viethuy

Tập quán sinh nở và nuôi con của người Bố Y

2 bài viết trong chủ đề này

Posted Image

Dân tộc Bố Y với khoảng hơn 1000 người, cư­ trú tập trung ở huyện Mư­ờng Khương, tỉnh Lào Cai. Qua quá trình lịch sử, người Bố Y đã hình thành nên những phong tục tập quán độc đáo. Sinh đẻ và nuôi con là một trong những tập quán mang bản sắc văn hóa riêng của tộc người này.

Sinh đẻ và nuôi con là tập quán hết sức quan trọng vì nó gắn liền với việc sinh thành dưỡng dục cho nên người Bố Y rất coi trọng quá trình mang thai đến khi sinh nở mẹ tròn con vuông và để chăm sóc tận tình đối với con trẻ còn kéo dài đến năm 12 tuổi.

Điều cấm kỵ nhất với người phụ nữ mang thai là lúc đau bụng không được kêu rên thành tiếng mà phải cắn răng chiụ đựng để sau này người phụ nữ đó sẽ dễ đẻ, thai nhi không bị chết ngay khi lâm bồn. Trong giai đoạn bụng mang dạ chửa việc đi lại trên đường ra nương hay đi rừng phải để ý không được dẫm lên hay bước qua dây buộc ngựa ở dưới lòng đường. Người Bố Y cho rằng, người mang thai bước qua dây buộc ngựa thì dễ bị đẻ con không được đầy tháng hoặc lại sinh con quá tháng, quá ngày mà không sinh hạ được. Nếu người phụ nữ nào mang thai mà hay ốm đau mấy ngày liên tục không hề thuyên giảm thì người ta sẽ cho rằng đứa con trong bụng của bà mẹ số cao phải mời thầy về cúng gọi là cúng chậu máu để vớt linh hồn cho người mẹ và cứu lấy sinh mệnh của đứa con….

Quá trình lâm bồn là thời khắc quan trọng đối với cuộc đời của người phụ nữ Bố Y. Theo tập quán, sản phụ phải tự đẻ ở trong buồng không được đẻ ở nhà ngoài kẻo gây uế tạp bẩn thỉu đến tổ tông, ông bà. Những người thân đều ở bên ngoài chuẩn bị đun nước ấm để tắm cho cháu, con sắp chào đời. Đẻ xong thì mẹ chồng mang chậu nước ấm vào tắm cho đứa trẻ sơ sinh. Sau đó lấy dây chỉ, buộc túm lấy cuống rốn lấy kéo hoặc dao để cắt rốn, nhau thai của con trai thì được chôn ở gầm giường chỗ ngủ của cha mẹ, đào hố sâu chôn chặt ở đó không kể vị trí ở đầu giường hay cuối giường, con gái thì phải gói vào bọc cho vào gủ xách ra bên ngoài chôn thật sâu.

Sau khi đẻ người phụ nữ phải tuân theo những qui định nghiêm ngặt về ăn uống, không được phép ăn uống lai tạp, bừa bãi gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của cả hai mẹ con. Điều này, vừa thể hiện những kinh nghiệm về sử dụng chất dinh dưỡng nhưng cũng phản ánh những quan niệm về cách chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh của người Bố Y.

Những gia đình người Bố Y có con nhỏ mới sinh đều làm dấu hiệu ngăn cấm người lạ vào nhà bằng cái nón úp trên một cái cọc cắm ở cổng. Việc này có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ hồn vía của trẻ nhỏ và sản phụ. Theo quan niệm của họ thì sản phụ và đứa bé lúc này vía rất yếu, nếu gặp người xấu nó sẽ không lành mạnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự sống của hai mẹ con.

Từ ngày lâm bồn đến hết ngày thứ 33 sản phụ không được phép đến gần bàn thờ, nơi cư ngụ của ông bà tổ tiên vì lúc này cơ thể của họ chưa được coi là “trong sạch” sẽ gây vấy bẩn và uế tạp đến ông bà tổ tông. Không được phép đi lên sàn vì sàn cao hơn nơi cư ngụ của ông bà bên dưới cũng gây uế tạp khiến ông bà nổi giận trừng phạt mọi người trong gia đình. Không được dẫm chân lên bếp lò và không được đun nấu ở bếp lò vì theo quan niệm của người Bố Y bếp lò là linh hồn của ông bà vị thần cai quản mùa màng và gia súc, nếu như sản phụ đun nấu đặc biệt là dẫm chân lên đó sẽ gây uế tạp và sẽ bị thần phạt. Gia đình phải làm lễ tẩy rửa uế tạp cho trong sạch nếu không người trong gia đình sẽ bị ốm yếu, bị bệnh tật mà chết, kinh tế không khấm khá lên được.

Sau khi sinh con được 3 ngày, gia đình phải tổ chức làm lễ 3 ngày cho con mang ý nghĩa mừng con đủ 3 ngày, mừng con ra đời an toàn, mẹ tròn con vuông. Ở nghi lễ này gia đình mời tất cả anh em họ hàng tới dự để tham dự lễ đặt tên cho cháu. Vì vậy, lễ 3 ngày còn có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng là đặt tên cho đứa trẻ, đồng thời cảm ơn ân đức của tổ tông phù trợ cho hai mẹ con yên lành, tốt đẹp. Từ khi sinh con đến khi làm lễ 3 ngày nếu thấy người nào vô tình hay hữu ý vào nhà thì được gia đình nhận làm bố (mẹ) nuôi cho đứa trẻ. Bố (mẹ) nuôi phải có trách nhiệm với con nuôi của mình, và làm lễ đặt tên lại cho đứa trẻ.

Sau khi sinh nở được 33 ngày thì làm lễ đầy tháng. Lễ đầy tháng có ý nghĩa là lễ mừng tuổi cho cháu, ông bà ngoại tặng địu và tã lót để làm lễ đầy tháng thì được cõng cháu về bên ngoại chơi. Đây là tập quán bắt buộc đối với con đầu lòng, còn những đứa con kế tiếp sau thì không qui định, có thể bỏ nếu như hoàn cảnh gia đình không cho phép. Chủ nhà dâng mâm lễ cầu khẩn tổ tiên phù hộ cho đứa cháu hay ăn chóng lớn...

Khi sinh được 12 tháng thì làm lễ đầy năm. Đây là hình thức xem bói biết số mệnh của đứa trẻ sau này như thế nào bằng cách trải một cái chiếu mới ở nền giữa nhà. Trên chiếu thì bầy rất nhiều thứ như đồ vật: tiền, vải, cơm, còng gà, cái kiếm, con dao, giấy, quả trứng... Khi chủ gia đình vừa cúng tổ tiên xong thì họ thả đứa bé xuống dưới chiếu để nó tự bò và cầm lấy đồ vật nào một cách ngẫu nhiên, thông qua đồ vật mà đứa bé cầm họ sẽ đoán biết được tương lai của đứa trẻ.

Từ khi sinh con đến khi con lớn khôn trưởng thành là một quá trình nuôi con nặng nhọc nhiều lo lắng, vất vả. Theo quan niệm của người Bố Y thì khi đứa con tròn 3 tuổi, 6 tuổi hoặc 9 tuổi, 12 tuổi thì phải tổ chức làm lễ cho con xem nó phạm phải điều gì để giải hạn. Lễ giải hạn này theo quan niệm của họ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bởi theo họ nếu tên của đứa trẻ bị phạm với một điều gì đó hoặc số mệnh của nó đã phạm vào điều gì khác thì con sẽ bị chết hoặc đau ốm quanh năm không lớn lên được. Những đứa trẻ hay quấy khóc suốt mấy ngày liền hoặc ốm yếu quanh năm ngày tháng, gia đình mời thầy cúng về bói. Nếu đúng số mệnh của nó phải nhận bố mẹ nuôi thì phải tìm bố mẹ nuôi cho đứa trẻ.

Những nghi thức có liên quan đến bà mẹ và trẻ nhỏ của người Bố Y đã phần nào phản ánh được nếp sống văn hoá tộc người, những quan niệm và triết lý nhân sinh về sinh tử, và chế độ dinh dưỡng cũng như những ý thức tốt nhất bảo vệ thai nhi và bà mẹ khi lâm bồn. Hiện nay, những tập quán này đang có nguy cơ mai một dần, cần có những cuộc nghiên cứu sưu tầm để năm bắt được thực trạng văn hóa và có những giải pháp bảo tồn, khai thác các giá trị văn hoá trong tập quán dân tộc có hiệu quả.

(Theo báo Lào Cai)

Nguồn VITIFO

Share this post


Link to post
Share on other sites

Một dân tộc chỉ còn hơm 1000 người mà vẫn có những phong tục rất chi tiết cho riêng việc người phụ nữ sinh nở. Điều này chứng tỏ khả năng họ là hậu duệ của một chủng tộc lớn bị thoái hóa trước đây, giống như người Khả Lá Vàng. Phải chăng đây chính là hậu duệ còn lại của một bộ phận chủng người thuộc về Văn Lang xưa?

Những gia đình người Bố Y có con nhỏ mới sinh đều làm dấu hiệu ngăn cấm người lạ vào nhà bằng cái nón úp trên một cái cọc cắm ở cổng. Việc này có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ hồn vía của trẻ nhỏ và sản phụ.

Đây chính là hình ảnh cuối cùng trong sự tích Đầm Nhất Dạ: Chử Đồng Tử cắm cây gậy đặt chiếc nón lên biến thành lâu đài nhà cửa.

Vài lời suy ngẫm.

Thiên Sứ

Share this post


Link to post
Share on other sites