lang_ph

Vua Lê Thần Tông - Hậu Lê, Thế Kỷ Xvii

2 bài viết trong chủ đề này

http://kienthuc.net....-ai-247745.html

Update time 07:00 25/07/2013 (GMT+7)

Bà hoàng châu Âu đầu tiên của Việt Nam là ai?

(Kienthuc.net.vn) - Những ngày ở Thăng Long bà buồn rầu vì lần đầu tiên sống ở Kinh thành với hầu hết những người không biết tiếng...

Trong lịch sử Việt Nam, hiếm có vị vua nào lên ngôi vua hai lần và có đến bốn bà vợ là người ngoại quốc như vua Lê Thần Tông. Đặc biệt trong đó có một bà vợ là người Hà Lan, đây cũng chính là bà hoàng đầu tiên và duy nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam là người châu Âu.

4 bà vợ ngoại quốc

Vua Lê Thần Tông tên húy là Duy Kỳ. Theo nhà nghiên cứu sử học Lê Xuân Kỳ, Phó Chủ tịch Hội sử học Thanh Hóa, bà vợ đầu tiên của Vua Lê Thần Tông là bà Đoan Thuần Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu (mẹ vua Lê Huyền Tông).

Trong số các bà vợ ngoại quốc, có một bà là con gái của phó toàn quyền Hà Lan sang Việt Nam vào năm 1630, bà được gặp Lê Thần Tông ở kinh thành Thăng Long. Nghe theo lời cha, bà nhận lời ở lại Việt Nam làm Vương phi của vua Lê Thần Tông. Những ngày ở Thăng Long bà buồn rầu vì lần đầu tiên sống ở Kinh thành với hầu hết những người không biết tiếng, bà đã cố gắng học tiếng để có thể giao tiếp với mọi người. Bà là người châu Âu đầu tiên lấy một vị vua An Nam. Ba vợ nữa, một bà người Trung Quốc, một vợ người Chiêm Thành và một bà người Inđônêxia. Vua Lê Huyền Tông (1662 - 1671) vào cuối đời năm Cảnh Trị thứ 9 (1671) đã cho xây ở núi Mật Sơn ngôi chùa Đại Bi để thờ vua cha Lê Thần Tông, Hoàng hậu cùng các phi tần của ngài. Quần thể tượng vua, Lê Thần Tông và các hoàng phi là những tác phẩm điêu khắc cổ quý giá, thể hiện nghệ thuật điêu khắc tượng chân dung của thế kỷ XVII. Ngôi chùa tọa lạc ngay dưới chân núi Kỳ Lân, thuộc phường Đông Vệ thành phố Thanh Hóa.

Vào khoảng những năm 20 thế kỷ XX, nhà sử học Charles Robequin có viết cuốn Lê Thanh Hoa, nghiên cứu về lịch sử địa lý, phong tục, ngành nghề, dân cư, đặc sản của Thanh Hóa, trong sách có ghi Vua Lê Thần Tông là người Việt Nam đầu tiên lấy vợ người chân Âu. Vào đầu thế kỷ XVII ở Đàng Ngoài có khá nhiều kiều dân châu Âu đến làm ăn buôn bán, đông nhất là ở kinh thành Thăng Long. Bên cửa sông Tô nối với sông Hồng, trên bến dưới thuyền tấp nập, không chỉ có người Trung Quốc, mà còn nhiều người Hà Lan, Anh, Bồ Đào Nha... đến buôn bán, mở nhiều cửa hàng. Posted ImageTượng vua Lê Thần Tông.

Vị vua nhiều kỷ lục Vua Lê Thần Tông là con trưởng của vua Kính Tông. Mẹ là Đoan Từ Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh (con gái thứ hai của Bình An Vương Trịnh Tùng).

Vua sinh giờ Tỵ, ngày 19 tháng 11 năm Đinh Mùi (1607). Năm Kỷ Mùi (1619) ngày 2 tháng 6, vua 12 tuổi lên ngôi vua ở điện Cần Chính. Vua Lê Thần Tông ở ngôi vua 25 năm, đến năm Quý Mùi (1643), vua nhường ngôi cho con trai trưởng là Lê Duy Hựu, mới 13 tuổi (tức là Lê Chân Tông) còn vua lui về ở chùa Khán Sơn. Sau khi lên ngôi vua, Lê Chân Tông tôn vua cha làm Thái Thượng Hoàng, mẹ làm Hoàng Thái Hậu. Lê Chân Tông làm vua được 6 năm, bị ốm chết, theo đề nghị của chúa Trịnh Tráng (Thanh Đô Vượng), Thượng hoàng Lê Thần Tông lại trở lại ngôi vua lần thứ hai 16 năm đến ngày 22 tháng 9 năm 1662, qua đời truyền ngôi cho con thứ là Lê Duy Vũ (tức Lê Huyền Tông) Lê Thần Tông thọ 56 tuổi.

Vua Lê Thần Tông có bốn con trai, sáu con gái và hai con nuôi. Một điều đặc biệt là cả bốn con trai này đều liên tiếp làm vua.

Vua Lê Thần Tông mất, táng tại Ngọc Long, xã Quần Lai, huyện Dương Lôi (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Trong quá trình trị vì của Vua Lê Thần Tông, có được mối quan hệ rất tốt với các chúa Trịnh. Bản thân ông là cháu ngoại của chúa Trịnh Tùng. Trong số 6 cô con gái của ông đều được gả cho các con cháu của Chúa Trịnh. Quan hệ giữa Vua - Chúa ổn định đã góp phần làm cho thời kỳ này tương đối ổn định, thái bình, thịnh trị. Sử gia Phan Huy Chú miêu tả: "Vua mũi cao, mắt rồng có vẻ khác người, sáng suốt học rộng, thường thích văn thơ, cùng với nhà Chúa một nhà hòa vui êm ấm, vua ung dung rũ áo chắp tay hưởng lộc lâu dài".

Cho đến nay, trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, không có vị vua nào có những kỷ lục đặc biệt như vua Lê Thần Tông.

Trần Hồng Đức

Share this post


Link to post
Share on other sites

http://kienthuc.net....ong-247663.html

Update time 07:00 24/07/2013 (GMT+7)

Bí ẩn tiền kiếp, hậu kiếp của Lý Thần Tông

(Kienthuc.net.vn) - Một ông sư, một lão ăn mày, tái sinh vào bậc đế vương, khiến người đời không thể hiểu nổi.

Lý Thần Tông tên húy là Lý Dương Hoán, còn có tên khác là Lý Dương Úc, sinh tháng 6 năm Bính Thân (1116) tại hầu phủ ở kinh đô Thăng Long, cha không rõ tên, có tước phong là Sùng Hiền hầu, em trai vua Lý Nhân Tông, mẹ là người họ Đỗ (không rõ tên). Vua được Lý Nhân Tông nhận làm con nuôi và truyền ngôi cho ngày 12 tháng 12 năm Đinh Mùi (1127). Ngày 26 tháng 9 năm 1138, vua qua đời ở điện Vĩnh Quang, ở ngôi 10 năm, thọ 22 tuổi.

Tương truyền kiếp trước của vua là một nhà sư. Chuyện kể rằng ở chùa Thiên Phúc trên núi Phật Tích (Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội ngày nay) có một nhà sư nổi tiếng tài giỏi tên là Từ Lộ nên người đời vẫn gọi theo hiệu là Từ Đạo Hạnh. Khi còn nhỏ, Từ Lộ đã tỏ ra là người có chí lớn, thích ngao du, thường qua lại học với nhà nho Mao Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và nhạc sư Phan Ất. Cha Từ Lộ là Từ Vinh làm quan Đô sát ở triều nhà Lý, bị một pháp sư tên là Đại Điên ám hại, Từ Lộ bèn tầm sư học đạo, ngày đêm chuyên chú tu luyện phép thuật rồi giết được Đại Điên để trả thù cho cha. Sau đó, muốn thoát vòng tục lụy, ông đi vân du tìm các nơi thanh vắng ở rừng núi mà tu hành, gặp thiền sư Kiều Trí Huyền ở chùa Thái Bình và pháp sư Phạm Hợi ở chùa Pháp Vân dạy cho nhiều phép thuật cao cường, các loài ác thú đều hàng phục. Trong đêm tối có thể đốt ngón tay để làm đèn, phun nước để chữa mọi bệnh rất linh nghiệm và đem tài ấy cứu nhân độ thế.

Theo sách Việt điện u linh, Từ Đạo Hạnh còn kết bạn với nhà sư Nguyễn Minh Không và nhà sư Giác Hải. Có lần Từ Đạo Hạnh làm phép giả hóa hổ dọa hai bạn khi họ đến xã Ngai Cầu (thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội ngày nay), không ngờ Nguyễn Minh Không nhận ra được mới nói rằng: “Nếu ngươi muốn vậy, sau này chắc sẽ phải chịu quả báo như thế”. Từ Đạo Hạnh hối hận nói: “Xưa kia đức Thế Tôn tạo quả viên thành còn chịu báo kim sương, mã mạch, huống chi tôi sinh thời mạt pháp đâu có thể tránh được, đời sau sẽ làm quốc chủ và sẽ chịu báo này, ông với tôi có nhân duyên bằng hữu lúc đó hãy cứu tôi”. Sư Nguyễn Minh Không bèn nhận lời.

Posted Image

Tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh ở chùa Thầy (Hà Nội).

Bấy giờ, vua Lý Nhân Tông không có con trai nối dõi nên rất lo buồn, một viên quan ở Thanh Hóa dâng sớ về tâu rằng: - Tại vùng ven biển của xứ có một đứa trẻ kỳ lạ khác thường, mới lên ba tuổi mà nói nhiều điều vượt trội, tự xưng là thần đồng và cho mình là con vua, người người cho là linh dị mới gọi tên hiệu Giác Hoàng.

Vua liền sai người đi dò xét, thấy đúng như lời tâu mới đưa đứa trẻ kia về kinh đô cho ở tại chùa Báo Thiên. Thấy nó mặt mũi khôi ngô, thông minh xuất chúng, vua rất yêu mến, muốn lập làm Thái tử. Cả triều đình đều can gián: - Đứa trẻ này thông minh linh dị phải để nó thác sinh vào cung cấm mới nối ngôi Hoàng đế được. Vua nghe theo sai lập đàn làm lễ tế cúng trong bảy ngày bảy đêm, cầu phép thác sinh hoàng tử. Từ Đạo Hạnh khi ấy đoán biết đứa trẻ kia là Đại Diệu thác sinh, mới bảo người chị: - Đứa bé đó là một tên sát nhân thác sinh muốn lên làm vua, ta phải ra tay ngăn trừ để tránh hậu hoạ cho nước nhà. Nói rồi liền làm một đạo bùa cùng mấy hạt châu đã làm phép đưa cho chị và dặn giả làm người đến xem lễ rồi tìm cách dán lá bùa vào một chỗ trong đàn tế và rắc hạt châu quanh đó. Đến ngày làm lễ thứ ba, khi các đạo sĩ đang cúng tế thì Giác Hoàng bỗng thấy như bị lửa đốt rồi la lên rằng: - Khắp mọi nơi đều thấy toàn lưới sắt bao vây cả, ta chẳng còn lối nào mà thác sinh được vào cung vua? Không lâu sau Giác Hoàng bị bệnh ngày một nguy kịch rồi chết. Vua Lý Nhân Tông cho tra xét, biết sư Từ Đạo Hạnh đã làm phép yểm liền sai bắt giam rồi cho gọi các quan đại thần vào cung cùng bàn nghị định tội. Lúc ấy em vua là Sùng Hiền Hầu đi qua, Từ Đạo Hạnh thấy vậy mới nói: - Nếu Ngài có lòng cứu cho tôi được khỏi tội thì tôi sẽ thác sinh vào cung để trả ơn. Sùng Hiền Hầu không có con, nghe thế liền nhận lời ngay. Tới khi bàn việc trị tội Từ Đạo Hạnh, các quan đều nói: - Bệ hạ chưa có hoàng tử nên cầu cho Giác Hoàng được thác sinh vào cung mà Từ Lộ lại dám làm phép để ngăn trở thì đáng phải tội chết.

Sùng Hiền Hầu thì tâu bàn theo hướng khác: - Nếu Giác Hoàng quả là bậc linh dị thì sao Từ Lộ (tức Từ Đạo Hạnh) làm phép lại không có phép gì để giải cứu được, có phải là Giác Hoàng còn kém tài Từ Lộ xa không? Thần trộm nghĩ bệ hạ nên tha tội cho Từ Lộ để bắt Lộ phải thác sinh vào cung thì tốt hơn. Vua ngẫm nghĩ cho là phải, ra lệnh tha cho, Từ Đạo Hạnh đến gặp Sùng Hiền Hầu tạ ơn cứu mạng và dặn rằng: - Nếu phu nhân có thai, khi sắp lâm bồn thì Ngài hãy báo ngay cho tôi biết.

Mấy tháng sau, vợ Sùng Hiền Hầu là Đỗ phu nhân có thai, đến khi lâm bồn, đau bụng quằn quại mấy ngày chưa sinh được, ông vội sai người đến núi Phật Tích báo tin. Từ Đạo Hạnh liền tắm rửa sạch sẽ rồi vào trong ghềnh núi thoát xác lại mà chết, đồng thời khi ấy Đỗ phu nhân trở dạ sinh một con trai. Sùng Hiền Hầu và mọi người trong gia đình đều vô cùng mừng rỡ mới đặt tên là Lý Dương Hoán. Điều kỳ lạ là đứa trẻ mỗi ngày một khác, chưa học hành gì mà đầu óc đã sáng láng, càng lớn càng đẹp người và có nhiều tài lạ. Khi được ba tuổi thì Lý Nhân Tông đưa vào cung nuôi dạy và nhận làm con nuôi, rồi cho lập làm Hoàng thái tử. Tháng 12 năm Đinh Mùi (1127) Lý Nhân Tông mất, Hoàng Thái tử (tức là hậu thân của Từ Lộ thác sinh) nối ngôi, trở thành vua Lý Thần Tông.

Năm Lý Thần Tông 21 tuổi, bỗng nhiên mắc bệnh lạ, tâm thần rối loạn, trên người mọc lông, ngồi xổm chụp người, cuồng loạn, gầm gừ, gào thét, tiếng kêu đau đớn như tiếng cọp gầm rú, nghe rất là kinh khiếp, đáng sợ. Triều đình phải làm cũi vàng nhốt vua vào đó rồi cho người đi tìm các danh y trong nước về kinh chữa bệnh cho vua, đến kể hàng ngàn hàng vạn nhưng đều chịu khoanh tay, bất lực. Khi ấy có đứa bé hát rằng: Nước có Lý Thần Tông, Triều đình muôn việc thông. Muốn chữa bệnh thiên hạ, Cần được Nguyễn Minh Không.

Posted Image

Tượng Lý Thần Tông ở đền Đô (Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Câu hát đó được truyền vào cung, người trong hoàng tộc cùng các đại thần bàn bạc rồi sai quân lính đi dò la tin tức khắp nơi thì biết còn có những câu hát khác. Tập tầm vông! Có ông Nguyễn Minh Không Chữa cho vua khỏi hoá Tập tầm vá! Muốn chữa vua khỏi hoá Phải đón Nguyễn Minh Không. Lại có câu rằng: Nam bắc hữu đông tây Hải để trực tiềm long Nan y thiên tư bệnh Tu đãi Nguyễn Minh Không. Nghĩa là: Nam bắc có tây đông Đáy bể ẩn có rồng Vua mắc bệnh khó chữa Hãy đợi Nguyễn Minh Không.

Triều đình cho rằng đây là điềm báo có người sẽ chữa khỏi bệnh cho vua bèn sai quan chỉ huy đi đón nhà sư Nguyễn Minh Không. Khi quan quân đến am, nhà sư cười bảo: - Đến mời bần tăng, chắc không ngoài việc cứu cọp đó ư? Quan chỉ huy kinh ngạc hỏi: - Thật kỳ lạ! Sao đại sư sớm biết trước được vậy? Sư nói: - Ta đã biết việc này trước ba mươi năm.

Khi về đến kinh đô, Nguyễn Minh Không được dẫn vào cung, lúc ấy đang có mặt đông đủ các danh y của triều đình và các phủ, trấn; thấy một nhà sư dáng vẻ quê mùa, họ liền tỏ thái độ khinh khỉnh, biểu lộ ra cả nét mặt và không thèm đáp lại câu chào của ông. Nguyễn Minh Không bèn lấy một chiếc đinh lớn dài hơn năm tấc đóng vào cột điện, nói lớn rằng: - Vị nào nhổ được đinh này hãy nói chuyện chữa bệnh. Nói như vậy hai ba lần, không có ai dám nhổ, nhà sư bèn lấy hai ngón tay trái mà nhổ, đinh bật phăng ra, mọi người đều lấy làm kinh phục. Khi vào chỗ vua nằm, ông nói với các đại thần: - Các ngài hãy cho mang đem vạc dầu lại đây, trong đó để 100 cây kim và nấu cho sôi rồi đưa cũi vua lại gần. Ngoài ra mang cho tôi thêm một cành hoè.

Sau đó nhà sư nhìn vua rồi nói lớn: - Kẻ đại trượng phu được tôn lên ngôi thiên tử, giàu có khắp bốn bể, cớ sao còn phát bệnh cuồng loạn như vậy? Vua nghe thế đang gầm gừ bỗng nhiên run lên cầm cập, Nguyễn Minh Không liền dùng tay khoắng vào vạc dầu sôi bốn lần, lấy 100 cây kim găm vào thân vua và nói tiếp: - Quý là trời. Vừa nói vừa cầm cành hoè nhúng vào dầu sôi, rảy đều khắp mình nhà vua. Lạ thay, chỉ trong nháy mắt lông lá trên người Lý Thần Tông tự nhiên rụng hết, chẳng còn tiếng gầm gừ, cũng không còn run sợ như lúc trước. Nét mặt nhà vui tươi tỉnh dần lên, giọng nói cũng trở lại bình thường, thân thể hoàn phục như cũ. Sau đó, để thưởng công, Lý Thần Tông phong cho Minh Không làm quốc sư, lại ban 100 cân vàng và 100 khoảnh ruộng để hương hỏa cho chùa.

Sau khi khỏi bệnh, Lý Thần Tông làm vua đến ngày 26 tháng 9 Mậu Ngọ (1138) vua qua đời ở điện Vĩnh Quang, ở ngôi 10 năm, thọ 22 tuổi. Kiếp sau của vua đầu thai thành một người ăn mày khổ sở, người ăn mày đó già yếu mà chết lại đầu thai thành vua Lê Thần Tông. Trong sách Tang thương ngẫu lục có viết rằng: “Vua Kính Tông hồi tiên triều (triều Lê), ở ngôi lâu năm mà chưa sinh hoàng nam để lập làm Thái tử, thường cầu khấn trời đất, quỷ thần mãi. Rồi hoàng hậu Trịnh thị có mang, ngày lên giường cữ mãi chưa sinh được, lòng vua lo lắng. Chợt vua chiêm bao thấy có người bảo: - Hoàng tử còn ở chợ Báo Thiên, hậu cung đã sinh mau sao được!

Tỉnh dậy vua sai nội giám thử ra chợ ấy dò xem. Bấy giờ vừa tang tảng sáng, chợ vắng tanh chưa có ai. Nội giám chỉ thấy dưới gầm phản hàng thịt có lão ăn mày, tóc bạc phơ, tuổi chừng 81-82 đang ngắc ngoải chờ chết. Nội giám vội chạy về tâu. Vua lại sai ra hỏi xem. Đến sáng thì lão ăn mày chết. Giữa lúc ấy trong cung, hoàng hậu sinh hoàng tử.

Hoàng tử lớn lên nối ngôi, tức Thần Tông. Khi ở ngôi, lấy ngày sinh làm tiết Thọ Dương, hàng năm đến ngày ấy, nhà chức trách dựng hành tại chợ Báo Thiên,; bộ Lễ sắm xe giá tán quạt, đến hành tại rước hai cây thiên tuế, vạn tuế làm bằng trúc về cung; các quan ở tòa Kinh diên lại rước hai cây ấy đi quanh giường ngự ba vòng, chúc Hoàng đế sống lâu muôn tuổi. Lễ cử hành xong, vua ngự ở điện Vạn Thọ, nhận lễ chầu mừng, ban yến ở sân điện. Các triều vua sau cũng theo như thế, gọi là lễ Khánh Thọ bảo thần. Vua sinh được bốn con là Chân Tông, Huyền Tông, Gia Tông, Hy Tông đều nối ngôi thiên tử, phúc thọ vào bậc nhất đời Trung Hưng.

Posted Image

Tượng thờ vua Lê Thần Tông.

Khoảng năm Vĩnh Hựu (1735-1740), vua Ý Tông thường chế hạc gỗ và lực sĩ Chiêm Thành (người phỗng) dâng cúng trước tượng thờ vua Lý Thần Tông tại chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích (núi Thầy), vì tương truyền hậu thân của Lý Thần Tông tức là vua Thần Tông triều Lê.

Xét thuyết tiền thân, hậu thân là xuất tự kinh điển nhà Phật, người quân tử chẳng hề nói đến. Quả là có chuyện ấy thật thì tiền thân vua Lý Thần Tông là thầy tu Từ Đạo Hạnh, hậu thân là lão già ở chợ Báo Thiên, lại hậu thân là vua Thần Tông triều Lê. Một ông sư, một lão ăn mày, tái sinh vào bậc đế vương, khiến người đời không thể hiểu nổi.

Lê Thái Dũng

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay