wildlavender

PHẬT TẠI TÂM! TÂM TẠI Ý, Ý TẠI HÀNH ĐỘNG

1 bài viết trong chủ đề này

Phật tại Tâm! Tâm tại Ý. Ý tại Hành động. Hãy hành động tốt!

Thứ sáu, 28/11/2008, 07:00 GMT+7

Linh thiêng, tôn nghiêm, yên tĩnh, thanh bình... cái người ta nghĩ, mong tìm được khi đến không gian đình chùa là vậy! Vậy nhưng dường như, những điều ấy chỉ còn là một sự viễn tưởng trong ẩn ức xa xưa! Khi xã hội hiện đại phát triển một cách chóng mặt với tất cả những xáo trộn, bát nháo của nó mà không có được một sự bảo đảm vững chắc từ vốn văn hóa của mỗi người dân, không gian chùa cũng trở thành nơi cho người ta trút lên đó tất cả những tham sân si của mình, của người.

Thay vì đi tìm sự thanh thản của tâm hồn, người ta đi chùa để cố gắng trút bỏ tội lỗi, để cầu danh mong lợi, để “mua” thêm chút may mắn cho chuyến đi buôn, cho lần thăng chức này…. Ông to, bà lớn thì mong quyền ngày càng cao, lợi ngày càng nhiều, đi cửa nào qua cửa ấy, thoát vòng tù tội. “Bình dân” hơn thì buôn lời bán lãi, buôn một bán mười, tình duyên suôn sẻ… Thậm chí, đến chùa người ta còn nghe được những lời cầu “siêu thực” đến độ: cầu ngoại tình không bị phát hiện. Mọi thứ thực đến không thể thực hơn, đời đến không thể đời hơn, tất cả những ham muốn hỉ nộ ái ố lạc đều được người đời mang đến cầu khẩn dưới chân Phật với “tấm lòng thành kính” nhất. Cũng bởi vậy, chuyện những ngôi chùa trở thành địa điểm tập trung đông đúc, náo nhiệt của một số lượng lớn “Phật tử” trong những ngày ba mươi, mùng một rồi ngày lễ tết hay hội chùa là điều khỏi cần bàn tới. Cũng là tất yếu bởi nhu cầu tâm linh là lớn lắm! Những ngày ấy, đến chùa quả thực, người ta phải ngỡ ngàng vì niềm tin vào Phật lại lớn đến vậy? Trên con đường dẫn vào chùa đâu đâu cũng chỉ thấy người là người đang chen chân, chen tay nhau mà hành hương về với đức Phật. Nhưng nếu mọi việc chỉ đơn thuần như vậy, hẳn cũng không có quá nhiều điều để phàn trách. Tâm linh là của mỗi cá nhân, nhu cầu lại cũng là rất riêng với mỗi con người nên chuyện cầu khấn, mong ước thế nào cũng chẳng thể cấm đoán, ngăn cản hay hoặc định dạng chuẩn theo kiểu chính sách được. Khốn nỗi, cái phát sinh, cái phiền hà lại nảy sinh nhiều hơn từ chính những nhu cầu phụ đi kèm với nhu cầu tâm linh. Sau một quãng đường lặn lội xa xôi để có thể trình diện dưới chân Phật, để cởi lòng mình với Đức Phật, cầu khấn khấn xong tức là phải “giải trí”, thư giãn, phải bồi bổ, lấy lại sức khỏe. Mà thư giãn, bồi bổ còn gì hơn là ăn uống, mua sắm! Có cầu, ắt phải có cung! Vậy nên, chùa đâu là chợ đấy, cầu khấn đâu, ăn uống, mua sắm đấy! Chẳng cần phải kể đến những quán xá với đủ các loại sản phẩm bao quanh những ngôi chùa như một hệ thống rào thép gai vững chắc mà ngay cả sân chùa, vườn chùa, người ta cũng chẳng tha. Những ngôi chùa như chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Hương, chùa Yên Tử… được đánh giá là rất linh thiêng. Do đó, vào những dịp lễ hội, chùa thu hút một lượng rất đông du khách và các tín đồ Phật tử đến để dâng hương, cầu lễ. Khi đến chùa vào những ngày này, bạn sẽ bị ngợp, bị choáng không chỉ bởi người người đang nườm nượp đi lại, khấn vái cũng như làm trăm nghìn công việc khác mà còn bởi lượng lều quán với đủ loại đồ ăn cũng như các loại hàng hóa bày bán ở đây. Những hàng quán này tập trung lại có thể đạt đến “tầm cỡ” của một cái chợ hạng trung. Lúc này, nếu nói đó là một cái chùa, e không đúng, bởi cái chợ kia thì bỏ đi đâu? Gọi là cái chợ thì e cũng không phải, bởi dù có nhỏ, có bị khuất lấp, bị “đè bẹp” thì vẫn còn đó cái chùa. Thôi đành gọi nó là cái chợ chùa hay chùa chợ vậy !

Ngỡ rằng, đến chùa, chẳng phải thấy những tanh hôi đời thường, thấy rượu bia nồng nặc men say, thấy những mảng thịt đang còn tươi rói au đỏ màu máu! Nhưng không, cái chợ ở chùa là cái chợ có “tất tần tật” mà theo ngôn ngữ của giới trẻ hiện đại là “bao luôn từ A đến Z”. Từ hương hoa, lễ lạt, vàng mã,.. cho thần Phật đến đồ ăn, thức uống của người trần, đều đủ cả. Cạnh hàng vàng mã với đủ các loại tiền vàng, hương nhang, hoa quả… để sắm lễ lên chùa lạy Phật là những quán phở, quán cơm,…(trăm kiểu quán, tây ta lẫn lộn) với người người đang ngồi xì xì xụp xụp ăn uống.

Để lên được chùa Tây Phương ngự trên đỉnh núi Ngưu Lĩnh Sơn, sau khi vượt qua con đường đất bụi vàng mù mịt, người, xe hàng hóa chen lấn, bạn sẽ được chứng kiến những lều quán nhỏ nhỏ xinh xinh ven hai bên những bậc thang lên chùa để đáp ứng nhu cầu của các Phật tử! Càng lên đến chùa, thay vì cảm nhận được sự trong lành, tịnh tâm của cõi Phật, người ta lại càng nhận thấy nồng đậm hơn mùi rượu, mùi bia kèm lẫn mùi cá chỉ vàng, cá mực nướng! Không gian chùa sực nức thứ “nước hoa” đậm đặc ấy! Mùi khói hương mang theo cái thanh tịnh của tâm hồn tuyệt nhiên không sao vượt thoát được sự bủa vây của những loại hương vị quá ư là nặng mùi này! Vào đến sân chùa thì cái tục, cái phàm trần cũng đạt đến cực điểm của nó bởi sân chùa đã trở thành một cái chợ nhỏ bất đắc dĩ. Vách ngăn duy nhất giữa khói hương nhà chùa và những quán xá kiểu ấy là ba bậc thềm đá. Người ta thắp hương, khấn Phật trong mùi cá, mực nướng, trong tiếng í ới mua bán, mặc cả, trong những cái cụng ly, trong những cái xé, nhai, nuốt nhồm nhoàm. Người ta gửi những lời cầu khẩn đến Phật bằng hương cá, hương mực, hương rượu bia! Thậm chí, tay người thắp hương còn vương mùi cá, thoảng hương rượu. Tiếng phạch phạch quạt bếp than của những người nướng cá mực càng góp phần đẩy mạnh hơn nữa những luồng hương trần tục ấy vào chốn cửa Phật!

Văn hóa tâm linh đã bị bóp méo bởi những hành động vẫn mượn danh tâm linh này. Họ cười nói rôm rả, phấn khởi. Nào thì là đã dâng được cái lễ to lắm cho nhà Phật, lại đọc cả tên tuổi địa chỉ để Phật nhớ nữa! Rồi thì viết sớ, dâng tấu trình, đủ cả, chuẩn cả! Nào thì đã trả được cái lễ năm trước vay nhà Phật, lại đã cầu xin được phước lành, lộc phát cho năm nay, rồi còn hứa hẹn sang năm lại trả cho Phật nhiều hơn, to hơn. Phen này, làm ăn thì tha hồ mà khấm khá, phát đạt, buôn năm được mười,... Cứ vậy, họ “thênh thang” tâm trạng mà hồi hương.

Nói cái chuyện ăn, lại phải bàn sang cái chuyện mặc. Với quan niệm: Phật cũng là người mà nên, Phật tử đi chùa giờ cũng góp phần làm cho đức Phật được mở mang tầm mắt, được “mát con mắt bên trái mà sướng con mắt bên phải” với các loại trang phục đủ loại sắc màu, đủ loại kiểu dáng. Từ sooc ngắn, lỡ, ngố, loe dài cho đến các loại váy, đầm liền thân, đầm dời. Áo thì lửng tay, sát nách! Cô nào mát mẻ, sành điệu hơn tí nữa thì áo hai dây tung tăng đi chùa. Gặp tiết trời nóng, lại leo đường núi mệt quá rồi thì các Phật tử cũng chẳng ngần ngại mà cởi phanh áo ngoài, diện luôn cái áo mỏng manh, trong suốt ở trong. Nhẹ nhành hơn thì phanh một vài cái cúc trên, còn ở dưới thì buộc túm lại để lộ cái rốn xinh xinh giống các ca sĩ nhà mình vẫn làm khi lên sân khấu đó.

Cũng bởi những thái độ ứng xử ấy mà đến chùa, người ta thấy xuất hiện nhiều biển cấm dở khóc, dở cười. Đại loại kiểu: “Cấm mặc váy ngắn, quần đùi, áo hở nách”, Cấm khạc nhổ”,… Rồi thì những tấm biển lưu ý người hành hương: chú ý đề phòng mất cắp, đề phòng móc túi,… Phàm, sống trong đời, ắt hẳn phải có những điều cấm! Từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, từ chuyện nhỏ đến chuyện cực nhỏ, chuyện gì cũng có những quy định, yêu cầu riêng của nó. Bởi thế, tất phải có cấm! Cấm nhắc nhở người ta, lưu ý người ta về những điều nên – không nên làm, phải – không phải làm với “mong ước nhỏ nhoi” là làm cho con người và cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng, đôi khi nhìn vào những điều cấm, lại thấy chạnh lòng vì vốn văn hóa, vốn sống hay những điều căn bản của con người dường như không có! Lên chùa, nhìn những biển cấm ấy, lại càng phải ngẫm nghĩ cho văn hóa ứng xử với chính đời sống tâm linh mình của người Việt. Lên chùa để khạc nhổ? Lên chùa để diễn thời trang quần sooc, áo hai dây? Lên chùa để móc túi, để trộm cắp? Hay lên chùa để xóc đĩa, ba cây? Lên chùa để làm từng ấy việc sao?

Ở đất nước mà đạo Phật chiếm giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh con người như Việt Nam, những ngôi chùa luôn hiện hữu và tồn tại như chứng tích lớn nhất cho văn hóa tâm linh độc đáo này. Thế nhưng, chính những người con dân đất Việt lại tự biến đời sống tâm linh của mình thành mớ hỗn độn, thành nơi vụ lợi, thành những trò mua bán, đầy tính toán. Không tôn trọng đời sống tâm linh của mình, họ đang tự tạo ra cho mình những hố ngăn, lỗ hổng mới về văn hóa tinh thần. Thử hỏi, ai lên chùa, sau tất cả những bon chen chật đường bụi bặm vì hàng hóa, vì đồ ăn thức uống ấy, thấy nhẹ lòng với chính mình? Ai tìm được ở nơi đó vài phút tĩnh tâm. Tâm. Đến tâm linh mình, giá trị tinh thần của chính mình, người dân Việt còn không biết trân trọng, thử hỏi những ngoại khách sẽ nhìn nhận như thế nào về văn hóa tôn giáo ấy, về bản sắc đời sống tinh thần ấy?

Nhìn sang đất nước láng giềng Thái Lan mới thấy mình khác xa họ về cách ứng xử với chính tâm linh của mình quá, mình kém họ nhiều quá về sự tôn trọng, nâng niu những giá trị tinh thần ấy quá. Không chi chít quầy hàng ăn uống, không từng đoàn người ăn xin lăn lê bò toài ra đất cất giọng thều thào, không có cảnh chèo kéo, mời mọc mua hàng cũng chẳng có những biển cấm với những điều cấm có một không hai... Tất cả đều yên tĩnh và tôn nghiêm đến tuyệt vời mặc dù cũng có rất đông khách nước ngoài và người bản xứ về đây cầu khẩn Đức Phật. Thái độ tôn trọng, thành kính trước văn hóa tâm linh của cộng đồng dân tộc mình của những người chủ nhà khiến cho du khách không thể không làm theo.

Cấm rốt cục cũng chỉ là giải quyết ở khâu bề nổi và sẽ chẳng thể thay đổi được gì nếu bản thân con người không hiểu rõ người ta đến cõi Phật để làm gì! Con đường đến với Phật, đến với Niết Bàn, gạt bỏ những tham sân si dường như còn xa lắm!

Đỗ Hòa (Vietimes)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay