Công Minh

Vị Bồ Tát Hộ Trì Phong Thủy

23 bài viết trong chủ đề này

ĐẠI NGUYỆN ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT


Khi trong nhà thấy có nhiều sự bất ổn liên miên, hoặc chưa hay đã dụng phong thủy để cải thiện mà chưa thấy chuyển, hãy khuyên gia chủ nhất tâm chí thành thiết lễ, tụng niệm Kinh Chú và danh hiệu Đức Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát để hồi hướng đến các vị Thần Linh quản trị tại địa phương và bản gia như Thành Hoàng Bổn Cảnh, Đông Trù tư mệnh đinh phúc táo phủ thần quân, bản đường tiên thánh tiên gia, bản viên thổ công thổ địa phúc đức chính thần , ngũ phương long mạch tài thần, môn gia hộ úy, nhân súc y thần. Hồi hướng cho Gia tiên , cho các Oan gia trái chủ của người trong nhà, cho Tiền hậu thổ chủ, y phụ thảo mộc các hương linh phảng phất trong đất ấy. Rồi sẽ thấy.

Posted Image


Kinh Địa Tạng bổ nguyện công đức dạy

"Bạch Ðức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh đời hiện tại và vị lai, nơi chỗ sạch sẽ ở phương Nam trong cuộc đất mình trú ngụ, mà dùng đất, đá, tre, gỗ dựng cất cái khám hoặc cái thất; ở trong đó có thể tô vẽ cho đến dùng vàng, bạc, đồng, sắt làm hình tượng Ðịa Tạng Bồ Tát, đốt hương cúng dường, chiêm lễ, ngợi khen, thì ngay chỗ những người đó ở sẽ được mười điều lợi ích. Những gì là mười?
Một là đất đai mầu mỡ;
Hai là nhà cửa yên ổn mãi mãi;
Ba là người đã mất được sanh thiên;
Bốn là người hiện còn được tăng tuổi thọ;
Năm là mọi mong cầu đều được toại ý;
Sáu là không có tai họa về nước và lửa;
Bảy là trừ sạch việc hư hao;
Tám là dứt hẳn ác mộng;
Chín là ra vào đều có thần theo hộ vệ;
Mười là thường gặp nhân Thánh."


Chiều theo ý anh thì ta nói : Ngài Địa Tạng là vị Bồ Tát hộ trì phong thủy đấy.
Nhưng theo ý ta, có nghe nói vậy anh chớ tin là vậy, nghe vậy mà không chỉ có như vậy thôi, Phật pháp oai lực vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn. Công Đức và Oai lực của Ngài Bồ Tát Địa Tạng cũng không ngoài.

Anh hãy đi đi, hãy thử tự tìm, tự học, tự ngẫm suy và hành động trải nghiệm rồi tự anh sẽ thấy còn nhiều điều lớn lao hơn nhiều, nhiều nữa.
Chân thần yếu dụng tâm cảm ứng。Tâm thành tắc linh.

( Nhớ lại lời dạy của một Tôn Sư )

(Còn tiếp )
7 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính thưa Quý Thầy, qúy Tôn Sư cùng qúy bạn đạo gần xa.

Vâng lời chỉ dạy của Tôn Sư, sau một thời gian tầm học. Vào ngày 30 tháng 7 ( Ngày vía của Đức Địa Tạng ) năm Canh Dần (2010) duyên lành cho con được đến lễ Phật và chiêm bái tôn tượng Đức Địa Tạng đen tại Quan Âm Tu Viện - Biên Hòa, Đồng Nai. Hôm đó cũng là dịp nhà chùa tổ chức đại lễ kỷ niện ngày nhập niết bàn của Đức Tôn Sư Hòa Thượng thượng Thiện hạ Phước (Tăng chủ phái LIÊN TÔNG TỊNH ĐỘ NON BỒNG), có đông đảo đạo hữu, Phật tử xa gần về dự lễ. Trong không khí thiêng liêng và linh động đó, tại giây phút mà tâm linh đạt vào cảnh giới quán tưởng “Năng lễ sở lễ tánh Không tịch” để đảnh lễ trước tôn tượng của Ngài, con được khai trí giác ngộ thêm về những công đức, oai lực của Bồ Tát Địa Tạng Vương.

Xin xem tham khảo thêm bài viết về Đức Địa Tạng Đen tại đây : Địa Tạng Đen

Cũng may mắn sao, trong quá trình tìm hiểu về Kim Cang Giới và Thai Tạng Giới theo truyền thống Đông Mật, con cũng hữu duyên tìm được những tài liệu dịch thuật kinh điển và biên khảo, tổng hợp của Thầy Thích Quảng Trí, thầy – cư sĩ Huyền Thanh tại bộ Mật Tạng Việt Nam, Bộ giảng luận về Kinh Địa Tạng bồ tát bổn nguyện của Hòa thượng Tuyên Hóa ; các bài giảng – luận về Kinh Địa Tạng của thầy – cư sĩ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền cùng nhiều bài tiểu luận, kinh sách nói về Thánh đức và sự linh ứng của Đức Địa Tạng bằng sách in và trên mạng điện toán toàn cầu.

Nhân dịp háng bảy ngày rằm xá tội vong nhân - mùa Vu Lan báo hiếu và cũng chuẩn bị cho kỷ niệm ngày vía của Ngài (30/7)năm nay, con xin mạo muội được bày tỏ và chia sẻ một vài kiến thức thô lậu về Phật học nơi đây không ngoài tâm ý

Phổ nguyện: âm siêu dương thái, hải yến hà thanh, pháp giới chúng sanh, tề thành Phật đạo.

Mọi sự thiếu sót do tầm hèn trí thiểu của người viết, ngưỡng mong chư vị Cao Tăng Đại Đức, các Bậc Thiện Tri Thức, huynh đệ gần xa có dịp ghé qua đây rũ lòng Từ Bi Trí Tuệ chỉ dạy cho kiến thức của người viết và nội dung bài viết này được thêm phần hoàn chỉnh.

Xin trân trọng cám ơn sự quan tâm của qúy liệt vị

NAM MÔ ĐẠI NGUYỆN ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT

Posted Image

Truyền thống văn hóa Phật giáo Bắc Tông Đại thừa ( tại Việt Nam, Trung Quốc ) ngoài các lễ cúng trong tháng âm lịch đặc biệt có mấy phân kỳ thành giai đoạn đặc biệt:

- Tháng giêng : khởi đầu một năm mới là mùa cầu an lạc thái bình với các nghi thức thiết đàn, khai kinh phúng tụng kinh Dược Sư, còn gọi là tháng cầu an.

- Tháng 4 : mùa Khánh Đản là tháng tổ chức thực hiện các nghi lễ lớn mừng ngày Đản Sinh của Đức Phật Thích Ca.

- Tháng 7 : là tháng ra hạ sau một kỳ an cư tu học miên mật của chư Tăng Ni. Đặc biệt trong tháng bảy có những ngày khánh đản của nhiều vị Bồ-tát Đại Thế Chí (ngày 13), Địa Tạng (ngày 30), Long Thọ (ngày 24), Tổ sư Phổ Am (ngày 21) và ngày Phật hoan hỷ (ngày 15). Tháng 7 là tháng ( mùa ) Vu lan thắng hội để các người con Phật báo hiếu tổ tiên.

Tháng có ngày rằm mà dưới Âm ty địa phủ mở cửa ngục để xá tội cho các vong linh ( theo truyền thống dân gian)

- Tháng 11 : tháng có ngày vía kỷ niệm Đức Tây Phương giáo chủ A Di Đà Phật.

Tháng 7, ngay từ những ngày đầu tháng ( gần đây có chùa tổ chức từ tháng 6) nhiều chùa tổ chức thiết đàn, trì tụng nhiều bộ Kinh Phật đề Phật tử cầu siêu báo hiếu cho ông bà cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp ; cầu siêu cho chiến sĩ trận vong đồng bào tử nạn…. nói chung là chúng sinh thuộc cõi địa ngục được siêu sanh thoát hóa.

Một số bộ kinh thường được trì tụng trong tháng 7 là: Kinh A Di Đà; kinh Vu lan báo hiếu và đặc biệt là kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện công đức.

Kinh nói về thánh đức, công hạnh, đại nguyện và sự linh ứng của ngài Địa Tạng Bồ Tát

I – Khái lược về kinh Phật:

Kinh Phật nói chung còn gọi là Khế kinh, dịch theo âm là Tu-đa-la, là tên gọi của các bài giảng của đức Phật.

Nội dung thì Kinh ghi lại những gì chính đức Phật giảng dạy. Khởi đầu bộ kinh ta hay nghe câu “Tôi nghe như vầy…” (Như thị ngã văn – hán văn ). Câu này tương truyền xuất phát từ A-nan-đà, một đệ tử của Phật. A-nan-đà là người có trí nhớ phi thường, đã thuật lại những lời Phật nói trong buổi Kết tập lần thứ nhất ngay sau khi Phật diệt độ.

Tiếp theo thường là kể lại buổi nói chuyện về một đề tài nào đó như giới thiệu về Thánh Đức và linh ứng của một vị Phật hay Bồ Tát; về nguyên lý, chuyện ứng xử hay hiện tượng nào đó …..

Nội dung chi tiết bao gồm giới thiệu những đại biểu tham dự ( các bậc bồ tát, trời , thần …..), nơi chốn giảng kinh, thời gian. Tiếp theo là những lời khai thị của Phật, có khi là những cuộc đối thoại sinh động. Thường thường lối hành văn của kinh giản đơn, dễ hiểu, có tính giáo khoa.

II- Các bộ klinh nói về ngài Địa Tạng :

1 . Kinh Đại phương quảng thập luân (大方廣十輪經), còn gọi là kinh Phương quảng thập luân, Thập luân, 8 quyển, mất tên người dịch, được dịch vào thời Bắc Lương, tạng Đại Chánh 13, số 410, trang 681.

Nội dung kinh này gồm 15 phẩm, kể về công đức của Bồ-tát Địa Tạng, đồng thời nói nếu nương vào 10 Phật luân (10 lực) và 10 y chỉ luân của Tam thừa thì có thể xoay chuyển 10 ác nghiệp luân.

Bản dịch khác của kinh này là Đại thừa đại tập Địa Tạng thập luân (xem ở dưới ).

2. Kinh Địa Tạng thập luân (地藏十輪經) : gọi đủ là kinh Đại thừa đại tập Địa Tạng thập luân, 10 quyển, ngài Huyền Trang (600-664) dịch thời Đường, tạng Đại Chánh 13, số 411, trang 721.

Kinh này tường thuật đức Như Lai nhân lời thưa hỏi của Bồ-tát Địa Tạng mà nói 10 thứ Phật luân (10 lực), có năng lực phá trừ 10 ác luân trong đời mạt pháp, và khen ngợi công đức Bồ-tát Địa Tạng. Mục đích kinh này nhằm dung hợp Tam thừa về Đại thừa, lại nhắm vào các Tỳ-kheo phá giới mà giải thích rõ về công đức “thắng tưởng”, và việc Bồ-tát Địa Tạng hiện tướng Sa-môn để cứu độ chúng sanh trong đời mạt pháp.

Nội dung gồm 8 phẩm: 1. Phẩm Tựa; 2. Phẩm Thập luân; 3. Phẩm Vô y hành; 4. Phẩm Hữu y hành; 5. Phẩm Sám hối; 6. Phẩm Thiện nghiệp đạo; 7. Phẩm Phước điền tướng; 8. Phẩm Hoạch ích chúc lụy.

3. Kinh Địa Tạng bồ-tát bổn nguyện (地藏菩薩本願經), 2 quyển, ngài Thật-xoa-nan-đà (Śikṣānanda, dịch Hỷ Học, 652-710, người nước Vu-điền) dịch thời Đường, tạng Đại Chánh 13, số 412, trang 777.

Kinh này nói về công đức bản nguyện, thệ nguyện bản sinh của Bồ-tát Địa Tạng. Người đọc tụng kinh này có thể tiêu trừ vô lượng tội nghiệp và được lợi ích không thể nghĩ bàn.

Nội dung

1. Phẩm Đao-lợi thiên cung thần thông (Thần thông tại cung Đao-lợi); 2. Phẩm Phân thân tập hội (Thân phân hoá qui tụ lại); 3. Phẩm Quán chúng sanh nghiệp duyên (Quán sát nghiệp quả chúng sanh); 4. Phẩm Diêm-phù chúng sanh nghiệp cảm (Nghiệp quả của người Diêm-phù); 5. Phẩm Địa ngục danh hiệu (Danh xưng địa ngục); 6. Phẩm Như Lai tán thán (Thế Tôn tuyên dương); 7. Phẩm Lợi ích tồn vong (Lợi ích người còn kẻ mất); 8. Phẩm Diêm-la vương chúng tán thán (Các vua Diêm-la xưng tụng); 9. Phẩm Xưng Phật danh hiệu (Xưng tụng danh hiệu chư Phật); 10. Phẩm Giáo lượng bố thí công đức duyên (trắc lượng công đức bố thí); 11. Phẩm Địa thần hộ pháp (Thần đất hộ trì); 12. Phẩm Kiến văn lợi ích (Ích lợi của sự thấy nghe); 13. Phẩm Chúc lụy nhân thiên (Thế Tôn ký thác).

4. Kinh Chiêm sát thiện ác nghiệp báo (占察善惡業報經), còn gọi là kinh Địa Tạng Bồ-tát nghiệp báo, Địa Tạng Bồ-tát, 2 quyển, do ngài Bồ-đề-đăng (người Tây Vực) dịch thời Tuỳ, tạng Đại Chánh 17, số 839, trang 901.

Nội dung kinh này nói Bồ-tát Địa Tạng phụng mệnh đức Phật, thuyết pháp cho chúng sanh ở đời mạt pháp nghe về việc cầu pháp lành. Quyển thượng nói rõ pháp xem xét nghiệp báo thiện ác. Quyển hạ thuật nghĩa chân thật của Đại thừa.

5. Địa Tạng bồ-tát nghi quĩ (地藏菩薩儀軌), 1 quyển, do ngài Du-bà-ca-la (dịch là Thiện Vô Uý, người nước Ma-già-đà, Ấn Độ) dịch thời Đường, tạng Đại Chánh 20, số 1158, trang 652.

Nội dung kinh thuật lại lúc đức Phật ở trên núi Khư-la-đề-da, Bồ-tát Địa Tạng muốn nói thần chú làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, sau khi được đức Phật hứa khả, Bồ-tát Địa Tạng liền nói ba loại thần chú: Đại, trung, tiểu, kế đến nói về cách vẽ tượng, sau đó nói về ấn chú, ấn Phổ cúng dường, Tổng thuyết tổng ấn, Thỉnh tán ấn, cuối cùng nói cách thành tựu 17 pháp hộ ma.

6. Kinh Địa Tạng Bồ-tát đà-la-ni (佛說地藏菩薩陀羅尼經), 1 quyển, không có tên người dịch, tạng Đại Chánh 20, số 1159B, trang 655.

Nội dung kinh này nói về Đà-la-ni, công đức và thệ nguyện của Bồ-tát Địa Tạng. Đà-la-ni gồm 63 câu, người trì tụng Đà-la-ni này có thể diệt trừ tất cả khổ não.

7. Địa Tạng Bồ-tát thập trai nhật (地藏菩薩十齋日), 1 quyển, không có tên người dịch, tạng Đại Chánh 85, số 2850, trang 1300.

Nội dung kinh này chỉ dạy 10 ngày ăn chay (giữ giới) trong tháng.

8. Kinh Địa Tạng bồ-tát (佛說地藏菩薩經), 1 quyển, không có tên người dịch, tạng Đại Chánh 85, số 2909, trang 1455.

Nội dung kinh kể về Bồ-tát Địa Tạng ở thế giới Lưu Ly phương Nam, dùng thiên nhãn thanh tịnh quán chúng sanh thọ khổ trong địa ngục, không chịu được cảnh ấy, Ngài mới đến địa ngục cùng vua Diêm-la phán xét, và cũng vì sợ vua Diêm-la đoán xử sai, hoặc chưa đúng tội mà xử chết... Đồng thời, nếu có thiện nam, thiện nữ nào đọc tụng, biên chép kinh Địa Tạng, vẽ hình tượng, hay niệm danh hiệu ngài, thì khi lâm chung đều được Ngài tiếp dẫn về thế giới Tây phương cực lạc...

9. Kinh Địa Tạng bồ-tát phát tâm nhân duyên thập vương (佛說地藏菩薩發心因緣十王經), gọi tắt kinh Địa Tạng thập vương, hay Thập vương kinh, 1 quyển, do Sa-môn Tạng Xuyên ở chùa Từ Ân phủ Thành Đô soạn, thuộc Tục tạng (chữ Vạn 卍) tập 1, số 20, trang 404a6.

Nội dung kinh này nói việc người chết chịu sự phán xét thiện ác ở điện Thập vương cõi âm phủ, về nhân duyên phát tâm cũng như bản nguyện của Bồ-tát Địa Tạng và chỉ rõ tiền thân vua Diêm-La chính là Bồ-tát Địa Tạng. Cuối cùng dùng bài kệ nói về Phật tính để kết thúc kinh.

Năm Canh Dần 2010, cư sĩ Huyền Thanh đã công phu Việt dịch và biên tập tổng hợp một số bộ kinh và nội dung nói về Thành đức của Đức Địa Tạng.

Nội dung gồm các phẩm :

Hình tượng của Địa Tạng Bồ Tát; Thủ Ấn Chân Ngôn của Địa Tạng Bồ Tát;

Phật nói Kinh Diên Mệnh Địa Tạng Bồ Tát ;Kinh Bách Thiên Tụng Đại Tập_Bài Tán Địa Tạng Bồ Tát Thỉnh Hỏi Pháp Thân ; Địa Tạng Bồ Tát Nghi Quỹ ;Phật nói Kinh Địa Tạng Bồ Tát Đà La Ni ; Mười ngày Trai của Địa Tạng Bồ Tát ;

Phật nói Kinh Địa Tạng ; Nghi Thức Tán Lễ Địa Tạng Bồ Tát Sám Nguyện;

Nghi Thức Trì Tụng Pháp Địa Tạng .

Trong các bộ Kinh trên, Kinh Địa Tạng Bồ-Tát bổn nguyện là bản kinh trì tụng thông dụng, đã được nhiều bậc Trưởng lão, Kỳ túc Việt dịch, chú giải, như Hòa thượng Trí Tịnh, Hòa thượng Trí Quang; Hòa thượng Tuyên Hoá (Tổng hội Phật giáo thế giới ở Vạn Phật Thánh Thành - Hoa Kỳ Việt dịch 1 bản, Cố thượng tọa Thích Chánh Lạc - Học viện Hải Đức, Nha Trang dịch 1 bản), cư sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền dịch là Địa Tạng Mật Nghĩa

Posted Image

8 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

III – Mấy điểm đặc biệt của Kinh Địa Tạng Bồ-Tát bổn nguyện :

Như đã dẫn ở trên một trong những nội dung của một bộ kinh Phật là nói về Thánh Đức và linh ứng của một vị Phật hay Bồ Tát.

- Kinh Dược Sư ca ngợi Thành Đức của Đức Đông Phương giáo chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật và các hạnh nguyện của Ngài.

- Kinh A Di Đà ca ngợi Thánh Đức của Đức Tây Phương Cực Lạc Thế giới Đại Từ Đại Bi tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật và các hạnh nguyện của Ngài.

- Kinh Pháp hoa ca ngợi hạnh nguyện các vị Bồ-tát: Quan Thế Âm, Trì Địa, Thường Bất Khinh, v.v…

- Kinh Địa Tạng Bồ-Tát bổn nguyện này nói về công đức bản nguyện, thệ nguyện bản sinh của Bồ-tát Địa Tạng.

1- Điểm đặc biệt thứ nhất là nơi chốn giảng kinh :

Khởi đầu một bộ kinh Đại Thừa là giới thiệu địa điểm giảng bộ kinh đó, thường thì các địa điểm đó là những nơi địa linh thuộc về “ mặt đất “ này ví dụ :

- Kinh Hoa Nghiêm : Như vậy tôi nghe, một lúc Phật ở nước Ma Kiệt Ðề, trong Đạo Tràng Bồ Đề, ban đầu thành Vô thượng Chánh giác. Nơi đó đất cứng chắc, bằng Kim Cang.

- Kinh Thủ Lăng nghiêm : Tôi nghe như vầy, một thời, Phật ở tại Tinh xá Kỳ-hoàn trong thành Thất-la-phiệt.

- Kinh Dược Sư : Tôi nghe như vầy, Một thời, đức Thế tôn du hóa các nước, đến thành Quảng nghiêm, dừng ở dưới cây Tiếng nhạc….

- Kinh A Di Đà : Tôi nghe như vầy,một thủa nọ Đức Phật ở nơi vườn Kỳ Thọ, Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ…

- Kinh Pháp Hoa : Tôi nghe như vầy, một thời, Ðức Phật ở tại thành Vương Xá, trên núi Kì Xà Quật

Tại kinh Địa Tạng Bồ-Tát bổn nguyện : Ta nghe như thế này: Một thuở nọ, tại cung Trời Ðao Lợi (1) ….

( Trời Đao Lợi: là từng trời thứ hai trong 6 từng trời ở cõi Dục. Đao lợi là tiếng Phạn, dịch là “tam thập tam” nghĩa là ba mươi ba, từng trời này ở tại núi Tu di nơi đó chia ra làm 33 nước trời, 32 nước ở bốn phương xung quanh, mỗi phương 8 nước; chính giữa là Thiện Kiến thành, cung của trời Đế Thích, vị trời này quyền thống nhiếp cả 33 nước trời.)

Như vậy một điểm đặc biệt của Kinh Địa Tạng Bồ-Tát bổn nguyện là một trong những bộ Kinh được giảng ở trên cõi Trời

Theo truyền thống Phật Giáp Tây Tạng ( Kim Cương Thừa ) trong 1 niên lịch ( lịch Tạng) có nhiều ngày công đức tăng trưởng, nghĩa là vào những ngày đó làm một việc tốt nào đó thì công đức được tăng trưởng lên nhiều lần. Trong những ngày công đức tăng trường có 4 ngày công đức gấp 10 triệu lần :

- Ngày Đức Phật Thích Ca phô diễn thần thông

- Những ngày trong tháng tam hợp : Đức Phật Đản Sinh, Đức Phật thành đạo và Đức Phật nhập Niết bàn.

- Ngày Đức Phật chuyển pháp luân

- Và ngày Đức Phật hạ thế từ cõi trời Đế thích (2)

========================

Chú thích :

(1) xem thêm : THIÊN THỨ MƯỜI MỘT

THUYẾT PHÁP ÐỘ PHẬT MẪU Ở CÕI TRỜI ÐẠO LỢI

Sau khi dùng thần thông thắng ngoại đạo xong. Ðức Thế Tôn dùng trí tuệ quan sát coi: Thường khi chư Phật lúc quá khứ làm những gì, ngự đi đâu sau khi thắng ngoại đạo? Ðức Thế Tôn thấy chư Phật quá khứ sau khi thắng ngoại đạo xong, Ngài liền ngự lên cõi trời Ðạo Lợi nhập hạ và thuyết pháp độ Phật mẫu. Pháp mà chư Phật quá khứ thuyết ở cõi Ðạo Lợi như trào lưu chảy rất mạnh giữa chư Thiên.

( Trích : Lịch Sử Ðức Phật Tổ Cồ Ðàm

Maha Thongkham Medhivongs)

(2) Ngày Vía Đức Thích Ca Hạ Thế Từ Cung Trời Đâu Suất là một ngày cát tường nhất trong năm.

Cung trời Đâu Suất Thiên được phân làm hai Viện: 1. Đâu Suất Thiên Ngoại Viện và.

Đâu Suất Thiên Nội Viện.

+ Tại Đâu Suất Thiên Ngoại Viện, chư thiên hưởng cảnh an vui nhàn nhã với nhiều lạc thú, những vị đã tạo nhiều công đức thường tái sinh lên cõi trời này và thọ báo công đức cho đến khi hết mới phải chết và đi tái sinh. Nhưng chúng ta không nên cầu xin tái sinh vào Đâu Suất Thiên Ngoại Viện vì tại đây chỉ có lạc thú mà không có Phật pháp.

+ Ngược lại, Đâu Suất Thiên Nội Viện thì có Phật pháp, và hiện giờ đang có Đức Phật Di Lặc đang thuyết pháp tại đó. Chư vị nào đã tạo nhiều công đức do tu hành nhập thiền định thường được tái sinh lên cõi trời này để tiếp tục hành trì đạo pháp cho đến khi đạt Giác Ngộ (theo kinh Đâu Suất Thiên , thì 400 năm ở nhân gian dài bằng một ngày một đêm tại cung trời Đâu Suất).

Theo lịch sử Phật Giáo thì sau khi thành đạo, trong 41 năm đức Thích Ca thường nhập thiền định vào mùa mưa và thời an cư kiết ha. Chư đệ tử chỉ thấy Ngài ngồi thiền định, nhưng thực ra trong lúc đó có khi Ngài phân thân đi nơi khác hoằng đạo.

Tương truyền là Ngài đã thi triển thần thông đi lên trên cung trời Đâu Suất Thiên và ở tại đó 3 tháng (tính theo thời giờ của nhân gian) để thuyêt pháp cho Hoàng Hậu Ma Gia

(Phạn ngữ là Mayadevi, tức là mẹ sinh ra Ngài vì bà đã tạ thế bảy ngày sau khi Ngài hạ sinh, và tái sinh vào thân của một vị Thiên Nam trên cung trời Đâu Suất).

Tương truyền là 7 ngày trước khi Đức Thích Ca hạ thế từ Đâu Suất, Ngài ngưng tàng hình và nhờ đó mà đại đệ tử của Ngài là A Nậu Lâu Đà mới có thể dùng thiên nhãn để thấy được Ngài. Do đó A Nậu Lâu Đà đã thỉnh vị đệ tử Đệ Nhất Thần Thông Mục Kiền Liên bay lên cung trời Đâu Suất để đón Ngài hạ thế. Mục Kiền Liên tuân lời A Nậu Lâu Đà và bay lên Đâu Suất để thỉnh Đức Thích Ca hạ thế và bạch Ngài là chư đệ tử rất nhớ Ngài và xin thỉnh Ngài trở về lại cõi nhân gian để thuyết pháp cho tăng đoàn. Ngài trả lời là sẽ trở về trong 7 ngày. Khoảng thời gian này là lúc đang dựng tượng của vua Ba Tư Nặc

Ngày Đức Thích Ca hạ thế, một đoàn thể lớn của chư tăng, các vua chúa và dân chúng của 8 nước lân cận họp nhau tề tựu đón mừng. Khi Đức Thích Ca hạ thế, một cái cầu thang bằng vàng bay từ trời xuất hiện trước theo mỗi bước Ngài đi xuống. Bên phải Ngài là vị trời Phạm Thiên, tay cầm phất trần màu trắng và đi xuống trên một cầu thang bằng pha lê trong suốt. Bên trái Ngài là vị trời Đế Thích đi xuống trên một cầu thang bằng bạc, tay cầm lọng che làm bằng châu bảo. Một doàn thể chư thiên đi theo sau để tiễn đưa Ngài về cõi nhân gian.

Đức Phật tắm ngay sau khi hạ thế, sau này tại đó có xây một ngôi nhà và một bảo tháp để ghi lại dấu tích.

Nơi Đức Thích ca hạ thế là thành Sankàsya nước Xá-vệ của Ấn độ, ngày nay còn là một nơi chốn có rất nhiều Phật tử đi hành hương.

Theo truyền thống của tông phái Giới Đức (do Đức Đạt Lai Lạt Ma lãnh đạo) thì vào ngày vía này, chúng đệ tử vân tập tại chùa để hành trì Lễ Cúng Dường Đức Bổn Sư )

Tóm Lược Về Ngày Vía Đức Thích Ca Hạ Thế Từ Cung Trời Đâu Suất –

Lý Bùi

Pháp danh Sonam Nyima Chân Giác)

Posted Image

2- Điểm đặc biệt thứ hai là đối tượng thọ nhận kinh điển :

Trong cuộc đời du hóa chư quốc, truyền dạy giáo lý Phật đà Đức Phật cũng nhiều lần về lại kinh đô của vua cha để giảng đạo cho dòng tộc Thích ca

Tại các bộ kinh Đại thừa và Mật thừa, đối tượng được nghe Ngài giảng kinh thường là các vị Bồ Tát, La hán, Chư thiên, Quốc vương, Đại thần, Balamôn, cư sĩ Thiên long bát bộ, nhân và phi nhân…. Và trong hàng chúng như thế, có một vi đặt vấn đề và Ngài sẽ vì một vị nào đó mà nói Pháp.

Không lập tâm phân biệt, luôn biết rằng Kinh điển Phật giáo bất khả tư nghì vô lượng vô biên công đức và oai lực. Nhưng so sánh thì đa số các bộ kinh Đức Phật cũng thường vì Đại Chúng mà thuyết pháp.

Kinh Địa Tạng ra đời trước tiên là do lòng hiếu thảo của Đức Phật đối với bậc sanh thành, Ngài đã tưởng nghĩ đến mẹ khi biết rằng mình sẽ không còn trụ thế bao lâu nữa nên đã lập Pháp hội tại cung trời Đao Lợi để độ thoát cho thân mẫu. (1)

Đây là một Pháp hội vô cùng quan trọng vì có sự hiện diện đông đủ của chư Phật khắp mười phương thế giới, chư Đại Bồ Tát như Quán Âm, Văn Thù, Phổ Hiền... cùng các chúng Trời, Rồng, Quỉ, Thần khắp các cõi. Diễn nói Kinh Địa Tạng trong Pháp hội này vì thế mang một ý nghĩa vô cùng lớn lao. Là bậc Cha lành trong bốn cõi, không một việc làm nào dù nhỏ hay lớn mà Đức Thế Tôn lại không nghĩ đến lợi lạc của tất cả Pháp giới chúng sanh. Trong Pháp hội này Ngài vì thân mẫu mà thuyết Pháp nhưng động cơ chính vẫn là lòng từ bi lân mẫn đối với chúng sanh ở cõi Ta bà, đặc biệt là đối với những chúng sanh cang cường đầy tội khổ, khó khai hóa mà Ngài biết chắc chắn là sẽ "bị đọa vào đường dữ chịu nhiều sự thống khổ", vì thế trong Pháp hội này Ngài đã phó chúc cho Bồ Tát Địa Tạng nhiệm vụ "gắng độ chúng sanh trong cõi Ta bà đến lúc Phật Di Lặc ra đời, đều đặng giải thoát, khỏi hẳn các điều khổ, gặp Phật, được Đức Phật thọ ký.” (Quyển Thượng Phẩm Thứ Hai: Phân Thân Tập Hội).

Đương thời đó đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngự tại cung trời này mà thuyết pháp trong 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 7). Thánh mẫu là bà Ma Gia phu nhân sinh mẫu của Thái Tử Sĩ Đạt Ta. 7 ngày sau khi hạ sinh thái tử, bà bỏ thân người sinh lên cõi trời Đao Lợi. Bấy giờ đức Phật sắp nhập diệt, ngài ngự lên đó nói pháp, trước để đáp ơn sinh thành, sau nhân đó mà giáo hóa hàng chư Thiên, cùng Long, Thần bát bộ và cả thảy Thánh, phàm.

Như vậy điểm đặc biệt thứ hai của Kinh Địa Tạng Bồ-Tát bổn nguyện là một trong những bộ kinh Đức Thế Tôn vì Mẹ mà thuyết pháp.

Con người, trong các mối quan hệ tình cảm cha con; vợ chồng ; anh em; bạn bè … thì tình mẫu tử luôn có một vị trí đặc biệt. Mặc dù cũng là đấng sinh thành, nhưng vị trí của người Cha trong đứa con không thể sâu đậm như người Mẹ.

Phải chăng : Công Cha chỉ mới như núi Thái sơn – cao thật cao nhưng còn có ngọn.?

Nhưng nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra – thật vô tận.!

Nên đã có thật nhiều tác phẩm nghệ thuật, văn học, ca khúc ca ngợi về tình mẹ, hơn là tình cha.?

Nghĩ cho cùng thì không nên phân biệt so sánh nhiều, nhưng thực tế là như vậy.

Nói thêm chút ít cũng là thừa, bởi tất cả chúng ta ai cũng ít nhiều thấu hiểu thế nào là tình cảm của người con đối với người Mẹ, so với các thứ tình cảm khác như đã nêu ở trên.

Đạo Phật là đạo chủ trương hiếu nghĩa, những ai đang có Cha Mẹ già trong nhà là đang được hiện diện trước Phật sống giữa đời thường. Truyền thống đó đưa vào thành nghi lễ đặc biệt đặc biệt chắc ít có tôn giáo nào có được – mùa Vu lan bồn.

Phật tử Việt Nam ai cũng đều biết tích tuồng : Mục Kiền Liên cứu Mẹ, thường được công diễn vào các dịp lễ Vu Lan hàng năm, chuyện kể về Đức Mục Kiền Liên xuống địa ngục cứu Mẹ là bà Thanh Đề bị đọa làm Ngạ qủy. Ngài là 1 trong mười đại đệ tử của Đức Phật được tuyên là đệ nhất thần thông, nhưng vậy mà với những nghiệp nặng bà Thanh Đề tự gây ra, Ngài cũng không làm được gì hơn ra ngoài quy luật quả báo. Chỉ đến khi Đức Phật dạy rằng:“Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó ”

Theo lời Phật dạy, Ngài làm đúng lời và mẹ ngài được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp).

Ngài Mục Kiền Liên sau có tên gọi là Đại Hiếu Mục Kiền Liên cũng là từ tích đó.

Như vậy có hai câu chuyện về sự đại báo hiếu trong Phật đạo. Một là : Bậc thầy là Ðức Thế Tôn vì Mẹ mà lên trời giảng pháp. Hai : bậc trò là Đại Hiếu Mục Kiền Liên cũng vì Mẹ mà xuống địa ngục tìm đường cứu mẹ. Rồi cả hai bà Mẹ đề được độ lên những cảnh giới cao.

Nên ngoài những nội dung của bộ kinh có nói về chuyện hiếu nghĩa, thì những nội dung phân tích ở trên, Kinh Địa Tạng Bồ-Tát bổn nguyện được gọi là hiếu kinh của Phật giáo phải chăng là như vậy.

========

(1) Nghĩ xong đức Thế Tôn mới đưa tay mặt ra về hướng Phật mẫu đang ngồi rồi nói:

- Thưa mẫu hậu, xin lịnh mẫu hậu hãy đến gần đây để Như Lai được trả món nợ vĩ đại là sự cực nhọc chăm nom săn sóc cho Như Lai bú mớm từ giọt sữa miếng cơm trong khi còn luân hồi trong tam giới.

Ðức Thế Tôn bắt đầu thuyết bộ Vi Diệu Pháp ấy chia ra làm bảy phần khác nhau, thuyết trót ba tháng hạ tại cõi trời Ðạo Lợi. Ðức Thế Tôn độ Phật mẫu đắc được Tu-đà-huờn quả và chư Thiên thành đạo nhiều vô số kể.

( Trích : Lịch Sử Ðức Phật Tổ Cồ Ðàm - Maha Thongkham Medhivongs)

Posted Image

3- Điểm đặc biệt thứ ba là hạnh nguyện và công đức của vị Bồ Tát được giảng :

Trong các bài quán tưởng đảnh lễ trước các nghi lễ trì tụng kinh chú của Phật giáo Đại thừa Bắc tông, chúng ta thường hay gặp câu đảnh lễ :

ĐẢNH LỄ

- Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Tận hư không biến pháp giới, quá, hiện, vị lai Thập phương chư Phật, Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng, thường trú Tam bảo. (1 lạy)

- Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Ta Bà Giáo chủ Điều ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đương lai Hạ sanh Di Lặc Tôn Phật, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát, Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát (1 lạy)

- Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật, Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (1 lạy)

Theo thuyết Ngài Di Lặc là vị phật thời tương lai, thì ở đây chúng ta được đảnh lễ 6 vị đại bồ tát

- Đại Từ Di Lặc Bồ Tát : ( Từ - hiền hậu )

- Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát ( Trí – trí tuệ )

- Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát ( Hạnh – Đức Hạnh )

- Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát ( Bi – Lòng thương )

- Đại Thế Chí Bồ Tát ( Chí – Chí khí, dũng khí )

- Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát ( Nguyện – nguyện lực , lời hứa hay lời “thề” )

Trong đó bốn vị Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát khi đến các nơi thánh tích, chùa chiền thì thường gặp tôn tượng hơn cả.

Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát là hai vị Bồ Tát có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong đời sống cũng như văn hóa tinh thần của người Đông Phương, người Đông Phương khi còn sống gặp khổ nạn thì cầu mẹ hiền Quán Âm cứu khổ, khi mất rồi, thì trông cậy vào sự phổ độ của giáo chủ cõi U Minh Địa Tạng Từ Tôn, con người ngoài sống và chết ra đâu có gì to lớn hơn cũng như đáng để lo hơn

Trong truyền thống Phật giáo Kim Cương Thừa, Địa Tạng Vương Bồ Tát cũng thường được trì niệm khi tuyên danh hiệu tám vị Đại Bồ Tát

Tám vị Bồ Tát

Đức Văn Thù Sư Lợi trẻ trung, Đức Kim Cương Thủ quang vinh, Đức Quán Thế Âm quyền uy,

Đức Bảo trợ Di Lặc từ ái vô biên, Đức Địa Tạng , Đức Trừ Cái Chướng, Đức Hư Không Tạng, và Đức Phổ Hiền cao quý nhất.

Thật thanh nhã, các Ngài cầm những biểu tượng là Hoa sen xanh, Chày kim cương, Hoa sen trắng, cây Naga, Ngọc báu, Mặt trăng, Thanh kiếm và Mặt trời! Và siêu việt trong việc ban cho sự cát tường và thành tựu, chúng con xin đảnh lễ Tám vị Bồ Tát!

( Trích : Bài nguyện Tám đấng Cát tường – với lời chú dẫn : Nếu bạn trì tụng bài cầu nguyện này khi khởi sự việc gì, bạn sẽ hoàn thành tất cả các mục tiêu của ngày hôm đó. Nếu bạn trì tụng bài cầu nguyện này khi bạn ngủ, bạn sẽ trải qua những giấc mơ đẹp. Nếu bạn trì tụng bài cầu nguyện này trước khi bạn bước vào một cuộc chiến, bạn sẽ là người chiến thắng. Nếu bạn trì tụng bài cầu nguyện này khi bạn bắt đầu một hoạt động, điều bạn ước muốn sẽ tăng trưởng. Nếu bạn trì tụng bài cầu nguyện này hằng ngày thì tuổi thọ, vinh quang, danh tiếng, thịnh vượng, cát tường, hạnh phúc và xuất sắc sẽ được thành tựu viên mãn như mong ước của bạn. Tất cả các hành động và chướng ngại gây hại sẽ được tịnh hóa. Cả những cõi cao hơn và Phật quả tối thắng -- tất cả mục tiêu đều sẽ được thành tựu.)

Nguyện : Nguyện như là lời hứa, lời cam kết hay lời “Thề”. Ví dụ như các chiến sĩ có nguyện : Trung với nước, hiếu với dân nguyện một lòng mang sức mình ra phụng sự tổ quốc.

Trong kinh điền Phật giáo, Phật A Di Đà có 48 lời nguyện, Phật Dược Sư có 12 lời nguyện; các vị Bồ Tát (Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát , Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát ) đều có hạnh nguyện trước khi thành Phật. Nhưng xét ra, các hạnh nguyện của 3 vị Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Thế Âm cũng có thể có ngày đạt thành quả vị. Còn hạnh nguyện của ngài Địa Tạng thì thật là lâu, bởi : “chừng nào độ hết chúng sanh thì mới nguyện thành Phật “ hay “Nếu nơi địa ngục còn một bóng ma, quyết không thành Phật!" Nên xưng danh hiệu Ngài là Đại Nguyện là như vậy.

Bồ Tát Địa Tạng là một vị Đại Bồ Tát công năng, oai lực của vị Bồ Tát này vô cùng lớn lao. Nếu chúng ta tôn xưng Đức Từ Phụ là Ta bà Giáo chủ thì Bồ Tát Địa Tạng cũng đã được tôn xưng như là vị U Minh Giáo Chủ, tức là người tiếp trợ, giúp đỡ các chúng sanh ở thế giới bên kia, tức là cõi âm. Ngài là nơi nương tựa, nguồn an ủi của những oan hồn vất vưởng không nơi nương tựa đến những linh hồn vì ác nghiệp bị giam giữ và trừng phạt tận các tầng địa ngục. Tên gọi của Ngài cũng đã mang một ý nghĩa như thế. Địa là đất cũng có nghĩa là dày chắc, Tạng là cất giấu, chứa đủ. Danh hiệu của Ngài hàm ý rằng Ngài là đại địa bao la, nơi ẩn chứa những kho tàng quý giá, tức thiện căn. Địa Tạng vì thế như là hình ảnh của một người mẹ thiên nhiên ôm ấp, bảo bọc, che chở tất cả muôn loài không phân biệt. Chẳng thế mà Đức Thế Tôn đã lên tiếng tán dương: "Địa Tạng! Địa Tạng! Thần lực của ông không thể nghĩ bàn, đức từ bi của ông không thể nghĩ bàn, trí huệ của ông không thể nghĩ bàn, biện tài của ông không thể nghĩ bàn."

ĐẠI NGUYỆN ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT

Một bộ kinh ca ngợi Thánh đức và oai lực của Một vị Vương - U Minh Giáo Chủ là điểm đặc biệt thứ ba của bộ Kinh này.

8 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Lý tưởng Bồ-tát qua hình tượng ngài Địa Tạng

18 Tháng 12 2009

Hồng chung sơ khấu

Bảo kệ cao âm

Thượng thông thiên đường

Hạ Triệt địa phủ

Nam-mô U minh giáo chủ, cứu khổ bổn tôn, cứu bạt minh đồ, Đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ-tát ma-ha-tát.[1]

Có lẽ suốt cuộc đời tôi sẽ không sao quên được bài kệ và danh hiệu của vị Bồ-tát ấy, bởi bài kệ và danh hiệu ấy đã đánh dấu một thời hành điệu của tôi. Làm sao quên được những kỉ niệm và hình ảnh của một chú tiểu nhỏ bé với cái chỏm trên đầu, mới ba giờ rưỡi sáng, trong cái lạnh giá buốt của miền cao nguyên trung phần Pleiku, tay cầm chùy đại hồng chung, miệng đọc bài kệ và niệm danh hiệu của Bồ-tát Địa Tạng và đánh lên những tiếng chuông thanh thoát giữa đêm tàn cô tịch, nhất tâm cầu nguyện cho những chúng sanh đang chịu những cực hình khổ đau trong địa ngục và thức tỉnh cả nhân loại đang say giữa giấc mộng miên trường.

Tiếng chuông, danh hiệu của Bồ-tát và bài kệ ấy đã theo tôi từ thời hành điệu như thế, và tôi cũng biết rằng đó là bài kệ nằm lòng của những người con Phật, bởi bài kệ niệm chung ấy ngày nào cũng được ngân vang trước hai thời công phu (công phu khuya và tối). Âm thanh, ý nghĩa bài kệ và danh hiệu Bồ-tát ấy cao huyền làm sao, và tôi chắc rằng không có một bài kệ nào hay hơn và ý nghĩa hơn có thể thay thế được.

Posted Image Hình vẽ Địa Tạng Bồ Tát ở Goryeo,Hàn quốc vào cuối thế kỉ 14

Chúng ta chưa bàn về ý nghĩa cao xa của kinh Địa Tạng hay hạnh nguyện, hình tượng… của ngài Địa Tạng, chỉ cần qua bài kệ ngắn 16 chữ và danh hiệu ấy, cũng đủ cho chúng ta thấy được tầm quan trọng về lý tưởng Bồ-tát qua hình tượng ngài Địa Tạng trong lòng người con Phật rồi.

Tinh thần Đại thừa nói chung hay lý tưởng Bồ-tát nói riêng đã đưa Phật giáo vượt thoát những không gian hạn hẹp, vượt qua những giới hạn của nhà chùa hay tinh xá “cửa đóng then cài” hay “thiền môn u tịch”… để đưa Phật giáo đi vào cuộc đời, thể hiện lý tưởng độ sanh hay tinh thần cứu khổ của người con Phật. Đó chính là lý tưởng và tinh thần của các vị Bồ-tát.

Cho đến ngày nay, nói theo ngôn ngữ của người xưa “sáu mươi năm cuộc đời” thì tôi đã đi hơn một nửa rồi. Trong suốt những năm dài học Phật, tôi chợt giật mình nhìn lại tinh thần siêu việt của Đại thừa hay lý tưởng Bồ-tát mà chư Phật, chư Tổ đã dạy cho người xuất gia ngay từ lúc bước chân vào đạo. Tôi nhớ ngày ấy, ngày đầu tiên mới xuất gia vào cửa chùa, chưa thuộc một bài kinh cơ bản nào, ngay cả chú Đại Bi, Sư phụ tôi đã dạy tôi học sáu chữ “Tỳ ni nhật dụng thiết yếu” (Luật dùng cần thiết hằng ngày). Người còn dạy “Nghi tiên học luật, hậu học tu-đa-la” (trước tiên phải học luật, sau đó mới học kinh). Giờ nghiệm lại những dòng kệ ấy, tôi chợt nhận ra lý tưởng siêu việt của Bồ-tát đã ẩn tàng bao la trong những dòng kệ Tỳ-ni ban đầu ấy. Năm mươi mốt câu kệ trong bộ luật này[2] đã dạy cho người xuất gia sơ cơ mới vào cổng chùa, từ những lúc gà gáy canh khuya, khi vừa thức dậy bước chân xuống giường cho đến khi đi ngủ, phải thiết lập chánh niệm trong mỗi một việc làm của mình và thực hiện lý tưởng Bồ-tát của người con Phật là phải cầu nguyện và hồi hướng công đức đến với tất cả chúng sanh “đương nguyện chúng sanh”.

Phật giáo Đại thừa, hay lý tưởng Bồ-tát đã được thiết lập và truyền dạy cho những vị xuất gia sơ cơ, ngay khi phát nguyện ra khỏi nhà thế tục bước chân vào cửa đạo qua những bài kệ của luật Tỳ-ni hay bài kệ hô chung với hình ảnh của ngài Địa Tạng mà các chú tiểu đã đọc tụng và đánh lên những tiếng đại hồng chung thức tỉnh cả thiên hà, u cảnh “Thượng thông thiên đường, hạ triệt địa phủ.”

Kinh Tạp A-hàm (Samyutta Nikaya) kể rằng: Có một hôm, tại xứ Kosambi, đức Phật từ trong rừng đi ra, trên tay Ngài cầm một nắm lá Simsapa và hỏi các vị Tỳ-kheo rằng lá trong rừng nhiều hay lá trên tay Ngài nhiều. Các Tỳ-kheo đều trả lời, lá trong rừng rất nhiều, lá trên tay rất ít. Đức Phật dạy, những gì Ngài dạy cho các Tỳ-kheo chỉ như lá trong tay của Ngài, còn những gì Ngài biết thì như lá trong rừng. Với tinh thần siêu việt của Đại thừa, chúng ta có thể hiểu rằng các vị Bồ-tát thuở xưa như ngài Mã Minh (Asvagosa), Long Thọ (Nagarjuna), Vô Trước (Asanga), Thế Thân (Vasubandhu), v.v… đã nương theo nắm lá Simsapa trong bàn tay của đức Phật và hướng đến rừng lá Simsapa vô tận trong rừng. Có lẽ trên tinh thần siêu việt ấy mà giáo lý Đại thừa đã được thành lập, lý tưởng Bồ-tát cao siêu đã xuất hiện ngay từ thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch, để thay thế cho chủ nghĩa bộ phái sắp suy tàn và đưa Phật giáo phát triển một cách rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới. Đó chính là sự xuất hiện những tư tưởng siêu việt qua các bộ kinh như Bát-nhã (Prajna Paramita sutra), Pháp Hoa (Saddharmapundarika), Hoa Nghiêm (Avatamsaka), Duy-ma-cật (Vimalakirtinidesa), kinh Địa Tạng, Vu Lan Báo Hiếu, v.v…

Lý tưởng Đại thừa của Phật giáo được thể hiện cụ thể qua những lý tưởng và hạnh nguyện của các vị Bồ-tát. Trong vô lượng Bồ-tát được đề cập trong các kinh điển Đại thừa, có bốn vị đại Bồ-tát nổi bật nhất: Văn Thù Sư Lợi (Manjuri), Phổ Hiền (Samantabhadra), Quán Âm (Avalokitesvara) và Địa Tạng (Kstigarbha).

Ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu về Bồ-tát Địa Tạng. Công hạnh, hình tướng cũng như sự tu chứng của vị Bồ-tát này được đức Phật mô tả cụ thể trong kinh Địa Tạng. Có thể khẳng định rằng, kinh Địa Tạng là một trong những kinh nổi bật của kinh điển Đại thừa và được người con Phật thọ trì đọc tụng rất nhiều tại các nước như Trung Hoa, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… Một số học giả cho rằng kinh này được biên soạn tại Trung Hoa. Tuy nhiên, theo lịch sử truyền bá và dịch thuật kinh điển, bộ kinh này có nguồn gốc từ Ấn Độ, nguyên bản tiếng Phạn của kinh này tên là: Ksitigarbhaprani Dhana Sutra.[3] Kinh này được ngài Thật-xoa-nan-đà (Siksanada) dịch đầu tiên sang tiếng Hán vào thời đại nhà Đường, bản tiếng Hán là: 地 藏 菩薩 本 願 經 (Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện kinh). Sau đó bản kinh này được dịch ra rất nhiều thứ tiếng khác như tiếng: Hàn, Nhật, Việt… Ngày nay bản kinh này cũng được lưu hành, nghiên cứu và thọ trì tại các nước phương Tây với tựa đề là “Sutra of the Past Vows of the Earth Store Bodhisattva), do hội nghiên cứu dịch thuật của HT. Tuyên Hóa, Vạn Phật Thánh Thành, Mỹ quốc dịch và phổ biến. Bộ kinh này được đức Phật thuyết giảng tại cung trời Đao Lợi[4], nhân dịp Ngài lên cung trời này thuyết pháp độ thân mẫu của Ngài là hoàng hậu Maya, qua sự thưa thỉnh của đức Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi. Tông chỉ bộ kinh này được HT. Tuyên Hóa tóm tắt trong tám chữ:[5] “Hiếu đạo, Ðộ sanh, Bạt khổ, Báo ân”, do vậy kinh này cũng được gọi là Hiếu kinh của Phật giáo. Nội dung bộ kinh này đức Phật thuyết giảng về công hạnh cao cả của ngài Địa Tạng qua những tiền kiếp của Ngài, đặc biệt là hiếu hạnh và sự độ sanh của Ngài.

Lý tưởng Bồ-tát và công hạnh của ngài Địa Tạng được đức Phật mô tả rất nhiều qua các kinh điển Đại thừa như: Phật Thuyết Đại Phương Quảng Thập Luân kinh, Ðại Thừa Ðại Tập Ðịa Tạng Thập Luân kinh, Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo kinh, Phật thuyết La Ma Già kinh, Hoa Nghiêm kinh, Hoa Nghiêm kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, Hoa Nghiêm Thập Ðịa kinh, Ðại Thừa Bổn Sanh Tâm Ðịa Quán kinh, Phật Thuyết Bát Ðại Bồ-tát kinh, v.v…[6]

Trong kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, đức Phật có dạy về bốn tiền thân, với bốn đại nguyện của ngài Địa Tạng: 1. Trong vô lượng kiếp về trước, ngài Địa Tạng là một vị trưởng giả, nhờ phước duyên được chiêm ngưỡng, đảnh lễ và được sự chỉ dạy của đức Phật Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai, vị trưởng giả này đã phát đại nguyện: “Từ nay đến tột số chẳng thể kể xiết ở đời sau, tôi vì những chúng sanh tội khổ trong sáu đường mà giảng bày nhiều phương tiện làm cho chúng nó được giải thoát hết cả, rồi tự thân tôi mới chứng thành Phật Ðạo.”[7] 2. Vào thời quá khứ vô số kiếp trước, thuở đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, tiền thân của Ngài là một người nữ dòng dõi Bà-la-môn có nhiều phước đức và oai lực; nhưng mẹ của cô không tin vào nhân quả tội phước, tạo rất nhiều ác nghiệp, sau khi chết bị đọa vào địa ngục. Là người con chí hiếu, cô rất thương nhớ mẹ, và đã làm vô lượng điều lành, đem công đức ấy hồi hướng cho mẹ, và cầu nguyện đức Phật cứu giúp. Nhờ các công đức chí thành ấy, đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại đã cho cô biết là mẹ của Cô đã được thoát khỏi cảnh địa ngục và vãng sanh về cõi trời. Vô cùng hoan hỉ trước tin ấy, cô đã đối trước đức Phật Giác Hoa phát nguyện: “Tôi nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai những chúng sanh mắc phải tội khổ, thì tôi lập ra nhiều phương chước làm cho chúng đó được giải thoát.”[8] 3. Trong hằng hà sa số kiếp về trước, thuở đức Phật Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai, ngài Địa Tạng là một vị vua rất đức độ, thương dân… nhưng chúng sanh lúc ấy tạo rất nhiều ác nghiệp, vị vua hiền đức này đã phát nguyện: “Như tôi chẳng trước độ những kẻ tội khổ làm cho đều đặng an vui chứng quả Bồ Ðề, thời tôi nguyện chưa chịu thành Phật.”[9] 4. Vô lượng kiếp về thuở quá khứ, thời đức Phật Liên Hoa Mục Như Lai, ngài Địa Tạng là một hiếu nữ tên Quang Mục có nhiều phước đức. Nhưng mẹ của Quang Mục lại là người rất ác, tạo vô số ác nghiệp. Khi mạng chung, bà bị đọa vào địa ngục. Quang Mục tạo nhiều công đức hồi hướng cho mẹ, và nhờ phước duyên cúng dường một vị A-la-hán, vị Thánh này đã cho biết rằng, mẹ của cô đã thoát khỏi cảnh địa ngục sanh vào cõi người, nhưng vẫn còn chịu quả báo sinh vào nhà nghèo hèn, hạ tiện, lại bị chết yểu… vì lòng thương mẹ và chúng sanh, Quang Mục đã đối trước đức Phật Liên Hoa Mục Như Lai phát nguyện: “Từ ngày nay nhẫn về sau đến trăm nghìn muôn ức kiếp, trong những thế giới nào mà các hàng chúng sanh bị tội khổ nơi địa ngục cùng ba ác đạo, tôi nguyện cứu vớt chúng sanh đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo: địa ngục, súc sanh và ngạ quỉ, v.v... Những kẻ mắc phải tội báo như thế thành Phật cả rồi, vậy sau tôi mới thành bậc Chánh Giác.”[10]

Có lẽ chính nhờ những tư tưởng hiếu đạo cao cả của đức Thế Tôn lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp độ thân mẫu Maya, về quê hương hóa độ thân phụ Tịnh Phạn Vương, hay các hạnh hiếu cao cả của tôn giả Mục Kiền Liên qua kinh Vu Lan Bao Hiếu và những hạnh hiếu cao cả của ngài Địa Tạng qua kinh Địa Tạng này… mà Phật giáo đã cảm hóa được tính độc tôn của Nho giáo từng thống trị ở đại lục Trung Hoa, đồng thời góp phần to lớn vào việc xây dựng nền đạo đức Đông phương. Tinh thần vô uý cao cả phát nguyện vào các địa ngục kinh khiếp để cứu độ những chúng sanh đầy tội lỗi ấy của đức Địa Tạng luôn là biểu tượng tôn quí để người con Phật hướng về đảnh lễ chí thành: “Chúng sanh độ tận Phương chứng Bồ-đề, địa ngục vị không thệ bất thành Phật, đại bi đại nguyện đại thánh, đại từ, bổn tôn địa tạng Bồ-tát Ma ha tát.”[11] Chính lý tưởng Bồ-tát siêu việt và cao cả ấy, hình tượng ngài Địa Tạng đã trở thành lý tưởng sống vị tha cao thượng qua một thành ngữ nổi danh: “Nếu ta không vào địa ngục thì ai sẽ vào?” (If I do not go to hell, who else will go?)

Nếu quê hương của Phật giáo có Tứ Động Tâm[12] hay Bốn Thánh Tích thiêng liêng của người con Phật, thì Phật giáo Trung Hoa có Tứ Đại Danh Sơn. Tứ Đại Danh Sơn là bốn thánh cảnh nổi danh, gắn liền với những huyền thoại nhiệm mầu về hóa thân tu tập của bốn vị Bồ-tát nổi danh trong Phật giáo, đó là: Bồ-tát Quán Thế Âm tại Phổ Đà Sơn còn gọi là Hải Thiên Phật Quốc ở tỉnh Triết Giang, Bồ-tát Phổ Hiền tại Nga Mi Sơn còn gọi là Tây Nam Phật Quốc ở tỉnh Tứ Xuyên, Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi tại Ngũ Đài Sơn còn gọi là Thanh Lương Thế Giới ở tỉnh Sơn Tây và Bồ-tát Địa Tạng tại Cửu Hoa Sơn còn gọi là Liên Hoa Phật Quốc ở tỉnh An Huy.[13]

Theo các sách như Thần Tăng Truyện, Cửu Hoa Sơn Chí… thì lịch sử của Cửu Hoa Sơn, thánh địa đạo tràng của ngài Địa Tạng được kể như sau: Vào năm 695 Tây lịch, vua nước Tân La (Hàn Quốc ngày nay) hạ sanh thái tử Kim Kiều Giác, lớn lên Thái tử có lòng mến mộ Phật pháp rất sâu. Năm 24 tuổi, ông từ bỏ hoàng cung quyết chí xuất gia, lấy hiệu là Địa Tạng. Lúc bấy giờ, Tỳ-kheo Địa Tạng nghe danh của ngài Huyền Trang sang Tây Trúc (Ấn Độ) thỉnh kinh và trở về Trung Hoa, giúp Phật giáo đời Đường phát triển đến đỉnh cao, hơn nữa Phật giáo Tân La được truyền từ Trung Hoa vào… Tỳ-kheo Địa Tạng phát nguyện vượt đại dương mênh mông đến Trung Hoa tu tập, hóa độ chúng sanh. Sau những năm vân du tham học nhiều nơi, cuối cùng Tỳ-kheo Địa Tạng đến núi Cửu Hoa, thấy cảnh núi non hùng vĩ, phong cảnh thanh nhàn thoát tục, Ngài dừng lại ở ngọn núi này lập một thảo am quyết tâm khổ hạnh tu đạo. Trong vùng lân cận của núi Cửu Hoa có một vị phú thương tên là Văn Các Lão, là một Phật tử có tâm hộ trì Phật pháp, từng phát tâm cúng dường và xây dựng rất nhiều chùa viện. Nhân một lần đi ngoạn cảnh tại núi Cửu Hoa, Văn Các Lão diện kiến được sự tinh tấn tu hành, cũng như đạo hạnh cao thâm của Tỳ-kheo Địa Tạng, ông liền thưa Tỳ-kheo Địa Tạng muốn dâng cúng Ngài một khu đất và lập một tự viện để Ngài tu hành. Tỳ-kheo Địa Tạng nói chỉ cần một khu đất che phủ bởi tấm áo Cà sa của Ngài, nhưng khi Ngài giũ áo lên thì tấm Cà sa phủ cả ngọn núi Cửu Hoa. Văn Các Lão vừa kính phục vừa vui mừng, liền mua cả ngọn núi Cửu Hoa cúng dường Ngài, ông còn phát tâm theo ủng hộ Ngài và cho người con trai của mình tên là Đạo Minh xuất gia theo Ngài học đạo. Từ ấy dân làng các vùng lân cận và các nơi đều kéo nhau về núi Cửu Hoa học Phật dưới sự hướng dẫn của Tỳ-kheo Địa Tạng, cũng trong thời gian ấy rất nhiều huyền thoại mầu nhiệm về sự cứu độ chúng sanh được kể về Ngài. Đến năm 99 tuổi, Tỳ-kheo Địa Tạng gọi đồ chúng đến dặn dò mọi việc rồi ngồi kiết già an nhiên thị tịch, lúc ấy là ngày 30 tháng 7 âm lịch. Theo lời dặn của Ngài các đệ tử đóng một cái quan bằng gỗ và tôn thờ tại núi Cửu Hoa, ba năm sau khai quan ra thì thấy nhục thân Ngài vẫn nguyên vẹn, sắc diện hồng hào, tỏa mùi thơm… các đệ tử liền xây một bảo tháp cao ba tầng trên núi Cửu Hoa để tôn thờ nhục thân Ngài, gọi là “Nhục thân bảo tháp”. Cũng trong năm ấy, năm 797, Hoàng đế nhà Đường lúc ấy là Đường Đức Tông nghe việc hy hữu nhiệm mầu, liền ban chiếu chỉ xây một bảo điện to lớn bao lên trên bảo tháp để bảo vệ nhục thân của ngài, gọi là “Nhục thân bảo điện” để tỏ lòng kính ngưỡng phụng thờ. Và nhục thân của Ngài đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Ngọn núi Cửu Hoa còn gắn liền với nhiều huyền thoại linh ứng về sự cứu độ chúng sanh của Bồ-tát Địa Tạng[14] và ngay từ thời ấy đến tận bây giờ, thánh địa Cửu Hoa Sơn trở thành một trong bốn thánh cảnh thiêng liêng nhất của Phật giáo Trung Hoa. Hàng năm, thánh địa Cửu Hoa sơn thu hút hàng vạn Phật tử và du khách tại Trung Hoa cũng như trên thế giới đến chiêm bái và viếng thăm.

Theo lịch sử của Cửu Hoa Sơn, Tỳ-kheo Địa Tạng thị tịch vào ngày 30 tháng 7 âm lịch, Phật giáo đã chọn ngày này làm ngày lễ vía hằng năm của Bồ-tát Địa Tạng. Cũng trên tinh thần ấy, sau lễ Vu Lan, các chùa thường khai kinh Địa Tạng và thọ trì, đọc tụng hết tháng này. Và các pháp hội về Bồ-tát Địa Tạng cũng thường được tổ chức trong những ngày này.

Trong các tranh tượng của chư đại Bồ-tát, chúng ta có thể thấy rằng, hình tượng của Bồ-tát Địa Tạng là tiêu biểu cho hình dáng và lý tưởng của người xuất gia hơn là những hình tượng của các vị Bồ-tát khác. Nếu hình tượng của Bồ-tát Quán Thế Âm có hình dáng của người mẹ hiền, với bình cam lộ, giọt nước, cành dương xoa dịu những nỗi khổ đau nơi trần thế; hình tượng của Bồ-tát Văn Thù như một nhà thông thái tự tại trên lưng sư tử oai hùng, với thanh gươm trí tuệ chặt đứt những sợi dây phiền não vô minh; hình tượng của Bồ-tát Phổ Hiền an nhiên trên con bạch tượng với cành hoa sen trên tay, tiêu biểu cho thập hạnh chuyên cần tiến bước trên đường giác ngộ; thì hình tượng của Bồ-tát Địa Tạng với đầu tròn đội mũ Tỳ lư, mình đắp Cà sa, tay cầm tích trượng tiêu biểu cho hình tượng của chư Tăng, thực hiện lý tưởng cứu khổ độ sanh. Đó là hình tượng của ngài Địa Tạng mà chúng ta thường gặp nhất trong các chùa. Trong chánh điện các chùa, tôn tượng của Ngài thường được tôn thờ bên phải đức Thế Tôn hay đức Phật Di Đà, bên trái là Bồ-tát Quán Thế Âm.

Đôi khi hình tượng Ngài còn được mô tả bên phải có hộ pháp Văn Các Lão, bên trái là Tỳ-kheo Đạo Minh, dưới chân Ngài là con Linh khuyển.[15] Một hình tượng của Ngài mà chúng ta thường trông thấy trong các buổi đại trai đàn chẩn tế là, Ngài ngồi tự tại trên một con kì lân hung tợn một sừng, tay phải cầm tích trượng, tay trái cầm viên minh châu tỏa sáng quang minh để cứu độ chúng sanh trong cảnh giới địa ngục kinh hoàng. Dù là hình tượng nào thì ngài Địa Tạng vẫn là hình tượng trang nghiêm tiêu biểu cho ‘đầu tròn áo vuông’, đầu đội mũ Tỳ lư, tay cầm tích trượng, mình mặc áo Cà sa… đó chính là hình ảnh của một vị Tăng xuất thế.

Tuy nhiên, bước sang tinh thần của Phật giáo Nhật Bản thì lý tưởng, hạnh nguyện và hình tượng của ngài Địa Tạng rất đặc biệt, có đôi phần khác so với các nước Trung Hoa, Đài Loan, Việt Nam[16]… như đã miêu tả ở trên. Khi kinh Địa Tạng được truyền sang Nhật, người Phật tử Nhật có lẽ chú trọng và phát huy về sự cứu độ của ngài Địa Tạng qua hạnh nguyện cứu độ và bảo vệ những trẻ em bị yểu mạng, hay bất hạnh chết trong bào thai (sẩy thai) hay chết yểu lúc tuổi còn rất nhỏ; chính vì vậy mà hình tượng của Bồ-tát Địa Tạng thường được mô tả theo truyền thống Nhật là tay phải cầm tích trượng, tay trái bồng một em bé, đôi khi là hình tượng tay phải buông xuống cứu độ các trẻ em, tay trái bồng một em bé, dưới chân Ngài có 3 em bé đang vói tay đòi Ngài bồng, hay hình tượng của Ngài trong hình tượng là một em bé tay phải cầm gậy, tích trượng để đánh đuổi bọn quỷ hung ác, tay trái cầm một toà nhà, hay hình tháp nhỏ để hòa đồng và giúp những em bé bất hạnh, bơ vơ tích tạo công đức vượt qua dòng sông Nại Hà…[17]

Chúng sanh với đa căn, đa bệnh, để thích ứng từng căn cơ, từng hoàn cảnh, Bồ-tát Địa Tạng cũng tùy theo đó mà thị hiện những hình tướng tương ưng để hóa độ. Hình ảnh của đức Thế Tôn cũng tùy theo những quốc gia mà có những nét khác biệt, và giáo lý của Phật giáo cũng vậy, có Nam truyền, Bắc truyền, hay Nam tông, Bắc tông; có Nguyên thủy Phật giáo, Tiểu thừa Phật giáo và Đại thừa Phật giáo, v.v… tuy muôn màu muôn vẻ, đa dạng như thế nhưng đó chỉ là sự khác biệt trên hình tướng, danh tự… để thích hợp với từng thời đại, quốc độ, địa phương, hay từng căn cơ, lý tưởng của chúng sanh… còn về mặt bản thể, hay mục đích thì vẫn là một; đó là để tu tập giác ngộ, hoá độ chúng sanh và hướng đến sự toàn giác (tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn).

Lý tưởng Bồ-tát qua hình tượng của ngài Địa Tạng tuy được phác họa qua những nội dung đơn giản trên, nhưng đó cũng chính là lý tưởng cao đẹp của chư Bồ-tát nói riêng hay của những người con Phật nói chung. Lý tưởng và hình tướng cao cả của Bồ-tát Địa Tạng luôn đại diện cho hình ảnh của những bậc tu hành xuất thế; đó cũng chính là hình ảnh và ý nghĩa của một trong Ba ngôi báu, với tinh thần vô uý, với thần lực vô ngại, với lý tưởng vị tha luôn dấn thân để cứu độ chúng sanh thoát khỏi cảnh Nhà lửa tam giới, hay những khổ cảnh trong những địa ngục kinh hoàng.■

--------------------------------------------------------------------------------

[1]. Kệ hô chung, kinh Nhật Tụng, NXB TP. HCM, PL. 2544, Tr.457.

[2]. Sa-di Giới và Sa-di-ni Giới, Hòa thượng Thích Trí Quang dịch giải, 51 là tính đầy đủ, nếu tính các bài kệ bốn câu thì chỉ có 45 bài kệ.

[3]. Bản tiếng Phạn này ngày nay chưa tìm thấy.

[4]. Trời Đao Lợi, còn gọi là cõi trời Tam Thập Tam, đây là cõi trời thứ hai tính từ dưới lên trong 6 cõi trời dục giới: Tứ thiên vương, Đao-lợi, Dạ-ma, Đâu- suất- đà, Hoá lạc và Tha hoá tự tại

[5]. Hiếu Kinh của Phật giáo, http://www.thuvienho...hdiatang-00.htm

[6]. http://www.tangthuph...hducdaiquan.htm

[7]. http://www.thuvienho...hdiatang-01.htm, Phẩm thứ nhất, Trưởng giả tử phát nguyện

[8]. http://www.thuvienho...hdiatang-01.htm, Phẩm thứ nhất, Bà-la-môn nữ cứu mẹ

[9]. http://www.thuvienho...hdiatang-01.htm, Phẩm thứ tư, Ông vua nước lân cận

[10]. http://www.thuvienho...hdiatang-01.htm, Phẩm thứ tư, Quang Mục Cứu Mẹ

[11]. http://www.thuvienho...hdiatang-01.htm, Phẩm thứ nhất, Thần thông trên cung trời Đao lợi[12]. Nơi đức Phật Đản sanh ở Lumbini, nơi đức Phật thành đạo tại Bodhagaya, nơi đức Phật chuyển pháp luân đầu tiên ở vườn Lộc Uyển (Sanarth) và nơi đức Phật nhập Niết-bàn ở Kushinaga

[13]. Xem Tứ Đại Danh Sơn, http://www.quangduc....214danhson.html

[14]. Xem Tháng bảy với đức Bồ-tát Địa Tạng, http://daitangkinhvi...-tng-b-tat.html

[15]. Xem Linh khuyển Thiện thính, http://www.quangduc....linhkhuyen.html

[16]. Xem Bồ-tát Địa Tạng, vị Bồ-tát bảo vệ trẻ em, http://www.quangduc....tatdiatang.html

17]. Xem Earth Store Bodhisattva (or Jizo Bosatsu in Japanese), http://www.onmarkpro...tml/jizo1.shtml

Huynh Công Minh có thể diễn giải Kim Cang Giới và Thai Tạng Giới theo truyền thống Đông Mật??? Thanks

5 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Kinh Đại Phương Quảng Thập Luân

18 Tháng 12 2009 Dẫn nhập

Theo truyền thống văn hóa Phật giáo Bắc tông, ở các chùa viện thường có những lễ cúng trong tháng (lịch Âm), kỷ niệm về ngày khánh đản, xuất gia, hay thành đạo của chư Phật và các vị Bồ-tát. Đặc biệt trong tháng bảy có những ngày khánh đản Bồ-tát Đại Thế Chí (ngày 13), Địa Tạng (ngày 30), Long Thọ (ngày 24), Tổ sư Phổ Am (ngày 21) và ngày Phật hoan hỷ (ngày 15).

Nhưng tại Việt Nam trong tháng 7, lâu nay chỉ thấy ghi chép, tổ chức, hành lễ ba ngày, là ngày Bồ-tát Đại Thế Chí, Bồ-tát Địa Tạng và ngày Phật hoan hỷ (Vu-lan thắng hội). Riêng ngày vía Bồ-tát Địa Tạng, nhằm ngày 30 tháng 7, có thể người ta theo truyền thuyết được ghi trong Tống cao tăng truyện quyển 20, tạng Đại chánh 50, số hiệu 2061, trang 838c11:

Ngài Thích Địa Tạng, người giòng họ Kim thuộc vương quốc Tân-la (nay là Triều Tiên), tên Kim Kiều Giác (năm Vĩnh Huy thứ 4, ngài 24 tuổi cắt tóc đi tu)… cưỡi thuyền đến đất Giang Nam, ở huyện Thanh Dương, phủ Trì Châu có ngọn Cửu Tử (Cửu Hoa sơn), thích cảnh u tịch, ngài lưu lại đó tọa thiền 75 năm. Đến năm Khai Nguyên thứ 6, đời Đường, đêm 30 tháng 7 thì thành đạo. Năm Trinh Nguyên thứ 19 (803), ngài thị tịch, thọ 99 tuổi. Từ đó vị Địa Tạng họ Kim này được coi là hóa thân của Bồ-tát Địa Tạng.

Nhân dịp Tập san Pháp Luân kỳ này hướng đến chủ đề Bồ-tát Địa Tạng, chúng tôi xin giới thiệu đến quí Phật tử một số bản kinh nói về công hạnh, đại nguyện cứu khổ của ngài.

Toát yếu nội dung kinh

I. Kinh Đại phương quảng thập luân (大方廣十輪經), còn gọi là kinh Phương quảng thập luân, Thập luân, 8 quyển, mất tên người dịch, được dịch vào thời Bắc Lương, tạng Đại Chánh 13, số 410, trang 681.

Nội dung kinh này gồm 15 phẩm, kể về công đức của Bồ-tát Địa Tạng, đồng thời nói nếu nương vào 10 Phật luân (10 lực) và 10 y chỉ luân của Tam thừa thì có thể xoay chuyển 10 ác nghiệp luân.

Bản dịch khác của kinh này là Đại thừa đại tập Địa Tạng thập luân (xem kinh thứ 2).

II. Kinh Địa Tạng thập luân (地藏十輪經), gọi đủ là kinh Đại thừa đại tập Địa Tạng thập luân, 10 quyển, ngài Huyền Trang (600-664) dịch thời Đường, tạng Đại Chánh 13, số 411, trang 721.

Kinh này tường thuật đức Như Lai nhân lời thưa hỏi của Bồ-tát Địa Tạng mà nói 10 thứ Phật luân (10 lực), có năng lực phá trừ 10 ác luân trong đời mạt pháp, và khen ngợi công đức Bồ-tát Địa Tạng. Mục đích kinh này nhằm dung hợp Tam thừa về Đại thừa, lại nhắm vào các Tỳ-kheo phá giới mà giải thích rõ về công đức “thắng tưởng”, và việc Bồ-tát Địa Tạng hiện tướng Sa-môn để cứu độ chúng sanh trong đời mạt pháp.

Nội dung gồm 8 phẩm: 1. Phẩm Tựa; 2. Phẩm Thập luân; 3. Phẩm Vô y hành; 4. Phẩm Hữu y hành; 5. Phẩm Sám hối; 6. Phẩm Thiện nghiệp đạo; 7. Phẩm Phước điền tướng; 8. Phẩm Hoạch ích chúc lụy.

III. Kinh Địa Tạng bồ-tát bổn nguyện (地藏菩薩本願經), 2 quyển, ngài Thật-xoa-nan-đà (Śikṣānanda, dịch Hỷ Học, 652-710, người nước Vu-điền) dịch thời Đường, tạng Đại Chánh 13, số 412, trang 777.

Kinh này nói về công đức bản nguyện, thệ nguyện bản sinh của Bồ-tát Địa Tạng. Người đọc tụng kinh này có thể tiêu trừ vô lượng tội nghiệp và được lợi ích không thể nghĩ bàn.

Nội dung

1. Phẩm Đao-lợi thiên cung thần thông (Thần thông tại cung Đao-lợi); 2. Phẩm Phân thân tập hội (Thân phân hoá qui tụ lại); 3. Phẩm Quán chúng sanh nghiệp duyên (Quán sát nghiệp quả chúng sanh); 4. Phẩm Diêm-phù chúng sanh nghiệp cảm (Nghiệp quả của người Diêm-phù); 5. Phẩm Địa ngục danh hiệu (Danh xưng địa ngục); 6. Phẩm Như Lai tán thán (Thế Tôn tuyên dương); 7. Phẩm Lợi ích tồn vong (Lợi ích người còn kẻ mất); 8. Phẩm Diêm-la vương chúng tán thán (Các vua Diêm-la xưng tụng); 9. Phẩm Xưng Phật danh hiệu (Xưng tụng danh hiệu chư Phật); 10. Phẩm Giáo lượng bố thí công đức duyên (trắc lượng công đức bố thí); 11. Phẩm Địa thần hộ pháp (Thần đất hộ trì); 12. Phẩm Kiến văn lợi ích (Ích lợi của sự thấy nghe); 13. Phẩm Chúc lụy nhân thiên (Thế Tôn ký thác).

IV. Kinh Chiêm sát thiện ác nghiệp báo (占察善惡業報經), còn gọi là kinh Địa Tạng Bồ-tát nghiệp báo, Địa Tạng Bồ-tát, 2 quyển, do ngài Bồ-đề-đăng (người Tây Vực) dịch thời Tuỳ, tạng Đại Chánh 17, số 839, trang 901.

Nội dung kinh này nói Bồ-tát Địa Tạng phụng mệnh đức Phật, thuyết pháp cho chúng sanh ở đời mạt pháp nghe về việc cầu pháp lành. Quyển thượng nói rõ pháp xem xét nghiệp báo thiện ác. Quyển hạ thuật nghĩa chân thật của Đại thừa.

V. Địa Tạng bồ-tát nghi quĩ (地藏菩薩儀軌), 1 quyển, do ngài Du-bà-ca-la (dịch là Thiện Vô Uý, người nước Ma-già-đà, Ấn Độ) dịch thời Đường, tạng Đại Chánh 20, số 1158, trang 652.

Nội dung kinh thuật lại lúc đức Phật ở trên núi Khư-la-đề-da, Bồ-tát Địa Tạng muốn nói thần chú làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, sau khi được đức Phật hứa khả, Bồ-tát Địa Tạng liền nói ba loại thần chú: Đại, trung, tiểu, kế đến nói về cách vẽ tượng, sau đó nói về ấn chú, ấn Phổ cúng dường, Tổng thuyết tổng ấn, Thỉnh tán ấn, cuối cùng nói cách thành tựu 17 pháp hộ ma.

VI. Kinh Địa Tạng Bồ-tát đà-la-ni (佛說地藏菩薩陀羅尼經), 1 quyển, không có tên người dịch, tạng Đại Chánh 20, số 1159B, trang 655.

Nội dung kinh này nói về Đà-la-ni, công đức và thệ nguyện của Bồ-tát Địa Tạng. Đà-la-ni gồm 63 câu, người trì tụng Đà-la-ni này có thể diệt trừ tất cả khổ não.

VII. Địa Tạng Bồ-tát thập trai nhật (地藏菩薩十齋日), 1 quyển, không có tên người dịch, tạng Đại Chánh 85, số 2850, trang 1300.

Nội dung kinh này chỉ dạy 10 ngày ăn chay (giữ giới) trong tháng, là ngày:

Mồng 1, Đồng tử xuống trần, giữ trai giới, và niệm Định Quang Như Lai thì thoát địa ngục đao thương, trừ tội 40 kiếp.

Mồng 8, Thái tử xuống trần, giữ trai giới, và niệm Phật Dược Sư Lưu Ly Quang, thì thoát địa ngục phân uế, trừ tội được 30 kiếp.

Ngày 14, Sát mệnh (xem xét tính mạng) xuống trần, giữ trai giới, và niệm nghìn đức Phật của Hiền kiếp, thì thoát địa ngục vạc sôi, trừ tội được một ngàn kiếp.

Ngày 15, Ngũ đạo đại tướng quân xuống trần, giữ trai giới, và niệm Phật A-di-đà, thì không đọa địa ngục băng lạnh, trừ tội được 200 kiếp.

Ngày 18, Diêm-la vương xuống trần, giữ trai giới, và niệm Bồ-tát Quan Thế Âm, thì không đọa địa ngục rừng kiếm, trừ tội được 90 kiếp.

Ngày 23, … niệm Phật Lô-xá-na…; ngày 24, … niệm Bồ-tát Địa Tạng…; ngày 28, … niệm Phật A-di-đà…; ngày 29, … niệm Bồ-tát Dược Sư Thượng…; ngày 30, … niệm Phật Thích-ca Mâu-ni…

Mười ngày trai này về sau có sự thay đổi, như nghìn đức Phật của Hiền kiếp trong ngày 14 được thay bằng Bồ-tát Phổ Hiền. Bồ-tát Địa Tạng trong ngày 18 được thay bằng Bồ-tát Quan Thế Âm…

Những ngày trai này có thể xuất phát từ phẩm “Như Lai tán thán” của kinh Địa Tạng Bồ-tát bổn nguyện quyển thượng có nói, vào 10 ngày này kết tập các tội, quyết định nặng nhẹ, tất cả cử chỉ động niệm của chúng sanh ở cõi Ta-bà đều là nghiệp, đều là tội, huống chi còn giết hại, trộm cắp, nói dối, v.v… Nếu trong 10 ngày trai, đối trước tượng chư Phật, Bồ-tát, Hiền thánh đọc tụng kinh này… thì xung quanh không xảy ra tai nạn, những người trong nhà xa lìa đường ác.

VIII. Kinh Địa Tạng bồ-tát (佛說地藏菩薩經), 1 quyển, không có tên người dịch, tạng Đại Chánh 85, số 2909, trang 1455.

Nội dung kinh kể về Bồ-tát Địa Tạng ở thế giới Lưu Ly phương Nam, dùng thiên nhãn thanh tịnh quán chúng sanh thọ khổ trong địa ngục, không chịu được cảnh ấy, Ngài mới đến địa ngục cùng vua Diêm-la phán xét, và cũng vì sợ vua Diêm-la đoán xử sai, hoặc chưa đúng tội mà xử chết... Đồng thời, nếu có thiện nam, thiện nữ nào đọc tụng, biên chép kinh Địa Tạng, vẽ hình tượng, hay niệm danh hiệu ngài, thì khi lâm chung đều được Ngài tiếp dẫn về thế giới Tây phương cực lạc...

IX. Kinh Địa Tạng bồ-tát phát tâm nhân duyên thập vương (佛說地藏菩薩發心因緣十王經), gọi tắt kinh Địa Tạng thập vương, hay Thập vương kinh, 1 quyển, do Sa-môn Tạng Xuyên ở chùa Từ Ân phủ Thành Đô soạn, thuộc Tục tạng (chữ Vạn 卍) tập 1, số 20, trang 404a6.

Nội dung kinh này nói việc người chết chịu sự phán xét thiện ác ở điện Thập vương cõi âm phủ, về nhân duyên phát tâm cũng như bản nguyện của Bồ-tát Địa Tạng và chỉ rõ tiền thân vua Diêm-La chính là Bồ-tát Địa Tạng. Cuối cùng dùng bài kệ nói về Phật tính để kết thúc kinh.

Lời kết

Nói đến kinh Địa Tạng, hay hình ảnh về Ngài, thì không còn mập mờ, mơ hồ trong tâm tưởng của người Phật tử nữa, qua những buổi lễ cầu siêu, người thân quá vãng, ai ai cũng tụng đọc, trì niệm kinh Địa Tạng Bồ-tát bổn nguyện và chiêm ngưỡng tôn tượng Ngài với hình tướng Thanh văn (xuất gia), tay phải cầm tích trượng, tay trái cầm hạt minh châu, ngồi trên tòa sen, hay cỡi con linh thú Đế thích.

Nhưng đứng về phương diện lịch sử, một số bản kinh trên không thấy ghi chép xuất xứ vào thời điểm nào, ngay cả kinh Địa Tạng bồ-tát bổn nguyện là bản kinh trì tụng thông dụng, được nhiều bậc Trưởng lão, Kỳ túc phiên dịch, chú giải, như Hòa thượng Trí Tịnh, Hòa thượng Trí Quang; Hòa thượng Tuyên Hoá (Tổng hội Phật giáo thế giới ở Vạn Phật Thánh Thành - Hoa Kỳ dịch ra Việt 1 bản, Cố thượng tọa Thích Chánh Lạc - Học viện Hải Đức, Nha Trang dịch 1 bản), cư sĩ Chánh Trí - Mai Thọ Truyền, đều không thấy đề cập gì đến giai đoạn lịch sử của kinh. Nhưng hạnh nguyện dấn thân nhập thế, thao thức trách nhiệm cứu khổ nhân sinh của Bồ-tát Địa Tạng là tinh thần Bồ-tát đạo, mà tinh thần Bồ-tát đạo bắt đầu từ thời điểm kinh Pháp hoa xuất hiện, tức khoảng 700 năm sau đức Phật nhập diệt (khoảng cuối thế kỷ thứ II Dương lịch); dựa vào chứng cứ là ngài Long Thọ (Nāgārjuna) tác giả bộ Đại trí độ luận, sống vào cuối thế kỷ thứ II, trong đó có trích dẫn kinh Pháp hoa. Kinh Pháp hoa là đại biểu cho đạo Bồ-tát, ca ngợi hạnh nguyện các vị Bồ-tát: Quan Thế Âm, Trì Địa, Thường Bất Khinh, v.v… và một trong 4 đặc chất của Bồ-tát là nguyện lực “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Vậy thệ nguyện của Bồ-tát Địa Tạng: “Chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ-đề. Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật”, cũng có thể minh chứng kinh văn viết về Bồ-tát Địa Tạng xuất hiện cùng thời với kinh Pháp hoa hay sau đó?

Chúng ta cố gắng tìm hiểu, xác định những bản kia có vào giai đoạn lịch sử nào, để biết thêm ngài Địa Tạng có thật hay núp bóng huyền thoại đều không quan trọng; quan trọng là chúng ta nên hiểu, các vị Bồ-tát dù ở vào thời gian nào cũng luôn luôn gánh vác trách nhiệm cứu độ chúng sanh, hạnh nguyện đó tiếp nối từ kiếp này qua kiếp khác, không bao giờ gián đoạn. Và chúng sanh tu thành Phật hay Phật thị hiện để hóa độ chúng sanh đều nhờ vào nhân cách Bồ-tát mà thực hiện. Do vậy, mà trong phẩm Tựa, kinh Đại phương quảng thập luân quyển 1, kinh Chiêm sát thiện ác nghiệp báo quyển thượng, kinh Địa Tạng Bồ-tát bổn nguyện quyển 1, phẩm “Phân thân tập hội” đều nói ngài biến hóa vô lượng thân khác nhau mà thuyết pháp, “hoặc hiện rừng núi, dòng nước, đồng bằng, sông ngòi… làm lợi ích cho mọi người, ai cũng được độ thoát”. Do đó, trong thế giới hiện nay, biết đâu nơi tối tăm đói khổ, chiến tranh triền miên, dịch bệnh hoành hành, môi trường ô nhiễm… Bồ-tát Địa Tạng, hình ảnh Thanh văn tướng lại ẩn tàng qua một con người khác, bằng mọi phương tiện, Ngài luôn mang lại an lạc cho nhân loại và cứu nguy khắp cõi Ta-bà này.

Danh hiệu của Ngài còn nhắc nhở chúng ta một điều mà trong khoa nghi có bài tán: “Khể thủ bản nhiên tịnh tâm địa, vô tận Phật tạng đại từ tôn.” Nghĩa là “Địa Tạng chính là kho tàng tâm linh vô tận, chứa đựng tuệ giác từ bi và sự thanh tịnh sẵn có trong mỗi một chúng sanh mà tất cả đều nên quay về đảnh lễ”. Văn tán ấy là dựa vào định nghĩa trong kinh Đại Tỳ-lô-giá-na thành Phật kinh sớ 5, T39n1796, tr. 635c2: Địa Tạng Bồ-tát là “chủ trì kho báu vô biên công đức phát khởi từ bản tánh của tâm địa”.

Vậy, trong mỗi chúng ta đều có đức Địa Tạng Bồ-tát dấn thân, nhập thế, cứu mình cứu người và một ngài Diêm chúa phán xét thiện ác nơi mình, phá vỡ gông cùm chốn địa ngục tâm.■

4 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Cám ơn anh hoangnt đã có bài "ủng hộ" CM.

Về Kim Cang Giới và Thai Tạng Giới theo truyền thống Đông Mật, thật ra CM cũng còn đang học, nên xin phép được trao đổi những kiến thức về đề tài này cùng anh ở Topic khác. Để dịp này CM hoàn thành topic này đã.

Hy vọng sẽ được học hỏi từ anh những kiến thức hay.

Xin cám ơn và mong anh tiếp tục ủng hộ.

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát là hai vị Bồ Tát có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong đời sống cũng như văn hóa tinh thần của người Đông Phương, người Đông Phương khi còn sống gặp khổ nạn thì cầu mẹ hiền Quán Âm cứu khổ, khi mất rồi, thì trông cậy vào sự phổ độ của giáo chủ cõi U Minh Địa Tạng Từ Tôn, con người ngoài sống và chết ra đâu có gì to lớn hơn cũng như đáng để lo hơn.

Quán Thế Âm Bồ Tát vì cứu độ chúng sanh mà phải hóa hiện vô lượng vô số hóa thân để ứng duyên cứu độ. Địa Tạng Bồ Tát cũng vậy vì duyên trần cảnh khổ nên Ngài cũng không ngại “trục loại tùy hình, ứng hiện sắc thân”. Trong Kinh Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo quyển thượng có chép: “Địa Tạng Bồ Tát do tâm đại bi phát đại nguyện lực trong thời quá khứ, cho nên Ngài hiện thân trời Đại Phạm Vương, hiện thân Đế Thích, hiện thân Thanh Văn, hiện thân Diêm La Vương, Ngài còn hiện thân Voi, Sư tử, Hổ, Báo, Trâu, Ngựa, cho đến hiện thân La Sát, Địa Ngục.v.v...vô lượng vô số các thân tướng khác nhau, để giáo hóa chúng sanh...”.

(LƯỢC Ý HÌNH TƯỚNG - NGUYỆN LỰC CỦA ĐỨC ĐỊA TẠNG TRONG TINH THẦN HÀNH BỒ TÁT ĐẠO PHẬT GIÁO BẮC TRUYỀN) - Thích Tâm Mãn

Tại Việt Nam, Tín Ngưỡng Địa Tạng được phát triển song hành với sự phát triển của Phật Giáo. Tuy nhiên phần lớn người dân Việt thường chuyên tụng Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện với mục đích cầu siêu cho ông bà, cha mẹ, con cái, họ hàng thân thuộc… tức chịu ảnh hưởng sâu xa của tư tưởng cho rằng Địa Tạng Bồ Tát là vị Chủ Tể tối cao của Địa Ngục, Giáo Chủ của cõi U Minh… chứ không hề biết rằng Địa Tạng Bồ Tát không chỉ độ hóa chúng sinh trong cõi Địa Ngục, mà còn giúp đỡ bảo vệ cho sinh mệnh của chúng sinh, an dân trấn quốc, viên mãn Phước Trí ngay trong đời hiện tại.

Posted Image

Thủ trung kim tích, chấn khai địa ngục chi môn,

Chưởng thượng minh châu, quang nhiếp đại-thiên chi giới.

Biên trích :

Địa Tạng Bồ Tát

地 藏 菩 薩

( Tài liệu Do cư sĩ Huyền Thanh biên soạn

Công Minh bổ sung hình ảnh minh họa và ghi chú )

Địa Tạng Bồ Tát tên Phạn là Ksïitigarbha, dịch âm là Tát Khất Xoa Để Nghiệt Bà.

Ksïi là động từ mang nghĩa: chịu đựng, tồn tại, cư trú, ở

Ksïiti: nghĩa là trú xứ, nơi đang cư ngụ, căn nhà, đất trồng trọt, đất nước, quê hương, trái đất.

Garbha: nghĩa đen là Tử cung, dạ con, có thai, thọ thai, tưởng tượng, hình thành trong trí óc. Nghĩa bóng là cất chứa, ôm giữ.

Ksïitigarbha được dịch ý là Địa Tạng, tức là người ôm giữ trái đất hoặc Mẫu Thể của Đại Địa.

Do đất hay chuyên chở vạn vật, giúp cho vạn vật sinh sôi nảy nở, hàm chứa

vô số nguồn lợi, tiền tài, vật báu…cho nên Địa Tạng là vị Bồ Tát biểu thị cho kho báu tiềm ẩn trong Đại Địa, hay chuyên chở mọi khổ nạn của tất cả chúng sinh, khiến cho họ phát triển căn lành, được tài bảo vô tận, tròn đủ Phước Đức (Punïya) Trí Tuệ (Prajnõa).

Nếu người tu hành theo Pháp của Địa Tạng Bồ Tát thì có thể khiến cho ngũ

cốc [Đại Mạch (Yava), Tiểu Mạch (Godhùma), Lúa gié (‘Sàli), Tiểu Đậu (Masùra), mè (Atasì)] đầy kho, kéo dài mạng sống, tránh mọi hiểm nạn, tròn đủ tư lương (Sambhàra) Phước Trí vượt thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi

_ Tín Ngưỡng Địa Tạng được phát triển rất sớm trong các Tông Phái Đại Thừa (Mahà-yàna) ở Aán Độ (Thế Kỷ thứ 4)

Khởi nguyên của Tín Ngưỡng Địa Tạng có thể được khai triển từ Tín Ngưỡng Địa Thiên (Prïthivi), tức là Địa Thần, Kiên Lao Địa Thần, Kiên Lao Địa Thiên, Trì Địa Thần. Đây là vị Thần cai quản Đại Địa, biểu thị cho Thể Tính của đất là bền chắc chẳng động hay giúp cho vạn vật cư trú, lại có tác dụng hay giữ gìn vạn vật.

Vị Thần này nguyên là vị Thần Kỳ (Thần đất) được sùng ngưỡng trong thời Ấn Độ cổ đại. Trong Lê Câu Phệ Đà (RÏg-veda), A Thát Bà Phệ Đà (Artha-veda) đều khen ngợi là vị Nữ Thần có đầy đủ Đức tốt đẹp (mỹ đức) như: sự vĩ đại, bền chắc, Tính chẳng bị diệt, nuôi dưỡng quần sinh, đất đai sinh sôi…

Hiện tượng Tín Ngưỡng Địa Tạng được phát triển từ Tín Ngưỡng Địa Thiên có thể được nhận biết qua hình tượng được ghi nhận trong Phật Giáo đời Thanh ở Trung Quốc là:

Posted Image

Đầu đội mão Trời, thân khoác áo lụa mỏng, đeo chuỗi Anh Lạc với các vật

báu trang sức, tay trái cầm cây lúa (tượng trưng cho ngũ cốc phong phú), tay phải cầm viên ngọc Như Ý để ngang ngực (tượng trưng cho việc thỏa mãn mọi mong cầu của chúng sinh), ngồi trên tòa sen.

4 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Posted Image


Do Tín Ngưỡng Địa Tạng không nhận được sự sùng mộ của dân Ấn Độ, nên đã mất dần các dấu tích.

_ Sau này, Tín Ngưỡng Địa Tạng theo bước chân những Tăng Đoàn truyền giáo Phật Giáo du nhập vào vùng Trung Á, trạm dừng chân đầu tiên là Turkestan. Từ đây một hình tượng phổ biến của Địa Tạng Bồ Tát là: “Nhà sư cầm cây gậy hành hương với một viên ngọc Như Ý” được phụng thờ như là vị Bồ Tát bảo vệ người lữ hành thoát khỏi mọi hiểm nguy. Hàng ngàn hình tượng Địa Tạng được tôn thờ trong những hang động tại vùng Lung-Men và Tun-Hoang đã minh họa cho Tín Ngưỡng này.

Posted Image



Posted Image


Posted Image


_ Khoảng Thế Kỷ thứ 5, Tín Ngưỡng Địa Tạng được phổ biến tại Trung Hoa qua Kinh Đại Tạng Bồ Tát Thập Luân (Da’sa-cakra-Ksïitigarbha-sùtra) trong đó nêu lên những Đức Tính của Ngài.

(*) Sau đời Tùy (581_618), Đường (618_917) thì Tín Ngưỡng Địa Tạng được sùng mộ hưng thịnh. Ví dụ như Đời Tùy y theo Kinh Địa Tạng Thập Luân (Da’sa-cakra-Ksïitigarbha-sùtra) mà đề cao thuyết Phổ Phật, Phổ Pháp cùng với Địa Tạng Bồ Tát Lễ Nghi Sám Pháp và xưng là Tam Gia Giáo.
(*) Đời Tống, Thường Cẩn có soạn một quyển sách ghi nhận 32 loại sự tích linh nghiệm liên quan đến Địa Tạng Bồ Tát từ đời Lương (502_557) đến đời Tống (960_1279). Do điều này mà Tín Ngưỡng Địa Tạng được phổ biến rộng rãi, người đời lúc bấy giờ đều lưu truyền, phỏng họa hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng để trong Tự Viện hoặc Phật Đường của tư nhân mà lễ bái cúng dường. Nổi tiếng nhất là hình tượng Địa Tạng Bồ Tát được vẽ trên bức tường phía Đông của chùa Thiện Tịch, huyện Đức Dương, Hán Châu trong Đời Lương.
5 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

_ Khoảng Thế Kỷ thứ 5, Tín Ngưỡng Địa Tạng được phổ biến tại Trung Hoa qua Kinh Đại Tạng Bồ Tát Thập Luân (Da’sa-cakra-Ksïitigarbha-sùtra) trong đó nêu lên những Đức Tính của Ngài.

(*) Sau đời Tùy (581_618), Đường (618_917) thì Tín Ngưỡng Địa Tạng được sùng mộ hưng thịnh. Ví dụ như Đời Tùy y theo Kinh Địa Tạng Thập Luân (Da’sa-cakra-Ksïitigarbha-sùtra) mà đề cao thuyết Phổ Phật, Phổ Pháp cùng với Địa Tạng Bồ Tát Lễ Nghi Sám Pháp và xưng là Tam Gia Giáo.

(*) Đời Tống, Thường Cẩn có soạn một quyển sách ghi nhận 32 loại sự tích linh nghiệm liên quan đến Địa Tạng Bồ Tát từ đời Lương (502_557) đến đời Tống (960_1279). Do điều này mà Tín Ngưỡng Địa Tạng được phổ biến rộng rãi, người đời lúc bấy giờ đều lưu truyền, phỏng họa hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng để trong Tự Viện hoặc Phật Đường của tư nhân mà lễ bái cúng dường. Nổi tiếng nhất là hình tượng Địa Tạng Bồ Tát được vẽ trên bức tường phía Đông của chùa Thiện Tịch, huyện Đức Dương, Hán Châu trong Đời Lương.

(*) Lại nữa, Phật Giáo Trung Hoa còn xếp Địa Tạng Bồ Tát là một trong bốn vị Đại Bồ Tát (Văn Thù, Phổ Hiền, Quán âm, Địa Tạng) ứng hóa giảng thuyết tại Đạo Tràng ở núi Cửu Hoa thuộc tỉnh An Huy.

Posted Image

Điện thờ đức Địa Tạng vương trên đỉnh Cửu Hoa sơn

Tống Cao Tăng Truyện, quyển 20 ghi nhận rằng: “ Địa Tạng Bồ Tát sinh hạ vào giòng Vương Tộc ở nước Tân La, tên là Kim Kiều Giác rồi xuất gia. Sau thời Đường Huyền Tôn thì đến Trung Hoa tu Đạo ở núi Cửu Hoa, ở 75 năm đến ngày 30 tháng 7 năm Khai Nguyên thứ 26, đời Đường thì viên tịch, thọ thế 99 tuổi.

Vì nhục thân chẳng hư hoại nên đem toàn thân vào Tháp, tức là Nhục Thân Điện tại núi Cửu Hoa, tương truyền tức là nơi Địa Tạng Bồ Tát thành Đạo”. Từ sự tích này nên người dân Trung Hoa chọn ngày 30 tháng 7 âm Lịch làm ngày Thánh Sinh của Địa Tạng Bồ Tát.

(*) Đến đời Thanh (1644_1911) thì Địa Tạng Bồ Tát được xem là Bản Tôn chủ quản ngũ cốc phong phú đồng thời cũng chủ về sự kính ái, phù hộ cho gia đình hòa thuận.

(*) Ngày nay, đại đa số người dân Trung Hoa đều cho rằng Địa Tạng Bồ Tát là vị Chủ Tể tối cao của Địa Ngục và xưng tán Ngài là U Minh Giáo Chủ Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát cai quản mười điện Diêm Vương, tức là Bản Tôn chuyên cứu độ chúng sinh bị khổ đau trong cõi Địa Ngục.

Nguồn gốc của danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát được nói ở trong Kinh Địa Tạng Bồ Tát Thập Luân (Da’sa-cakra-Ksïitigarbha-sùtra) là: “An nhẫn chẳng động giống như đại địa, lặng lẽ suy nghĩ ngầm biết kho tàng bí mật (Bí Tạng) cho nên gọi là Địa Tạng” “An nhẫn chẳng động giống như đại địa” là nói Nhẫn Ba La Mật (Ksïànti-pàramità) bậc nhất của Địa Tạng Bồ Tát , giống như đại địa (đất đai) hay chịu đựng chuyên chở mọi loại nghiệp tội của tất cả chúng sinh.

“Lặng lẽ suy nghĩ” trong câu “Lặng lẽ suy nghĩ ngầm biết kho tàng bí mật” là hiển rõ sự chẳng thể luận bàn của Trí Tuệ Thiền Định ấy

3 .) Kinh Đại Phương Quảng Thập Luân, quyển một nói rằng:"Địa Tạng có ý nghĩa là ẩn chứa (kho báu bị che dấu trong lòng đất)" tức là nói tất cả kho báu ngầm dấu kín trong lòng đất đều là Địa Tạng

(*) Cứu Cánh Nhất Thừa Bảo Tính Luận, quyển 4 ghi rằng: "Dùng kho tàng ẩn chứa trong lòng đất ví như hiển bày Như Lai Tạng (Tathàgata-garbha). Nhưng kho báu này, một phương diện là đại biểu cho Phật Tính (Buddhatà) trong sạch không nhiễm bẩn của chúng sinh, hay khiến cho chúng sinh thành tựu viên mãn Phật Quả. Một phương diện khác là đại biểu cho Phước Đức, Trí Tuệ, Tài Bảo vô tận của sinh mệnh, cho nên Địa Tạng đại biểu cho tất cả kho tàng ẩn chứa Công Đức chẳng thể nghĩ bàn”.

Địa (đất) còn có bảy ý nghĩa đặc trưng là:

1_ Đất hay sinh ra vạn vật

2_ Đất thu nhiếp vạn vật

3_ Đất chuyên chở vạn vật

4_ Đất cất giữ nhiều kho tàng của cải vật chất

5_ Đất hay nuôi dưỡng giúp cho vạn vật tăng trưởng

6_ Đất hay nâng đỡ, là chỗ dựa của vạn vật

7_ Đất bền chắc vững vàng, chẳng động

Do đó dùng hình dạng cụ thể của Đất (địa) để biểu thị cho Phước Đức có được của Địa Tạng Bồ Tát là:

1_ Địa Tạng Bồ Tát hay sinh ra mọi Pháp lành

2_ Địa Tạng Bồ Tát hay thâu nhiếp mọi Pháp lành trong Tâm Đại Giác

3_ Địa Tạng Bồ Tát hay gánh vác tất cả chúng sinh, dìu dắt họ tiến dần trên con đường giác ngộ.

4_ Địa Tạng Bồ Tát hay cất giữ mọi Pháp màu nhiệm

5_ Địa Tạng Bồ Tát hay dùng mọi Pháp lành bình đẳng giúp cho mọi chúng sinh tăng trưởng Chính Pháp giải thoát.

6_ Địa Tạng Bồ Tát là chỗ dựa vững chắc của tất cả chúng sinh.

7_ Địa Tạng Bồ Tát hay hiển bày tâm Bồ Đề màu nhiệm, bền chắc như Kim Cương chẳng thể bị phá hoại.

Trong Kinh lại ghi rằng: "Địa Tạng Bồ Tát trụ ở Kim Cương Bất Khả Hoại Hạnh Cảnh Giới Tam Muội, giống như Kim Cương Địa Luân rất bền chắc chẳng thể phá hoại, cho nên hay trụ giữ vạn vật khiến cho chẳng lay động. Lại giống như trái đất hay ẩn chứa các loại kho tàng quý báu không có cùng tận, hàm chứa tất cả hạt giống, khiến cho chẳng mục nát, dần dần tươi tốt thêm.

Địa Tạng hay khiến cho đầy đủ tất cả Tâm Nguyện của chúng sinh thuộc Thế Gian và Xuất Thế Gian, là thai mẹ (Mẫu Thai) hay sinh ra chúng sinh để thành Phật. Đại Địa ở ý nghĩa hiện tượng cụ thể trên, có đầy đủ tính chất đặc biệt là:

Sinh trưởng, bền chắc, trụ giữ vạn vật, chẳng động, rộng lớn, cùng với thai mẹ có đầy đủ khả năng sinh ra tất cả kho báu. Do Địa Tạng Bồ Tát cũng có đầy đủ Phước Đức như vậy, cho nên dùng Địa Tạng để tác làm danh hiệu đó".

(*) Phẩm Tựa của Kinh Đại Phương Quảng Thập Luân, quyển 1 và Kinh Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo, quyển 1 ghi rằng: “Địa Tạng Bồ Tát do Thệ Nguyện Đại Bi ở đời quá khứ, nên thị hiện thành thân Đại Phạm Vương, thân Đế Thích, thân Thanh Văn, thân Diêm La Vương, thân sư tử, thân cọp, thân chó sói, thân bò, thân ngựa cho đến thân La Sát, thân Địa Ngục…vô lượng vô số thân khác loài để giáo hóa chúng sinh và đặc biệt là thuận theo niệm của chúng sinh, thọ nhận nỗi khổ đau ở đời ác năm Trược, tương ứng với điều mong cầu của chúng sinh giúp cho họ tiêu Tai tăng Phước. Do thành thục căn lành của chúng sinh mà Địa Tạng Bồ Tát biến hiện vô số Hóa Thân như vậy để cứu độ chúng sinh, nên lại được xưng là Thiên Thể Địa Tạng”

(*) Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện (Ksïitigarbha-pranïidhàna-sùtra), Phẩm Phân Thân Tập Hội ghi nhận lời phó chúc của Đức Thích Tôn, ở trong thời đại không có Phật, từ sau khi Đức Phật Thích Ca (‘Sàkyamunïi-buddha) viên tịch cho đến lúc Bồ Tát Di Lặc (Maitreya) thành Đạo, thời Địa Tạng sẽ làm vị Bồ Tát tự thề độ hết chúng sinh trong sáu nẻo mới thành tựu Nguyện. Do điều này mà Địa Tạng Bồ Tát là vị Bồ Tát có Bi Nguyện (Kàrunïa-pranïidhàna) đặc biệt sâu nặng. Dựa vào Đức đặt biệt này mà Phật Giáo Đồ thường xưng tán Ngài là Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát.

(*) Do trong Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện (Ksïitigarbha-pranïidhàna-sùtra), có ghi nhận hai tiền thân của Địa Tạng Bồ Tát là: Bà La Môn Nữ và Quang Mục Nữ vì muốn cứu độ mẹ thoát khỏi nỗi khổ đau trong Địa Ngục mà chuyên tâm tu hành, thề cứu giúp mẹ với tất cả chúng sinh. Cho nên Phật Giáo Trung Quốc nhận định Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện là Kinh báo hiếu của nhà Phật nhằm nhấn mạnh việc tu học bắt đầu từ sự hiếu kính cha mẹ, tôn trọng Thầy Tổ cho đến cứu giúp chúng sinh.

(*) Địa Tạng Bồ Tát lại được xem như là kho tàng ẩn chứa các Công Đức vi diệu, đầy đủ các trân bảo giải thoát, giống như viên ngọc Như Ý tuôn mưa mọi tài bảo. Tùy theo sự mong cầu chẳng luận là cầu xin ngũ cốc được mùa hoặc là cầu Phước Đức, tiền của, giàu có đều khiến được mãn túc.

Kinh Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luân ghi rằng: "Tùy theo chỗ ở. Nếu quần áo, thức ăn uống, đồ dùng hàng ngày của các hữu tình có chỗ thiếu thốn mà hay chí tâm xưng tên niệm tụng, quy kính cúng dường Địa Tạng Bồ Tát, thời tất cả đều được như Pháp mong cầu".

Lại nói rằng: "Hay thủ hộ cho Hành Giả tu học pháp môn của Địa Tạng Bồ Tát, khiến cho tất cả tiền của, quan vị chẳng thiếu thốn".

Do điều này mà Địa Tạng Bồ Tát được xem là Bản Tôn Tài Bảo, hay khiến cho tất cả chúng sinh thỏa mãn mọi mong cầu, chẳng luận là cầu xin ngũ cốc được mùa hoặc cầu Phước Đức, tiền của, giàu có.

6 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

(*) Địa Tạng Bồ Tát còn được xem là vị Thần bảo toàn đời sống qua tên gọi là Diên Mệnh Địa Tạng tức Thân Hóa Hiện bởi Thệ Nguyện của Địa Tạng Bồ Tát để khiến cho sống lâu làm lợi ích cho đời, hay tránh khỏi sự chết yểu, đoản mệnh có đủ Đức của Pháp khoẻ mạnh sống lâu.

Posted Image

Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện (Ksïitigarbha-pranïidhàna-sùtra), quyển Thượng, Phẩm Như Lai Tán Thán ghi chép rằng: “Nếu có người nào mới sinh con trai hoặc con gái, nội trong bảy ngày, sớm vì đứa trẻ mới sinh ra đó mà đọc tụng Kinh Điển không thể nghĩ bàn này, lại vì đứa trẻ mà niệm danh hiệu của Ngài Địa Tạng Bồ Tát đủ một vạn biến. Được vậy thời đứa trẻ hoặc trai hay gái mới sinh ra đó, nếu đời trước nó đã gây tạo tội vạ chi cũng được thoát khỏi cả, nó sẽ an ổn vui vẻ dễ nuôi, lại thêm được sống lâu. Còn như nó là đứa nương nơi Phước Lực mà thọ sinh, thì đời nó càng được an vui hơn sống lâu hơn”.

Posted Image

Posted Image

6 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

(*) Mật Giáo của Trung Hoa ghi nhận:

Địa Tạng Bồ Tát là Tôn Chủ của Địa Tạng Viện trong Thai Tạng Giới Mạn Đà La (Garbha-dhàtu-manïdïala), hiển hình Bồ Tát, tay trái cầm hoa sen , trên hoa có cây phướng báu Như Ý, tay phải cầm viên ngọc báu ngồi trên hoa sen.

Posted Image

Trong Kim Cương Giới Mạn Đà La (Vajra-dhàtu-manïdïala) thì Địa Tạng Bồ Tát được ghi nhận qua tên gọi Kim Cương Tràng Bồ Tát (Vajra-ketu) là một trong bốn vị Bồ Tát thân cận của Đức Bảo Sinh Như Lai (Ratna-samïbhava-tathàgata)

Posted Image

Posted Image

Căn cứ vào sự đề xuất của Kinh Bát Đại Bồ Tát Man Đồ La thì Địa Tạng Bồ Tát là một trong tám vị Đại Bồ Tát gồm có: Quán Tự Tại (Avalokite’svara), Từ Thị (Maitreya), Hư Không Tạng (Àkà’sa-garbha), Phổ Hiền (Samanta-bhadra), Kim Cương Thủ (Vajra-pànïi), Văn Thù (Mamïju’srì), Trừ Cái Chướng (Sarva-nìvaranïa-visïkambhin), Địa Tạng (Ksitigarbha). Tám vị Bồ Tát này cùng phụ giúp Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn các chúng sinh về Thế Giới Cực Lạc.

(*) Do Địa Tạng Bồ Tát dùng sức Bi Nguyện cứu độ chúng sinh, nhất là đối với chúng sinh đang chịu khổ tại cõi Địa Ngục, lại đặc biệt thương xót, thị hiện thân Diêm La Vương (Yàma-ràja-kàya), thân Địa Ngục (Nakara-kàya) rộng vì chúng sinh chịu tội khổ mà nói Pháp để giáo hóa cứu độ. Do điều này mà thân Diêm La Vương thường được xem là một Hóa Thân (Nirmanïa-kàya) của Địa Tạng Bồ Tát.

Posted Image

Như Kinh Địa Tạng Bồ Tát Phát Tâm Nhân Duyên Thập Vương đề xuất Bản Địa của Diêm La Vương là Địa Tạng Bồ Tát.Vì chịu ảnh hưởng sâu xa của tư tưởng này cùng với tư tưởng Địa Ngục (Nakara) trong Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện (Ksïitigarbha-pranïidhàna-sùtra) nên dân gian Trung Hoa cho rằng Địa Tạng Bồ Tát là vị Chủ Tể tối cao của Địa Ngục.

Posted Image

Trong động Thiên Phật ở Đôn Hoàng có ghi nhận hình vẽ Địa Tạng Thập Vương tức hội các tượng của Địa Tạng Bồ Tát với mười vị vua Diêm La kèm theo lời văn minh họa. Hình vẽ này được tạo lập trong đời Tống, niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc, năm thứ tám (983) nhằm nhấn mạnh rằng Ngài là “Đấng giải thoát khỏi cực hình Địa Ngục”

Posted Image

Chính tư tưởng bên trên đã khiến cho một số người ngộ nhận, cho rằng Địa Tạng Bồ Tát chỉ ở tại Địa Ngục để cứu độ chúng sinh trong Địa Ngục. Từ đấy trong việc làm tang ma, Thanh Minh tảo mộ qua tiết Trung Nguyên, Pháp Hội Siêu Độ…thường cúng phụng Địa Tạng Bồ Tát để cầu đảo cho vong linh được siêu độ. Ngoài ra tại nghĩa địa, linh tháp hoặc gặp chiến loạn, sự cố, đất đang phát triển mà mọi người đều đi qua…. thường xây dựng Miếu bái tế Địa Tạng với hy vọng Địa Tạng Vương Bồ Tát bảo vệ người sống, siêu độ vong linh

Thật ra ở trong cả sáu nẻo, Ngài đều có năng lực giáo hóa tế độ. Điều đó được biểu thị qua sáu vị Địa Tạng, tức là Địa Tạng độ hóa chúng sinh trong sáu nẻo.

Tên của sáu vị Địa Tạng đều y theo Thế Giới Sa Bà (Sàha-dhàtu) có chúng sinh trong sáu nẻo mà nói. Thế Giới ở phương khác hoặc có bảy nẻo, hoặc năm nẻo… chẳng giống nhau thời Địa Tạng cũng y theo nhân duyên của mỗi phương để mỗi mỗi thị hiện ứng hóa.

(*) Danh xưng của Địa Tạng trong sáu nẻo thời các Kinh Quỹ ghi chép chẳng giống nhau. Nhưng theo đại thể mà nói thì đều bắt nguồn ở Đại Nhật Kinh Sớ, quyển thứ năm là: Sáu vị Thượng Thủ (Sïadïa-pramukha) trong chín Tôn (Nava-nàtha) của Địa Tạng Viện trong Thai Tạng Giới (Garbha-dhàtu) tức là: Địa Tạng (Ksïitigarbha), Bảo Xứ (Ratnakàra), Bảo Chưởng (Ratna-pànïi), Trì Địa (Dharanïi-dhàra), Bảo Aán Thủ (Ratna-mudrà-hasta), Kiên Cố Ý (Drïdïhàdhyàsaya). Trong đó

Địa Tạng Bồ Tát là Hóa Tôn của cõi Địa Ngục

Bảo Thủ Bồ Tát là Hóa Tôn của cõi Ngạ Quỷ

Bảo Xứ Bồ Tát là Hóa Tôn của nẻo Súc Sinh

Bảo Ấn Thủ Bồ Tát là Hóa Tôn của nẻo A Tu La

Trì Địa Bồ Tát là Hóa Tôn của cõi Người

Kiên Cố Ý Bồ Tát là Hóa Tôn của cõi Trời.

(*) Kinh Thập Vương ghi nhận rằng:

1_ Dự Thiên Hạ Địa Tạng là Hóa Tôn của cõi Trời, tay trái cầm viên ngọc Như Ý, tay phải kết Thuyết Pháp Ấn

2_ Phóng Quang Vương Địa Tạng là Hóa Tôn của cõi Người, tay trái cầm cây Tích Trượng, tay phải tác Thí Vô Úy Ấn

3_ Kim Cương Tràng Địa Tạng là Hóa Tôn của cõi A Tu La, tay trái cầm cây phướng Kim Cương, tay phải tác Thí Vô Úy Ấn

4_ Kim Cương Bi Địa Tạng là Hóa Tôn của cõi Súc Sinh, tay trái cầm cây Tích Trượng, tay phải tác Tiếp Dẫn Ấn

5_ Kim Cương Mật Địa Tạng là Hóa Tôn của cõi Ngạ Quỷ, tay trái cầm viên ngọc báu, tay phải tác Cam Lộ Ấn

6_ Kim Cương Nguyện Địa Tạng là Hóa Tôn của cõi Địa Ngục, tay trái cầm cây phướng Diêm Ma, tay phải tác Thành Biện Ấn.

(*) Kinh Liên Hoa Tam Muội ghi nhận là:

1_ Đàn Đà Địa Tạng hay hóa độ nẻo Địa Ngục, tay cầm cây phướng đầu người [Đàn Đa (danïdïa)ødịch là Nhân Đầu Tràng]

2_ Bảo Châu Địa Tạng hay hóa độ nẻo Ngạ Quỷ, tay cầm viên ngọc báu

3_ Bảo Ấn Địa Tạng hay hóa độ nẻo Súc Sinh, duỗi bàn tay Như Ý Bảo Ấn

4_ Trì Địa Địa Tạng hay hóa độ nẻo Tu La, hay gìn giữa đại địa ủng hộ hàng Tu La

5_ Trừ Cái Chướng Địa Tạng hay hóa độ nẻo người, vì con người trừ sự che chướng của tám khổ

6_ Nhật Quang Địa Tạng hay hóa độ nẻo Trời, soi chiếu năm hiện tượng suy thoái của người Trời để trừ khổ não cho họ.

(*) Địa Tạng Bồ Tát Thánh Đức Tân Biên ghi nhận 6 vị Địa Tạng là:Hộ Tán Địa Tạng, Diên Mệnh Địa Tạng, Mâu Ni Địa Tạng, Tán Long Địa Tạng, Phá Thắng Địa Tạng, Bất Hưu Tức Địa Tạng

Ngoài ra còn có thuyết ghi nhận là: Địa Tạng Bồ Tát cùng với các vị Bồ Tát Quán âm (Avalokite’svara), Đại Thế Chí (Mahà-sthamapràpta), Long Thọ (Nàgarjuna)…đều là các vị theo hầu Đức Phật A Di Đà (Amitàbha-buddha) và xưng là A Di Đà Ngũ Phật. Cũng còn nói là khi Đức Phật A Di Đà còn là con người thì Bồ Tát Pháp Tạng (Dharmàkara) với Bồ Tát Địa Tạng có cùng một Thể.

6 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Người dân Việt Nam; Trung Hoa thờ phụng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng với Tầm Thanh Cứu Khổ Quán Thế âm Bồ Tát, Thệ Nguyện Độ Tận Chúng Sinh Địa Tạng Bồ Tát và hợp xưng là Sa Bà Tam Thánh ( Ta Bà Tam Thánh )

Posted Image

Một cách bài trí chánh điện tiểu biểu của chùa Việt Nam (khu vực Trung và Nam bộ) theo truyền thống Phật giáo Đại thừa Bắc truyền.

Chính giữa là tượng Ta bà giáo chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Bên tay trái Ngài là Địa Tạng Bồ Tát

Bên tay phải Ngài là Quàn âm Bồ Tát

(Hai vị trí Bồ Tát có thể hoán đổi )

Posted Image

Một ban thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát - một hình thức tiêu biểu trong bài trí hệ thống tượng thờ chùa Việt Nam (khu vực Trung và Nam bộ)

Posted Image

Một ban thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát - một hình thức tiêu biểu trong bài trí hệ thống tượng thờ chùa Việt Nam (khu vực Trung và Nam bộ)

=====

Chú thích :

Truyền thống Phật giáo Đại thừa tại Việt Nam, chúng ta thường được gặp 3 thế giới :

1 - Tây Phương Cực Lạc Thế Giới : Ở đó cò Đức Phật A Di Đà là giáo chủ, với 2 vị Bồ Tát Quan Thế Âm và Đại Thế hộ trì, gọi là Tây Phương Tam Thánh

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật, Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát.

2 - Đông Phương Tịnh Lưu Ly Thế Giới : Ở đó Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Phật làm giáo chủ, với 2 vị Bồ Tát Nhật Quang thường chiếu và Nguyệt Quang Thường Chiếu hộ trì, gọi là Đông Phương Tam Thánh.

Nam mô Đông Phương giáo chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật, Nhật Quang thường chiếu Bồ Tát, Nguyệt Quang Thường Chiếu Bồ Tát, Dược Vương Bồ Tát, Dược Thượng Bồ Tát.

3- Trung Thiên Thế Giới (hay còn gọi là cõi ta bà này ): ở đây Đức Phật Thích Ca làm giáo chủ,với 2 vị Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi và Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát hộ trì.

Nam mô Ta Bà Giáo chủ Điều ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đương lai Hạ sanh Di Lặc Tôn Phật, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát, Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát

Do Đức Thích Ca Mâu Ni Ngài đang là giáo chủ cõi Ta Bà thời hiện tại, Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát là hai vị Bồ Tát vì có hạng nguyện lớn lao và rất cần thiết cho con người trong xã hội - cõi ta bà này, nên các Ngài đã có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong đời sống cũng như văn hóa tinh thần của người Đông Phương, người Đông Phương khi còn sống gặp khổ nạn thì cầu mẹ hiền Quán Âm cứu khổ, khi mất rồi, thì trông cậy vào sự phổ độ của giáo chủ cõi U Minh Địa Tạng Từ Tôn, con người ngoài sống và chết ra đâu có gì to lớn hơn cũng như đáng để lo hơn.Quán Thế Âm Bồ Tát vì cứu độ chúng sanh mà phải hóa hiện vô lượng vô số hóa thân để ứng duyên cứu độ. Địa Tạng Bồ Tát cũng vậy vì duyên trần cảnh khổ nên Ngài cũng không ngại “trục loại tùy hình, ứng hiện sắc thân”.

Tôn Thiết tượng thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng với Tầm Thanh Cứu Khổ Quán Thế âm Bồ Tát, Thệ Nguyện Độ Tận Chúng Sinh Địa Tạng Bồ Tát và hợp xưng là Sa Bà Tam Thánh ( Sa Bà Tam Thánh )- Là như vậy.

6 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Sáu vị Sứ Giả của Địa Tạng:

Địa Tạng Bồ Tát Nghi Quỹ nói : “ Sáu vị Sứ Giả của Địa Tạng Tôn là:

1_ Diễm Ma Sứ Giả (Yàma-cetïa): hóa độ Địa Ngục

2_ Trì Bảo Đồng Tử (Ratna-dhàra-kumàra): hóa độ Ngạ Quỷ

3_ Đại Lực Sứ Giả (Mahà-bala-cetïa): hóa độ súc sinh

4_ Đại Từ Thiên Nữ (Mahà-maitreya-devì): hóa độ Tu La

5_ Bảo Tạng Thiên Nữ (Ratna-garbha-devì): hóa độ loài người

6_ Nhiếp Thiên Sứ Giả (Pratigrahadeva-cetïa): hóa độ chư Thiên

Nghi Quỹ niệm tụng này, tuy chẳng do ngài Bất Không dịch. Xong cùng với nhóm Diên Mệnh Địa Tạng Kinh, Liên Hoa Tam Muội Kinh đều là Bản thuộc Nghi Tự Bộ.

Posted Image

Tại Tây Tạng, khoảng Thế Kỷ thứ 8, do sự phát triển của Mật Giáo nên Địa Tạng Bồ Tát được minh họa trong các bức tranh và các Mạn Đà La (Manïdïala) như là một trong tám vị Bồ Tát vây quanh Đức Phật, biểu thị cho ý nguyện Từ Bi vĩ đại là:

Địa Ngục chưa trống rỗng

Thề Nguyện chẳng thành Phật

Khi độ hết chúng sinh

Mới chứng đắc Bồ Đề”

Ngoài ra Phật Giáo Tây Tạng cũng nhận định Địa Tạng Bồ Tát là một trong các Bản Tôn Tài Bảo

7 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tại Nhật Bản

Tại Nhật Bản,Tín Ngưỡng Địa Tạng bắt nguồn trong thời kỳ Bình An (Heian:794_1192) và được phát triển qua từng giai đoạn cho đến ngày nay như sau:

(*) Kim Tích Vật Ngữ Tập ghi nhận Địa Tạng là vị Bồ Tát cứu độ chúng sinh trong đời hiện tại và dẫn dắt họ sang Thế Giới Cực Lạc (Sukhàvatì)

(*) Bộ Nhật Bản Linh Dị Ký tin rằng Địa Tạng là vị Bồ Tát cứu độ chúng sinh sau khi lâm chung.

(*) Người dân Nhật Bản tin tưởng rằng Địa Tạng Bồ Tát chuyên cứu độ linh hồn của trẻ con bị chết yểu nên thường dựng các tượng đá Jizò (Địa Tạng) trong các nghĩa trang và khoác quần áo của trẻ con đã chết ấy lên bức tượng

Dần dần Địa Tạng Bồ Tát được đồng hóa với vua Diêm La (Yama-ràja) và được xem là vị chủ tể của cõi U Minh, chuyên cứu độ tất cả chúng sinh trong cõi Địa Ngục. Như quyển Bồ Đề Tâm Luận của ngài Trân Hải cho rằng Địa Tạng Bồ Tát hóa hiện thành thân Phật hoặc thân Diêm La Vương để vào Địa Ngục cứu độ chúng sinh

Posted Image

Biểu tượng thường thấy nhất là tượng Địa Tạng Bồ Tát được tạo dựng trong

các nghĩa trang của Phật Giáo hoặc các tranh tượng Địa Tạng qua hình nhà sư đi vào lửa ngục để giải cứu những linh hồn chịu khổ nạn.

Posted Image

(*) Ngày nay tại Nhật Bản, Địa Tạng Bồ Tát được thờ phượng qua hình dáng nhà sư đầu trần chân đất, đi vào xã hội cứu độ chúng sinh ngay trong đời này chứ không phải ở chốn Địa Ngục.

Trong Thế Kỷ thứ 9, Tín Ngưỡng Địa Tạng được Thiên Đài Tông và Chân Ngôn Tông phổ biến qua hình tướng của sáu vị Địa Tạng. Giác Thiền Sao ghi rằng:

Posted Image

1_ Đại Kiên Cố Địa Tạng là Hóa Tôn của cõi Trời, tay trái cầm viên ngọc báu, tay phải cầm quyển Kinh

2_ Đại Thanh Tịnh Địa Tạng là Hóa Tôn của cõi Người, tay trái cầm viên ngọc báu, tay phải kết Thí Vô Úy Ấn

3_ Thanh Tịnh Vô Cấu Địa Tạng là Hóa Tôn của cõi A Tu La, tay trái cầm viên ngọc báu, tay phải cầm rương Kinh Phạn

4_ Đại Quang Minh Địa Tạng là Hóa Tôn của cõi Súc Sinh, tay trái cầm viên ngọc báu, tay phải cầm Như Ý

5_ Đại Đức Thanh Tịnh Địa Tạng là Hóa Tôn của cõi Ngạ Quỷ, tay trái cầm viên ngọc báu, tay phải tác Dữ Nguyện Ấn.

6_ Đại Định Trí Bi Địa Tạng là Hóa Tôn của cõi Địa Ngục, tay trái cầm cây Tích Trượng, tay phải cầm viên ngọc báu.

Hoặc sáu hình tượng Địa Tạng là sáu Hóa Tôn của sáu nẻo đã được ghi nhận trong Đại Nhật Kinh Sớ

Posted Image

Ngoài sáu hình tướng trên, Nhật Bản còn lưu truyền nhiều hình tướng Địa Tạng khác là:

_ Pháp Tính Địa Tạng: Còn gọi là Bất Hưu Tức Địa Tạng

_ Địa Trì Địa Tạng (Jiji Jizò): Còn gọi là Hộ Tán Địa Tạng

_ Bảo Tính Địa Tạng: Còn gọi là Phá Thắng Địa Tạng

_ Pháp Ấn Địa Tạng: Còn gọi là Tán Long Địa Tạng

_ Đà La Ni Địa Tạng: Còn gọi là Biện Ni Địa Tạng

_ Long Quy Địa Tạng: Còn gọi là Diên Mệnh Địa Tạng hay Quang Vị Địa Tạng

_ Dự Thiên Địa Tạng (Yotenga Jizò):Tay trái cầm viên ngọc Như Ý, tay phải tác Thuyết Pháp Ấn, cứu độ nẻo Trời Người.

_ Phóng Quang Vương Địa Tạng (Hòkò- ò- Jizò):Tay trái cầm cây Tích Trượng, tay phải tác Dữ Nguyện Ấn, giúp cho Ngũ Cốc được mùa

_ Kim Cương Tràng Địa Tạng (Kongòtò Jizò):Tay trái cây phướng Kim Cương, tay phải tác Thí Vô Úy Ấn, cứu độ nẻo Tu La

_ Kim Cương Bi Địa Tạng (Kongòhi Jizò):Tay trái cầm cây Tích Trượng, tay phải tác Dẫn Tiếp Ấn, cứu độ nẻo Súc Sinh

_ Kim Cương Bảo Địa Tạng (Kongòhò Jizò):Tay trái cầm viên ngọc báu, tay phái tác Cam Lộ Ấn, cứu độ nẻo Quỷ đói

_ Kim Cương Nguyện Địa Tạng (Kongògan Jizò):Tay trái cầm cây phướng Diễm Ma, tay phải tác Thành Biện Ấn, vàu Địa Ngục cứu khổ

_ Khỏa Địa Tạng: (Hadaka Jizò: Địa Tạng lõa thể) Trường hợp đặc biệt, Địa Tạng Bồ Tát cũng có thể mang hình tướng một bà già qua tên gọi Mẫu Địa Tạng (Uba Jizò)

Posted Image

Hadaka Jizō

Hoặc mang hình tướng của người nữ với tên gọi là Tử Dục Địa Tạng (Kosodate Jizò) được kêu cầu như vị Thần bảo vệ và nuôi lớn trẻ con

Posted Image

_ Tử An Địa Tạng (Koyasu Jizò): giúp cho phụ nữ sinh đẻ và nuôi con dễ dàng.

Tín Ngưỡng này đã thâm nhập vào Tín Ngưỡng Dân Gian từ sau thời đại Khiếm Thương (Kamakura: 1192_1336) tức lấy sự thị hiện của Bồ Tát Địa Tạng ở vùng Tắc Hà là vị cứu hộ trẻ con, giúp phụ nữ sinh đẻ dễ dàng… và có vẽ hình, ca vịnh tán tụng.

Tại Kiyomizu ở Kyoto có dựng tượng Jizò (Địa Tạng) là nơi dùng để tưởng niệm những đứa trẻ bị chết yểu.

_ Thủy Tử Địa Tạng hay Ấu Thủy Địa Tạng (Mizuko Jizò): Giúp cho những vong linh trẻ con chết yểu hoặc chết trong thai mẹ…được an lành. Do điều này mà tượng Địa Tạng Bồ Tát thường được đặt dọc theo bờ sông Sai-no-Kawara nhằm giúp cho những vong linh chết trẻ, thoát khỏi mọi hình phạt, sớm được siêu thoát.

Posted Image

Hoặc thiết lập các nghi lễ cầu siêu cho trẻ con bị chết khi người mẹ bị sẩy thai hay phá thai….

Posted Image

Người dân Nhật Bản tin tưởng rằng Địa Tạng Bồ Tát có rất nhiều quyền năng như di chuyển, bay, nói hoặc nhổ gai khỏi chân những kẻ lữ hành… Từ đó vô số Tín Ngưỡng Dân Gian đã gắn liền với Địa Tạng như:

_ Thích Phi Địa Tạng (Togenuki Jizò): hay giúp cho người lữ hành nhổ gai góc đâm vào chân

Posted Image

Togenuki Jizò

_ Thường Thí Địa Tạng (Ajimi Jizo): hay giúp cho các vị tu sĩ chuẩn bị các món ăn đặc biệt ở nhà bếp

Posted Image

Ajimi Jizō at Koyasan

_ Cốc Đoàn Bính Địa Tạng (Botamochi Jizò): hay giúp cho nhà nông có các cái bánh hình tròn để ăn trong thời gian gieo trồng lúa mạ.

Posted Image

Botamochi Jizō

_ Tỵ Thủ Địa Tạng (Hanatori Jizò): chăm sóc ngựa và gia súc

_ Hỏa Tiêu Địa Tạng (Hikeshi Jizò) hay Hỏa Phần Địa Tạng (Hitaki Jizò): bảo vệ nhà cửa, ruộng vườn tránh khỏi hỏa hoạn

_ Thủy Dẫn Địa Tạng (Mizuhiki Jizò): mang nước đến giúp cho lúa mạ, cây cối tăng trưởng

_ Vũ Khất Kỳ Địa Tạng (Amagoi Jizò): Cầu đảo xin trời mưa

_ Lập Sơn Địa Tạng (Tachiyama Jizò): tạo làm nơi chốn cho phụ nữ nông dân nghỉ ngơi

_ Điền Thực Địa Tạng (Taue Jizò): giúp cho ngũ cốc được mùa

_ An Sản Địa Tạng (Anzan-Jizò): giúp cho phụ nữ sinh đẻ dễ dàng

Posted Image

Anzan-Jizò

_ Nhật Hạn Địa Tạng (Higiri Jizò): giúp cho con người tránh khỏi Thiên Tai

_ Tâm Bình Địa Tạng (Shinpei Jizò): giúp cho linh hồn của con người được an bình

_ Đạo Dẫn Địa Tạng (Michibiki Jizò): bảo vệ, chỉ đường cho những người đi trong vùng hoang vắng hiểm trở

_ Thắng Quân Địa Tạng (Shokògun Jizò): Giúp cho chiến thắng và bình an trong trận mạc

Posted Image

Shokògun Jizò

_ Diên Mệnh Địa Tạng (Enmei Jizò): giúp cho con người mạnh khỏe sống lâu, không bị bệnh tật

_ Du Huyền Địa Tạng (Aburakake Jizò): chữa trị bệnh tật cho con người

Posted Image

Aburakake Jizò

_ Bảo Ấn Địa Tạng ((Hòin Jizò): Cứu độ súc sinh

_ Phóng Quang Vương Địa Tạng (Hòkò- ò- Jizò) hoặc Kiên Cố Ý Địa Tạng (Kenko-i Jizò) hoặc Nhật Quang Địa Tạng (Nikkò Jizò): Cứu độ hàng Trời

_ Bảo Xứ Địa Tạng (Hòsho Jizò): Cứu độ A Tu La

_Bảo Chưởng Địa Tạng (Hòshò Jizò): Cứu độ Quỷ đói

_Trì Địa Địa Tạng (Jiji Jizo) hoặc Trừ Cái Chướng Địa Tạng (Jogaishò Jizò): Cứu độ loài người

_ Bảo Châu Địa Tạng (Hòju Jizò): Cứu độ nẻo Địa Ngục

_ Hỏa Phục Địa Tạng (Hifuse Jizò): ngăn chận nạn núi lửa. Điển hình là các Tượng Địa Tạng được dựng gần núi lửa Chasudake tại Nhật

Ngoài ra Địa Tạng Bồ Tát còn được thờ phụng qua nhiều tên gọi như sau:

_ Đàn Đà Địa Tạng (Danda Jizò)

_ Nê Túc Địa Tạng (Doroashi Jizò)

_ Phúc Đới Địa Tạng (Hara-Obi Jizò)

_ Bị Mạo Địa Tạng (Hibò Jizò)

_ Hắc Địa Tạng (Kuro Jizò)

_ Không Thủ Địa Tạng (Karate Jizò)

_ Lạp Địa Tạng (Kasa Jizò)

_ Khái Chỉ Địa Tạng (Sekidome Jizò)

_ Thúc Tử Địa Tạng (Tawashi Jizò)

_ Lung Địa Tạng (Tsunbo Jizò)

_ Thỉ Điền Địa Tạng (Yata Jizò)

_ Thủ Chấn Địa Tạng (Kubifuri Jizò)

Người dân Nhật thường khắc hình tượng của Địa Tạng Bồ Tát trên đá hoặc dùng đá tảng, cắt xẻ đục đẽo đơn sơ rồi dựng hình tượng của Ngài trên các bệ đá dựng ở ven đường, cổng ra vào của làng mạc, nơi hoang vắng nguy hiểm… nhằm bảo vệ cho làng mạc và khách lữ hành.

Posted Image

Posted Image

Riêng ở Tokyo có hơn 500 bức tượng Jizò (Địa Tạng) được dựng dọc theo nhiều tuyến đường

Do người Nhật tin tưởng Địa Tạng là vị Bồ Tát giám hộ trẻ thơ, nên thường

cho trẻ con chơi đùa loanh quanh, gần một bức tượng Địa Tạng với niềm tin là Ngài sẽ trông coi và bảo vệ cho lũ trẻ [1]

Posted Image

Phật Giáo Nhật Bản chọn ngày 24 tháng bảy theo Lịch của Nhật Bản là ngày vía của Địa Tạng Bồ Tát và chọn ngày 23, 24 tháng tám làm ngày lễ hội Địa Tạng Bồn (còn gọi là ngày truyền thống của trẻ thơ), nhằm nhắc nhở đến sự mệnh thiêng liêng của Ngài là bảo vệ trẻ thơ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của đời người.

Nhiều chùa ở Nhật Bản có dựng một dãy tượng Địa Tạng bằng đá đẽo thô mộc, gọi là Sentai Jizò (ngàn thân Địa Tạng)

Posted Image

Do Bản Tính khoan hòa, từ ái của Địa Tạng Bồ Tát kèm với hình tướng nhà sư, khiến Ngài có vẻ gần gũi với dân gian hơn là vị Thần khác. Ngài được gắn liền với Đức Phật A Di Đà cùng với Bồ Tát Quán Âm thì được xưng tán là “Nhất Phật Nhị Bồ Tát”.

Đôi khi, Địa Tạng Bồ Tát còn được biểu thị như là một chiến binh của Thần Đạo Nhật Bản được đồng hóa với Atago Gongen (vị Thần bảo vệ khỏi bị lửa đốt, là một Nhập Thể tạm thời của Jizị được thờ phụng trên núi Atago thuộc tỉnh Kyoto) với hình dáng một chiến tướng ngồi trên lưng ngựa, tay cầm cây gậy hành hương và viên ngọc ước. Thần Thú của Thần Atago Gongen là con lợn rừng, biểu tượng cho sức mạnh, lòng dũng cảm và ý chí kiên cường….nhằm giải cứu cho những chiến binh thoát khỏi mọi tình huống khó khăn nguy cấp hoặc tránh sự gây hại của lợn rừng.

Posted Image

Posted Image

[1] Xem thêm : Vị Bồ Tát bảo vệ trẻ em

6 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tại Việt Nam, Tín Ngưỡng Địa Tạng được phát triển song hành với sự phát triển của Phật Giáo. Tuy nhiên phần lớn người dân Việt thường chuyên tụng Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện với mục đích cầu siêu cho ông bà, cha mẹ, con cái, họ hàng thân thuộc… tức chịu ảnh hưởng sâu xa của tư tưởng cho rằng Địa Tạng Bồ Tát là vị Chủ Tể tối cao của Địa Ngục, Giáo Chủ của cõi U Minh… chứ không hề biết rằng Địa Tạng Bồ Tát không chỉ độ hóa chúng sinh trong cõi Địa Ngục, mà còn giúp đỡ bảo vệ cho sinh mệnh của chúng sinh, an dân trấn quốc, viên mãn Phước Trí ngay trong đời hiện tại.

Posted Image

(*) Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện (Ksïitigarbha-pranïidhàna-sùtra), Phẩm 6 Thế tôn tuyên dương ghi rằng :

" Phổ quảng, trong thì gian vị lai, mỗi tháng các ngày mồng một, mồng tám, mười bốn, rằm, mười tám, hâm ba, hâm bốn, hâm tám, hâm chín hay ba mươi, là những ngày kê cứu tội ác để phán định nặng nhẹ. Mà người Diêm phù thì cử động (51) hay suy tư toàn là nghiệp, toàn là tội, huống chi lại còn mặc ý sát sinh trộm cướp tà dâm vọng ngữ, nghiệp dữ cả trăm cả ngàn. Trong những ngày thập trai trên đây, nếu kẻ nào biết đối trước tượng Phật đà, tượng Bồ tát hay tượng Hiền thánh mà tụng một biến kinh này, thì khu vức người ấy cư trú, đông tây nam bắc chu vi một trăm do tuần, không có mọi sự tai nạn, và nhà ở của người ấy thì bất cứ lớn nhỏ, từ hiện tại đến vị lai, trong cả trăm cả ngàn năm thoát khỏi đường dữ một cách lâu dài. Mỗi ngày thập trai biết tụng kinh này một biến, việc ấy, ngay trong đời này, đã làm cho cả nhà không có tai họa, bịnh tật, ăn mặc sung túc "

Lại thêm

" Phổ quảng, trong thì gian vị lai, những kẻ chiêm bao hay ngủ say, thấy các quỉ thần với bao nhiêu biến dạng buồn có, khóc có, rầu có, than có, sợ có, hãi có. Ấy toàn là cha mẹ con cái, anh em chị em, hay vợ chồng bà con, trong quá khứ một đời mười đời hay trăm đời ngàn đời, hiện ở trong đường dữ mà chưa được thoát khỏi, không biết hy vọng vào đâu làm phước cứu vớt, nên họ báo mộng cho những kẻ xương thịt trong quá khứ, trông mong làm phước để cứu họ thoát khỏi đường dữ. Phổ quảng, các người hãy vận dụng thần lực làm cho những kẻ xương thịt ấy biết đối trước tượng Phật đà hay tượng Bồ tát, chí tâm tự tụng kinh này hay cung thỉnh người khác tụng cho, số lượng phải ba biến hay bảy biến. Như vậy, những kẻ bà con còn ở trong đường dữ kia, hễ tiếng tụng kinh đủ biến chấm dứt, thì họ cũng được siêu thoát, mộng mị cũng không bao giờ còn thấy họ nữa."

Lại thêm

" Đại loại như vậy, Phổ quảng, các người nên biết Địa tạng đại sĩ, xuất từ thần lực vĩ đại, có những sự ích lợi cho người đạt đến số lượng trăm ngàn vạn ức, không thể nói hết. Đối với Địa tạng đại sĩ, người Diêm phù có sự liên hệ lớn lao. Người ở đây nghe danh hiệu hay thấy hình tượng của đại sĩ, cho đến nghe kinh này dầu chỉ được ba chữ hay năm chữ, một bài chỉnh cú hay một câu đủ nghĩa (52) , hiện tại cũng đạt được sự yên vui tuyệt diệu, mà vị lai thì trăm ngàn vạn đời luôn luôn sinh ra trong nhà tôn quí, tướng mạo và tánh tình đều hoàn hảo."

(*) Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện (Ksïitigarbha-pranïidhàna-sùtra), quyển Thượng, Phẩm Đao Lợi Thiên Cung Thần Thông ghi rằng:

“ Vào kiếp lâu xa trong thời quá khứ, Địa Tạng Bồ Tát là con của một vị Đại Trưởng Giả. Nhân thấy tướng tốt trang nghiêm của Đức Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai mà phát sinh tâm kính ngưỡng, nói rằng để chứng đắc được tướng trang nghiêm này mà phát Nguyện cho đến hết các kiếp chẳng thể tính đếm, ở đời vị lai độ thoát tội khổ của chúng sinh trong sáu nẻo”

Lại ghi rằng:”Một trong các kiếp trong a tăng kỳ kiếp chẳng thể nghĩ bàn, Địa Tạng Bồ Tát là người nữ thuộc giòng Bà La Môn, vì cứu độ mẹ thoát khỏi Địa Ngục đã thay mẹ cúng dường tu Phước và phát Nguyện cho đến hết kiếp vị lai đều rộng cứu độ tội khổ của chúng sinh”

(*) Trong Phẩm Diêm Phù Chúng Sinh Nghiệp cảm của Kinh trên cũng ghi nhận hai thuyết là:

_ “Vào thời lâu xa trong quá khứ, Địa Tạng Bồ Tát làm vua của một nước. Do thấy người dân trong nước tạo nhiều tội ác, nên đã phát Nguyện độ hết tội của các chúng sinh, đều đến Bồ Đề. Nếu chẳng như vậy thì không thành Phật”

_”Ở một kiếp lâu xa trong quá khứ, Địa Tạng Bồ Tát là một người nữ tên là Quang Mục. Do mẹ của nàng bị đọa vào Địa Ngục nên Quang Mục vì muốn cứu độ mẹ, đã phát Nguyện cứu giúp nhổ bứt tất cả tội khổ của chúng sinh, đợi cho chúng sinh thành Phật rồi, sau đó mình mới thành Chính Giác”

Các Thuyết ghi trên đều tùy theo Tín Ngưỡng Địa Tạng mà rộng truyền trong dân gian, cho nên trong Phật Giáo thường dùng các câu:

_“Địa Ngục chưa trống rỗng

Thề Nguyện chẳng thành Phật

Khi độ hết chúng sinh

Mới chứng đắc Bồ Đề”

_ “Ta chẳng vào Địa Ngục thì ai vào Địa Ngục ?”Để hình dung lời Nguyện rộng lớn thuộc Tâm Từ Bi thương xót của Địa Tạng Bồ Tát.

(*) Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện, Phẩm Địa Thần Hộ Pháp đề cập đến mười điều lợi ích của việc cúng dường Địa Tạng Bồ Tát. Trong đó hay đắp tượng vẽ tranh, cho đến dùng vàng, bạc, đồng, sắt đúc hình tượng Ngài Địa Tạng, đốt hương cúng dường, chiêm lễ ngợi khen, thì nơi người đó ở liền được mười điều lợi ích là:

1_Đất cát tươi tốt.

2_Nhà cửa an ổn.

3_Người đã chết được sinh lên cõi Trời.

4_ Những người hiện còn được tăng thọ.

5_ Cầu nguyện gì cũng được toại ý

6_ Không có tai họa về lửa và nước.

7_ Trừ sạch việc hư hao.

8_ Dứt hẳn mộng ác.

9_ Khi ra lúc vào có Thần theo hộ vệ.

10_ Thường được gặp bậc Thánh Nhân.

(*) Trong Phẩm Chúc Lụy Nhân Thiên nói rằng: “Nếu trong đời sau có kẻ trai lành người nữ thiện nào, nhìn thấy hình tượng Ngài Địa Tạng và nghe Kinh này, cho đến đọc tụng, dùng hương hoa, thức ăn uống, quần áo, trân bảo, bố thí cúng dường, ngợi khen chiêm lễ, sẽ được hai mươi tám điều lợi ích là:

1_Trời, Rồng thường hộ niệm.

2_Quả lành ngày càng tăng.

3_ Gom chứa Nhân vô thượng của bậc Thánh.

4_ Chẳng thoái Bồ Đề

5_Ăn mặc được đầy đủ.

6_ Thân không bị vướng những bệnh tật, nạn dịch

7_ Xa lìa tai họa về lửa và nước.

8_ Không bị nạn trộm cướp.

9_ Người khác nhìn thấy đều sinh lòng kính trọng.

10_ Quỷ Thần theo hộ trì.

11_ Đời sau sẽ chuyển thân nữ thành thân nam.

12_ Đời sau sẽ làm con gái của các bậc Vương Giả Đại Thần.

13_ Tướng mạo xinh đẹp.

14_ Phần lớn được sinh về cõi Trời.

15_ Làm bậc vua chúa.

16_ Có Trí sáng biết rõ những việc trong đời trước.

17_ Cầu nguyện gì cũng được toại ý

18_ Quyến thuộc an vui.

19_ Các tai họa đột ngột đều được tiêu diệt.

20_ Các nghiệp về nẻo ác đều dứt hẳn.

21_ Đi đến đâu cũng không bị trở ngại.

22_ Đêm nằm mộng được an ổn vui vẻ.

23_ Những người thân tộc đã chết nếu có tội thời được khỏi khổ.

24_ Nếu đời trước có Phước thì được thọ sinh về cõi vui sướng.

25_ Được các bậc Thánh ngợi khen.

26_ Căn Tính lanh lợi thông minh.

27_ Giàu lòng Từ Tâm thương xót.

28_ Cuối cùng thành Phật.

Trong băng đĩa Cửu Hoa Sơn (thuộc Tứ Đại Danh Sơn) có ghi nhận bài Địa Tạng Sám nhằm nhấn mạnh vào Pháp Tu Chính Pháp Giải Thoát qua sự nhiếp hóa của Bồ Tát Địa Tạng như sau:

_Nam mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương

Nguyện con lìa hẳn ba nẻo ác

_Nam mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương

Nguyện con mau dứt Tham Sân Si

_Nam mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương

Nguyện con siêng tu Giới Định Tuệ

_Nam mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương

Nguyện con thường tùy các Phật Học

_Nam mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương

Nguyện con chẳng thoái Tâm Bồ Đề

_Nam mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương

Nguyện con quyết định sinh An Nhẫn

_Nam mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương

Nguyện con mau được thọ Thánh Ký

_Nam mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương

Nguyện con phân thân khắp các cõi

_Nam mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương

Nguyện con rộng độ các chúng sinh

6 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Bồ tát Địa Tạng được đặt nhiều nơi trên khắp nước Nhật qua những tuyệt phẩm công phu của Nghệ Nhân Phật Giáo!

Posted Image

Tượng Địa Tạng

Posted Image

Posted Image

Posted Image

5 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Cám ơn chị Wild đã bổ sung hình ảnh cho bài viết. Kính mời Chị cùng mọi người theo dõi tiếp nhé.

============

Nhân qua bài dẫn của anh hoangnt ở trên có câu đầu của bài Kệ thỉnh chuông

Hồng chung sơ khấu

Bảo kệ cao âm

Thượng triệt thiên đường

Hạ thông địa phủ.

Nam mô U Minh Giáo Chủ Địa Tạng Vương Bồ Tát!

Chợt nhớ, trong dịp đi thăm cơ sở nuôi người bệnh tâm thần Trọng Đức – Đà Lạt, Đại đức Thích Trí Khánh có chỉ dạy : “ Những người bệnh này, nếu được nghe tiếng chuông chùa thường ngày, bệnh tình rồi sẽ thuyên giảm”.

TT. Thích Minh Quang , mỗi lần có người đến chùa xin cho người thân nương nhờ cửa chùa để chữa tâm bệnh, thầy đều hỏi vui người bệnh : “ Ở lại chùa với thầy, thày sẽ nuôi ăn, chỉ cần hàng ngày ngồi thỉnh đại hồng chung cho thầy thôi, vậy có có chịu không” - chắc cũng trong ẩn ý đó.

Posted Image

Địa Tạng Vương Bồ Tát có nguyện lớn là nơi nào có địa ngục thì nơi đó bồ tát phải có mặt. Danh hiệu của bồ tát là Địa Tạng Vương. Minh tức là cõi u minh, nghĩa là cõi âm, minh này không có nghĩa là sáng. Dương tức là cõi trần thế. Người cứu độ cho cả cõi âm và cõi dương được gọi là Minh Dương Cứu Khổ Địa Tạng Vương. Hình ảnh của bồ tát Địa Tạng Vương là một hình ảnh tiêu biểu, vì chính ở đây sự đối tượng cúng dường, đối tượng của tình thương và của sự thực tập là những người cô hồn. Vì vậy bồ tát Địa Tạng Vương đóng một vai trò quan trọng. Sự đau khổ đó có mặt trong cả cõi dương và cõi âm. Cõi dương nằm trong cõi âm và cõi âm nằm trong cõi dương. Đó là giáo lý tương tức. Cõi dương cũng như cõi âm đều nằm trong cõi dương hết. Trong chùa mỗi khi thỉnh chuông đại hồng chúng ta hay xướng bài kệ:

Bài kệ thỉnh chuông Việt dịch :

Sơ khấu : (khấu thỉnh đoạn nhứt)

Hồng chung khởi thỉnh tiếng ban đầu,

Bảo kệ ngâm cao thoát nhiệm mầu,

Trên thấu Thiên đàng vui an lạc

Dưới thông Địa ngục diệt đau sầu ! (0) !

*Nam Mô U Minh Giáo Chủ, Cứu khổ bổn tôn, Cứu bạt minh đồ, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát. (0).

Nhị khấu : (khấu thỉnh đoạn hai)

Hồng chung khấu thỉnh lần thư hai,

Bảo kệ ngâm cao giọng ngân dài,

Trên thấu thiên đường trời niệm Phật

Dưới thông địa ngục ngục tiêu tai. ! (0).

*Nam Mô U Minh Giáo Chủ, Cứu khổ bổn tôn, Cứu bạt minh đồ, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát. (0).

Tam khấu : (khấu thỉnh đoạn ba)

Hồng chung kính thỉnh lần thứ ba,

Bảo kệ ngân cao chiếu bảo tòa,

Trên thấu thiên đường thông sáu nẻo,

Dưới sâu địa ngục độ bao la. ! (0)

*Nam Mô U Minh Giáo Chủ, Cứu khổ bổn tôn, Cứu bạt minh đồ, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát. (0).

Cũng chưa có dịp để hỏi thêm thầy Trí Khánh về diệu lực của tiếng chuông chùa nói chung và tiếng chuông trong truyền thống Kim Cang Thừa nói riêng có “hiệu ứng” tác động đến tinh thần của chúng sinh như thế nào. Nhưng có lẽ, phần lớn trong chúng ta đều đã có dịp cảm nhận : Mỗi khi bước chân vô cửa chùa nghe tiếng chuông ngân đều thấy lòng mình thư thái ,dịu lại.

Nên phải chăng !? Tiếng chuông chùa đã là phương tiện truyền tải, mang năng lựợng từ bi từ những đại hạnh nguyện cứu độ chúng sinh các cõi của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát đến với nhân gian này.

Sống trong xã hội đầy ô nhiễm hiện nay, áp lực sinh sống tạo nhiều chần động lên tâm lý con người nhẹ thì stress nặng thì trầm cảm, tâm thần. Nên có lẽ phải “tranh thủ phương tiện” :

Khi tinh thần thấy bất ổn không yên.

Đến cửa Thiền nghe chuông chùa mươi phút.

Thầm niệm Phật, nhìn khói hương nghi ngút.

Nỗi ưu phiền theo khói vút thăng thiên.

Posted Image

4 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thông điệp của Bồ Tát Địa Tạng đến Phật tử qua kinh Địa Tạng Bổn Nguyện

Published on Monday, 13 August 2012 16:21 Posted Image

Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện là một bộ Kinh nói về công đức, oai lực của Bồ Tát Địa Tạng thường được các Chùa chiền tự viện tại các quốc gia theo khuynh hướng Đại Thừa khai tụng trong suốt tháng bảy, đặc biệt là vào dịp lễ Vu Lan, tức là mùa báo hiếu cha mẹ, tổ tiên theo truyền thống của người con Phật.

Bộ Kinh này đã được Hoà Thượng Trí Tịnh dịch từ Hán Tạng ra tiếng Việt.

Lý Do Ra Đời Của Kinh Địa Tạng.

Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện được mở đầu bằng câu nói quen thuộc của Ngài A Nan: "Ta nghe như vầy", có nghĩa là bộ Kinh này đã được Ngài A Nan ghi nhớ lại lời Phật giảng dạy và sau đó truyền tụng cho đại chúng. Ngay điểm mở đầu này có thể tạo nên một số nghi hoặc đối với đại chúng nhất là những người có một số hiểu biết về lịch sử Phật giáo, vì ai cũng biết rằng Ngài A Nan chỉ đắc quả A La Hán và đạt được thần thông sau khi Phật nhập diệt, chỉ vài giờ trước khi Ngài Ma Ha Ca Diếp triệu tập Đại Hội Tăng già kết tập Kinh điển lần thứ nhất. Như vậy, với tư cách là một phàm Tăng, người ta tự hỏi, làm sao ngài A Nan có thể đi cùng với Phật lên cung trời Đao Lợi để nghe Phật thuyết Pháp? Tuy nhiên, để giải tỏa mối nghi ngờ này, ta nên hiểu rằng, trước khi nhận làm thị giả chính thức cho Đức Phật, Tôn giả A Nan đã ra 8 điều kiện và được Phật chấp nhận, trong đó điều kiện thứ tám nêu rõ: "Nếu Đức Thế Tôn thuyết Pháp trong lúc A Nan vắng mặt, thì ông xin Đức Bổn Sư lặp lại bài Pháp ấy cho ông nghe.”

Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện do Đức Phật Thích Ca diễn nói tại cung trời Đao Lợi, tức là từng trời thứ hai trong sáu từng trời của cõi Dục giới nơi mà Thánh Ma Gia, thân mẫu của Đức Phật đã thác sanh về đây sau khi hạ sanh Đức Phật được 7 ngày. Trước khi nhập Niết Bàn, vì cảm ơn đức sanh thành, Đức Phật đã diễn nói Kinh Địa Tạng tại Pháp hội ở cung trời này. Như vậy, Kinh Địa Tạng ra đời trước tiên là do lòng hiếu thảo của Đức Phật đối với bậc sanh thành, Ngài đã tưởng nghĩ đến mẹ khi biết rằng mình sẽ không còn trụ thế bao lâu nữa nên đã lập Pháp hội tại cung trời Đao Lợi để độ thoát cho thân mẫu.

Đây là một Pháp hội vô cùng quan trọng vì có sự hiện diện đông đủ của chư Phật khắp mười phương thế giới, chư Đại Bồ Tát như Quán Âm, Văn Thù, Phổ Hiền... cùng các chúng Trời, Rồng, Quỉ, Thần khắp các cõi. Diễn nói Kinh Địa Tạng trong Pháp hội này vì thế mang một ý nghĩa vô cùng lớn lao. Là bậc Cha lành trong bốn cõi, không một việc làm nào dù nhỏ hay lớn mà Đức Thế Tôn lại không nghĩ đến lợi lạc của tất cả Pháp giới chúng sanh. Trong Pháp hội này Ngài vì thân mẫu mà thuyết Pháp nhưng động cơ chính vẫn là lòng từ bi lân mẫn đối với chúng sanh ở cõi Ta bà, đặc biệt là đối với những chúng sanh cang cường đầy tội khổ, khó khai hóa mà Ngài biết chắc chắn là sẽ "bị đọa vào đường dữ chịu nhiều sự thống khổ", vì thế trong Pháp hội này Ngài đã phó chúc cho Bồ Tát Địa Tạng nhiệm vụ "gắng độ chúng sanh trong cõi Ta bà đến lúc Phật Di Lặc ra đời, đều đặng giải thoát, khỏi hẳn các điều khổ, gặp Phật, được Đức Phật thọ ký.” (Quyển Thượng Phẩm Thứ Hai: Phân Thân Tập Hội).

Như vậy nội dung chính yếu của Kinh Địa Tạng xoay quanh chữ Hiếu, nói lên những bổn phận, nghĩa vụ của người sống đối với người đã quá vãng, cũng như nêu bật những tội phúc quả báo ở kiếp sống bên kia để người Phật tử nương theo Kinh này cùng dựa vào oai lực độ trì, gia hộ của Bồ Tát Địa Tạng để tu tập, hầu độ thoát cho chính mình, cho người thân cũng như tất cả chúng sanh đã quá vãng khỏi rơi vào con đường ác.

Hành Trạng Và Đại Nguyện của Bồ Tát Địa Tạng

Bồ Tát Địa Tạng là nhân vật như thế nào mà lại được Đức Phật giao phó một trọng trách lớn lao và khó khăn như thế?

Bồ Tát Địa Tạng là một vị Đại Bồ Tát thường được nhắc nhở đến trong rất nhiều Kinh điển Đại thừa vì công năng, oai lực của vị Bồ Tát này vô cùng lớn lao. Nếu chúng ta tôn xưng Đức Từ Phụ là Ta bà Giáo chủ thì Bồ Tát Địa Tạng cũng đã được tôn xưng như là vị U Minh Giáo Chủ, tức là người tiếp trợ, giúp đỡ các chúng sanh ở thế giới bên kia, tức là cõi âm. Ngài là nơi nương tựa, nguồn an ủi của những oan hồn vất vưởng không nơi nương tựa đến những linh hồn vì ác nghiệp bị giam giữ và trừng phạt tận các tầng địa ngục. Tên gọi của Ngài cũng đã mang một ý nghĩa như thế. Địa là đất cũng có nghĩa là dày chắc, Tạng là cất giấu, chứa đủ. Danh hiệu của Ngài hàm ý rằng Ngài là đại địa bao la, nơi ẩn chứa những kho tàng quý giá, tức thiện căn. Địa Tạng vì thế như là hình ảnh của một người mẹ thiên nhiên ôm ấp, bảo bọc, che chở tất cả muôn loài không phân biệt. Chẳng thế mà Đức Thế Tôn đã lên tiếng tán dương: "Địa Tạng! Địa Tạng! Thần lực của ông không thể nghĩ bàn, đức từ bi của ông không thể nghĩ bàn, trí huệ của ông không thể nghĩ bàn, biện tài của ông không thể nghĩ bàn."

Bồ Tát Địa Tạng đã đạt đến quả vị này là do một phát tâm từ bi dõng mãnh muốn cứu vớt tất cả những khổ đau của chúng sanh, đặc biệt là những chúng sanh đang chịu khổ nạn trong địa ngục, được huân tập qua một quá trình tu tập trải qua hằng hà sa số kiếp, trong đó một vài kiếp nổi bật đã được Đức Phật nhắc lại trong Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện như sau:

Vị Trưởng giả dưới thời Phật Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai: Trong kiếp này Ngài là một vị Trưởng giả, đã lập nguyện độ thoát tất cả chúng sanh bị khốn khổ mới chứng thành Phật đạo.

Hiếu nữ Bà La Môn dưới thời Giác Hoa Định Tự Tại Vương Phật: Trong kiếp này Ngài là một thiếu nữ Bà La Môn hết lòng sùng kính Tam Bảo nhưng bà mẹ lại là một người mê tín tà đạo, khinh chê Tam Bảo. Vì ác nghiệp này mà sau khi chết bà đã bị đọa vào địa ngục vô gián. Tuy không biết mẹ mình thác sanh về nơi nào nhưng Thánh nữ biết rằng với những tội lỗi mà bà đã gây ra, chắc chắn sẽ bị đọa vào con đường ác. Là một người con hiếu thảo, đau lòng vì thương nhớ mẹ, Thánh nữ đã tu tạo phước lành và cầu khẩn oai lực của Giác Hoa Định Tự Tại Vương Phật giúp đỡ. Nhờ đó mà thân mẫu của bà chẳng bao lâu sau đã được vãng sanh lên cõi trời. Từ đây Thánh nữ lập nguyện: "Tôi nguyện từ nay nhẫn đến đời vị lai những chúng sanh mắc phải tội khổ, thì tôi lập ra nhiều phương chước làm cho chúng đó được giải thoát."

Vị tiểu vương dưới thời Phật Nhất Thiết Trí Thành Tựu Như Lai: Trong kiếp này Ngài là quốc vương của một nước nhỏ, thương yêu dân như con, luôn thực hành mười hạnh lành làm lợi ích cho nhân dân. Tuy nhiên dân chúng của vương quốc này tánh tình rất ngang ngược, hung ác. Do đó Ngài đã phát nguyện rằng: "Nếu chưa độ hết những chúng sanh tội khổ đều đặng an vui chứng quả Bồ đề, thời tôi nguyện chưa thành Phật."

Hiếu nữ Quang Mục dưới thời Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai: Cũng như câu chuyện của Thánh nữ Bà La Môn, Quang Mục là một thiếu nữ rất hiếu thảo đối với mẹ. Sau khi mẹ mất, nàng băn khoăn không biết mẹ mình nay đã thác sanh về đâu. Nhờ lòng hiếu thảo và công đức cúng dường một vị La Hán đầy phước đức, Quang Mục biết được mẹ đang chịu khổ nạn tại địa ngục do hai tội ác giết hại sanh vật và chê bai mắng nhiếc người khác gây ra lúc còn tại thế. Do phước lực của nàng và oai lực của Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, bà mẹ sau đó đã phải trở lại đầu thai vào làm con của người đầy tớ trong nhà Quang Mục chịu kiếp hạ tiện cho đến năm 13 tuổi mới được vãng sanh về cõi trời. Nàng Quang Mục vì thương mẹ mà đã phát nguyện rộng lớn như sau:

"Từ ngày nay nhẫn về sau đến trăm ngàn muôn ức kiếp, trong những thế giới nào mà các chúng sanh bị tội khổ nơi địa ngục cùng ba ác đạo, tôi nguyện cứu vớt chúng đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo: địa ngục, súc sanh, và ngạ quỉ, v.v...

Những kẻ mắc phải tội báo như thế thành Phật cả rồi, vậy sau tôi mới trở thành bậc Chánh Giác."

Đức Thế Tôn đã vì mẹ mà tìm đến cung trời Đao Lợi. Tôn giả Xá Lợi Phất trước khi biết mình sắp nhập Niết Bàn đã quay về mái nhà xưa để độ thoát cho mẹ già. Trong những câu chuyện về tiền kiếp của Bồ Tát Địa Tạng được Đức Phật nhắc lại ở trên, hai hình ảnh nổi bật nhất vẫn là hai thiếu nữ hiếu thảo hết lòng cứu mẹ. Chữ Hiếu như thế, rất quan trọng trong đạo Phật. Biết thương yêu mẹ mới biết thương yêu chúng sanh. Hiểu được những nỗi khổ mà mẹ đang chịu đựng mới có thể hiểu được những nỗi khổ của chúng sanh. Từ đó mới phát đại nguyện cứu vớt chúng sanh. Phật, Bồ Tát, Thánh Tăng khi đã chia xẻ kiếp người, cũng chia xớt với chúng ta những tình cảm như thế, cho nên chúng ta, những người con Phật, những hiếu tử, có ai nghĩ về mẹ mà không nước mắt rưng rưng? Nhưng làm thế nào để giúp mẹ, để cứu vớt những người thân trong lúc lâm chung hay đã qua đời? Kinh Địa Tạng cùng với công năng, oai lực của Bồ Tát Địa Tạng sẽ giúp ta thực hiện được điều đó.

Công Năng, Oai Lực của Bồ Tát Địa Tạng và Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện

Công năng, oai lực của Bồ Tát Địa Tạng bao trùm khắp ba cõi Trời, Người và cõi âm. Nói theo danh từ nhà Phật, oai lực đó là không thể nghĩ bàn. Riêng trong cõi thế gian này, Đức Thế Tôn qua Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện đã cho chúng ta biết rằng bất cứ chúng sanh nào hoặc được nghe danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát rồi chí tâm quy y hoặc cúng dường, chiêm ngưỡng, tô vẽ hình tượng, đảnh lễ Bồ Tát, chắc chắn sẽ đạt được những lợi ích lớn lao sau đây:

1. Lợi ích trong cuộc sống hiện tại:

----------------------------

Những nguyện lớn mau chóng thành tựu: Những ước muốn mong cầu trong đời hiện tại hoặc vị lai, chắc chắn sẽ được thành tựu. Tất cả những ai phát nguyện lớn lao, muốn cứu độ chúng sanh, muốn đạt đạo quả Bồ đề đều được oai lực của Bồ Tát trợ giúp để đạt thành ý nguyện.

Được trí huệ lớn: Đối với những người kém trí nhớ, nghe rồi quên, Kinh điển đọc tụng bao nhiêu lần cũng không nhớ nỗi, Phật dạy nên dùng một chén nước trong để trước tượng Bồ Tát một ngày một đêm rồi chí tâm cung kính quay mặt về phương Nam thỉnh nước này để uống, sau đó phải kiêng cử rượu thịt, các thứ hành, hẹ, tỏi... giữ gìn 5 giới trong vòng 7 hoặc 21 ngày sẽ thấy hiệu nghiệm.

Tai Nạn Tiêu Trừ: Tất cả những ai luôn bị tai vạ theo đuổi, thân luôn mang tật bệnh, gia đạo không an, người thân ly tán... Nếu chuyên tâm trì tụng danh hiệu của Bồ Tát từ một muôn biến trở lên, tất cả mọi hoạn nạn sẽ dần dần được tiêu trừ.

Thoát khỏi hiểm nguy: Nếu gặp cảnh ngộ phải xông pha vào chốn hiểm nguy, trước khi ra đi chuyên tâm niệm danh hiệu của Bồ Tát trên một muôn biến, sẽ thoát khỏi khổ nạn hiểm nguy.

Tiêu tội chướng, bệnh tật: Những người bị bệnh thập tử nhất sinh, nằm liệt giường, sống dở chết dở, đó là do nghiệp đạo luận tội chưa đi đến quyết định dứt khoát nên khó chết cũng như khó lành. Trong lúc này người thân nên dùng tài sản, vật qúy của người bệnh tô vẽ hình tượng, cúng dường Bồ Tát rồi báo cho người bệnh biết cũng như trì tụng Kinh này thì người đó vì nghiệp báo mà phải mang lấy bệnh nặng sẽ được hết bệnh, sống lâu, còn như nếu hết nghiệp lúc chết các nghiệp chướng sẽ được tiêu trừ, không còn bị đọa vào ba đường ác mà sẽ được vãng sanh về cõi Trời.

Được quỉ thần hộ vệ: Những người cung kính đảnh lễ, dùng các hình thức văn mỹ nghệ ca ngợi Bồ Tát Địa Tạng, khuyến khích những người khác cùng làm theo như thế, trong đời này cũng như ở những kiếp sau, họ sẽ được trăm nghìn quỉ thần luôn theo hộ vệ ở bên mình, không còn bị mắc vào những tai họa nữa.

2. Lợi ích cho kiếp sau:

-------------------------

Thoát khỏi nữ thân: Những người nữ nào không muốn mang thân gái ở kiếp sau, hàng ngày thành kính cúng dường, chiêm ngưỡng, đảnh lễ Địa Tạng Bồ Tát sẽ được như ý nguyện.

Được thân xinh đẹp: Những người nữ hiện tại mang thân hình xấu xí, hay ốm đau bệnh tật trong những kiếp tới sẽ được thân hình xinh đẹp, sinh vào nơi quyền qúy cao sang nếu cung kính đảnh lễ, trì niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng.

Thoát kiếp nô lệ: Những người sinh ra trong kiếp tôi đòi, nô lệ nếu thành tâm trì tụng danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng liên tiếp trong 7 ngày, đủ một muôn biến, kiếp tới sẽ không còn sinh vào nơi hạ tiện nữa.

3. Lợi ích trước phút lâm chung.

---------------------------

Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện có thể xem là một quyển Kinh gối đầu giường, một cuốn chỉ Nam cho người Phật Tử khi phải đối diện hoàn cảnh một người thân yêu của mình sắp mạng chung. Đây là giây phút hệ trọng nhất của một linh hồn sắp giã từ cõi thế, khi mà tất cả những ham muốn, dục vọng của cả một đời người tích tụ lại thành một năng lực quyết định cho hướng đến của kiếp tương lai. Giống như sĩ tử trong kỳ thi cuối cùng, đây chính là thời điểm thử thách, cân lường thiện nghiệp, ác nghiệp của một đời người trước khi chuyển kiếp. Trong lúc này, Đức Thế Tôn cho ta biết, "thần thức của người chết đang hôn mê, mờ mịt, những quỉ thần, ma đạo đôi lúc còn biến hình ra cha mẹ, những người thân thuộc để lôi kéo họ vào ác đạo, ngay cả đối với những người đã tạo nghiệp lành trong hiện thế." (Quyển Trung Phẩm Thứ Tám Các Vua Diêm La Khen Ngợi). Cho nên vai trò của người thân lúc này rất quan trọng. Họ phải ở bên cạnh người sắp lâm chung, liên tục trì tụng danh hiệu Phật, Bồ Tát làm sao cho lọt được vào lỗ tai người chết, như vậy các ma quỉ, ác thần mới lui tan đi chỗ khác.

Đức Phật cũng cho biết những công việc cần làm của thân nhân trong suốt 49 ngày khi linh hồn người chết đang còn vất vưởng, luôn trông ngóng thân quyến cốt nhục tu tạo phước đức làm hành trang, vốn liếng cho họ được nhẹ bước siêu linh. Nỗ lực chính yếu của thân nhân trong thời gian này nên được thể hiện bằng những hành động tích cực như không được giết hại sinh vật, cúng tế thần linh, ma quỉ. Sau 49 ngày thì người chết sẽ tùy theo nghiệp mà nhận lấy quả báo.

Có lẽ quyển "Tạng Thư Sống Chết" của Phật giáo Tây Tạng là quyển sách diễn tả một cách khá rõ ràng về những giai đoạn biến chuyển của thần thức hay thân trung ấm (bardo) con người từ giây phút lâm chung cho đến 49 ngày sau đó, phù hợp với giáo lý mà Đức Phật đã diễn nói trong Kinh Địa Tạng. Trong phần "Các cảnh báo trước nơi tái sanh" tác giả cho biết: "Những người nào phải sanh vào địa ngục sẽ nghe những tiếng như những lời than vãn và sẽ bị bắt buộc phải đi vào một cách không cưỡng lại được. Sẽ hiện ra những khoảng tối mù mịt, những ngôi nhà màu đen và trắng, những lỗ đen ngòm trong đất, những con đường tối om mà người ta sẽ phải đi theo. Bước vào đó là người ta vào địa ngục và sẽ phải đau khổ vì quá nóng, quá lạnh... và sẽ phải chịu đựng lâu dài mới ra khỏi được.” Bởi vậy, đối với người đang hấp hối, sự hiện diện bên cạnh của vị Bổn sư hay của một vị thiện trí thức mà đương thời người hấp hối kính trọng, tin tưởng, đọc tụng cho họ những bổn Kinh hay trì niệm hồng danh chư Phật, chư Bồ Tát, cụ thể là Bồ Tát Quán Thế Âm hay Bồ Tát Địa Tạng hoặc vị Bồ Tát nào mà lúc sinh thời người đó đã chọn thờ kính làm vị Đại sư của mình tương tự như vị Thánh bổn mạng của người Thiên chúa giáo sẽ giúp ích lớn lao cho người chết được mau chóng siêu thăng về cõi Phật.

4. Lợi ích đối với người quá vãng.

------------------------------

Siêu độ vong linh: Tại sao trong giấc ngủ ta nằm mơ thấy ma quỷ, hoặc hình ảnh những người lạ tạo cho ta những ấn tượng lo buồn, hoặc kinh sợ đến đổi phải thở than, khóc lóc hoặc kinh hoảng trong giấc mơ? Đức Phật giải thích cho ta biết đó là do linh hồn những thân quyến của ta đã chết trong kiếp này hay những kiếp trước bị đọa vào ác đạo nên tìm đến ta để mách bảo hy vọng rằng vì tình cốt nhục ta sẽ tìm cách giúp họ thoát ra khỏi con đường ác đạo.

Để giúp cho những vong linh này được siêu độ, Phật dạy ta nên chí tâm đảnh lễ trước hình tượng của chư Phật hay Bồ Tát rồi tự mình đọc tụng Kinh này hoặc nhờ người khác đọc tiếp từ 3 đến 7 biến tức thời những linh hồn thân quyến kia sẽ được giải thoát không còn hiện về trong giấc mơ nữa.

Gặp lại người thân đã quá vãng: Những người nào gặp cảnh cha mẹ mất sớm từ lúc vừa mới sanh ra cho đến trong vòng mười tuổi, hoặc có anh chị em, quyến thuộc đã qua đời, sau này khi họ lớn lên, nhớ tưởng đến những người đã quá vãng? không biết thác sanh về đâu, trong Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, Phật dạy rằng hễ cứ mỗi lần nghe danh hiệu hoặc chiêm ngưỡng hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng thì cung kính đảnh lễ một lần trong suốt một ngày đến 7 ngày, những thân quyến quá vãng dù có bị đọa vào ác đạo cũng được siêu thăng lên cõi Trời. Nếu thực hiện công hạnh này đủ 21 ngày và trì tụng một muôn biến danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng sẽ được Ngài hiện về trong giấc mơ mách bảo cho biết nơi thác sanh hoặc Ngài sẽ dẫn đến tận nơi để gặp lại người thân đã qua đời.

Quan Niệm Về Địa Ngục, Tội Phước Nghiệp Báo Trong Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện

Có thể xem Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện là quyển Kinh nói rõ nhất về thế giới bên kia tức cõi âm, về địa ngục và những trừng phạt, về tội phước và nghiệp báo.

1. Về địa ngục:

-------------------

Một vấn nạn mà các triết gia Đông Tây thường nêu ra để tìm lời giải đáp là sau khi chết thần thức, tức linh hồn của con người sẽ đi về đâu? Phải chăng có cõi địa ngục hiện diện ở thế giới bên kia và nếu có qua đó những kẻ gây ác nghiệp sẽ bị trừng phạt như thế nào?

Câu trả lời của Phật giáo rất rõ ràng. Trong Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, Đức Phật đã trả lời dứt khoát cho ta biết là có địa ngục và có sự trừng phạt. Ngài chỉ rõ rằng những người sinh ra trong đời này hoặc mang kiếp nghèo hèn, hoặc gia đình quyến thuộc kình chống nhau, hoặc thân hình xấu xí tàn tật, đui, điếc, câm ngọng, không lưỡi, miệng lở, điên cuồng mất trí, chết yểu,... hoặc sinh làm chim chóc, súc sanh... đều là những chúng sanh đã tạo ác nghiệp từ thân khẩu ý từ những kiếp trước, sau khi chịu qủa báo ở đời này, nếu không tu tập, họ sẽ còn tiếp tục bị "đọa vào địa ngục trải qua nhiều kiếp không lúc nào thoát khỏi.”

Ta tin lời Phật dạy là có địa ngục, nhưng địa ngục đó như thế nào? Để trả lời những thắc mắc của Thánh mẫu Ma Gia cũng như Bồ Tát Phổ Hiền nêu ra trong Pháp hội, Bồ Tát Địa Tạng đã tóm lược ra cho ta biết tất cả những loại địa ngục, qua đó nạn nhân phải nhận chịu những hình thức trừng phạt hết sức kinh khủng bởi những khí cụ tra tấn ghê rợn trong từng các loại địa ngục, mà trong đó nặng nề nhất là địa ngục Vô Gián. Đọc đến đoạn Kinh này, những người mang tinh thần duy lý có thể sẽ nêu nghi vấn, đặt vấn đề: Con người chỉ cảm nhận được đau đớn khi có xác thân, nhưng sau khi chết rồi, xác thân tan rả thì những hình phạt, tra tấn đâu có tác dụng gì nữa, như vậy phải chăng địa ngục chỉ là sự hù dọa của Tôn giáo đối với những kẻ yếu bóng vía? Ta hãy xem Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện giải thích như thế nào về vấn đề này.

Địa ngục là gì? Trả lời Bồ Tát Phổ Hiền, Ngài Địa Tạng nêu rõ: "Đó là do chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề làm những điều ác mà tùy nghiệp chiêu cảm ra những địa ngục như thế" và ngay cả các khí cụ tra tấn cũng được giải thích, "Khí cụ là do các hạnh nghiệp quấy ác của chúng sanh mà cảm vời ra." (Quyển Thượng Phẩm Thứ Năm: Danh Hiệu của Địa Ngục). Thiết tưởng câu trả lời trên đây đã diễn tả đầy đủ ý nghĩa về địa ngục. Địa ngục hiện hữu là do nghiệp của mỗi chúng sanh mà CẢM ra. Có lẽ phải cần một cuốn sách hay nhiều cuốn sách mới giải thích một cách đầy đủ quan niệm "tùy nghiệp chiêu cảm", tuy nhiên để có thể hình dung một cách cụ thể thì nếu ta gây nghiệp ác, linh hồn ta sẽ không ngớt bị dày vò, chịu trừng phạt đau đớn sau khi chết giống như ta đang sống trải qua một cơn ác mộng. Trong ác mộng, tuy xác thân ta không bị hành hạ nhưng ta cũng cảm thấy đau đớn, lo lắng, kinh hải, ta cũng rên la than khóc, đổ mồ hôi hột trước những sự khủng khiếp mà ta đang chịu đựng trong giấc mơ; nhưng may mắn cho ta, thần thức ta có chỗ dựa là xác thân, khi sự kinh khủng lên đến cao độ ta tỉnh mộng và tìm được lối thoát. Nhưng sau khi chết, linh hồn ta sẽ không còn chỗ dựa, ta không còn lối thoát nào nữa, cơn ác mộng do đó sẽ kéo dài bất tận do những nghiệp ác gây nên, cho đến khi nào nghiệp ác tự tiêu diệt hoặc ta được những nguyện lực có khả năng cứu rổi ta siêu thoát qua cảnh giới khác.

Hiểu Địa ngục như thế để thấy cảm thương cho cha mẹ, thân quyến của ta, của tất cả chúng sanh vì nghiệp ác phải trả trong địa ngục, để hướng từ bi tâm của ta nguyện cầu cho họ mau chóng siêu thoát hoặc tích cực hơn, trì tụng Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện để nhờ oai lực của Bồ Tát cứu vớt họ đến những cảnh giới an lạc.

2. Vấn đề tội phước nghiệp báo:

--------------------------------

Khi ta tin có Địa ngục tức là ta tin có vấn đề tội phước nghiệp báo, trong Kinh Địa Tạng bổn nguyện Đức Thế Tôn đã cho ta biết như thế. Mọi việc xảy ra ở trên đời này không có gì là ngẫu nhiên. Ta như thế nào trong kiếp sống hiện tại là kết qủa của nghiệp báo gây ra từ những kiếp trước. Chính nghiệp tốt hay xấu của một người gây ra do thân, khẩu, ý trong đời này lại sẽ là lực quyết định tương lai cho những kiếp tới của cá nhân đó mà không là gì khác. Nghiệp là một nhà phán quan vô tư không sai chạy. Hay ta có thể hình dung ra nghiệp như là một nhà kế toán với phương tiện điện toán hiện đại nhất mà tất cả những hành động tốt xấu của ta xảy ra sẽ được nó lưu trữ vào bộ nhớ (memory) không sót một chi tiết nào. Đến giờ lâm tử, nó mới bắt đầu giở sổ sách ra để tính toán với ta. Từ đó cánh cửa mở ra để ta bước vào cõi Phật, cõi Trời, hoặc đầu thai trở lại làm người, làm súc sanh, hay đi về địa ngục...

Vấn đề luân hồi, tái sinh ngày nay không còn là một vấn đề siêu hình, trừu tượng nữa mà đã trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học thực nghiệm. Hàng ngàn trường hợp đã được kiểm chứng một cách khoa học và được phổ biến qua báo chí, sách vở. Ba nhà tiên phong trong lãnh vực này là Bác sĩ Ian Stevenson nguyên Giáo sư Đại học Y Khoa Louisiana State University, Trưởng khoa Thần Kinh Trường Đại học Y Khoa University of Virginia; Tiến sĩ Bác sĩ Raymond Moody, Jr., thường trú tại bệnh viện Đại học Y Khoa University of Virginia và đặc biệt là Bác sĩ Nha Khoa Bruce Goldberg, hiện có phòng mạch tại Los Angeles, CA đã dùng "Thôi miên trị liệu Pháp" (Hypnotherapy) để cho bệnh nhân nhớ lại tiền kiếp. Trường Đại học Y Khoa Florida, Hoa Kỳ, đã mở hẳn phân khoa "Thôi miên trị liệu Pháp", dùng phương pháp thôi miên để khám phá những căn bệnh mà họ không thể xác định được căn nguyên. Với phương pháp này họ có khả năng làm cho người bệnh nhớ lại tiền kiếp của mình và nhờ đó mà khỏi bệnh. Bản báo cáo của Trường Đại học này có ghi lại là trường hợp của một bệnh nhân bị chứng đau bụng dưới kinh niên. Cơn đau kinh khủng đến độ bệnh nhân tưởng như cơ thể, đất trời phải nổ tung ra, không thể chịu đựng nỗi. Các phương tiện y khoa đều bó tay không tìm ra nguyên nhân căn bệnh, cuối cùng phải nhờ đến phương thức trị liệu mới. Nhờ phương thức này mà các bác sĩ chữa trị đã giúp bệnh nhân nhớ lại một trong những tiền kiếp của mình, khi anh là một cai tù tại một quốc gia Nam Mỹ dưới thời thống trị của đế quốc Tây Ban Nha vào thế kỷ thứ 15. Anh là một cai tù rất hung bạo. Những tù nhân nào qua tay anh đều bị anh mang giày bốt đá vào bụng dưới; những nạn nhân này không bị dập gan, dập ruột thì cũng bể bao tử, đau đớn vô cùng. Thấy được tiền kiếp này anh cảm thấy vô cùng hối hận và lành bệnh. Chính BS. Bruce Goldberg trong tác phẩm của ông, "Past lives, Future lives" cũng đã kể lại trường hợp ông đã chữa lành bệnh mù mắt cho một thiếu nữ khi cho bệnh nhân này thấy lại tiền kiếp của mình. (Sđd, trang 100 - 106).

Đức Thế Tôn trong Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện cũng đã nêu ra một số thí dụ điển hình về tội phước nghiệp báo. Ngài cho biết những hạng Tăng ni giả danh, phá giới, phạm trai, những người chế diễu, phỉ báng những kẻ tu hành thì chắc chắn sẽ bị đọa và ngục Vô Gián, hoặc sanh làm cầm thú đói khát suốt đời; nếu những người chuyên sát sanh hại vật thì kiếp tới sẽ bị chết yểu; những người không bao giờ toại chí, trong cuộc sống làm việc gì cũng thất bại là vì kiếp trước họ hà tiện, bỏn xẻn, chẳng hề giúp người; những người hay chửi bới mắng nhiếc, nói lời thô ác thì bị quả báo không lưỡi, miệng lở, hoặc nội bộ gia đình quyến thuộc không an ổn, kình chống lẫn nhau; những người đời này mang thân xấu xí, tàn tật là do kiếp trước hay nóng giận...

Là Phật tử, khi đã hiểu rõ về tội phước nghiệp báo như thế, nếu ta có gặp phải những bất hạnh trong kiếp sống này thì nên nỗ lực tu tập để hy vọng được sanh về những cảnh giới tốt đẹp hơn trong tương lai, còn nếu ta đang tận hưởng tất cả những hạnh phúc, sung sướng, giàu có, uy quyền trong kiếp sống hiện tại thì lại càng phải nỗ lực tu tập hơn nữa để tăng trưởng thiện nghiệp cho những kiếp sắp tới. Đức Thế Tôn vì lòng đại bi, thương yêu chúng sanh như con nên đã chỉ cho ta một con đường sáng tỏ như thế trong Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện. Lời dạy của Ngài không cao xa mà rất cụ thể, chỉ cho ta phương pháp thực hành rất dễ dàng để không còn bị rơi vào ác đạo: "Trong mỗi tháng những ngày: Mùng một, mùng tám, mười bốn, rằm, mười tám, hăm ba, hăm bốn, hăm tám, hăm chín và ba mươi, mười ngày trên đây là ngày mà các nghiệp tội kết nhóm lại để định là nặng hay nhẹ... Trong mười ngày trai trên đây, nếu có thể mỗi ngày tụng một biến Kinh này." (Quyển Trung Phẩm Thứ Sáu Như Lai Tán Thán).

Tu Tập, Hành Trì Theo Hạnh Nguyện Của Bồ Tát Địa Tạng

Đọc tụng Kinh Địa Tạng, trì niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng, ta phải thấy được hạnh nguyện cao cả của Ngài: "Nếu trong địa ngục còn một chúng sanh bị đau khổ, tôi thề sẽ không thành Phật", để từ đó những người phát tâm Bồ Tát nỗ lực tu tập, hành trì theo hạnh nguyện của Ngài, theo gót chân Ngài, nương theo oai lực của Ngài đi vào chốn địa ngục để cứu vớt những linh hồn bất hạnh hầu đền trả ơn Tam Bảo, ơn cha mẹ, tổ tiên.

Nhưng địa ngục ở đâu? Có lẽ ta không cần phải tìm địa ngục ở đâu xa, bởi vì địa ngục không nhất thiết là ở thế giới bên kia, địa ngục tồn tại ngay trong kiếp sống này, trên thế giới này; bởi vì nơi nào có ngục tù, có giam cầm, tra tấn, có tiếng rên xiết, thở than là ở đó có địa ngục. Phật giáo là Tôn giáo của Từ Bi, ra đời vì những khổ đau của nhân loại, cho nên người Phật tử phải là những nhân tố tích cực có mặt hàng đầu tại những nơi khổ nạn mà chốn ngục tù là một thí dụ điển hình. Chưa hết, còn bao nhiêu oan hồn vất vưởng, nạn nhân của những cuộc chiến kinh hoàng, những phòng hơi ngạt, những trại tập trung, những trại cải tạo, trên Biển Đông, trong những ngục tù oan khuất... đang cần được siêu độ. Đọc tụng Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, trì niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng, được phần công đức nào ta nên hồi hướng đến những chúng sanh bất hạnh này và nguyện cầu cho linh hồn họ mau chóng siêu thoát.

Địa ngục cũng có thể ở chung quanh ta, đó là môi trường không thoải mái mà ta phải sống hoặc làm việc. Đó là những người sống bên cạnh ta, là bạn đồng sở, hàng xóm láng giềng, thậm chí ngay cả cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cái... những người ta không thích nhưng do nghiệp duyên ta phải gần gũi, chung đụng mà đôi khi họ đã tỏ ra rất độc ác, biến đời sống ta thành cõi địa ngục. Jean Paul Sartre, một triết gia nổi tiếng của Pháp đã từng nói "L”enfer c”est les autres" Địa ngục tức là những người chung quanh cũng trong ý nghĩa này. Địa ngục cũng ở ngay chính trong ta, đó là tham lam, giận dữ, hận thù, đố kỵ si mê, mù quáng... đã hàng ngày không ngớt xâu xé ta, biến ta thành những con người ngập chìm trong vô minh tăm tối, bị chế ngự bởi những thú tính thấp hèn. Tu theo hạnh nguyện của Bồ Tát Địa Tạng vì thế cũng có nghĩa là thể hiện những hành động tích cực biến cải chính con người ta, môi trường sống chung quanh ta từ địa ngục trở thành Tịnh Độ.

Từ những công hạnh và nỗ lực tu tập này, người Phật tử thực hành Bồ tát đạo, khi giã từ cõi thế lập tức phát khởi tâm đại từ bi, dâng lời phát nguyện xin bước theo Bồ Tát Địa Tạng đi về chốn địa ngục để lập thêm công đức, cho đến khi nào Đức Phật Di Lặc chuẩn bị ra đời, ta lại xin được trở về cõi Trời Đâu suất, tiếp tục tu học để cùng với Phật Di Lặc trở lại cõi thế trong hội Long Hoa, xây dựng một cõi Tịnh độ mới cho nhân loại. Chắc chắn Ngài sẽ tiếp nhận ta.

Hình ảnh của Bồ Tát Địa Tạng với khuôn mặt đôn hậu, từ ái, đầu đội mũ Tỳ lư, tay cầm Tích trượng là một hình ảnh luôn tỏa sáng trong tâm khảm của những người con Phật, đặc biệt là trong mùa Vu Lan báo hiếu. Chiếc Thiền trượng của Bồ Tát Địa Tạng đã, đang và sẽ gõ mãi vào cánh cửa địa ngục. Năng lực của tâm đại bi sẽ làm mở tung tất cả những cánh cửa hắc ám, làm tan rả những xiềng xích trói buộc, giải cứu tất cả những ai còn bị đọa đày trong cõi vô minh, tù ngục để từ đó những hạt giống Bồ đề, những hạt giống thương yêu sẽ nẩy mầm mạnh mẽ trong những linh hồn đau khổ của anh, của chị, của chúng ta, của tất cả những thân bằng quyến thuộc, đang sống hay đã qua đời... Đó chính là thông điệp của Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện.

Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật.

(Tâm Hà Lê Công Đa)

3 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Ánh trăng & mùa Xuân trong bài thơ Tanka Nhật Bản

NSGN: Lời người dịch: Phần trích dịch dưới đây nằm trong đoạn đầu của bài diễn văn nhận giải Nobel văn chương của Yasunari Kawabata, đọc tại Hàn Lâm viện Thụy Điển vào tháng 12 năm 1968, với nhan đề “Japan, the Beautiful and Myself”.(1) Tanka (đoản ca: 短 歌), là thể loại thơ độc đáo của Nhật Bản, gồm 31 âm tiết. Kawabata muốn giới thiệu những bài thơ này để nêu bật tinh thần Nhật Bản về thơ ca trong bài diễn văn của mình. Người dịch những bài thơ này đã mạo muội phóng tác thành những câu thơ mang hơi thở Việt Nam. Rõ ràng đó là việc làm dễ mắc phải sai lầm, một phần, vì qua ngôn ngữ thơ ca, dịch phẩm phải giống như việc tái tạo một sản phẩm mà điều may mắn hy vọng đạt được là tinh thần cốt tủy của sản phẩm cũ không sai lệch là bao, phần khác, người dịch đã chuyển từ bản dịch Anh ngữ chứ không phải từ nguyên ngữ Nhật Bản. Đó là lý do người dịch viết những lời này, với niềm mong mỏi bạn đọc bỏ qua cho những sai lầm lệch lạc, và đón nhận bài viết này nhẹ nhàng như cơn gió nhẹ thoảng qua, không ảnh hưởng gì đến ai cả.

Posted Image

Mỗi lần có ai đó nhờ tôi viết vài câu thư pháp, tôi thường viết hai bài thơ sau đây, bài thứ nhất của tu sĩ Dogen (1200-1253), mà ông ta gọi là Bản lai diện mục (Innate Spirit), và bài thứ hai, của tu sĩ Myoe (1173-1232).

“In the spring, cherry blossoms,

in the summer the cuckoo. In autumn the moon, and in winter the snow, clear, cold”.(2)

Mùa xuân đỏ thắm anh đào

Tiếng cu bàng bạc điệu chào, hạ ơi!

Trăng thu trong sáng gọi mời

Tuyết đông lành lạnh tinh khôi bốn bề.

“The winter moon comes from the clouds to keep me company.

The wind is piercing, the snow is cold”(3).

Trăng ngời ngọc sau làn mây hiển hiện

Để cùng tôi qua mộng thực đôi bờ

Ngọn gió buốt như hòa trong thớ thịt

Trắng mênh mang màu tuyết lạnh hoang sơ.

Trước bài thứ hai, Myoe ghi thêm những dòng sau, như một lời giải thích cho ý nghĩa chủ đạo của bài: “Vào đêm 12 tháng 12 năm 1224, mặt trăng đang ẩn khuất sau làn mây. Tôi bước vào điện Kakyu để ngồi thiền. Lúc nửa đêm, tôi ngừng thiền định, bước ra ngoài sảnh điện để đi xuống tầng dưới, tôi bắt gặp ánh trăng hiện ra sau màn mây và lan tỏa bàng bạc trên tuyết trắng. Và ánh trăng kia đối với tôi như một bạn đồng hành, đến nỗi, tiếng chó sói tru lên dưới thung lũng cũng chẳng hề làm tôi khiếp sợ. Rồi lúc sau, tôi rời hạ điện bước ra ngoài, ánh trăng lại khuất vào trong mây. Khi tiếng chuông ngân báo hiệu giờ cầu kinh lúc tàn đêm, tôi lại đi lên sảnh điện, ánh trăng đã dõi theo tôi trên con đường tôi bước. Tôi lại ngồi thiền, mặt trăng như đuổi theo mây để sau cùng chìm khuất trong ánh mặt trời đang hồng lên cho ngày mới, mặc dầu vậy, dường như với tôi, ánh trăng kia vẫn còn theo tôi trong tâm tưởng như một bạn đồng hành bí mật”.

Sau bài thơ đã dẫn ở trên, là bài thơ sau, mà có thể đoạn cuối những lời dẫn của Myoe đã cho thấy rằng ẩn ngữ một vầng trăng đã khuất dần sau núi kia vẫn còn ngân vang trong lòng tác giả:

“I shall go behind the mountain. Go there too, O moon.

Night after night we shall keep each other company.”(4)

Ta sẽ về bên kia núi, Trăng ơi!

Em cũng về theo, mộng song hành

Đêm lại rồi đêm ta sánh bước,

Em là ta hay ta lại là em?

Một lần khác, có thể là sau những thời khắc thiền định, hoặc khi bước đi lúc trời rạng sáng trên đường về chánh điện, Myoe đã viết thế này: “Vừa mở đôi mắt ra sau thời gian thiền định, tôi đã bắt gặp vầng trăng lúc trời tảng sáng, ánh trăng dìu dịu qua cửa sổ. Tôi cảm thấy ánh sáng dường như đang ngập tràn đến cả những góc phần tăm tối nhất của tâm hồn mình, và dường như ánh sáng đó đến từ ánh trăng muôn thuở”. Theo đó, Myoe đã viết bài thơ:

“My heart shines, a pure expanse of light;

And no doubt the moon will think the light its own.”(5)

Sáng cả lòng ta dòng tinh khiết

Hay chính là trăng nhập cõi hồn?

Myoe thường được mệnh danh là thi sĩ của ánh trăng, bởi những dòng thơ trăng thanh thoát, bởi những dòng thơ như sự thảng thốt diệu kì, như tiếng kêu ngây thơ tự nhiên bật ra tâm hồn, như sự hứng khởi tuôn trào không mục đích:

Bright, bright, and bright, bright, bright, and bright, bright.

Bright and bright, bright, and bright, bright moon.”(6)

Trong ba bài thơ về ánh trăng, từ nửa khuya đến lúc trời rạ

ng sáng, Myoe đã tuân thủ khuynh hướng thi pháp mà Saigyo đã sử dụng. Saigyo cũng là một thiền sư - thi sĩ, người đã tại thế vào khoảng 1118 đến 1190, ông đã nói: “Dù tôi có làm thơ chăng nữa, tôi vẫn không nghĩ về chúng như là những bài thơ tôi đã soạn”.(7) Trong ba mươi mốt âm tiết, ông đã tạo nên một bài thơ, trung thực, trực chỉ vào thực tại sinh động, dường như thể ông với trăng là một, chứ không đơn thuần là “đồng hành với trăng”. Nhìn trăng, ông trở nên trăng, và trăng cũng chính là ông khi nó là đối tượng được ngắm nhìn. Ông chìm vào thiên nhiên, và ông trở thành một cùng nhiên giới. Ánh sáng từ trái tim trong sáng (clear heart) của vị thiền sư đang thiền định từ nửa đêm đến gần rạng sáng đã trở thành ánh trăng, và bởi vậy, trăng vẫn sáng dù ngày lên hửng đỏ một góc trời. Như ta đã thấy trong lời dẫn của Myoe trước bài thơ nói trên, ở đó, ánh trăng mùa đông đã trở thành bạn đồng hành, nó chính là tâm của vị thiền sư, một ánh trăng đã từ sau làn mây tỏa sáng rồi chìm vào bầu trời tôn giáo và triết học, vĩnh viễn, ánh trăng và thiền sư đã lan tỏa vào nhau trong một hòa điệu tuyệt vời, mà bài thơ bất quá chỉ như một bật thốt tình cờ để diễn tả nên điều rất khó diễn bày.

Đó cũng là lý do mà tôi nghĩ đến bài này đầu tiên khi có ai nhờ viết cho một bức thư pháp, với tôi, cảm xúc của bài thơ thật nhẹ nhàng phiêu hốt, một niềm đam mê thật bay bổng khinh an. Ánh trăng kia giữa bầu trời đông tuyết, nấp sau mây rồi hé lộ dần, rồi lại núp sau mây và lại hiển bày, tỏa sáng trên mỗi bước chân ta, khiến ta không còn sợ sói dữ. Phải chăng, hỡi trăng ơi, gió chìm vào trong em, gió lạnh mơn man em và tuyết trắng không làm em buốt giá? Tôi chọn bài thơ này, quả thực, tôi đã chọn một bài thơ ấm nồng, sâu lắng, bài thơ của niềm đam mê thanh thoát, trong tĩnh lặng khôn dò, trong thảng thốt suy tư ăm ắp cả một tinh thần Nhật Bản. Tiến sĩ Yashiro Yukio, một nhà nghiên cứu nổi tiếng về nhà danh họa Botticelli(8), một học giả uyên thâm về nghệ thuật từ cổ chí kim và từ Đông sang Tây, đã đúc kết tinh thần nghệ thuật Nhật Bản đặc trưng qua chỉ một câu thơ: “Ta nghĩ đến bạn bè ta mỗi khi nhìn hoa, ngắm tuyết, ngó trăng thanh”.

Mỗi khi nhìn vẻ đẹp tuyệt vời của tuyết, mỗi lần thưởng ngoạn ánh trăng tròn vời vợi, hay say đắm trước vẻ xinh tươi của những khóm anh đào, mỗi khi để lòng chìm trong các bức họa hay bị đánh thức bởi vẻ mỹ miều của bốn mùa thay sắc, ta thường nghĩ đến những người gần ta nhất, những kẻ thương yêu, và trong ta khao khát niềm ước mong chia sẻ cảm giác hoan lạc này. Chính kích thích của mỹ cảm đã đánh thức các cảm xúc trong ta, đánh thức niềm khát khao đồng hành, khát khao những mối chân tình huynh đệ, và khi đó, từ “bằng hữu” (comrade) trở thành đặc trưng đầy ý nghĩa của hai tiếng “con người” (human being). Tuyết, trăng, những khóm hoa, những từ ngữ diễn tả bốn mùa, trong truyền thống Nhật Bản, đó là những từ ngữ hòa quyện vào nhau để nêu bật lên vẻ đẹp muôn thuở của núi, sông, cây cỏ, để diễn đạt thiên nhiên sâu lắng và muôn hồng nghìn tía, cũng như diễn đạt cảm xúc của con người khi chiêm nghiệm.

Cái tinh thần đó, cái tinh thần khát khao tình huynh đệ khi đi trong tuyết, khi đứng dưới trăng, khi ngắm nhìn hoa ngàn cỏ nội, cũng chính là tinh thần căn bản trong nghi thức uống trà. Trong cảnh quan tươi đẹp thích hợp nào đó, bằng hữu gặp nhau, ngồi bên tách trà, hòa điệu một niềm giao cảm trước đất trời vạn đại, và động thái thưởng trà kia được nâng lên thành nghi thức, mà như người ta nói, ấy là Trà đạo. Tiện đây, tôi muốn đề cập đến tiểu thuyết Ngàn Cánh Hạc (Thousand Cranes) của mình, một cuốn tiểu thuyết thường được bạn đọc hiểu sai là tôi muốn ngợi ca vẻ đẹp hình thức và tinh thần của nghi thức uống trà đó.

Nhưng ngược lại, tôi muốn diễn đạt mối hoài nghi cũng như cảnh báo mọi người về tính thông tục hợm người mà các nghi thức uống trà hiện nay đang sa ngã.

“In the spring, cherry blossoms, in the summer the cuckoo.

In autumn the full moon, in winter the snow, clear, cold”.

Mùa Xuân đỏ thắm anh đào

Tiếng cu bàng bạc điệu chào, hạ ơi!

Trăng thu trong sáng gọi mời

Tuyết đông lành lạnh tinh khôi bốn bề

Posted Image

Một ai đó sẽ nghĩ rằng trong bài thơ đó của Dogen, đơn giản chỉ là sự miêu tả thiên nhiên một cách thông thường, xoàng xĩnh, một sự kể lể tầm thường bốn mùa thay nhau nối tiếp. Ai đó cũng có thể nghĩ rằng thơ gì như vậy mà cũng là thơ, chẳng có thơ có mộng gì với những từ bình thường ghép nhau như thế. Tuy nhiên, ta hãy nghe một bài tương tự viết lúc lâm chung của Thiền sư Ryokan (1758-1831):

“What shall be my legacy?

The blossoms of spring,

The cuckoo in the hills, the leaves of autumn”.(9)

Em thừa kế giùm tôi ngàn hoa thắm

Tiếng chim kêu đồi mộng thuở ban sơ

Tôi để lại cho trần gian muôn thuở

Lá vàng thu, những khoảnh khắc không ngờ!

Ở bài thơ này, cũng tương tự bài của Dogen, những ảnh hình và từ ngữ bình thường nhất đã hòa quyện trong nhau một cách trôi chảy, mà đặc biệt, nó đã truyền cho ta tinh thần cốt tủy của Nhật Bản. Bài thơ vừa trích dẫn trên là bài thơ cuối cùng trong cuộc đời của Thiền sư - Thi sĩ Ryokan.

“A long, misty day in spring:

I saw it to a close, playing ball with the children.

The breeze is fresh, the moon is clear.

Together let us dance the night away, in what is left of old age.

It is not that I wish to have none of the world,

It is that I am better at the pleasure enjoyed alone”.(10)

Tôi đang đùa với trẻ con

Trời sương trùm phủ lối mòn cỏ xuân

Trăng thanh, gió nhẹ thật gần

Một trời thân thiết, vang ngân giọng đàn

Nhảy đi em, điệu muôn vàn

Tiếng lòng kim cổ, nhạc vàng xưa sau

Rồi nghe đất chuyển muôn màu

Này hương vũ trụ bên cầu cô đơn

Vòng tay ôm trọn xuyên sơn

Một mình chiêm bái nguồn cơn vĩnh hằng!

Yasunari Kawabata- Nguyễn Văn Nho biên dịch

(1) Literature 1968-1980, Editor-in-Charge Tore Frängsmyr, Editor Sture Allén, World Scientific Publishing Co., Singapore, 1993. (2) Vào mùa xuân, những khóm anh đào, tiếng cu gù mùa hạ. Mùa thu, ánh trăng trong, và mùa đông, tuyết lạnh. (3) “Trăng mùa đông đến từ sau những đám mây để đồng hành cùng tôi/ Gió thổi buốt, và tuyết lạnh”. (4) “Tôi sẽ về sau núi, em cũng thế trăng ơi./ Rồi từng đêm, ta sẽ giữ bước song hành”. (5) “Tâm hồn tôi tỏa sáng, thứ ánh sáng lan rộng thuần khiết; Và không còn hồ nghi gì nữa, trăng cũng nghĩ rằng đó chính là ánh sáng của chính mình”. (6) “Sáng, sáng, ôi sáng, sáng, sáng, và sáng, sáng/ Sáng, cứ sáng hoài, sáng, sáng và sáng mãi, ánh trăng!”. (7) “Though I compose poetry, I do not think of it as composed poetry”. (8) Botticelli (1445 - 1507), họa sĩ nổi tiếng người Ý. (9) “Di sản của tôi ư? Những khóm hoa mùa Xuân/Chim gù trên đồi vắng, những chiếc lá thu bay”. (10) “Một ngày dài mùa xuân đầy sương: Tôi thấy bầu trời thật gần gũi khi đang chơi cầu cùng con trẻ. Cơn gió nhẹ trong lành, ánh trăng sáng tỏ. Ta hãy cùng nhau khiêu vũ suốt đêm thâu, trong điệu múa lời ca từ xa xưa đọng lại. Chẳng phải tôi ao ước cô độc giữa thế giới này, mà chính bởi khi chỉ còn lại một mình, tôi vui thú biết bao trong niềm cô đơn bất tuyệt”.

5 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thành Tâm Niệm Danh Hiệu Bồ Tát Địa Tạng Vương
Có Thế Siêu Độ Nghiệp Chướng

Hòa Thượng Tuyên Hóa, Vạn Phật Thánh Thành



Có một phần công sức thì sẽ được một phần kết quả tương ứng. Khi Địa Tạng Vương Bồ Tát biết quý vị thành tâm niệm danh hiệu Ngài, Ngài sẽ giúp siêu độ nghiệp chướng của quý vị.

"Trực tâm là Đạo Tràng". Bất luận quý vị là người xuất gia hay là tại gia, trong bất cứ hoàn cảnh nào đều phải thành thật và ngay thẳng. Không được nói dối, không làm những việc mạo hiểm , cũng không đầu cơ hoặc đánh cá ngựa. Trong bất cứ hoàn cảnh nào phải dùng tâm chân thật không dùng tâm cầu cạnh dua nịnh. Chúng ta phải có tâm chân thật trong mọi hòan cảnh, cái tâm phải biết dung hòa để hòa hợp với người khác. Để có tâm chân thật có nghĩa là để tu Đạo Bồ Đề, và đừng bao giờ làm trở ngại hay chướng ngại người khác. Nếu chúng ta làm hại hay chướng ngại người khác, chúng ta tạo nhân cho quả báo xấu. Khi quả báo của chúng ta đến, nếu chúng ta không sám hối mà lại cứ tiếp tục lừa dối người càng nhiều thêm, thi chúng ta lại sẽ tạo ra thêm nhiều nghiệp xấu nữa, khó mà tiêu trừ được.

Lần này (năm 1982) khi tôi đến Châu Á, tôi có gặp một người phụ nữ là cô họ Vương ở Penang. Trong tiền kiếp cô thích ăn móng gấu và óc khỉ. Cô đập đầu khỉ nứt ra để uống óc khỉ. Cô cũng chặt móng gấu, chiên lên để ăn. Vì những nghiệp chướng trong quá khứ này, kiếp này cô sanh ra làm người phụ nữ. Tuy nhiên, thay vì sửa chữa lỗi lầm và bắt đầu đời mới, cô vẫn tiếp tục tạo nghiệp xấu. Cô đã giết hai nhân mạng bằng cách phá thai hai lần. Hai vong linh thai nhi bị phá thai này cùng kêu gọi những con ma là các chúng sinh mà cô đã làm hại trong tiền kiếp. Vì thế, cô bị ung thư.
Trong thời gian thăm tôi viếng Penang, người phụ nữ trẻ này đã phát đại tâm sám hối và bệnh ung thư của cô đã thuyên giảm. Tiếc thay, hai tuần sau cô lại quay trở lại tập quán cũ, tái lập liên hệ với người bạn trai và lại còn làm những hành vi không phù hợp Phật Pháp.

Sau đó một thời gian ngắn, bệnh ung thư của cô trở lại. Cô bị bệnh là do nghiệp chướng của cô gây ra. Nếu cô thật tâm sám hối về những lỗi lầm trong quá khứ và sửa đổi lại thì cô đã có một phần vạn cơ hội để khỏi bệnh. Nếu không, không có thuốc nào có thể chữa và ngay cả Phật và Bồ tát cũng chẳng cứu được cô. Có câu nói rằng, "Tội từ tâm khởi, đem tâm sám.". Nếu chúng ta không sám hối và sửa đối với tâm chân thành, thì nghiệp chướng của chúng ta sẽ quay trở lại. Trong trường hợp của cô họ Vương, vì cô không thành tâm sám hối và sửa đổi, nên bệnh ung thư của cô đã trở lại.

Đáng lẽ cô phải viết thư cho tôi khi bệnh cô trở lại. Nếu cô ấy nói thật với tôi, có lẽ lúc đó còn có thể làm đuợc cái gì đó. Thay vì làm như vậy, cô đã nói dối với tôi và nói với tôi là cô sắp sang Mỹ. Trước khi tôi rời Mã Lai, tôi có bảo cô rằng sau khi khỏe mạnh hơn và nếu có khả năng mua vé máy bay sang Mỹ, thì cô có thể đến Hoa Kỳ và xuất gia đề tu hành. Nói cách khác, đáng lẽ cô phải sang Mỹ sau khi cô được chữa khỏi bệnh.

Nhưng, người phụ nữ trẻ này chỉ sang Mỹ sau khi khí bệnh ung thư tái phát; cô đến để chết ở Vạn Phật Thánh Thành. Chỉ đến lúc khi bệnh của cô đã quá tầm tay của Y khoa thi cô mới lên máy bay một cách rất khó khăn và đến Mỹ vào ngày 24 tháng trước. Với loại xảo quyệt nầy, bệnh của cô càng khó chữa lành. Vì hành vi của cô là hoàn toàn giả dối, không thành thật và thủ đoạn, ngay cả Phật và Bồ Tát cũng không thể giúp được cô.

Bây giờ cô đang ở trong bệnh viện, cơ hội sống chỉ còn 0.5 phần vạn. Tối nay chúng ta hãy thành tâm hồi hướng công đức cho cô, mong rằng cô sẽ bình phục. Mặc dù cô lừa dối tôi, lừa dối nơi tỉnh giác này tức cũng có nghĩa là lừa dối mọi người ở đây, nhưng tất cả chúng ta đều có lòng từ bi. Cô ta từ nơi rất xa đến đây, hy vọng cô có thể đuợc cứu sống khỏi tay tử thần. Nếu còn có thể cứu cô ta được, chúng ta nên cố gắng hết sức. Nếu không thể cứu cô ta, chúng ta cũng cố gắng hết sức. Nỗ lực của tập thể rất mạnh, chúng ta thành tâm giúp cô tiêu trừ những nghiệp chướng của cô. Hãy theo tiếng mõ, và vì cô ta mà niệm hồng danh Bồ Tát Địa Tạng Vương .

Trong lúc chung ta niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng Vương , những nghiệp chướng của cô đáng lẽ phải được tiêu trừ. Tuy nhiên, khi nghiệp quá khứ của cô được tiêu trừ thì nghiệp mới tích tụ lại cũng nhanh như vậy. Thật ra, chúng ta đang giúp cô ta tiêu trừ những nghiệp chướng vô tận mà lúc sanh ra cô đã có. Tôi nghĩ nếu chúng ta muốn cứu người này, chúng ta cần bắt đầu Thất Địa Tạng vào ngày mai. Hãy thanh tâm niệm danh hiệu Bồ Tát và hồi hướng công đức cho cô, hy vọng cô sẽ bình phục. Khi chúng ta giúp người khác với lòng thành khẩn thì chư Phật và Bồ Tát nhất định cùng sẽ giúp chúng ta ...

Hôm nay chúng ta cùng phát tâm để hồi hướng công đức cho người phụ nữ trẻ này. Có phải thân nhân của cô ta yêu cầu chúng ta làm công việc này không? Không, họ không có yêu cầu. Tuy nhiên, dù là họ không biết, chúng ta vẫn hồi hướng công đức cho cô. Là Phật tử, chúng ta không cần được thỉnh cầu mới giúp đỡ người khác. Chúng ta cảm thấy thương xót người phụ nữ trẻ này và cố hết sức mình để giúp cô ta. Chúng ta nương tựa vào uy lực của Bồ Tát Quan Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng Vương.
Nếu cô ta tỉnh lại thi thật là tuyệt hảo; nếu không, đó chỉ vì nghiệp chướng của cô quá nặng. Dẫu sao đi nữa, chúng ta hãy cố gắng hết sức mình, tất cả chúng ta nên nỗ lực làm việc!

Hiện nay, càng lúc các nhiều tai họa trên thế giới, trong khi đó càng lúc càng ít người tu Đạo Bồ Đề. Thêm nữa, càng lúc càng có nhiều người phá giới. Tại sao thế giới ngày càng trở nên tệ hại? Chúng ta hãy nghiên cứa câu hỏi căn bản này. Nguyên nhân của vấn đề này là con người không giữ năm giới, đặc biệt là giới không tà dâm. Đàn ông và đàn bà đều sai lầm nghĩ rằng thỏa mãn ham muốn tình dục là một loại khoái lạc. Như có câu nói là “quay lưng với giác ngộ, phối hợp với bụi trần (bội giác hợp trần)” và "nhận kẻ giặc làm con”. Họ cho đau khổ là khoái lạc, đen là trắng, và cho sự thật là hão huyền. Họ quá mê lầm đến nỗi họ hành động cẩu thả và không chánh đáng, dường như họ đi ngược đầu thay vì đứng thẳng. Thêm vào đó, thay vì biết giữ gìn tinh lực quý giá, những người nam nữ mỗi ngày làm những việc mà cuối cùng chỉ là thương tổn chính họ. Đàn ông không biết cư xử như người đàn ông chính trực, phụ nữ không biết cư xử như người phụ nữ chính trực; những điều họ biết chỉ là làm cách nào để thỏa mãn ham muốn nhục dục của họ.

Ngày nay, nam nữ sinh viên, nhất là những người trong những đại học nổi tiếng, họ sống chung và tham gia những hành vi chung chạ. Những hành động này đưa đến những sự mang thai ngoài ý muốn. Đề tránh những sự mang thai ngoài ý muốn này, các phương tiện ngừa thai được phát minh. Nhiều người nghĩ rằng dùng phương tiện ngừa thai tốt hơn là đối phó với những khó khăn do những sự có thai ngoài ý muốn. Thật ra, dùng biện pháp ngừa thai là không đúng vì nó ngược lại những chức năng sinh học trong việc giao hợp, và đó cũng là một loại nghiệp chướng. Thêm vào đó, những người phát minh ra những phương pháp ngừa thai cuối cùng đã gây hại cho nhiều thanh niên nam nữ , vì những người trẻ sẽ dễ dàng tham gia hành vi tà dâm hơn khi nghĩ rằng họ không phải lo lắng về chuyện có thể mang thai.

Ngoài phương pháp ngừa thai, nam nữ còn dùng sự phá thai để đương đầu với những bào thai ngoài ý muốn do những hành vi đồi trụy của họ. Bằng cách phá thai, họ tạo ra một tội nặng nề hơn - tội sát sanh. Nói cho rõ, trong khi dùng biện pháp ngừa thai là một hành động sát sanh gián tiếp; thì phá thai là hành vi sát sanh trực tiếp. Tất cả những việc sát sanh này làm gia tăng lòng oán hận trên thế gian. Những năng lực xấu này cũ chồng chất, kết quả là có những bệnh lạ. Khi quý vị nghiên cứu sâu xa hơn, quý vị sẽ thấy rằng nếu đàn ông, đàn bà không luôn phá luật về hành vi luân lý thì đã chẳng xảy ra quá nhiều những bệnh tật lạ với những triệu chứng khác thường không giải thích được và không chữa được.

Bây giờ, ngoài ung thư còn có những bệnh khác cũng khó chữa hoặc không thể chữa được. Những vấn đề này đều đầu tiên bắt nguồn từ phạm giới về tà dâm, rồi thì giới sát sinh. Những hành động không chính đáng này sẽ có tiếp theo sau là sự phạm giới ăn cắp, nói dối và dùng chất say. Năm giới luật này là những luật lệ quan trọng nhất trong đời sống chúng ta. Vì thế, mọi người phải giữ năm giới. Thuở xưa, khi vị Chuyển Luân Thánh Vương còn ở trên thế gian để giáo hóa chúng sanh, mọi người đều giữ năm giới, tuân theo và thực hành mười điều thiện (Thập Thiện) và ăn chay. Vào thời đó, không có thiên tai và mọi người được hưởng rất nhiều phước báo, nhiều người có thần thông và mở ngũ nhãn. Trái lại ngày nay, tiêu chuẩn đạo đức ngày càng suy đồi. Sự suy đổi trong phẩm cách con người cũng làm cho cả thế giới suy đồi.

Quý vị có muốn biết tại sao có quá nhiều người bị ung thư? Tình trạng này là do nghiệp sát sanh tạo ra. Quý vị hãy suy nghĩ về việc này, qua sự phá thai, quý vị đã tận diệt những mạng sống ngay trước khi chúng có cơ hội chào đời. Trong hoàn cảnh này, sự oán giận của những bào thai không được sinh ra không thật là kinh khủng hay sao ? Nói tóm lại, thế giới và con người càng ngày càng tệ hại hơn. Tất cả chỉ vì nghiệp sát sinh.

Người tại Vạn Phật Thánh Thành, vì biết nhân quả báo ứng tuần hoàn, chúng ta hãy làm giảm nghiệp xấu trên thế giới, như vây thế giới sẽ không có nhiều thiên tai, giúp nhân loại bớt đi một chút đau khổ, và bệnh tật của nhân loại cũng bớt đi một chút. Chúng ta hãy cùng nhau giúp cô họ Vương xem như đây là một cơ hội để nỗ lực và thành tâm niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng Vương . Niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng Vương có thể giúp giảm nghiệp xấu của chúng sinh; và để cho những kẻ thù, thân nhân và những chủ nợ của họ từ vô lượng kiếp về trước được sinh về Tây Phương Cực Lạc. Lần tụng niệm này cũng sẽ giúp tất cả kẻ thù, thân nhân và chủ nợ của chúng ta được được sinh về Tây Phương Cực Lạc.

Hãy nhân cơ hội này để niệm danh hiệu Địa Tạng Vương Bồ Tát với sự nỗ lực và thành tâm. Khi chúng ta giúp những người đang bệnh hay đang đau khổ, chúng ta cũng đang độ cha mẹ, tổ tiên, kẻ thù, thân nhân, và chủ nợ của chúng ta trong những đời quá khứ, và giúp họ lìa khổ được vui, và liễu sanh thoát tử.

Có một phần công sức thì sẽ được một phần kết quả tương ứng. Khí quý vị niệm danh hiệu Địa Tạng Vương Bồ Tát với sự nỗ lực và thành tâm, Ngài sẽ cảm động. Biết rằng quý vị đang niệm danh hiệu Ngài với lòng thành khẩn như vậy, Bồ Tát Địa Tạng Vương sẽ siêu độ tất cả nghiệp chướng của quý vị, Ngài cũng giúp quý vị tu Đạo Bồ Đề, tiến bộ trên đường Đạo này mà không bị ma chướng, sớm tiêu trừ các nghiệp chướng, mau xa lìa đau khổ và vãng sanh về Thế Giới Cực Lạc. Đó là lý do chính để chúng ta tham dự Thất Địa Tạng. Vì thế, mọi người hãy chân thật và thành tâm để siêu độ cha mẹ, tổ tiên, kẻ thù, thân quyến và chủ nợ của chúng ta trong những kiếp trước. Hãy để cho họ dùng cơ hội này để lia khổ đuoc vui. Đừng để thời gian trôi quá vô ích!

Lời Sọan Giả:

Dù cô họ Vương đã tạo nhiều nghiệp xấu trong quá khứ, cô đã phát đại tâm sám hối tại Penang. Trước đại chúng hơn hai ngàn người, cô thành thật nói về những hành vi không tốt đẹp của cô, và cầu xin sự gia hộ từ bi của chư Phật, chư Bồ Tát và của Hòa Thượng khi cô quyết tâm sám hối và thay đổi. Khi ấy bệnh ung thư của cô được thuyên giảm. Tuy nhiên, cô trở lại thói quen cũ sau khi phát tâm sám hối, và dùng phương tiện gian dối để đến Vạn Phật Thánh Thành. Vì cô làm thêm nhiều nghiệp chướng, nên khó mà tránh được nghiệp quả không lành. Vì thế, mặc dù bốn chúng đệ tử tại Vạn Phật Thánh Thành đã vì cô mà tổ chức hai Thất Địa Tạng và nhiều bác sĩ đã cố gắng để cứu cô, nhưng cô đã mất vài tuần sau đó. Chúng ta có thể nói rằng cô họ Vương đã hiện thân thuyết Pháp và hãy xem đây là sự cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta.


( trích : Những Vong Linh Thai Nhi Vô Tội )
 
 
4 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Đoạn kết

Với tiêu đề của bài viết này là : “ Vị Bồ Tát hộ trì phong thủy” ngoài đoạn mở đầu có dẫn chuyện của một vị Thầy dạy học trò, cách thức thanh tịnh và làm yên ổn gia đạo bằng pháp tụng kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện công đức. Thì phần lớn nội dung còn lại là giới theo về Bồ Tát Địa Tạng và Kinh Địa Tạng. Thật ra tôi không có ý giật tít để gây sự chú ý về bài viết, mà chuyện tụng Kinh Địa Tạng để an ổn gia đạo, đất cát trong nhà là có thật.

Cách đây vài năm tôi có một người bạn, nhà cửa phong thủy rất hợp lý, làm ăn khá giả, cuộc sống gia đình hạnh phúc và sung túc. Một dịp đầu năm mới, mong muốn để an bình gia trạch anh thiết lễ tụng phẩm kinh : Phật nói Kinh An Trạch thần chú. Sau đó thấy trong nhà rất nóng nảy, có nhiều bất an, người trong nhà hay ốm bệnh….

Sau khi anh vấn an Tôn Sư, bày tỏ câu chuyện và được thầy chỉ dậy như đã nói ở trên. Anh ta thiết lễ tụng kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện công đức như thầy chỉ dạy, và sau đó mọi việc trong gia đình chuyển biến rất tốt đẹp.

Từ việc chứng thực cảm ứng đó, tôi đã nhờ Thầy chỉ dạy và tìm hiểu về Công Đức Ngài Địa Tạng Vương.

Với những nội dung đã nêu được ít nhiều ở trên, qua những lời Đức Phật chỉ dạy về Thánh Đức và sự linh ứng của Đức Địa Tạng Vương - có thể thấy việc Ngài hộ trì hay gia hộ cho đất đai, phong thủy là chân thực. Tuy nhiên, điều lợi ích đó mới chỉ là một phần nhỏ trong những năng lực hay oai lực của Ngài. Địa Tạng Bồ Tát vị Chủ Tể tối cao của Địa Ngục, Giáo Chủ của cõi U Minh… không chỉ độ hóa chúng sinh trong cõi Địa Ngục, gia hộ đất đai, mà còn giúp đỡ bảo vệ cho sinh mệnh của chúng sinh, an dân trấn quốc, viên mãn Phước Trí ngay trong đời hiện tại này.

Xin giới thệu một số đường dẫn đến các tài liệu nói về Thánh Đức và sự linh ứng của Đức Địa Tạng Vương, để những ai quan tâm có thể thỉnh về tham khảo thêm.

Bồ Tát Địa Tạng vấn đáp.

Khuyen hanh gia tinh do kiem tri tung kinh dia tang

Kinh Địa Tạng Thâm Mật nghĩa

Địa Tạng Mật Nghĩa

Những câu chuyện linh ứng về Ngài Địa Tạng

Nghi Thức Tụng Kinh Địa Tạng

Qua loạt bài này, nếu được một trong những ai đã ghé đọc rồi khởi tâm hoan hỉ niệm 1 câu danh hiệu của Ngài hay trì tụng được 1 lần bộ kinh kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện công đức. Công Minh xin hồi hướng hết thảy mọi công đức có được trong loại bài này cho bản thân và gia đình người đó gia đạo luôn vạn sự bình an, phú túc, cát tường, may mắn.

Con xin hồi hướng Công Đức này đến tất cả pháp giới chúng sanh trong các cõi: âm siêu dương thái, hải yến hà thanh, pháp giới chúng sanh, giai cộng thành Phật đạo.

Con xin chân thành hồi hướng mọi Công Đức có được đến chân linh Cửu Huyền Thất Tổ, hương linh Thân Phụ và Nhạc Phụ là những tấm gương kiên định luôn hướng về Chính Pháp, tại những giai đoạn khó khăn trong việc phát triển Đạo Pháp ở một khoảng thời gian trước đây.

Con xin chân thành hồi hướng mọi Công Đức có được đến Thân Mẫu thân tâm thường lạc, Phật sự tinh tấn.

Con xin chân thành hồi hướng mọi Công Đức có được đến các bậc Tôn Sư đã bỏ công chỉ dẫn và khuyến khích con trên con đường tầm học.

Con xin chân thành hồi hướng mọi Công Đức có được đến các Thầy Thích Quảng Trí, Cư sĩ Huyền Thanh đã bỏ nhiều công phu biên dịch và biên tập bộ Mật Tạng ra tiếng Việt để đem lại lợi lạc cho nhiều hàng Phật tử Việt Nam.

Xin chân thành cám ơn đến các các bậc thầy, các tác giả, soạn giả có những bài nghiên cứu, bài giảng giải, cũng như có hình ảnh về Tôn tượng Đức Địa Tạng Vương trên Internet, để Công Minh được tham khảo, trích dẫn hỗ trợ cho phần biên soạn này. Vì điều kiện bố cục của bài viết hạn chế, tránh phân tán nên người biên soạn không thể trích rõ nguồn tài liệu, rất mong chư vị tác giả hoan hỉ thông cảm đại xá.

Xin cám ơn người bạn đường CTT và hai “ tiểu đồng chí” của tôi, đã phấn đầu giải quyết nhiều việc thuộc hàng “đại gia sự " để hỗ trợ tôi có được nhiều thời gian, yên tâm tìm hiểu Giáo Pháp.

Xin cảm ơn anh hoangnt và mọi người đã quan tâm, ủng hộ cho bài viết trong thời gian qua.

Thân mến tặng bài viết này đến anh Thanh phuc ; bạn Hoàng Dung trên trang lyhocdongphuong ( những người có ít nhiều công phu và sự cảm ứng về Thánh linh của Đức Địa Tạng vương Bồ Tát ) - Đặc biệt là qua những tâm sự của anh Thanhphuc, đây cũng là một trong những nguồn động lực cho Công Minh tìm hiểu về Thánh linh của Đức Địa Tạng và điểm đặc biệt của bộ kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện công đức.

Thân mến tặng chị Wild, Chipchip cùng đại gia đình, em Linh và “cô học trò bướng bỉnh ” cùng tất cả thân hữu bè bạn cũ mới, xa gần – do qua những thắc mắc, hỏi đáp của mọi người đã giúp Công Minh giác ngộ thêm nhiều vấn đề trong tu học.

Kính chúc mọi người, mọi nhà có một mùa Vu lan viên mãn và thành tựu

Nguyện xin Tam Bảo và các vị Hộ Pháp hãy ban rải Thần Lực giúp cho các bậc ân nhân của con với tất cả chúng hữu tình mau chóng tránh được mọi lỗi lầm, thực chứng được Chính Pháp Giải Thoát.

Nam mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát

Nam Mô Hoan Hỉ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát tác đại chứng minh.

Trân trọng

7 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Em cám ơn anh Công Minh và anh Hoangnt rất nhiều ạ !

Share this post


Link to post
Share on other sites

Nam mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát

Nam Mô Hoan Hỉ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát tác đại chứng minh

Cảm ơn bạn Công Minh!

Thật sự trân trọng những nghiên cứu, tìm tòi của bạn, điều này càng củng cố thêm niềm tin những gì về thánh linh của Đức Địa tạng và với những may mắn về cảm nhận của sự hiện hữu của Ngài trên thế gian.

Không thể nói gì hơn, Xin hồi hướng công đức đến các "Ngài", các vị bề trên và tất cả mọi người.

3 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay