hoaithuong

Tết Nguyên Đán truyền thống Việt

1 bài viết trong chủ đề này

Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới; giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết nguyên đán Việt Nam từ buổi “khai thiên lập địa” đã tiềm tàng những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân – hạ - thu - đông… Đó là những ngày khởi đầu một năm âm lịch mới mà mỗi năm cầm tinh một con vật trong 12 con giáp theo chu kỳ.

Posted Image

Cũng như mọi ngày, nhưng ngày Tết đối với người Việt Nam rất linh thiêng, dù trải qua bao nhiêu giai đoạn khác nhau, ít nhiều phong tục Tết có thay đổi, từ vấn đề kiêng cữ, tập tục cho đến sinh hoạt, ăn uống, sắm Tết đều có những nét Việt rất riêng. Tết Việt Nam mang đậm nét tâm linh, đoàn tụ và gần gũi nên dù cho cuộc sống có thay đổi, phát triển đến mức độ như thế nào, Tết là dịp để mọi người Việt Nam dù ở bất cứ phương trời nào đều dành thời gian tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và tình nghĩa bà con, xóm giềng…

Ngày Tết của dân tộc Việt Nam có nhiều những “thuần phong” đáng được duy trì và phát triển như khai bút, khai danh, hái lộc, chúc Tết, du xuân, mừng thọ…

Tục tiễn Ông Táo về trời

Ông Táo hay Thần Bếp là người mục kích việc làm ăn của mọi nhà. Theo tập tục hàng năm, ông Táo phải thu xếp về trời vào ngày 23 tháng chạp để tâu bày mọi việc dưới trần thế với Ngọc hoàng. Ngày ông Táo về trời được coi như ngày đầu tiên của Tết nguyên đán. Sau khi tiễn đưa ông Táo về trời, người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối và cắm hoa ở những nơi trang trọng để đón Tết.

Bàn thờ tổ tiên

Tết trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình, ngoài các thứ bánh trái đều không thể thiếu mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả ở miền Bắc thường có nải chuối xanh, bưởi, cam, quýt, hoặc hồng, quất. Còn ở miền Nam, mâm ngũ quả là dừa xiêm, mãng cầu, đu đủ, xoài xanh, nhành sung… Ngũ quả là lộc của trời, tượng trưng cho ý niệm khát khao của con người vì sự đầy đủ, sung túc.

Cách sắp xếp bàn thờ, cách định hướng hay việc quyết định thờ cái gì tất cả đều ở tâm hướng thiện. Người Việt Nam mong muốn hướng tới cuộc sống tốt lành, thịnh vượng và bày tỏ sự thành kính của người sống với người đã khuất. Đó là vẻ đẹp văn hoá thấm đẫm chất nhân văn của con người Việt Nam.

Cành đào, cây mai

Cùng với tranh dân gian, cây cảnh là yếu tố tinh thần cao quý và thanh khiết của người Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Miền Bắc có hoa đào, miền Nam có hoa mai. Cành đào và cây mai tượng trưng cho phước lộc đầu xuân của mọi gia đình Việt Nam. Ngoài cành đào, cây mai, người ta còn “chơi” thêm cây Quất đầy trái vàng mọng đặt ở phòng khách như biểu tượng cho sự sung mãn, may mắn, hạnh phúc. Cây quất còn gọi là cây Hạnh, cây Tắc. Dân Hà Nội khi chọn cây Quất chưng Tết còn phải chọn sao cho vừa có lá xanh, có nhành lộc non, vừa có hoa, vừa có trái - như thế mới quí.

Lễ Trừ tịch (Lễ Giao thừa)

Trừ tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ và khởi đầu của năm mới. Người dân Việt Nam theo cổ lệ làm lễ Trừ tịch với ý nghĩa đem bỏ hết những gì xấu xa trong năm cũ (còn gọi là lễ “khu trừ ma quỷ”) và đón nhận những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ Trừ tịch cử hành vào lúc giao thừa nên còn gọi là Lễ Giao thừa. Lễ Giao thừa được cúng ở ngoài trời.

Các cụ ta tin rằng mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian, trong lúc bàn giao công việc vào lúc giao thừa quan quân sẽ không kịp ăn uống gì nên đặt đồ cúng lễ ngoài trời với lòng thành tiễn đưa người nhà trời cai quản năm cũ và đón người nhà trời xuống hạ giới cai quản năm mới.

“Tống cựu nghênh tân”

Cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, trang trí bàn thờ. Con cháu trong nhà từ giờ phút giao thừa trở đi được nhắc nhở kiêng không được cãi cọ, nghịch ngợm… anh chị, cha mẹ không quở mắng, tra phạt con em. Ai nấy đều tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở, chúc nhau những điều tốt lành nhất.

Posted Image

Hái lộc, xông nhà, chúc Tết, mừng tuổi

Ai ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khoẻ, thành đạt hơn năm cũ. Nhiều nhà rủ nhau đi hái lộc ở đình, chùa. Gia chủ tự xông nhà hay dặn trước người “nhẹ vía” mà mình muốn đến xông nhà. Sau giao thừa có tục mừng tuổi Tết.

Ngày mồng Một con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ông bà cũng mừng tuổi con cháu và lì-xì phong bì đỏ. Sau đó đi chúc Tết họ hàng thân thích, bà con láng giềng. Mọi người chúc nhau bằng những lời chúc sức khoẻ, phát tài, phát lộc, hạnh phúc, thành công... Những người năm cũ gặp rủi ro thì chúc “tai qua nạn khỏi” hay “của đi thay người”, trong hoạ cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành. Kiêng cữ nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa.

Ngày mồng Hai, mồng Ba, học trò hẹn nhau đi chúc tết vấn an thầy cô giáo; đi chúc tết và đi thăm bà con thân thuộc gần xa; đi chúc Tết cảm ơn những người ân nhân đã có sư giúp đỡ trong năm qua...

Khai nghề

Cũng như xa xưa, vào dịp đầu xuân là người có chức tước khai ấn; học trò, sĩ phu khai bút; nhà nông khai canh; người buôn bán mở hàng lấy ngày. Sĩ, Công, Nông, Thương của dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hành thông, làm ăn suôn sẻ. Ngày nay, sau ngày mùng Một, dù có mải vui tết nhưng bà con làm ăn buôn bán ai cũng chọn ngày “Mở hàng” để tiếp tục một năm mới cần cù, chịu thương, chịu khó như bản chất của người Việt Nam.

(ST)

Share this post


Link to post
Share on other sites