phoenix

Cầu Vượt Nào Qua Đàn Xã Tắc?

1 bài viết trong chủ đề này

Mới đây thì đã thấy truyền thông hoan hỷ với cuộc họp có vẻ thành công giữa UBND Thành phố Hà Nội với các nhà sử học, văn hóa học (tiếc là không có các nhà phong thủy sư) về phương án cầu vượt qua Đàn Xã Tắc. Đã "tắc" thế nào cũng phải "vượt". Nhu cầu đó đã thành động lực ăn vào máu của người thủ đô và dân Việt từ lâu nay rồi. "Vượt" bừa thì sẽ có người kêu. Mà không "vượt" là không thể được, bức bách lắm. Nhờ thế mới có cuộc họp mang tính cầu thị đến thế.

Chuyện họp hành đáng được ủng hộ vì nó vừa nghiêm túc mà vừa thận trọng. Quyết sách đến cả đời sống kinh tế xã hội và văn hóa tâm linh không là chuyện nhỏ. Nhưng chuyện của "chúng mình" ở đây chắc chưa dám lạm bàn đến những việc đấy. Việc quan tâm là phương án "vượt" được xem xét thế nào dưới con mắt "phong thủy". Các chuyên gia, các bạn nghiên cứu, các thành viên quan tâm có "suy tư" nào về phương án cho cầu vượt qua Đàn Xã Tắc xin mời vào đây mạn đàm.

Post vài bài báo để các anh/chị/em có thêm thông tin.

Nguồn: Báo Đất Việt

GS Nguyễn Quang Ngọc:Xây cầu vượt Đàn Xã Tắc là phạm luật(ĐVO) - "Nên dừng dự án cầu vượt Ngã 5 Ô Chợ dừa, các nhà quản lý cần tìm một giải pháp khôn ngoan hơn" - GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, khuyến nghị.

Chiều 26/3, trả lời báo chí ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm giao thông đô thị Hà Nội cho biết, sau 2 năm nghiên cứu đã có phương án kiến trúc cầu vượt hạn chế giải phóng mặt bằng tại ngã 5 Ô Chợ Dừa.

Tuy nhiên, điều đáng nói, cầu sẽ đi sát phạm vi bảo tồn Đàn Xã tắc. Mố cầu nằm ngoài di tích còn mặt cầu có một phần chạy qua di tích này.

Trước thông tin này, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển khuyên rằng: Nên dừng dự án lại, các nhà quản lý cần tìm một giải pháp khôn ngoan hơn.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc phân tích:

Đàn Xã Tắc - nơi khởi nguồn nguồn cội

Đàn Xã Tắc là một di tích quốc gia đã được xếp hạng theo quyết định của BVHTTDL, năm 2007, bởi những giá trị rất đặc biệt của nó.

Thứ nhất: Kinh thành Thăng Long bao gồm 3 vòng thành: Cấm thành, Hoàng thành và Đại La thành. Ở khu vực phía Tây của Đại La thành, có cửa ô Trường Quảng (ô Chợ Dừa) là cửa quan trọng nhất ở phía Tây Kinh thành, nối thông với toàn bộ khu vực phía Tây, Tây Nam và phía Nam qua hệ thống đường thượng đạo.

Posted ImageGS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triểnThứ hai: Ngay từ thời Lý Thái Tổ định định đô Thăng Long, chọn khu vực núi Nùng ở trung tâm trời đất để dựng chính điện Càn Nguyên. Hệ thống đền đài cung điện trong Cấm thành và Hoàng thành cũng bám lấy vị trí trung tâm này (chính là khu vực Thành cổ và khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu), nhưng vua Lý Thái Tổ lại phong Hoàng Thái tử Phật Mã làm Khai Thiên vương, cho dựng cung Long Đức ở ngoài cửa ô Trường Quảng để Hoàng Thái tử ra ở đấy “ý muốn cho Thái tử hiểu biết mọi việc của dân”.

Đây là kiểu tổ chức kinh thành hết sức độc đáo, hình ảnh tuyệt vời của nền chính trị thân dân, dấu son rạng rỡ của Trung tâm quyền lực nghìn năm Thăng Long Hà Nội vừa mới được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Hoàng Thái tử Phật Mã sau 18 năm sống ở cung Long Đức ngoài Ô Chợ Dừa đã trở thành vị Hoàng đế Lý Thái Tông lừng danh trong lịch sử vương triều Lý và lịch sử đất nước. Tiếc rằng Khảo cổ học chưa tìm thấy dấu tích cung Long Đức, nhưng điều có thể khẳng định vị trí cung Long Đức không nằm ngoài nút giao thông mà chúng ta đang bàn.

Lý Thái Tổ lựa chọn nơi này là để Hoàng Thái tử có cơ hội được hiểu rõ về cuộc sống của người dân và đồng thời cũng có thể nắm bắt được mọi hoạt động trong Kinh thành. Điều đó càng nói lên rằng đây là vị trí hết sức trọng yếu, một điểm chốt của Kinh thành Thăng Long.

Thứ ba và quan trọng nhất, chính nơi này là Đàn Xã Tắc. Sử cũ chép vào năm 1048 vua Lý Thái Tông “Lập đàn Xã Tắc ở ngoài cửa Trường Quảng, bốn mùa cầu đảo cho mùa màng”. Thế là quá rõ: Chính ông vua có đến gần hai thập kỷ cảm nhận hồn thiêng của mảnh đất này đã quyết định chọn nơi mình gắn bó lập đàn Xã Tắc để tế thần Xã (tức thần Đất) và thần Tắc (tức thần Lúa). GS Đào Duy Anh trong Từ điển Hán Việt định nghĩa:

“Thưở xưa dựng nước tất quý trọng nhân dân. Dân cần có đất ở nên lập nền Xã để tế thần Hậu Thổ, dân cần có lúa ăn, nên lập đền Tắc để tế Thần Nông. Mất nước thì mất Xã Tắc, nên Xã Tắc cũng có nghĩa là quốc gia”. Chỉ cần nói thế cũng đủ biết đàn Xã Tắc có quan hệ đến vận mệnh quốc gia, giống nòi như thế nào và mặc nhiên nó là bộ phận hữu cơ của Cấm thành, Hoàng thành Thăng Long.

Cũng phải nói thêm điều này nữa, rằng đây là vị trí hiếm hoi (có lẽ là duy nhất hay độc nhất vô nhị) trong khu vưc các quận nội thành Hà Nội còn lưu lại dấu tích văn hóa Phùng Nguyên muộn. Các nhà khảo cổ học đã đào được di chỉ văn hóa Phùng Nguyên muộn ngay trên gò đất mà Lý Thái Tông cho dựng đàn Xã Tắc linh thiêng này.

Cho đến ngày nay trong khu vực các quận nội thành Hà Nội, chúng ta mới chỉ biết duy nhất một vị trí này là có dấu tích văn hóa văn hóa Phùng Nguyên, tức là dấu tích cư trú, dấu tích con người và xóm làng đầu tiên của Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn hiến. Thế thì gò đất nhỏ nhoi kia lại chính là nền tảng của mọi nền tảng, cội nguồn của mọi cội nguồn, cái cốt, cái hồn của Thăng Long-Hà Nội ta đấy.

Như thế khu vực mà chúng ta đang nói tới, di tích chồng lên di tích. Ít nhất là từ thời Phùng Nguyên cho tới thời Lý Thái Tổ định đô Thăng Long, rồi khu nhà ở của Hoàng Thái Tử Phật Mã, sau này là Lý Thái Tông, rồi Đàn Xã Tắc, và còn nhiều di tích khác nữa và cái quý là vẫn duy trì được nền móng cho đến tận ngày nay.

Công việc khai quật khảo cổ học mới chỉ là bước đầu và chỉ được thực hiện trong phạm vi rất nhỏ hẹp, nhưng có thể nói hiện vật khai thác được rất là phong phú, tiêu biểu đủ để căn cứ vào đó xếp vào hàng di tích, di sản cấp quốc gia. Tôi rất mừng vì như thế là chúng ta đã không phụ tổ tiên, đánh giá đúng giá trị di tích. Tôi hy vọng rằng trong tương lai chúng ta phải nghiên cứu tích hợp di tích Đàn Xã Tắc vào trong cấu trúc tổng thể của Di sản Văn hóa Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Dừng dự án là giải pháp khôn ngoan

Dự án làm cầu vượt đã được đưa ra từ năm 2005 nhưng không được thực hiện. Khi thực hiện dự án đường Kim Liên Mới (đường Xã Đàn), các nhà quản lý đã chọn giải pháp lấp cát, lập bia đá đánh dấu di tích đó cũng là giải pháp cần thiết tạm thời.

Di tích quốc gia theo Luật Di sản bao gồm vùng lõi và vùng đệm, cả trên mặt đất và cả trong lòng đất, cả di tích, di vật và thiên nhiên cảnh quan. Việc xây cây cầu sắt khổng lồ nằm đè lên trên di tích, dù có không đụng chạm gì đến những hiện vật đã được lấp cát ở bên dưới thì cũng vẫn là một sự xâm hại di tích và xét cho cùng là hành động bất chấp pháp luật, không còn lương tâm, đạo lý để phá hoại mồ mả, hồn cốt của tổ tông.

Posted ImageVị trí các hố thám sát và khai quật Đàn Xã TắcVẫn biết rằng chúng ta đang phát triển nên cần thêm nhiều đất, một tấc đất, vì thế, là một tấc vàng, thậm chí là cả cây vàng nhưng giá trị văn hóa chúng ta giữ được còn lớn hơn gấp nhiều lần và không gì có thể so sánh được.

Việc xây cầu mặc nhiên là rất cần, nhưng có thể căn chỉnh hay điều chỉnh ra khỏi vùng di tích, còn di tích thì chỉ có vậy, không thể di dời sang vị trí khác được. Vấn đề là tùy thuộc vào trách nhiệm của các nhà làm quy hoạch thôi, vì chúng ta làm sao có thể kéo cụ Lý Thái Tông lên mà cật vấn cụ sao không nghĩ đến quy hoạch Thủ đô năm 2013 mà lại cho làm đàn Xã Tắc ở giữa cái nút giao thông quan trọng này?. Nói thế chứ ai lại nỡ phá di tích của tổ tông.

Tôi tin là các nhà quản lý có đủ tỉnh táo để dừng dự án lại và chọn một giải pháp phù hợp vừa giải phóng được ách tắc ở nút giao thông có lịch sử đến hơn nghìn năm lại vừa bảo tồn được di tich có một không hai của quốc gia dân tộc.

Tôi ví dụ, trước đây khi khai quật khu vực Hoàng thành nhiều ý kiến cũng cho rằng phá đi, để quy hoạch kiến trúc công trình xây dựng quan trọng hơn. Nếu khi đó phá đi thì bây giờ làm gì có được Di sản Văn hóa thế giới để chúng ta và bạn bè khắp năm châu cùng chiêm ngưỡng, nghiên cứu, đánh giá.

Giờ Đàn Xã Tắc đã được phát lộ, chưa được khai quật toàn bộ; nhiều di tích có liên quan cũng chưa được nghiên cứu mà lại xây cầu chồng lên hay xâm hại đến nó thì cái hệ lụy có thể nhìn thấy được, không phải chỉ riêng những người làm trực tiếp mà là cả Thủ đô và đất nước.

Trong trường hợp này, người làm quy hoạch phải có tầm nhìn xa hơn, rộng hơn, cân nhắc trên lợi ích lâu dài, tổng thể, không thể chỉ vì lợi ích cục bộ trước mắt mà đang tâm xâm hại, phá bỏ di tích. Sau này, khi cần khôi phục, thậm chí phải phá bỏ cả con đường, cả cây cầu cũng không lấy lại được di tích nữa.

Việc quy hoạch chọn vị trí xây cầu hay phân luồng, chia đường sao cho có thể đi lại dễ dàng, khắc phục được ách tắc mang lại không động chạm di tích, theo tôi nghĩ là không quá khó đối với các nhà quy hoạch có tâm, có tầm và có thái độ ứng xử văn hóa đối với các di sản văn hóa của đất nước, của nhân dân.

Cần phải nhìn nhận đúng, đánh giá đúng giá trị lịch sử văn hóa. Đây là những thứ không tính được bằng tiền, không đánh đổi được bằng kỹ thuật, công nghệ tinh xảo và hiện đai. Nó là kết tinh của giá trị văn hóa, giá trị đời sống của đất nước và con người cả trăm năm trước, cả nghìn năm trước mà dù có hội được tất cả các điều kiện chúng ta cũng không có cách nào sống lại đúng vào thời kỳ đó để làm ra một hiện vật như thế.

Khi một di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia thì nó phải được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa. Luật di sản văn hóa quy định rất rõ, về khu vực bảo vệ di tích bao gồm vùng lõi, vùng đệm, trong lòng đất, trên mặt đất và cả không gian, cảnh quan của vùng di tích. Chẳng hạn ở những khu di tích như thế này, việc xây nhà cao tầng trong không gian cảnh quan của di tích cũng sẽ bị cấm, thế thì việc xây một cây cầu khổng lồ úp trên trên di tích liệu luật có cho phép không?

Nếu xâm phạm di tích cũng là vi phạm luật mà vi phạm luật vì phải xử lý theo luật.

Lợi dụng kinh tế chối bỏ văn hóa

Một điều khác biệt rõ rệt giữa Việt Nam với các nước phát triển trên thế giới đó là người ta rất quý di tích. Một quốc gia càng phát triển, càng giàu có thì người ta càng ý thức đầy đủ giá trị, tầm quan trọng của di tích.

Giữ gìn di tích không có nghĩa là khư khư ôm lấy cái cũ kĩ, lạc hậu, mà là chúng ta giữ di tích để phát huy giá trị của di tích, để lớn lên cùng với di tích.

Đã có lần tôi nói về kỳ tích khôi phục dòng suối giữa lòng thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Đây vốn là dòng suối tự nhiên giữa lòng phố cổ dịu ngọt và mộng mơ. Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, dòng suối đã bị lấp đi, làm đường cao tốc. Con đường cao tốc này đã trở thành biểu tượng của quá trình hiện đại hóa thủ đô Seoul và đất nước Hàn Quốc.

Sau khi đã trở thành siêu đô thị, đại đô thị giàu có và hiện đại vào bậc nhất thế giới, Seoul lại dũng cảm dỡ bỏ con đường cao tốc để trả lại không gian, cảnh quan của dòng suối ngày xưa. Và hơn cả ngày xưa, dòng suối này trở thành trung tâm văn hóa – du lịch lớn nhất, niềm tự hào và biểu tượng phát triển bền vững của đô thị Seoul, một kỳ tích rất đáng tự hào của đất nước Hàn Quốc.

Đó là giải pháp hết sức thông minh. Nếu tính giải pháp kinh tế thì có thể giá trị cao hơn nhiều so với đầu tư xây dựng một con đường để giải tỏa ùn tắc giao thông.

Ở Trung Quốc, thời kỳ cách mạng văn hóa vô sản người ta cũng đập phá hầu hết các di tích. Bây giờ thì hoàn toàn ngược lại, nhiều di tích đã được khôi phục lại đàng hoàng, to đẹp hơn xưa. Tôi có cảm giác như người ta đang dồn tâm, dồn sức trả nợ cho tất cả những gì đã trót đánh mất.

Có thể đây cũng là những bài học để các nhà làm quy hoạch tham khảo.

Quy hoạch giao thông cần phải có cái nhìn tổng thể, khách quan, nếu chỉ vì lợi ích trước mắt hay chỉ quan tâm đến lợi ích nhóm chẳng hạn thì nguy hiểm vô cùng. Quy hoạch, con đường có thể thấy rõ ràng nếu Ô Chợ Dừa thành đầu mối của nhiều luồng giao thông mà xâm hại di tích thì các nhà quy hoạch nên tìm giải pháp để tránh. Vấn đề này đối với các chuyên gia quy hoạch, tôi xin được nhắc lại là không đến nỗi quá khó, không thể tìm ra được lời giải mà chỉ là chúng ta có thực tâm và có muốn làm hay không thôi.

Nhân chị hỏi tôi chỉ xin liên hệ một chút đến phác thảo mới về quy hoạch khu di tích quốc gia đặc biệt thành Cổ Loa. Có thể nói là về mặt hình thức thì khu di tích có được mở rộng, diện tích được bảo vệ tăng lên nhiều. Nghe thì hay đấy, nhưng xem kỹ thì phần diện tích tăng thêm không có giá trị bao nhiêu (có cũng tốt mà không có cũng không ảnh hưởng gì nhiều).

Trái lại người ta thiết kế một con đường bao lấy thành ngoài và gạt toàn bộ sông Hoàng Giang ra ngoài khu di tích Cổ Loa. Thành Cổ Loa là một Kinh thành, Quân thành triệt để khai thác địa hình tự nhiên đồi, gò, đầm hồ, sông nước cải tạo và xây dựng các vòng thành và hào thành một căn cứ thủy bộ liên hoàn, công thủ đều tiện lợi.

Thành Cổ Loa mà không có sông Hoàng Giang thì nó trở thành một tòa thành khác, không còn là nó nữa. Như thế có thể nói quy hoạch như thế này là làm hỏng di tích. Người làm quy hoạch thiết nghĩ cũng cần phải biết về lịch sử và văn hóa để có thể tránh được những sai lầm không đáng có.

Người ta có thể giải thích rằng thiết kế con đường như thế là vì sự phát triển của địa phương. Có thể như thế thật, nhưng không thể vì sự phát triển này mà làm hỏng di tích. Trong trường hợp này (cũng giống như ở khu vực Đàn Xã Tắc) nếu nhà quy hoạch vẽ con đường dịch ra phía ngoài sông Hoàng Giang thì không chỉ bảo tồn được di tích mà vẫn bảo đảm được sự phát triển chung.

Hơn thế nữa, di tích không bị phá đi, lại khai thác được điều kiện giao thông thuận tiện, chắc chắn hiệu suất phục vụ sẽ cao hơn và hiệu quả kinh tế cũng sẽ lớn hơn. Biến di tích thành cơ sở phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, cảnh quan, sinh thái... và như thế di tích cũng là một nguồn lực kinh tế quan trọng. Nhưng điều quan trọng hơn là di tích góp phần nâng cao đời sống tinh thần, phát triển nguồn lực con người. Mà nguồn lực con người mới là nguồn lực cơ bản cho xây dựng và phát triển bền vững đất nước.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc

Nguồn: Xã luận

Xây cầu vượt hình chữ Y qua Đàn Xã Tắc?

Đồng thuận với phương án cầu vượt hình chữ Y qua Đàn Xã Tắc vì phương án này đảm bảo tốt nhất về giao thông, không ảnh hưởng đến bảo tồn Đàn Xã Tắc, song Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng lưu ý, trong quá trình thiết kế chi tiết, cần chú ý đến thiết kế cảnh quan của cầu vượt với khu vực xung quanh.

Posted Image

ảnh minh họaChiều ngày 5/6, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các ngành liên quan, các chuyên gia, nhà sử học… về phương án thiết kế Dự án cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa. Có tổng số 6 phương án được đưa ra để lấy ý kiến.

6 phương án, chọn 1

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, để giải quyết triệt để ùn tắc tại nút giao thông Ô Chợ Dừa, việc xây dựng cầu vượt qua khu vực theo quy hoạch là cần thiết. Việc làm này sẽ góp phần tăng cường năng lực giao thông và giảm thời gian qua nút của các phương tiện. Tuy nhiên, dù xây dựng theo phương án nào thì cũng phải đảm bảo việc bảo tồn di tích lịch sử Đàn Xã Tắc. “Quan điểm của thành phố là làm sao phải đảm bảo hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, đồng thời giảm tối đa xung đột tại nút giao thông này” - ông Thảo nhấn mạnh.

Từ kết quả nghiên cứu và tiếp thu các ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học và công luận trong thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo nhà đầu tư hoàn thiện các phương án trên cơ sở phải đảm bảo 5 tiêu chí: Phù hợp với quy hoạch và chỉ giới đường đỏ đã được phê duyệt; Bảo tồn một cách tốt nhất di tích Đàn Xã Tắc; Bảo đảm phát triển giao thông đô thị khu vực; Hạn chế ảnh hưởng đến điều kiện sống của dân cư trong khu vực; Cải thiện không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị. Ông Thảo cũng cho biết, đến nay sau khi rà soát, lựa chọn, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã tổng hợp và đưa ra 6 phương án thiết kế.

Thứ nhất: Cầu vượt trực thông theo hướng đường Vành đai 1, chia làm 2 nhánh khi đi qua đảo giao thông, chiều dài cầu khoảng 750m (bao gồm cả đường dẫn); Thứ hai: Cầu vượt trực thông hướng đường Vành đai 1, đi lệch về phía Bắc (phía đường Tôn Đức Thắng). Nhưng mép cầu chờm đều lên đảo lưu dấu Đàn Xã Tắc 1,5m; Thứ ba: Cầu vượt trực thông theo hướng đường Vành đai 1, đi lệch về phía Nam (phía đường Nguyễn Lương Bằng); Thứ tư: Cầu vượt trực thông theo hướng đường Vành đai 1, đi lệch về phía Nam (phía đường Nguyễn Lương Bằng) có thiết kế bổ sung cầu nhánh đi 1 chiều từ Khâm Thiên đi qua nút Ô Chợ Dừa, nhập vào cầu chính trên đường Vành đai 1; Thứ năm: Xây dựng hầm chui trực thông theo hướng đường Vành đai 1, đi ngầm bên dưới khu vực bảo tồn Đàn Xã Tắc; Thứ sáu: Cầu vượt theo hướng Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng.

Hợp lý nhất, hài hòa nhất

Sau khi trình bày các ưu và nhược điểm của từng phương án trên, đại diện chủ đầu tư và tư vấn thiết kế đã đề xuất phương án thứ 4 (đây là phương án kế thừa và phát triển từ phương án 3) là phương án tối ưu so với các tiêu chí mà thành phố đã đề ra. Đây cũng là phương án đã được sự đồng tình rất cao của các đại biểu tham dự hội nghị.

Đánh giá về phương án này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, đây là phương án hợp lý nhất so với các phương án còn lại, bởi nó vừa giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông tại nút giao này, đồng thời không gây ảnh hưởng đến việc bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc. Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế chi tiết, cần chú ý đến thiết kế cảnh quan của cầu vượt với khu vực xung quanh. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn là Tổng công ty Thiết kế giao thông vận tải (TEDI) tiếp thu tất cả các ý kiến đề xuất của các chuyên gia.

Cùng chung quan điểm với Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch, bà Đặng Thị Kim Liên cho rằng, phương án 4 là phương án hài hòa và hợp lý với những tiêu chí xây dựng nút giao này. Bà Liên kiến nghị, khi thiết kế cầu vượt phải có kiến trúc phù hợp với di tích.

Rất nhiều các nhà sử học, văn hóa, chuyên gia khoa học cũng đánh giá rất cao về tính khả thi của phương án này. “Đây là phương án hay, có thể giải quyết triệt để nhất vấn đề giữa phát triển giao thông và bảo tồn di tích” - Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết.

Lấy ý kiến người dân trước khi xây dựng

Ngoài phương án 4 được đa số ý kiến ủng hộ, tại hội nghị này cũng có một số ý kiến cho rằng, nên xem xét cả phương án thứ 3 để đảm bảo tính kinh tế cho cầu vượt cũng như thẩm mỹ của khu di tích. Trên tinh thần tiếp thu ý kiến đóng góp, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho biết, UBND thành phố thống nhất lựa chọn cả hai phương án 3 và 4 để tổ chức lấy ý kiến nhân dân tại 4 phường (thuộc quận Đống Đa), các Bộ GTVT, Xây dựng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch trước khi triển khai xây dựng theo quy định.

Nguồn: Dân trí

Nên đổi hướng cầu vượt để Đàn Xã Tắc được an toàn

(Dân trí) - “Làm cầu vượt ở nút giao Ô Chợ Dừa - Xã Đàn là cần thiết. Nhưng để giải quyết dứt điểm ùn tắc cho ngã 7 này, cần nghiên cứu cầu vượt theo hướng Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng TS. Nguyễn Đình Toàn nói.

Bộ Xây dựng vừa tổ chức cuộc họp có sự tham gia của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Ban Quản lý các công trình trọng điểm Hà Nội và các đơn vị liên quan xem xét phương án kiến trúc cầu vượt ở nút giao Ô Chợ Dừa - Xã Đàn. Sau khi nghe đại diện các cơ quan của thành phố Hà Nội trình bày các phương án, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho rằng, đường Xã Đàn nằm trong nội đô có lưu lượng người tham gia giao thông lớn. “Cầu vượt nhẹ chỉ phát huy hiệu quả tại các điểm giao cắt ở ngã tư. Do vậy, nếu làm cầu theo hướng đường Xã Đàn mới chỉ giải quyết giao thông được một hướng vì ở đây là ngã 7”, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn phân tích.<br style="margin: 0px; padding: 0px;">

Posted ImageNút giao Ô Chợ Dừa - Xã Đàn<br style="margin: 0px; padding: 0px;">

Theo ông Toàn khu vực này không như nút giao Chùa Bộc hay Daewoo. Nút giao Ô Chợ Dừa có tới 7 ngã rẽ, như vậy phải giải quyết dứt điểm vấn đề ô tô, xe máy và cả người đi bộ trên các tuyến đường Khâm Thiên, đê La Thành, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng…

“Hơn nữa, do đặc thù khác biệt của nút giao thông Ô Chợ Dừa - Xã Đàn; các ngã tư thông thường khác Hà Nội thường xử lý bằng cầu vượt nhẹ, thì ở đây cần nghiên cứu cầu vượt lập thể. Phải làm sao các phương tiện tham gia giao thông thuận tiện từ các tuyến Khâm Thiên sang đường Nguyễn Lương Bằng, từ đê La Thành sang đường Tôn Đức Thắng… không bị giao cắt”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.

Trước khi đề xuất phương án, theo Thứ trưởng Toàn đơn vị chức năng phải tính toán kỹ lưỡng lưu lượng ô tô, xe máy ra vào ngã 7 này ở các thời điểm khác nhau.

Thứ trưởng Toàn cho biết, ở những nước như Thái Lan, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc… gặp những trường hợp như ngã 7 Ô Chợ Dừa, họ không bao giờ giải quyết riêng, tất cả phải giải quyết đồng bộ, với hệ thống cầu vượt lập thể khác cốt phù hợp ở các mức khác nhau.

Posted Image

Làm cầu vượt theo hướng Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng không ảnh hưởng đến Đàn Xã Tắc<br style="margin: 0px; padding: 0px;">

“Tại ngã 7 nút giao thông Ô Chợ Dừa - Xã Đàn này nếu cầu vượt đi theo hướng Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng sẽ giải quyết hữu hiệu tình trạng ùn tắc giao thông tại cửa ngõ vào nội đô. Hơn nữa, nếu làm cầu vượt theo hướng này sẽ không ảnh hưởng đến di tích Đàn Xã Tắc. Đây là nút giao rất quan trọng, do vậy phải giải quyết dứt điểm, nếu không làm lúc này, sau này lại cải tạo lại sẽ rất tốn kém”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn nhận định.

Theo Thứ trưởng Toàn, để đạt được hiệu quả cao, hệ thống giao thông lập thể ở khu vực này cần tổ chức thi tuyển để lựa chọn giải pháp tối ưu về công năng sử dụng, kinh phí đầu tư, hạn chế thấp nhất chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và bảo tồn di sản văn hóa.

Quang Phong

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay