Thiên Sứ

"canh Gà Thọ Xương" Hay Sự Bất Lực Của Chứng Cứ

3 bài viết trong chủ đề này

"Canh gà Thọ Xương" hay sự bất lực của chứng cứ
Thứ tư 17/10/2012 16:00

(GDVN) - Dĩ nhiên, bản thân chứng cứ chẳng thể nào lên tiếng. Bất lực hay không, là do con người có nhìn đến nó hay không... Khi bài báo đầu tiên được đưa ra, nhiều người sốt sắng đã lớn tiếng kêu than về sự xuống cấp của nền giáo dục. Xin thưa rằng, nền giáo dục chẳng xuống hay lên trong trường hợp này, bởi chính bản thân câu thơ này vốn đã không tường minh về ngữ nghĩa.

LTS: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục cập nhật ý kiến của độc giả liên quan đến bài văn coi “canh gà Thọ Xương” là món ăn của người Hà Nội đã làm xôn xao dư luận thời gian qua. Sau đây là bài viết trên Blog Huyền Dương.

Nồi "canh gà Thọ Xương" đã nhanh chóng tập hợp được quanh nó một cái chợ khổng lồ, ở đó dư luận tố tội lẫn nhau, cư dân mạng trách cứ lẫn nhau. Điều kì khôi hơn là, thay vì nêm nếm món canh gà, người ta xoay hết sang luận đề "cô giáo Thủy". Một phe, đang chiếm ưu thế hơn, miệt thị phe kia là tàn nhẫn, không có tính người khi dồn cô giáo đến chỗ phải nhập viện truyền nước vì không chịu được sức ép dư luận chỉ vì một lỗi nghiệp vụ nho nhỏ.
Thành thật mà nói, tôi thấy lo ngại cho lũ học trò nhiều hơn cho cô giáo. Mới chỉ có một bài báo đăng lên, một số cư dân mạng nhảy vào ném đá, mà một thạc sĩ trải qua ngần ấy năm đào tạo nghiệp vụ sư phạm đã coi là cú sốc quá lớn đến nỗi không thể chịu đựng, thì trách sao sau mỗi kì thi đại học, lại có thêm vài câu chuyện đau lòng về những đứa trẻ dại dột tìm đến cái chết vì thiếu nửa điểm.

Posted Image Ảnh minh họa. (Nguồn Internet) HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Tất nhiên, tôi không nói rằng người bản lĩnh kém không thể trở thành giáo viên, cũng như chúng ta không cấm người có bệnh tim mạch tham gia giao thông, nhưng chẳng ai dám để họ làm tài xế xe khách, càng không thể để họ làm phi công lái máy bay - bà trẻ hay bà già cũng vậy. Mà thôi, đó là việc của cô giáo Thủy và của ngôi trường sư phạm đào tạo ra cô. Còn việc của chúng ta là... chuyện món canh gà.
Tôi không ủng hộ phe "ném đá" cô giáo, nhưng càng không thể ủng hộ lí lẽ luẩn quẩn thấm đẫm tính nhân văn, hay mượn tính nhân văn để che lấp sự luẩn quẩn trong logic của "phe đối lập", dẫn đến những tranh luận kéo dài ngày qua ngày một cách vô bổ; trong khi để giải quyết vấn đề, đơn giản là nhìn thẳng vào vài điểm chốt.
1. Đầu tiên, chuyện có một (hay một số) học sinh hiểu "canh gà Thọ Xương" là món canh gà có đáng để đăng không? Cái này thì tùy vào sự đánh giá của từng tòa soạn: Nếu coi nó là nhỏ nhặt quá, đơn lẻ quá, vớ vẩn quá... so với "tầm" của báo mình, thì có thể bỏ qua; nếu coi nó là ngộ nghĩnh, thú vị, một cách nghiêm túc, có tính vấn đề, thì sẽ chọn đăng. Tôi không cho rằng có sự đúng hay sai trong việc chọn đăng sự việc hoàn toàn có thật này.
2. Thứ hai, cô giáo Thủy có sai hay không? Báo (ở đây là tờ báo đầu tiên đưa tin về sự việc) có sai hay không? Ở đây lại có 2 nút thắt:
- Cô Thủy có phê chữ "sai" bên cạnh bài của học sinh, như chứng cứ mà diễn đàn ủng hộ cô đưa ra, hay bỏ qua không phê gì, như bài báo đã phản ánh?
Nếu cô có phê, tức là bài báo đã cố tình làm sai lệch chứng cứ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín cá nhân, và cô giáo có quyền khởi kiện. Câu chuyện đến đây chấm dứt.
Nếu cô giáo không phê, tức là chứng cứ đưa ra trên diễn đàn là giả. Bản thân tất cả những người lớn trong câu chuyện này mặc nhiên thừa nhận "canh gà Thọ Xương" không phải món canh gà, thì tức là em học sinh đã hiểu sai. Cô giáo thấy sai nhưng theo "phương pháp dạy mới", mặc cho học sinh tự cảm thụ. Như vậy ít nhất, bài báo đã phản ánh 2 sự thật: Học sinh hiểu sai và giáo viên không sửa. Trong bài báo cũng đã có ý kiến của cả 2 phía phụ huynh học sinh, cô Thủy và bên thứ 3 là nhà trường, trong đó cả 3 đều thừa nhận thiếu sót của cô giáo trong việc này.
3. Câu chuyện đến đây, vì sao vẫn chưa chấm dứt?
Vì bài báo đầu tiên có khuynh hướng kết tội cô Thủy dạy sai, và coi đó là lỗi lớn; còn "phe đối lập" cho rằng cô giáo dạy đúng, chỉ là chủ quan không "cầm tay chỉ việc", và đó là lỗi nhỏ, không đáng để bị "ném đá".
Nhưng vấn đề đâu phải là lỗi lớn hay lỗi nhỏ!
Cái sai cơ bản trong cách giải thích của cô giáo là, "canh gà Thọ Xương" hoàn toàn không thể nằm trong phần "cảm thụ", tức là cảm, bình, tán về cái hay dở yêu ghét vốn nặng màu cảm tính, mà nằm trong phần cắt nghĩa; và cắt nghĩa thì phải chuẩn, giống như chuẩn chính tả vậy. Không có lí lẽ nào thuyết phục cho việc "sửa lỗi chính tả, chứ không sửa lỗi hiểu sai". Thêm nữa, cảm thụ là việc của học sinh, còn hậu cảm thụ, tức khâu đánh giá nó là việc của cô giáo, không lẽ học sinh cảm thụ tự do rồi đến cô giáo cũng chấm... tự do? Cho dù thực sự cô đã giải thích miệng sau đó, thì trên giấy trắng mực đen, rõ ràng cô đã mắc lỗi, còn lỗi kiến thức hay nghiệp vụ thì không ai chứng minh được.
Giả thiết của tôi thì đơn giản hơn nhiều: Không loại trừ việc cô chấm lướt nên không phát hiện ra - đối với những bài tập chấm vở dạng này, rất nhiều giáo viên đã áp dụng phương thức ấy. Nó khả tín hơn nhiều so với xác suất cô giáo hiểu sai, mà cũng dễ chấp nhận hơn nhiều so với những lí lẽ rườm rà về "phương pháp giáo dục mới", cũng như việc chuyển lớp nên không kịp kiểm tra các em đã tự sửa hay chưa. Không lẽ nếu không chuyển lớp thì cô sẽ thu vở chấm lại lần nữa?!
Và kết quả thì rõ ràng như chúng ta đã thấy: Có những học sinh hiểu sai, có những phụ huynh giật mình, dư luận được một phen dở cười dở khóc. Cá nhân tôi thiên về phần cười, nhưng cứ như tình hình dư luận bây giờ, thì có lẽ phần khóc và gạch đá nhiều hơn.
4. Còn cái sai cơ bản của báo chí và dư luận là quên mất rằng, dù có hay không chuyện cô Thủy và học trò, thì có một sự thật đang diễn ra: Rất nhiều người đã và đang hiểu "canh gà Thọ Xương" là món canh gà. Vấn đề đó có đơn giản là "sai thì sửa" hay không? Và ai là người sai?
Nào, vậy thì ai đó, làm ơn chứng minh giúp tôi "canh gà Thọ Xương" không phải là món canh gà?
Về logic ngữ cảnh, ngữ nghĩa, cái tiếng gà gáy sang canh kia quả nhiên có nên thơ và đúng điệu hơn là cái bát canh gà mỡ màng thô tục.
Về đăng đối ngữ pháp, trật tự lượng từ + danh từ (tiếng + chuông, nhịp + chày, canh + gà, mặt + gương) có vẻ sẽ ổn thỏa hơn việc bỗng dưng xen vào một trật tự danh từ + bổ ngữ.
Nhưng đó là cách nghĩ của chúng ta, là logic của chúng ta, chứ không phải của ông tác giả! Biết đâu cái món canh gà mà chúng ta cho là vô duyên và thô tục, đối với ông ấy lại rất liên quan và rất nhã thì sao?!
Cũng giống như trường hợp Truyện Kiều, nhiều học giả, văn nghệ sĩ đã tốn bao bút mực để tranh luận "chim hôm thoi thót về rừng" hay "thoi thóp" hay "thưa thớt", "trên yên sẵn có con dao" hay "trên án sẵn có con dao", "sầu đong càng lắc càng đầy" hay "sầu đông càng khắc càng dày"... Nhưng hầu hết vẫn cứ sa đà vào tranh luận thế này mới hay, thế kia mới đúng, mà bỏ qua một yếu tố căn bản nhất: Nguyễn Du đã viết thế nào trong văn bản gốc?
Trường hợp này cũng đơn giản thế thôi: Hãy đưa ra một văn bản được coi là cổ nhất, trong đó nếu tác giả viết chữ 更 (canh) thì đó là gà gáy sang canh, còn nếu tác giả viết chữ 羹 (cũng đọc là canh) thì đó khả năng cao đích thị là món canh gà. Nói khả năng cao, là vì không loại trừ bản này chép sai so với bản gốc, hoặc mượn chữ ghi âm - những tình huống này đều chẳng lạ lẫm gì đối với người hay đọc các văn bản chữ Nôm hiện tồn.
Cho đến nay, có 2 giả thuyết phổ biến về tác giả của bài "Gió đưa cành trúc la đà" mà ta thường đọc: Quan niệm phổ biến cho đó là ca dao, quan điểm của một số nhà nghiên cứu cho đó là sáng tác của Dương Khuê (1839-1902), Tiến sĩ đời Vua Tự Đức, nhân vật chính trong tác phẩm Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến vốn nằm trong chương trình văn học phổ thông. Vậy ai muốn đối chứng, xin mời đến Viện Nghiên cứu Hán Nôm và những địa chỉ tương tự để tìm đọc di cảo của Dương Khuê cũng như các bản sưu tầm ca dao bằng chữ Nôm còn lưu lại; lúc đó chúng ta sẽ tranh luận tiếp về khuyết danh hay hữu danh, ca dao hay thơ bác học.
Bản thân tôi thì không dám kì vọng sẽ được ăn món canh gà Thọ Xương, nêu ra những điều này chỉ để thấy, một sự hiểu (lầm, có lẽ) đáng ra là rất thú vị, đáng để tìm tòi và nghiên cứu, bỗng chốc thành chảo lửa. Nó không còn nằm trong phạm vi một cuộc tranh luận nữa, mà đã thành một cuộc chiến mày đúng tao sai tàn khốc. Nhà báo có sứ mệnh đấu tranh bằng ngòi bút, nhưng là với tinh thần "tôi sẽ chết cho sự thật được lên tiếng". Chết cho sự thật, chứ không phải sống chết bảo vệ cái tôi, bảo vệ quan điểm cảm tính của mình. Hãy để chứng cứ lên tiếng.
Khi bài báo đầu tiên được đưa ra, nhiều người sốt sắng đã lớn tiếng kêu than về sự xuống cấp của nền giáo dục. Xin thưa rằng, nền giáo dục chẳng xuống hay lên trong trường hợp này, bởi chính bản thân câu thơ này vốn đã không tường minh về ngữ nghĩa.
Có một câu chuyện vui cũng nhiều dị bản, xin kể ra đây bản mà tôi thường nghe nhất: Một ông quan đốc người Pháp nghiên cứu tiếng Việt cũng đến độ tinh thông, ngày nọ cao hứng dịch phiên bản Huế của bài thơ này ra tiếng Pháp. Thơ rằng:
"Gió đưa cành trúc la đà Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương"
Để cho chắc ăn, ông đem bản tiếng Pháp của mình cho ông thông ngôn người Việt. Gặp đúng ông thông ngôn có máu thi sĩ, quan đốc nhận về tác phẩm như sau:
"Roi tre vun vút đưa ra Lạc đà cùng với lũ la chạy cuồng Vợ trời gióng một hồi chuông Gọi về ăn bát canh xương gà Tàu..."
Cách đây vài năm, trong nước rộn ràng với bộ sách Chicken soup for the soul (Cháo gà cho tâm hồn) tập hợp những mẩu chuyện ý nghĩa về cuộc sống. Nhìn một cách tích cực, câu chuyện "canh gà Thọ Xương" này cũng có thể là một món canh ngon bổ dưỡng cho mỗi người trong hay ngoài ngành giáo dục.
Tất nhiên, với kèm khuyến cáo ăn chậm nhai kĩ, đề phòng hóc phải xương.
Theo Blog Huyền Dương
====================
Trước một tác phẩm vượt thời gian và là niềm mơ ước của tất cả các văn nhân cho tác phẩm của mình - từ giải Nobel cho đến "ve chai lông vịt" là chuyện tình Trương Chi, thì chẳng thấy ai chỉ ra vì sao nó có sức sống vượt thời gian như vậy. Nhưng với "Canh gà Thọ Xương" thì sao lắm người thể hiện sự hiểu biết của mình thế?
Chuyện nó chỉ thế này: Cho dù tác giả có sống lại và phát biểu: "Canh gà Thọ Xương" chính là hàng cơm gà ở huyện Thọ Xương vào thời đó và
nổi tiếng với đặc sản canh gà - thì - khi một tác phẩm đã trở thành di sản của xã hội, người ta cần tìm tính logic của sự thẩm mỹ phù hợp với vđẹp của áng văn chưng đó (Nhưng điều đó không đồng nghĩa với sự thay đổi câu từ)
. Tất nhiên điều đó có nghĩa là "canh gà" nền hiểu là tiếng gà gáy báo sang canh.
Nhiều chuyện hài hước quá.
Thế gian biến đổi muôn màu vẻ.
Đức Phật từ bi phải bật cười.
Hi.

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Qua sự cố này, thiết nghĩ những người làm giáo dục cũng nên đưa những câu ca về các món ăn đặc sản của quê hương mình đến các em học sinh, bởi cho dù là hàng gánh thôn quê ngày xưa hay thời buổi hiện đại thế kỷ 21 thì "tâm hồn ăn uống" vẫn vượt thời gian, vâng, ngay cả bản thân TP cũng vậy, hì..., với lại dù gì thì các câu ca nào mà đi đến ẩm thực (cái bụng) nhanh nhất thì cũng sẽ học thuộc nhanh nhất, qua đó các em sẽ thêm yêu quê hương mình hơn. Đó là chưa nói ẩm thực VN rất được người nước ngoài yêu thích.

Chẳng hạn, xin sưu tầm vài bài...

Ai đâu mà chẳng biết ta

Ta ở Xóm Láng, vốn nhà trồng rau

Rau thơm, rau húng, rau mùi

Thì là, cải cúc, đủ loài hành hoa

Mồng tơi, mướp đắng, ớt cà

Bí đao đậu ván vốn nhà trồng nên

Giúp em đôi quan tám dẻ cho bền

Mượn người lịch sự gánh lên chợ trời

Gánh đi lòng những bồi hồi

Mong cho đến chợ còn ngồi nghỉ ngơi!

-------------------

Ra đi anh nhớ Nghệ An

Nhớ Thanh Chương ngon nhút,

Nhớ Nam Ðàn thơm tương

------------------

Ai qua Bình Định đang trưa

Dừng chân uống bát nước dừa Tam Quan.

Ai về ăn ổi Đình Quang

Ăn ớt Vĩnh Thạnh,

Ăn măng Truông Dài

--------------------

Yến sào Hòn Nội,

Vịt lội Ninh Hòa,

Tôm hùm Bình Ba,

Nai khô Diên Khánh

Cá tràu Võ Cạnh,

Sò huyết Thủy Triều... (3)

Đời anh cay đắng đã nhiều,

Về đây ngon sớm, ngọt chiều với em.

---------------------

Ai về Quảng Ngãi quê ta

Mía ngon, đường ngọt, trắng ngà dễ ăn

Mạch nha, đường phổi, đường phèn

Kẹo gương thơm ngọt ăn quen lại ghiền.

---------------------

Mặn mà muối biển Sa Huỳnh,

Ngọt đường Quảng Ngãi thắm tình quê ta.

Đường phổi, chim mía, mạch nha,

Ai về Quảng Ngãi thử qua một lần.

-------------------

Bến Tre nước ngọt lắm dừa

Ruộng vườn mầu mỡ, biển thừa cá tôm

Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn

Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày

Xoài chua cam ngọt Ba Lai

Bắp thì Chợ Giữa

Mắm bàm ven bãi phù sa,

Bà Hiền, Tân Thủy hằng hà cá tôm

--------------------

Bánh tráng Mỹ Lồng bánh phồng Sơn Đốc

Măng cụt Hàm Luông

Vỏ ngoài nâu trong trắng như bông gòn

Anh đây nói thiệt sao em còn so đo

--------------------

Cây đa giếng nước quê nhà

Mái đình còn đó người xa chưa về

Người ơi, người có nhớ quê

Giò Chèm, nem Vẽ, quạt lá đề như xưa.

--------------------

........

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Posted (đã chỉnh sửa)

Nhân đọc bài viết này trong toppic của bác Thiên Sứ mình cũng có một vài chia sẻ: Thứ nhất có những sự thật chỉ có người trong cuộc mới nắm rõ và đôi khi nhà báo đã không nắm rõ mà vẫn cứ viết. Thực ra sự việc này lỗi là do cô giáo Thủy nhưng sự thật không phải như mọi người vẫn nghĩ. Cô Thủy không hề giảng bài này cho học sinh=> không có chuyện cô giáo hiểu sai dẫn đến dạy sai. Cái sai của cô thủy là đã không chấm bài kĩ cho học sinh. Nói cách khác cô đã đọc lướt qua để soát lỗi chính tả còn không đọc rõ học sinh viết gì. Cô chỉ nhìn chữ viết, cách trình bày...rồi cho điểm. Cái này thuộc về lỗi nghiệp vụ sư phạm chứ không phải trình độ chuyên môn như nhiều bài báo đã đăng tin.

Và mình thấy rằng không thể quy chụp từ việc này đánh đồng sang " ngôi trường sư phạm" nơi đào tạo cô Thủy cũng như các trường sư phạm khác. Bởi thực ra các trường ĐH chỉ dạy cái tổng quát, dạy cái lớn..còn mỗi sinh viên-giáo viên tương lai sẽ từ cái kiến thức đó đi vào từng bài dạy để phân tích.

Để có được một tấm bằng loại giỏi không phải là tự nhiên mà được, đặc biệt với một sinh viên sư phạm. Một sự việc đáng tiếc đã làm hỏng cả 1 tương lai sau nhiều năm cố gắng. Đó cũng là bài học đắt giá cho mỗi sinh viên sư phạm, mỗi giáo viên đang đứng lớp. Và giờ đây sư phạm đúng là " nghề nguy hiểm nhất "

Edited by Moc Phong Linh

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay