn đoán đọc được chữ “ lão老, giảng講, độc,讀” đồng thời căn cứ vào ngữ cảnh đó mà biết chữ “oa 蜗” chứ nếu tách riêng ra thì đố ai mà biết chữ gì? chữ “ trường 長 ” tương đối rõ, còn lại hai chữ bên dưới thì chẳng biết chữ gì. Như đã đề cập trên, chuyện chữ nghĩa trong các bức tranh dân gian Đông Hồ chẳng còn mấy ai quan tâm nữa, người khắc cũng như người mua, nên dần hồi các nét chữ biến đổi khiến cho ngày nay nhiều người quan tâm muốn tìm hiểu chẳng biết chữ ấy là chữ gì.

Posted Image


Hình 2

Thông thường đối với chữ mà ta chưa biết, nếu rỏ ràng thì tra tự điển, đằng này với con chữ lem nhem ấy thì chỉ có đoán, người thì cho là chữ “cầm 擒” chữ “chinh 征” người khác thì cho rằng chữ “cán 幹”chữ “giám 监”, có lẽ những vị cho rằng những chữ mất nét ấy là chữ cán và giám đã căn cứ vào bức tranh đã được sửa rồi, cụ thể là hình 2, ta không biết ai sửa, nhưng rỏ ràng người cho rằng hai chữ không rỏ ở hình 1 là chữ cán và giám nhất định giỏi chữ Hán và có uy tín, nên chi nghệ nhân khắc tranh mới tin tưởng và dám khắc vào tranh. Điều này minh chứng rằng có nhu cầu làm rỏ các chữ trong bức tranh, nên có việc làm mới như vậy. Đây là một nổ lực đáng trân trọng, tuy nhiên vấn đề đặc ra là căn cứ vào cơ sở nào mà cho rằng đó là chữ “ cầm , chinh”, hay “cán, giám”. Việc suy đoán thì tùy, nhưng việc cho khắc vào tranh thì cần phải cân nhắc kỷ lưởng. Bởi vì nếu sai sẽ gây tai hại cho người nghiên cứu sau này.



Posted Image

Người khắc không quan tâm tới chữ nữa

Như đã đặt vấn đề trên, đó là : Căn cứ vào cơ sở nào mà người ta cho rằng các chữ bị mất nét trong bức tranh là các chữ “cầm”, chữ “chinh”, người bảo chữ “cán” chữ “giám”. Đọc bình giải của những người viết có các chữ nói trên, ta biết rằng người viết căn cứ vào nội dung bố cục của bức tranh mà đoán định các chữ ấy là như thế, từ đó đưa ra những nhận định chủ quan như: có trưởng lớp, có người thay thầy bắt học trò có tội đánh đòn, hay trong bức 2 thì có trưởng lớp, phó lớp, giám thị. Liệu ngày xưa trong lớp học của các thầy đồ có các chức danh ấy không, hay ta lấy nay nói xưa chứ chẳng có cơ sở nào khác. Tôi cũng muốn tìm hiểu xem đó là những chữ gì?.

Thực ra, nguyên thủy bức tranh “ Lão Oa giảng độc”, theo các nghệ nhân, còn có bài thơ Nôm kèm theo, về sau đã bị đục bỏ. Bài thơ ấy như sau :

Tìm thầy hỏi bạn NHÁI chi mà

Thấy học xem bằng ẾCH thấy hoa

Mở mắt CHÃO CHÀNG soi vũ trụ

Đem gan CÓC TÍA đối sơn hà .

尋 偨 噲 伴 蚧 之 麻

体 學 䀡 朋 螠 体 花

馬 眜 紹 䗅 擂 宇 柱

酖 肝 谷 紫 對 山 河 (1)

Như vậy ta thấy bức tranh này rỏ ràng đã được sáng tác bởi các bậc thâm Nho, yêu nước, yêu dân tộc. Bởi vì nếu không thâm Nho thì làm sao rành chữ Nôm như vậy? Mà với vốn liếng chữ Hán như thế thì họ thừa sức làm ra một bài thơ chữ Hán, cớ gì phải dùng chữ Nôm? . Điều này ta cần suy nghĩ. Trước tới giờ, người ta thường nghĩ rằng các chữ trong bức tranh này là chữ Hán, nên từ đó cứ đi tìm chữ Hán mà đoán để gán vào những chữ chưa rỏ ràng, lẽ dĩ nhiên kết quả sẽ không như mong đợi. Căn cứ vào tên bức tranh và bài thơ, tôi cho rằng các chữ trong bức tranh là chữ Nôm. Về bài thơ thì đã quá rỏ rồi, còn tên bức tranh có phải chữ Nôm không?.

Tên bức tranh là “Lão Oa giảng độc”. Rỏ ràng câu này viết theo trật tự tiếng Việt. Bởi vì nếu theo văn phạm tiếng Hán ta phải viết là “Oa lão độc giảng” chứ không thể viết “Lão Oa giảng độc” được, chữ “độc” này ngày nay ta đọc là “đọc”, như vậy đây là các chữ Nôm. Vậy ta có tên bức tranh là chữ Nôm, ta có một bài thơ đề trong bức tranh cũng chữ Nôm, thì chắc là ba chữ còn lại cũng là chữ Nôm.

Như đã nói trên, bức tranh “ Lão Oa giảng độc 1” vốn là bức đã sao chép lại nhiều lần nên các chữ đã mất nét biến dạng, nhưng ta còn đọc được chữ “TRƯỜNG長” có âm khác là “TRÀNG” và Nôm là “ CHÀNG ”, tức là con CHÃO CHÀNG 紹䗅 và chữ bên dưới là chữ “ NHÁI 蚧” tự dạng chữ này vẫn còn rỏ trong bức tranh, chữ còn lại là chữ “ ẾCH 螠” ngay trong bức tranh vẫn còn tự dạng của chữ “ ÍCH 益” (chữ Hán). Tất nhiên có người sẽ hỏi rằng tại sao chữ “CHÀNG” và “ ẾCH” không có bộ “trùng 虫 ” . Rỏ ràng đây chỉ là việc do người khắc làm rơi rụng mà thôi. Bởi vì cả ba chữ Nôm này đều là chữ hình thanh cả, vậy mà chữ “ NHÁI – bộ 虫+ giái 介= 蚧”vẫn còn nguyên bộ trùng đó thì cớ gì người xưa không viết bộ trùng vào các chữ CHÀNG và ẾCH.

Đến đây ta thấy các chữ trên bức tranh đã rỏ, điều này cho ta thấy lớp học của thầy Cóc thật sinh động, phản ảnh được cái học ngày xưa, cái đạo làm thầy, làm trò. Lớp học của thầy Cóc dĩ nhiên là lớp học truyền thống như bao lớp học của các thầy đồ khác thời bấy giờ, có nghĩa là nhà của thầy là trường học, nên ta thấy dưới chổ thầy ngồi, con của thầy vô tư vui chơi, trên bàn có điếu hút thuốc, chung uống nước, ngày ấy trò đến học với thầy không những chỉ học chữ mà còn học lễ, xem thầy như cha, nên ngoài chuyện học chữ còn phải hầu thầy trà nước, học sinh của thầy thuộc nhiều thành phần trong xã hội, ếch, nhái, chảo chàng, tất nhiên cha mẹ nào cũng muốn cho con mình đi học để kiếm cái chữ mở mang đầu óc, nhưng đâu phải đứa trẻ nào cũng muốn đi học, vì vậy cha mẹ phải dùng đến roi vọt để buộc trẻ đến lớp. Bức tranh có tính khái quát rất cao, thầy Cóc là nhân vật chính, là trung tâm của lớp học nên thầy là hình ảnh to lớn nhất, nhưng thầy chưa phải là tất cả, mà chính thầy còn phải nương tựa dưới cây tùng để dạy cho học trò. Cây tùng tượng trưng cho đạo quân tử hay đạo làm người. Học trò đến với thầy để học lễ nghi, chữ nghĩa, thông qua chữ nghĩa để học đạo của người quân tử, thầy chỉ là người đại diện để truyền đạt kiến thức cho học trò, và cái kiến thức mà thầy dạy bảo chỉ là cái phương tiện đưa người học tới cái cứu cánh, tức đạo quân tử mà thôi. Như thế ta thấy tất cả các nhân vật trong bức tranh, cả thầy lẫn trò đều nương tựa vào đạo. Bởi vì chung quy mọi sự học cũng để làm cho người học hoàn thiện nhân cách của mình, từ đó hướng tới CHÂN – THIỆN – MĨ, đỉnh cao văn hóa của con người.

Được biết tranh Đông Hồ được nhà nước cho phép tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học cho Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ để đệ trình Unesco đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể. Nên chăng các chuyên gia đề nghị các nghệ nhân làng tranh phục hồi lại nguyên trạng các bức tranh, sao cho tất cả các yếu tố tạo nên giá trị bức tranh đạt được các tiêu chí có thể chấp nhận được, nhất là phần chữ, nếu không như thế thì hóa ra ta lại dối ta, mà đã là như thế thì quả là thiếu sót.

còn tiếp phần II : THẦY ĐỒ CÓC và CHỮ NÒNG NỌC
http://viennhu.vnweb...st/11641/427161

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay