Posted 11 Tháng 7, 2013 Tượng Cổ Việt Nam tg Chung Quang Trứ PHẦN KHAI MỞ Nghệ thuật tạo tượng là cốt lõi của nghệ thuật tạo hình cổ Việt Nam Đến bất cứ một làng quê nào của người Việt nhất là ở đồng bằng Bắc Bộ, chúng ta đều dễ dàng nhận ra bộ mặt văn hóa vật thể của nó là các kiến trúc chùa và đình, nhiều nơi còn có đền, miếu, lăng mộ. Đó là những di tích có tính tín ngưỡng và tôn giáo, là chỗ dựa tâm linh của dân làng, thậm chí của cả vùng. Xã hội luôn biến động, qua các giai đoạn lịch sử cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại, những thay đổi kinh tế- xã hội ở các điểm nút luôn đạt bước tiến thần kỳ, trong đó tốc độ phát triển ở thời đại chúng ta đạt đến sự chóng mặt, nhưng trên hình thái ý thức tư tưởng lại có sự kết đọng những giá trị tinh thần để trở thành truyền thống, trong đó gắn với di tích văn hóa và giúp cho di tích văn hóa vừa là di sản của hôm qua vừa là tài sản của hôm nay, luôn sống động với thời đại chính là các hoạt động lễ và hội. Lễ có thiêng, hội có vui là nhờ sự cộng cảm của cả cộng đồng với lịch sử. Người ta thắp hương và tâm niệm trước Tổ tiên, Thánh, Thần, Phật, Mẫu và những nhân vật giúp việc chuyển tải siêu lực của các vị. Những lực lượng siêu nhiên ấy có khi được hình dung qua bài vị, đôi khi qua tranh vẽ, nhưng phổ biến là qua tượng thờ.Tượng thờ có rất nhiều ở các chùa. Mỗi ngôi chùa được xem như một bảo tàng điêu khắc cổ truyền thông thường có dăm chục pho, nhiều như chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự - Hà Tây) có tới gần 300 pho. Các pho tượng trong một chùa thường thuộc nhiều thời, nhất là từ thời Mạc đến thời Nguyễn, thậm chí ngày nay vẫn được bổ sung. Đó là một kho báu, toàn hiện vật gốc, thực sự chứa đựng tài hoa của cha ông. Có những chùa như chùa Tây Phương (Sùng Phúc Tự- Hà Tây) có cả một hệ thống tượng trên Phật điện đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng chẳng những của Việt Nam mà của cả thế giới, làm kinh ngạc cả những người sành nghệ thuật nhất.Bên cạnh chùa, nhiều đền thờ các anh hùng dân tộc và các nhân vật lịch sử như Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo ... và nhiều nhân vật ít tiếng tăm hơn như các con của vua Đinh, vợ con vua Lê và một số đại thần cũng được tạc tượng thờ. Nếu tượng ở chùa thường do dân làng tổ chức làm thì nhiều tượng ở các đền loại trên thường do triều đình đứng ra tổ chức tạc.Nhiều quý tộc cỡ lớn là những ông hoàng, bà chúa - cung tần, công chúa, quận chúa có thể xem là cái gạch nối giữa triều đình với dân làng, giữa Vương quyền và Thần quyền đã xin nhà nước xuất công quỹ cùng với tiền của riêng cúng vào việc xây dựng chùa to cảnh đẹp, sau đó cũng được tạc tượng thờ ở một số chùa, điển hình là các bà hoàng thái hậu Vũ thị Ngọc Toản nhà Mạc và Trịnh thị Ngọc Trúc nhà Lê.Không chỉ quý tộc cấp cao, nhiều quan lại - nhất là các quận công từng giữ các trọng trách về quân sự hay dân sự, đồng thời lại là những thái giám, tổng thái giám, sau khi tích lũy được khá nhiều của cải nhưng không có con cháu trực hệ, đã làm nhiều việc công đức cho quê hương, hoặc được dân làng bầu làm Hậu Thần, Hậu Phật có khi tạc tượng thờ, hoặc xây cất lăng mộ riêng cũng có những hàng tượng người và tượng thú phục vụ.Đặc biệt với tục bầu Hậu với ý nghĩa tạo sự trường tồn, gắn bó lâu dài với mai sau, nhiều người không có con trai nối dõi tông đường, thì bản thân hoặc con gái "có máu mặt" một chút cũng thường mua Hậu, có thể tạc tượng để dân làng thờ. Như vậy ngay cả những người bình dân cũng có thể được đi vào nghệ thụật tượng tròn.Chùa thì thường phải có sư tăng là những người chăm sóc phần hồn cho các phật tử, do đó các vị cao tăng trở thành tổ chùa, khi mất chẳng những được các Phật tử xây tháp mộ, mà phần nhiều còn được tạc tượng thờ trong nhà Tổ. Đây là những tượng người thực việc thực, tạc khi còn sống hay mới mất, do đó có nhiều giá trị của loại tượng chân dung.Thật ra tượng cổ còn nhiều nhóm và ở trong nhiều loại hình di tích nữa. Tất cả đều khẳng định sự phong phú và đa dạng của mảng nghệ thuật này, nó phổ biến trong không gian và quán xuyến trong thời gian, gắn với cá nhân từ bình dân đến quý tộc và gắn với cả nhà nước nữa. Trong kho tàng tượng cổ vô cùng phong phú ấy, rất hiếm tượng có ghi tên tác giả, hầu như đều là tượng khuyết danh, là sản phẩm của các hiệp thợ cũng không rõ tên, có thể tìm ra dấu ấn thời đại để xác định niên đại tương đối chứ không thể tìm ra phong cách tác giả, lại do không có một quy pháp tạo tượng cụ thể, tất cả đều thuộc dòng chảy nghệ thuật dân gian nhưng nhiều tác phẩm đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo tượng.Tượng cổ còn đến nay là đã vượt qua được sự phá hủy của con người và của thiên nhiên. Nếu con người chủ tâm phá thì dù làm bằng chất liệu nào cũng sẽ bị hủy hoại, nhưng nó chỉ xảy ra trong những trường hợp đặc biệt, có tính tiêu cực của lịch sử. Đất nước trải qua nhiều lần chiến tranh, cả ngoại xâm và nội chiến, nặng nề nhất là hơn nghìn năm Bắc thuộc và hai mươi năm nhà Minh đô hộ đã chủ trương phá hủy triệt để văn hóa Việt Nam, gây tổn thất lớn lao cho điêu khắc. Trong thời chúng ta bom đạn của đế quốc Mỹ đã hủy diệt rất nhiều di tích cổ, trong đó làm biến mất hoàn toàn cả khu đền tháp Chăm-pa ở Đồng Dương và một phần khu thánh địa Mỹ Sơn khiến lương tri nhân loại phải lên tiếng. Cũng có cả nhận thức của chính chúng ta một thời không đầy đủ đã thả nổi di tích và có những can thiệp phi văn hóa, hậu quả là làm hư hại không ít đến điêu khắc. Sự phá hủy của thời gian thì thông qua mối mọt và thời tiết, đặc biệt là lụt lội và gió bão. Về mặt này, nếu được bảo quản tốt ở trong nhà thì có thể hạn chế được khá nhiều. Riêng đồng thì độ hư hại bởi thời gian là ít, đá bền là thế nhưng vẫn bị mưa gió bào mòn, gỗ tự hủy lại có đồng minh là mối mọt rất sẵn ở xứ nhiệt đới độ ẩm cao, đất tự bở ra và nếu có thêm sự hỗ trợ của nước thì sẽ rất nhanh hỏng ...Mặc dù với những sự hủy hoại trên, tượng cổ còn lại đến nay khá nhiều, người xưa đã lường trước được "kẻ thù" của nó để tìm cách hạn chế, do đó đã tìm được những vật liệu dễ kiếm, và đôi khi cả vật liệu quý để làm tượng. Tượng ngoài trời thường bằng đá, để mộc, phổ biến ở các lăng mộ. Tượng trong nhà đa số bằng gỗ - và phải là gỗ mít bền và thiêng, sau đó còn được sơn thếp trên cơ sở tượng mộc đã hoàn hảo. Tượng đồng khá hiếm vì là chất liệu quý còn để đúc tiền, song có khi lại làm rất lớn và hun đen để khẳng định chất đồng, song cũng nhiều tượng đồng thường sơn thếp như tượng gỗ. Gỗ, đá, đồng chính là những chất liệu đích thực của điêu khắc người xưa cho là sạch và thiêng. Thời Lê trung hưng, năm 1728 từng có lệnh làm tượng Phật phải bằng gỗ hoặc đá, nếu làm bằng đồng phải xin phép bề trên, cấm làm tượng Phật và các tượng khác bằng đất hay các thứ tạp nham , quy định vậy là để đạo Phật được trong sáng. Nhưng ngày nay trong các chùa cũng gặp nhiều tượng đất, hầu hết thuộc thời Nguyễn, có nghĩa là khi lệnh cấm của nhà Lê không còn hiệu lực, và việc dựng chùa tạc tượng cũng có phần tràn lan. Tượng đất đôi khi được nung còn non , thường thì đắp đất có trấu và sơ để chống nứt nẻ và để khô tự nhiên, bằng cách nào thì cũng được sơn vẽ ra ngoài. Trong điều kiện bảo quản tốt, tượng đất như thế cũng rất bền .Đối với điêu khắc cổ dường như không có chất liệu trung gian. Người xưa cậy từ gỗ, đá những "phần thừa" để cái còn được giữ lại là tượng theo đúng kích thước dự định, hoặc đắp từ đất cứ bồi lớn dần cho đến khi đạt kích thước và tu chỉnh cho hoàn hảo. Điều này khác với ngày nay thường làm nhỏ rồi phóng to, làm bằng chất liệu tạm là thạch cao , khi có điều kiện mới chuyển sang chất liệu chính thức, còn nếu không thì cứ để ở tình trạng thạch cao dễ sứt mẻ.Rõ ràng trong kho nghệ thuật tạo hình cổ truyền , điêu khắc tượng tròn là phổ biến, và đúng nghĩa cả về chất liệu , tạo thành truyền thống trong mỹ thuật, phát triển ở mọi nơi và mọi thời. Đó chính là cốt lõi của mỹ thuật dân tộc, là cơ sở để ngày nay các nhà điêu khắc học tập cha ông, kết hợp với yêu cầu của thời đại để sáng tạo những tác phẩm mới làm đẹp cho xã hội, đưa môi trường văn hóa Việt Nam hòa nhập với môi trường văn hóa thế giới mới.Ngày xưa cha ông ta liên tục làm điêu khắc, tạc tượng không ngừng tay, nhưng dường như không có sự tổng kết. Từ cuối thế kỷ XIX khi tiếp xúc cưỡng bức với văn hóa phương Tây, người Pháp mới có kế hoạch nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam. Nhưng từ khi những chuyên khảo đơn lẻ đến những tổng kết về nghệ thuật Việt Nam có tính lịch sử, người ta nói nhiều đến chùa, đền nhưng lại rất ít đi vào nghệ thuật tạc tượng. Từ những năm thuộc thập niên 60 trở đi , Viện Mỹ thuật Mỹ nghệ ( rồi sau này là Viện Mỹ thuật) trong khi tìm hiểu những di tích đã đặt nhiều kỳ vọng ở điêu khắc nhất là tượng thờ, một số ấn bản phẩm về mỹ thuật các thời Lý - Trần -Lê - Mạc đã giành cho điêu khắc, mà trọng tâm là tượng tròn một tỷ lệ thích đáng. Tiếp theo những công trình khái quát về mỹ thuật cổ Việt Nam hay về một di tích cụ thể, phần nhận định còn khiêm nhường , song phần tư liệu đã cố gắng tập trung cho tượng.Trong đời sống mỹ thuật của xã hội hôm nay, kể cả sáng tác và tiêu thụ tác phẩm, điêu khắc không có nhiều cơ hội để phát triển như hội họa, nhưng những công trình quy mô lớn và bền lâu, thậm chí mang tầm cỡ thời đại là những tượng đài ghi mốc lịch sử, đang được cả Nhà nước và nhân dân quan tâm xây dựng, nó sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo các thành phố hiện đại.Với những giá trị của tượng cổ Việt Nam có tính xuyên thời đại, nhưng việc tập hợp tư liệu và nghiên cứu kho báu này mới ở bước đầu, thì đề tài "Tượng cổ Việt Nam với truyền thống điêu khắc dân tộc" hy vọng sẽ góp thêm những hiểu biết mới có tính hệ thống.Để thực hiện đề tài này, chúng tôi tập trung vào phương pháp khảo sát điền đã, đi thực tế các di tích để lấy tư liệu ngay tại hiện trường bằng các kỹ năng đo đạc, chụp ảnh, hỏi nhân dân địa phương, in rập các bia ký liên quan. Bên cạnh đó là khai thác thư tịch, trước hết là các sách sử, truyện ký và văn bia có liên quan của người xưa để lại. Tận dụng thành tựu của một số công trình nghiên cứu về mỹ thuật đã được xuất bản. Để hiểu được những gì tàng ẩn trong các tư liệu trên, còn phải vận dụng các phương pháp liên ngành văn hóa - nghệ thuật - khảo cổ - lịch sử - dân tộc học... Tất cả sẽ được chỉ đạo bởi phương pháp luận Mác-Lênin thông qua phép biện chứng duy vật và duy vật lịch sử.PHẦN 1 - TƯỢNG CỔ VIỆT NAM TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ Chương 1 - TƯỢNG CỦA NGƯỜI VIỆT CỔNgười nguyên thủy trên đất nước ta, ngay khi bắt đầu biết mài đá và cũng bắt đầu biết đến một nền nông nghiệp sơ khai thì đồng thời cũng bắt đầu biết làm nghệ thuật. Nhưng khác với nhiều nền nghệ thuật trên thế giới thường được mở đầu bằng một số hình vẽ trong hang động vẽ cảnh săn bắn và bằng những tượng Vệ nữ, nghệ thuật tạo hình Việt Nam lại được mở đầu bằng hình khắc ba mặt người và một mặt thú trong hang Đồng Nội (Hòa Bình) và hình khắc trên mũi dùi xương Lam Gan (Hòa Bình).Tiếp theo, đi sâu vào thời kỳ đồ đá mài và tiến tới một nền nông nghiệp lúa nước, ngày càng hoàn thiện kỹ thuật chế tác đồ gốm, thành tựu nghệ thuật tạo hình vẫn thiên về hình khắc với viên cuội ở động Ky (Thái Nguyên) một mặt khắc các nhóm hình kỷ hà còn mặt kia khắc hình một mặt người, miếng đất sét ở bản Nghinh Tắc (Thái Nguyên) cũng chỉ khắc những nhóm vạch ở dìa và những dãy vạch chữ V ở trong lòng. Tuy nhiên ở Nà Ca (Thái Nguyên) đã tìm thấy một phác tượng được đẽo từ một viên cuội còn dài 6,4cm, rộng 3,4cm và dày 2,5cm, thể hiện một đầu người trán nhẵn, cằm rộng, mũi dài, mắt nheo, miệng cười hình chữ V biểu hiện một tình cảm vui tươi.Phải đến khi người nguyên thủy trên đất nước ta bắt đầu biết đến đồ đồng thì nghệ thuật tạo tượng mới thực sự được bắt đầu. Ngay ở giai đoạn đầu là văn hóa Phùng Nguyên, cách ngày nay chừng 4000 năm, đồng còn rất hiếm (mới chỉ tìm thấy xỉ đồng), cơ bản vẫn là đồ đá, và đồ gốm được đẩy lên đỉnh cao ở cả tạo dáng và trang trí, thì đá và gốm cũng trở thành chất liệu của điêu khắc tượng tròn. Vào nửa sau của thiên niên kỷ II trước CN, người Việt cổ bước vào giai đoạn văn hóa Đồng Đậu thuộc trung kỳ thời đại đồng thau, đồ đá vẫn chiếm ưu thế - nhất là về đồ trang sức, đồ gốm được nung ở nhiệt độ cao hơn, đồ đồng thau đã có nhiều loại, nhưng về tạo tượng mới chỉ tìm được tượng gốm. Phải chăng tượng đá và tượng đồng đều quá ít nên chưa tìm được? Đến cuối thiên niên kỷ II trước CN, người xưa tiến tới hậu kỳ thời đại đồng thau với văn hóa Gò Mun, đồ đá suy thoái và bị lãng quên dần, đồ gốm được nung già với hoa văn trang trí ảnh hưởng đồ đồng có xu hướng hình học hóa, đồ đồng thau đã trở nên phổ biến. Tuy thế, tượng ở giai đoạn này hầu hết vẫn là đồ gốm, tượng đồng mới tìm được một tác phẩm nhỏ song đã ở trình độ hoàn hảo, chứng tỏ chất liệu này đã quen với điêu khắc.Ba giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun chiếm một thời gian lịch sử dài tới 2000 năm, được gọi chung là các văn hóa Tiền Đông Sơn, phát triển liên tục và trực tiếp từ thấp đến cao, tạo thành một chuỗi sơ kỳ - trung kỳ - hậu kỳ đồ đồng, có ý nghĩa là cái cầu nối từ thời đại đồ đá với văn hóa Đông Sơn rực rỡ diễn ra suốt thiên niên kỷ I trước CN và cả vài thế kỷ đầu CN, thuộc giai đoạn đồng muộn và sắt sớm.Ở văn hóa Đông Sơn, đồ đá rất ít và nghèo, đồ gốm nặng tính thực dụng, trái lại đồ đồng phát triển rất rực rỡ cả về kỹ thuật và nghệ thuật. Nhưng xưa nay nói đến văn hóa Đông Sơn, nhiều người thường chỉ nghĩ đến thành tựu nổi bật là các trống đồng thuộc loại I theo cách phân chia của Hêgơ (Heger) ở đầu thế kỷ XX mà ngày nay được gọi chung là "Trống đồng Đông Sơn". Điều đó không sai, nhưng thật ra về nghệ thuật tạo hình lúc này phải đặt trọng tâm vào tượng với số lượng rất lớn, hầu hết đều bằng đồng thau, tuy nhiên cũng có một ít tượng đá và gốm.Từ những thông tin lẻ tẻ về khảo cổ học Việt Nam trước năm 1945 và đặc biệt là những thập niên 60-70 và đầu 80, năm 1983 trên tạp chí Khảo cổ học số 4, trong bài "Điêu khắc Đông Sơn : Truyền thống và tính độc đáo", Trịnh Sinh đã thống kê trong toàn bộ thời đại đồ đồng của Việt Nam đã phát hiện được 207 tượng, trừ 2 tượng gốm chưa được xác định, các giai đoạn Tiền Đông Sơn có 22 tượng (gồm 1 tượng đá, 20 tượng gốm và 1 tượng đồng), Đông Sơn có 183 tác phẩm (gồm 1 tượng gỗ, 1 tượng đá, 1 tượng gốm, 2 tượng sừng và 178 tượng đồng). Như vậy xã hội càng phát triển thì đời sống văn hóa nghệ thuật càng phong phú, chất liệu cũ (đá, đất nung) phổ biến ở các giai đoạn Tiền Đông Sơn thì sang giai đoạn Đông Sơn chỉ chiếm một tỷ lệ hết sức nhỏ bé, để nhường chỗ cho chất liệu đồng có nhiều ưu thế trong chế tác và bảo quản. Theo sự khảo tả của Trịnh Sinh, đối chiếu với quan sát thực tế, chúng ta có thể nhận ra một sự diễn tiến ở những đỉnh cao của nghệ thuật tạo tượng ở thời dựng nước đầu tiên. Tượng người đàn ông ở di chỉ Văn ĐiểnTượng người đàn ông ở di chỉ Văn Điển (Hà Nội) thuộc văn hóa Phùng Nguyên, là lúc người nguyên thủy từ trung du tràn xuống và từ ven biển tràn lên, cùng tiến vào chinh phục đồng bằng Bắc Bộ. Tượng làm bằng đá, chỉ cao 3,6cm, nhỏ bằng đầu đũa, thể hiện một người đàn ông ở tư thế đứng (hoặc nằm?). Mặt tượng trái xoan, mắt tròn nhỏ, mũi dài, hai má mài vát vào tạo cho cằm hơi nhọn, ngực nở, bụng thon, giới tính nam được nhấn mạnh, phần chân bị gẫy dưới đùi có hướng hơi co lại. Các chi tiết về tai và tay đều lược bỏ. Trên đầu có dấu vết một vòng nhỏ hay ngạnh để buộc dây đeo như kiểu đeo bùa. Tượng nhỏ nhưng mang rõ tính cách hiện thực, mở ra một hướng đi đúng cho các giai đoạn sau. Để làm ra tác phẩm này, con người ở sơ kỳ thời đại đồ đồng đã vận dụng tổng hợp các kỹ thuật chế tác đá như cưa, đẽo, mài, khoan, dũa... một cách rất thành thạo.Một số tượng bòSang văn hóa Đồng Đậu, tại di chỉ Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) đã tìm thấy khá nhiều tượng thú gần gũi với người như bò, gà, chim đều bằng đất nung. Một số tượng bò đã bị vỡ nát, tuy thế vẫn có con bò còn nguyên vẹn. Tượng bò dài 5cm thuộc loại bò u, dáng lao về đằng trước, cặp sừng giương lên nghênh chiến, toàn thể toát ra một vẻ hung dữ, khối hình gọn đến mức đơn sơ song vẫn giữ được vẻ hiện thực.Vẫn thuộc văn hóa Đồng Đậu và đề tài bò, ở di chỉ Tiên Hội còn có tượng cái đầu bò dài 5cm, được thể hiện còn thực hơn với cặp sừng nhọn, mắt tròn, mõm ngắn. Như vậy, nhìn chung tượng ở giai đoạn văn hóa Đồng Đậu vẫn còn mộc mạc, chân chất, mang tính gợi hơn là tả.Tượng người đàn ông ở Gò MunSang giai đoạn văn hóa Gò Mun, lớp trên của di chỉ Đồng Đậu vẫn tìm thấy tượng bò bằng gốm, cả tượng đầu người nữa; một số di chỉ khác còn tìm thấy tượng chó, gà, đầu rùa cũng bằng gốm. Đặc biệt tại di chỉ Gò Mun (Phú Thọ) có tượng người đàn ông. Tượng ở thế ngồi xổm bó gối, cao 4,6cm, hai tay xếp khoanh trên đùi, lưng hơi ngả về sau, dáng thoải mái. Tượng nhỏ nhưng chi tiết vẫn rõ ràng: Đầu chít khăn mỏ rìu, mắt, mũi, miệng đặt đúng vị trí. Tỷ lệ cơ thể cân đối, toàn thân toát ra vẻ thuần phác, nghỉ ngơi mà vẫn suy tư. Tượng được làm theo khối đóng kín, có đường viền rõ ràng dù nhìn đằng trước hay sườn bên, có đế nhưng bị gẫy nên không rõ tượng độc lập hay gắn vào vật khác, thể hiện theo xu hướng hiện thực. Tiến lên văn hóa Đông Sơn, số lượng tượng tăng vượt xa các giai đoạn trước, chất liệu đá, gốm, sừng cũng có, nhưng được ưa chuộng hơn cả là đồng với kỹ thuật đúc rất hoàn hảo, và như vậy tượng phải làm qua giai đoạn trung gian từ tạo mẫu đến làm khuôn và đúc đồng, một chu trình khá phức tạp. ở đây có tượng độc lập, có tượng lại gắn với một hiện vật khác để trang trí, song có khi trở thành bộ phận hữu cơ của hiện vật ấy; còn có cả loại tượng bẹt một mặt phẳng.Có thể kể ra một số tượng tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn. Trước hết là mấy tượng độc lập.Tượng hai người cõng nhauTượng do Pagiô (Pajot) tìm được trong khi tổ chức khai quật di chỉ Đông Sơn (Thanh Hóa) năm 1924-1929, cao 9cm. Cả hai người đều mình trần, đóng khố, búi tóc cuộn tròn, tai đeo khuyên vòng lớn... là đặc điểm của người Việt cổ - chủ nhân văn hóa Đông Sơn. Riêng người bị cõng ở dưới còn đội chiếc mũ nhọn. Tượng đứng vững là nhờ hai chân người dưới lại thêm đuôi khố rủ xuống tận đất, tạo ra ba điểm xác định một mặt phẳng và thế chân kiềng. Người dưới phải cong lưng ra cõng, hai tay vòng ra sau ôm lấy mông người trên, hai chân nhún nhẩy như đang múa. Người được cõng ở trên một tay đưa khèn lên miệng thổi, một tay ôm cổ người dưới, hai chân quặp lấy háng người dưới. Cả hai khuôn mặt đều được diễn tả đầy đủ mắt, mũi, miệng với tình cảm hồ hởi. Như vậy cả hai người chẳng những gắn bó hữu cơ trong cấu trúc mà cả trong tâm tư nữa.Tượng được thể hiện theo khối thủng, có nhiều góc cạnh với những đường nét cong lượn, đòi hỏi trình độ đúc đồng cao với kỹ thuật làm khuôn khá phức tạp, biểu hiện cuộc sống đương thời rất hồn nhiên và lạc quan.Tượng người đàn ông ôm đôi chóTượng người đàn ông ôm đôi chó ở di chỉ Phú Lương (Hà Tây) được khai quật năm 1984. Người cao 5,5cm dày 1cm, chó cao 2,8cm dài 4cm. Người đàn ông đầu tròn, búi tóc sau gáy, tai đeo khuyên vòng to, miệng nhô, đóng khố, tay hơi dài, chân ngắn đứng doạng. Mỗi tay ôm một con chó đứng sát hông, âu yếm nó như những người bạn. Con chó mình dài, chân cao, đứng yên, tai cao nhọn, mõm dài hơi há, đuôi thành khoáy tròn quặt về một bên mông phía ngoài. Tượng được làm theo khối chóp thủng, vừa bám đất vừa vươn lên, các hướng đường ngang (thân hai con chó) và dọc (người đứng, các chân chó) đều rõ ràng. Tượng vẫn theo xu hướng hiện thực, song đã chú ý cách điệu - nhất là đối với hai con chó.Tượng độc lập của văn hóa Đông Sơn còn ít, song tượng gắn vào hiện vật khác thì khá nhiều.Tượng cặp trai gái ân ái trên nắp thạp Đào ThịnhBốn cặp tượng trai gái ân ái trên nắp thạp Đào Thịnh (Yên Bái). Thạp Đào Thịnh là một trong rất ít hiện vật bằng đồng thuộc văn hóa Đông Sơn, có kích thước rất lớn. Thạp cả thân và nắp cao tới 96,5cm, đường kính bụng thạp rộng tới 70cm, có thể để đựng hạt giống (hay để làm hòm táng người chết?); và do đó với ý thức phồn thực (để cho hạt nảy mầm hay hồn người chết được đầu thai) đã được cụ thể hóa thành bốn cặp tượng trai gái đang ân ái ở trên nắp thạp. Có thể xem cả cái thạp là một đế tượng vững chắc, một đài hoa để tôn các cặp tượng - nhất là khi nắp thạp được trang trí dày đặc các hoa văn theo bố cục các vòng tròn đồng tâm như nở ra vô hạn và quanh thân thạp là các đoàn thuyền rất động.Bốn cặp tượng giống nhau cả về tạo hình và kích thước. Từng cặp dài 8cm, dày (cao) và rộng (tay khuỳnh) chừng 4cm, được thể hiện thành khối rất thật thà trai đóng khố ở trên, gái mặc váy ngắn trên đùi gấp mở ở trước, cả hai đều mình trần, cô gái để lộ bộ ngực căng nây, chàng trai tóc mượt xõa dưới vai, trên khố còn dắt theo con dao găm, bộ phận sinh dục được cường điệu để nhấn mạnh hành động ân ái. Do các cánh tay của hai người cùng bá vai xoắn quyện nên hai người tách rời ra rõ ràng nhưng lại gắn bó với nhau thành một. Khối thủng giúp cho từng người được miêu tả khá kỹ, đồng thời tạo cho toàn hình có sự di động, các chi tiết trên khuôn mặt được tả khá đầy đủ, váy, khố và tóc được nhấn mạnh như sự đặc tảTượng người thổi kèn trên cán muôi Việt KhêTìm được ở di chỉ Việt Khê (Hải Phòng) năm 1961, phần nào cũng có thể xem là tượng độc lập. Toàn bộ chiếc muôi dài 18cm, phía dưới là một đoạn khối trụ rỗng hơi nở miệng, có thể đựng được cả chất lỏng, làm trụ giữ cho toàn thể đặt yên và vươn ra rồi vút cong lên một cái cán càng kéo ra xa càng thu nhỏ lại để rồi tận cùng bằng vòng tròn xoáy ốc 6 vòng kín xít ôm chặt lấy nhau, từ ngoài vào theo chiều ngược với chiều quay kim đồng hồ.Lấy cán muôi làm đế, ở khoảng giữa có tượng người đàn ông ngồi thổi khèn cao 4,5cm. Người chít khăn mỏ rìu , đóng khố , thế ngồi chân co lại để bàn chân đỡ chiếc khèn, hai tay khuỳnh ra giữ thân khèn, miệng đang ngậm cán khèn thổi. ở đây nghệ sĩ đã chú ý sử dụng những hướng đường thành tuyến song song: Thân người với thân khèn là tiếp tuyến của những vòng tròn xoáy ốc cuối cán muôi, tạo sự gắn bó chắc chắn cho khối tượng. Những đường chéo của chân và cán khèn vừa phá đi cái thế bướng bỉnh của những đường ngang và dọc, vừa làm cho khối tượng trở nên chặt chẽ. Tượng nhỏ nhưng khá thực, các thành phần thân thể khá cân đối, bộ mặt không đi vào chi tiết mà vẫn trong trạng thái ngất ngây, tập trung cho nghệ thuật âm thanh.Đặt khối tượng trong toàn thể chiếc muôi, nó là sự đối trọng Share this post Link to post Share on other sites
Posted 11 Tháng 7, 2013 Nhóm tượng ba người ngồi trên vòi ấm Đông Sơn Nhóm tượng ba người ngồi trên vòi ấm Đông Sơn ( Thanh Hóa ) cũng coi ấm và vòi là đế tượng. Thân ấm như quả bầu tròn, vòi ấm như cuống bầu kéo dài ra gấp rưỡi thân ấm, gần đầu vòi lại có mắt tròn ở hai bên vừa gợi đầu chim mỏ dài như nhiều người vẫn nghĩ ( nhưng mắt lại ở trên mỏ ?) vừa gợi ấm quả bầu là sinh vật sống có thần lực. Toàn bộ ấm cao 9cm dài 18cm. ở đầu vòi có tuợng một người và ở cuống vòi có hai người ngồi cạnh nhau thành hàng ngang, cả ba ngưòi đều ở thế ngồi xổm, chỉ cao chừng 2cm, hai tay vòng bó gối, tai đeo vòng tròn to tóc vừa như búi phía sau gáy lại vừa như tết đuôi xam thả xuống sau lưng. Khối tượng đông đặc chặt chẽ, đầu to, chú ý cả đến những ngón chân. Phụ họa với khối tượng nhô lên là những dải văn thừng chạy dọc phía dưới vòi và thành khoanh quanh vòi Tượng người làm chuôi dao găm Tượng người làm chuôi dao găm khá phổ biến trong văn hóa Đông Sơn, cho đến năm 1983, theo thống kê của Trịnh Sinh đã phát hiện được 13 pho, rải ra trên địa bàn rộng gồm nhiều tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng , sông Mã và sông Lam. Tượng là toàn bộ chuôi dao, chiếm khoảng 1/3 độ dài của cả dao, có dáng phụ nữ ở thế đứng nghiêm, tay khuỳnh ra chống nạnh, dáng oai phong, tai đeo khuyên vòng to, cổ tay cũng đeo vòng, bộ mặt được nhấn mạnh chiếm từ 1/4 đến 1/3 chiều cao toàn thân tượng. Trong số này được nhắc đến nhiều là tượng người chuôi dao Đông Sơn và Núi Nưa. Chuôi dao Đông Sơn được Pagiô phát hiện từ đợt khai quật 1924 - 1929. Tưọng cao 11cm . Ngoài dáng chung đã nêu trên, còn có một số nét riêng: Tóc chải búi trên đỉnh đầu rồi lại tết đuôi sam rủ xuống lưng, mình trần để lộ rõ đôi vú là vòng tròn đồng tâm như mắt, mặc váy ngắn đến gối, làm rõ các ngón tay và ngón chân, đứng trên đốc kiếm. Dao núi Nưa (Thanh Hóa) dài tới 50cm còn được gọi là kiếm. Chuôi là pho tượng phụ nữ cao 18, 2 cm ngoài các nét chung còn có đặc điểm là tóc chải lên đỉnh đầu rồi đội chiếc mũ cao như vương miện, y phục chỉnh tề, váy dài chùm kín chân và xòe ra làm đốc kiếm luôn, bụng thắt bao có rủ xuống trước váy. Bộ mặt trái xoan dài khiến người chỉ cao 3 đầu, nhấn mạnh cả miệng nhỏ, mắt sáng ẩn dưới hàng mi cong. Dáng không hùng dũng mà lại có vẻ đẹp duyên dáng, kiều diễm. Tượng là cán dao găm, tay tượng lại khuỳnh ra và nhỏ nên rất khó cho việc nắm chắc khi cần sử dụng dao, nếu bóp mạnh sẽ gẫy tay tượng. Do đó giá trị thực dụng sẽ rất ít, cơ bản là vật bảo trợ tinh thần, hoặc mang theo bên mình để cầu sức mạnh (như ở nắp thạp Đào Thịnh ngay khi ân ái vẫn cài dao găm ở cạp khố) hoặc để thờ và khi đó sẽ cắm dựng đứng dao thì lưỡi dao được xem như đế tượng đài để toàn thể vút cao, chững chạc, oai phong... làm cho tượng mang dáng dấp của Nữ thần chiến thắng Tượng con chó trên thỏi đồng Hà Đông Tượng con chó trên thỏi đồng ở Hà Đông do D’argence sưu tầm từ trước Cách mạng tháng Tám chỉ dài 2,8cm cao 1,5cm được tạo hình khá thực trong tư thế đứng choãi chân bám trụ, dướn đầu với cổ dài và há mồm sủa. Chó có chân cao, mình dài, cổ dài, đầu to thuộc loại chó săn nhanh nhẹn. Dáng đứng rất động gợi ra phía trước nó có một đối thủ đáng gờm, không chịu lùi nhưng cũng không thể tiến lên được. Thỏi đồng mà con chó đứng gợi sự liên tưởng đến cán muôi đồng Việt Khê, được xem là chiếc đế để tượng có chỗ đứng vững vàng. Tượng con hổ trên trống đồng minh khí Tượng con hổ ( hay chó bông?) trên trống đồng minh khí tìm được ở Đông Sơn ( Thanh Hóa) cũng là trường hợp đặc biệt. Trống có đường kính miệng 4,2cm , mặt vồng hẳn lên như cái nấm đưa đường cao lên 3,5cm. Trên mặt trống có tượng con vật nhỏ trông như hổ hay chó bông, dài 3cm và cao 2cm. Thân trống được xem là bệ tượng, gắn bó hài hòa với tượng cả về cấu tạo và kích thước. Con vật bụ bẫm, trán nhô tròn , tai cụp, mình có những vệt vằn, đuôi ngắn, được thể hiện ở mắt, mũi, miệng, chân ngắn, đứng thẳng, dáng rất hiền . Có thể là hổ hay chó thì đều được người Đông Sơn quen thuộc và từng là đối tượng của nghệ thuật tạo hình. Trống đồng minh khí là vật quý và thiêng, gắn với những người Việt cổ có quyền lực. Con vật ở trên trống lại như quyền năng tăng thêm sức mạnh cho chủ sở hữu chiếc trống. ở đây nghệ sĩ khai thác các khối đông đặc với hướng ngang, tạo cảm giác về sức đầm nặng, chắc chắn, nhưng các hoa văn trên tang và thân trống với dạng chữ S nằm và sóng nước là gợi một sự chuyển động trong không gian mênh mang, đã kết hợp tài tình hai thể tĩnh và động. Tượng hổ vồ mồi trên nắp thạp Vạn Thắng Tượng hổ vồ mồi trên nắp thạp Vạn Thắng (Phú Thọ) là hiện tượng hiếm trong văn hóa Đông Sơn. Thạp Vạn Thắng có dáng như thạp Đào Thịnh (đã nói ở trên), cũng thuộc loại lớn, nhưng kích thước chỉ bằng một nửa: cao 43cm, miệng rộng 34,5cm. Trên nắp thạp ở bốn phía có bốn khối tượng hổ vồ mồi hoặc tha mồi, cõng mồi trên lưng. Mỗi khối tượng dài 7,5cm cao 3cm, con hổ đã cách điệu nhưng vẫn dễ dàng nhận ra, con mồi thì không rõ (có thể là con lợn?). Đây là cảnh con hổ ở trạng thái hoang dã, rất hiếm gặp trong điêu khắc Đông Sơn và trong nghệ thuật tạo hình của người Việt. Dáng hổ ở đây rất nhanh, tư thế rất động, được tạo bằng khối đông đặc nhưng vẫn có khoảng hổng ở dưới bụng và đuôi Nhóm tượng voi và chim ở làng Vạc Nhóm tượng voi và chim ở làng Vạc (Nghệ An) do chân sau của voi bị gẫy ở gần bàn chân nên tuy ít ảnh hưởng đến khối tượng, nhưng không rõ nó gắn vào vật gì hay gắn vào đế. Cả voi và chim đều được cách điệu, song vẫn gần với hình thực, thuộc xu hướng hiện thực, rất dễ nhận ra. Toàn khối tượng cao và dài đều 5cm, diễn tả hai con chim đậu trên lưng con voi. Hình chim gần giống con gà, hai con châu đầu vào chau, được diễn tả rõ cả mắt và lông cánh. Con voi đứng yên, vòi dài và khá lớn buông thõng xuống bàn chân trước, mắt nổi rõ, chân sau còn có cả nếp nhăn. Quanh mình voi như được buộc một tấm vải làm áo, trên đó có những hoa văn chấm tròn, chứng tỏ đây là voi nhà đã được thuần dưỡng. Cả chim và voi đều được khái quát hóa, lược bỏ đi nhiều chi tiết phụ để tập trung làm nổi hình chính. Trong nhóm tượng này, người xưa không phụ thuộc vào tỷ lệ thực của con vật ngoài đời, để hai con chim đậu kín lưng voi từ đầu đến đuôi, rõ ràng nhằm biểu hiện ý hơn là tả. Phải chăng con voi rất gắn với văn hóa người Việt cổ, là con vật to nặng, chậm chạp ở dưới đất, mang tính âm; còn con chim nhanh nhẹn, linh hoạt, bay nhảy tung tăng, ngự trị bầu trời, là dấu hiệu của dương. Vậy đây là biểu tượng của sự hòa hợp âm dương, đảm bảo cho con người và cộng đồng phát triển? Tượng chim ở Đào Thịnh Tượng chim ở Đào Thịnh (Yên Bái) là một khối tượng đóng kín hoàn toàn, dù nhìn ở góc độ nào cũng thấy đường viền rõ ràng. Tượng dài 9cm, cao 4,5cm và rộng ngang 4cm, được thể hiện ở thế đậu cụp cánh nhưng xòe đuôi, chân ngắn, trên lưng có móc chữ U ngược rõ ràng để treo hơn là để đứng và như thế đã xác định được trọng tâm để tạo thế cân bằng khi treo. Chim được tạo hình rất thực, rõ mắt và miệng, trên lưng, cổ và đuôi được khắc hoa văn theo những nhóm vạch song song tạo thành những mảng đường ngang, dọc và chéo vừa gợi mảng lông vừa làm vui mắt. Con chim chẳng những hình dáng thực mà cả kích thước cũng bằng những loại chim nhỏ vừa phải. Tượng cóc mẹ cõng con ở Đào Thịnh Tượng cóc mẹ cõng cóc con ở Đào Thịnh (Yên Bái) được cấu trúc theo cùng nguyên tắc với tượng chim. Khác với nhiều tượng cóc thường được gắn trên mặt trống đồng Đông Sơn (Heger I) muộn, ở đây là tượng độc lập, có thể để nằm hoặc treo (vì trên giữa lưng có hình chữ U ngược để xỏ dây treo). Con cóc mẹ dài 10,7cm cao 6cm, trên gáy và mông còn cõng hai con cóc con nữa. Cóc mẹ ở thế ngồi chống hai chân trước, cóc con thì chân trước hơi choãi để bám chặt vào lưng cóc mẹ. Cóc mẹ được tạo dáng khá thực, mồm ngậm chặt mồi, hai mắt lồi hẳn lên. Vòng dưới bụng và hai bên mông gắn với chân sau còn được trang trí một số băng họa tiết, làm cho hình sinh động hẳn lên. Hẳn con cóc còn là biểu trưng của việc cầu nước, gắn với nền kinh tế nông nghiệp cấy lúa nước. Bên cạnh dòng tượng hiện thực trên, văn hóa Đông Sơn còn có một dòng tượng được cách điệu khá cao, từ thực tế qua tư duy nghệ sĩ đã tái tạo một cách mạnh bạo. ở đây còn do yêu cầu của hiện vật, tượng là bộ phận của một vật thể khác, hoặc tượng làm theo khối dẹt. Tiêu biểu cho loại tượng thứ nhất là mấy cán dao găm làng Vạc (Nghệ An) mà thân tượng có thể cầm nắm chắc chắn để sử dụng dao vào những mục đích thực dụng. Khoảng ấy phải khá dài và chắc mới tạo được lực tác dụng mạnh, buộc nghệ sĩ phải cách điệu hình dáng con vật và cho nó ở tư thế đặc biệt. Cán dao găm làng Vạc làm thành tượng hổ và voi Cán dao găm làm thành tượng hổ và voi ở làng Vạc, toàn bộ dao dài 27,5cm, trong đó phần cán dao dài 12cm có đốc và cuối chuôi xòe rộng để khi đâm không bị dịch chuyển tay. Nếu phần đốc xòe ra như đế tượng, thì thân cán làm thành hai con hổ đứng thẳng lên bằng hai chân sau, áp bụng và ngực vào nhau thành một khối, vươn dài người rồi ngả đầu ra há miệng, một con ngoạm chân trước và vòi voi, một con ngoạm chân sau và đuôi voi, còn chân trước của hổ đưa lên đỡ bụng voi. ở đây cả hổ và voi đều được cách điệu rất cao, thả trí tưởng tượng để sáng tạo theo yêu cầu của đề tài. Con hổ chủ yếu nhận ra ở những vết vằn trên thân và cổ, phần nào ở chiếc đầu tròn. Con voi được nhấn mạnh phần đầu với vòi, mắt và tai. Hổ và voi đều là những chúa tể rừng xanh, có sức mạnh phi thường và thường đấu sức với nhau, voi lớn hơn hẳn hổ. Vậy mà ở đây, những con vật này lại gắn bó với nhau một cách hữu cơ, voi chỉ nhỏ bằng 1/3 con hổ, nhìn vẫn rất thuận mắt Cán dao găm làng Vạc làm thành tượng trăn và hổ Toàn bộ dao dài 22,2cm, trong đó phần cán dao dài 9,5cm được cấu trúc như cán dao găm trên, tuy thế đề tài đã thay đổi: Thân cán là hai con trăn (hay rắn) vặn xoắn với nhau thành một khối chắc để cầm cho vững, sau đó chúng ngả đầu ra, con ngậm chân trước và con kia ngậm chân sau của hổ. Con trăn còn làm cả vẩy, phù hợp với thân dài. Con hổ khá mập và to, dáng hiền lành, trên mình có nhiều vết vằn cũng tạo bằng các dải chấm. Dù sao cái tỷ lệ trăn và hổ cũng rất xa với thực, tuy cách điệu song vẫn dễ nhận ra. Cán dao găm làng Vạc làm thành tượng trăn và voi Toàn thể dao găm dài 12,6cm trong đó riêng phần cán dài 6,6cm nghĩa là chiếm hơn một nửa, được cấu trúc như cán chiếc dao găm trên, nhưng đề tài có thay đổi một chút: Hai con trăn rất rõ ràng phần đầu, một con có mào ở đỉnh đầu, một con không có mào, hẳn là muốn biểu hiện đôi trăn đực - cái, chúng cuốn xoắn nhau, há miệng ra, một con ngậm chân trước, một con ngậm chân sau của voi. Con voi rất nhỏ, chỉ cao chừng 2,5cm, trên lưng còn chở một chiếc trống đồng nữa. Voi nhỏ nhưng đủ cả đầu và đuôi. Hình dáng trăn và voi còn khá thực, song tỷ lệ hai loại con vật thì lại khác rất xa ngoài đời. Chúng gắn bó hữu cơ với nhau trong tư thế thật bất ngờ, ngộ nghĩnh nhưng vẫn hợp lý - nhất là về mặt tâm linh hòa hợp âm dương: trăn hay rắn thuộc giống lạnh, sống trong hang, ở môi trường ẩm ướt, thường gắn với sông, được xem là biểu tượng của âm. Còn voi (hay hổ ở cán dao găm trên) thuộc máu nóng, ở rừng già, gắn với núi cao, được xem là biểu tượng của dương. ở đây, từ sự hòa hợp âm - dương có thể còn là linh khí của núi - sông, của đất - nước để rồi là cơ sở của chủ quyền quốc gia, Tổ quốc gắn với sự ra đời của các Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc? Tiêu biểu cho loại tượng khối dẹt là những con thú tìm được ở di chỉ Lãng Ngâm (Bắc Ninh) gồm hươu, hổ, trâu; cũng tìm được di chỉ Vinh Quang (Hà Tây), di chỉ Chùa Thông (Hà Nội) và di chỉ Chiềng Vậy (Hòa Bình) đều là tượng gà. Những tượng này đều chỉ dày chừng 0,3cm, một mặt phẳng bẹt và một mặt nổi vồng, vì thế là "tượng" nhưng không thuộc không gian ba chiều mà chỉ có hai chiều ngang - dọc như tranh và cơ bản chỉ phơi bày vẻ đẹp ở một mặt, nó gần giống như cắt từ lá đồng - mặc dù ở đây là kỹ thuật đúc đồng. Có thể nêu một số tác phẩm tiêu biểu: Tượng hươu Lãng Ngâm Tượng hươu Lãng Ngâm cao 3,8cm dài 5cm được thể hiện ở thế nhìn ngang, thấy rõ từ đầu đến đuôi, do vậy chỉ thấy một sừng, một chân trước và một chân sau. Hươu có chân cao, mình dài, tiêu biểu nhất là chiếc sừng có chạc. Đầu hươu nhỏ, cổ dài dướn về phía trước biểu hiện một vẻ nhanh nhẹn nhưng lại có phần ngơ ngác. Nhiều chi tiết bị bỏ đi, nhưng lại chú ý đến con mắt lơ đãng Tượng trâu Lãng Ngâm Tượng trâu Lãng Ngâm có kích thước tương tự con hươu trên, thân mình cũng ở tư thế nhìn ngang nhưng cái đầu lại xoay ra nhìn theo chiều dọc từ phía gáy để thấy rõ cả cặp sừng không có chạc nghênh về hai phía, cổ ngắn, mình thô, dáng chậm chạp. Chân sau có nhẽ bị gãy, chỉ có một đoạn. Bụng trâu nổi bật bộ vú, biểu hiện sự no căng, phồn thực, sung mãn Tượng hổ Lãng Ngâm Tượng hổ Lãng Ngâm có hai con tương tự nhau cả về kích thước và hình dáng, chỉ khác nhau ở một số chi tiết. Con nguyên dài 7,2cm và con kia như bị sứt một mẩu đuôi và một đoạn chân trước, còn dài 6,9cm. Chúng đều được thể hiện trong thế nhìn ngang với dáng chuẩn bị vồ mồi, đuôi duỗi dài chuẩn bị đập xuống đất, chân gấp muốn chồm lên, đầu hơi dướn lên, mồm há. Hình chung khỏe, có sức bật nhanh. Hẳn là trong thời văn hóa Đông Sơn, ngay trên địa vực đồng bằng Bắc Bộ, rừng hoang còn nhiều, mãnh thú lẩn quất không xa xóm làng, con người có điều kiện quan sát hổ và dường như phải tôn thờ nó để đỡ bị làm hại và qua đó mà tranh thủ nó để loại trừ những thế lực tà ma hắc ám. Có nhẽ trên cơ sở những tượng hổ này, về sau người Việt cũng hay tạc và đắp tượng hổ, đặc biệt là vẽ tranh hổ để thờ Tượng gà ở Vinh Quang Tượng gà ở Vinh Quang dài 6,7cm cao 4,7cm cũng theo kỹ thuật đúc như ở Lãng Ngâm, thuộc loại gà trống được nhấn mạnh cái đầu với mào to nhiều thùy và bộ lông đuôi dày, còn thân và chân là những mảng hẹp. Con gà được thể hiện ở góc nhìn nghiêng, chân đứng thẳng, cổ dướn cao như muốn cất tiếng gáy, dáng khá hùng dũng. Hẳn con vật này đã rất gần gũi với người, tiếng gáy của nó là báo hiệu sự chuyển tiếp đêm sang ngày, cũng được xem là cái gạch nối của âm sang dương Tượng đầu trâu Đình Quang Tượng đầu trâu Đình Chàng trở lại chất liệu đá, chỉ có mỗi cái đầu bẹt nhìn từ đằng trước, cặp sừng nhọn cong như vành trăng non. Tượng nhỏ chỉ cao 1,9cm và rộng ngang 2cm. Làm bằng đá nhưng bắt chước các tượng thú bằng đồng ở Lãng Ngâm và Vinh Quang, một mặt mài phẳng, còn mặt chính mài vát tạo đường sống mũi và trán nhô cao, ở trán có lỗ ngang để xỏ dây đeo. Diễn tả con trâu nhưng nghệ sĩ chỉ thông qua cái đầu, nó gợi lại quan niệm của người Hòa Bình khi khắc đầu thú ăn cỏ trong hang Đồng Nội. Nhấn mạnh cặp sừng như vầng trăng non, dễ làm ta liên tưởng đến hội trọi trâu ở vùng bờ biển sau này như biểu hiện việc thờ mặt trăng liên quan đến hiện tượng thủy triều. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 11 Tháng 7, 2013 Thanh kiếm ngắn Đông Sơn mang hình tượng Hai Bà Trưng Chiếc kiếm ngắn Đông Sơn mang dư ảnh Hai Bà Trưng 1- Tượng nam và tượng nữ trên cán dao găm Đông Sơn và phân bố của chúng Từ lâu tôi đã chú ý đến những tượng nữ trên cán dao găm Đông Sơn. Việc phân biệt tượng nam hay nữ trên cán dao găm Đông Sơn đã từng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm thảo luận[1], nay nhờ tư liệu phong phú, có thể xác định chúng khá đơn giản và rõ ràng. Trước hết có thể nhận thấy hai loại hình tiêu biểu nhất trong số những tượng phát hiện trong context khảo cổ hoặc của những sưu tập sớm có độ tin cậy cao : những tượng nữ khai quật ở Làng Vạc (Nghệ An), Núi Nưa (Thanh Hoá) và tượng nam ở Núi Đèo (Thuỷ Nguyên), Quả Cảm (Bắc Ninh), Đông Sơn (Thanh Hoá)[2] những tượng trong sưu tập d’Argence hiện trưng bày tại Bảo tàng lịch sử và hai tượng trên cán dao Đông Sơn khai quật được ở nam Trung Quốc[3]. Sự khác biệt của hai nhóm tượng này thể hiện khá rõ và mang tính địa phương. Những tượng Làng Vạc và Núi Nưa thể hiện lối trang phục kín khắp người (áo váy) với thắt lưng dày trên phần eo luôn buông dài tận chân có tua núm và các vòng hạt chuỗi đeo nhiều tầng ở cổ. Các nhà nghiên cứu đều dễ thống nhất đó là đặc trưng tượng nữ, cho dù kiểu đầu tóc ở các tượng có ít nhiều thay đổi. Ở nhóm tượng còn lại, đặc trưng nổi bật nhất là ở trần (hở hai núm vú dẹt) và đóng khố ngắn có tua. Các khố này được trang trí hoa văn và tạo thành hai bản dẹt hình thang phía trước và sau bộ phận sinh dục. Đây là bằng chứng thuyết phục của tượng nam. Từ những tiêu chuẩn này chúng ta có thể nhận ra thêm những đặc điểm trang sức của nam và nữ thời Đông Sơn : ví dụ nữ đeo nhiều vòng chuỗi, khuyên tai, vòng cổ tay lớn và đơn giản trong khi tượng nam đeo khuyên tai gối quạ (Quả Cảm, Hồ Nam…), vòng đeo ở cánh tay… Cũng với những đặc trưng nhận biết này ta có thể nhận ra những tượng „lạ“ được làm không phải theo phong cách Đông Sơn. Hai nhóm tượng trên thực chất là hai khối tư duy tôn vinh nam nữ có chủ đích. Kiểu thể hiện khá ổn định với hai cánh tay cong khuỳnh chống nạnh đối xứng tạo độ cầm đày tay cho một cán dao găm. Đa phần tượng nữ phát hiện được ở vùng sông Mã, sông Cả là nơi chế độ mẫu hệ còn bảo lưu rất lâu về sau này. Chúng ta đều biết, sự lan toả của chế độ phụ hệ trong lịch sử Việt Nam có chiều hướng từ phía bắc xuống phía nam. Khối các dân tộc tàn dư hoặc chịu ảnh hưởng của văn hoá Chăm ở miền Trung nước ta cho đến hiện nay vẫn còn chứa đậm nhiều nét bảo lưu của chế độ mẫu hệ. Việc phổ biến cán dao găm tượng nữ ở vùng Nghệ An, Thanh Hoá chứng tỏ chế độ mẫu hệ trong khoảng trước thế kỷ 3 sau Công nguyên còn rất phổ biến tại đây. Ngược lại, vùng phân bố của các tượng nam tập trung ở phía bắc, tức lưu vực sông Hồng (Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh…) phản ánh hiện tượng chế độ phụ hệ có thể đã xác lập phổ biến. Vùng sông Mã được coi như vùng đan xen với sự tồn tại cả hai loại hình với ưu thế trội thuộc về các tượng nữ. Gần đây có một số thông tin phát hiện tượng nam ở vùng Làng Vạc. Điều này, nếu đúng, cũng không lấn át được tính ngự trị của các tượng nữ ở vùng này.2- Tượng đôi trên cán dao găm, một số phát hiện ngẫu nhiên Trong khai quật khảo cổ học chính thức chúng ta chưa từng phát hiện được những tượng đôi trên cán dao găm. Tuy nhiên, trong một số trưng bày và công bố gần đây ở trong và ngoài nước, xuất hiện một số tượng đôi thể hiện trên cán dao găm Đông Sơn. Nhóm nhiều tượng đôi nhất thuộc về sưu tập của Nguyễn Đại Dương trưng bày tại nhà hàng Trống Đông Sơn. Tôi đã có may mắn được nghiên cứu trực tiếp ba tượng đôi thuộc sưu tập này. Theo tôi, chỉ có chiếc dao găm có tượng hai người ngồi trên vai nhau là đáng chú ý. Chiếc dao găm này được người sưu tầm đầu tiên (Nguyễn Đại Dương là người mua lại về sau) cho biết có nguồn gốc Nghệ An (Làng Vạc ?) (hình). Cụm tượng này thể hiện hai người công kênh nhau. Người ngồi trên mang rõ nét những đặc trưng quý tộc nữ. Kiểu đầu tóc bồng chải ngược như phần đầu không chỏm của tượng Núi Nưa hay tượng trên dao găm 2505-77 của Bảo tàng Barbier-Muller[4]. Trang trí trên toàn thân (tay và váy) phản ánh chiếc áo váy thêu in hoa văn. Trên cổ người ngồi trên đeo hai lần vòng chuỗi. Hai tai đeo hai vòng khuyên lớn. Thắt lưng quấn cao trên eo với dải thả búi thõng phía đằng sau. Phần đùi và chân đều có hoa văn trang trí kiểu trang trí trên váy. Hai chân để trần lộ rõ ngón thả thõng đến ngang đùi người bên dưới đước giữ bởi hai tay của người công kêng mình. Cánh tay người ngồi trên khuỳnh ra, phần bàn tay ôm lấy phần đỉnh đầu của người dưới. Mặt quý tộc nữ thể hiện theo kiểu mặt người Núi Nưa, tức khuôn mặt bầu hình trám với chiếc cằm nhọn. Khi bị gỉ dễ nhầm với chòm râu nhọn của đàn ông. Mắt khắc bằng hai đường viền như kiểu vòng tròn đồng tâm. Tượng bên dưới đứng nhìn thẳng, phần đầu bị kẹp giữa đùi người ngồi trên nên không rõ kiểu đeo vòng và trang trí đầu. Hai tay giữ chặt chân người ngồi trên. Thắt lưng và váy được thể hiện rất rõ nét theo những đặc trưng phục trang nữ. Chân đi đất để lộ ngón. Một tượng cán dao găm khác có nội dung tương tự được giới thiệu trong cuốn „Art Ancien du Vietnam – Bronzes et Ceramiques“ do Monica Crick biên tập, xuất bản đầu năm nay ở Geneva (Thuỵ Sĩ)[5]. Theo tác giả, hiện vật này thuộc sưu tập của Phạm Lan Hương. Đó cũng là một cặp đôi nữ công kênh nhau trên vai cùng phong cách với tượng thuộc sưu tập nhà hàng Trống Đông Sơn ở Hà Nội. Dao găm có kiểu chuôi và lưỡi lá tre theo phong cách sông Mã. Trên bản lưỡi có khung trang trí thu theo khuôn hình lá lưỡi. Kiểu trang trí trên toàn thân với búi thắt lưng thả dài khiến chúng được xếp vào nhóm tưọng nữ, mặc dầu người phía dưới to lớn hơn dường như được khắc những nét vạch ở cằm thể hiện vành râu cằm ? Theo tôi người bên dưới cũng là nữ giới. Người ngồi trên có đai đầu và phía sau có một chiếc trâm cài hình chữ C nằm úp hai đầu soắn nhiều vòng. Trên lưng người này có những đường vạch chìm như thể hiện mớ tóc xoã của bức tượng. Mảng eo được thể hiện bằng ba vòng quấn thắt lưng. Dải thắt lưng có búi lớn thả ở phía sau thóng xuống ngang thắt lưng của người công kênh bên dưới. Tai trái người ngồi trên đeo một khuyên nhưng tai phải đeo chồng tời hai khuyên và dường như có cả một cụm chuỗi vòng nhỏ phía trên, như kiểu đeo tai ở tượng chiến binh nam mang đầu lâu trên lưng. Chân người này để trần lộ cả ngón đang quặp chặt vào eo người bên dưới và được giữ bởi hai tay người bên dưới. Trên phần chân từ đầu gối trở xuống của người ngồi trên có những đường trang trí hoa văn rất phổ biến của tượng nữ Làng Vạc, Núi Nưa. Đó là những vòng tròn đồng tâm tiếp tuyến song song đối xứng biến thể thành hai hình chữ S đối xứng gương như cách thể hiện trên quai thạp đồng vậy. Khuôn mặt người trên thể hiện nữ tính rất rõ với đôi mắt khắc chìm vành mi dưới cong hất lên tương ứng với cái miệng đang cười. Hai tay ôm lấy đầu người công kênh mình. Tượng phía dưới đứng thẳng, hai tay nắm chặt cổ chân người ngồi trên. Mặt thể hiện nam tính với râu cằm, tai đeo vòng, nhưng phần trang phục lại thể hiện rõ nét nữ tính với thắt lưng thả búi và váy dài tận chân. Đáng nói nhất ở đây cụm tượng người, thú mang đậm phong cách Làng Vạc với sự thể hiện tập trung cặp tượng nữ sinh đôi ngồi song song trên lưng voi được đỡ bởi hai con thú lạ khác (Hình). Cụm tượng này được tạo thành cán cầm của một lưỡi kiếm ngắn thanh mảnh như một quyền trượng hơn là một vũ khí thực thụ. Chủ nhân lưỡi kiếm này cũng là bà Phạm Lan Hương. Báu vật này hiện đang trưng bày tại Galerie HIOCO, Paris[6]. Cán kiếm là một tác phẩm nghệ thuộc phức hợp chứa đựng nhiều tư duy của nghệ sĩ. Tư duy này phác thảo trên nền một phong cách nổi tiếng của nghệ thuật trang trí cán dao đồng Làng Vạc : Đôi hổ đỡ voi mang bành. Cuộc khai quật Làng Vạc của Viện Khảo cổ học trong những năm chiến tranh (1972-73) đã phát hiện in situ con dao găm đầu tiên như vậy[7]. Bảo tàng Barbier-Mueller cũng sở hữu một chiếc tương tự[8] (hình). Trên thanh kiếm ngắn của Hioco Galerie, phần thân cán cũng tạo bởi hai con thú có hình dáng gần giống với một con tôm khổng lồ. Phần miệng thể hiện hàm răng như cá sấu với hàm dưới lại như một cánh tay đỡ chân con voi. Lần này con voi được tạo hình đối xứng với hai đầu rõ rệt. Bốn trụ chân chính của voi được gắn liền với tay (hàm dưới) con thú (tôm hùm) bên dưới, trong khi hàm trên (hoặc mũi nhọn ở đỉnh mũi tôm, có mắt nổi giống mắt tôm hùm) gắn với vòi và cặp ngà voi. Khi nhìn chính diện mặt voi, hai cái tai vuốt nhọn trông rất giống hình tai trên khuyên hai đầu thú Sa Huỳnh. Tôi nghĩ rằng chúng có ảnh hưởng phong cách nghệ thuật khuyên tai hai đầu thú Sa Huỳnh. Khác biệt là ở sự thể hiện bành voi. Ở các cán dao hổ đỡ voi Làng Vạc khác, phần bành voi thể hiện một bành ngồi có chân đỡ trông như một ngôi nhà sàn mái cong của Inđonesia. Trên thanh kiếm tôi đang nói tới, thay vào vị trí bành voi là tượng hai nữ quý tộc ngồi xổm ở tư thế hai tay ôm gối chắp trước ngực. Đầu gối hở ra và đôi chân để trần lộ ngón. Hai tượng giống nhau như hai chị em sinh đôi. Tượng thể hiện theo phong cách Núi Nưa (Thanh Hoá) với kiểu tóc hất bồng cao có thắt eo ở giữa. Mặt hình trám bầu, cằm nhọn. Mắt kiểu vành tròn đồng tâm có lông mày chấm rải, mũi vuốt nhô. Trên phần cổ và ngực có những vòng chuỗi nhiều tầng. Phía sau lưng gáy là một hốc lõm hình thang có hai vòng bán khuyên, vừa như thể hiện búi tóc, vừa dùng làm chỗ có thể đeo nhạc chuông. Hiện vật này đã được nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm của công ty giám định cổ vật Ciram (Paris). Tôi may mắn có được 2 ngày trong cuối tháng Sáu năm nay nghiên cứu trực tiếp hiện vật và hiện có trong tay toàn bộ kết quả nghiên cứu thành phần hoá học, X-ray của báu vật này.3- Tính biểu trưng và tính mô tả trong nghệ thuật tạo tượng cán dao găm Đông Sơn – hình tượng những nữ anh hùng Việt Nam sống vào cuối văn hoá Đông Sơn : Bà Trưng, Bà Triệu. Từ lâu, tôi đã theo đuổi một ý nghĩ về tính biểu trưng (Symbolism) hay tính tả thực (Realism) của các nhân vật trên cán dao găm. Phân tích 30 cán dao găm hình người, thú Đông Sơn mà tôi hiện có tiêu bản studio có thể nhận thấy các nghệ nhân Đông Sơn đã có những ràng buộc mang tính quy chuẩn kỹ thuật, nghệ thuật khi chế tạo tượng cán dao găm : dáng đứng, kiểu đầu tóc, váy, khố, vòng trang sức, cách thể hiện hoa văn … và ở giai đoạn đầu, cán dao găm Đông Sơn mang tính biểu trưng quyền lực chung của thủ lĩnh nhiều hơn[9]. Tượng người được tạo ra mang tính đại diện chứ không nhằm mô tả một nhân vật cụ thể. Tuy nhiên vào khoảng cuối Đông Sơn (thế kỷ 1 tr.Cn – thế kỷ 3 sau Cn) xuất hiện những pho tượng chứa đựng „cá tính“ – mang rìu chiến, dao găm, đầu lâu người (hình). Phần chắn lưỡi cũng được trang trí thêm bởi những móc câu soắn tròn (hình) và đặc biết xuất hiện tượng quý tộc nữ được công kênh và tượng hai chị em sinh đôi nói trên[10]. Theo tôi, ba hiện vật giới thiệu ở trên có độ tin cậy cao mặc dù nó không nằm trong các cuộc khai quật khảo cổ học chuyên nghiệp. Chúng đều tôn vinh những quý tộc nữ khiến tôi liên tưởng đến sự thực lịch sử gắn liền với những nhân vật nữ anh hùng cụ thể xuất hiện trong khoảng cuối văn hoá Đông Sơn : Hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị đầu công nguyên (thời kỳ người Việt chưa mang họ như ngày nay) và sau đó là Bà Triệu (thế kỷ 2-3 sau Công nguyên, khi người Việt quý tộc bắt đầu mượn họ phương bắc – họ Triệu – vua Nam Việt). Truyền thuyết đều gắn họ với voi chiến (ngựa chiến vào Việt Nam rất muộn và không thuộc truyền thống quân sự Việt). Và hình ảnh hai chị em quý tộc sinh đôi ngồi trên lưng voi hai đầu của chiếc kiếm nói trên hoàn toàn có thể gắn với tính tả thực về hiện tượng khởi nghĩa Hai Bà Trưng gây chấn động cả khu vực Đông Á đương thời. Những tượng nữ mang phong cách Núi Nưa đứng đơn cũng là sự tôn vinh những nữ thủ lĩnh anh hùng như vậy. Đặc biệt tượng nữ trên kiếm ngắn mang rìu chiến hiện trưng bày ở Galerie HIOCO (Paris) là một minh hoạ rất sinh động cho giả thuyết này (hình).TS Nguyễn Việt – Trung Tâm Nghiên Cứu Tiền Sử Đông Nam Á Share this post Link to post Share on other sites
Posted 11 Tháng 7, 2013 Hình tượng cặp rắn quấn nhau cổ nhất Việt Nam Dao găm cặp rắn quấn nhau và voi. Trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc nước ta, hình tượng rắn dường như vắng bóng. Trong lúc có những con vật được tôn vinh thuộc hàng "tứ linh" (Long, Ly, Quy, Phượng) hoặc có những con vật gần gũi nhà nông cũng hay được tạo tượng như cóc trên trống đồng, trâu, bò, gà, lợn, chó… Tại sao lại có chuyện như vậy? Theo nhiều nhà khoa học, có thể rắn đã biến hình thành một con vật không có thật: rồng. Đúng là những con rồng thời Lý, Trần có thân uốn khúc của loài rắn. Có thể con rồng đầu tiên phải thoát thai từ loài rắn. Sau đó, rồng được "chắp" thêm nhiều hình tượng các con vật khác, tùy vào trí tưởng tượng của người đời và mang dấu ấn thời đại. Dĩ nhiên, nếu hình tượng rắn đã biến hóa thành rồng rồi, thì trong điêu khắc không còn thấy con vật này trong vóc dáng thực nữa.Phải đến tận thời Nguyễn, khi đúc 9 chiếc đỉnh đang bày ở sân Đại Nội (Huế), mà chúng ta thường gọi là "Cửu Đỉnh", thì hình bóng của rắn mới lại xuất hiện. Duyên do là Cửu Đỉnh khắc họa cảnh vật điển hình của nước Nam, từ núi sông, biển cả đến các loài động vật, không thể không có mặt loài rắn. Trong số 162 hình khắc họa của 9 cái đỉnh đồng, thì có 36 hình động vật, trong đó có hình một con rắn và một con trăn (cũng là loài rắn lớn).Có lẽ ít người biết được rằng hình tượng rắn đã quen thuộc với người Việt cổ từ thời văn hóa Đông Sơn. Trong cuộc khai quật Làng Vạc, xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đã phát hiện 2 chiếc dao găm có tượng rắn đang cuốn nhau.Chiếc thứ nhất có độ dài khoảng 12cm, có lẽ là dao găm minh khí chứ không phải là dao găm thường ngày sử dụng. Đáng chú ý là phần lưỡi dao găm giống hoàn toàn các dao găm khác của văn hóa Đông Sơn, nhưng phần cán dao lại là một đôi rắn có thân đang quấn chặt vào nhau. Miệng rắn mở to, có đôi mắt lồi. Một con đỡ đôi chân trước, một con đỡ đôi chân sau của voi. Voi được mô tả có vòi dài. Trên lưng voi có bành và trên đó lại có hình tượng một chiếc trống đồng. Nghệ thuật tạo tượng của người Việt cổ đạt đến đỉnh cao, cái mà ngày nay người ta gọi là mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật công nghiệp. Tức là người xưa nhìn quanh mình, thấy cái gì cũng có hồn, cái gì cũng có thể ghép tượng vào được. Ví dụ, cái ấm có vòi dài được ghép vào hình tượng cổ chim và mỏ chim, có cả mắt, trên cổ chim lại có 3 tượng người ngồi vắt vẻo. Trên một cái muôi đồng cũng được ghép tượng một người đang ngồi thổi khèn. Nghệ thuật còn là ở chỗ: người xưa lược bỏ các luật viễn cận và tỷ lệ tự nhiên khi tạo tượng: miệng rắn há ra lại ngoạm trọn chân con voi… Hình tượng rắn trên Cửu Đỉnh (Huế). Ảnh tư liệu. Cái đẹp của nghệ thuật tạo hình thể hiện tâm thức của người xưa khi thể hiện cặp rắn quấn nhau. Có lẽ là rắn đực và rắn cái, thể hiện sự phồn thực, âm dương giao hòa. Biểu tượng phồn thực mong cho mọi loài sinh sôi nảy nở, mùa màng cũng bắt chước loài vật mà bội thu. Cặp rắn quấn nhau là biểu tượng phồn thực. Vậy thì hình tượng của loài động vật này trong cặp mắt người Việt cổ phải là hình tượng đẹp và rắn cũng là một loại linh vật, cội nguồn của sinh sôi, của sự sống. Chiếc dao găm cán tượng này còn mô tả một con voi, một động vật quen thuộc đã thuần hóa, trên lưng voi lại là trống đồng. Điều này khiến ta liên tưởng đến hình ảnh loài voi đã có công với người Việt cổ biết bao nhiêu, từ thời văn hóa Đông Sơn đến Hai Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi ra trận và voi còn theo chân người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh.Nếu như ở nhiều cộng đồng dân tộc khác, ngựa đóng vai trò quan trọng thế nào thì voi đã đóng vai trò quan trọng như thế đối với người Việt xưa. Trống trên lưng voi, chắc là trống trận. Tạo nên cặp tượng rắn quấn nhau - voi - trống đồng quả là sức tưởng tượng và óc sáng tạo của người Việt cổ thật hết sức phong phú mà ít gặp ở các cộng đồng cư dân cùng thời khác.Dao găm cặp rắn quấn nhau và hổ. Chiếc dao găm thứ hai có độ dài khoảng 20 cm, cũng đào được năm 1973 tại khu mộ cổ Làng Vạc. Dao có trang trí hoa văn hình học ở 2 bên lưỡi. Cũng lại mô típ hai con rắn quấn nhau, nhưng miệng rắn lại đỡ chân trước và chân sau của con hổ. Hình tượng cặp rắn quấn nhau trên cán dao găm đồng Làng Vạc là tượng rắn cổ nhất nước ta. Các nhà khảo cổ học đã từng phân tích niên đại bằng phương pháp khoa học tự nhiên của khu mộ này, cho kết quả cách đây hơn 2.000 năm. Vậy, với tư liệu hiện nay thì đây là hình tượng rắn sớm nhất ở ta, bằng chất liệu đồng thau lóng lánh. Đẹp và rất có hồn, phản ánh tâm thức của người Việt một thời. Thể hiện tượng rắn là những người thợ đúc - nghệ sĩ tài hoa.Hình tượng rắn trên cán dao găm Làng Vạc thật quý. Vì sau đó, hình ảnh thật của loài rắn vắng bóng trên nghệ thuật tạo hình Việt. Phải đến hơn 18 thế kỷ sau, rắn (và trăn) mới xuất hiện lại trên Cửu Đỉnh triều NguyễnPGS.TS Trịnh SinhT.S. Share this post Link to post Share on other sites
Posted 11 Tháng 7, 2013 Hình tượng cặp rắn quấn nhau cổ nhất Việt Nam Dao găm cặp rắn quấn nhau và voi. Trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc nước ta, hình tượng rắn dường như vắng bóng. Trong lúc có những con vật được tôn vinh thuộc hàng "tứ linh" (Long, Ly, Quy, Phượng) hoặc có những con vật gần gũi nhà nông cũng hay được tạo tượng như cóc trên trống đồng, trâu, bò, gà, lợn, chó… Tại sao lại có chuyện như vậy? Theo nhiều nhà khoa học, có thể rắn đã biến hình thành một con vật không có thật: rồng. Đúng là những con rồng thời Lý, Trần có thân uốn khúc của loài rắn. Có thể con rồng đầu tiên phải thoát thai từ loài rắn. Sau đó, rồng được "chắp" thêm nhiều hình tượng các con vật khác, tùy vào trí tưởng tượng của người đời và mang dấu ấn thời đại. Dĩ nhiên, nếu hình tượng rắn đã biến hóa thành rồng rồi, thì trong điêu khắc không còn thấy con vật này trong vóc dáng thực nữa. Phải đến tận thời Nguyễn, khi đúc 9 chiếc đỉnh đang bày ở sân Đại Nội (Huế), mà chúng ta thường gọi là "Cửu Đỉnh", thì hình bóng của rắn mới lại xuất hiện. Duyên do là Cửu Đỉnh khắc họa cảnh vật điển hình của nước Nam, từ núi sông, biển cả đến các loài động vật, không thể không có mặt loài rắn. Trong số 162 hình khắc họa của 9 cái đỉnh đồng, thì có 36 hình động vật, trong đó có hình một con rắn và một con trăn (cũng là loài rắn lớn). Có lẽ ít người biết được rằng hình tượng rắn đã quen thuộc với người Việt cổ từ thời văn hóa Đông Sơn. Trong cuộc khai quật Làng Vạc, xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An đã phát hiện 2 chiếc dao găm có tượng rắn đang cuốn nhau. Chiếc thứ nhất có độ dài khoảng 12cm, có lẽ là dao găm minh khí chứ không phải là dao găm thường ngày sử dụng. Đáng chú ý là phần lưỡi dao găm giống hoàn toàn các dao găm khác của văn hóa Đông Sơn, nhưng phần cán dao lại là một đôi rắn có thân đang quấn chặt vào nhau. Miệng rắn mở to, có đôi mắt lồi. Một con đỡ đôi chân trước, một con đỡ đôi chân sau của voi. Voi được mô tả có vòi dài. Trên lưng voi có bành và trên đó lại có hình tượng một chiếc trống đồng. Nghệ thuật tạo tượng của người Việt cổ đạt đến đỉnh cao, cái mà ngày nay người ta gọi là mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật công nghiệp. Tức là người xưa nhìn quanh mình, thấy cái gì cũng có hồn, cái gì cũng có thể ghép tượng vào được. Ví dụ, cái ấm có vòi dài được ghép vào hình tượng cổ chim và mỏ chim, có cả mắt, trên cổ chim lại có 3 tượng người ngồi vắt vẻo. Trên một cái muôi đồng cũng được ghép tượng một người đang ngồi thổi khèn. Nghệ thuật còn là ở chỗ: người xưa lược bỏ các luật viễn cận và tỷ lệ tự nhiên khi tạo tượng: miệng rắn há ra lại ngoạm trọn chân con voi… Hình tượng rắn trên Cửu Đỉnh (Huế). Ảnh tư liệu. Cái đẹp của nghệ thuật tạo hình thể hiện tâm thức của người xưa khi thể hiện cặp rắn quấn nhau. Có lẽ là rắn đực và rắn cái, thể hiện sự phồn thực, âm dương giao hòa. Biểu tượng phồn thực mong cho mọi loài sinh sôi nảy nở, mùa màng cũng bắt chước loài vật mà bội thu. Cặp rắn quấn nhau là biểu tượng phồn thực. Vậy thì hình tượng của loài động vật này trong cặp mắt người Việt cổ phải là hình tượng đẹp và rắn cũng là một loại linh vật, cội nguồn của sinh sôi, của sự sống. Chiếc dao găm cán tượng này còn mô tả một con voi, một động vật quen thuộc đã thuần hóa, trên lưng voi lại là trống đồng. Điều này khiến ta liên tưởng đến hình ảnh loài voi đã có công với người Việt cổ biết bao nhiêu, từ thời văn hóa Đông Sơn đến Hai Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi ra trận và voi còn theo chân người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh. Nếu như ở nhiều cộng đồng dân tộc khác, ngựa đóng vai trò quan trọng thế nào thì voi đã đóng vai trò quan trọng như thế đối với người Việt xưa. Trống trên lưng voi, chắc là trống trận. Tạo nên cặp tượng rắn quấn nhau - voi - trống đồng quả là sức tưởng tượng và óc sáng tạo của người Việt cổ thật hết sức phong phú mà ít gặp ở các cộng đồng cư dân cùng thời khác. Dao găm cặp rắn quấn nhau và hổ. Chiếc dao găm thứ hai có độ dài khoảng 20 cm, cũng đào được năm 1973 tại khu mộ cổ Làng Vạc. Dao có trang trí hoa văn hình học ở 2 bên lưỡi. Cũng lại mô típ hai con rắn quấn nhau, nhưng miệng rắn lại đỡ chân trước và chân sau của con hổ. Hình tượng cặp rắn quấn nhau trên cán dao găm đồng Làng Vạc là tượng rắn cổ nhất nước ta. Các nhà khảo cổ học đã từng phân tích niên đại bằng phương pháp khoa học tự nhiên của khu mộ này, cho kết quả cách đây hơn 2.000 năm. Vậy, với tư liệu hiện nay thì đây là hình tượng rắn sớm nhất ở ta, bằng chất liệu đồng thau lóng lánh. Đẹp và rất có hồn, phản ánh tâm thức của người Việt một thời. Thể hiện tượng rắn là những người thợ đúc - nghệ sĩ tài hoa. Hình tượng rắn trên cán dao găm Làng Vạc thật quý. Vì sau đó, hình ảnh thật của loài rắn vắng bóng trên nghệ thuật tạo hình Việt. Phải đến hơn 18 thế kỷ sau, rắn (và trăn) mới xuất hiện lại trên Cửu Đỉnh triều Nguyễn PGS.TS Trịnh SinhT.S. Cặp dao găm nói trên là một di vật khảo cổ - dành cho những ai coi "di vật khảo cổ" là bằng chứng khoa học. Vấn đề là hình tượng trên cặp dao này nói lên điều gì? Phải chăng đây là tư duy của một thứ "liên minh bộ lạc" với người dân "ở trần đóng khổ"?Bởi vậy, "di vật khảo cổ" tự nó không nói lên điều gì. Vấn đề vẫn cứ phải là cách giải thích hiện tượng có thật sự thể hiện tính khoa học hay không? 1 person likes this Share this post Link to post Share on other sites