Thiên Sứ

"dâng Sao, Giải Hạn" Có Giúp Cho Cuộc Sống Tốt Đẹp Hơn?

2 bài viết trong chủ đề này

"Dâng sao, giải hạn" có giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn?

10/03/2013 | 06:43

(Dân Việt) - Những người bị coi là có sao xấu chiếu mệnh đều tin rằng một lễ cúng "dâng sao, giải hạn" sẽ làm cho cuộc sống bớt xấu đi trong năm tới.

Cứ vào đầu năm mới, người Việt ta lại đổ xô đi "dâng sao, giải hạn" tại các đình, chùa để cầu mong xua đi những rủi ro, tật bệnh, có được một cuộc sống khỏe mạnh, an bình. Trong số báo này, các nhà nghiên cứu lý học Đông phương sẽ gửi đến độc giả một vài lý giải về hoạt động tâm linh này dưới góc nhìn khoa học.

Quan niệm cổ của người phương Đông cho rằng, số phận con người được định hình do tính quy luật vận động của vũ trụ. Từ đó, mỗi ngôi sao chiếu vào số phận của họ đều có ảnh hưởng may mắn hay rủi ro đối với những mục đích mà con người đạt được.

Bởi vậy, vào dịp đầu năm, những người bị coi là có sao xấu chiếu mệnh đều tin rằng một lễ cúng "dâng sao, giải hạn" sẽ làm cho cuộc sống bớt xấu đi trong năm tới.

Posted Image

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh.

Về quan niệm này, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lý học Đông phương - cho biết: "Trong sự phân loại phổ biến thì có 9 sao ảnh hưởng đến cuộc đời con người gọi là cửu tinh. Các sao này lần lượt có tên gọi: La Hầu, Kế Đô, Mộc Đức, Thái Âm, Thái Dương, Vân Hán (Hớn), Thủy Diệu, Thái Bạch, Thổ Tú.

Trong 9 sao này thì cũng tùy theo nam, nữ mà lần lượt chu kỳ 9 năm sẽ là sao nào chiếu trong năm đó. Mỗi sao nói trên lại có một hạn mô tả tính chất kèm theo. Cũng lần lượt có 9 hạn đi kèm với sao là: Toán tận, Huỳnh tuyền, Tam kheo, Ngũ mộ, Thiên tinh, Thiên la, Địa võng, Diêm vương. Nói chung các hạn đi kèm sao đều bị coi là xấu, mặc dù mức độ khác nhau. Theo niềm tin của mình, những người bị sao xấu chiếu mệnh thì thường làm lễ "dâng sao, giải hạn".

Ông Tuấn Anh cũng cho rằng, không có sao nào hoàn toàn tốt và cũng không có sao nào hoàn toàn xấu. Ví dụ như sao Thái Dương được coi là sao tốt với người nam nhưng lại là sao xấu với người nữ. Nhưng ngay cả khi sao Thái Dương tốt với người nam thì hạn kèm theo lại là Toán tận. Hạn Toán tận được coi là dễ gặp những tai nạn bất ngờ. Hoặc như sao Vân Hán được quan niệm rằng dễ bị tai tiếng, thị phi. Nhưng với những điều kiện môi trường khác nhau thì lại là sao dễ được sự chú ý của dư luận và dễ nổi tiếng.

Có người nghi ngờ rằng, việc dâng sao giải hạn chỉ là một "phép thắng lợi tinh thần" giúp cho con người an tâm hơn với cuộc sống phía trước của mình.

Về ý kiến này, ông Tuấn Anh nhận định: "Như tôi đã nói, có 9 sao sắp theo chu kỳ 9 năm cho nam và nữ. Như vậy có 18 dạng phân loại cho phương pháp coi sao hạn này. Nếu chúng ta lấy 7 tỷ người trên thế giới chia cho 18 thì sẽ có gần 400 triệu người cùng chung số phận. Con số này gấp 4 lần dân số Việt Nam! Rõ ràng đây là một điều rất vô lý.

Như vậy, dưới góc độ của người tìm hiểu về lý học Đông phương, ngay cả khi chúng tôi xác định được bản chất tương tác trên thực tế từ vũ trụ liên quan đến các khái niệm sao này, thì chúng tôi vẫn chỉ coi phương pháp xem sao như là một yếu tố tương tác tạo ảnh hưởng đến con người và không phải là yếu tố duy nhất quyết định.

Từ đó, chúng tôi cho rằng, "dâng sao, giải hạn" không phải là một hành vi tích cực phản ánh đúng bản chất vấn đề. Tất nhiên nó cũng không có tác dụng thực tế trong mối quan hệ tương tác giữa vũ trụ và con người. Nhưng vì nó đã trở thành một quan niệm phổ biến trong đời sống văn hóa cho nên nó sẽ làm cho những người tin vào việc "dâng sao, giải hạn" yên tâm và tự tin hơn. Gọi đó là một "phép thắng lợi tinh thần" thì cũng không sai".

Cũng theo cách nghĩ của người Việt thì những người tuổi Quý Tỵ năm nay được gọi là "năm tuổi", đồng nghĩa với việc đây sẽ là một năm không tốt, không may mắn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lý học Đông phương cho rằng: Mọi hành vi và kết quả hành vi của con người đều là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố tương tác phức tạp theo nguyên lý "vạn vật tương hỗ".

Ông Tuấn Anh giải thích: "Tôi có thể lấy ví dụ ngay môn tử vi - vốn là một phương pháp tiên tri nổi tiếng trong di sản văn hóa Đông phương cho số phận của từng con người. Dữ kiện đầu vào cho phương pháp này gồm: ngày, giờ, tháng và năm sinh. Như vậy, cùng một năm sinh thì các đối tượng quán xét đã có ngày, giờ, tháng sinh khác nhau và hoàn toàn mô tả các số phận khác nhau cho mỗi con người.

Đó là lý do để tôi xác định ngay rằng: Không phải cứ "năm tuổi" - ví dụ như người tuổi Tỵ gặp năm Quý Tỵ - là xui xẻo, đen đủi. Suy cho cùng thì chính trí tuệ, thiện tâm và những giá trị nhân bản trong tình yêu thiên nhiên, cuộc sống và con người mới là cứu cánh rốt ráo để có một cuộc sống thanh bình".

Theo Dòng Đời

5 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Loạn giá dâng sao giải hạn

Thứ Tư, 20/02/2013, 07:00 PM (GMT+7)

Sau nghỉ Tết Nguyên đán hàng ngàn người lại đổ về các chùa đăng ký làm lễ dâng sao giải hạn cầu an. Tuy nhiên, mỗi chùa lại có một mức phí giải sao khác nhau.

Nhẹ cũng mất tiền triệu
Nghỉ tết dài ngày, gia đình chị Nguyễn Thị Hằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) về quê ăn tết. Năm nay chị Hằng lỡ dịp lên chùa xin dâng sao giải hạn vào ngày mùng 8 âm lịch. Không yên tâm, chị phải tranh thủ giờ làm để lên chùa đăng ký xin dâng sao giải hạn kẻo có chuyện thì "hối không kịp".

Theo chị Hằng, mức phí dâng sao giải hạn cho cả gia đình (4 người) cũng không hề nhỏ, năm nào cũng mất tới tiền triệu. Năm nay phí còn cao hơn, mỗi người mất tới 400 nghìn đồng/sao. Tính nhẩm chị Hằng phải chi tới 2 triệu đồng giải sao cho cả nhà. Tuy vậy, chị cho rằng, mức này vẫn chưa thấm vào đâu so với việc mời thầy về nhà, có thể lên tới chục triệu đồng.

Posted Image
Người dân đăng ký dâng giao giải hạn tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội)

Theo ghi nhận của PV ngày 19/2, những chùa lớn ở Hà Nội như Phúc Khánh, Quán Sứ, Hai Bà Trưng... có hàng trăm người dân đến đăng ký làm lễ dâng sao giải hạn. Tại đây, các ni, sư, phật tử cũng tất bật soạn đồ lễ, các bàn đăng ký cũng chật kín người ngồi ghi ghi, chép chép.

Posted Image
Mải mê ghi chép tên các thành viên trong gia đình để đăng ký dâng sao

Năm nay, theo lịch dâng sao giải hạn của chùa Phúc Khánh, lễ giải sao La Hầu vào ngày mùng 8 tháng Giêng, sao Thái Bạch ngày 15, và sao Kế Đô ngày 18. Phí giải sao là 100.000 đồng/người; phí cầu an mỗi hộ gia đình là 100.000 đồng. Tại chùa Quán Sứ, lễ cúng sao vào các ngày mùng 4, mùng 6, mùng 8, 12, 14, 16 tháng Giêng. Phí giải sao là 150.000 đồng/người.

Posted Image
Lịch cúng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội)

Chị Đỗ Thị Dậu (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, năm nào nhà chị cũng làm lễ dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh. Lý do bởi vừa gần nhà, giá cả lại “mềm” hơn những nơi khác. Tuy nhiên, chùa này rất đông, muốn giải hạn phải đăng ký sớm, khi làm lễ có khi phải ngồi cả ở ngoài đường.

Không giống như chị Dậu, chị Hà (Đống Đa, Hà Nội) lại rất sợ cảnh chen chúc, xô đẩy khi làm lễ nên năm nay quyết định làm lễ dâng sao giải hạn cho cả gia đình tại chùa Quán Sứ dù giá cả có “nhỉnh” hơn chùa Phúc Khánh một chút.

Posted Image
Người dân chăm chú chiếu sao cho cả gia đình

Posted Image
Đăng ký dâng sao tại chùa Quán Sứ (Hà Nội)

Posted Image
Lễ dâng sao tại chùa Quán Sứ

Khác với những người làm lễ tại chùa, anh Nguyễn Công Tùng (Mê Linh, Hà Nội) lại quyết định làm lễ dâng sao giải hạn tại gia. Anh Tùng cho biết, khi xem sao được thầy phán là gia đình năm nay sẽ gặp hạn. Tuy vậy vẫn có cách để giải hạn cho cả gia đình. Thầy cũng “khuyên” anh Tùng , nếu gia đình muốn bình an phải dâng sao cẩn thận, không làm qua loa, đại khái.

Cũng theo anh Tùng, phí mời thầy làm lễ tại gia đình anh là 1,2 triệu (chưa kể đến các tiền sắm sửa đồ lễ theo hướng dẫn của thầy). Ngoài ra, tiền xăng xe cho thầy là tùy tâm. Tuy nhiên, xe của thầy hầu hết là ô tô nên "tùy tâm" cũng phải mất tiền triệu.

Dở khóc dở cười
Tình cờ chúng tôi gặp anh Trịnh Quốc Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) vào chùa Phúc Khánh dán tờ rơi. Được biết, anh bị mất giấy trong khóa lễ giải sao La Hầu ngày mùng 8 Tết. Trong đó có giấy tờ tùy thân, bằng lái xe và khoảng 5 triệu đồng. “Lễ giải sao mà an đâu chả thấy lại ruốc họa vào thân”. Anh Tuấn ngậm ngùi.

Posted Image
Hình nhân thế mạng được dùng trong buổi lễ dâng sao tại chùa Hai Bà Trưng (Hà Nội)

Posted Image
Sư thầy chùa Hai Bà Trưng soát tên các gia chủ trước khi vào buổi lễ dâng sao

Posted Image
Sư thầy chùa Hai Bà Trưng (Hà Nội) đang làm phép

Posted Image
Cầu bình an cho cả gia đình

Sau khi dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh ngày mùng 8 Tết vừa rồi, chị Hằng (Từ Liêm, Hà Nội) mang bầu 8 tháng phải vào viện nằm an thai và có nguy cơ sinh sớm. Chị Hằng cho biết, đi lễ cầu an cho gia đình nhưng mọi người chen lấn, xô đẩy, chị bị ngã dúi dụi phải nhập viện ngay trong lúc chùa đang lễ.

Posted Image
Người dân chen chúc cúng sao giải hạn ngoài đường

Một số trường hợp ngoài giải sao, các thầy còn có những lời phán khiến cả gia chủ bàng hoàng, chạy đôn chạy đáo lo tiền theo yêu cầu của thầy. Thầy còn phán nhà anh Tùng phải đập cửa bên này, chuyển cổng bên kia, chuyển hướng ban thờ thì mới có “lộc”. Lời phán gây sốc nhất khiến anh Tùng méo mặt là gia đình sẽ gặp họa nếu không sinh thêm đứa nữa trong khi con trai anh mới được 4 tháng tuổi.

Theo Hòa thượng Thích Thanh Huân, Chùa Quán Sứ (Hà Nội), người Việt quan niệm, nếu trong năm người đó có sao xấu thì gặp nhiều điều không may. Những người có năm tuổi ứng với ngôi sao vận hạn thì đều mong muốn cúng sao cho mình. Dâng sao giải hạn chỉ là giải quyết vấn đề tâm lý còn không có vị thần thánh nào ban phúc hay giáng họa cho chúng sinh.

Posted Image
Bảng tính sao hạn năm Quý Tỵ (Ảnh: phatgiao.org.vn)

Cũng theo vị Hòa thượng này, có không ít trường hợp đi cúng lễ mà vẫn gặp tai họa. “Gặp họa hay phúc đều là do bản thân con người. Nếu con người không cẩn thận thì rất dễ gặp họa như mất của, tai nạn…”. Hòa thượng Thích Thanh Huân nói.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm trụ trì chùa Bằng (Hoàng Mai, Hà Nội) khuyên người dân không nên tốn kém, lãng phí mất tiền làm lễ. Bởi phật là tại tâm, con người có tâm, Phật luôn linh hiển. Tích cực làm điều thiện sẽ được báo thiện, ngược lại, ác giả ác báo. Không có chuyện sao xấu hay sao tốt chiếu mệnh con người.

  Quote

Cúng sao giải hạn đầu năm không có trong giáo lý nhà Phật mà là tín ngưỡng của người dân Việt. Cúng sao giải hạn là tín ngưỡng dân gian đã có từ lâu. Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam thì cũng tùy thuận theo cái tập tục có sẵn ở từng địa phương, và theo từng hoàn cảnh, theo từng vị trụ trì của những ngôi chùa khác nhau mà chuyển sang hình thức cúng cầu an và có thể có cách cúng khác nhau. Nhà chùa chỉ là nơi để giúp dân bày tỏ nguyện vọng của người dân.

Hòa thượng Thích Thanh Huân, Chùa Quán Sứ (Hà Nội)

2 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites