Thiên Sứ

Từ điểm thi môn lịch sử

8 bài viết trong chủ đề này

Hôm nay tôi đọc được câu này trên Việt Báo.vn:

“Lịch sử là một thành phần mà thiếu nó thì không một ý thức dân tộc nào đứng vững được”*, phải chăng vì thế mà “Hội thảo thực trạng dạy và học lịch sử...” vừa rồi đã thu hút sự chú ý của dư luận. Ngày 28.3.2008 hàng loạt tờ báo đưa tin về hội thảo này, báo động về điểm thi môn lịch sử.

Bài viết của nhà bình luận Tương Lai trên báo Thanh Niên. Phần chú thích phía dưới ghi:

* Fernand Braudel. “Tìm hiểu các nền văn minh”/ Nxb KHXH.1992, tr.87

Bài báo viết:

Dòng chảy lịch sử là bất tận, nó tạo nên sức mạnh bất diệt của một dân tộc. Thế hệ trẻ Việt Nam phải được hiểu kỹ về dòng chảy bất tận đó, phải được tắm mình vào trong dòng chảy bất tận đó để tự hào về ông cha mình đã bao đời kiên cường, bất khuất dựng nước, mở nước và giữ nước để trao lại cho thế hệ hôm nay gìn giữ và phát triển. Không có niềm tự hào về dân tộc, tự hào về nền văn hóa dân tộc sẽ không thể vững tin mà đến với thế giới. Ở thời đoạn quá trình phát triển và hội nhập đi vào chiều sâu, càng phải nâng cao sự hiểu biết của thế hệ trẻ về lịch sử, hiểu rõ về ông cha mình, thấy ra được chỗ mạnh và chỗ yếu của dân tộc mình.

Trên ý nghĩa đó, việc dạy và học lịch sử, những công trình khoa học lịch sử chất lượng cao có tác động lớn đến việc đào luyện con người, con người Việt Nam hôm nay đang phải đối diện với những thách đố chưa từng có.

Quả thật, “môn lịch sử giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống và cách mạng, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người, giữ gìn bản sắc dân tộc”, như thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi hội thảo nói trên.

Tương Lai

Văn chương thì hay thật. Những nghĩ lại cội nguồn dân tộc Việt từ một quốc gia văn hiến trải gần 5000 năm , nay xuống "thực chất chỉ là một liên minh gồm 15 bộ lạc" với những người dân "Ở trần đóng khố" và tồn tại "khoảng vào thế kỷ thứ VII trước công nguyên" thì cũng thấy khó hiểu và hơi buồn.

Có thể tham khảo toàn bộ bài viết ở đây:

http://vietbao.vn/Xa-hoi/Tu-diem-thi-mon-l...u/45278184/347/

Thiên Sứ

Share this post


Link to post
Share on other sites

Anh Thiên Sứ, đã từ lâu tôi muốn chia sẻ với anh về các quan điểm lịch sử bây giờ đối với 1 thời kỳ khuyết sử của dân tộc. Tôi định dành hẳn 1 chủ đề để nói lên quan điểm của tôi nhưng cũng băn khoăn không biết phải bắt đầu từ đâu và sợ nếu không đủ ý thì sẽ bị hiểu lầm, nhân đây tôi xin mượn toàn bộ lời bàn của anh để trình bày vậy :

"Văn chương thì hay thật. Những nghĩ lại cội nguồn dân tộc Việt từ một quốc gia văn hiến trải gần 5000 năm , nay xuống "thực chất chỉ là một liên minh gồm 15 bộ lạc" với những người dân "Ở trần đóng khố" và tồn tại "khoảng vào thế kỷ thứ VII trước công nguyên" thì cũng thấy khó hiểu và hơi buồn."

Về các tài liệu lịch sử thì rất nhiều (từ giáo khoa cho đến các nghiên cứu bách khoa toàn thư từ chính sử, bên lề chính sử, hoặc dã sử), tôi cũng không phải nhà nghiên cứu lịch sử hay chuyên ngành sử gì cả nên cũng không được đọc nhiều. Tôi chỉ mạn phép trình bày các vấn đề hoàn toàn thuộc chủ quan của tôi, trên cơ sở tổng hợp 1 số ý chính trong các sách đó (VD : các tác phẩm của GS Nguyễn Khắc Thuần, "Nguồn văn hóa VN" của GS Lê Văn Quán, "Lạc Việt sử ca" của Lê Gia, ...). Mọi trích dẫn tôi sẽ để trong dấu ngoặc kép (" ") là những ý chính rút gọn của tôi hoàn toàn theo chủ quan và tuyệt đối không hề có ý thêm bớt nội dung hay là hành động thiếu tôn trọng tác giả.

Nhưng trước tiên, tôi xin được trích dẫn tài liệu dưới đây để anh tham khảo, nguồn : http://www.hungsuviet.org/lichsu/gio_to_hung_vuong.htm

"Người Việt thời Hồng Bàng (2879-258 tr.TL)
Theo truyền thuyết và theo các cuộc nghiên cứu cổ sử về nguồn gốc người Việt Nam, tổ tiên chúng ta thuộc về một giống người Việt xuất hiện rất sớm (khoảng 3000 năm trước Tây Lịch), ở miền Tây Tạng phía Bắc Trung Hoa, sống rải rác với các giống người Hán và người Tam Miêu.
Về sau, giống Hán hùng mạnh lên đã đánh đuổi người Tam Miêu xuống phía Nam. Giống Việt sống về nghề chài lưới và trồng lúa nước, đã di cư theo người Tam Miêu về phương Nam và lập ra một nước riêng biệt lấy tên là Văn Lang (Văn có nghĩa là văn vẻ, có học vấn, có văn hiến - Lang là một thứ ngọc thạch). Nước Văn Lang rất rộng lớn, phía Bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành). Nước Văn Lang được thành lập vào năm 2879 trước Tây Lịch, tính tới năm 2004 đã được 4883 năm nên tính tròn là năm ngàn năm.
Giống người Việt bao gồm nhiều Bộ Tộc mà người Hán gọi chung là Bách Việt (Bách có nghĩa là nhiều, không nhất thiết là con số 100, giống như Bách tính là trăm họ, có nghĩa là dân chúng hay nhân dân). Người Việt Nam thuộc về Bộ Tộc Lạc Việt, cũng có tên khác (do người Hán gọi) là người Giao Chỉ.
Vị vua đầu tiên lập ra nước Văn Lang là Kinh Dương Vương, và vị vua kế tục là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết hôn với Bà Âu Cơ, theo truyền thuyết đã sinh ra 100 người con trai. Nước Văn Lang còn có tên gọi là Xích Quỷ (có lẽ do người Hán gọi như thế vì thấy người Lạc Việt có phong tục vẽ mình và nhuộm răng đen, ăn trầu ...).
Cũng theo truyền thuyết, Lạc Long Quân đưa 50 con xuống biển và Bà Âu Cơ đưa 50 con lên rừng. Truyền thuyết này có lẽ ám chỉ một biến cốù trọng đại nào đó đã xẩy ra đối với nước Văn Lang, và suốt mấy trăm năm ở thời kỳ thượng cổ này, lịch sử chìm trong quên lãng được gọi là thời khuyết sử (thời khuyết sử cũng giải thích sự vô lý về triều đại Hồng Bàng từ năm 2879 tới năm 258 trước Tây Lịch, tổng cộng 2622 năm chia cho 20 đời vua, mỗi đời vua trị vì tới 150 năm là điều khó xẩy ra).
Trong thời khuyết sử, có lẽ các Bộ tộc Việt (Bách Việt) thiếu đoàn kết và thôn tính lẫn nhau, nên chính trị gia thời đó đã nêu lên truyền thuyết Mẹ Âu Cơ sinh ra một bọc một trăm trứng, nở ra một trăm con, với mục đích tuyên truyền, kêu gọi các bộ tộc Việt đoàn kết với nhau vì cùng là anh em cùng một mẹ.
Tộc Lạc Việt trong nhóm Bách Việt, phân nửa đã di cư thêm một lần nữa từ vùng Động Đình Hồ, Lưỡng Quảng tới vùng châu thổ sông Hồng, đồng hóa những dân tộc sống lâu đời ở đây, vẫn giữ tên nước là Văn Lang, lập nghiệp và sống yên bình hàng ngàn năm. Nước Văn Lang bấy giờ, biên cương bị thu hẹp lại giới hạn ở miền Bắc và vài tỉnh phía bắc Trung phần VN ngày nay, kinh đô đóng ở Phong Châu, do các vị Vua Hùng dựng nên và trị vì theo chế độ phụ đạo cha truyền con nối, chia nước ra thành 15 Bộ, có các quan Lac Tướng, Lạc Hầu phụ tá, các Quan Bồ Chính phụ coi sóc dân, và gọi con trai (hoàng tử) là Quan Lang, con gái (công chúa) là Mị Nương.
Người Việt Nam nhớ ơn các vị vua Hùng đã có công xây dựng nước Văn Lang, nên đã xây đền thờ trên núi Ngũ Lĩnh (Phú Thọ) để thờ phụng. Hàng năm đến ngày 10 tháng 3 âm lịch, dân chúng lại kéo nhau lũ lượt trẩy Hội đền Hùng, và cùng tôn vinh Vua Hùng là Quốc Tổ.
Tới năm 214 trước Tây Lịch, Vua Tần Thủy Hoàng sai tướng Đồ Thư đem quân đi đánh lấy Bách Việt. Nước Âu Lạc (Nhà Thục) cũng xin thần phục nhà Tần. Vua Tần chia đất Bách Việt và đất Âu Lạc ra làm 3 Quận là Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (Quảng Tây), và Tượng Quận (Âu Lạc). Như vậy, toàn thể đất Văn Lang (cũ và mới) tức đất Xích Quỷ thời Kinh Dương Vương đều bị phụ thuộc vào nhà Tần. Đây cũng là lý do tại sao người Việt luôn luôn cay đắng, muốn đòi về Lưỡng Quảng là phần đất của Tổ Tiên.
Cũng xin nói thêm, dân Bách Việt (trong đó có Lạc Việt), vì hoàn cảnh sinh sống phải ép mình ở lại phần đất Quảng Đông Quảng Tây, đã không chịu khuất phục nhà Tần, nên trốn vào rừng ở và nổi dậy giết Đồ Thư dành tự chủ. Thời nhà Triệu những người gốc Việt (người Nam Việt) ở Quảng Đông và Quảng Tây đã chống cự lại sự xâm lăng của nhà Hán rất mãnh liệt, và thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, những người gốc Việt ở Hợp Phố (Quảng Đông) đã cùng theo Hai Bà nổi dậy.
Thời nhà Tần xâm lăng Bách Việt tương đương với thời Vua An dương Vương Thục Phán (257-207 tr.TL) đã chiếm được nước Văn Lang của các vị vua Hùng và lập ra nước Âu Lạc.
Họ Hồng Bàng (2879-258 tr.TL) làm vua nước Văn Lang, tương đương với các đời vua bên Tàu từ vua Hoàng Đế (2697-2597 tr.TL) là vị khai sáng ra nước Tàu, tới vua Nghiêu (2357-2257 tr.TL), vua Thuấn (2256-2208 tr.TL), vua Vũ (2205-2197 tr.TL), vua Thang (1783-1754 tr.TL), Văn Vương (1186-1135 tr.TL), Vũ Vương với nhà Chu (1134-770 tr.TL), Đời Xuân Thu (722-481 tr TL), đời Chiến Quốc (403-256 tr.TL). Cũng nên biết thêm, đời Chiến Quốc bên Tàu vừa chấm dứt thì 1 năm sau ở phương Nam họ Thục (Thục Phán) chiếm nước Văn Lang. Đến khi nhà Tần mất ngôi năm 206 tr. TL (nhà Tiền Hán lên làm vua phương Bắc) thì cũng một năm sau ở phương Nam, nhà Thục (Thục Phán) cũng bị mất nước Âu Lạc vào tay Triệu Đà (năm 207 tr.TL). Triệu Đà lập ra nước Nam Việt (207 tr.TL). Đến năm 111 tr.TL nước Nam Việt bị nhà Hán thôn tính, trong đó nước Âu Lạc là một thành phần của nước Nam Việt nên cũng bị nội thuộc vào nhà Hán.
Trong suốt thời gian 2768 năm dựng nước (2879-111 tr.TL), người Lạc Việt đã can trường khắc phục thiên nhiên lập ra nước Văn Lang rộng lớn, và sau đó thu hẹp ở vị trí an toàn xa cách vùng ảnh hưởng của tộc Hán (gồm 15 Bộ ở Bắc Việt và bắc Trung Việt), rồi trở thành Âu Lạc, cũng như thuộc về nước Nam Việt. Mặc dù không biết rõ về tổ chức chính trị, quân sự và Xã Hội người Việt thời Thượng Cổ, nhưng xuyên qua các câu chuyện cổ tích và cách cư xử của người Hán đối với người Việt, chúng ta có thể hình dung ra một giống người Việt thời thượng cổ lập quốc đã có một nếp sống văn minh ,biết làm binh khí bằng đá (thời đá mài), biết đúc trống đồng (thời đồ đồng), chế thuyền đánh cá, trồng lúa nước, kinh doanh (truyện dưa hấu). Ngoài ra, người Việt còn mang một tinh thần bất khuất, cương quyết chống lại sự đồng hoá của tộc Hán, và có tài ngoại giao khôn khéo giữ vững được biên cương cũng như sự tự chủ của dân tộc dù cho phải sát nhập vào nước mới thành lập là Âu Lạc hay Nam Việt."

Về nội dung thì tôi không bàn ở đây, vấn đề nhỏ mà tôi muốn chia sẻ với anh nằm ở những chỗ tôi có nhấn mạnh bằng in nghiênggạch dưới

Anh Thiên Sứ thân mến,

Không biết từ lúc nào mà nhiều người trong chúng ta có suy nghĩ rằng chúng ta là hậu duệ của 1 bộ tộc Lạc Việt từ thời thượng cổ, chính tôi từ lúc nhỏ cũng có suy nghĩ như vậy, hay nói xa hơn "Bộ tộc Lạc Việt là 1 bộ tộc thuộc khối Bách Việt, chủng Nam Á". Vậy, phép suy ra đơn giản : Khối Bách Việt bao gồm cả Lạc Việt.

Tôi đang nói chuyện huề tiền ? Anh đừng hiểu lầm, mọi việc bắt đầu từ đó ...

Chính vì điều này mà trước giờ có nhiều người suy nghĩ rằng : "Trải qua hàng ngàn năm với các cuộc thôn tính tàn khốc của người Hán, người Việt di cư tản mát về phương nam, và chỉ có 2 bộ tộc là Lạc Việt và Âu Việt là giữ gìn được bản sắc và cùng đoàn kết để giành được độc lập, đó chính là tiền thân của nước VN ngày nay"

Điều này cũng được nói trong cuốn "Lạc Việt sử ca - Lê Gia", tức là "Sau khi Kinh Dương Vương Lộc Tục lên ngôi làm vua nước Xích Quỷ và truyền ngôi cho Lạc Long Quân (2879 TCN), cũng chính là tổ của Bách Việt, thì nước Xích Quỷ không thấy nói đến nữa". Như vậy, "Nước Xích Quỷ truyền được 2 đời vua" và nước ta bắt đầu đi vào thời khuyết sử.

"Trải qua bao cuộc chinh chiến, thôn tính tàn khốc, nguời Việt di cư mãi về phương nam" và đến khoảng thế kỷ thứ VII TCN, "Ở bộ Gia Ninh, có người lạ dùng phép thu phục ..." (Việt sử lược) và lập nên nước Văn Lang, ...

Tới đây thì chắc anh đã hiểu, thời Hùng Vương được tính bắt đầu từ đây, và truyền 18 đời là "con số hợp lý và có thể chấp nhận được", tức là không tính Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân.

Và tiếp theo là mới có tổ chức nhà nước : "Lạc hầu, Lạc tướng, Bồ chính, Lạc dân, ...", vậy, phải chăng chính vì thế mà người ta mới nghĩ đến cái tên "Bộ tộc Lạc Việt" ?! (để phân biệt với các bộ tộc khác : Mân Việt, Dương Việt, Miêu Việt, ...)

Và còn nữa, "nước Văn Lang được thành lập dựa trên cơ sở liên minh của 15 bộ lạc, đứng đầu là bộ mạnh nhất : bộ Văn Lang". Vậy phải chăng bộ Văn Lang đó chính là của "Bộ tộc Lạc Việt", 1 trong số 15 bộ lạc đó ?

Đến đây thì thực sự, theo tôi, đã có "vấn đề" : nếu dựa theo thuyết trên thì nước Văn Lang trước khi thành lập đã tồn tại 15 bộ lạc, hay nói cách khác, đã có sự có mặt của 15 bộ lạc trước khi nhà nước Văn Lang ra đời (hiển nhiên). Nhưng tại sao khi lập nước lại chia ra 15 bộ "trên cơ sở 15 bộ lạc" đó ? Tức là được chia sau khi đã nhập thành 1. Vậy ra ông cha ta đã mắc sai lầm cơ bản về vấn đề "chủng tộc" trong tổ chức bộ máy nhà nước ? Hay là chính chúng ta đã hiểu sai về "bộ lạc" và "bộ máy hành chính" ?

Như ở trên tôi đã trình bày, Lạc Long Quân chính là "tổ của Bách Việt", tức là bao gồm cả "Bộ tộc Lạc Việt". Nhưng hãy xem câu : "Hồng Bàng Lạc Việt", câu thành ngữ trong tâm thức của mỗi người dân Việt này không hề có ý "chủng tộc" hay "cục bộ" nào ở đây cả.

Bất chợt tôi cũng nhớ ra rằng từ lâu chúng ta đã sai lầm trong cách gọi tên nước : "Hợp chủng quốc Hoa Kỳ" ,mà đúng ra nên gọi : "Hợp chúng quốc Hoa Kỳ". Vì trong toàn văn tên gọi của nước Mỹ : "The United State Of America", tuyệt nhiên không hề có gì gọi là "chủng tộc" ở đây cả.

..............................................

Anh Thiên Sứ thân mến, tôi để ngỏ ở đây vì chưa thể nói hết ý hay sợ rằng anh chưa hiểu hết ý của tôi, bởi vì vấn đề chính tôi đặt ở đây là : có hay không tên gọi "Bộ tộc Lạc Việt" ?

Ai trong chúng cũng biết rằng, vật tổ chúng ta là Tiên-Rồng, trong đó "Tiên" là 1 giống chim nước lớn (chim Lạc) bay về nơi xa xa của phương nam ấm áp. Trong đó, "Hồng bàng thị" cũng có ý nghĩa gì đó rất lớn, một dòng họ lớn. Ý nghĩa của : "Con cháu Lạc Hồng" cũng mang ý nghĩa lớn đó.

Nhìn lại từ truyền thuyết : "Tất cả cùng tôn người con trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, vua phong tướng văn là Lạc hầu, tướng võ là Lạc tướng, ... vua chia các em đi cai trị ở khắp nơi ..." . Đến đây thì đã rõ :

Không có tên gọi "Bộ tộc Lạc Việt" nào ở đây cả. Mà chỉ có 1 nhà nước sớm ra đời từ cách đây gần 5000 năm với đầy đủ một bộ máy hành chính và một nền chính trị nhân văn, với 1 cương vực lãnh thổ : bắc giáp Động Đình hồ, ...

Nhưng cuối cùng thì tôi nói đến vấn đề này làm gì ? Vì nếu có hay không thì cũng có gì quan trọng ? Đúng là không có gì quan trọng cả ... nhưng tôi xin mượn lại ý này của anh để thêm vào lời kết luận của tôi :

"Văn chương thì hay thật. Những nghĩ lại cội nguồn dân tộc Việt từ một quốc gia văn hiến trải gần 5000 năm , nay xuống "thực chất chỉ là một liên minh gồm 15 bộ lạc" với những người dân "Ở trần đóng khố" và tồn tại "khoảng vào thế kỷ thứ VII trước công nguyên" thì cũng thấy khó hiểu và hơi buồn."


Kết luận
: Nếu chúng ta cứ đứng từ cái nhìn nhỏ bé ("Bộ tộc Lạc Việt") thì chúng ta sẽ không vượt qua được sự chật hẹp trong nhận thức để có thể lý giải mọi nguồn gốc lớn lao trong lịch sử, trong đó, có cuộc hành trình tìm về cội nguồn dân tộc, mà từ nay tôi sẽ gọi là : "Hành trình tìm về chính mình"


Có đôi lời trao đổi, có thể còn hơi thô sơ, hẹn anh lần sau.


Share this post


Link to post
Share on other sites

Anh Trần Phương thân mến.

Trong quá trình tìm hiểu về cội nguồn dân tộc, tôi cũng bắt gặp nhiều con người tâm huyết tìm về cội nguồn dân tộc. Nhưng tôi không thể hòa nhập được với họ vì phương pháp phân tích nghiên cứu tổng hợp không hợp lý và dễ mắc sai lầm. Bởi vậy, cuối cùng tôi vẫn phải một mình âm thầm làm việc với ước mơ một ngầy 49 giờ. Để trả lời một cách thấu đáo tất cả các câu hỏi của anh, có lẽ phải mất một năm với hẳn một chuyên đề. Nhưng trong bài viết này tôi xin chỉ được trình bày cái nhìn của riêng tôi với các sự kiện, hiện tượng mà anh hỏi tôi. May ra có nhà nghiên cứu nào đó nhận thấy tính chân lý trong cái nhìn này, họ nghiên cứu triển khai và minh chứng thay cho tôi.

Quan điểm của tôi là:

1) Cội nguồn xa xôi:

Trên Trái đất này đã tồn tại một nền văn minh toàn cầu rất ưu việt. Nền văn minh này là chủ nhân của thuyết Âm Dương Ngũ hành và Kinh Dịch. Nền văn minh này bị hủy diệt bởi một đại nạn toàn cầu, mà tôi nghiêng về giả thuyết một trận đại Hồng thủy. Nền văn minh toàn cầu này bị hủy diệt và nhân loại từ một nền văn minh thống nhất trở thành những bộ phận sống riêng rẽ còn sống sót. Có những bộ phận bị thoái hóa, có những bộ phận duy trì được trí thức còn sót lại. Người Lạc Việt tên gọi nguyên thủy của Bách Việt là một bộ phận còn tồn tại của nền văn minh này và được lãnh đạo bởi một tập thể những nhà tri thức sáng suốt gọi chung là Hồng Bàng. Chính người Lạc Việt đã giữ gìn được toàn bộ thuyết Âm Dương Ngũ hành và Kinh Dịch.

Chứng minh:

* Những kim tự tháp và những tri thức thiên văn ưu việt cổ tồn tại khắp các châu lục từ Ai Cập qua biển Nhật Bản đến Nam Mỹ cho thấy một sự thống nhất về văn hóa và tri thức đã từng tồn tại trên Địa cầu.

* Hậu Thiên Lạc Việt phối Hà Đồ cho thấy tính liên hệ chặt chẽ với các giá trị văn hóa thượng cổ của các dân tộc có nguồn gốc từ lâu đời.

2) Giai đoạn tiền Văn Lang.

Từ những vùng cao ở Hy Mã Lạp sơn.Người Lạc Việt bắt đầu cuộc sống ổn định ở thượng nguồn nam Hoàng Hà nơi có dòng sông Lạc Thủy. Gần chục ngàn năm trước, nơi đây có một cuộc sống với thiên nhiên trù phú. Tên Lạc Việt bắt đầu từ đây với dấu ấn của huyền thoại Nữ thần sông Lạc Thủy và nhiều dấu chứng khác trong tục ngữ ca dao Việt (Sau này bị đồng hóa thành truyền thuyết Hán). Từ đây họ tràn xuống phía Bắc thượng nguồn Dương Tử cùng với những người dân địa phương làm thành một cuộc sống trù phú nơi đậy... Theo triền sông Dương Tử họ lần lượt tiến ra biển Đông. Một bộ phận người Lạc Việt khác ổn định cuộc sống của họ ở Nam Dương Tử. Cách nay hơn 6000 năm trước những chủng tộc phi Lạc Việt mở cuộc tấn công Dân Lạc Việt và các giống dân khác tại Nam Hoàng Hà và những người Lạc Việt đã thất bại chạy sang Nam Dương Tử. Dấu ấn còn lại chính là trận chiến Hoàng Đế Xuy Vưu ở Trác Lộc.

Với phương tiện của con người từ gần 6000 năm trước thì sông Dương Tử chính là một biên giới thiên nhiên hùng vĩ cản trở sự thôn tính của các chủng tộc hiếu chiến. Những người dân tỵ nạn kết hợp với những người Lạc Việt đã sống ở đây từ trước lập thành một quốc gia phương Nam (So với Bắc Dương Từ) tên gọi đầu tiên là Xích Quý (Tôi gọi là Xích Quý chứ không phải Xích Quỷ). Thời cổ phương nam còn gọi là phương Quý. Xích Quý là tên gọi phổ biến, chính thức tên nước gọi là Văn Lang.

3) Thời đại Văn Lang:

Lịch sử Lạc Việt và còn tên gọi khác là Bách Việt bắt đầu từ đây. Bởi vì sự phát triển với khoảng cách trải hàng ngàn năm giữa Bắc và Nam Dương Tử với không gian thiên nhiên khác nhau đã ghi những dấu ấn văn hóa khác nhau cho chủng tộc Lạc Việt. Đó là lý do Lạc Việt còn có tên là Bách Việt. Điều này giải thích tại sao Lạc Long Quân - Vua Rồng Lạc Việt lại là tổ của Bách Việt, đồng thời cũng gọi là Lạc Vương. Do điều kiện của nền văn minh thời bấy giờ, nên chính quyền trung ương do các vua Hùng lãnh đạo chỉ là sự lạnh đaọ chung về quốc phòng, văn hóa và ảnh hưởng chính trị. Nền kinh tế của từng địa phương vẫn gần như độc lập. Mô hình thể chế quốc gia Văn Lang gần giống như nhà Chu sau này. Tại đây, do phải đối phó với lũ lụt thường xuyên xảy ra, người Việt đã có những kỳ tích chinh phục thiên nhiên. Sự tích vua Đại Vũ trị thủy, bà Nữ Oa vá trời phần nào thoát thai từ nhưng công cuộc chống thiên tai này. Những câu chuyện huyền thoại Việt sau này bị Hán hóa.

18 thời (chứ không phải "đời") lần lượt trị vì nước Văn Lang và đưa dân tộc Việt trở thành một dân tộc văn minh phát triển nhất toàn vùng Châu Á với một cuộc sống phú túc. Đó chính là công ơn tổ tiên còn để lại cho giống nòi Lạc Việt.

Thuyyết Âm Dương Ngũ hành là học thuyết chính thống được tôn vinh trong quốc gia Văn Lang. Vào thế kỷ XIV trước Công nguyên. Nhà Ân sang cướp nước ta đánh tận thủ đô Văn Lang, khiến nhà vua cuối đời Hùng Vương thứ 6 phải chạy ra đất Mân (Phúc Kiến bây giờ) - điều này có ghi trong chính văn của Kinh Dịch. Sau thất bại này, hội đồng quốc gia gồm các Lạc Hầu quản trị các địa phương đã họp lại chọn người lên lãnh đạo Văn Lang đó là thời Hùng Vương thứ VII.

Vầ cuối giai đoạn Văn Lang, chính quyền trung ương suy yếu, các thủ lĩnh địa phương ngày càng hùng mạnh và quyền tự trị cao đã làm nên một sự không thống nhất về chính trị của quốc gia hùng mạnh này. Do đó từng bộ phận lãnh thổ lần lượt bị các cường quốc láng giếng như Tần, Sở ..thôn tính. Trước đó, nhận được nguy cơ Bắc phương, vua Hùng đã chọn đất dời dô vào thế kỷ thứ VII trước CN lùi về phía Nam. Phong Châu - Phú Thọ không phải là thủ đô Văn Lang, mà chỉ là nơi tập kết cuối cùng khi triều đại Văn Lang sụp đổ. Ngược lại thời gian một chút. Sau khi tuiêu diệt Ba Thực vào năm 316 trước CN và sau đó nước Tần đã trở nên hùng mạnh và ào ạt tiêu diệt lục quốc. Vào khoảng 280 - 270 trước CN tướng Tấn là Đồ thư kéo quân chinh phục Văn Lang. Quân chính quy của vua Hùng chống không lại. Nhưng quân Việt thuộc một tyhủ lĩnh địa phương không thuộc chủng Bách Việt là Thục Phán đã lãnh đạo quân dân thuộc địa phương của mình chống Tần thành công. Thế lực của Thục Phán sau chiến thắng đã trở nên hùng mạnh và không tuân thủ chính quyền trung ương của vua Hùng. Một cuộc nội chiến đã xảy ra.

Đức Tản Viên Sơn thánh - tổng tư lệnh quân đội - đã sáng suốt nhìn thấy nguy cơ bị chinh phục của giống nòi Lạc Việt, nên đã khuyên vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán nhằm bảo vệ những di sản văn hóa Việt. Đây chính là nguyên nhân để Ngài được tôn vinh là một trong tứ trụ Thiên Vương hộ quốc của người Lạc Việt. Đây cũng chính là lý do mà tất cả các di sản văn hóa và lịch sử Việt được truyền thuyết và thần thoại hóa để lưu truyền trong giống nòi Lạc Việt trải hàng ngàn năm đô hộ.

Trăm nămn bia đá thì mòn.

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

Nếu không có một tầm tư duy minh triết kỳ vĩ không thể có một câu ca dao xuyên thiên niên kỷ được.

Giai đoạn về sau thì mọi người đã biết.

4) Hậu Văn Lang

Cuộc xâm lược của những chính quyền Bắc phương với dân tộc Việt không diễn ra ngay một lúc và ồ ạt. Nó trải hàng trăm năm và nhiều hướng bởi những quốc gia thuộc nhà Chu. Bởi vậy, sự chinh phục cuối cùng của nhà Hán cũng chỉ là sự quản lý về hành chính và tô thuế. Nền văn hóa Việt vẫn tồn tại ở địa phương cho đến cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng làm chấn động toàn bộ lãnh thổ Văn Lang cũ ở Nam Dương tử. Đây chính là lý do mà chính Mã Viện - tổng tư lệnh quân đội Hán phải thân chinh đánh dẹp ( Chứ nếu chỉ là một bộ lạc ngớ ngẩn thì quân Hán chắc không cần huy động tổng lực lương như vậy). Hai Bà Trưng thất bại, cuộc đàn áp chắc chắn khốc liệt

và dân Việt đã di tản khắp nơi. Đây chính là nguyên nhân để dấu ấn Lạc Việt rải rác khắp vùng Đông Nam Á. Đặc biệt là những người Việt ở miền biển đã chạy ra biển và lưu trú tại Đài Loan, Nhật Bản hiện nay. Đây chính là lý do mà các nhà khoa học Nhật Bản đã nhận thấy rằng: Gen di truyền của ngườii Nhật giống người Việt Nam nhất trong các sắc dân ở Đông Á và Đông Nam Á và cũng là lý do mà dấu ấn của văn hóa Việt từ thời Văn Lang còn ghi nhận ở Đài Loan chính là tục ăn trầu....

Phần lớn những cư dân lãnh thổ Văn Lang cũ lùi xuống và tập hợp ở Bắc Việt Nam ngày nay. Chính sự tập hợp này đã khiến cho những vùng cư trú cùng người Việt ở ngay cạnh nhau, nhưng cách phát âm lại khác nhau. Như tiếng Nghệ, tiếng Huế, tiếng Bắc, tiếng Nam ..vv... Đây chính là hậu quả của sự phát triển độc lập của những vùng khác nhau trải hàng ngàn năm bên bờ Nam Dương tử và đã khiến cho tạo thành những thổ Âm khác nhau. Do đó khi giống nòi Lạc Việt tụ lại ở Bắc Việt Nam thì họ đã mang tiếng địa phương của họ sống cạnh nhau. Đây cũng là lý do mà ông Trần Đại Sỹ nhận thấy hiện tượng về gen di truyền của người Việt có mặt hầu hết ở Nam Dương tử. Bởi vì không phải tất cả đều di tản theo các thủ lĩnh của mình. Nhưng sai lầm của ông Trần Đại Sỹ là cho rằng: Người Việt đã Bắc tiến hòa huyết với người Hán.

Tại vùng châu Thổ sông Hồng, người Việt phải làm lại từ đầu, nên chúng ta không thấy ở đây những dấu ấn cổ xưa từ thời Văn Lang lập quốc qua các di vật khảo cổ. Nhưng chúng ta có thể tìm thấy những dấu ấn đó qua những di sản phi vật thể.

Anh Trần Phương thân mến

Đây chỉ là cái nhìn của riêng tôi mang tính rất khái quát có tính định hướng nghiên cứu và chưa chứng minh. Về chi tiết có thể hiệu chỉnh, Nhưng khái quát thì như tôi đã trình bầy. Bởi vậy tôi cũng không muốn nghe những lời phản biện. Nhưng trình bày với anh để anh có thể so sánh với những quan niệm trên mà anh đã dẫn.

Tôi hy vọng có thời gian và điều kiện tối thiểu để phục hồi những giá trị văn hiến lịch sử Việt. Còn nếu không, tôi hy vọng có bậc trí gia tâm huyết nào đó tán thành định hướng của tôi đã trình bày và nghiên cứu phục hồi lại nền văn hiến huyền vĩ Việt.

Vài lời chia sẻ .

Cảm ơn sự quan tâm của anh.

Thiên Sứ

Share this post


Link to post
Share on other sites

Nhà nghiên cứu Tương Lai viết:

“Lịch sử là một thành phần mà thiếu nó thì không một ý thức dân tộc nào đứng vững được”*, phải chăng vì thế mà “Hội thảo thực trạng dạy và học lịch sử...” vừa rồi đã thu hút sự chú ý của dư luận. Ngày 28.3.2008 hàng loạt tờ báo đưa tin về hội thảo này, báo động về điểm thi môn lịch sử.

Sự suy nhược của môn lịch sử trong học sinh không phải bây giờ mới được nói tới và nó là một trong những vấn đề liên quan gần gũi với những người nghiên cứu chuyên nghiệp hoặc không chuyên về lịch sử. Đáng nhẽ ra phải là một vấn đề mà họ - trong đó có tôi ít nhiều cũng quan tâm - Nhưng sự quan tâm của tôi chỉ giới hạn ở việc chép lại một bài báo của nhà nghiên cứu Tương Lai lên trang web mới thành lập với hy vong có thêm ....vài người biết tới. Cụ thể đến lúc tôi đang gõ hàng chữ này chỉ số máy tính đếm được là 78 lượt truy cập vào topic này. Tức là số người biết đến có thể ít hơn rất nhiều.

Với một trang web mới thành lập, điều này có thể giải thích được. Nhưng ngay cả với những web thành lập đã lâu, nhưng topic loại này cũng ít số lượt người quan tâm.

Trước hết điều này đã rất đáng buồn và tôi chia sẻ với nhà nghiên cứu Tương Lai khi ông viết bài báo trên. Nhưng nguyên nhân tại đâu?

Tôi không biết những giai đoạn lịch sử khác được giảng dạy như thế nào. Nhưng là một người gần 10 năm nghiên cứu về cổ sử Việt thì một trong những nguyên nhân mà tôi chủ quan - chỉ giới hạn trong cổ sử Việt - cho rằng: Đó chính là tính bất hợp lý được áp đặt khiến cho học sinh phải tiếp thu một cách miễn cưỡng khiến cho việc học môn sử khó tiếp thu.

Tôi dẫn chứng ngay trong bài viết của anh Trần Phương giới thiệu:

Trong thời khuyết sử, có lẽ các Bộ tộc Việt (Bách Việt) thiếu đoàn kết và thôn tính lẫn nhau, nên chính trị gia thời đó đã nêu lên truyền thuyết Mẹ Âu Cơ sinh ra một bọc một trăm trứng, nở ra một trăm con, với mục đích tuyên truyền, kêu gọi các bộ tộc Việt đoàn kết với nhau vì cùng là anh em cùng một mẹ.

Chỉ một đoạn vậy đã thấy mâu thuẫn ở khái niệm "Chính trị gia". Như vậy, những cái gọi là "bô tộc" ấy đã có những "chính trị gia"? "Chính trị gia" ấy ở bộ tộc nào mà lại có thể tuyền truyền cho các bộ tộc "thiếu đoàn kết và thôn tính lẫn nhau" vậy?

Nhưng đây là một ý tưởng cón nguồn gốc từ hải ngoại (http://www.hungsuviet.org). Nên những mâu thuẫn trong việc giảng cổ sử trong nhà trường có thể không liên quan đến thí dụ này. Nhưng đây là một vấn đề phổ biến:

"Trải qua bao cuộc chinh chiến, thôn tính tàn khốc, nguời Việt di cư mãi về phương nam" và đến khoảng thế kỷ thứ VII TCN, "Ở bộ Gia Ninh, có người lạ dùng phép thu phục ..." (Việt sử lược) và lập nên nước Văn Lang, ...Tới đây thì chắc anh đã hiểu, thời Hùng Vương được tính bắt đầu từ đây, và truyền 18 đời là "con số hợp lý và có thể chấp nhận được", tức là không tính Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân.

Tôi đã nhiều lần trên các diễn đàn và trong cả sách đã xuất bản của minh chứng minh tính bất hợp lý của việc lấy con số 2622 năm trị vì của thời Hùng Vương được ghi nhận trong chính sử để chia cho con số 18 mà họ cho rằng 18 vị vua thay nhau trị vì đất nước Văn Lang. Thực hiện phép chia này ra con số xấp xỉ 150 năm cho thời gian sống lãnh đạo nước Văn Lang của một vị vua Hùng.Thế là ho vội cho rằng bất hợp lý và lập tức phủ nhận con số 2622 năm trị vì của các vua Hùng mà công nhận con số 18. Thế là lịch sử văn hiến Việt từ gần 5000 năm bị đánh tụt xuống còn thế kỷ thứ VII trước CN với một "liên minh gồm 15 bộ lạc" với những người dân "ở trần đóng khố"

Tính bất hợp lý của vụ việc "chấn động" dẫn đến phủ nhận văn hóa sử truyền thống Việt của bài toán áp đặt này, gồm những điểm sau đây:

1 - Trong toán học các đại lượng phải đồng đẳng. Không thể lấy số gà trừ đi số vịt. Con số 2622 năm được coi là con số thật để chia, thì nó không thể chia cho một con số ảo chưa được chứng minh là 18 ông vua thay nhau trị vì Văn Lang. Họ muốn chia như vậy thì trước hết họ phải chứng minh là Thời Đại Văn Lang - cội nguồn của dân tộc Việt chỉ có 18 ông vua thay nhau trị vì. Không chứng minh được điều này thì họ không thể lấy 18 làm con số chia. Tất nhiên bài toán này đã sai ngay từ đầu và hệ quả của nó là con số vô lý. Vì nó vô lý ngay từ đầu.

1 - 1:

Nếu coi 2622 năm không phải con số thật thì và chỉ 18 là con số thật (Mặc dù chưa chứng minh) thì tự con số 2622 cũng không thể lấy làm số chia.

1 -2:

Trong hai con số nếu cả hai đều ảo thì con số gần 150 cũng là con số ảo.

Đây là một cách áp đặt rất bất hợp lý.

Học sinh phải chấp nhận tính bất hợp lý này trong môn lịch sử và nó sẽ lúng túng trong môn toán học.

2 - Việt sử lược được dẫn ở trên là cuốn sách được coi như kinh điển của quan điểm phủ nhận truyền thống văn hóa sử Việt. Cuốn sách này đã được thẩm định tính chính xác với thực tế như thế nào, khi mà nó ra đời sau gần XV thế kỷ so với sự sụp đổ của quốc gia Văn Lang?

2 -1:

Xuất sứ của cuốn Việt Sử lược rất mơ hồ. Không có tên tác giả. Không rõ nguồn tư liệu... Căn cứ vào đâu để cuốn sách này là một trong những cứ liệu quan yếu phủ nhận lịch sử truyền thống?

2 - 2:

Ông Đinh Xuân Lâm phát biểu:

- "Về mặt phương pháp khoa học nghiên cứu sử học, thì phải mở rộng cái diện nghiên cứu các nguồn tư liệu và phải tiến hành đối chiếu, so sánh các nguồn tư liệu trước khi đi tới một sự khẳng định," (Bài trả lời phỏng vấn trên BBC).

Ông chê giáo sư Lê Mạnh Thát:

"Chúng tôi cho rằng có một sự hạn chế, về mặt tư liệu, chỉ khai thác chủ yếu một mặt tư liệu thôi."

* Vậy trường hợp này là một sự bất hợp lý với chính cách nói của ông Đinh Xuân Lâm với tư cách là phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam về phương pháp nghiên cứu, khi có rất nhiều nguồn tư liệu khác phủ nhận vấn đề ghi nhận trong Việt Sử lược.

* Việc khai thác chủ yếu trong cuốn Việt Sử Lược để dẫn tới phủ nhận văn hóa sử truyền thống Việt chính là việc phủ nhận chính phương pháp nghiên cưu mà ông Đinh Xuân lâm nói tới.

Trên đây là hai yếu tố chính trong luận điểm phủ nhận giá trị văn hóa sử truyền thống Việt ( 1 - 2) và tôi đã chứng minh tính bất hợp lý của nó. Tất nhiên khi phải tiếp thu một cái bất hợp lý thì học sinh rất khó nhập tâm.

Hợp lý là một trong những yếu tố cần để thẩm định một giả thiết khoa học.

Ngược lại, tính hợp lý của quan điểm chứng minh văn hóa sử truyền thống Việt giải thích những sự kiện trải dài từ hàng chục ngàn năm về trước cho đến từng chi tiết trong y phục và sinh hoạt vv... của thời đại ngay bây giờ - khi các dân tộc ít người vẫn còn mặc áo cài vạt bên trái. Nhưng tiếc thay. nó vẫn bị nghi ngờ và phản biện.

Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn nói;

Tính hợp ly không tự trên trời rơi xuống. Nó phải phản ánh một chân lý đứng đằng sau nó.

Khi nào tính hợp lý được thừa nhận lúc đó học sinh sẽ học sử tốt hơn. Và có thể - tôi không khẳng định vì chưa có thời gian quan tâm - học sinh sẽ có chất lượng học tốt hơn vì tính hợp lý trong việc tiếp thu các môn học.

Thiên Sứ

Share this post


Link to post
Share on other sites

Sử Việt Nam chưa nói đến tính chính xác thì phương pháp tiếp cận vẫn còn rất cũ kỹ. Y như là áp dụng phương pháp từ thời phong kiến vào thời đại thế giới "đại đồng". Sử khó học và xa vời như là chỉ dành cho các chính trị gia. Nếu học sinh không có sẵn tư chất và ham muốn về chính trị thì đọc sử ngán như là nghe chuyện xa với trên cung trăng. Học sinh đọc sử mà không cảm nhận được nó nằm ở chỗ nào trong mình. Chẳng thấy nó có ý nghĩa, tác dụng gì với CS của mình.

Lịch sử luôn gắn liền với đời sống hàng ngày. Để lịch sử đi vào lòng người thì nó phải gần gũi, có liên hệ trực tiếp với người đọc. Cho dù là truyền thuyết hay sự kiện thực tế cũng không nên kể nó như là câu chuyện cổ tích.

Ngày trước Phoenix đi học, cô giáo lịch sử cho học sinh vẽ bản đồ để hình dung được mỗi trận đánh lịch sử. Nhưng sau khi nộp bài thì cô cũng lại đọc lại bài lịch sử trong sách chứ không dùng chính những bản đồ học sinh vẽ trong sách để cùng học sinh tìm hiểu diễn tiến một trận đánh.

Để học sinh nhớ được mốc sự kiện thì vẽ ra một trục thời gian sẽ thuận lợi hơn nhiều là bảo học sinh ghi: "giai đoạn năm ..... đến năm.....". Nhưng đơn giản vậy cũng chẳng thấy ai làm.

Phoenix rất thích bài "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm - Trích trong trường ca "Mặt đường khát vọng"

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó…

Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất Nước là nơi ta hò hẹn

Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”

Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”

Thời gian đằng đẵng

Không gian mệnh mông

Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ

Đất là nơi Chim về

Nước là nơi Rồng ở

Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

Những ai đã khuát

Những ai bây giờ

Yêu nhau và sinh con đẻ cái

Gánh vác phần người đi trước để lại

Dặn dò con cháu chuyện mai sau

Hàng năm ăn đâu làm đâu

Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ

Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước

Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng mình hài hòa nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất nước vẹn tròn, to lớn

Mai này con ta lớn lên

Con sẽ mang đất nước đi xa

Đến những tháng ngày mơ mộng

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó san sẻ

Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời…

*

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương

Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên.

Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…

Em ơi em

Hãy nhìn rất xa

Vào bốn ngàn năm Đất Nước

Năm tháng nào cũng người người lớp lớp

Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta

Cần cù làm lụng

Khi có giặc người con trai ra trận

Người con gái trở về nuôi cái cùng con

Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh

Nhiều người đã trở thành anh hùng

Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ

Những em biết không

Có biết bao người con gái, con trai

Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi

Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng

Họ truyền lửa cho mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi

Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói

Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân

Họ đắp đập be bờ cho người sau trông cây hái trái

Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm

Có nội thù thì vùng lên đánh bại

Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân

Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại

Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”

Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội

Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

Đi trả thù mà không sợ dài lâu

Ôi những dòng sông bắt nước từ lâu

Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát

Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác

Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi…

Cũng như mọi thứ, muốn tiếp cận được thực sự thì phải đi từ "tâm huyết". Chưa khơi dậy được cái "TÂM" thì thật là gian nan để thành công. Nếu người ta bắt đầu từ quan niệm "lịch sử" cũng gần gũi với đời sống con người như "văn hóa", "đất nước"... trong bài thơ này thì có lẽ lịch sử đã đi vào đời sống gần hơn. Vì nó làm rung động lòng người.

Ngày nào đó khi ở bờ suy vong, chắc tất cả sẽ quyết tâm làm lại.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Xin cảm ơn anh Thiên Sứ :

Bởi vì sự phát triển với khoảng cách trải hàng ngàn năm giữa Bắc và Nam Dương Tử với không gian thiên nhiên khác nhau đã ghi những dấu ấn văn hóa khác nhau cho chủng tộc Lạc Việt. Đó là lý do Lạc Việt còn có tên là Bách Việt.

Thật ra trong xuyên suốt bài viết của tôi, tôi đã ngầm phủ định sự tồn tại của cái gọi là "Bộ tộc Lạc Việt". Có thể nói rằng, ít nhất theo nhận định của riêng tôi, chính sự tồn tại của quan niệm : "Bộ tộc Lạc Việt là một bộ phận thuộc khối Bách Việt" đã từ lâu là 1 "khúc xương" cản trở bao nghiên cứu nghiêm túc về cổ sử.

Ở bài viết trên tôi phải dẫn vòng vòng rồi mới vào ý chính vì tôi sợ rằng nếu ngay từ đầu đặt thẳng vấn đề này : "Có hay không tên gọi Bộ Tộc Lạc Việt ?" sẽ dễ bị hiểu lầm . Và dưới đây tôi xin viết tiếp phần tôi bỏ trống ở bài viết trên, thực ra tôi đang dùng phản chứng, ...

Và nếu cho rằng có tên gọi "Bộ tộc Lạc Việt", 1 trong "liên minh 15 bộ lạc" đó, sẽ có khá nhiều chuyện thú vị đấy :

1. Không còn nghi ngờ gì nữa, "thời Hùng Vương" mà trước giờ chúng ta quan niệm thực ra không có thật trong lịch sử, mà chỉ là những bộ lạc lạc hậu sống cạnh nhau và không có khái niệm là "nhà nước" gì cả. Vì làm gì có chữ viết, bộ máy hành chính và quân đội ? Cho dù sau này chúng ta cố thêm vào : "...Cùng lắm là một nhà nước sơ khai"

2. Những bộ lạc đó sinh sống bằng nông nghiệp lạc hậu, "ở trần đóng khố" mà, làm gì biết dệt sợi, cho dù sau này được chúng ta sửa lại bằng mỹ từ : "Văn minh nông nghiệp lúa nước".

3. Những bộ lạc này được các nhà khai hóa từ phương bắc, phương nam ... đến và giúp đỡ các công cụ sản xuất bằng đồng thau, mà thế kỷ XX người ta gọi là Văn hóa Đông Sơn.

4. Những chiếc trống đồng nổi tiếng thời đó nếu không phải là sản phẩm của các nhà khai hóa mang đến thì chắc có lẽ của những người từ hành tinh khác đến tặng (vì làm gì biết luyện kim mà làm nổi những chiếc trống tinh xảo đến thế).

5. Giỗ tổ Hùng Vương mà ta gọi sau này chỉ tính cho riêng "Bộ tộc Lạc Việt", còn từ thời An Dương Vương trở đi còn có thêm "Bộ tộc Âu Việt". Người "Âu Việt" không cần giỗ tổ Hùng Vương.

...................................

Híc ... Xem ra xã hội của ông cha ta thời dựng nước sao mà giống như mới thoát thai từ "bầy người nguyên thủy" :lol:

:lol:

Share this post


Link to post
Share on other sites

Anh Trần Phương thân mến.

Ba ngày nghỉ viết bài trên diễn đàn tưởng niệm một nhà khoa học lớn có tấm lòng với nền văn hiến Việt đã qua. Hôm nay tôi tiếp tục viết bài trao đổi với anh.

Khoa học lịch sử xác định rằng;

"Lịch sử của một dân tộc được xác định tính từ khi dân tộc đó lập quốc".

Do đó với quan điểm phủ nhận giá trị văn hóa sử truyền thống mà anh đã tóm tắt như bài trên thì vấn đề sẽ tiếp tục đặt ra cho nó là:

Dân tộc Việt Nam trên giải đất hình chữ S này lập quốc từ bào giờ?

Và điều này sẽ quyết định cho cấu trả hỏi tiếp theo là:

* Dân tộc này đã giành lại độc lập từ tay đế chế Hán - Hay đã ly khai khỏi đế chế Hán?

Do đó:

I - Nếu quan điểm phủ nhận những giá trị văn hóa sử truyền thống chứng minh được rằng:

Thời Hùng Vương chỉ là "một liên minh bộ lạc" thì với sự xác định của khoa học lịch sử - mà tôi đã dẫn ở trên - câu trả lời sẽ là:

Dân tộc Việt Nam đã ly khai khỏi đế chế Hán.

II - Nếu quan điểm chứng minh giá trị văn hóa sử truyền thống của dân tộc Việt chứng minh được rằng:

Quốc gia Văn Lang là quốc gia đầu tiên của dân tộc Việt thành lập ở Nam Sông Dương tử và là một nền văn hiến huyền vĩ, cội nguồn lịch sử văn hóa của dân tộc Việt trải gần 5000 năm văn hiến thì câu trả lời sẽ là:

Dân tộc Việt đã giành lại độc lập từ tay đế chế Hán sau hơn 1000 năm Bắc thuộc.

Tôi tạm thời giới hạn sự phân tích của tôi chỉ đến đây. Nhưng tôi hy vọng các bậc trí giả sẽ tiếp tục suy ngẫm với hai câu trả lời khác nhau từ hai quan điểm khác nhau về cội nguồn dân tộc với tương lai của dân tộc Việt trong mối quan hệ quốc tế - là một trong những yếu tố rất cần quan tâm.

Anh Trần Phương thân mến!

Việc chứng minh lịch sử văn hiến Việt trải gần 5000 năm là điều rất khó khăn. Có thể nói vô cùng khó khăn. Nếu về thế lực thì quan điểm phủ nhận giá trị văn hóa sử truyền thống thì anh biết rồi: Nó được phổ biến đến từng chi tiết cho cả hướng dẫn viên du lịch, trong trường học và các phương tiện thông tin. Còn tiếng nói của những người như Thiên Sứ tôi thì chỉ giới hạn. Thâm chí lâu lâu lại có những sự cố ngẫu nhiên rất tế nhị khiên tôi bị gián đoạn về việc minh chứng công khai những quan điểm của mình.

Nhưng tôi nghĩ rằng - nói theo cách nói cổ điển:

Chân lý sẽ phải sáng tỏ!

Cảm ơn sự quan tâm của anh và bạn đọc.

Thiên Sứ

Share this post


Link to post
Share on other sites

Anh Thiên Sứ,

Khoa học lịch sử xác định rằng;

"Lịch sử của một dân tộc được xác định tính từ khi dân tộc đó lập quốc".

Điều này hoàn toàn đúng, và câu hỏi của anh :

Dân tộc Việt Nam trên giải đất hình chữ S này lập quốc từ bào giờ?

Với câu hỏi này, tôi xin được mở rộng thêm một chút ý của câu trên : "Lịch sử của một dân tộc được xác định tính từ khi dân tộc đó lập quốc", một dân tộc từ khi lập quốc được gọi là thời dựng nước, dĩ nhiên, đã gọi là dựng nước thì chỉ tính 1 lần từ khi nhà nước đầu tiên của dân tộc đó được thành lập. Nhưng với một ý nghĩa bao hàm hơn, tức là tính cả sự thành lập một nhà nước đầu tiên và một nhà nước mới : đem lại độc lập cho dân tộc đó sau những đêm dài nô lệ. Tính tới nay, nước ta đã qua 3 lần dựng nước :

- Thời Hùng Vương, mà với tất cả những giá trị vật thể và phi vật thể với bề dày văn hóa hàng ngàn năm mà các nhà Sử học, nhà nghiên cứu, khảo cổ ... bằng tất cả tình cảm và khách quan khoa học đã không thể chối cãi. Và từ năm 2007, ngày 10/3 âm lịch hàng năm chính thức được coi là Quốc Giỗ, đó là một minh chứng.

- Năm 938, sau khi đại phá thành công quân Nam Hán, Ngô Quyền lên ngôi vua, chính thức mở ra một trang sử mới cho nước nhà sau hơn 1000 năm Bắc thuộc.

- Năm 1945, sau Cách Mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản "Tuyên Ngôn Độc Lập", khai sinh ra nước "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa", mở ra một thời đại mới cho một nước VN độc lập sau hơn 80 năm nô lệ dưới thời thực dân, phong kiến thối nát.

Vấn đề tiếp theo anh đặt ra là :

Và điều này sẽ quyết định cho cấu trả hỏi tiếp theo là:

* Dân tộc này đã giành lại độc lập từ tay đế chế Hán - Hay đã ly khai khỏi đế chế Hán?

Do đó:

I - Nếu quan điểm phủ nhận những giá trị văn hóa sử truyền thống chứng minh được rằng:

Thời Hùng Vương chỉ là "một liên minh bộ lạc" thì với sự xác định của khoa học lịch sử - mà tôi đã dẫn ở trên - câu trả lời sẽ là:

Dân tộc Việt Nam đã ly khai khỏi đế chế Hán.

II - Nếu quan điểm chứng minh giá trị văn hóa sử truyền thống của dân tộc Việt chứng minh được rằng:

Quốc gia Văn Lang là quốc gia đầu tiên của dân tộc Việt thành lập ở Nam Sông Dương tử và là một nền văn hiến huyền vĩ, cội nguồn lịch sử văn hóa của dân tộc Việt trải gần 5000 năm văn hiến thì câu trả lời sẽ là:

Dân tộc Việt đã giành lại độc lập từ tay đế chế Hán sau hơn 1000 năm Bắc thuộc.

Lại nói về thời Bắc thuộc, đó là một trong những trang sử u tối và đau buồn của dân tộc, nhưng bình tâm suy nghĩ lại, suốt quãng thời gian đó là 1 quãng thời gian không hề "yên ổn" đối với triều đình phong kiến phương Bắc. Các cuộc kháng chiến liên tục diễn ra gắn liền với các tên tuổi bất tử : Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Triệu Quang Phục, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ, ... Họ là gì vậy ? Xin thưa rằng họ là anh hùng dân tộc trong mỗi tâm khảm của mỗi người dân Việt đấy, tức là không cần phải đến khi các nhà Sử học viết lại rồi mới phân công trạng đâu, tôi khẳng định như vậy đấy.

Nhưng tại sao họ lại được xem là những anh hùng trong lòng dân tộc ? Chẳng phải bởi vì họ đã đại diện cho ý chí, khát khao độc lập của cả một dân tộc sao ? Và đó chẳng phải là xuất phát từ những khát vọng độc lập của một nền văn hiến trước đó hàng ngàn năm để lại mà khi có ai đó đứng ra đại diện cho khát vọng đó sẽ lập tức như một ngọn lửa để những người con nòi giống Lạc Hồng bùng cháy và lan tỏa sao ? Thật không thể hiểu nổi : Dân tộc Việt Nam đã ly khai khỏi đế chế Hán. với vài trăm năm lập quốc bằng một "liên minh bộ lạc" ngớ ngẩn nào đó mà để lại một ngọn lửa âm ỉ trong lòng dân tộc suốt 1000 năm như vậy.

Chúng ta hãy xem 2 câu sau của thời Hai Bà Trưng :

"Một xin rửa sạch nước thù

Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng ..."

Với ý nghĩa như trên thì ai đó cho rằng chỉ là một cuộc "nổi dậy", "làm phản" của các "thủ lĩnh bộ lạc" và mang "tính địa phương" sẽ thật là ấu trĩ. Tôi xin suy luôn từ "khởi nghĩa" ra thành "chiến tranh toàn diện" đấy.

Còn sau đây là hình ảnh Bà Triệu : "Tôi muốn cỡi con sóng dữ, chém cá kình dưới biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn ..." . Mà chính đối phương phải thừa nhận :

"Cầm ngang ngọn giáo chống hổ dễ

Giáp mặt Vua Bà thật khó ghê ..."

Vâng, "Vua Bà" là do chính đối phương thừa nhận đấy, còn chúng ta nghĩ thế nào ? Chắc lại là những "thủ lĩnh bộ lạc" nào đó chăng ?

.......................................................

Anh Thiên Sứ thân mến,

Việc chứng minh lịch sử văn hiến Việt trải gần 5000 năm là điều rất khó khăn. Có thể nói vô cùng khó khăn... Còn tiếng nói của những người như Thiên Sứ tôi thì chỉ giới hạn. Thâm chí lâu lâu lại có những sự cố ngẫu nhiên rất tế nhị khiên tôi bị gián đoạn về việc minh chứng công khai những quan điểm của mình.

Có thể anh cho rằng tiếng nói của anh chỉ "giới hạn". Nhưng tôi chắc chắn một điều rằng một khi ai đó quyết tâm đi theo một định hướng đúng đắn, bằng tất cả tình cảm và lý lẽ sắc sảo khách quan khoa học của mình, thì người đó sẽ không và không bao giờ cô độc trên con đường mình đã chọn.

Nhưng tôi nghĩ rằng - nói theo cách nói cổ điển:

Chân lý sẽ phải sáng tỏ!

Và đó cũng chính là một chân lý.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay