wildlavender

Thiên cổ miếu và những chứng tích về nghề giáo thời Hùng Vương

1 bài viết trong chủ đề này

Thiên cổ miếu và những chứng tích về nghề giáo thời Hùng Vương

Thứ năm, 20/11/2008, 12:10 GMT+7

Trên một quả đồi nhỏ ven đường thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, Thành phố Việt Trì (Phú Thọ) nằm trong địa phận của Kinh đô Văn Lang xưa, có một toà cổ miếu nằm ẩn mình dưới hai cây Táu cổ thụ, gốc to đến năm, sáu người ôm không xuể, ước đoán tuổi đời đã đến nghìn năm.

Đó là Thiên Cổ miếu, nơi thờ một người tương truyền là thầy giáo thời Hùng Vương. Mặc dù những chứng tích lịch sử còn lại không nhiều, nhưng có thể nói đây là chứng tích về thầy giáo cổ xưa nhất của nước Việt ta.

Tấm ngọc phả và những huyền tích

Posted Image

Toàn cảnh Thiên Cổ miếu tại thôn Hương Lan, Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ

Thiên Cổ miếu nằm trong một quần thể di tích: Đình Hương Lan, Lăng mộ ba đô sĩ thời Hùng Duệ Vương và Miếu Thiên Cổ, đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử. Khách qua đường không khỏi ngạc nhiên đặt câu hỏi, tại sao ngôi miếu nhỏ này lại là thắng tích của Trung chi Hùng lĩnh, là đền thiêng của cả trời Nam?

Theo ông Nguyễn Hữu Yết - người trực tiếp quản lí tại Thiên Cổ miếu thì ngôi miếu cổ này thờ Vũ Thê Lang - một thầy giáo nổi tiếng thời Hùng Vương. Tương truyền ông là người đã có công dạy dỗ hai công chúa của Hùng Vương thứ 18 là Tiên Dung và Ngọc Hoa. [/size] Hiện nay vẫn còn giữ được một bản ngọc phả quý. Được biết ngọc phả này được viết lần đầu vào năm Hồng Phúc thứ 2 (1573) đời vua Lê Anh Tông, do Đông Các học sĩ Nguyễn Bính biên soạn. Ngọc phả này đã ghi chép lại nguồn gốc của ngôi miếu cổ. [/size]“Vào thời Hùng Duệ Vương, ở đất Mộ Trạch có vợ chồng Vũ Công, thuộc gia đình có học. Cha mẹ mất sớm, cảnh nhà sa sút, hai người lần tìm về đô thành Phong Châu, tới thôn Hương Lan mở lớp dạy học. Dân làng đã cấp cho họ ruộng đất để trả công dạy dỗ. Vợ chồng Vũ Công sinh hạ được một người con trai là Vũ Thê Lang. Lớn lên, Vũ Thê Lang tìm về người bạn cũ của bố là Nguyễn Công ở đất Đông Ngàn - Kinh Bắc. Nguyễn Công đã gả cho Thê Lang người con gái của mình là Nguyễn Thị Thục - một cô gái nết na, thạo nghề tơ tằm canh cửi. [/size]Khi cha chết, Vũ Thê Lang tiếp tục thay cha dạy học, Thục Nương giúp dân nghề nông tang, canh cửi. Tiếng lành đồn xa, nhờ học vấn cao và tận tụy với nghề, sống giản dị và mẫu mực nên ông giáo Vũ Thê được vua Hùng thứ 18 giao cho chăm nom việc học hành của hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa”. [/size]Ngọc phả ghi rõ: “Năm Mậu Ngọ, ngày mồng 9 tháng giêng, bà Thục sinh người con trai đầu lòng. Hai năm sau, bà sinh thêm hai người con trai nữa (song sinh). Cả ba anh em họ Vũ đều được ông bà giáo đặt tên là Rô (do trước ngày sinh anh cả, bà Thục bắt được một giỏ cá rô ở Đầm Đáu - chuyện dân gian - người Hương Lan truyền kể). Ba người con của thầy giáo từ nhỏ đã khôi ngô tuấn tú, thông minh hơn người, vừa học giỏi văn vừa thạo nghề võ”. Nhưng các con chưa kịp trưởng thành thì hai ông bà đã bất ngờ tạ thế vào cùng một ngày: ngày mồng 2 tháng 2 năm Quý Dậu.

Posted Image

Cụ Từ và cụ Ca xem lại cuốn "Ngọc phả" và sắc phong của Thiên Cổ miếu

Đến tuổi thành niên, cả ba anh em đều được vua Hùng thứ 18 tuyển dụng làm vệ sĩ, phong chức Đô sĩ và đặt cho cả ba anh em “tiểu danh” là chàng Chấu. Về sau, do có nhiều công lao trong việc bảo vệ vua Hùng, ba vị Đô sĩ được nhà vua phong chức “Hạ hầu tướng quân”. Cuối thời Hùng Vương thứ 18, vua Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho Thục Phán (cháu ngoại họ Hùng). Vua Thục Phán thu nhận tất cả quan chức đương nhiệm thời Hùng Duệ Vương đưa về Cổ Loa (kinh đô nước Âu Lạc) để sử dụng. Do không phục vua mới (Thục Phán nhiều lần gây cảnh binh đao, chiến tranh Hùng Thục...) nên ba anh em Vũ Rô từ quan, trở về Hương Lan, nơi chôn nhau cắt rốn rồi cùng quyên sinh ở Đầm Đáu. Nghe tin này, An Dương Vương rất cảm phục lòng trung nghĩa của ba vị Hạ Hầu Tướng Quân. Vua Thục liền lấy tiểu danh của ba vị là chàng Chấu để phong “Đại Vương Thần” và sai dân sở tại lập đền miếu phụng thờ, coi là Thành Hoàng Làng. Đình thờ ba vị Đại Vương Thần và lăng (mộ) Đại Vương ở đồi bên cạnh ngôi miếu thờ hai vị phụ mẫu”

.Một biểu tượng “tôn sư trọng đạo"

Theo ông Nguyễn Ngọc Tám - nguyên Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phú (cũ) thì Hoành phi và câu đối trong miếu Thiên Cổ có từ thời Tự Đức năm thứ nhất (1848). Trong đền, ngoài ba lư hương cổ bằng gốm từ thời nhà Lý, nhà Lê, còn có một số đồ thờ bằng gỗ như ống hương, hai cây nến...

Posted Image

Mô hình lớp học với ông đồ già và học trò xưa

Đặc biệt là sự xuất hiện của các pho tượng: phụ vương, mẫu vương và hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa cùng hai thị nữ, đã có trên 70 năm.

Theo các già làng thôn Hương Lan (truyền lại qua nhiều đời), hàng năm, vào ngày mồng 9 tháng giêng (là ngày sinh) và ngày mồng 10 tháng 10 (ngày mất) của ba vị Đại Vương, nhân dân tổ chức lễ hội (rước kiệu từ Thiên Cổ miếu về đình, dâng hương rồi mở hội). Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức thi đấu như kéo co, vật, cờ tướng, chọi gà... hát dân ca xoan ghẹo của Phú Thọ. Trong Thiên Cổ miếu có một bức Hoành phi ghi “Thiên Cổ Miếu” và hai câu đối đều viết bằng chữ Hán “Hùng Lĩnh trung chi thắng tích/Nam thiên chích khí linh từ” nghĩa là “Đền thiêng thờ người có chí khí mạnh mẽ, lớn lao của trời Nam”. Phía ngoài miếu còn có 2 cây táu cao chừng 15m, thân to 5 - 6 người ôm. Hai cây này tuy cùng dòng giống nhưng khi nở hoa lại cho hai màu vàng-bạc khác nhau. Người dân quanh vùng vẫn quen gọi là cây vàng, cây bạc và coi như một biểu tượng của sự hưng vượng cho quê nhà. Theo quan niệm của nhiều người địa phương thì nơi nào khí vượng thì cây càng phát triển tốt, chính vậy hai tán cây ấy mới tồn tại đến ngày nay. Thiên Cổ miếu là một ngôi nhà nhỏ hai đầu nóc trang trí “hình đấu”, cửa mở giữa đầu hồi gợi lên hình bóng kiến trúc nhà sàn xưa, thường gặp ở khu nhà phố cổ. Trong Thiên Cổ miếu, có 6 pho tượng. Một số ý kiến cho rằng, hai bức tượng của người đàn ông và người phụ nữ là tượng hai vợ chồng thầy Vũ Thê Lang. Tượng được cho là thầy Vũ Thê Lang cao gần 1 mét, mặt đỏ, mắt to sáng, râu tóc bạc phơ hiền từ bình thản như ông Tiên trong thần thoại. Còn tượng người phụ nữ được cho là bà Nguyễn Thị Thục, tóc đen, da trắng mịn, hiền hậu nhưng lanh lợi, cùng hai học trò và hai người hầu như lắng nghe từng lời của thầy.

Posted Image

Bản "Ngọc phả" ghi lại ơn đức vợ chồng nhà thầy giáo Vũ Thê Lang

Tất cả 6 tượng đều nhìn ra phía trước cửa nơi có con đường làng qua, dưới là đầm nước (nay khoanh bờ làm ao thả cá). Tuy nhiên, cũng có ý kiến lại cho rằng, những bức tượng này là thờ phụ vương, mẫu vương và hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa cùng hai thị nữ và những tượng này mới chỉ xuất hiện vào thời gian gần đây.

Tuy chưa khẳng định được thầy giáo Vũ Thê Lang có phải là người trực tiếp dạy dỗ công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa hay không? Nhưng những bằng chứng trong Ngọc phả đã cho thấy Thiên Cổ miếu là nơi thờ tự một người thầy giáo. Điều này đang đặt ra nhiều câu hỏi về chữ Việt cổ, về thời Hùng Vương đã có nghề dạy học, thời vua Hùng dạy học bằng chữ gì?.

Và quan trọng hơn nữa, nơi đây chính là một biểu tượng cho lòng tôn kính đối với những người có công trong sự nghiệp giáo dục của nước nhà, cần phải trân trọng và bảo vệ.

Đỗ Ánh Ngọc (Giadinhxahoi)

nguồn tintuconline

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay