dinhmenh

Di sản phi vật thể của nhân loại đang bị “phá cách”!

1 bài viết trong chủ đề này

Di sản phi vật thể của nhân loại đang bị “phá cách”!

Trần Văn Hoàng

Nguồn: baodulich.com.vn

Posted Image

Tiếng chiêng tội nghiệp lạc lõng trong sự hỗn loạn Cồng chiêng Tây Nguyên, di sản phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận ngày 25.11.2005, hiện đang bị “phá cách” từng ngày dưới chân núi Langbiang huyền thoại, do chính những người “con buôn làng” lạm dụng quá mức để phục vụ khách du lịch. Tình trạng trên đã được báo động từ lâu, song chưa thấy ngành văn hóa tỉnh Lâm Đồng có động tĩnh gì.

Cuối tuần đi xem cồng chiêng

18giờ30 một ngày thứ 7, chúng tôi có mặt tại nhà ông K`răm Jăn Tẹ ở khu phố Bon Đưng (thị trấn Langbiang). Đón tiếp chúng tôi, ông hồ hởi: “Tối nay ở đây có một đoàn hơn 400 khách đến từ miền Tây, họ đều là công chức nhà nước, các anh ở lại tham gia luôn cho vui”. Đúng 19giờ, 6 chiếc xe biển số 53S… lần lượt dừng ngay trước cửa nhà K`răm Jăn Tẹ. Đón đoàn du khách từ miền sông nước miệt vườn là 3 chàng trai trong trang phục “phá cách” nửa truyền thống, nửa hiện đại, đứng bên trái cặm cụi “đấm” chiêng; 3 cô gái đứng bên phải, tay cầm đuốc, nở những nụ cười rất tươi chào đón khách. Một cách chào đón mà được các hướng dân viên (HDV) du lịch đánh giá là “chu đáo, bài bản và chuyên nghiệp” nhất ở vùng núi Langbiang nói riêng và toàn TP.Đà Lạt hiện nay.

Trong diện tích chừng 200m2, những dãy ghế được kê sát nhau cho khoảng 400 khách ngồi. Trong bầu không khí đang nhốn nháo bởi tiếng hò hét, la ó… bỗng dưng từ đâu có tiếng hú vang trời, những câu thần chú bí ẩn kêu gọi thần linh vang lên. Mọi người ngơ ngác nhìn quanh không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Một người tự xưng là già làng bước ra, cầm theo những cây đuốc, trao cho trưởng đoàn và cùng nhau hát bài Nối vòng tay lớn trong tiếng đàn Organ. Bài hát chưa dứt, “già làng” giới thiệu về nguồn gốc hình thành và đặc điểm của Đà Lạt, dân tộc Lạch, huyền thoại núi Langbiang, những phong tục tập quán của đồng bào miền núi nói chung,…

Tiếng chiêng trầm hùng, thổn thức; giọng ca thánh thót của những sơn nữ trong những điệu hát da diết ước mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt đẹp… được “gò” lại trong một không gian hỗn tạp, chật chội, nhố nhăng...Những du khách không hiểu thế nào là giao lưu văn hóa cồng chiêng, thì cứ cười và cười. Những du khách ngoại quốc cứ tròn xoe mắt, họ không hiểu chuyện gì đang diễn ra trước mắt. Với thời gian chừng 2 tiếng đồng hồ, có nhiều tiết mục được trình làng: trò chơi vận động mạnh “giành ghế có thưởng”, khiêu vũ, nhảy disco,… thậm chí có cả những chàng “đực rựa” trong vai sơn nữ được cử ra giữa đám đông giúp vui cho mọi người. Nhiều du khách xem đó là niềm vui, thi nhau chụp hình, đuổi bắt,…

30 triệu đồng một buổi giao lưu cồng chiêng

Hiện nay, toàn thành phố Đà Lạt có khoàng 20 đội phục vụ giao lưu văn hóa cồng chiêng, chủ yếu tập trung ở thị trấn Langbiang. Với chiều dài chưa đầy 2km, Langbiang đã có tới 13 đội cồng chiêng hoạt động phục vụ du lịch. Mỗi đội có khoảng 16 người, 8 nam và 8 nữ với đủ mọi lứa tuổi. Mỗi buổi giao lưu “văn hóa” thường kéo dài khoảng 2 giờ và như được “lập trình” sẵn: giới thiệu lịch sử nguồn gốc hình thành, văn hóa, phong tục, tập quán, quan niệm của mỗi dân tộc,… Sự thương mại hóa cồng chiêng được thể hiện rõ rệt, đã tạo ra một sức hút mãnh liệt: có những đoàn khách bỏ ra hơn 30 triệu đồng chỉ để “mua” 2 tiếng đồng hồ chơi trò chơi vận động, ca hát, xem đánh cồng chiêng, nhảy múa quanh đống lửa, uống rượu cần, ăn thịt nướng,… Ông K`răm Jăm Tẹh cho biết: “Vào mùa cao điểm, chúng tôi đón được khoảng 300 người mỗi đêm. Có tháng, chỉ riêng rượu cần đã tiêu thụ hết gần 1.000 ché”. Với mức phí thu 50.000 đồng/ người/ đêm, thì những đêm giao lưu cồng chiêng tổ chức tương tự như gia đình ông K`ra Jăm Tẹh thu về một khoản tiền khổng lồ. Đúng là cái giá xứng đáng của di sản phi vật thể thế giới.

Vì thế mà hiện nay cả thị trấn Langbiang, nhà nào cũng có nghệ nhân phục vụ ở những đội cồng chiêng, có nhà tới 2 - 3 người. Nhiều người ngày ngày lên rẫy, tối về lại “hóa thân” thành những nghệ sỹ nhảy múa, ca hát và đánh chiêng. Chúng tôi không phủ nhận hiệu quả kinh tế mà hoạt động giao lưu cồng chiêng này mang lại cho người dân vùng thị trấn Langbiang, nhưng chỉ xin lưu ý một điều: Phải mất hàng ngàn năm mới hình thành nên một nét đẹp văn hóa miền núi rừng – cồng chiêng Tây Nguyên; những nhà nghiên cứu cũng đã bỏ ra biết bao nhiêu thời gian, công sức sưu tầm, nghiên cứu, thuyết trình để UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là 1 trong 43 di sản của 46 quốc gia. Vì thế, đừng vì lợi ích kinh tế trước mắt mà biến Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thành một món hàng mua bán! Đây thực sự đang là một vấn đề hết sức nhức nhối đối với những người tâm huyết với Tây Nguyên. Những điều đang diễn ra dưới chân núi Langbiang huyền thoại chẳng lẽ lảnh đạo ngành Văn hóa tỉnh Lâm Đồng không biết?

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay