Lê Bá Trung

Cõi âm và khả năng ngoại cảm

2 bài viết trong chủ đề này

Thời gian gần đây, báo chí có đưa tin về việc các nhà ngoại cảm đi tìm mộ liệt sĩ và tiếp xúc được với người "cõi âm”. Phật giáo giải thích hiện tượng này thế nào? Quan điểm của Phật giáo là thần thức sau khi chết tối đa là 49 ngày thì tái sanh vào một thế giới tương ứng với nghiệp thức. Nếu đã tái sanh vào cõi khác thì "ai” tiếp xúc với các nhà ngoại cảm? Tại sao có những người chết cách nay hàng trăm năm vẫn tiếp xúc được với các nhà ngoại cảm? "Cõi âm” mà các nhà ngoại cảm tiếp xúc được nằm ở đâu trong lục đạo.

Việc các nhà ngoại cảm tìm được hài cốt của những người chết nhờ tiếp xúc với người “cõi âm” được báo chí công bố gần đây là điều có thật và rất đáng trân trọng. Thực ra, khả năng ngoại cảm của con người được biết đến từ thời xa xưa. Các nước trên thế giới, từ lâu, đã nghiên cứu và ứng dụng ngoại cảm vào nhiều lĩnh vực của đời sống, trong đó có cả quân sự.

Và các nhà khoa học Việt Nam, từ khoảng 15 năm nay, đã bắt đầu nghiên cứu một cách nghiêm túc về các hiện tượng đặc biệt của con người, trong đó có ngoại cảm. Tiên phong trong lĩnh vực này là các cơ quan như Liên hiệp Khoa học Công nghệ tin học ứng dụng, Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an, Trung tâm Bảo trợ Văn hóa truyền thống và Bộ môn Cận tâm lý Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người.

Trước hết, Phật giáo không hề có quan niệm về một dạng sống được gọi là “cõi âm”. Thế giới quan của Phật giáo là vô lượng vô biên thế giới, hằng hà sa số thế giới, trong đó có thế giới Ta bà gồm Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Hai cõi Sắc và Vô sắc là cõi giới của thiền định. Cõi Dục gồm lục đạo là các loài Trời, A tu la, Người, Ngạ quỷ, Súc sanh và Địa ngục. Cõi âm hoặc âm phủ chỉ là quan niệm dân gian dùng để chỉ thế giới của người chết đối lập với cõi người sống (cõi dương).

Đối với các bậc chân sư Phật giáo đã chứng đạo, khả năng đặc biệt của các nhà ngoại cảm là chuyện bình thường, không có gì xa lạ cả. Những thiền sư, nhờ tu tập thiền định mà thành tựu Tam minh và Lục thông. Trong đó, khả năng của các nhà ngoại cảm hiện nay có thể xem như là một phần nhỏ của Thiên nhãn thông (năng lực thấy rõ mọi thứ, không ngăn ngại), Thiên nhĩ thông (năng lực nghe được tất cả các dạng âm thanh) và Tha tâm thông (năng lực biết được tâm ý của người cùng các chúng sanh khác).

Chỉ có điều, các hành giả Phật giáo hiếm khi tuyên bố về thần thông, bởi thần thông thường thành tựu trước trí tuệ (chứng đắc Tứ thiền đã có năng lực của Ngũ thông, trừ Lậu tận thông) và chấp thủ hay lạm dụng vào thần thông sẽ chướng ngại giải thoát tối hậu. Vì vậy, các hành giả Phật giáo khi có sở đắc về thần thông thì đa phần thường im lặng. Đối với giới khoa học, Thiếu tướng Chu Phác, Chủ nhiệm Bộ môn Cận tâm lý Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, khá am tường Phật giáo khi nhận định: “Việc ‘thấy’ của các nhà ngoại cảm xét dưới góc độ khoa học hiện đại thực ra là hiện tượng Thiên nhãn thông, một trong mười lợi ích của thiền định”.

Sau khi chết, thần thức thường trải qua giai đoạn trung gian, chuyển tiếp trước khi tái sanh. Khoảng thời gian cho giai đoạn mang thân trung ấm này tối đa là 49 ngày, ngoại trừ hai trường hợp cực thiện và cực ác thì tái sanh ngay lập tức vào cõi Trời hay cõi Địa ngục. Tuy nhiên, còn có trường hợp đặc biệt của thân trung ấm do chết đột ngột (đột tử) và chết một cách oan ức thì thần thức hoặc “không biết” mình đã chết, hoặc do oán hận ngút ngàn mà cận tử nghiệp bám chặt, chấp thủ kiên cố vào trạng huống “hiện tại”, được gọi là các “oan hồn”, cần phải khai thị (giải nghiệp) mới có thể chuyển kiếp, tái sanh.

Ngoài các thân trung ấm, những “oan hồn”, các nhà ngoại cảm còn tiếp xúc được với những chúng sanh trong loài Ngạ quỷ. Nhà ngoại cảm Bích Hằng đã nói rất chính xác: “Thế giới người âm rất đa dạng, phong phú, chia thành nhiều giai tầng”. Chúng sanh loài Ngạ quỷ chiếm nhiều nhất so với các loài khác trong lục đạo. Những đối tượng mà con người gọi là “ma, quỷ, thần linh nói chung…” đều thuộc “những giai tầng” của loài Ngạ quỷ này.

Như vậy, “cõi âm” mà các nhà ngoại cảm tiếp xúc được bao gồm các chúng sanh đang ở giai đoạn thân trung ấm, các “oan hồn” và loài Ngạ quỷ. Nhà ngoại cảm Bích Hằng cũng nói rõ là “tôi chưa thấy địa ngục của người cõi âm bao giờ”, bởi chỉ những người tạo các ác nghiệp và các bậc Đại Bồ tát có đầy đủ thần lực mới vào được địa ngục mà thôi.

Hiện nay, các nhà ngoại cảm thường tìm kiếm hài cốt theo hai hướng.

Khuynh hướng thứ nhất là các nhà ngoại cảm “thấy” được hài cốt, vẽ lại sơ đồ chi tiết khu vực ấy và hướng dẫn thân nhân tìm kiếm. Trường hợp này nhà ngoại cảm chỉ sử dụng khả năng “thiên nhãn thông” của mình để tìm kiếm và phát hiện hài cốt mà không cần trợ giúp của “chủ nhân” chính hài cốt ấy. Bởi hầu hết những hài cốt này chỉ là phần thân xác vật chất đơn thuần (địa đại-đất), còn thần thức đã theo nghiệp tái sanh.

Tuy nhiên, vì các nhà ngoại cảm chưa thành tựu Đại định (tam muội) nên năng lực “thấy” của họ thường chập chờn. Tùy thuộc vào cấp độ định tâm hay trạng thái tâm của họ khi làm việc mà “thấy mờ hoặc tỏ” khác nhau, phải điều chỉnh nhiều lần mới tìm ra vị trí chính xác của hài cốt. Năng lực thấy rõ không có gì ngăn ngại này của các nhà ngoại cảm còn được vận dụng để tìm kiếm khoáng sản, thăm dò lòng đất (ngành mỏ-địa chất), khả năng khám, chữa bệnh (ngành y khoa) v.v… hiện đang được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, khai thác và ứng dụng.

Khuynh hướng thứ hai thì ngược lại, nhà ngoại cảm tiếp xúc với người “cõi âm” và họ chỉ cho nhà ngoại cảm thấy hài cốt của chính họ hoặc những người khác. Trường hợp này, sự trợ giúp của người “cõi âm” vô cùng cần thiết, do đó nhà ngoại cảm và thân nhân phải có lòng thành. Vì người “cõi âm” biết được tâm ý của chúng ta cho nên nếu lòng không trong sáng, tâm không thành khẩn, làm việc vì danh lợi thì sẽ thất bại. Những chúng sanh mang thân trung ấm, những “oan hồn” và loài ngạ quỷ đều có thể tiếp xúc được với nhà ngoại cảm để truyền thông những thông tin cần thiết.

Ở đây, trường hợp đặc biệt cần lưu tâm là các “oan hồn”. Như đã nói những người chết “bất đắc kỳ tử”, chết trong oán hận tột cùng rất khó tái sanh. Mặc dù phần lớn các luận sư Phật giáo đều cho rằng thời gian thích hợp cho tái sanh của thân trung ấm thường tối đa là 49 ngày nhưng “oan hồn” là một ngoại lệ. Theo luận sư Pháp Cứu (Dharmatrata), tác giả Tạp A tỳ đàm tâm luận (Samyutara Abhidharmahridaya) thì thân trung ấm tồn tại không hạn chế thời gian nếu nhân duyên chưa đủ để đầu thai (xem thêm Đại cương luận Câu xá, tác giả Thích Thiện Siêu, NXB Tôn Giáo, 2000, tr.109).

Kế thừa quan điểm này, về sau vị chân sư Phật giáo Tây Tạng Sogyal Rinpoche, bằng tuệ giác chứng ngộ của mình, trong Tạng thư sống chết (Thích nữ Trí Hải dịch) khẳng định: “Toàn thể trung ấm tái sanh kéo dài trung bình 49 ngày, và ít nhất là một tuần. Nhưng cũng còn tùy, giống như hiện tại có người sống tới trăm tuổi, trong khi kẻ khác chết non. Một số lại còn bị kẹt trong thế giới trung gian để thành ma quỷ (18- Bardo tái sanh)” hay “Những người đã có cái chết kinh khủng hay đột ngột rất cần được giúp đỡ. Những nạn nhân của ám sát, tự sát, tai nạn, chiến tranh, thường rất dễ rơi vào sợ hãi đau đớn, hoặc ở mãi trong kinh nghiệm khủng khiếp về cái chết của họ, do đó không thể tiến đến giai đoạn tái sanh (19- Giúp đỡ sau khi chết)”. Vì những lý do trên, có những trường hợp tuy đã chết rất lâu nhưng vẫn chưa được tái sanh.

Phần lớn những người “cõi âm” mà nhà ngoại cảm tiếp xúc, mô tả hình dáng, tính cách của họ đúng như dáng vẻ, tâm trạng lúc chết đều ở trong trường hợp này. Chính việc thần thức “ở mãi trong kinh nghiệm khủng khiếp về cái chết”, “bị kẹt trong thế giới trung gian” (lời của Sogyal Rinpoche), sự chấp thủ kiên cố, bám chặt vào trạng huống “hiện tại” trước khi chết đã tạo ra một dạng sống gọi là “oan hồn”. Do đó, Phật giáo thường lập đàn tràng Giải oan bạt độ và Chẩn tế âm linh cô hồn. Giải oan là tháo gỡ sự chấp thủ, khai thị cho “oan hồn” hiểu giáo pháp mà buông xả, tỉnh ngộ để tái sanh. Chẩn tế là ban phát thực phẩm cho loài ngạ quỷ được no đủ, đồng thời khuyến hóa họ hồi tâm hướng thiện để sớm chuyển nghiệp, siêu thăng.

Như vậy, thế giới “cõi âm” vô cùng đa dạng và phức tạp, những nhà ngoại cảm nhờ có nhân duyên đặc biệt nên tiếp xúc được với họ, giúp họ truyền thông với con người. “Thông điệp” của người “cõi âm” cũng không ngoài tình thương, sự trân trọng, quan tâm lẫn nhau và đề cao các giá trị đạo đức, tâm linh. Chính những tâm tư của người “cõi âm”, nhất là các “oan hồn” đã góp phần tạo nên khí vận quốc gia, hồn thiêng sông núi. Do đó, việc cầu nguyện cho âm siêu dương thái theo pháp thức Phật giáo là điều cần làm.

Ngày nay, các nhà khoa học đang nỗ lực khám phá hiện tượng ngoại cảm theo hướng trường sinh học hay năng lượng sinh học. Tuy nhiên, nếu chỉ thiên về nghiên cứu “vật chất” thì sẽ khó tiếp cận trọn vẹn vấn đề, bởi “sắc tức thị không, không tức thị sắc” (Tâm kinh). Đó là chưa kể đến hoạt dụng của tâm thức A lại da bao trùm khắp cả pháp giới, siêu việt cả tâm lẫn vật, theo Duy thức học, chỉ có tu tập thiền định mới có thể khai mở và thành tựu kho tàng tuệ giác này.

(Theo Giác Ngộ)

2 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Vì Sao Người Chết Sau 49 Ngày Mới Đi Đầu Thai?

Đăng ngày 31 08 2010 | Chưa có hồi đáp

Con người chết rồi sau khi thần thức lìa khỏi thể xác trước lúc chưa đi đầu thai, ví như người từ trong nhà bước ra ngoài nhưng chưa vào nhà khác vẫn còn ở trung gian, đây là chỉ ý nghĩa thân trung ấm. Người nào có tín sâu, nguyện thiết, tinh tấn niệm Phật khi mới chết ngay đó liền vãng sanh Tây phương, hoặc người có căn lành sâu dày thì trực chỉ sanh về cõi trời, hoặc kẻ tạo ác nghiệp nặng liền đọa vào Địa ngục Vô gián, ba hạng người này là không trải qua gian đoạn thân trung ấm. Hạng người phổ thông bình thường đã không phải cực thiện cũng không phải cực ác đều phải trải qua giai đoạn thân trung ấm. Thời gian thân trung ấm thọ sanh có nhanh chậm không đồng. Nhanh thì trong khoảng khảy móng tay liền đầu thai vào một trong sáu đạo luân hồi, chậm thì khoảng bốn mươi chín ngày hoặc hơn bốn mươi chín ngày.

Hỏi : Duyên cớ gì con người sau khi chết không đi đầu thai mà phải rơi vào giai đoạn thân trung ấm, trải qua bốn mươi chín ngày mới đi đầu thai?

Đáp : Bởi do người chết trong nhiều đời nhiều kiếp quá khứ đã tạo các nghiệp thiện ác lẫn lộn. Trong vọng tâm vô minh nghiệp thức đó, một niệm lành một niệm ác cứ sanh rồi diệt diệt rồi lại sanh khiến nghiệp thiện ác liên tục không phân định. Nếu như trụ vào nghiệp thiện, tâm này thuần thiện thì do trong tâm thiện phát hiện ra cảnh giới lành Thiên,Nhân, A tu la tâm thức này tùy theo nghiệp lành đó mà đi đầu thai. Nhưng vì, trong tâm thiện cũng có duyên thượng phẩm thiện, trung phẩm thiện, hạ phẩm thiện mới cảm thành ba cõi Thiên, Nhân, A tu la không đồng nhau.

Nếu như trụ vào nghiệp ác, tâm này thuần ác do trong tâm ác phát hiện ra ba cảnh giới ác Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, trong tâm thức này tùy theo cảnh giới ác đó mà đi đầu thai. Nhưng vì trong tâm ác cũng có duyên thượng phẩm ác, trung phẩm ác, hạ phẩm ác mới cảm thành ba cõi Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh không đồng. Nên biết, bởi có mối quan hệ tâm và cảnh tương đồng như thế,vì vậy người bà con ở trong thời gian bốn mươi chín ngày cần ăn chay niệm Phật thay hương linh tu tạo công đức, khiến người chết nương nhờ công đức đó mà tiêu trừ tội ác tăng trưởng phước lành, vãng sanh Tây phương hoặc siêu thăng trong cảnh giới Thiên đạo hay Nhân đạo.

Bằng như người bà con trong thời gian này không phát tâm ăn chay niệm Phật mà gây tạo các ác nghiệp như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, uống rượu ăn thịt như thế túc nghiệp ( nghiệp đời trước ) người chết nếu là nghiệp lành sẽ chuyển thành nghiệp ác; như túc nghiệp người chết nếu là nghiệp ác thì nghiệp ác lại thêm tăng trưởng. Nên biết nghiệp ác nếu tăng thêm sẽ thành thượng phẩm ác, nghiệp đó nhất định khiến cho người chết đọa lạc vào Địa ngục vĩnh viễn chịu vô lượng sự thống khổ.

Hỏi : Nếu kinh tế gia đình khó khăn, mà bảo họ trong thời gian bốn mươi chín ngày ăn chay niệm Phật làm mọi công đức, e rằng cuộc sống của họ khó có thể duy trì được?

Đáp : Trong tất cả mọi công đức để hồi hướng cho người chết thì công đức niệm Phật là lớn nhất, nếu như gia đình kinh tế khó khăn lúc này không cần thỉnh Tăng Ni đến làm lễ, chỉ cần toàn gia quyến phát tâm ăn chay niệm Phật là đủ. Thời gian niệm Phật, quy định sáng sớm niệm Phật xong đối trước bàn thờ người chết hồi hướng rồi dùng cơm sáng. Buổi trưa niệm Phật trước hay sau bữa cơm tùy theo công việc bản thân sao cho thích hợp mà sắp xếp. Buổi chiều sau bữa cơm mới niệm Phật, niệm xong đối trước bàn vong mà hồi hướng, mỗi ngày quy định ba thời niệm Phật ba lần hồi hướng, thời gian còn lại khi làm công việc cũng nên cố gắng mặc niệm niệm Phật.

Phương pháp niệm Phật siêu độ người chết như thế, đối với cuộc sống kinh tế gia đình sẽ không bị ảnh hưởng. Phương pháp này vừa đơn giản nhưng lại tiện lợi hoàn toàn không chướng ngại cuộc sống mà công đức rất lớn. Gia đình lại có thể bình an thanh khiết, bà con mỗi người đều được phước đức mà người chết cũng được sự lợi ích vô cùng. Đây là phương pháp thù thắng làm cho cả hai người sống lẫn kẻ chết đều được sự lợi ích không thể nghĩ bàn.

Trích Lâm Chung Những Điều Cần Biết của pháp sư Thế Liễu do Thích Nguyên Liên soạn dịch

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay