Thiên Sứ

Mấy ngàn năm trang phục Việt Nam: Người tái hiện

2 bài viết trong chủ đề này

Mấy ngàn năm trang phục Việt Nam:

Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Người tái hiện

Posted Image

“Không làm được đâu. Không có tư liệu đâu mà làm. Các nhà nghiên cứu sử còn không dám đụng đến thì mình làm sao nổi...”.

Biết bao lần Nguyễn Hải Anh được giới chuyên môn khuyên như thế khi chị đi tìm sự hỗ trợ để tái dựng lịch sử trang phục VN. Không ngã lòng, chị vẫn kiên trì theo năm tháng để lần đầu tiên VN có một bộ phim tài liệu (dài trên dưới 20 tập) về lịch sử trang phục VN từ thời Hùng Vương đến nay.

Bây giờ, khi bộ phim tài liệu Đi tìm lịch sử trang phục Việt đã đóng máy, bước vào giai đoạn dựng phim, nữ đạo diễn 39 tuổi thầm giật mình vì thời gian đeo đuổi tác phẩm của chị.

15 năm cho một bộ phim

Posted Image

Đã có hiện vật về trang phục thời Lê nhưng vẫn khá hiếm hoi, nghe chỉ bất cứ lăng mộ nào có tượng cổ, đoàn làm phim cũng lặn lội tìm đến bất chấp lụt lội, có khi chỉ quay được một kiểu mũ thời Lê khác những kiểu mũ đã có

Đỗ á khoa Trường đại học Điện ảnh Hà Nội ở tuổi 18, Nguyễn Hải Anh nhận được học bổng du học tại Học viện Sân khấu - điện ảnh - âm nhạc Leningrat thuộc Liên Xô. Những ngày hội sinh viên quốc tế ở Leningrat, cô sinh viên Hải Anh luôn xúng xính những bộ áo váy, áo dài sang trọng bằng lụa tơ tằm, đũi, thổ cẩm... của VN.

Vẻ đẹp, sự độc đáo từ kiểu dáng, chất liệu, hoa văn vải truyền thống VN luôn làm sinh viên các nước bạn trầm trồ làm Hải Anh dậy lên niềm tự hào về trang phục dân tộc, và cô ước muốn tìm hiểu ông cha mình ngày xưa đã mặc như thế nào. Học lên thạc sĩ nghệ thuật học chuyên ngành truyền hình, làm việc tại Đài truyền hình Saint Petersburg trong hai năm, ý tưởng làm một bộ phim tài liệu về lịch sử trang phục Việt càng nung nấu trong Hải Anh.

Về nước năm 1998, chị âm thầm thu thập tài liệu từ lịch sử, mỹ thuật, khảo cổ từ năm này qua năm kia một cách khó nhọc để viết kịch bản Đi tìm lịch sử trang phục Việt. Trong sách sử nước ta rất hiếm những dòng viết về trang phục qua các triều đại nên khu vực này luôn bị các nhà nghiên cứu sử bỏ qua - và gần như chưa có một công trình nào ghi nhận đầy đủ và hệ thống.

Trừ hình ảnh người Lạc Việt mặc áo lông chim vào thời Hùng Vương trên trống đồng là khá rõ và một vài bộ trang phục thời Nguyễn còn lại, hình ảnh, hiện vật về trang phục Việt các thời kỳ qua tranh vẽ, điêu khắc, di vật khảo cổ... càng hiếm hoi hơn; có những giai đoạn dài tư liệu hiện vật trắng xóa như trong 1.000 năm Bắc thuộc. Không ít lần những nhà sử học, nhà làm phim, làm sân khấu sau khi tranh cãi ầm ĩ về các trang phục lịch sử Việt đã phải kêu lên: “Không có tài liệu lịch sử nào cho biết chính xác thời xưa ông bà ta ăn mặc ra sao!”. Cũng nhiều lần nản chí, song Hải Anh không bỏ cuộc. Chỉ cách nay hơn năm năm, kịch bản phim tài liệu Đi tìm lịch sử trang phục Việt của chị mới hoàn thành.

Có kịch bản, Hải Anh đi chào hàng khắp nơi nhưng chẳng nhà tài trợ nào gật đầu. Những nơi hiếm hoi chịu gật lại đòi điều kiện quảng cáo quá thô bạo, Hải Anh từ chối thẳng bởi: “Bộ phim là một công trình khoa học nghiêm túc, không thể để nó méo mó vì bất cứ lý do gì”. Cuối cùng người xưa cũng phù trợ chị nên kịch bản phim đã tìm được nhà tài trợ thích hợp để bộ phim được thực hiện, đó là Tập đoàn Dệt may VN.

Cam go chuyện làm phim

Thành quả “rực rỡ” nhất của đoàn làm phim trong những ngày ở nước ngoài cũng như của cả bộ phim là tìm ra và ghi hình được pho tượng một quí tộc nước ta vào thế kỷ thứ 6 có vận trang phục rất đẹp tại một bảo tàng ở Bỉ. Cho đến nay, đây là pho tượng độc nhất vô nhị vào giai đoạn Bắc thuộc của nước ta còn sót lại, là hiện vật duy nhất về trang phục Việt trong cả ngàn năm đó.

Hai năm ròng rã, chị và đoàn làm phim lặn lội từ Nam tới Bắc để tìm quay hình ảnh cho phim. Nghe bất kỳ ai, dù là nhà sử học hay người dân quê chỉ dẫn, dù cho khá mơ hồ “nghe nói chỗ đó có một pho tượng xưa lắm, vào xem sao” là chị tìm đến bằng được, bất kể đang nắng mưa hay lụt lội, bất kể đó là một di chỉ đang khai quật hay một lăng mộ vô danh nằm trong đồng sâu heo hút hay tận chốn rừng núi hoang vu. Những lần lặn lội có lúc chị trắng tay, song có lúc cảm giác sung sướng chẳng gì bằng khi mình là người đầu tiên phát hiện một hiện vật chưa từng được sách vở nào nhắc đến.

Đi sâu vào dân, chứng kiến những pho tượng cổ bị kẻ xấu chặt mất đầu, ngậm ngùi nhưng chị vẫn cảm thấy may mắn vì còn kịp ghi hình được bộ trang phục trên thân pho tượng cho mai sau: tiếc nhất là khi gặp một pho tượng cổ đường nét còn nguyên mà người dân do thiếu kiến thức đã sơn phết xanh đỏ để làm mới đến chẳng nhận ra được nguyên thủy nó ra sao... Tìm được hiện vật là một chuyện, thuyết phục chủ hiện vật cho xem, cho quay hay không là chuyện khác. Chẳng dễ gì một nhà sưu tập tư nhân chịu để lộ ra món cổ vật quí giá của họ. Có những ông từ giữ đền nhất quyết không cho chị quay vì kiêng cữ... Những lúc như thế cô đạo diễn phải trổ tài năn nỉ ỉ ôi...

Xong phần trong nước, cả đoàn phim lại khăn gói sang Pháp, Bỉ, Áo, Thụy Sĩ... tiếp tục tìm quay hiện vật quí hiếm từ các bảo tàng và các nhà sưu tập tư nhân. Dù trong hay ngoài nước, muốn ghi được hình, Hải Anh đều phải trải qua công đoạn tiếp cận, năn nỉ chủ sở hữu một cách vất vả. Mỗi một hiện vật được ghi hình đều phải có chuyên gia khảo cổ đứng kế bên để xác định xuất xứ, niên đại chất liệu vải hay tuổi pho tượng...

Mỗi một hình ảnh ghi nhận được đều phải có các nhà mỹ học và họa sĩ uy tín xem xét để cho biết chiếc áo của hiện vật gồm mấy lớp, cấu trúc mỗi lớp ra sao, đường nét theo logic thẩm mỹ, logic cơ thể học thế nào... Ý kiến giữa các chuyên gia cùng lĩnh vực hay khác lĩnh vực lắm khi rất trái chiều; tính nết cũng lắm khi trái ngược càng khiến Hải Anh phải làm việc thật tỉ mỉ với từng chuyên gia của từng khâu để hệ thống, kết nối, phản biện một cách khoa học để có kết quả.

Hiện có một nhóm ba họa sĩ đang làm việc cật lực để vẽ ra khoảng 30 bộ trang phục từ thời Hùng Vương đến triều Nguyễn từ những hình ảnh, tranh tượng và cả tư liệu mô tả bằng chữ viết mà đoàn làm phim thu thập được. Công đoạn này cũng vô cùng gay go. Nhiều bức tượng dáng người ngồi, chân tay xếp lại, các họa sĩ phải tính toán tỉ lệ, cấu trúc vẽ thế nào cho ra được bức tượng đang đứng dang tay để thấy rõ bộ trang phục, sau đó vẽ riêng bộ trang phục ra. Những hình vẽ trang phục cổ này sẽ được phục hiện thành tác phẩm thật để quay hình rồi tặng lại bảo tàng...

Chỉ mới ở vào giai đoạn cuối, cũng có thể sẽ tạo ra nhiều tranh cãi về tính khoa học chính xác của từng bộ trang phục cổ được phục hiện hay từng tư liệu lịch sử về trang phục mà bộ phim nêu ra... nhưng đã có thể thấy rõ Đi tìm lịch sử trang phục Việt là một công trình khoa học lịch sử đáng giá.

Người không khuất phục

Posted Image

Lối ăn mặc dân gian thời Trần

Đạo diễn là nghề đầy nam tính, còn Nguyễn Hải Anh lại có vẻ ngoài rất nữ tính với làn da trắng, đôi mắt to, trang sức cổ điệu đàng và giọng phụ nữ Hà Nội mềm mại. Thế nhưng vào công việc rồi mới biết chị là người dám dấn thân và có những đòi hỏi chẳng dễ dàng chút nào ở bản thân và đối tác. Có lần, để đến được một di chỉ khảo cổ đúng hẹn, đoàn làm phim phải vượt sông Bạch Đằng trong chuyến phà đêm cuối cùng tại bến Phà Rừng nổi tiếng sóng to gió dữ.

Là trưởng đoàn, phải lo việc ngoại giao, Hải Anh bị rớt lại. Không thể để cả đoàn với nhiều nhà khoa học đợi mình ở bờ bên kia hoang vu, chị đi gõ cửa nhà các dân chài nhờ đưa đò qua sông. Con sông ngay cửa biển rộng mù khơi đi hoài không tới bờ, đêm tối mịt mù, chiếc đò bé xíu, sóng gió ầm ầm rất nguy hiểm, chị lại không biết bơi. Cuối cùng cũng đến bờ, chị chỉ còn sức nằm lăn ra ngủ... Nhớ lại những lần như thế, giọng chị chấn động: “Có những lúc mình thấy nếu không có sức khỏe, nên chết đi là hơn, đừng đi làm phim nữa!”.

Làm phim với Hải Anh là sự sống chết một đời. Sự nghiệp làm phim của chị chẳng nhẹ ký chút nào với giải bạc Hội Điện ảnh VN năm 2001 cho phim Thầy Nguyễn Văn Xuân, huy chương bạc Liên hoan phim truyền hình toàn quốc 2007 cho Đi biển một mình - phim về nữ thuyền trưởng, anh hùng lao động Nguyễn Thị Hồng. Năm 2004, phim Bà tôi của chị vượt qua 128 phim từ khắp thế giới để trở thành một trong bảy phim lọt vào chung kết Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amiens tại Pháp.

Bà tôi kể về bà ngoại chị, một cụ bà 95 tuổi, sống tại Hà Nội hàng thế kỷ với bao nhiêu biến động Pháp đi, Nhật đến, Tàu vào, độc lập 2-9, Hiệp định 54, Mỹ rải bom, nước nhà thống nhất... Bà tôi gặp nhiều lận đận với những cuộc thi trong nước bởi người ta cho rằng nhân vật trong phim bình thường quá. Với Hải Anh thì Bà tôi là kết tinh của tinh thần, văn hóa Việt đáng lưu truyền, trân trọng nên mạnh dạn đưa Bà tôi ra khoe với quốc tế và nhận được sự quí trọng, đánh giá cao về bộ phim từ đồng nghiệp năm châu.

Posted Image

Hình người mặc trang phục Việt thời Đông Sơn tại Bảo tàng Thụy Sĩ

Tính đến nay vốn liếng của Hải Anh đã lên đến khoảng 50 phim tài liệu về đủ lĩnh vực văn hóa, y tế, quân đội, kinh tế, hội nhập... như Hoàng thành Thăng Long, Làng cổ Đường Lâm, Bánh tráng Trảng Bàng... Hải Anh nổi bật về phim chân dung các nhân vật tiếng tăm như đại tướng Lê Trọng Tấn, giáo sư - thiếu tướng tình báo công nghệ thông tin Nguyễn Đình Ngọc, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, bác sĩ Trần Đông A, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, anh hùng lao động Nguyễn Thị Nghĩa, doanh nhân Đặng Thành Tâm - cố vấn cho Chính phủ tại hội nghị APEC 2006, người đầu tư thành công hơn một chục khu công nghiệp khắp cả nước...

Mỗi con người, mỗi đề tài chị chọn làm phim đều luôn đặt ra những lĩnh vực mới với bản thân chị. Hải Anh lại là đạo diễn luôn viết kịch bản cho chính mình, và chẳng dễ gì nói chuyện được với những nhân vật tài giỏi ấy nếu thiếu hiểu biết, và không chứng tỏ được năng lực thuyết phục. Hải Anh sẵn sàng bỏ ra hàng mấy năm ròng để làm một bộ phim chỉ dài 20-40 phút. Chị lặn lội tìm kiếm và đọc hàng đống tài liệu về nhân vật, lĩnh vực mình cần làm từ chiến lược, chiến thuật quân đội trong chiến dịch Hồ Chí Minh đến phương thức điều hành doanh nghiệp...

Chị cũng sẵn sàng lăn xả để đáp ứng những thử thách mà nhân vật của chị đặt ra cho chị như việc thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc đã “đào tạo” chị làm việc như một tình báo thực thụ trong suốt hai năm chị làm phim về ông! Hải Anh nhớ mãi “phần thưởng” khi làm phim về ông Trần Bạch Đằng. Thuyết phục thật nhiều lần ông mới để chị làm phim về mình.

Hôm đoàn làm phim theo ông đến bệnh viện thăm vợ bệnh nặng, ông nhất quyết không cho quay cảnh này, nhưng Hải Anh vẫn bảo người quay phim quay lén qua cửa sổ cảnh ông chăm sóc vợ. Chỉ vài ngày sau bà mất, những thước phim quay lén đó đã trở thành một tư liệu quí giá nâng giá trị bộ phim và khiến nhà nghiên cứu bạc trắng mái đầu phải cảm ơn chị...

Những ngày này Hải Anh đang chạy đôn chạy đáo tìm một đối tác phục hiện những bộ trang phục cổ cho bộ phim. Người thứ nhất, người thứ hai... rồi người thứ tư... chị tìm đến công việc vẫn chưa xong. Nỗi lo vẫn đè nặng trong lòng chị trong suốt hành trình dằng dặc 15 năm Đi tìm lịch sử trang phục Việt. Hải Anh luôn chân thành nói rằng: “Tôi làm bộ phim này bằng cái tâm của mình dành cho mai sau”.

HÒA BÌNH theo TuoiTre

Share this post


Link to post
Share on other sites

Kính thưa quí vị quan tâm.

Với ý thức nhằm phục dựng lại cội nguồn dân tộc trên cơ sở khoa học được xác định bởi tiêu chí khoa học. Trung tâm nghiên cứu lý học Đông phương và bản thân cá nhân tôi rất tha thiết được quí vị quan tâm đến cội nguồn dân tộc Việt giới thiệu và hướng dẫn chúng tôi liên hệ được với tác giả đạo diễn đoàn làm phim trong bài viết trên là bà Nguyễn Hải Anh.

Chúng tôi hy vọng sẽ có đầy đủ chứng cứ và tư liệu với sự phân tích hợp lý về y phục dân tộc ở tất cả mọi tầng lớp trong xã hội thời Hùng Vương.

Chúng tôi làm việc này hoàn toàn bất vụ lợi.

Trung tâm chúng tôi rất mong quí vị hãy giúp chúng tôi có được sự liên hệ này với bà Nguyễn Hải Anh.

Xin trân trọng cảm ơn.

Trung tâm nghiên cứu lý học Đông Phương.

Nguyễn Vũ Tuấn Anh

Share this post


Link to post
Share on other sites