Hà Châu

Làm Thế Nào Để Có Sức Khỏe Tốt Trước Ngày Thi?

4 bài viết trong chủ đề này

Làm thế nào để có sức khỏe tốt trước ngày thi?

Tại sao càng gần đến các kỳ thi quan trọng, học sinh thường gặp các vấn đề sức khỏe, dễ bị cảm cúm, đau họng, nhức đầu, mệt mỏi hay buồn ngủ, hoặc mất ngủ, học bài lâu thuộc mà lại mau quên?

Posted Image

Thí sinh trao đổi bài thi sau khi thi môn ngoại ngữ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 - Ảnh: TTO

Những điều này sẽ làm giảm thành tích học tập và thi cử của các bạn. Các bạn cũng hay thắc mắc món ăn nào giúp bổ não để học giỏi. Làm sao khắc phục các vấn đề sức khỏe và biết cách ăn uống để học, thi tốt?

Tại sao dễ mắc bệnh và hay mệt mỏi?

Sức đề kháng sẽ giảm và cơ thể dễ mệt mỏi khi chế độ ăn uống không đầy đủ chất, đặc biệt là thiếu chất đạm, thiếu các vitamin và khoáng chất như vitamin C, A, E, các chất sắt, kẽm...

Thức quá khuya và ít vận động cũng sẽ làm giảm sức đề kháng và mau mệt mỏi.

Sử dụng quạt máy hoặc máy lạnh quá mức cần thiết. Sự thay đổi nhiệt độ quá lớn giữa bên trong phòng lạnh và bên ngoài làm cơ thể khó thích nghi kịp thời nên dễ nhiễm lạnh, luồng gió từ quạt máy thổi trực tiếp liên tục vào người sẽ làm khô mũi họng nên dễ gây viêm.

Cách khắc phục

- Hãy ăn thường xuyên, điều độ, không bỏ bữa và đa dạng các loại thực phẩm: nên ăn ba bữa chính và vài bữa phụ mỗi ngày với nhiều loại thực phẩm khác nhau. Ăn khoảng 250g thịt hoặc cá mỗi ngày (có thể thay đổi với tôm, cua, trứng, đậu hũ...); uống 2-3 ly sữa/ngày. Ăn nhiều rau và trái cây tươi: khoảng 300g rau và ít nhất 2-3 phần trái cây mỗi ngày (1 phần tương đương 1 trái chuối hoặc 1 trái cam cỡ vừa...). Uống đủ nước liên tục suốt cả ngày (khoảng 1,5-2 lít nước/ ngày). Ngủ đủ giấc (khoảng 6-8 tiếng mỗi đêm), không thức quá khuya.

Ngoài ra, cần tranh thủ thời gian nghỉ giải lao giữa các giờ học để đi bộ, tập vài động tác thể dục sẽ giúp thư giãn, chống mệt mỏi. Nếu sử dụng máy lạnh cần điều chỉnh nhiệt độ phòng ở mức “tránh nóng” hơn là quá lạnh. Quạt máy nên xoay đều giúp thoáng khí hơn là quạt trực tiếp liên tục vào người.

Chế độ ăn giúp tăng cường trí nhớ

Chế độ ăn rất cần thiết để não hoạt động tốt và có trí nhớ sắc bén. Não cần có chất béo omega-3 từ cá (cá thu, cá hồi, cá trích, cá ngừ...) để tạo màng tế bào thần kinh. Do đó, các bạn nên ăn ít nhất ba bữa cá mỗi tuần. Phospholipid có trong lòng đỏ trứng cũng rất cần thiết cho hoạt động của não bộ. Có thể ăn 1-3 trứng mỗi tuần. Chất đạm từ thịt, cá, trứng, sữa, đậu nành sẽ tạo chất dẫn truyền thần kinh, là “cầu nối” giữa các tế bào thần kinh nên rất cần thiết. Chế độ ăn chỉ toàn tinh bột mà thiếu đạm sẽ dễ buồn ngủ và kém năng động. Do đó, nếu ăn khoai thì nên kèm thêm trứng, ăn xôi phải có đậu, ăn bánh mì phải kèm thịt hoặc cá…

Iốt và chất sắt rất cần thiết cho bộ não. Thiếu iốt thì các bạn sẽ thụ động, dẫn đến trì trệ, kém sáng tạo, giảm tiếp thu. Nên sử dụng muối iốt hằng ngày trong ăn uống (nhưng không ăn mặn) để nhận đủ iốt cho cơ thể. Sắt là chất cần thiết để tạo máu. Thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu làm não không được cung cấp đủ oxy nên học kém tập trung, dễ buồn ngủ trong giờ học, học khó nhớ và mau quên. Chất sắt có nhiều trong gan, thịt, cá, trứng hoặc rau xanh và các loại đậu. Chất sắt từ nguồn thức ăn động vật sẽ hấp thu tốt hơn từ nguồn thực vật. Trái cây tươi giàu vitamin C như cam, bưởi, táo, đu đủ chín… sẽ giúp hấp thu tốt chất sắt.

Bên cạnh chế độ ăn, cần sắp xếp thời gian học phù hợp. Khi làm việc quá mức thì khả năng ghi nhớ những điều mới sẽ bị hạn chế. Do đó, nếu thức quá khuya để học bài thì sẽ khó nhớ vì thời điểm cuối ngày là lúc não cần được nghỉ ngơi để các tế bào của cơ thể, kể cả tế bào não được điều chỉnh. Giờ học tốt nhất là lúc sáng sớm, sau một giấc ngủ sâu.

Thường xuyên vận động, tập hít thở sâu để tăng cường dưỡng chất và oxy lên não sẽ giúp học tốt. Ngoài ra, ôn tập thường xuyên là cách giúp củng cố trí nhớ rất hiệu quả.

Tại sao bị hoa mắt, mệt mỏi vào cuối buổi học?

Vào những tiết cuối của buổi học hoặc cuối giờ thi, các bạn có cảm giác hoa mắt, mệt mỏi là do bữa ăn trước đó quá sơ sài nên không đủ cung cấp năng lượng cho não hoạt động. Khi bị đói, mức đường trong máu giảm xuống làm giảm khả năng tập trung và hoạt động thể lực. Nếu kéo dài tình trạng này sẽ bị hoa mắt, bủn rủn chân tay, vã mồ hôi, có khi ngất xỉu, lạnh tay chân. Trong trường hợp này, hãy nhanh chóng uống một hộp sữa tươi có đường, hoặc ly nước đường, ngậm một hai viên kẹo, ăn vài cái bánh quy hoặc trái chuối. Sau đó phải ăn thêm cơm, bánh mì, hủ tiếu để phòng tránh tiếp tục hạ đường huyết. Cách đề phòng hạ đường huyết tốt nhất là không được bỏ bữa và ăn phải đủ no với đầy đủ các nhóm thực phẩm.

Để tránh mỏi mắt khi học lâu, bạn cần xem nơi học có đủ sáng không. Ánh sáng chói (đọc ngoài trời hoặc trên giấy bóng láng) hoặc ánh sáng tù mù cũng đều không tốt cho mắt. Khoảng cách giữa mắt và màn hình vi tính hoặc trang sách không quá gần. Hãy cho mắt nghỉ ngơi: mỗi 20 phút hãy phóng tầm mắt ra xa ít nhất 6m trong 20 giây. Thỉnh thoảng nên làm dịu mắt bằng cách xoa nóng hai lòng bàn tay và áp lên mắt. Làm vài lần như vậy mắt sẽ đỡ mỏi.

Nên ăn thực phẩm bổ cho mắt: các loại rau và trái cây có màu xanh đậm hoặc vàng cam đậm (cà rốt, ớt ngọt, bông cải xanh, rau muống, rau dền, mồng tơi, rau lang, cải thìa, bí đỏ…). Các loại rau trái này chứa nhiều beta-caroten cần thiết cho sức khỏe của mắt. Thực phẩm giàu omega-3 như các loại cá béo cũng rất tốt cho mắt.

Tránh bị đau dạ dày trong mùa thi

Ăn uống thất thường và không điều độ sẽ dẫn đến bệnh đau dạ dày. Một số bạn mặc dù vẫn ăn đều nhưng lại ăn trong tình trạng căng thẳng nên thường nhai không kỹ và không thư giãn khi ăn làm dịch vị không tiết ra đầy đủ để tiêu hóa thức ăn cũng dẫn đến đau dạ dày. Càng học căng thẳng thì càng đau và ngược lại, càng đau lại càng căng thẳng tạo nên một vòng luẩn quẩn khó thoát nên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập của các bạn.

Để khắc phục tình trạng này nên chia nhỏ bữa ăn (ăn ít và ăn nhiều lần) với nguyên tắc “không để quá đói, không ăn quá no”. Nên thư giãn khi ăn, ăn chậm nhai kỹ. Lúc nào cũng mang theo các loại thức ăn phụ như sữa tươi, lát bánh mì, vài cái bánh quy...

Ăn không được (do không có thời gian hoặc căng thẳng quá mức) thì làm sao? Nếu lịch học của các bạn quá kín, không có đủ thời gian để ăn đúng bữa hoặc ăn uống rất qua loa thì nên mang theo các loại thức ăn cho bữa phụ: sữa tươi, sữa chua, bánh mì, khoai lang… Nếu vì quá căng thẳng mà ăn không ngon thì nên tăng cường các bữa phụ mà mình yêu thích: ly sữa, yaourt, bánh flan, chén chè đậu (đừng quá ngọt), trái cây…

Ngủ bao nhiêu là đủ?

Ở tuổi các bạn, giấc ngủ dài khoảng 6-8 tiếng là đủ. Tuy nhiên, chất lượng của giấc ngủ sẽ quan trọng hơn nhiều. Giấc ngủ dài nhưng chập chờn sẽ không làm cho cơ thể khỏe khoắn bằng giấc ngủ ngắn nhưng đủ sâu.

Khi quá mệt mỏi, hãy chợp mắt vài phút. Nếu quá buồn ngủ thì hãy ngủ ngay dù chỉ vài giờ (giấc ngủ sâu dù ngắn cũng vẫn tốt hơn giấc ngủ dài nhưng chập chờn). Các bạn sẽ khỏe ngay sau khi được ngủ sâu.

Việc lạm dụng trà, cà phê để thức khuya học bài khiến hệ thần kinh bị kích thích thức tỉnh liên tục nhưng trong tình trạng “trơ” nên dù không buồn ngủ nhưng không đủ sáng suốt để ghi nhớ bài. Đến lúc muốn ngủ thì mắt lại mở trao tráo không cách chi ngủ được. Hậu quả là sáng hôm sau người cứ rũ rượi cả ra mà bài đã học hôm qua cũng không nhớ được.

Tóm lại, để có sức khỏe tốt, sẵn sàng cho kỳ thi sắp tới, các bạn nên nhớ:

- Ăn uống điều độ, bữa ăn nên có các dưỡng chất đã nêu. Ăn nhiều trái cây giàu vitamin để tăng sức đề kháng. Uống nhiều nước để làm mát cơ thể.

- Ngủ đủ giấc.

- Hít thở sâu sẽ giúp tăng oxy lên não và giảm căng thẳng, hồi hộp do lo âu.

- Thường xuyên vận động để tăng tuần hoàn máu lên não, giảm mỏi các cơ, giúp xương chắc khỏe và đây cũng là cách thư giãn hết sức hữu hiệu.

TS.BS TRẦN THỊ MINH HẠNH

(Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thảo dược tăng trí nhớ



Trong y học cổ truyền, có khá nhiều thảo dược được sử dụng nhằm mục đích cải thiện trí nhớ và dự phòng tích cực chứng “kiện vong” (hay quên), một căn bệnh thường gặp và đang có xu hướng gia tăng, kể cả ở lứa tuổi học đường. Các vị thuốc này được xếp chung vào nhóm dược vật có công dụng “kiện não ích trí”.


Những vị thuốc này cũng sẽ giúp ích cho các học sinh chuẩn bị bước vào mùa thi đại học, cao đẳng...

Hồ đào nhân: vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ thận cố tinh, ôn phế chỉ khái, ích khí dưỡng huyết, bổ não ích trí, nhuận tràng thông tiện. Hồ đào nhân có giá trị dinh dưỡng rất cao, cứ mỗi 100g có chứa 58 - 74g chất béo, chủ yếu là các acid béo không no, 18g chất đạm, 10g chất vô cơ, nhiều loại vitamin như B1, B2, C, E... và các nguyên tố vi lượng như Ca, P, Fe, Zn, Mg... và một lượng lớn photpholipid và lysine rất cần cho cấu trúc và hoạt động của não bộ. Bởi vậy, hồ đào nhân là một trong những thực phẩm - vị thuốc rất có lợi cho việc cải thiện khả năng ghi nhớ. Cách dùng đơn giản là kiên trì ăn hàng ngày 1 - 2 trái hồ đào hoặc dùng 30g hồ đào nhân nấu cháo ăn cùng với gạo tẻ hoặc dùng hồ đào 250g, vừng đen 250g, đường đỏ 500g, hồ đào và vừng đen sao vàng, đường đỏ hòa với nước đun cô thành dạng keo rồi bỏ hồ đào và vừng đen vào cô tiếp một lát là được, đổ ra đĩa sâu lòng có thoa mỡ, để nguội rồi cắt ra thành từng miếng nhỏ, mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 3 miếng.

Long nhãn: vị ngọt, tính ấm, có công dụng ích tâm tỳ, bổ khí huyết, kiện não ích trí. Y thư cổ Khai bảo bản thảo cho rằng long nhãn có khả năng “quy tỳ nhi ích trí” (bổ tỳ mà có ích cho trí tuệ). Sách Bản thảo cương mục cũng viết: “Long nhãn khai vị ích tỳ, bổ hư trường trí” (long nhãn kiện tỳ vị, bồi bổ hư nhược và làm khỏe tinh thần). Nghiên cứu hiện đại cho thấy, long nhãn có khả năng điều chỉnh hoạt động của vỏ não và cải thiện khả năng ghi nhớ. Để phòng chống tích cực chứng “kiện vong”, dân gian thường dùng long nhãn 500g, đường trắng 500g, nấu thành cao đặc, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 - 15ml hoặc dùng long nhãn 15g, hồng táo 15g, gạo tẻ 50g, ba thứ đem ninh thành cháo, chế thêm một chút đường chia ăn 2 lần trong ngày hoặc dùng long nhãn 30g, gà giò 1 con nặng chừng 1kg, gà làm thịt, bỏ nội tạng rồi cho long nhãn cùng gia vị vào trong bụng, đem hầm cách thủy trong 1 giờ, ăn nóng.

Nấm linh chi: vị ngọt, tính bình, có công dụng dưỡng tâm an thần, ích khí bổ huyết, tư bổ cường tráng, kiện não ích trí, được mệnh danh là “tiên thảo” (cỏ tiên). Nghiên cứu lâm sàng hiện đại cho thấy, linh chi có khả năng hỗ trợ trị liệu rất tốt đối với những bệnh nhân tâm căn suy nhược (suy nhược thần kinh), thất miên (mất ngủ), kiện vong (hay quên)... do tâm tỳ hư nhược. Thường được dùng dưới dạng linh chi thô 3 - 6g hãm uống thay trà mỗi ngày 2 lần hoặc các dạng đã được bào chế như viên nang, trà tan, cao lỏng, thuốc nước theo chỉ định của thầy thuốc. Có thể dùng dưới dạng một loại trà tổng hợp gồm nấm linh chi 15g, hoàng kỳ 20g, kê huyết đằng 15g, hoàng tinh 15g, tất cả sấy khô, tán vụn, đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày, có thể hòa thêm một chút đường phèn cho dễ uống.



Posted ImageLinh chi có khả năng hỗ trợ trị liệu rất tốt đối với những bệnh nhân tâm căn suy nhược, mất ngủ...


Nhân sâm:
vị ngọt, tính ấm, có công dụng đại bổ nguyên khí, định tâm ích trí, là vị thuốc - thực phẩm đứng đầu trong nhóm dược liệu có công dụng bổ khí. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, nhân sâm có khả năng cải thiện chuyển hóa của tổ chức não, hưng phấn và tăng cường tính linh hoạt của hệ thần kinh, nâng cao khả năng ghi nhớ. Bởi vậy, nhân sâm cũng là một trong những thực phẩm - thuốc rất hữu ích cho việc làm tăng trí nhớ, phòng chống suy nhược thần kinh và chứng hay quên do khí huyết suy nhược. Thường được dùng dưới nhiều dạng như trà sâm, rượu sâm, viên nang, cao lỏng, món ăn - bài thuốc, ví như dùng nhân sâm 10g, hạt sen bỏ tâm, đường phèn 30g, ba thứ cho vào bát đem chưng cách thủy trong 1 giờ rồi ăn cả nước lẫn cái.

Đông trùng hạ thảo: vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ hư tổn, ích tinh huyết, là một trong những vị thuốc - thực phẩm nổi tiếng của y học cổ truyền, sánh ngang với nhân sâm và nhung hươu, thường được dùng để chữa chứng “kiện vong” do thận hư. Tác dụng dược lý của đông trùng hạ thảo hết sức phong phú, trong đó có tác dụng trấn tĩnh, tăng cường sức chú ý và nâng cao năng lực ghi nhớ. Khi dùng dưới dạng thô, người ta thường chế biến đông trùng hạ thảo thành các món ăn - bài thuốc cùng với thịt vịt, ba ba, tôm nõn, thịt lợn nạc...Ví như, dùng đông trùng hạ thảo 10g, tôm nõn 20g, gừng tươi và gia vị vừa đủ. Đông trùng hạ thảo và tôm nõn rửa sạch rồi cho vào nồi đất cùng với gừng tươi, đổ một lượng nước thích hợp, dùng lửa to cho sôi rồi đun trong 30 phút bằng lửa nhỏ, chế đủ gia vị, ăn nóng.

Liên nhục (hạt sen): vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ tỳ chỉ tả, ích thận cố tinh, dưỡng tâm an thần. Y thư cổ Thần nông bản thảo kinh viết “Liên nhục, bổ trung, dưỡng thần, ích khí lực, trừ bách bệnh, cửu phục khinh thân nãi lão” (hạt sen bổ tỳ vị, có lợi cho thần khí, trừ được trăm bệnh, dùng lâu làm nhẹ người và kéo dài tuổi thọ). Thường được dùng dưới dạng chế biến thành các món ăn - bài thuốc như mứt sen, chè hạt sen, cháo hạt sen... ví như dùng hạt sen 20g, long nhãn 20g, đường phèn 30g, ba thứ đem nấu chè ăn trong ngày hoặc dùng hạt sen 20 hạt, long nhãn 15g, bá tử nhân 9g, toan táo nhân 9g, tất cả đem ninh nhừ rồi chế thêm đường phèn, chia ăn 2 lần trong ngày.

Kỷ tử: vị ngọt, tính bình, có công dụng tư bổ can thận, làm sáng mắt và nhuận tràng. Dân gian thường dùng kỷ tử để phòng chống chứng “kiện vong” và tăng cường trí nhớ bằng cách lấy kỷ tử 30g, não dê 1 bộ, đem hấp cách thủy ăn hoặc lấy kỷ tử 10g, hoài sơn 30g, não lợn 1 bộ, hấp cách thủy ăn hoặc kỷ tử 20g, hồng táo 6 quả, trứng gà 2 quả, tất cả đem nấu chín, sau đó bóc bỏ vỏ trứng rồi đun thêm 15 phút nữa là được, chế thêm gia vị ăn nóng, mỗi tuần 2 lần.

Ngoài ra, theo dinh dưỡng học cổ truyền, còn nhiều loại thảo dược khác cũng có công dụng làm tăng trí nhớ như đại táo, ngân nhĩ, mộc nhĩ, bách hợp, khiếm thực, hoàng tinh, hoàng kỳ, nấm hương, hạt dẻ, ích trí nhân...

ThS. HOÀNG KHÁNH TOÀN

Share this post


Link to post
Share on other sites

Dược thiện bổ trí não cho sĩ tử

Vào mùa thi, ngoài việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các sĩ tử, các bậc phụ huynh còn hết sức lưu ý đến chuyện bồi dưỡng ăn uống. Theo dinh dưỡng học cổ truyền, đây là thời điểm năng lượng tiêu hao lớn, nhu cầu về đồ ăn thức uống tăng cao nhưng vẫn cần phải tuân thủ theo nguyên tắc cân bằng và toàn diện. Bên cạnh đó nên lựa chọn và sử dụng những món ăn - bài thuốc (dược thiện) có công dụng kiện não ích trí nhằm giúp sĩ tử nâng cao khả năng ghi nhớ và minh mẫn hơn. Bài viết này xin được giới thiệu 10 món ăn - thuốc để các bậc phụ huynh tham khảo và vận dụng.

Bài 1: Bách hợp 100g, trứng gà 2 quả, hoàng tinh 30g. Bách hợp và hoàng tinh rửa sạch, sắc kỹ lấy nước rồi đập trứng gà vào đun chín, chế thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng: thanh tâm an thần, ích trí bổ não, tăng cường khả năng ghi nhớ.

Bài 2: Nhân sâm 3g, gạo tẻ 100g, đường phèn lượng vừa đủ. Đem nhân sâm và gạo ninh thành cháo, chế thêm đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: bổ nguyên khí, chấn tinh thần, ích tâm trí.

Posted Image

Bài 3: Ba ba hoặc rùa 1 con nặng chừng 250g, xương sống lợn 200g, rượu vang, gừng tươi và gia vị vừa đủ. Ba ba làm thịt, bỏ đầu và nội tạng, chặt miếng, ướp gừng tươi; xương lợn chặt nhỏ, hai thứ cho vào nồi ninh nhừ rồi cho thêm một chút rượu vang và gia vị vừa đủ, chia ăn vài lần trong ngày, mỗi tuần 2 lần. Công dụng: tư âm tiềm dương, bổ não ích trí, tăng cường khả năng tư duy và ghi nhớ.

Bài 4: Long nhãn 30g, hồng táo 20 quả, gạo tẻ 60g. Tất cả đem ninh thành cháo, chế thêm gia vị, ăn nóng. Công dụng: ích khí bổ huyết, dưỡng tâm kiện não, dùng cho trường hợp ngủ kém, hay mê mộng, suy giảm trí nhớ, đau đầu hoa mắt chóng mặt.

Bài 5: Khiếm thực 20g, liên nhục 20g, gạo tẻ 60g. Tất cả đem ninh thành cháo, cho thêm một chút đường trắng, ăn nóng. Công dụng: kiện tỳ dưỡng tâm, bổ não ích trí, dùng cho trường hợp ăn kém, chậm tiêu, đại tiện lỏng nát, hay quên, mất ngủ.

Bài 6: Tang thầm (quả dâu chín) 250g, mật ong 100g. Tang thầm đem sắc với 500ml nước rồi cho mật ong vào đun thêm 15 phút thành dạng cao đặc, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 30ml.

Posted Image

Quả dâu chín sắc với mật ong tốt cho sĩ tử mùa thi.

Bài 7: Óc lợn 1 bộ, kỷ tử 25g, hai thứ rửa sạch cho vào bát, chế thêm gia vị vừa đủ rồi đem hấp cách thủy cho chín, ăn nóng. Công dụng: dưỡng can bổ não, ích tủy tăng trí nhớ.

Bài 8: Tùng tử nhân, toan táo nhân, hạch đào nhân, hạnh nhân, lạc hạt, mạch nha lượng vừa đủ. Tất cả đem tán vụn rồi đun với mạch nha cho chín, mỗi ngày ăn 20g. Công dụng: ích trí kiện não, dưỡng tâm nhuận tràng, dùng cho trường hợp suy giảm trí nhớ, ngủ kém, hay mê mộng, táo bón.

Bài 9: Hà thủ ô 500g, ngũ vị tử 50g, trứng chim cút 60 quả. Đem hà thủ ô và ngũ vị tử sắc kỹ lấy nước, trứng chim cút luộc chín, bóc vỏ rồi cho vào nấu với nước thuốc bằng lửa nhỏ đến cạn, mỗi ngày ăn 3 quả. Công dụng: bổ thận dưỡng tâm, ích trí kiện não.

Bài 10: Tủy sống bò 150g, đông trùng hạ thảo 5g, hoài sơn 10g, gừng tươi, hành và gia vị vừa đủ. Tất cả cho vào liễn sành, ướp gia vị, cho thêm 50ml nước, đậy kín miệng rồi đem hấp cách thủy chừng 60 phút là được, chia ăn vài lần. Công dụng: bổ tinh ích trí, tráng dương an thần, dùng rất tốt cho học sinh có thể chất suy yếu.

ThS. Hoàng Khánh Toàn

Share this post


Link to post
Share on other sites

Những món ngon sĩ tử nên ăn trước giờ thi


Cá, nước cốt gà, cháo cua nấu bí đỏ... là những món ăn sĩ tử nên "dung nạp" trước buổi thi để có được trí não tỉnh táo, khả năng tập trung tốt mà không bị "nặng bụng".

Giai đoạn "nước rút" trước kỳ thi tuyển sinh đại học, nhiều bạn học sinh "cày ngày đêm" để ôn luyện, khiến bộ não trở nên mệt mỏi. Điều đó cùng với tâm lý lo lắng khiến sĩ tử khó hoàn thành tốt bài thi đúng như năng lực.

Dưới đây là một số món ăn giúp "tẩm bổ" trí não cho sĩ từ trước buổi thi. Hương vị thơm ngon của nó còn có thể "kích" tinh thần của các bạn học sinh tốt hơn.


1. Cháo cua nấu bí đỏ

Bí đỏ là thực phẩm giàu chất tryptophan giúp cấu thành protein mà tế bào thần kinh dùng để tổng hợp seretonin - dưỡng chất giúp điều tiết chỉ số cảm xúc, giúp trí não tỉnh táo và nhớ lâu. Cha mẹ có thể cho con ăn các món từ bí đỏ như chè, canh, cháo... để đạt được tác dụng trên. Song, trước khi vào phòng thi, các bạn học sinh nên tránh những món nhiều đường, nên ăn món nhẹ nhưng vẫn đủ chất dinh dưỡng và thơm ngon. Vì vậy, cháo cua nấu bí đỏ sẽ là một gợi ý hấp dẫn đối với những bạn trẻ không dị ứng loại hải sản này.


2. Cá lóc xào đậu Hà Lan

Hàm lượng dinh dưỡng trong cá lóc rất phong phú, cung cấp hàm lượng protein rất cao cho hoạt động trí não. Dầu vừng dùng để xào món này chứa nhiều chất béo, protein, canxi cùng lecithun, có tác dụng tăng cường trí nhớ, chống lão hóa. Đậu Hà Lan giàu vitamin C, sắt giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, cung cấp oxy cho não, khiến não chống lại căng thẳng, mệt mỏi.

Posted Image

Cá lóc xào đậu Hà Lan.



3. Cá thu hấp trứng

Cá thu nói riêng và các loại cá biển nói chung rất giàu protein và canxi, tốt cho nhu cầu hoạt động của não bộ. Dưỡng chất trong thực phẩm này còn giúp phục hồi sức khỏe trí não của sĩ tử sau những đêm thức khuya học bài. Nhờ đó, tế bào thần kinh được kích thích hoạt động. Trứng gà cũng rất giàu protein, chất béo, canxi, phốt pho, sắt, kẽm, các vitamin cùng lecithin, giúp trí não hoạt động hiệu quả, giảm bớt mệt mỏi và ghi nhớ lâu. Sự cộng hưởng của 2 nguyên liệu này sẽ tạo nên món ngon giàu dinh dưỡng cho các bạn học sinh.

Posted Image

Cá thu hấp trứng.



4. Nước cốt gà

So với các loại thịt đỏ, thịt gà có đủ các acid amin cần thiết ở tỷ lệ cân đối hơn. Canh gà hầm, súp gà, gà tần thuốc bắc... luôn là những món bổ dưỡng được nhiều người lựa chọn để bồi bổ khi cơ thể mệt mỏi, suy nhược hoặc tăng sức đề kháng. Song, những món ngon trên thường dư đọng lượng mỡ khá lớn từ gà tiết ra, khiến sĩ tử có thể nặng bụng, khó tiêu.

Thay vào đó, phụ huynh có thể cho con sử dụng nước cốt gà Brand's, sản phẩm chiết xuất từ thịt gà song đã trải qua quá trình chưng cất, giữ nguyên lượng đạm nhưng loại bỏ chất béo dư thừa. Protein trong dưỡng chất này còn được chia tách thành các peptide Carnosine, giúp thẩm thấu nhanh vào trí não (trong khoảng 15 phút), tạo chất dẫn truyền thần kinh, kích tích sự tỉnh táo, tập trung, ghi nhớ...

Posted Image

Hai chai nước cốt gà Brand's mỗi ngày giúp trí não sĩ tử tỉnh táo và tập trung tốt hơn.



5. Bổ sung trái cây và rau củ


Sĩ tử nên chọn táo, nho, chuối tiêu, các loại quả mọng, ăn hạt óc chó hoặc hạt hạnh nhân. Chúng không chỉ cung cấp nước để các bạn học sinh giải khát mà còn cung cấp nhiều vitamin, nhất là vitamin E giúp trí não tỉnh táo và nhớ lâu hơn.

Như vậy, khác với quan niệm thường thấy là ăn xôi đỗ, uống một ly cà phê, nhai kẹo cao su... để "ép" trí não tỉnh táo, tăng khả năng đậu đại học thì sĩ tử nên ăn những món nhẹ, không nên quá no những vẫn phải đủ dưỡng chất, đặc biệt là dinh dưỡng chuyên biệt cho trí não. Điều đó kết hợp với việc uống đủ nước, ngủ đủ giấc trước ngày thi sẽ giúp các bạn trẻ có được sức khỏe và tâm thế tốt để làm bài thi.

Ngọc Bích

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay