Posted 26 Tháng 7, 2013 10 tiên đoán sai lầm nổi tiếng thế giới Nhiều dự đoán tương lai của các nhà tiên tri không chính xác, nhưng chúng lại có sức ảnh hưởng lớn đến nhân loại thế giới. Lời dự đoán về ngày tận thế theo lịch của người Maya 21/12/2012. Sự kiện này khiến toàn nhân loại một phen “thót tim”. Theo lịch Long Count của nền văn minh Maya tại Trung Mỹ được sử dụng từ năm 2000 trước công nguyên tới thế kỷ 16, ngày 21/12/2012 sẽ là ngày kết thúc chu kỳ bao gồm 2.880.000 ngày của bộ lịch. Một số người tin rằng đây cũng là ngày đánh dấu sự chấm dứt của nền văn minh nhân loại. Toàn thế giới sợ hãi và lo lắng. Nhiều người đã chuẩn bị nơi trú ẩn, lương thực hay các kế hoạch dài ngày trong trường hợp ngày Tận thế xảy ra. Thậm chí ở nhiều nơi cảnh sát đã phải can thiệp để lập lại trật tự. Báo chí khắp nơi đều viết về sự kiện này, cùng hàng loạt những lý giải cặn kẽ. Cuối cùng, dự đoán về ngày tận thế "ăn theo" lịch của người Maya đã sai. Không có ngày tận thế nào vào 21/12/2012 cả. Dự báo về thị trường chứng khoán năm 1929 của Irving Fisher. Irving Fisher sinh ngày 27/2/1867 tại Saugerties, New York, Mỹ. Ông là một nhà kinh tế học nổi tiếng tại Mỹ thời bấy giờ, nhưng một sự đoán sai đã làm mất đi danh tiếng Fisher tạo dựng trong suốt nhiều năm. Ba ngày trước khi thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ, ông dự đoán rằng, giá cổ phiếu dường như đã đạt đến mức cao nhất và ổn định nhất. Sau khi sự sụp đổ thị trường diễn ra dẫn tới cuộc Đại khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 1930-1040, Fisher phải trả giá đắt cho dự đoán sai của mình. Danh tiếng và tài sản của ông nhanh chóng bị hủy hoại. Sau này, tên của ông được sử dụng cho một số thuật ngữ kinh tế trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2000, ví dụ như phương trình Fisher, giả thuyết Fisher, tác động quốc tế Fisher và các định lý tách Fisher. Sự cố Y2K. Trước khi năm 2000 “gõ cửa” nhân loại, đã có những dự đoán sai trong lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin. Các chuyên gia máy tính nhận ra rằng trên các phần mềm số năm luôn được hiển thị dưới dạng 2 chữ số (ví dụ năm 1998 sẽ được hiển thị là ’98). Họ lo ngại rằng đến năm 2000, hai chữ số 00 sẽ bị các máy tính hiểu nhầm là năm 1900, và điều này sẽ gây ra các sự cố không lường trước được với các tài liệu kỹ thuật số. Dự đoán về sự cố này gây hoang mang cho những người sử dụng máy tính mà thời bấy giờ người ta hay gọi là Lỗi Thiên niên kỷ, hay sự cố Y2K. Sự cố này sau đó đã không diễn ra. Mua sắm qua mạng. Năm 1996, Tạp chí Time đã xuất bản một bài báo dự đoán về tình hình của các hoạt động trong năm 2000. Bài báo có tên The Futurists nhận định rằng, đến năm 2000 con người ở những vùng sâu vùng xa cũng có thể mua sắm một cách thuận tiện. Tuy nhiên, bài báo vẫn nghi ngờ về tính thực tế của mua sắm qua mạng vì “Phụ nữ thường thích ra khỏi nhà và tự mình mua sắm hàng hóa”. Mặc dù hiện nay phụ nữ vẫn thích ra ngoài mua sắm nhưng thực tế chứng minh rằng, mua sắm qua mạng cũng là một kênh được phụ nữ rất ưa chuộng do những lợi ích to lớn nó mang lại. Dự báo của tạp chí Time đã sai. Dự báo của Robert Metcalfe năm 1995. Robert Metcalfe sinh ngày 7/4/1946 tại Brooklyn, New York, Mỹ. Ông là kỹ sư điện tử và nổi tiếng với tư cách là người đồng sáng chế ra công nghệ mạng Ethernet, và là người phát minh ra định luật Metcalfe. Ông cũng là giám đốc sáng tạo tại Đại học Texas, Austin. Vào năm 1995, ông dự đoán rằng mạng Internet sẽ sụp đổ do các lỗi nghiêm trọng và hứa sẽ ăn những tờ giấy viết lời hứa đó nếu mình đoán sai. Những dự đoán ông thực sự đã sai. Tại hội nghị quốc tế WWW lần thứ 6, trong bài phát biểu của mình, ông đã cho phần bài báo viết về sự sụp đổ của Internet vào máy xay sinh tố rồi uống nó để chứng minh mình không nuốt lời hứa. Tàu Titanic. Chủ tịch hãng White Star Line sản xuất tàu Titanic đã phát biểu về con tàu trước chuyến khởi hành đầu tiên và cũng là cuối cùng của nó: “Tàu Titanic không thể chìm. Các hành khách chỉ phải chịu một số bất tiện nhỏ trong quá trình đi tàu”. Thuyền trưởng Smith dự đoán: “Tôi không nhận thấy bất kỳ nguy cơ tai nạn nào có thể xảy ra với con tàu. Công nghệ đóng tàu hiện đại sẽ giải quyết vấn đề đó”. Đáng buồn thay, khi tàu Titanic đâm vào tảng băng trôi vào ngày 15/4/1912, nó đã bị vỡ và nhấn chìm 1.502 người xuống bắc Đại Tây Dương. Ban nhạc The Beatles. Ngày 1/1/1962, nhà sản xuất âm nhạc của hãng thu âm Decca Tony Meehan tiến hành thử giọng cho các thành viên ban nhạc The Beatles bao gồm Paul McCartney, John Lennon, George Harison và Pete Best. Họ trình bày 15 ca khúc trong một giờ đồng hồ. Thế nhưng, Hãng thu âm Decca từ chối nhận họ với nhận xét: "Chúng tôi không thích âm nhạc của họ. Các nhóm chơi ghi-ta giờ hết thời rồi”. Hãng còn dự báo nhóm sẽ sớm thất bại, nhưng những điều The Beatles làm được đã khiến cả thế giới kinh ngạc. Họ đã trở thành nhóm nhạc bán được nhiều đĩa nhất tại Mỹ, nhận được 7 giải Grammy và 1 giải của Viện Hàn lâm âm nhạc. Tạp chí Time đã vinh danh The Beatles nằm trong top 100 người có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Trân Châu Cảng. Bất kỳ cuộc tấn công nào vào hạm đội Hải quân Mỹ đều là một cú shock lớn với người Mỹ. Tổng thư ký Hải quân Mỹ Frank Knox phát biểu trấn an mọi người vào ngày 4/12/1941 rằng, dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra với nước Mỹ, Hải quân Mỹ sẽ luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng. Đó là thời điểm ba ngày trước khi trận Trân Châu Cảng nổi tiếng diễn ra. 353 máy bay chiến đấu của Nhật Bản đã tấn công vào căn cứ Hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng, Hawaii sáng 7/12/1941. Trận chiến đã phá hủy 8 tàu chiến và 188 máy bay chiến đấu Mỹ đồng thời gây thương vong cho 2.042 binh sĩ Mỹ. Tổng thống Roosevelt đau xót nhận định về ngày 7/12/1941 là “Ngày đánh dấu sự ô nhục của nước Mỹ.” Chủ nghĩa tư bản sụp đổ. Sự căng thẳng giữa Liên Xô và Mỹ là một mối đe dọa cho hòa bình thế giới trong Chiến tranh Lạnh. Cả hai bắt đầu cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân và cũng phấn đấu đạt được vị trí đứng đầu về khoa học vũ trụ. Trong bối cảnh đó, Nikita Khrushchev, lãnh đạo Liên Xô từ năm 1953-1964 đã đập giày lên bàn tại kỳ họp Liên Hiệp Quốc vào năm 1960, ông tự tin phát biểu rằng, chủ nghĩa tư bản đã được ràng buộc với thất bại. Ông cho biết: "Lịch sử đang đứng về phía chúng tôi...". Lịch sử, trên thực tế đã không đứng về phía họ, vì Liên Xô chính thức tan rã vào ngày 26/12/1991. Vận chuyển thư bằng tên lửa. Đại tướng Mỹ, Arthur E. Summerfield hùng hồn tuyên bố: “Trước khi con người đặt chân lên mặt trăng, các thư từ sẽ được chuyển qua các khu vực như từ New York tới California, Anh quốc, Ấn Độ hay Australia bằng các tên lửa điều khiển. Chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của thời đại thư tín tên lửa”. Mặc dù phát biểu được đưa ra sau một vài cuộc thử nghiệm thành công, dự đoán trên vẫn không bao giờ trở thành hiện thực do chi phí vận chuyển thư bằng tên lửa quá đắt đỏ. Theo An ninh thủ đô Share this post Link to post Share on other sites