phoenix

Góp ý bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Đền Hùng

4 bài viết trong chủ đề này

Nguồn: http://www.thethaovanhoa.vn

Bài 1: Tháp Hùng Vương - có nên đặt ở đồi Mom Gà?

(TT&VH) - Vừa qua, UBND tỉnh Phú Thọ đã phát động cuộc thi thiết kế tháp Hùng Vương (sẽ được đặt tại đồi Mom Gà cao 60m, cách Đền Hùng khoảng 3km) với đề bài đưa ra là chiều cao của tháp không quá 75m, kết cấu và vật liệu xây dựng phải bền vững, màu sắc phù hợp cảnh quan. Nhân dịp này, nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên (Phú Thọ) đã gửi tới TT&VH loạt bài viết góp ý cho việc bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Đền Hùng dưới góc nhìn khoa học. Ông nêu rõ: "Tôi xin đăng ký bản quyền các ý tưởng này, kính nhờ Báo TT&VH đưa ra trước công luận".

Posted Image

Đồi Mom Gà- hơi xa so với Đền Hùng

Tháp Vua Hùng xuất phát từ ý kiến chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khi ông thăm Đền Hùng ngày 5/5/1977, rằng: “Để từ Đền Hùng nhìn ra cả nước, và cả nước nhìn về Đền Hùng”. Ấy là mong muốn dựng lá cờ dân tộc để quy tụ đồng bào.

Theo quy hoạch mới nhất, ngọn tháp Vua Hùng sẽ đặt ở đồi Mom Gà xã Vân Phú hơi xa so với Đền Hùng. Nhân đây xin nói một chút về quan niệm “Khu di tích Đền Hùng”. Xưa kia quan niệm dân gian chỉ có quả núi Nghĩa Lĩnh với các đền đài lăng tẩm trên núi mới được gọi là Khu Đền Hùng, không ai dám động chạm đến. Ngoài ra tha hồ xây dựng nhà cửa, làm vườn, phát nương rẫy.

Năm 1973 Uỷ ban hành chính tỉnh Vĩnh Phú giao cho Ty Văn hóa, và các ngành có liên quan lập quy hoạch bảo tồn tôn tạo Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Quy hoạch này có hai phần: Khu trung tâm bất khả xâm phạm gồm núi Nghĩa Lĩnh, núi Vặn, núi Trọc lớn, núi Trọc con, núi Nỏn, núi Yên Ngựa, đồi Cò Kè, đồi Cao Phầy, đồi Cao Lồ, đồi Phân Đăng, đồi Phân Đậu và đồi Công Quán diện tích bề mặt 12 quả đồi núi này ước 300 ha. Vành đai bảo vệ rộng khoảng 1200 ha bao gồm toàn xã Hy Cương, và một phần của các xã Phù Ninh, Tiên Kiên, Chu Hóa. Tổng cộng phạm vi quản lý của Đền Hùng là 1562 ha. Lấy ranh giới phía đông là đường quốc lộ II, phía tây là đường sắt, phía bắc là đoạn đường nhựa nối đường sắt ở ga Tiên Kiên tới đường số II ở ngã ba Phù Lỗ, phía nam là đoạn đường mòn từ dưới Ngã Ba Hàng sang đường sắt (bây giờ là đường nhựa số 32C). Từ đó xuất hiện quan niệm “Khu di tích Đền Hùng” là Khu bất khả xâm phạm gồm 12 quả đồi núi nói trên. Trong đó có núi Nghĩa Lĩnh, núi Vặn, núi Trọc lớn theo truyền thuyết là tam sơn cấm địa, và núi Nỏn là nơi xưa kia vào dịp hội chính người ta treo lá cờ Thần từ tháng giêng báo cho đồng bào xa gần biết. Còn các đồi núi khác là không gian bao bọc. Sách “Giới thiệu khu di tích lịch sử Đền Hùng” do tôi (Vũ Kim Biên) xuất bản năm 1974 nội dung lịch sử chỉ đề cập đến Khu trung tâm bất khả xâm phạm với 12 quả đồi núi kể trên còn bên ngoài vẫn gọi là vành đai bảo vệ.

Theo tôi, dù bây giờ người ta có mở rộng phạm vi quản lý đất đai công viên Đền Hùng đến đâu đi chăng nữa, thì quan niệm “Khu di tích Đền Hùng” cũng không nên vượt quá quan niệm năm 1973, vì như vậy cũng là rộng lắm rồi (300 ha).

Nên đặt ở núi Trọc lớn

Trước tiên cần xác định mục đích, tính chất, bản sắc văn hóa của tháp này, từ đó sẽ áp đặt địa điểm và quy mô xây dựng.

- Về mục đích: Tháp Vua Hùng là ngọn cờ dân tộc quy tụ đồng bào, do nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dựng lên tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng; để “Từ Đền Hùng nhìn ra cả nước, và cả nước nhìn về Đền Hùng”.

- Về tính chất: Tháp là công trình kiến trúc mỹ thuật tưởng niệm các Vua Hùng, không phải là công trình tín ngưỡng, càng không phải là công trình phục vụ kinh doanh thương mại.

- Về bản sắc văn hóa: Tháp phải thể hiện đặc trưng văn hóa của thời đại Hùng Vương và truyền thống văn hóa Việt Nam. Tuyệt đối không lai tạp một chút nào văn hóa nước ngoài, kể cả vật liệu cũng không dùng hàng nhập ngoại.

Trước đây chúng tôi đề xuất dùng núi Vặn xây tháp Vua Hùng, nhưng đã xây đền mẫu Âu Cơ rồi, nên bây giờ chúng tôi đề xuất dùng núi Trọc lớn. Núi Trọc lớn có độ cao kém núi Nghĩa Lĩnh và núi Vặn, nhưng vẫn cao hơn nhiều mọi đồi núi xung quanh khác. Ba ngọn núi này đều thuộc núi thiêng gọi là “tam sơn cấm địa”. Núi Trọc lớn có độ cao trên trăm mét giúp giảm đáng kể phần xây tháp. Nó lại có không gian rộng lớn, đứng ngoài đường quốc lộ II nhìn vào 3 quả núi Nghĩa Lĩnh – Trọc lớn – Vặn đứng thẳng hàng rất đẹp.

Nhà nghiên cứu VŨ KIM BIÊN

Share this post


Link to post
Share on other sites

Bài 2: Nên xây tháp Hùng Vương như thế nào?

(TT&VH) - Nhân dịp cuộc thi thiết kế tháp Hùng Vương vừa được UBND tỉnh Phú Thọ phát động, nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên đã đưa ra một ý tưởng thiết kế giàu ý nghĩa: xây tháp 18 tầng, 2796 lớp gạch; bệ tháp hình bó lúa, đỉnh tháp hình trống đồng... Ông nêu rõ: "Tôi xin đăng ký bản quyền ý tưởng của mình kính nhờ báo TT&VH đưa ra trước công luận".

Posted Image

Lăng trong di tích Đền Hùng. Ảnh do tác giả cung cấp

1. Thân tháp: Tính từ bệ, thân tháp sẽ có chiều cao 2796 lớp gạch ứng với 2796 năm tồn tại của thời đại Hùng Vương theo ngọc phả. (Sách Đại Việt sử ký Toàn thư viết, thời đại Hùng Vương kéo dài 2622 năm, nhưng không nói rõ bao nhiêu đời, mỗi đời bao nhiêu năm. Bởi vậy cần căn cứ vào Ngọc phả). Mỗi tầng ứng với số năm làm vua của một đời (tất nhiên là theo ngọc phả, không phải thực, có thể coi đây là con số tâm linh). Ví dụ: Kinh Dương Vương làm vua 215 năm thì ứng với 215 lớp gạch, Lạc Long Quân làm vua 400 năm thì ứng với 400 lớp gạch...v...v..Tính từ dưới lên:

Tầng 1 ứng với Kinh Dương Vương làm vua 215 năm, bằng 215 lớp gạch

Tầng 2 ứng với Lạc Long Quân làm vua 400 năm, bằng 400 lớp gạch

Tầng 3 ứng với Hùng Quốc Vương làm vua 221 năm, bằng 221 lớp gạch

Tầng 4 ứng với Hùng Diệp Vương làm vua 300 năm, bằng 300 lớp gạch

Tầng 5 ứng với Hùng Hy Vương làm vua 200 năm, bằng 200 lớp gạch

Tầng 6 ứng với Hùng Huy Vương làm vua 87 năm, bằng 87 lớp gạch

Tầng 7 ứng với Hùng Chiêu Vương làm vua 200 năm, bằng 200 lớp gạch

Tầng 8 ứng với Hùng Vi Vương làm vua 100 năm, bằng 100 lớp gạch

Tầng 9 ứng với Hùng Định Vương làm vua 80 năm, bằng 80 lớp gạch

Tầng 10 ứng với Hùng Uy Vương làm vua 90 năm, bằng 90 lớp gạch

Tầng 11 ứng với Hùng Chinh Vương làm vua 107 năm, bằng 107 lớp gạch

Tầng 12 ứng với Hùng Vũ Vương làm vua 96 năm, bằng 96 lớp gạch

Tầng 13 ứng với Hùng Việt Vương làm vua 105 năm, bằng 105 lớp gạch

Tầng 14 ứng với Hùng Ánh Vương làm vua 99 năm, bằng 99 lớp gạch

Tầng 15 ứng với Hùng Triều Vương làm vua 94 năm, bằng 94 lớp gạch

Tầng 16 ứng với Hùng Tạo Vương làm vua 92 năm, bằng 92 lớp gạch

Tầng 17 ứng với Hùng Nghị Vương làm vua 160 năm, bằng 160 lớp gạch

Tầng 18 ứng với Hùng Duệ Vương làm vua 150 năm, bằng 150 lớp gạch

Tổng quan thân tháp có chiều cao thể hiện 2796 lớp gạch màu đỏ tươi. Nếu tính mỗi lớp gạch là 0,5dm thì thân tháp cao 139,8m. Nếu muốn tháp thấp nữa thì dùng 2796 lớp gạch mỗi lớp dày 0,25 dm thì thân tháp sẽ có chiều cao 69,9m. Nếu lấy 139,8m thì chắc chắn nóc tháp sẽ cao hơn núi Nghĩa Lĩnh và núi Vặn, có tầm “Từ Đền Hùng nhìn ra cả nước, và cả nước nhìn về Đền Hùng”, vấn đề là khả năng xây dựng.

Có thể đồng bào chỉ nhìn thấy 18 tầng được phân biệt bởi mái vẩy và chiều cao của mỗi tầng khác nhau lạ lùng rất bắt mắt, mà không nhìn rõ được mỗi tầng có bao nhiêu lớp gạch ứng với số năm làm vua của mỗi vị. Nhưng sẽ có bảng thuyết minh tháp, nói ý nghĩa của từng chi tiết, và được thể hiện trên mô hình mẫu tháp để đồng bào xem. Điều này sẽ đem lại ấn tượng trong lòng đồng bào về ngọn tháp kỷ niệm 18 đời Vua Hùng bằng ngôn ngữ kiến trúc.

Thân tháp nên xây hình trụ vuông, mỗi cạnh đáy 10m tường dầy 40 – 50 cm. Chân tầng trên giật vào so với tầng dưới 10cm nghĩa là khối hộp trụ vuông trên nhỏ hơn khối hộp trụ vuông dưới mỗi cạnh 20cm. Như vậy đến tầng ngọn tháp mỗi cạnh còn 6,4m, đảm bảo sự bền vững. Tất cả 18 tầng đều đổ sàn và trổ cửa tò vò ra 4 mặt đông tây nam bắc. Tầng dưới lên tầng trên có bậc như nhà cao tầng vậy. Để phân biệt giữa các tầng là mái vẩy, nhìn từ xa trông rõ 18 tầng. Trang trí mỗi ô mặt tháp gắn một mảng phù điêu bằng đá ở điểm trung tâm, có tất cả 72 ô mặt tháp. Mẫu phù điêu dựa trên các hiện vật thời Hùng Vương như: các loại rìu đá, các loại rìu đồng, các loại vòng tay, các hình thuyền trên trống đồng, người hóa trang vẽ trên trống thạp đồng, các hoa văn gốm...

Có thể cho phép du khách lên các tầng nhìn ra xung quanh ngắm cảnh bằng mắt thường hoặc ống nhòm qua 4 ô cửa tò vò có chấn song bảo hiểm.

2. Bệ tháp: Hình bó lúa tròn đường kính độ 20m cao độ 5m tọa lạc giữa đỉnh núi Trọc lớn. Cây lúa nước do Vua Hùng tìm ra phương pháp gieo cấy đưa lại nguồn lương thực dồi dào là nền tảng kinh tế thời Hùng Vương, tiền đề của văn minh Lạc Việt. Ngày nay cũng như mai sau cây lúa vẫn là cây lương thực trọng yếu của dân ta. Cho nên dùng hình tượng bó lúa làm bệ tháp là hợp lý, nó hết sức độc đáo, chưa từng có ở Ta, Tầu, Tây. Đứng trên bệ xung quanh thân tháp là 54 pho tượng của 54 sắc tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, xen kẽ 27 nam và 27 nữ nắm tay nhau.

3. Nóc tháp: Hình chiếc trống đồng Đông Sơn loại 1 đặt trên tầng thứ 18 chờm khỏi mép tháp dùng làm nóc. Trên mặt trống đặt con chim Lạc bằng đồng đứng, mỏ ngậm ngọn đèn đỏ phát sáng cả ngày lẫn đêm. Trống đồng loại 1 là đỉnh cao của văn minh Lạc Việt, con chim Lạc vẽ trên trống đồng là một đặc trưng văn hóa thời Hùng Vương. Vì vậy dùng hình tượng trống đồng và hình tượng chim Lạc làm nóc tháp là hợp lý. Cũng thuộc loại độc đáo chưa từng có.

Nhà nghiên cứu VŨ KIM BIÊN

Share this post


Link to post
Share on other sites

[b]Bài 3: Cần khôi phục các di vật đã mất trên núi Nghĩa Lĩnh[/b]

(TT&VH) - Cùng với việc đề xuất ý tưởng thiết kế tháp Hùng Vương, nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên còn đề nghị nên làm lại Hạt lúa thần, Cột đá thề, Phù điêu thể hiện cảnh bàn việc nước của Vua Hùng...

Từ hàng ngàn năm trước…

Posted Image

Cột miếu cổ (thường giới thiệu là Cột đá thề của Thục Phán)

Trên núi Nghĩa Lĩnh hiện có Đền Thượng, Lăng Vua Hùng, Đền Trung, Đền Hạ, chùa Thiên Quang thiền tự, gác chuông, các th p sư, Đền Giếng, và các công trình phụ khác.

Đền Thượng nguyên thủy là miếu thờ Trời (Kính thiên lĩnh điện) và thần Núi, thần Lúa, do Vua Hùng thứ 6 lập ra cách nay hơn 3000 năm. Hẳn rằng thời đó tổ tiên ta kiến thiết bằng tre gỗ lá kết hợp với cột đẽo bằng đá. Chiếc cột đá đặt trên bệ ở trước Đền Thượng chếch về phía tây chính là cột miếu cổ của thời Hùng Vương, mà người ta thường giới thiệu là Cột đá thề của Thục Phán. Các kiến trúc nối tiếp dưới thời Bắc thuộc có lẽ cũng bằng tre gỗ lá nên không còn vết tích. Sau khi giành lại được độc lập, các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê xây dựng Đền Thượng bằng gạch ngói, và đặt chế độ miễn sưu thuế phu phen đi lính cho dân Hy Cương, để giao cho nhiệm vụ trông nom đền miếu, sửa chữa, cúng tế, gọi là dân Trưởng tạo lệ. Sang triều Nguyễn, đời vua Tự Đức, năm 1874 sai Tổng đốc tam tuyên (kiêm quản 3 tỉnh Hưng Hóa, Sơn Tây, Tuyên Quang) Nguyễn Bá Nghi xây dựng lại Đền Thượng, và định chế độ đối với dân Trưởng tạo lệ là: giao cho 25 mẫu ruộng cấy lấy hoa lợi đèn hương, và đến kỳ giỗ Tổ thì cấp thêm 100 đồng bạc trắng để sửa cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn) cho quan lại của tỉnh về tế ở Đền Thượng.

Đền Thượng vừa trùng tu, còn giữ bức trấn phong của thời Nguyễn.

- Lăng Vua Hùng: nguyên thủy là mộ Vua Hùng thứ 6. Thời nhà Lê vẫn giữ hình thức mộ đất, có mái lợp ngói tì lên 4 cột đá. Trong dịp vua Tự Đức cho làm lại Đền Thượng năm 1874 mới xây mộ gạch và xây lăng miếu trùm lên. Năm 1917 lăng được trùng tu và vừa qua lại trùng tu, mở rộng thêm sân lăng.

- Đền Trung: nguyên xưa là quán nghỉ ngơi khi các Vua Hùng lên làm lễ ở Kính thiên lĩnh điện. Có lúc dùng họp bàn việc nước cơ mật với các L c hầu Lạc tướng. Sau khi thời đại Hùng Vương kết thúc quán được biến thành đền thờ Vua Hùng. Trải qua hàng nghìn năm các v t liệu tre gỗ lá nối tiếp nhau dựng lên và tiêu nát. Thời Đinh, Lê, Lý, Trần đưa kiến trúc gạch ngói lên, còn để lại phế tích. Đền hiện thấy làm thời Hậu Lê, cũng đã trải qua trùng tu phần mái lợp và cửa gỗ.

- Đền Hạ: cũng như Đền Trung, là kiến trúc Hậu Lê còn lại, đã trải qua trùng tu phần mái và cửa gỗ.

- Chùa Thiên Quang thiền tự là hậu thân của chùa Sơn Cảnh Vĩnh Long tự làm năm Đại Định thứ 5 (1145) đời vua Lý Anh tông. Chùa Thiên Quang do bà chúa Chè (Đặng Thị Huê) vợ chúa Trịnh Sâm (1767 – 1782) xây dựng để cầu phúc cho con là Trịnh Cán thường ốm đau luôn. Chùa vừa được trùng tu.

- Gác chuông làm thời Lê cũng vừa được trùng tu.

- Đền Giếng: nguyên xưa có giếng Ngọc của hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa dùng rửa mặt chít khăn. Cuối thời Hậu Lê làm đền trùm lên giếng. Trong đợt nhà Nguyễn tổ chức đại trùng tu 6 năm liền (1917 – 1922) Đền được làm lại như hiện thấy và tạc tượng hai công chúa để thờ.

Những hiện vật cần khôi phục

Theo tôi tất cả các đ n chùa lăng tẩm kể từ nay trở đi cần giữ nguyên trạng. Vì nó thuộc các ki n trúc cổ vô cùng quý giá hiếm hoi. Nó là vật chứng cho lịch sử thờ tự và lịch sử kiến trúc trên ngọn núi Nghĩa Lĩnh này. Nó là chiếc gạch nối giữa các ki n trúc Lý Trần về trước và các ki n trúc của thời đại chúng ta ngày nay. Sau này có bộ phận nào hư hỏng thì mới phải thay bộ phận đó theo phương pháp phục chế nguyên gốc.

Posted Image

Sơ đồ khu di tích đền Hùng. Ảnh do tác giả cung cấp

Riêng đối với các hi n vật lịch sử trên núi đã bị mất thì nhất thiết phải khôi phục lại. Đó là:

1) Cho làm hạt lúa Thần treo trên Đền Thượng. Chúng tôi đã có công trình nghiên cứu chứng minh rằng Vua Hùng thứ 2 (Lạc Long Quân) là thủy tổ của nghề trồng lúa nước theo phương pháp gieo mạ cấy lúa cách nay 4500 năm, dùng xứ Đồng Lú truyền dạy cho dân. Do hạt lúa là nguồn sống của dân ta nên các Vua Hùng đã thờ thần Lúa, về sau nhân dân tiếp tục thờ. Hạt thóc Thần đục bằng gỗ to như chiếc thuyền câu treo ở Đền Thượng, mới bị quân Pháp lấy mất năm 1949. Hiện vật này hết sức giá trị cần khôi phục lại.

2) Tại sân Đền Trung nên có một bức phù điêu bằng đá tả lại quang cảnh quán bàn việc nước của Vua Hùng với các L c hầu Lạc tướng. Nó vừa nhắc nhớ dấu vết lịch sử, vừa thêm phần hấp dẫn.

3) Tại Đền Hạ: nên tạc bức phù điêu bằng đá hình vuông mỗi bề 4 đến 5 mét, minh họa truyền thuyết Tiên Rồng sinh ra bọc trăm trứng, trăm con trai. Tất nhiên nó không phải là di vật đã mất như Hạt lúa thần, Cột đá thề và Quán bàn việc nước, nay tìm cách khôi phục lại; mà bức phù điêu này là một sáng tạo mới nhằm ghi nhớ truyền thuyết, làm tăng phần hấp dẫn khách tham quan

4) Tiến hành nghiên cứu vị trí đặt hai Cột đá thề của Thục Phán. Ngọc phả viết rằng “Lập lưỡng thạch trụ ư sơn trung” nghĩa là dựng hai cột đá ở giữa núi (chứ không phải đỉnh núi). Chiếc cột đá đặt trên bệ trước Đền Thượng là cột miếu chứ không phải cột đá thề. Khi xác định được vị trí rồi thì nên dựng lại hai cột đá thề đó để ghi nhớ sự tích, và tất nhiên sẽ thêm hấp dẫn.

Ngoài ra, cần tăng cường kè đá chống sói lở ở phía Tây Đền Thượng. Năm 2000 tôi có đề nghị ông Nguyễn Hữu Điền, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho kè đá từ chân núi lên để bảo vệ Đền Thượng, vì đã xói lở vào đến sát nhà quan cư cách Đền chỉ 5 – 6 mét, và có biện pháp chống rửa trôi vì móng Đền Thượng đã hở ra 25 cm. Ông Điền lên thị sát và sau đó 1 tháng thì cho kè đá phía tây Đền và xếp đá phiến quanh Đền chống xói mòn. Tuy nhiên việc kè đá vẫn còn hạn chế, chưa tới mặt bằng. Theo tôi dù tốn kém đến đâu vẫn phải kè tiếp, không những lên tới mặt bằng nền nhà quan cư, mà còn mở rộng thêm hành lang từ đầu nhà quan cư đến đường bậc lên đền, để đồng bào đứng trong những ngày lễ hội.

Nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên

Share this post


Link to post
Share on other sites

Bài 4: Cần xây dựng công trình kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng tầm

(TT&VH) - Sau khi đề xuất ý tưởng thiết kế tháp Hùng Vương, làm lại Hạt lúa thần, Cột đá thề..., nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên tiếp tục đề xuất ý tưởng cần xây dựng công trình kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tạo dựng vườn cây lưu niệm quốc gia xứng tầm tại Khu di tích Đền Hùng.

Từ bức phù điêu kỷ niệm...

Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và làm việc ở Đền Hùng ngày 18-19 tháng 9 năm 1954, đưa ra nhận định “Các Vua Hùng đã có công dựng nước” là một sự kiện lịch sử vô cùng trọng đại.

Thứ nhất, nó đã mở đường cho nhận thức về thời đại Hùng Vương, trong lúc tất cả mọi người Việt Nam còn mơ hồ giữa đám sương mù truyền thuyết rối ren. Thậm chí có nhà sử học còn cho rằng truyền thuyết Hùng Vương chỉ là chuyện trâu ma rắn thần.

Posted Image

Bác Hồ tại Đền Hùng, năm 1954

Thứ hai, nó đóng đinh vào lịch sử lời lãnh tụ tối cao của dân tộc Việt Nam tôn vinh công lao của các Vua Hùng, ngay ngày đầu tiên nước Việt Nam giành được độc lập chủ quyền. Chính nó là một chiếc mốc son chói lọi cắm tiếp trên chặng đường hơn 3000 năm tồn tại của Đền Hùng.

Đầu năm 2000 khi biết tin định làm bức phù điêu ở địa điểm hiện giờ (ngã tư - đền Giếng), chúng tôi đã can ngăn, và gợi ý một phương án khác toàn diện hơn, vừa xứng đáng với tầm vóc của sự kiện vừa phù hợp với qui hoạch khu di tích. Hơn nữa, chỉ làm một bức phù điêu như vậy thì hơi sơ sài chưa xứng tầm với ý nghĩa của sự kiện này.

Ý tưởng về công trình kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tạo dựng vườn cây lưu niệm quốc gia.

Trước tiên cần xác minh lại nơi Hồ Chủ tịch nói câu “Các Vua Hùng đã có công dựng nước...” ở Đền Hạ hay Đền Giếng (đều thuộc khu di tích Đền Hùng).

Theo tài liệu thì trên đường từ Việt Bắc về thủ đô, Hồ Chủ tịch lưu lại ở Đền Hùng hai ngày 18 và 19/9/1954. Ngày 18 Bác cho gọi bộ đội tiếp quản thủ đô lên nói chuyện. Phóng viên báo Lập công của Đại đoàn Quân tiên phong (308) tường thuật như sau: “... Sau cuộc hành quân đầy phấn hứng từ Việt Bắc xuôi về tập kết ở vùng ngoại vi thủ đô Hà Nội, toàn Đại đoàn vừa tấp nập bắt tay vào công tác chuẩn bị tiếp quản, thì một số cán bộ từ đại đội trở lên được triệu tập đi họp gấp... Vừa xuống xe các cán bộ đã nhìn thấy đồng chí Đại đoàn trưởng tươi cười đứng đón và nhanh nhẹn dẫn anh em lên núi. Trèo được hơn trăm bậc gạch chữ chi, mọi người nhìn lên hành lang đền giữa, bỗng thoáng thấy một cụ già quắc thước đang vui vẻ vẫy gọi: “Các chú đến đấy à, nhanh lên chứ”. Bác, Bác, đúng là Bác rồi... Theo hiệu lệnh của Bác, mọi cán bộ đều nhất loạt ngồi cả xuống bậc thềm xúm quanh lấy Bác. Mở đầu câu chuyện, Bác chỉ tay lên Đền thân mật hỏi: “Các chú có biết đây là nơi nào không? Đây chính là đền thờ Vua Hùng, tổ tiên của chúng ta. Bác cháu ta gặp nhau ở đây tuy tình cờ nhưng lại rất có ý nghĩa. Ngày xưa các Vua Hùng dựng nước, nay Bác cháu ta là những người giành lại đất nước. Trải qua bao nhiêu thời đại đấu tranh ông cha ta mới giữ được thủ đô...”.

Rõ ràng câu nói đó ở cửa chùa Đền Hạ, mà nay có bảng ghi Bác ngồi chỗ cây thiên tuế. Còn bức ảnh chụp ở Đền Giếng có lẽ Bác dặn dò thêm cán bộ cao cấp vào ngày hôm sau. Bởi vì số cán bộ từ đại đội trở lên của đại đoàn 308 phải khoảng 200 người, mà ở sân Đền Giếng ảnh chụp chỉ khoảng năm chục người…

Xác minh được địa điểm rồi thì ở đó sẽ đặt một tấm bia cắm mốc độ 2m2.

Còn diễn tả sự kiện lịch sử này thì phải đưa lên đồi Phân Đăng. Quả đồi Phân Đăng nằm bên phải đường nhựa Ngã Ba Hàng vào, cách ngã 4 Đền Giếng vài trăm mét, hiện trồng vải đã có quả nhiều năm nay, nhưng giá trị kinh tế không đáng kể. Nên đẵn bỏ toàn bộ số cây vải đó đi đi để kiến thiết Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp với thành lập vườn cây lưu niệm quốc gia.

Trên đỉnh đồi Phân Đăng xây lầu bát giác lớn, bên trong đắp giả chỗ Bác ngồi, nếu là cửa chùa Đền Hạ thì đắp bậc lên chùa và cây thiên tuế. Tượng Hồ Chủ tịch đúc bằng đồng, còn tất cả bộ đội tạc bằng đá hoa cương. Trên nóc lầu treo bức hoành phi sơn son thiếp vàng dòng chữ “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Toàn bộ quả đồi Phân Đăng, mở rộng thêm vào phía trong nữa để đạt tới diện tích 5 ha. Trong đó Lầu bát giác và vườn hoa cây cảnh chiếm 1700m2. Còn 48300 m2 chia làm 69 ô mỗi ô 700m2 để trồng cây lưu niệm như sau: 1 ô giành cho các vị lãnh đạo đất nước, 1 ô giành cho các cơ quan đoàn thể Trung ương, 63 ô giành cho 63 tỉnh thành trong cả nước, mỗi tỉnh thành một ô, đem đến trồng cây đặc sản của tỉnh mình. Còn 4 ô để lưu không. Ngăn cách giữa các ô chạy tường hoa.

Như vậy sẽ tạo ra một Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng với tầm vóc sự kiện lịch sử, bao quanh là vườn cây lưu niệm quốc gia đầy hương sắc, hết sức giá trị và hấp dẫn.

Nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên

(Hết)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay