Thiên Sứ

Dư Âm Một Thuở Ngậm Ngùi

2 bài viết trong chủ đề này

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Dư âm một thuở ngậm ngùi

28/04/2013 09:30 (GMT + 7)

TT - Một chiều tháng 4 tôi đến thăm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tại ngôi nhà nhỏ của ông nằm trong hẻm Trần Khắc Chân, Q.1, TP.HCM.

Posted Image

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và ca sĩ Ánh Tuyết - Ảnh: Bạch Mai

Ông cười hiền hậu: "Lâu lắm mới có một ca sĩ đến thăm chú đấy". Hôm trước tết con có đến mà - tôi định nói vậy nhưng rồi khóe miệng ông rung rung làm tôi tự hỏi đó là niềm vui hay sự xót xa...

"Mỗi ngày hết nằm thì lại ngồi, ngồi và lại trông ngóng mong đợi, đợi điều gì ư, đợi có ai đó đến thăm là niềm an ủi, là vui lắm rồi vì như thế là chú được biết rằng thi thoảng vẫn có người còn nhớ đến những Dư âm của chú...". Người nhạc sĩ tài hoa một thuở thong thả nói, nhẹ như một hơi thở.

Lặng buồn với những dư âm

Hơn 90 tuổi đời, lão nhạc sĩ di chuyển một mình thật khó khăn trong căn nhà nhỏ. Ông dành thời gian để ngồi nhiều hơn bên song cửa mà đưa mắt quan sát cuộc sống đang diễn ra. Cái cảm giác như ông nói, "đôi lúc chỉ muốn một ai đó đi qua và cười với mình" cho thấy ông yêu cuộc sống này biết bao nhiêu (cho dù với những gì ông đã đóng góp và cống hiến cho đời sống này thì hiện tại cuộc sống của ông là một điều thật ngậm ngùi).

Hội ngộ lần đầu

Năm 1978, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng mời các nhạc sĩ về thăm để viết ca khúc cho tỉnh nhà. Tác phẩm Quảng Nam - Đà Nẵng đất nặng nghĩa tình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý khi đó đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. Với tôi nữa, cuộc hội ngộ ấy càng là một dấu ấn đặc biệt. Đó là lần đầu tôi được gặp người kể chuyện trong mơ của ca khúc Dư âm bằng xương bằng thịt. Hình dung về ông khi đó với tôi là một người đàn ông thật thú vị bởi cách nói chuyện nhiệt huyết gần gũi nhưng rất hóm hỉnh và cuốn hút. Vậy mà những năm gần đây, dáng vẻ ông ngồi nhìn qua song cửa với ánh mắt dường như đã tắt bao niềm vui cứ khiến tôi day dứt, ám ảnh.

Tôi cất lời khe khẽ một đoạn Dư âm: "Ðêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ..." giữa tiếng xèo xèo cộng hưởng của muôn vàn thanh âm trong con hẻm ồn ã. Nhạc sĩ khép mắt lại trong một thoáng rồi hít nhẹ một hơi như muốn thu lại hết những cảm giác lúc này đang có quanh không gian nơi đây vào tận sâu đáy lòng. Ông cười buồn: "Chú sống được đến bây giờ là nhờ những dư âm đó đấy". Ông vẫn ôm đàn ngồi một mình chẳng diễn tấu và cũng không hát, ông để những thanh âm xưa cũ vọng lại trong tâm trí.

Tôi rất hiểu khi nghe ông kể lại chuyện những bóng hình cũ bằng một cảm giác xúc động khôn nguôi, giờ thì người đã rời xa dương thế, người thì chính bản thân nhạc sĩ cũng không thể biết được họ đang ở phương trời nào. Còn ông giữ lại và ấp ủ cho mình những khoảnh khắc đẹp nhất, để thấy cuộc sống còn muôn vàn ý nghĩa và sự yêu thương. Cho dù khi trở lại với những gì đang hiện hữu xung quanh mình, người nhạc sĩ tài hoa ấy đã nhiều lần phải siết chặt hai bàn tay lại để tự an ủi bản thân khi đối diện với nỗi cô đơn trong thực tại.

Nhưng ông vẫn luôn cảm ơn tình yêu đã cho ông cảm xúc chân thực nhất để dệt nên những giai điệu đẹp dành tặng cuộc sống này. Tự nhận mình là người nhút nhát khi muốn bày tỏ tình cảm với một ai đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý luôn tâm niệm tình yêu khó đến và cũng thật khó nắm bắt, nhưng khi điều đó thật sự tồn tại trong trái tim mỗi người thì nó sẽ ở lại đó mãi mãi. Cho dù tình yêu không thành, không đơm hoa kết trái, không có nhiều thời khắc hạnh phúc nhưng cảm xúc đấy giữ ông ở lại trong thế giới riêng cảm của bản thân. "Chỉ mình biết mình đang hạnh phúc, chỉ mình biết mình đang khổ đau, âu cũng là lẽ thường tình của đời sống" - ông chậm rãi nói từng lời như một sự tự vấn với bản thân mình.

Giá mà sống trọn trăm năm...

Giờ sống một mình khi đã qua phần lớn con dốc cuộc đời, ông nhất định không chịu đến những trung tâm tình thương để sống và nhận sự bảo trợ cộng đồng từ xã hội. Ông bảo, vậy sẽ càng đau khổ hơn khi chứng kiến những nỗi cô đơn giống như mình. "Người với người sống để yêu nhau" thế nhưng khi cảm nhận được nỗi đau của nhau mà bất lực thì đó là một điều mà trái tim đa cảm của người nhạc sĩ sẽ không thể chịu đựng nổi. Tôi gặng hỏi tế nhị khá nhiều lần, mãi rồi ông mới cho biết mình đang sống bằng lương hưu, phụ cấp hoạt động trước cách mạng, rồi tiền tác quyền chừng hơn 1 triệu/tháng, tất cả là hơn 4 triệu đồng mỗi tháng không đủ để ông sinh hoạt tằn tiện thuốc men, chưa kể trả lương đỡ đần việc nhà cho cô cháu gái của người vợ đã khuất cũng mất gần hết số tiền ấy rồi. Hai cô con gái thì một người sinh sống ở Hà Nội, cô út ở Sài Gòn thì cũng gần đây nhưng chính nhạc sĩ không muốn về sống cùng vì biết hoàn cảnh của các con cũng khó khăn. Nhạc sĩ cho biết thêm thỉnh thoảng có những thính giả yêu mến tác phẩm của ông tìm đến và giúp đỡ ít nhiều, điều này khiến ông có thêm niềm vui và sự tự tin rằng con người và tác phẩm của mình vẫn chưa hoàn toàn bị thế gian này quên lãng.

"Ðôi khi chợt nhận ra mình nợ cuộc sống quá nhiều mà chẳng biết trang trải từ đâu" - nhạc sĩ cười buồn và thoáng trầm mặc trong dòng suy tưởng. Thật lòng tôi không thể cảm nhận được hết điều ông vừa nói và cũng không sao cất lời để có thể tiếp tục gợi chuyện. Khoảng lặng ấy kéo dài khá lâu trong ánh nắng buổi xế chiều. Không gian căn nhà nhỏ dường như thu mình lại trong sự ồn ã của những tiếng động xung quanh, xe cộ, hàng quán, trẻ nhỏ... Có lẽ những âm vang đó đang chất đầy trong tâm trí người nhạc sĩ hoặc ngược lại ông đang tạm lánh xa thực tại. Rồi ông lấy tập nhạc Những dư âm còn lại... đề tặng tôi vài dòng lưu bút, nét chữ khỏe khoắn bay bổng được thể hiện từ một bàn tay nay đã run run...

Nắm chặt tay ông để nói lời từ biệt, lại như lúc đón tôi, ông mỉm cười, khóe miệng rung rung: "Giá mà chú có một gia đình trọn vẹn thì thể nào chú cũng sống mười năm nữa cho tròn 100 tuổi...". Tôi lặng đi, rồi vội vã tìm lời an ủi, cũng chẳng ngoài những lời sáo rỗng quen thuộc...

Tôi với tư cách là một ca sĩ đã từng hát nhạc của ông, một thính giả đã từng yêu mến những tác phẩm của ông cảm thấy xấu hổ và biết ông rất cần một tấm lòng lúc này, một tấm lòng tri ân người nhạc sĩ tài hoa đã trọn đời cống hiến cho âm nhạc và cuộc sống này.

Ca sĩ ÁNH TUYẾT

Posted Image

Ghét ai thì nói thẳng mà thương ai thì chẳng dám nói

Ngẫm lại những gì xảy đến với mình trong suốt chặng đường đời, ông mới nhận ra rằng có lẽ cá tính ấy của mình đã ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống, như người ta vẫn hay nói “tính cách quyết định số phận”. Điều này dẫn đến hệ lụy rằng có nhiều người không thích ông và có những người ông đã đánh mất cơ hội được gần gũi họ.

Sự cô đơn hôm nay của người nhạc sĩ lão thành có lẽ một phần cũng bởi do tính cách ấy đem lại. Thế nhưng nếu để nói về một chữ “tiếc” nào đó trong cuộc đời thì ông sẽ mỉm cười và lắc đầu. Sinh ra và lớn lên trong những thời điểm lịch sử đầy biến động của dân tộc, ông luôn tự hào là người con của Tổ quốc Việt Nam yêu thương được đóng góp tâm sức và song hành cùng với những biến chuyển vĩ đại của dân tộc.

Đó là lý do tại sao đời sống âm nhạc của chúng ta có những Vượt trùng dương, Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre, Chim hót trên đồng đay, Bài ca năm tấn, Cô đi nuôi dạy trẻ... Những giai điệu đó một thời đã tạo dựng niềm tin và cảm hứng cho biết bao thế hệ vượt qua khó khăn hoàn thành những sứ mệnh lịch sử

.

======================

Tôi cũng là một pan hâm mộ bản "Dư Âm" của người nhạc sỹ tài hoa nay. Tôi đã từng ngây ngất với hình ảnh tuyệt vời mô tả một tình yêu đậm chất thơ của "Dư Âm": "Em như lầu vắng, anh như ánh trăng gieo muôn ý thơ". Cùng với "Mộng chiều Xuân" - Ngây thơ dáng huyền, thoáng trong mơ, lòng anh bớt sầu.... Mộng vàng phút tan theo gió chiều, Biết em về đâu...?"thể nói đó là những hình tượng rất đắt giá mô tả những tình yêu nội tâm đích thực, một thời lên ngôi trong cuộc sống, được ghi nhân trong lịch sử âm nhạc hiện đại Việt Nam.

Nhưng thành thật mà nói, tôi đã thất vọng với nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, khi ông lên truyền hình - cách đây hơn 10 năm trước và phát biều: "Chuyện tình Trương Chi mang tính giai cấp". Thần tượng của tôi sụp đổ.

Có một thời tôi cố quên "Dư Âm" từng làm tôi say đắm, nhưng không được. Nhưng thật cay đắng mỗi khi đến với "Dư Âm", tôi luôn ám ảnh bởi một chuyện tình giai cấp của ông.

Thưa ông Nguyễn Văn Tý: Chuyện tính đẹp như mơ trong "Dư âm" của ông nó thuộc về giai cấp nào vậy?

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Nhạc sĩ Hoàng Giác: Tiếng lòng xưa bên giấc “Mơ hoa”...

02/06/2013 07:10 (GMT + 7)

TT - Năm 1973 còn bé xíu, ca hát líu lo một cách say mê, tham gia cuộc thi văn nghệ của Hướng đạo Việt Nam tại chân núi Sơn Trà (Đà Nẵng), không hiểu sao tôi lại chọn cho mình tác phẩm Quê hương của nhạc sĩ Hoàng Giác.

Posted Image

Nhạc sĩ Hoàng Giác và ca sĩ Ánh Tuyết với ca khúc Quê hương trong chương trình Ký ức thời gian năm 2005 - Ảnh: Nguyễn Thế Thục

Một bản tình ca đẹp nhưng đượm buồn với giai điệu quyến luyến cùng những lời ca u hoài da diết, Ai qua miền quê binh khói, nhắn giúp rằng nơi xa xôi..., đặc biệt ở đoạn Luyến tình quê, luyến tình quê, hẹn sẽ trở về cùng nỗi niềm ước mong hết sức bình dị trong phần điệp khúc Về quê xưa để sống êm đềm giấc mơ, về quê xưa tìm bóng những ngày đã qua... đã gợi mở sự cảm nhận và ghi dấu trong tâm hồn non trẻ của tôi sự rung cảm sâu sắc.

Không biết ông có nhớ không cái ngày tháng đó của năm 1987. Tôi ra Hà Nội biểu diễn, được một người quen đưa đến gặp nhạc sĩ Hoàng Giác tại nhà ông ở phố Hàng Bạc, dù chưa hề biết tôi nhưng ông thật nhiệt tình niềm nở đón mời. Tôi giới thiệu mình và khoe thành tích nhờ bài Quê hương của ông mà tôi đoạt giải năm 12 tuổi. Ông đã thật vui với nụ cười hiền, mang lại cho cô ca sĩ trẻ là tôi lúc ấy một cảm giác an lành và như đã thân quen từ lâu.

Kể từ đó cứ mỗi lần có dịp ra Hà Nội là tôi tranh thủ thời gian đến thăm ông. Rồi cũng chính thời gian đã giúp tôi thêm hiểu vì sao những Tung cánh chim tìm về tổ ấm, nơi sống bao ngày giờ đằm thắm... (Ngày về), rồi Trên đường thầm xa, tôi nhắn cô em đôi lời, dù hoa quên bướm, nhưng lòng ta khắc ghi... (Mơ hoa), và Nửa chừng xuân cung đàn lỡ. Ai nhắn người nơi xa ngàn. Tơ vương nghìn năm nát tan... (Lỡ cung đàn) hay Bóng ngày qua, hay Hương lúa đồng quê, và cả những ca khúc ông cùng viết với người bạn thân là nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ lại có sức lay động lòng người lâu bền đến vậy.

Hoàng Giác à? Không biết!

Nhạc sĩ Hoàng Giác nay đã gần tuổi 90, âm nhạc vẫn giúp ông có được sự khỏe khoắn và minh mẫn. Căn nhà số 124 Hàng Bạc nằm khuất sau con hẻm nhỏ xíu xiu, sau những cửa tiệm buôn bán, phía dưới có tấm biển màu xanh với dòng chữ đẹp nắn nót “Hoàng Giác - dạy guitar”, lớp học mà hôm xưa tôi đến chơi nay chỉ còn trong ký ức. Ông đã chuyển về địa chỉ 115 A8 Đầm Trấu, một khu đô thị mới được xây dựng hơn chục năm nay.

Đến thăm ông, tôi phải đi vòng vèo hỏi đường suốt, ngạc nhiên ở chỗ hỏi cả khu mà chẳng có người biết Hoàng Giác là ai... Không biết ở đâu cả, người đàn ông ngồi trong nhà vọng ra bảo tôi qua công an phường bên cạnh mà hỏi. A! Mình ngu thiệt... Tôi bước vào hỏi anh công an ngồi cạnh cửa, anh bảo tôi vòng phía sau hỏi anh công an quản lý khu vực chắc chắn sẽ rõ. Tôi vui trong bụng nghĩ lần này mình sẽ biết thôi, liền vòng ra sau gặp anh công an khu vực nhưng... ôi trời, buồn và thất vọng quá, anh công an trẻ tỏ vẻ ngạc nhiên và hình như đang tâm trạng không vui, khi nghe tôi hỏi tìm nhà nhạc sĩ Hoàng Giác anh đáp gọn “không biết”. Trời, quản lý khu vực chi lạ rứa?!...

Quay ra đường tôi cất giọng hát Tung cánh chim tìm về tổ ấm, anh chàng xe ôm ngay trước trụ sở phường trố mắt nhìn tôi: “Ngày về - nhạc tiền chiến đúng không chị? Bọn em hát karaoke suốt...”. Thế mới biết tên tuổi của những người nhạc sĩ thế hệ trước thường chỉ ẩn mình sau các tác phẩm thật sự đi vào lòng người của họ... Thêm mấy bước tôi vòng ra con ngõ sau lưng công an phường, mắt đảo lia dò tìm, đây rồi, tấm bảng “nhạc sĩ Hoàng Giác” rất dễ nhìn gắn ngay trước nhà.

Nghệ nhân tài hoa của âm nhạc

Không biết từ đâu tôi lại nghĩ ông như một trong những nghệ nhân tài hoa của nền âm nhạc Việt Nam, tuy ông viết không nhiều nhưng mỗi tác phẩm ra đời hầu hết đều trở thành những ca khúc bất tử in đậm dấu ấn trong lòng người mộ điệu. Đặc biệt trong đa số bài hát của ông luôn có vài câu thơ để ngâm sa mạc dẫn chuyện vào ca khúc như Ngày đi trăm nỗi hẹn hò. Ngày về vắng bóng con đò bến xưa (bài Ngày về) hay Quê ai khói lửa ngập trời. Con tim se sắt trông vời quê tôi, lụy nhỏ tơi bời (bài Quê hương) và đến khi hình thành giai điệu cũng như ca từ ông đều để người thân, bạn bè nghe đi nghe lại nhiều lần rồi mới hoàn thiện tác phẩm. Sự chỉn chu và nghiêm túc đó xuất phát từ quan điểm của chính bản thân ông rằng “sáng tạo nghệ thuật là bởi sự rung cảm thật sự của trái tim mình, âm nhạc không có chỗ cho những cảm xúc giả tạo”.

Bởi thế khi không còn cảm hứng ông đã thôi sáng tác, ông chuyên tâm biểu diễn và giảng dạy tây ban cầm, mang âm nhạc đến với cuộc đời qua một hình thức khác. Lớp học tây ban cầm của ông suốt một thời gian dài là khoảng không gian khó quên của nhiều lớp thanh thiếu niên thủ đô thời đó. Đôi lần đến thăm, tôi vẫn gặp những người học trò cũ - mới ôm đàn ngồi hàng giờ với ông trong căn phòng nhỏ nhưng vẫn toát lên vẻ chỉn chu nề nếp của hương sắc Hà thành.

Mà gặp lại ông lúc nào cũng vậy, sau câu chào hỏi là một nụ cười hiền và hóm. Nhưng khác với những lần trước, giờ ông mắc chứng run tay rất khó khăn để ôm đàn guitar đệm cho tôi hát như những năm xưa. Lần ghé thăm này ông lại có nhã ý tặng tôi cây đàn guitar, nó đã theo ông ngót hơn nửa thế kỷ. Tôi biết đó không chỉ dừng lại ở tình cảm tốt đẹp ông đã dành cho mình mà ẩn sâu sau ánh mắt nụ cười nhẹ nhàng ấy còn có cả một khoảng trống mà tôi lờ mờ cảm nhận ra ở bàn tay run run, ở ngay cái cách khi ông hồi tưởng về “những người muôn năm cũ” - các đồng nghiệp, bạn hữu của ông, nay chỉ còn những thanh âm dư ảnh ở lại với cuộc đời này. Cây đàn của ông cũ mèm, màu gỗ úa, cùng những vết xước hằn trên thân đàn được khắc ghi những câu chuyện bằng âm nhạc và bao kỷ niệm trong tâm hồn ông.

Cô Kim Châu, vợ ông, thắc mắc: “Cớ sao ông lại tặng Tuyết cây đàn đã theo ông đến gần hết đời vậy?”. Ông bảo “vì Tuyết là người có công tìm tòi gìn giữ dòng nhạc tưởng chừng bị lãng quên, nếu không có Tuyết chịu khó kiên trì thì chắc...”. Tôi lém miệng nói: “Dạ, còn có cả sự góp sức của những người yêu nhạc nữa mới được đó chú ơi”. Tôi lặng nhìn ông, nhận ra thời gian có thể tạo nên những dấu hiệu thể chất với ông nhưng có lẽ không thể xóa nhòa hay hằn lên những tì vết trên tâm hồn, trái tim của người nghệ sĩ ấy.

Người ẩn mình sau những tình khúc vượt thời gian

Hình như bây giờ chú hay tránh xuất hiện trước công chúng? Có lần tôi hỏi ông vậy. “Chẳng phải tôi cao đạo gì đâu, nhưng thấy khán giả vẫn còn nhớ đến những tác phẩm của mình là vui lắm rồi. Xuất hiện trước công chúng bây giờ với tôi như thể cậu bé đứng trước lớp trả bài lần đầu tiên vậy, sẽ chẳng biết phải nói gì bởi mình đã gửi gắm hết qua các tác phẩm và những giai điệu đó vẫn còn được vang vọng trong cuộc sống, vậy là đã quá hạnh phúc”. Nhạc sĩ trải lòng và vợ ông nhân đó tiếp lời: “Ông nhà tôi hóm lắm cô ạ, có hôm đi tập thể dục về ông khoe hôm nay vừa được dự buổi hòa nhạc các tác phẩm của mình. Hóa ra ông ấy đi bộ và chợt nghe nhà ai đó mở các bài Ngày về, Mơ hoa, Lỡ cung đàn... ông dừng lại nghe chăm chú rồi cảm thấy rất vui”. Câu chuyện của vợ chồng ông khiến tôi vui lây niềm vui bình dị đó và chợt nhận ra những giá trị cao đẹp giữa đời sống này đôi khi chỉ đơn giản nằm ở cách suy nghĩ của mỗi người. Ông không phô trương, ồn ã để có thể tận hưởng cuộc sống theo cách riêng của mình, và ông đã luôn giữ được niềm hạnh phúc dung dị bình yên đó suốt gần một thế kỷ qua bên những người thân yêu. Hơn ai hết có lẽ ông là người hiểu rõ xúc cảm Tung cánh chim tìm về tổ ấm trong nhạc phẩm Ngày về bất tử của chính mình.

Bất chợt tôi nhớ trong ca khúc Mơ hoa của ông, một hình bóng ẩn dụ cho cái đẹp, tượng trưng đầy ước lệ, thế nhưng sao bao năm qua người ta vẫn say mê mỗi lần ca khúc đó được cất lên. Có lẽ những “cô hái hoa” ấy sẽ luôn “dừng bước chân” thật lâu trong tâm hồn mỗi người khi chúng ta thật sự rung động với muôn vàn cái đẹp hiện hữu giữa đời sống mỗi ngày. Giấc mơ hoa đó có lẽ chưa bao giờ dừng lại trong tâm cảm người nhạc sĩ tài hoa, luôn phơi phới một tinh thần cảm quan yêu đời, yêu người ấy...

Hoàng Giác và Hoàng Nhuận Cầm

Nhà thơ - nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm là trưởng nam của nhạc sĩ Hoàng Giác. Giữa những tháng năm ác liệt của bom đạn trong cuộc kháng chiến thống nhất đất nước, nhạc sĩ Hoàng Giác từng đạp xe vượt qua đường sá xa xôi, không quản mưa bom bão đạn để mang tới cho Hoàng Nhuận Cầm khi đó đã lên đường nhập ngũ tờ báo Văn Nghệ có in những bài thơ đầu tiên của anh với mong muốn rằng con trai ông được nhìn thấy tác phẩm của mình đã đến được với công chúng. Vì biết đâu cuộc chiến còn dài, người lính đôi khi không có cơ hội nhìn thấy những thành quả tốt đẹp được tạo dựng từ sự hi sinh của mình và đồng đội. Chuyến đi ấy của ông tuy không gặp được con trai do đơn vị của anh đã di chuyển, thế nhưng người nhạc sĩ - người cha bằng linh cảm của mình đã tìm được chùm

thơ mà Hoàng Nhuận Cầm để lại trong vỏ đạn 37 li. Nhạc sĩ Hoàng Giác mang những tác phẩm đó quay lại Hà Nội và đời sống văn học nghệ thuật của chúng ta có thêm những Vào trận lúc mùa ve đang kêu, Viên xúc xắc mùa thu, Những câu thơ viết đợi mặt trời.

Nhạc sĩ Hoàng Giác không nói nhiều về con trai, đôi lần gặp gỡ hai cha con tôi cứ ngỡ họ là bạn văn và là một tình bạn vong niên bởi sự gần gũi ấm áp nhưng đầy lễ nghĩa qua cách trò chuyện. Với một người làm nghệ thuật, có lẽ không gì hạnh phúc hơn khi thế hệ tiếp nối tình cảm tư tưởng của bản thân mình lại là những người thân yêu trong gia đình. Nhạc sĩ Hoàng Giác đã thật sự có được hạnh phúc đó.

ÁNH TUYẾT

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay