nncuong

Lần đầu tiên tại Đông nam Á: Phát hiện đường đi cổ trong văn hoá Hoà Bình

3 bài viết trong chủ đề này

Những vết mòn trên đá được lặp đi lặp lại một cách có hệ thống. Những vết mòn đó xuất hiện ở những nơi mà con người hiện đại chưa đặt chân tới. Những vết mòn nằm trong địa tầng văn hoá nguyên vẹn chưa bị xáo trộn của văn hoá Hoà bình. Những vết mòn đó chỉ thấy xuất hiện trên những tảng đá gốc hay đá lăn tự nhiên thành lối, thành hàng song song với vách núi và chỉ cách vách núi khoảng một tầm tay vịn. Những vết mòn đó lại xuất hiện hai bên cửa hang của một di tích khảo cổ thời tiền sử. Đặc trưng để nhận biết vệt đường đi này là vết mòn bóng sử dụng còn lưu lại trong lòng đất tầng văn hoá.

Do đâu mà có vết mòn đó hay nói cách khác là đối tượng nào đã tác động vào những khối đá đó để tạo nên những vết mòn. Không phải là thiên tạo như kiểu nước chảy đá mòn, và cũng không phải vết mòn do thú hoang tạo ra. Vì những khối đá đó nằm cao hơn mặt bằng xung quanh, và những vết mòn nhẵn chỉ thấy xuất hiện vào những vị trí nhô cao của hòn đá và tương ứng với nhịp bước chân con người.

Posted Image

TS. Nguyễn Việt giới thiệu về dấu tích văn hóa tại hang xóm Trại

Cùng với thắc mắc trăn trở trong nhiều năm “Người tiền sử trong văn hoá Hoà Bình đã đi vào, ra hang như thế nào?”Tiến sĩ Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã để tâm nghiên cứu ở nhiều địa điểm trong văn hoá Hoà Bình ở nhiều tỉnh. Nhưng mãi đến năm 2004 vận may mới mỉm cười với anh.

Tháng 8 năm 2004, trong quá trình giúp địa phương dọn lại hang xóm Trại do tình trạng đào sàng lấy phân rơi của nhân dân địa phương quanh vùng, Tiến sĩ Việt đã phát hiện một số tảng đá có vết mòn của đoạn đường đi dài chừng 6 mét ở vách phía Nam của cửa hang. Khi mới phát hiện, hệ thống các dấu mòn này nằm sâu dưới mặt tầng văn hoá Hoà Bình 60 -70 cm trong tình trạng được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Các vết mòn này đã được tiến sĩ trình bày và thảo luận ở Tiểu ban Thời đại đá Hội nghị thông báo Khảo cổ học năm 2004 của Viện Khảo cổ học Việt Nam.

Cũng trong năm 2004, nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Hoà Bình và Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã phát hiện một ngách đi vào hang sớm nhất của những người Hoà Bình đầu tiên sử dụng hang này. Ngách đi này nằm sâu trong tầng văn hoá cổ chừng 4m, len qua khoảng cách giữa các khối đá lăn với vách cửa hang.

Năm nay trong khuôn khổ phối hợp với Bảo tàng tỉnh Hoà Bình tiến hành tôn tạo, tu bổ lại hang, Tiến sĩ Nguyễn Việt đã phát hiện đoạn đường ở phía Nam cửa hang dài thêm khoảng 10m xuôi xuống chân núi. Theo nghiên cứu ban đầu thì đoạn đường này có niên đại từ 8 đến 9 nghìn năm.

Posted Image

Vết mòn đường đi cổ có niên đại 8-9 ngàn năm

Phát hiện này đã làm xôn xao các học giả trong nước và đã gây chú ý tới các học giả nước ngoài vì đây là lần đầu tiên không chỉ ở Việt Nam mà là lần đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á phát hiện ra đường đi cổ trong văn hoá Hoà Bình.

Quả thật, đây là một dữ liệu khoa học hết sức mới mẻ, chưa từng có trong các giáo trình giảng dạy về khảo cổ học. Giáo sư, tiến sĩ Peter Bellwood - Giáo sư đại học quốc gia úc - Tổng thư ký Hội Tiền sử Châu Á Thái Bình Dương cũng hết sức ngạc nhiên khi được Tiến sĩ Việt chỉ tận nơi cho xem dấu vết đường đi này. Giáo sư cho biết sau khi nghiên cứu thành công, sẽ đưa tư liệu này vào làm nội dung trong giáo trình giảng dạy về khảo cổ học tại trường của ông.

Nếu chỉ nhìn qua hoặc chỉ nhìn qua ảnh, thì rất khó nhận biết. Tôi đã nhìn tận nơi và sờ tay vào những vết mòn đó thì thấy chúng có độ mòn khác hẳn so với xung quanh. Lần đầu tiên tôi vẫn nửa tin nửa ngờ. Đến khi Tiến sĩ chỉ cho tôi thấy một ví dụ ở những vết mòn trên những tảng đá của đường đi ngay dưới chân núi(con đường hàng ngày mọi người vẫn đi qua) thì tôi đã hoàn toàn bị chinh phục. Hiện tại các vệt đường đi cổ này đã được làm sạch và đổ silicon làm phiên bản và phủ keo Wacker VV5 bảo vệ.

Thành công nối tiếp thành công, tới ngày 20/11/2008 các dấu vết mòn trên những phiến đá trong ngách đi cổ phía Bắc có niên đại cách ngày nay tới 21 ngàn năm lại được phát hiện. Kết quả nghiên cứu các trầm tích văn hoá của cư dân nguyên thuỷ thuộc văn hoá Hoà Bình có tuổi cacbon phóng xạ sau khi hiệu chỉnh vòng cây là 21 ngàn năm, phủ trực tiếp trên các dấu vết mòn này xác nhận các dấu mòn đi lại này diễn ra cùng thời hoặc trước 21 ngàn năm. Hiện tại có 6 vết mòn sâu và lớn đã được phát hiện bên dưới tầng văn hoá Hoà Bình đã và đang trong quá trình bị nước nhũ kết cứng. So với hệ thống vết mòn ở vách Nam cửa hang thì những dấu vết này có độ mòn sử dụng lâu và rõ rệt, dễ nhận biết hơn nhiều. Điều đó chứng tỏ con đường này tồn tại trong nhiều ngàn năm. Điều đặc biệt ở đây nữa là ngoài những vết mòn dưới đất do chân người nguyên thuỷ đi qua thì Tiến sĩ Việt đã tìm được cả vết mòn cổ bên vách đá của ngách đi do vết tay của người nguyên thuỷ bám vào đá tạo thành.

Posted Image

Ngách đi cổ có niên đại 21 ngàn năm

Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Việt thì đây là hệ thống dấu mòn đi lại cổ vào loại nhất thế giới. Việc phát hiện các dấu đi cổ 21 ngàn năm này là một thành tựu nghiên cứu rất có ý nghĩa không chỉ với riêng tỉnh Hoà Bình hay tại Việt Nam mà đây là lần đầu tiên tại Đông Nam Á đã phát hiện ra lối đi cổ này. Để bảo tồn và phục vụ công tác nghiên cứu, các dấu mòn này sẽ được làm khuôn silicon và bảo quản bằng các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.

Tại sao cùng trong một địa điểm lại phát hiện hai lối đi cổ có niên đại cách nhau tới khá nhiều ngàn năm? Đây là câu hỏi của khá nhiều người khi được biết thông tin về hai đoạn đường đi cổ trên.

Trả lời vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Việt cho biết: Hang xóm Trại là một địa điểm cư trú lâu dài của người nguyên thuỷ trong văn hoá Hoà Bình. Theo kết quả nghiên cứu mới đây nhất thì địa điểm này có niên đại cách ngày nay từ khoảng 21 đến 7 nghìn năm. Tầng văn hoá trong hang có độ dày trung bình lên tới 5m. Lối đi cổ ở ngách phía Bắc có niên đại 21 ngàn năm là lối đi đầu tiên của người nguyên thuỷ vào, ra hang. Sau khoảng 10 ngàn năm cư trú và sinh sống, người nguyên thuỷ ở đây đã để lại một lượng dấu tích văn hoá khá lớn làm tràn đầy lòng hang cùng với những tảng đá rơi tự nhiên đã bịt dần lối đi cổ 21 ngàn năm. Để vào, ra hang, bắt buộc người nguyên thuỷ phải tìm đường đi mới cho phù hợp và lối đi cổ ở phía Nam cửa hang dần được hình thành.

Cũng trong quá trình tu bổ tôn tạo tại hang xóm Trại năm nay, Bảo tàng Hoà Bình và Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã phát hiện ra một ngôi mộ của văn hoá Hoà Bình. Ngôi mộ được phát hiện trong quá trình giải phóng đất lấp trong phạm vi hố đào năm 1981. Tại đây, năm 1981, khi khai quật, các nhà khảo cổ học đã bắt gặp một tảng nhũ lớn nên không đào được. Chúng tôi phát hiện phần dưới còn nguyên trạng trong tư thế nằm co gồm một phần hông, đôi chân và một phần bàn tay trái đặt trên hông phải. Phần trên đã bị đào phá chỉ có thể thu lượm lại một số đoạn xương chi, sườn và răng. Người chết được chôn theo một chày nghiền cuội hình bầu dục, 2 công cụ ghè đẽo, một mũi nhọn bằng sừng. Hông người chết đặt trên tầng than tro cháy của một bếp lửa dày khoảng 25 cm. Mộ được lấp bằng đất nâu xốp lẫn ốc tầng văn hoá. Nghiên cứu sơ bộ có thể kết luận đây là di cốt của một người đàn ông thuộc văn hoá Hoà Bình giai đoạn sớm, tuổi khoảng 35 - 40, cao trong khoảng 1,65 - 1,68 cm; có niên đại cách ngày nay khoảng 17.000 năm.

Do không còn nguyên vẹn, ngôi mộ đã được bốc lên, gắn chắp và lưu làm tư liệu bảo tàng. Đây là một phát hiện khá quan trọng vì bốn cuộc khai quật trước đây tại hang xóm Trại mới chỉ phát hiện được những xương cốt người rời lẻ chứ chưa thấy mộ hoàn chỉnh.

Phát hiện trên góp thêm tư liệu mộ táng còn thiếu ở hang này cũng như làm phong phú thêm tư liệu chưa nhiều về mộ táng trong văn hoá Hoà Bình.

Hang xóm Trại là di tích khảo cổ, được xếp hạng quốc gia năm 2001. Hang nằm ở sườn phía Đông của một quả núi độc lập bên bờ suối Lạn, thuộc xóm Trại, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình.

Posted Image

Dấu tích văn hóa tại hang xóm Trại

Xóm Trại thuộc địa phận Mường Vang xưa. Đây là một thung lũng kín, nguồn gốc các-tơ, có chiều rộng từ 2 đến 4km, kéo dài theo phương Bắc - Nam 7km. Toàn khu vực thuộc thượng nguồn sông Dôm có mạng dòng chảy trên mặt hình “nan quạt” với phương chảy hướng Bắc - Nam. Độ cao tuyệt đối của thung lũng là 60 - 70m so với mặt biển.

Hang nằm trên độ cao 15m so với mặt thung lũng, cửa hang rộng 8m, mở về hướng Đông hơi chếch Bắc 600. Hang ăn sâu vào 13m, cửa hang cao 10m.

Cửa và đáy hang rộng bằng nhau tạo thành hình vòng cung khá đẹp. Trong hang sáng sủa, thoáng đãng, ánh sáng có thể lọt vào tận đáy hang.

Cách cửa hang 5m có một khối đá vôi chắn giữa, có thể rơi từ trên cao xuống. Thềm hang thoải dốc từ cửa vào đáy. Phần lớn thềm hang còn nguyên vẹn. Trước cửa hang là một thung lũng khá rộng và bằng phẳng có dòng suối Lạn chảy qua. Trong lòng suối tìm thấy khá nhiều cuội đá phun trào ma phít, cuội kết, cát kết dạng basalt, quắc dít. Xưa, đây là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu vô tận cho người nguyên thuỷ chế tác công cụ.

Hang xóm Trại đã được các nhà nghiên cứu khảo cổ biết tới từ khá sớm. Năm 1975 ông Hà Phùng Tiến - một cán bộ Khảo cổ học đã thông báo phát hiện ra địa điểm này. 1980, nhân chuyến công tác nghiên cứu tại Hoà Bình. Đoàn địa chất 203 đã tiến hành khảo sát thực địa khu vực huyện Lạc Sơn (Hoà Bình) và đã tiếp tục phát hiện ra dấu vết văn hoá nguyên thuỷ ở đây.

Tháng 7 năm 1980, các cán bộ của Viện Khảo cổ học và Đoàn địa chất 203 đã tiến hành điều tra và xác minh địa điểm khảo cổ học hang Xóm Trại.

Nhằm thu thập một bộ sưu tập hiện vật phong phú tìm hiểu cho Văn hoá Hoà Bình để chuẩn bị cho Hội nghị khoa học về Văn hoá Hoà Bình, Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật hang Xóm Trại trong tháng 5 năm 1981. Trong đợt khai quật này đã thu được 1.150 hiện vật, bao gồm công cụ đá và xương.

Tháng 8 năm 1982, Viện Khảo cổ tiếp tục đào thám sát lại hang Xóm Trại lần thứ hai để xác định trữ lượng tư liệu trong Văn hoá Hoà Bình.

Tới năm 1986, Tiến sĩ Nguyễn Việt lại phụ trách đoàn khai quật tiến hành khai quật hang lần thứ ba (ở cả hai lần khai quật trên, Tiến sĩ Nguyễn Việt cũng là thành viên tham gia đoàn khai quật).

Qua ba lần khai quật, diện tích lòng hang hầu như đều đã được khai quật hết.Tuy nhiên trong khai quật khảo cổ luôn có xuất hiện những kết quả bất ngờ. Tại cuộc dọn lại hang năm 2004 và tại cuộc tu bổ, tôn tạo năm nay, Tiến sĩ Nguyễn Việt đã phát hiện những tư liệu mới hết sức thú vị về lối đi cổ, về ngôi mộ, về hiện vật và về niên đại của hang.

Về niên đại của Hang, thông qua kết quả từ ba lần khai quật(1981, 1982,1986) thì các nhà khoa học cho rằng niên đại của hang xóm Trại nằm trong khoảng từ 10 - 7 ngàn năm cách ngày nay. Với những phát hiện mới tại hang xóm Trại, với sự xuất hiện của vỏ của một loại quả gần giống như quả óc chó (người Trung Quốc gọi là Hồ đào), tên khoa học là Juglans ; với nhiều kết quả nghiên cứu khác Tiến sĩ Nguyễn Việt đã quyết định làm thí nghiệm để đánh giá lại niên đại địa điểm này. Tiến sĩ đã gửi các mẫu xét nghiệm làm tuổi Cacbon phóng xạ tới Phòng Xét nghiệm xác định tuổi Cacbon phóng xạ của Beclin(Đức) và Phòng Thí nghiệm đồng vị đệ tứ kỷ của trường Đại học Oasinhton làm hiệu chỉnh vòng cây. Các xét nghiệm này đã cho thấy địa điểm hang xóm Trại có niên đại từ 21 đến 7 ngàn năm cách ngày nay.

Bên cạnh những phát hiện mới về lối đi cổ, về mộ táng, về niên đại, hang Xóm Trại còn là một di tích tiêu biểu của Văn hoá Hoà Bình không chỉ ở Việt Nam mà còn là di tích tiêu biểu trong khu vực Đông Nam á. Đây vừa là nơi cư trú lâu dài, vừa là công xưởng để chế tác công cụ của cư dân Văn hoá Hoà Bình.

Cho đến nay, đây là di tích Văn hoá Hoà Bình có bộ di vật phong phú nhất về công cụ đá, cũng như công cụ xương, đặc biệt là số lượng công cụ đá cuội basalt mài lưỡi thu được trong các lần khai quật khá phong phú so với các di tích Văn hoá Hoà Bình đã được khai quật. Tại ba lần khai quật (1981, 1982, 1986) số lượng công cụ được tìm thấy tại địa điểm này là không lớn lắm. Nhưng trong cuộc dọn hang năm 2004 và qua đợt tu bổ tôn tạo lại hang năm nay, số công cụ tìm thấy đã lên tới hơn 4.000 hiện vật.

Qua nghiên cứu, tổng thể hiện vật đá ở đây cho thấy kỹ thuật chế tác công cụ đá khá điêu luyện. Sự có mặt một số lượng khá nhiều công cụ có kích thước to lớn đã làm phong phú thêm bộ di vật Văn hoá Hoà Bình và là tư liệu tốt để tìm hiểu các loại hình công cụ cùng hình thái sinh hoạt kinh tế của văn hoá này.

Các nội dung tu bổ tôn tạo tại hang xóm Trại năm nay cũng là lần đầu tiên được thực hiện trong các di tích văn hoá Hoà Bình tại Việt Nam: Các dấu vết đường đi được bảo tồn nguyên trạng; giữ nguyên một phần tầng văn hoá đã hoá thạch bên vách hang; vệ sinh làm xuất lộ dấu tích văn hoá thời kỳ đầu của hang; gia cố, bảo tồn tầng văn hoá trong hang; dựng cụm tượng madơcanh tái tạo cảnh sinh hoạt bên bếp lửa trong hang, dựng bia giới thiệu các giá trị của hang ...Với những nội dung trên hang xóm Trại đã trở thành địa điểm rất sinh động, hấp dẫn để giới thiệu với khách nghiên cứu và tham quan về văn hoá Hoà Bình.

Nguyễn Thị Thi

Nguồn http://www.vietimes.vietnamnet.vn/vn/nhiet...6077/index.viet

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đúng là một phát hiện lịch sử gây chấn động ngành khảo cổ quốc tế. Đây có thể nói là niềm tự hào xứng đáng của Trung tâm tiền sử Đông Nam Á (Thuộc Hội nghiên cứu khoa học Đông Nam Á). Điều này cho thấy con người thuộc thời đồ đá đã xuất hiện từ rất lâu - 21.000 năm - ở trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay .

Nhưng điều đó mà dẫn tới kết luận rằng: Đây chính là người Việt cổ theo tiêu chí nhân chủng học - (nói nôm tức là cùng dòng giống) - để từ đó dẫn đến kết luận "Thời Hùng Vương là một liên minh bộ lạc với những người dân ở trần đóng khố" lại là một sai lầm cực kỳ ngớ ngẩn.

Khảo cổ chỉ là sự phát hiện hiện tượng và không bao giờ là bằng chứng duy nhất chứng minh cho lịch sử.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Hầu hết các sử gia hiện nay chỉ căn cứ vào các sách vở, mà thời cổ sử thì đa số sách này ghi sơ sài hoặc chỉ là sách của người TQ. Khi họ không giải thích nổi hoặc không tìm ra sách nào để chứng minh 18 đời Hùng Vương trị vì hơn 2000 năm thì họ quay ra công nhận 3300 năm. Sau những cứ liệu về khảo cổ, không hiểu các sử gia sẽ nói gì.

Còn việc họ coi dân tộc Lạc Việt cổ cởi trần đóng khố cũng là dựa vào sách Tàu: "ở xứ đó có tục xăm mình, cởi trần đóng khố", chắc thằng cha sứ Tàu nào đó đến thăm Lạc Việt vào đúng mùa hè và xem anh em đang bơi thuyền nên chép vội thế :(. Chứ nhìn trên trống đồng vẫn thấy người Lạc Việt mặc lễ phục đó thôi.

Share this post


Link to post
Share on other sites