Lê Bá Trung

Những ngôi nhà “dị thường” trong thành phố .

1 bài viết trong chủ đề này

Giai thoại nhà chú Hỏa

Tọa lạc tại số 97, đường Phó Đức Chính, Q1, TPHCM trải qua bao thời gian, tòa nhà vẫn sừng sững với dáng dấp cổ kính, tĩnh lặng, thâm u, càng làm cho những giai thoại về chủ nhân và ngôi nhà thêm phần huyền hoặc. Dù nay đã là trụ sở Bảo tàng Mỹ thuật thành phố nhưng ngôi nhà vẫn chất chứa rất nhiều điều bí ẩn, gợi tò mò bởi nó gắn liền với nhiều huyền thoại cùng tên tuổi một đại phú người Hoa lừng lẫy của Sài Gòn trăm năm về trước.

Đó là chú Hỏa, một trong tứ đại hào phú lừng lẫy của Sài Gòn xưa mà dân gian từng tôn vinh: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa” (Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt; Tổng đốc Phương - Đỗ Hữu Phương; Bá hộ Xường - Lý Tường Quan và chú Hỏa - Hui Bon Hoa). Tuy xếp thứ tư nhưng chú Hỏa là người có nhiều huyền thoại và để lại nhiều dấu ấn nhất, trong đó phải kể đến tấm lòng không chỉ thu vén cho riêng mình mà còn biết hướng tới cộng đồng của ông, “tuy làm giàu cho mình đã đành, nhưng cũng giúp ích rất nhiều cho sự mở mang thạnh vượng kinh tế miền Nam” (Vương Hồng Sển - Sài Gòn năm xưa, phần VII: Nhơn vật Hoa kiều)

Chú Hỏa - Hui Bon Hoa, hay như nhiều người Sài Gòn cũ vẫn gọi thân mật là chú chệt Hứa Bổn Hòa, gốc người Minh Hương - nhóm người Hoa rời bỏ Trung Quốc di cư sang nước ta khi triều đình Mãn Thanh tiêu diệt nhà Minh - được chúa Nguyễn cho định cư ở Nam bộ từ thế kỷ 17. Tương truyền, từ hai bàn tay trắng với một gánh ve chai trên vai, chú đã tạo dựng nên sự nghiệp lừng lẫy khiến cho người đời sau còn nhắc nhớ.

Vua nhà đất

Posted Image

Cổng chính vào Bảo tàng Mỹ thuật.

“Đi tàu chú Hỷ, ở nhà chú Hỏa” là câu truyền khẩu nổi tiếng của người Sài Gòn xưa. Nếu như chú Hỷ là ông “vua tàu bè” có tàu Thông Hiệp chạy khắp Nam kỳ - Lục tỉnh lúc bấy giờ thì chú Hỏa là ông “vua nhà đất” với gia sản ước trên 20.000 căn nhà phố khắp khu vực Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn. Ông thành lập Công ty Hui Bon Hoa và các con, cực thịnh vào khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, có những đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng thành phố Sài Gòn.

Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển: “Hui Bon Hoa có nhiều con cháu luôn luôn hòa thuận, gia tài giữ nguyên vẹn không chia phần manh mún, chỉ cùng nhau chia lợi tức, và mỗi khi cần dùng số tiền to tát thì người trong họ phải xin chữ ký của người trưởng huynh, khi ấy ngân hàng mới phát bạc. Nhờ giữ gìn có phương pháp cho nên sự nghiệp Hui Bon Hoa ngày càng đồ sộ thêm mãi, không sứt mẻ mảy may nào. Sơ khởi, chú Hỏa nghe đâu hùn hiệp với một người Pháp bao thầu khuếch trương các tiệm cầm đồ (Mont de piété) trong Nam Kỳ. Hiện nay phố xá Sài Gòn một phần lớn là của Công ty Hui Bon Hoa làm chủ. Nhưng công ty này được tiếng là “rất biết điều” và không eo xách, làm khó người mướn phố”.

Không chỉ xây các dinh thự hoành tráng cho gia đình mình, chú Hỏa còn xây những dãy phố, cùng hàng loạt các công trình dân dụng dành cho cộng đồng như bệnh viện, chùa chiền… Trong số các công trình tiêu biểu vẫn được sử dụng cho đến ngày nay có Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, Nhà khách Chính phủ, chùa Kỳ Viên, khách sạn Palace - Long Hải… Majestic là khách sạn đồ sộ bậc nhất thời ấy, được thiết kế theo đồ án của một kiến trúc sư người Pháp. Cũng như Bảo tàng Mỹ thuật hay Nhà khách Chính phủ, Majestic xây dựng theo phong cách Baroque rất được ưa chuộng thời bấy giờ và ngay cả hiện nay, nó mang dáng vẻ kiến trúc cổ châu Âu thời phục hưng, cổ kính và sang trọng bậc nhất Sài Gòn ngay khi xây xong vào năm 1925.

Mua ve chai nhặt được vàng

Posted Image

Phía trên cổng vẫn còn logo với chữ “H.B.H” – Hui Bon Hoa.

Đó là giai thoại được kể nhiều nhất khi nói về chú Hỏa, trong đó có nhiều điểm trùng nhau, ví dụ sinh thời chú Hỏa làm nghề mua bán ve chai. Nhiều người kể, có dịp vào nhà chú Hỏa lúc trước giải phóng đã nhìn thấy đôi quang gánh đặt trong tủ kính, chưng giữa nhà như vật vừa trang trí, vừa là kỷ niệm thuở hàn vi.

Rất nhiều người kể, trong một lần thu mua ve chai, chú Hỏa nhặt được cả túi vàng nằm trong một chiếc ghế nệm cũ; người khác nói chú mua được bức tượng đúc đồng nhưng bên trong đầy vàng. Còn theo một số người khác, khi lê la hầu như khắp Sài Gòn - Chợ Lớn để thu mua những thứ bỏ đi của thiên hạ, chú Hỏa đã mua trúng đồ cổ, “chú thạo chữ Hán nên biết trong đám đồ người ta vứt ra có đồ cổ từ thời Nguyên, đời Thanh, thậm chí từ đời Hán”.

Một giai thoại nữa cho rằng chú Hỏa rất rành về phong thủy nên đã an táng mộ cha đúng long mạch nên làm ăn phát đạt. Số khác cho rằng chú vốn dòng dõi nhà Minh, do ly loạn nên tạm chôn giấu của cải để lánh thân, về sau chú trở lại quê nhà Trung Quốc, đào số của cải gia bảo ấy lên mang sang làm vốn hùn hạp làm ăn với người Pháp rồi dần dà phát đạt. Số khác lại cho rằng vào thời ấy chú đã là… đại lý ve chai, khấm khá, chú chuyển sang mở tiệm cầm đồ, một mặt mua đất cất nhà bán hoặc cho thuê. Nói theo ngôn ngữ bây giờ thì chú là “trùm nhà đất”, mà “kinh doanh bất động sản thì thời nào chả chóng phất” - nhiều người bình luận.

Một giả thuyết khác cho rằng chú Hỏa đã làm việc với một chủ người Pháp, nhờ tính siêng năng lại thật thà nên ông chủ Pháp thương, giúp chú vốn liếng mở tiệm cầm đồ và buôn bán. Các giai thoại trên đều mơ hồ nhưng có một thực tế ít ai đề cập đến đó là ngoài sự cần mẫn làm ăn, chịu khó, chú Hỏa còn có một đầu óc kinh doanh siêu hạng.

Không chỉ nổi tiếng trong nước, bấy giờ, chú Hỏa còn lừng lẫy khắp Đông Dương không chỉ bởi gia sản kếch sù mà còn bởi sự thức thời. Chú có hơn chục người con thì hầu hết được cho đi du học tại các nước lớn như Anh, Pháp, Đức, Nhật… Được biết, các con chú ai nấy đều học hành thành đạt, mỗi người đều được nhập quốc tịch, được lưu lại làm việc ở nước sở tại.

Dinh thự có 99 cửa

Nằm ở khu tứ giác đắc địa của Sài Gòn là Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm - Calmette - Nguyễn Thái Bình, hiện tòa nhà được dùng làm Bảo tàng Mỹ thuật thành phố. Từ trước 1975 đã có rất nhiều lời đồn đại, cho rằng ngôi nhà này có… ma! Nhiều người kể đã nhiều lần nhìn thấy bóng trắng thấp thoáng lướt đi qua các dãy hành lang trong đêm khuya, người khác khẳng định đã nghe hồn ma đêm đêm hiện về gào khóc.

Giai thoại ngày càng nhiều, đến nỗi trước 1975 có cả một bộ phim tựa đề “Con ma nhà họ Hứa” (hãng phim Dạ Lý Hương, đạo diễn Lê Mộng Hoàng), gắn liền với tên tuổi của các ngôi sao màn bạc VN thời bấy giờ như Bạch Tuyết, Thanh Tú, Dũng Thanh Lâm, Thanh Việt, Tùng Lâm, Năm Sa Đéc… Bộ phim gây tiếng vang lớn, là một trong những bộ phim ma đầu tiên của điện ảnh VN, dù kỹ thuật “nhát ma” của ta lúc ấy được xếp vào hạng… thô sơ.

Tòa nhà vốn là dinh thự chính của chú Hỏa, được thiết kế rất đẹp và độc đáo theo phong cách Art - déco, kiểu dáng kiến trúc cổ hòa hợp giữa hai trường phái xây dựng Á-Âu, tường nhà được đúc kiên cố, dày từ 40-60cm. Ngôi nhà hiện đã trên trăm tuổi, được xây dựng vào những năm 20 của thế kỷ trước. Tương truyền khi thiết kế, dinh thự này có một trăm cửa lớn, cửa nhỏ và cửa sổ. Thế nhưng, Toàn quyền Đông Dương khi duyệt thiết kế đã bắt chủ nhân bỏ đi một cửa và không được mở cổng chính với lý do cổng này to hơn cổng Dinh toàn quyền, vậy nên hiện nay dinh thự chỉ có chín mươi chín cửa.

Mặt bằng tổng thể khối nhà hình chữ U, cấu trúc bên trong tòa nhà hiện bao gồm: tầng hầm dành cho khối văn phòng làm việc; tầng trệt dành cho các gallery hoạt động triển lãm và kinh doanh tranh như Không Gian Xanh, Lạc Hồng, Nhật Lệ, Spring…; lầu 1 là nơi trưng bày tranh tượng mỹ thuật; lầu 2 trưng bày các đồ gốm sứ, thủ công mỹ nghệ truyền thống. Chính thức thành lập từ năm 1987, và đưa vào hoạt động năm 1992, cho đến nay số hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP đã lên đến gần 20.000, trên diện tích hơn 4.000m2, đây là nơi lý tưởng để tổ chức các hoạt động triển lãm và sinh hoạt văn hóa nghệ thuật.

Kỳ II: “Hồn ma” trong ngôi nhà cổ

Cũng như chuyện chú Hỏa xuất thân ra sao và vì đâu trở nên giàu có lạ thường, chuyện về “hồn ma” trong dinh thự chú Hỏa cũng có nhiều giai thoại huyền hoặc chẳng kém...

Giai thoại

Posted Image

Căn phòng này, theo nhiều người, là căn phòng trước kia con gái chú Hỏa ở. Ảnh: S.P

Vào thời ấy, ngoài bộ phim “Con ma nhà họ Hứa” do đạo diễn Lê Mộng Hoàng thực hiện trước 1975, đã có không ít sách báo và cả sân khấu cũng không bỏ lỡ cơ hội khai thác đề tài này bên cạnh những câu chuyện truyền khẩu góp phần làm cho sự thật càng thêm mờ mịt.

Theo những lời đồn đại, chú Hỏa có hàng chục người con trai nhưng con gái thì chỉ có một, lại rất xinh đẹp nên chú đặc biệt cưng chiều. Bỗng nhiên, không còn ai thấy cô con gái ấy xuất hiện nữa. Từ đó, vào những đêm khuya thanh vắng, từ trong tòa nhà vẳng ra tiếng kêu khóc thảm thiết. Rồi một sáng, người Sài Gòn giở nhật trình ra, ngỡ ngàng thấy có mẩu tin chú Hỏa đăng cáo phó báo con gái mất. Mẩu tin còn cho biết do con gái bị bạo bệnh ra đi bất đắc kỳ tử, lại nhằm vào giờ trùng nên tang lễ chỉ làm sơ sài, thi hài sẽ được đưa đi an táng tại khu đất thuộc Long Hải, cạnh ngôi biệt thự nghỉ mát của gia đình.

Từ đó, dư luận bắt đầu đồn đại dữ dội, không ít người quả quyết đã tận mắt thấy “hồn ma” con gái chú Hỏa đêm đêm xuất hiện trong khu nhà gào rú, khóc than. Người khác bảo thấy có bóng áo trắng, tóc xõa, phất phơ lướt đi trong đêm, dọc hành lang, qua những cửa sổ để ngỏ (dinh thự chú Hỏa đặc biệt có rất nhiều cửa sổ).

Một hôm, đám người hiếu kỳ vồ lấy một anh thợ được thuê vào dinh thự sửa chữa điện, rồi cùng toát mồ hôi lạnh khi nghe anh này kể về một căn phòng rất đặc biệt trên tầng cao nhất. Phòng rất đẹp và đầy đủ tiện nghi nhưng lại rất giống một phòng giam bởi sự kiên cố và bí hiểm bao trùm. Cửa ra vào phòng này có khoét một ô nhỏ và anh thợ điện quả quyết đã nhìn thấy người làm rón rén truyền khay thức ăn qua ô cửa nhỏ đó…

Các câu chuyện được dịp bùng nổ. Người bảo con gái chú Hỏa còn sống, người bảo đã chết, người nói cô con gái ấy còn sống nhưng cũng như đã chết vì bị tâm thần…

Về ngôi biệt thự ở Long Hải, người ta tiếp tục đồn rằng tất cả những người làm của tiểu thư lúc còn sống đều được chuyển tới Long Hải để phục dịch cho… người chết. Thời gian sau, các tờ báo lá cải Sài Gòn lúc đó lại đưa tin: vì hám của (người Hoa thường chôn theo người chết nhiều của cải), nên vào một đêm, hai tên trộm lẻn vào quật mồ con gái chú Hỏa và họ thấy quan tài trống rỗng…

Một quyển sách có tựa đề “Ngôi mộ cổ nhà họ Hứa” khá phổ biến trên văn đàn người VN tại hải ngoại, của tác giả Phạm Phong Dinh lại viết: cô con gái chú Hỏa tên thật là Hứa Tiểu Lan, mất vì bệnh nan y, được chôn cất trong ngôi mộ cổ cạnh nghĩa trang Biên Hòa. Một hôm có anh thương binh tên Tính, tình cờ đi lạc vào khu nghĩa trang. Đoạn này, sách mô tả: “Dưới ánh trăng mờ, Tính trông thấy một cái bóng trắng đang đi vòng quanh những nấm mồ, tà áo dài bay phất phới theo từng cơn gió đùa. Một con cú đang đậu trên chòm cây cao su rúc lên một tràng dài kinh dị. Có lẽ nó đã trông thấy chiếc áo trắng ma quái chập chờn giữa những nấm mồ hoang...”.

Sự thật?

Chú Hỏa có cô con gái đang độ tuổi thanh xuân, đột nhiên mắc bệnh nan y mà y học lúc đó phải thúc thủ. Chú Hỏa mặc dù tài sản vô số, cũng đành bất lực nhìn con gái chịu đau đớn về thể xác và tinh thần. Vì con gái cứ gào khóc đêm đêm và tự hành hạ, hủy hoại mình khiến xuất hiện quá nhiều lời đồn đại. Chú Hỏa buộc phải nhốt con gái trong một căn phòng kín và sai gia nhân chăm sóc nhưng tiếng kêu than đau đớn của cô gái nhiều khi không cách gì kìm hãm đã vượt thoát qua những bức tường dày của ngôi dinh thự, làm kinh hồn những người bất chợt nghe thấy, nhất là trong những đêm khuya. Đôi lần, khi những người làm bất cẩn, cô gái lập tức thoát ra khỏi căn phòng, hình hài tiều tụy, tóc tai xõa xượi, bù rối, cười cười khóc khóc chạy khắp các dãy hành lang…

Càng về sau, khi những lời xầm xì làm ảnh hưởng đến chuyện làm ăn kinh doanh và uy tín của cả gia đình, dù rất đau đớn, chú Hỏa một mặt cáo phó cho con gái, mặt khác kín đáo đưa con gái về nghỉ dưỡng tại khu biệt thự ở Long Hải (sau này là khách sạn Palace trên bãi biển thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu), sai người tiếp tục trông nom, chăm sóc cho đến ngày cô gái ấy thực sự qua đời tại nơi này. Thế nhưng, con người thành đạt và giàu có vốn rất giỏi suy tính ấy ít nhất đã tính sai trong việc đánh lừa dư luận bởi sau đó những lời đồn đãi còn dữ dội hơn và ngày càng đi quá xa.

Và, trong vô số các mẩu chuyện huyễn hoặc, câu chuyện trên có lẽ gần sự thật hơn cả. Thế nhưng, cũng theo nhiều người, mọi sự thật về chú Hỏa và con gái chú đã theo chú xuống mồ.

“Con ma nhà họ Hứa” trở lại?

Ngôi nhà có “hồn ma” con gái chú Hỏa nay đã được dùng làm nơi triển lãm, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, hàng ngày mở cửa đón khách trong và ngoài nước đến tham quan. Diện mạo mới cùng sự ngăn nắp, sang trọng và không khí nghệ thuật ngập tràn đã đẩy lùi vẻ thâm u của dinh thự và phần nào đẩy lùi những giai thoại huyền hoặc chất chứa đầy màu sắc mê tín vào quá khứ.

Nhưng, trong một chuyến về nước, đạo diễn Lê Hoàng Hoa - một đạo diễn say mê làm phim kinh dị hiện đang sinh sống tại Ba Lan - đã hâm nóng sự quan tâm của mọi người về đề tài “hồn ma con gái chú Hỏa”. Ông dự kiến sẽ làm bộ phim kinh dị với tựa đề “Con ma nhà họ Hứa trở về” với các diễn viên Nguyễn Chánh Tín, Lê Khanh, Thúy Hằng... Bối cảnh được tiết lộ sẽ quay tại Đà Lạt (trong một ngôi biệt thự rất nổi tiếng bởi lâu nay chịu cảnh hoang phế cũng vì lời đồn đoán có… ma!). Chưa biết chuyện phim sẽ khai thác đề tài này ở góc độ nào nhưng theo nhận định của một số người trong nghề, chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của khán giả bởi sự hấp dẫn, gợi tò mò vốn có của câu chuyện mang đầy màu sắc ly kỳ này.

Kỳ III: Đi tìm ngôi mộ chú Hỏa

Khi còn sống đã có không ít giai thoại ly kỳ về bản thân, về gia đình và về ngôi nhà rất đặc biệt của mình; khi mất, chú Hỏa lại gây tò mò bởi những bí ẩn tiếp nối về nơi mình được chôn cất. Vì sao?

Những chiếc lá tìm về cội

Tháng 7-2006, vài thành viên trong dòng họ Hui Bon Hoa từ Pháp trở về, mục đích thăm lại cảnh trí cũ, mồ mả cha ông và tìm hiểu lịch sử gia đình. Họ ngụ tại khách sạn Majestic, “Nơi ông cố của chúng tôi đã xây dựng từ thập niên 20 của thế kỷ trước, với sự giúp sức của một kiến trúc sư người Pháp và hoàn tất vào năm 1925. Hiện trang web của khách sạn, ở phần lịch sử cũng có ghi, tuy sai một chút ở tên ông tôi” - một thành viên trong đoàn tên Eddie Hui-Bon-Hoa - cho biết.

Tháng 4-1975, Eddie theo gia đình sang Pháp khi còn trong bụng mẹ. Những thành viên trong dòng họ Hui Bon Hoa ghé thăm ngôi nhà lừng lẫy của dòng họ và tỏ ý hài lòng thấy nơi đây giờ trở thành một bảo tàng lớn của thành phố. “Có lẽ đây là thay đổi tốt nhất đối với ngôi nhà bởi chúng tôi luôn có thể vào tham quan và chí ít chúng tôi cũng có thể biết được tình trạng bảo quản nó” - Eddie chia sẻ. Có thể điều duy nhất khiến họ không hài lòng là nhìn thấy một sân chơi cầu lông thô sơ ngay giữa khoảng sân đẹp nhất của ngôi nhà, ít nhiều phá đi màu sắc và không gian tổng thể, đồng thời làm vơi đi vẻ cổ kính và mỹ quan của một bảo tàng.

Bà Nguyễn Thị Đức, Giám đốc bảo tàng đã tiếp đón các thành viên gia đình Hui Bon Hoa một cách thân tình và cử người tháp tùng đoàn trong các chuyến tham quan. “Các thành viên đều thuộc đời cháu của chú Hỏa, họ lại sống ở nước ngoài khá lâu nên ký ức về gia đình trước đây không còn nhiều, dù chúng tôi có ý tìm hiểu” - bà Đức cho biết.

Bí ẩn bao trùm

Rất nhiều người cao tuổi vẫn còn nhớ, khi mất chú Hỏa đã được gia đình an táng ở khu vực gần núi Chiêu Thái (nay là núi Châu Thới). Họ nói chú Hỏa đã xem phong thủy rất kỹ mới chọn khu vực này, vì đó là nơi có long mạch hiếm thấy, thích hợp làm nơi an nghỉ, đồng thời con cháu nhiều đời sau nhờ đấy mà làm ăn thịnh vượng.

Nơi đây có 2 ngọn núi thấp (Bửu Long và Long Ẩn), là nơi “rồng ngủ”. Nếu quan sát từ trên cao sẽ thấy ngôi Bửu Long cổ tự kết hợp cùng các gò đống lồi lõm uốn quanh, cấu thành hình một con rồng khổng lồ, nằm vắt ngang qua lưu vực sông Phước Long (ấp Tân Lại, xã Tân Thành). Địa danh Bửu Long và Long Ẩn ra đời từ đây và cũng không phải ngẫu nhiên mà tên gọi các địa danh quanh đây đều có chữ “Long” như Phước Long, Long Phước, Long Khánh, Long Tân, Bình Long, Long Hưng, Long Bình… Theo đó, núi Long Ẩn là đầu rồng, chuỗi gò đống nối dài kể trên là mình rồng uốn khúc và núi Châu Thới phía Nam là đuôi rồng vểnh cao. Đầu rồng quay về hướng Bắc, ngậm “trái châu” là khu vực Bình Điện.

Cũng theo những người cao tuổi, tâm nguyện của chú Hỏa là được quay đầu về phương Bắc cố quốc.

Posted ImagePosted ImagePosted Image

Hài cốt chú Hỏa nằm ở đâu trong những ngôi cổ mộ này?

Từ những thông tin rất sơ sài trên, chúng tôi đi tìm lại ngôi mộ của chú Hỏa. Từ chân lên đến tận đỉnh núi Châu Thới có một số ngôi mộ cổ, đơn sơ lẫn hoành tráng nhưng được biết trong đó không có mộ của chú Hỏa. “Ngược trở lại khoảng 1 cây số về hướng Bình Dương, nơi có một con dốc mang tên chú Hỏa, quẹo tay phải, vào chừng vài trăm mét, tiếp tục hỏi thăm những người dân nơi đó là ra” - một người chạy xe ôm cho biết.

Dốc chú Hỏa thuộc quốc lộ 1K (đường Kha Vạn Cân cũ), xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Quẹo vào một con đường đất hẹp, bên cạnh lò thiêu xác công nghệ cao khá quy mô là một nghĩa trang cũ của người Hoa với bạt ngàn mồ mả rất đặc trưng. Mộ chú Hỏa không nằm trong khu vực ấy. Một nhân viên khu lò thiêu chỉ dẫn: “Vào nhà dân mà hỏi, vì hình như người ta đã… xây nhà lên mộ của ông ta” (!).

Hỏi thăm vài người dân quanh đấy, lạ sao ai cũng cho biết “mộ chú Hỏa nằm đâu đó trong khu vực dân cư này” - họ nói - nhưng hầu như chẳng ai biết nơi chính xác.

Tại khu nhà khá lụp xụp, có vẻ như là khu dân cư mới với nhiều ngôi nhà vừa cất mới toanh, đường đất, rào thưa trồng râm bụt, một người đàn ông trung niên hỏi lại chúng tôi: “Lăng và mộ chú Hỏa nhiều lắm, bốn năm cái, muốn tìm cái nào?” (?!). Những người khác góp chuyện: “Không hiểu sao nhiều người đi tìm mộ chú Hỏa thế nhưng hình như chưa ai biết đích xác nó ở đâu”. Một người khác chỉ “Ở đây”; người khác nữa nói “Ở kia”; thêm vài người chêm vào: “Đó chỉ là mộ giả, mộ rỗng thôi. Mộ thật không ai biết hết”.

Hài cốt chú Hỏa vẫn còn tại VN?

Cuối cùng, chúng tôi cũng tìm ra ngôi nhà của một người cháu chú Hỏa, tên Lương, đang ngụ tại chính khu vực này, ở phía tận cùng của một con hẻm nhỏ, vắng. Ngôi nhà trệt to, gần như to nhất xóm và đẹp, xung quanh có vườn rộng trồng nhiều cây trái và nuôi nhiều chó dữ. “Ông Lương không có nhà” - vợ và con ông nói với qua cổng rào. Bà còn cho biết ông Lương lãng tai, rất khó tính và không thích tiếp khách, do trước đây có nhiều người nhận là con cháu xa, lân la hỏi thăm mộ chú Hỏa. Thế nhưng khi ông Lương truy nguồn gốc, lai lịch thì họ đều ấm ớ. Bà cho biết mộ chú Hỏa đang ở tận bên… Tàu. Chúng tôi hỏi, vậy con cháu chú Hỏa vừa từ Pháp về thăm mộ ai? Bà Lương lại nói họ đã bốc hài cốt chú Hỏa và mang theo về Pháp rồi (!). Và bà nói những cái mộ nằm lẫn trong nhà dân là mộ của các chú Mười Một, Mười Hai… (con thứ 11, 12 của chú Hỏa - PV).

Chú Hỏa và gia đình ông cố tình tạo nhiều ngôi mộ giả nhằm đánh lạc hướng dư luận? Thực chất có thể chú Hỏa vẫn nằm lại Việt Nam, đầu hướng về cố quốc, như tâm nguyện trước lúc vĩnh viễn ra đi, mang theo mình những bí ẩn và huyền thoại chưa bao giờ ngớt xôn xao.

Một nhà nghiên cứu lịch sử thành phố cho biết, sở dĩ cho đến nay hầu như không ai biết thực chất chú Hỏa hiện đang “nằm” ở đâu, rất có thể bởi 2 lý do sau: 1. Do phong tục, người Hoa thường táng theo người chết nhiều đồ quý giá. Người lừng lẫy như chú Hỏa không thể không chôn theo nhiều báu vật. Nếu suy luận này đúng sẽ không ít kẻ chực chờ để đào trộm mồ mả chú, mong vớ bở. 2. Nơi chôn cất chú Hỏa nếu được xem như “long mạch” theo địa lý, phong thủy thì con cháu rất sợ để người ngoài biết, long mạch bị chạm sẽ gây bất ổn cho gia đạo.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay