hoaithuong

Ngọ Môn - Biểu tượng vĩnh hằng của Cố đô Huế(phần 1)

2 bài viết trong chủ đề này

Ở Việt Nam, có lẽ không có nhiều nơi như Huế có được sự giàu có về biểu tượng văn hóa vùng đất. Riêng với Ngọ Môn, người xưa đã xem công trình này là một kiệt phẩm, xứng đáng để tham dự vào vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời.

Việc xây dựng

Thường là khi xây dựng một căn nhà, cửa bao giờ cũng được làm sau cùng để người ta có dịp chỉnh trang, trau chuốt cho hợp ý nhất cái đóng - mở của nơi mà mình cư ngụ, gắn bó suốt cả cuộc đời, thậm chí là rất nhiều đời, nhiều thế hệ. Ngọ Môn cũng vậy, chiếc cửa này được xây dựng sau khi hoàng đế Minh Mạng hoàn chỉnh việc quy hoạch, sắp xếp lại toàn bộ Hoàng Thành và Tử Cấm Thành, một công cuộc đã được thực hiện từ trước đó hơn chục năm. Việc xây dựng Ngọ Môn được khởi công vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833), sau khi triệt hạ Nam Khuyết Đài và điện Càn Nguyên ở bên trên.

Posted Image

Thự Thượng thư Bộ Binh Lê Văn Đức, vị đại thần sau này đã có công lao lớn trong việc tìm ra cuộc đất để xây dựng Hiếu lăng, được chỉ định làm người chỉ huy công trường. Một khối lượng khổng lồ gạch, đá, ngói, gỗ, vôi, mật và cả xà đồng, đinh sắt đã được huy động để xây dựng chiếc cửa lớn nhất của hoàng cung. Chất liệu xây dựng Ngọ Môn cũng được xếp vào hàng đặc biệt. Vữa xây được gia thêm rất nhiều mật so với bình thường. Triều đình còn cho chi cả dầu trẩu để làm keo dán ghép các lớp gạch đá bên ngoài để tăng độ bền vững và tính mỹ thuật của công trình. Riêng tại 3 chiếc cửa vòm cuốn chính giữa trổ xuyên qua nền đài, các xà đồng lớn đã được dùng để gia cường sức chịu lực, một việc chưa hề có tiền lệ trong xây dựng trước đó.

Chính sự đầu tư lớn lao đó đã tạo nên một Ngọ Môn tuyệt vời, một chiếc cửa đẹp chưa từng có! Và điều đặc biệt là dù trải qua hơn 170 năm lịch sử với bao biến động thăng trầm của cố đô, Ngọ Môn vẫn tồn tại vững vàng, hiên ngang như thuở ban đầu nhờ sự quan tâm chăm sóc đặc biệt của những thế hệ người Huế và cả bạn bè bốn phương.

Cấu trúc Ngọ Môn

Ngọ Môn là một chiếc cửa đặc biệt, bởi nó không đơn thuần là một chiếc cửa thành mà còn là một lễ đài quan trọng bậc nhất của triều Nguyễn. Cấu trúc của Ngọ Môn, vì vậy cũng rất đặc biệt.

Trên nền Nam Khuyết Đài xưa, triều Nguyễn đã cho xây dựng một chiếc cửa thành mới là Ngọ Môn với bình diện thoáng nhìn ngỡ như tương tự. Nhưng trên thực tế, cấu trúc của Ngọ Môn khác xa Nam Khuyết Đài! Hiện nay ba mặt Đông-Tây-Bắc của Hoàng thành Huế vẫn còn các khuyết đài. Đó là những cấu trúc được đặt lồi hẳn ra bên ngoài tường thành và không có cửa trổ xuyên qua.

Có lẽ Nam Khuyết Đài cũng có bình diện tương tự các khuyết đài này nhưng lại có trổ 2 cửa ở hai bên, mang tên là Tả Đoan Môn và Hữu Đoan Môn. Ngọ Môn, trái lại, cấu trúc cũng được đặt lồi ra phía ngoài tường thành nhưng lại tạo nên một hình chữ U với phần bụng lõm đặt hướng ra phía ngoài. Cấu trúc này khiến nhiều người liên tưởng đó là một vòng tay rộng mở để đón khách muôn phương... Nhưng điểm khác nhau quan trọng nhất giữa Đoan Môn và Ngọ Môn là cấu tạo và ý nghĩa của hai công trình này. Theo quy chế thành trì Trung Hoa được quy định trong Khảo Công Ký, Đoan Môn với 2 lối đi trổ hai bên chỉ là chiếc cửa dành cho Chư hầu, còn Ngọ Môn với 5 lối đi thực sự là chiếc cửa của bậc hoàng đế!

Posted Image

Về mặt cấu trúc, có thể chia tổng thể kiến trúc Ngọ Môn làm 2 phần chính: phần nền đài với 5 chiếc cửa trổ xuyên qua và phần lầu Ngũ Phụng - một công trình đồ sộ được đặt ngay trên phần nền đài này.

Phần nền đài

Đây thực sự là một chiếc đài cao, xây vượt lên trên mặt nền chung khoảng hơn 5m. Bình diện đài có hình chữ U vuông góc, đáy dài 57,96m và mỗi cánh dài 27,50m, diện tích tổng cộng mặt nền chừng 1.400m2. Vật liệu xây dựng đài chủ yếu là gạch vồ, đá thanh và vữa tam hợp cùng những thanh đồng thau dùng làm xà chịu lực ở trên 3 cửa giữa. Trổ xuyên qua thân đài là 5 chiếc cửa, trong đó có 3 cửa ở giữa đặt song song với nhau, là Ngọ Môn (chính giữa), Tả Giáp Môn (bên trái) và Hữu Giáp Môn (bên phải).

Posted Image

Hai cửa bên được trổ xuyên qua lòng mỗi cánh chữ U nên cũng có hình gấp khúc tựa những đường hầm chạy xuyên suốt từ trong ra ngoài, đoạn chính song song với 3 cửa ở giữa nhưng khi ra hết cánh chữ U thì bẻ thẳng góc vào phía trục chung của hoàng cung, toàn bộ chiều dài của đường hầm này khoảng 25m. Hai cửa bên này được gọi là Tả Dịch Môn và Hữu Dịch Môn. Điểm đặc biệt của 2 chiếc cửa có lối đi hình chữ L này là mỗi cửa đều được bố trí thêm một cửa sổ hình tròn trang trí hình chữ thọ cách điệu trên bức tường ngoài thân đài. Mỗi cửa sổ này có đường kính 87cm, được đặt chéo một góc 300, tương ứng với đoạn bẻ vuông góc của lối đi, nhằm tăng cường thêm ánh sáng cho đường hầm.

Phía trên của 5 lối đi này đều xây kiểu vòm cuốn, phần lớn ốp bằng đá thanh, riêng ở hai đầu ba lối đi giữa thì có những hệ thống xà đồng hình khối chữ nhật đặt ngang dọc, tiết diện xà, loại lớn khoảng 16cm x 13cm, loại nhỏ khoảng 13cm x 8,5cm; mỗi xà dài từ 2,3m đến 5,4m. Đây là hệ thống xà nhằm gia cường khả năng chịu lực của thân đài, bởi bên trên nó còn có cả hệ thống kiến trúc đồ sộ của lầu Ngũ Phụng.

Posted Image

Cách bố trí hệ thống xà đồng này căn cứ vào vị trí chịu lực của thân đài, chủ yếu là các vị trí đặt hệ thống cột trụ ngoài của lầu Ngũ Phụng. Theo thống kê của nhà nghiên cứu Phan Thuận An, cửa giữa có 24 thanh xà đồng, hai cửa bên mỗi cửa có 23 thanh, tổng cộng có 70 thanh. Bên ngoài các thanh xà đồng này có bọc một lớp đồng dát mỏng và được mài bóng qua thời gian. Phía trước cửa chính giữa, ở phía trên có một ô hộc hình chữ nhật, trong gắn hai chữ Hán lớn “Ngọ Môn”. Tương truyền các chữ này vốn được bọc vàng, nhưng nay chỉ thấy hai chữ bằng đồng.

Về kích thước của các cửa của Ngọ Môn, sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (KĐ ĐNHĐSL) của Nội Các triều Nguyễn có ghi rõ: "Cửa xây bằng gạch đá, cửa giữa cao 1 trượng 3 thước 3 tấc, rộng 8 thước 2 tấc; 2 cửa Tả Hữu giáp môn đều cao 1 trượng 2 thước 4 tấc 5 phân, rộng 6 thước 3 tấc; 2 cửa Tả Hữu Dịch Môn đều cao 7 thước 6 tấc, rộng 6 thước 3 tấc; chiều cao tổng thể của cửa từ mặt nền lên là 1 trượng 4 thước 9 tấc".

Posted Image

Hệ thống bậc cấp để từ mặt đất đi lên nền đài được bố trí ở hai bên thân đài và nằm hẳn về phía sau. Đây cũng là phần được bố trí lùi vào phía trong so với bức tường trước của Hoàng thành, phần này rộng 5,25m. Cách bố trí này thật khéo và hầu như không ảnh hưởng đến hình khối của thân đài. Mỗi hệ thống bậc cấp gồm 21 bậc, làm hoàn toàn bằng đá thanh, mỗi bậc cao 22cm. Quanh trên nền đài là hệ thống nữ tường (lan can) được trang trí bằng nhiều kiểu gạch hoa đúc rỗng tráng men màu.

(Theo NetCoDo)

Còn tiếp...

Share this post


Link to post
Share on other sites

Ngọ Môn-Biểu tượng vĩnh hằng của Cố đô Huế (tt)

Hệ thống lầu Ngũ Phụng

Gọi là lầu Ngũ Phụng vì tòa nhà được ví như 5 con chim phụng hoàng đang đậu liền nhau. Tất nhiên đây chỉ là cách gọi hình tượng lấy từ điển tích xưa, còn trên thực tế lầu Ngũ Phụng là cả một tổ hợp kiến trúc gồm 9 chiếc lầu được ghép nối tiếp liền mạch với nhau. Ca dao của Huế có câu:

"Ngọ Môn năm cửa chín lầu,

Một lầu vàng tám lầu xanh ba cửa thẳng hai cửa quanh."

Quả là đã mô tả thật chính xác và sinh động cấu trúc của lầu Ngũ Phụng. Chín ngôi lầu này đều gồm hai tầng, kiểu thức khá đồng nhất dù quy mô khác nhau. Xét về thực chất, Ngũ Phụng Lâu gồm 5 tòa lầu chính và 4 tòa lầu phụ, chia thành 3 dãy xếp thẳng góc với nhau trong đó dãy chính là phần giữa, tức nằm ngay đáy chữ U.

Trong dãy chính giữa này, phần trung tâm là một tòa lầu kiểu 3 gian 2 chái có chiều cao vượt hẳn so với các ngôi lầu còn lại; nối qua hai bên là 2 dãy lầu phụ, thực chất là những đoạn hành lang được nâng cấp để tương xứng với ngôi lầu. Hai dãy hai bên cánh, mỗi dãy gồm 2 tòa lầu chính và 1 tòa lầu phụ, thực chất lầu phụ này cũng là những hành lang được nâng cấp. Toàn bộ 9 tòa lầu này được liên kết với nhau hết sức khéo léo từ hệ thống khung nhà đến mái lợp. Trong 9 tòa lầu này chỉ duy nhất có tòa lầu chính giữa lợp bằng ngói ống màu vàng - tức ngói hoàng lưu li, 8 tòa còn lại mái đều lợp ngói thanh lưu li màu xanh; vì vậy mà Ngọ Môn mới có “một lầu vàng 8 lầu xanh”.

Posted Image

Lầu Ngũ Phụng được dựng trên một cái nền cao 1,14m xây ngay trên phần nền đài (vốn đã cao hơn 5m). Toàn bộ phần nền nhà này được xây bó vỉa rất chắc chắn bằng gạch vồ và đá thanh, mặt nền lát gạch hoa xi măng kiểu Pháp (vốn xưa lát gạch Bát Tràng tráng men).

Bộ khung của lầu Ngũ Phụng gồm chẳn tròn 100 cây cột, đều làm bằng gỗ lim được sơn son thếp vàng, trong đó có 48 cây cột phía trong ăn xuyên qua cả hai tầng. Hệ thống cột và bộ khung gỗ đủ chắc chắn để đở toàn bộ 9 bộ mái khá lớn của ngôi lầu này và hầu như chưa từng bị gió bão xô ngã, kể cả cơn bảo năm Thìn (1904) làm gãy cả cầu Trường Tiền. Con số 100 cây cột cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập. Phan Thuận An cho rằng, đó là tổng của Hà Đồ và Lạc Thư trong Kinh Dịch, biểu hiện của sự hài hòa “âm dương nhất thể”; Liễu Thượng Văn thì kiến giải đó là biểu trưng của sức mạnh trăm họ (bách tính), biểu hiện của tư tưởng “dân vi bản” của các vua triều Nguyễn.

Posted Image

Tầng lầu bên dưới của Ngũ Phụng Lâu phần lớn đều để trống, chỉ trừ tòa nhà chính giữa là có hệ thống cửa - kiểu “thượng kính hạ bản” ở mặt trước và che ván vách ở các mặt còn lại để bảo đảm cho sự kín đáo của nơi thiết ngự tọa mỗi khi vua ngồi dự lễ. Ở hai cánh hai bên, theo nguyên tắc truyền thống “tả chung, hữu cổ”, gian ở góc bên trái cánh chữ U đặt chuông, gian ở góc bên phải đặt trống. Chiếc trống hiện nay là chiếc trống đã được phục chế, còn chiếc chuông hiện còn vẫn là chiếc chuông nguyên thuỷ, cao gần 4 thước (1,8m), nặng 1.359 cân (815kg), do vua Minh Mạng sai đúc vào năm 1822. Trái lại ở tầng trên thì che chắn kín, mặt trước lầu giữa dựng cửa lá sách, chung quanh dựng ván, nhưng có trổ nhiều cửa sổ với kiểu dạng khá phong phú, như hình tròn, hình rẻ quạt, hình chiếc khánh...

Posted Image

Chính hệ thống các cửa sổ này cùng với hệ thống lan can con tiện bằng gỗ ở tầng lầu trên và lan can bằng gạch hoa đúc rỗng ở nữ tường quanh nền đài làm cho tổng thể kiến trúc Ngọ Môn trở nên nhẹ nhàng, thanh tú. Hoạ sĩ Phạm Đăng Trí đã có một nhận xét thật tinh tế: "Các bao lơn và lan can bằng gỗ chạy vòng quanh lầu gợi ta nhớ đến một chuỗi hạt huyền, làm nổi bật lên các cánh cửa chạm trổ của tòa lầu chính giữa và các cửa sổ dạng mặt nguyệt, chiếc quạt, cái khánh... của mặt sau các tòa lầu ở hai bên...

Các nhà kiến trúc xưa của chúng ta đã biết làm mất đi sự đơn điệu do tính đều đặn bằng những biến tấu kết hợp với các tỉ lệ phù hợp. Họ đã phân bố những không gian đóng (mái, tường, cửa), các không gian thưa (lan can) với các không gian trống (những dãy cột thoáng nhìn thấy được cả trời xanh). Mục đích của một sự phân bố như vậy, ngoài yếu tố thẩm mỹ, theo tôi còn nhằm để tạo cho Ngọ Môn mang dáng vẻ một con chim đang dang cánh nhưng lại đậu vững chắc trên một tảng đá vững chãi".

Posted Image

Trên hệ thống mái của lầu Ngũ Phụng cũng được trang trí rất công phu và tinh tế. Ở bờ nóc và bờ quyết đều trang trí hình rồng, giao đắp bằng vôi vữa và sành sứ; cũng như ở mái điện Thái Hòa, có thể xem đây là giang sơn của các loài rồng (dù tên công trình là lầu Ngũ Phụng). Chính giữa bờ nóc tòa lầu giữa là bình hồng lô bằng pháp lam sắc vàng rực rỡ; dải bờ nóc ngay bên dưới được trang trí các ô thơ và các vật quý trong bát bửu, hoặc hoa lá biểu trưng tứ quý, tứ thời…theo kiểu “nhất thi nhất hoạ”. Ở các ô hộc khác thuộc bờ nóc, bờ quyết và các đầu hồi của mái lầu còn được trang trí nhiều hình ảnh rồng, giao, dơi ngậm kim tiền, hoa lá... càng làm cho phần mái công trình có vẻ nhẹ nhàng và duyên dáng.

Posted Image

Nhìn chung, với cách cấu trúc và trang trí độc đáo, Ngọ Môn tuy là một công trình kiến trúc đồ sộ, có chiều cao đáng kể nhưng người xưa đã tạo cho nó một vẻ đẹp thanh nhã và duyên dáng rất đặc biệt. Điều đáng nói nhất là công trình này rất hoà hợp với cảnh quan xung quanh, với sông Hương, núi Ngự... Với giá trị ấy, có thể xếp Ngọ Môn vào hàng những công trình kiến trúc nghệ thuật xuất sắc nhất của triều Nguyễn nói riêng và kiến trúc cổ Việt Nam nói chung.

Theo NetCoDo

Share this post


Link to post
Share on other sites