wildlavender

LÀNG UNG THƯ TRUNG QUỐC

1 bài viết trong chủ đề này

Làng ung thư Trung Quốc: Cái giá của tăng trưởng

09:43' 13/12/2008 (GMT+7)

Ở một nơi như bị cô lập, làng Liukuaizhuang của Trung Quốc giống như một địa ngục tối tăm, vây kín xung quanh bởi những nhà máy công nghệ thấp, chất thải làm nhiễm nguồn nước và không khí, sức khỏe rất nhiều người trong làng bị đe dọa nghiêm trọng.

Posted Image

Những con đường xung quanh làng chỉ toàn là nhà máy. (Ảnh: Reuters)

Trong một thập niên qua, 1/5 người trong làng và làng lân cận bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư, người dân địa phương cho hay. Đây là mức cao gấp 10 lần tỉ lệ quốc gia được đưa ra trong báo cáo điều tra của Bộ Y tế Trung Quốc hồi đầu năm nay.

Rất nhiều người lo sợ rằng, họ đang phải trả giá cho nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ của đất nước bằng chính mạng sống của mình, khi xung quanh làng là các nhà máy cao su, hóa chất, sơn...

"Các bác sĩ đã hỏi gia đình tôi có tiền sử ung thư hay không? Tôi trả lời: Không, ba thế hệ trước tôi chưa từng có người mắc căn bệnh quái ác này", một người dân trong làng đã nói khi đưa ra phim chụp của bác sĩ kèm theo chẩn đoán anh bị ung thư phổi. "Có quá nhiều việc phải làm với tình trạng ô nhiễm ở đây".

Ba thập niên cải cách và mở cửa kể từ năm 1978 đã khiến Trung Quốc chuyển mình trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, đưa hàng triệu người thoát nghèo, nhưng kèm theo đó cũng là cái giá khá đắt.

Khắp đại lục, có hàng chục nơi như làng Liukuaizhuang, nơi những nhà máy làm "đen hóa" nguồn nước, nhiễm độc đất trồng và phá hủy không khí.

Cách phía nam Bắc Kinh 120km, Liukuaizhuang từng là một ngôi làng yên bình trước khi công cuộc phát triển kinh tế bùng nổ.

20 năm sau, xung quanh làng và vùng lân cận có tới gần 100 nhà máy hóa chất, và 30 năm sau, hầu hết mỗi gia đình trong làng đều có người chết vì bệnh ung thư - nạn nhân trẻ nhất mới chỉ bảy tuổi.

Các quan chức Trung Quốc cũng đã thừa nhận ngôi làng có tên là "làng ung thư" trên báo chí địa phương, gặp phải vấn đề ô nhiễm trầm trọng, mặc dù họ khẳng định rằng, tỉ lệ ung thư ở đây thấp hơn mức trung bình quốc gia và những nhà máy gây ô nhiễm nhất cho làng đã bị đóng cửa.

Câu hỏi và sự yên lặng

Vài năm gần đây, nhiều lãnh đạo Trung Quốc cũng đã quan ngại tới cái giá phải trả cho một nền kinh tế tăng trưởng quá nóng. Họ kêu gọi phát triển một xã hội hòa hợp hơn, một ngành công nghiệp sạch hơn.

Nhưng, vấn đề ô nhiễm xung quanh Liukuaizhuang đã bùng nổ từ năm 2003, thời gian khá dài khi tăng trưởng "xanh" trở thành tâm điểm trong chương trình phát triển của chính phủ.

Một nhà hoạt động vì môi trường cho hay, nước thải và chất độc hại rõ ràng gây hại tới sức khỏe con người ở đây, thậm chí mối liên kết giữa nó và bệnh ung thư chưa được minh chứng. "Chất gây ô nhiễm bao gồm cả kim loại nặng như thủy ngân và chì ngấm vào nước, đất, không khí sẽ ảnh hưởng tới chức năng thông thường của tế bào", Cao Trung, một nhà kinh tế học môi trường thuộc tổ chức phi chính phủ, hoạt động cho chương trình làm sạch nguồn nước tại Trung Quốc, cho biết.

Wong Tze-wai, một chuyên gia môi trường tại Đại học Trung Quốc ở Hong Kong, nói rằng, còn quá sớm để khẳng định sự liên quan, nhưng chính quyền địa phương nên nhìn vào các trường hợp mắc bệnh ung thư trong làng cao ở mức khác thường và phải tìm hiểu lý do vì sao.

"Quan trọng là điều tra. Chúng ta biết rõ rất nhiều hóa chất công nghiệp là chất sinh ung thư", ông nhấn mạnh.

Những gia đình khá giả hơn trong làng đã tìm cách chuyển đi nơi khác, để lại phía sau người già cả, nghèo khổ và ốm đau. Một số người thậm chí không thể ngăn ngừa cơ bản những rủi ro tới sức khỏe. "Chúng tôi không đủ tiền để làm sạch nước uống. Chúng tôi chỉ đổ nước vào chậu và chờ các chất ô nhiễm lắng xuống", con gái một bệnh nhân ung thư phổi nói.

"Rất nhiều phóng viên đã tới và đi, nhưng không thay đổi tình hình", một bệnh nhân ung thư trung tuổi, người có chồng cũng bị chẩn đoán mắc ung thư, cho hay. Giống như mọi người được phỏng vấn khác, bà từ chối nói danh tính.

Cách mạng làm sạch?

Có những hy vọng trớ trêu đến từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đe dọa rất nhiều nhà máy công xưởng ở Trung Quốc. Sự suy thoái của thế giới cũng làm giảm nhu cầu sản phẩm, và khiến cho các nhà máy ở Trung Quốc giảm bớt lượng chất thải gây ô nhiễm.

Người làng cho hay, nhiều nhà máy ở Liukuaizhuang đã đổ bể.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng khiến Bắc Kinh đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá nhiều tỉ USD. Và nhiều người hy vọng, tiền sẽ được chi tiêu vào công nghệ sạch hơn.

"Bây giờ, chúng ta đang đối mặt với bất ổn tài chính. Đó là cách tốt để kích cầu trong nước, giữ xã hội ổn định, cải thiện môi trường và đất nước có thể sẽ phát triển đi cùng với chất lượng", một nhà hoạt động vì môi trường bày tỏ như vậy.

Nhiều người trong "làng ung thư" lo sợ rằng, việc làm sạch sẽ là quá muộn với họ nhưng vẫn hy vọng, nó sẽ cứu con cháu họ khỏi những căn bệnh chết người.

  • Kỳ Thư (Theo Reuters)
nguồn vietnamnet

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay