hoaithuong

Bếp của người Nam bộ !

1 bài viết trong chủ đề này

  • Hoàng Dung, ảnh Trần Việt Đức

Trong Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, nhà bếp được hiểu với những ý nghĩa: “tượng trưng cho sự sống chung, cho mái nhà, cho sự liên kết giữa người đàn ông và người đàn bà, cho tình yêu, cho tập hợp và sự giữ gìn lửa. Như là mặt trời, bếp làm cho mọi người gần nhau bởi sức nóng và ánh sáng của nó – đó cũng là nơi đun nấu thức ăn – vì vậy bếp là trung tâm của cuộc sống, cuộc sống được ban cho, duy trì và sinh sôi. Bởi vậy bếp được tôn kính trong tất cả các xã hội, nó trở thành một điện thờ… ” (*)

Posted ImageNồi ấm cách đây vài chục năm

Bếp của người Nam Bộ thường đặt ở vị trí trong góc nhà. Trải qua thời gian, bếp được cải tiến cho phù hợp với nhu cầu của con người. Bếp bằng đất ra đời thay thế cho việc dùng ba cục gạch. Dần dần bếp lò là cái bàn bằng gỗ vừa tầm đứng hoặc được làm bằng xi măng trên đổ lớp đất nén chặt và đặt trên đó vài cái lò đất chụm bằng lá dừa, củi, than, trấu…

Cuộc triển lãm chuyên đề Gian bếp người Việt vùng Nam Bộ vừa tổ chức Nhà bảo tàng phụ nữ Nam Bộ đã mang lại một không gian hoài niệm về Bếp lửa hồng với khói lam lan toả

Posted ImageMâm cơmBảo tàng đã trưng bày nhiều kiểu bếp, loại hình và sự tiện dụng cùng cách bài trí bếp trong gia đình người Việt. Những kiểu bếp thông dụng như bếp mạt cưa, bếp trấu hai đầu, bếp cà ràng hay bếp miệng ếch được giữ lại nguyên vẹn theo nguyên mẫu ngày xưa. Đi với bếp là các vật dụng đi kèm được trưng bày một cách đầy đủ và phong phú. Từ những chiếc thố Trung Quốc có từ thế kỷ thứ 18 đến những chiếc thố làm bằng gốm Lái Thiêu thế kỷ 20 của Việt Nam đều mang những nét riêng về kiểu dáng đến kích cỡ. Đôi đũa bằng tre, hay những chiếc muỗng, vá có từ thế kỷ thứ 10 mang lại một cảm giác quen thuộc bên mâm cơm của người Việt.

Ngoài những hiện vật được trưng bày, không gian trưng bày còn tái hiện mô hình một căn bếp Nam bộ mang đậm chất truyền thống. Căn bếp làm bằng những vật dụng nhẹ với mái tranh vách nứa, cột kèo là thân cây cau... Cách bài trí trong gian bếp cũng rất đơn giản, những cái lu nước mưa, bó củi khô chất đầy dưới hốc bếp. Những chiếc rổ bằng tre, những chiếc nồi có lọ nghẹ bị ám khói treo trên vách một cách ngăn nắp.

Điểm nhấn của gian bếp vùng Nam bộ là chùm hành, tỏi ớt treo lủng lẳng phía trên, một điểm khác biệt mà không có gian bếp nào của các nước có thể có. Và một vật dụng không thể thiếu đó là chiếc gạt-măng-rê (tủ đựng thức ăn) làm nên đặc trưng của gian bếp người Nam bộ.

Posted ImageÔng táo đáTheo bà Hồ Việt Đoàn, giám đốc bảo tàng Phụ nữ Nam bộ để có được một bộ sưu tập về bếp núc của vùng Nam bộ phải mất hơn 10 năm mới có thể thu thập được đầy đủ các hiện vật. Bảo tàng đã phối hợp với các địa phương tìm kiếm các hiện vật trên khắp các vùng quê của Nam bộ từ tỉnh Quảng Trị trở vào Nam.

“Những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: chịu thương chịu khó, yêu chồng thương con, đảm đang trong gia đình cũng được biểu hiện ngay trên gian bếp. Nhịp sống đô thị hiện nay khiến nhiều người không có thời gian gắn bó với gian bếp của gia đình. Việc trưng bày cũng nhằm nhắc nhở cho thế hệ sau biết gìn giữ nét đẹp gian bếp của dân tộc ta” bà Đoàn nói thêm.

(theo SGTT)

Share this post


Link to post
Share on other sites