wildlavender

Ám Ảnh Cùng Cực Ở Nghĩa Trang Hài Nhi

4 bài viết trong chủ đề này

Ám ảnh cùng cực ở nghĩa trang hài nhi

“Có em đưa về da trắng muốt, môi đỏ son, trông như một thiên thần. Có em vẫn còn nóng hổi, bế trên tay còn thoi thóp thở…”. Những câu chuyện về số phận các hài nhi tại nghĩa trang Đồi Cốc có thể khiến những người mạnh mẽ nhất cũng phải rơi nước mắt.

Có em khi đưa về vẫn còn thoi thóp thở…

Là một thành viên lâu năm của nhóm Bảo vệ sự sống, cô Nguyễn Thị Lập thật thà bảo, thời gian đầu khi tham gia nhóm, cô không tránh được cảm giác e sợ, ám ảnh.

Quả thật làm công việc này phải những người “cứng vía”. Bởi không phải ai cũng “quen” được với cảnh máu me, với những hình ảnh thương tâm của các hài nhi khi bị đẩy ra khỏi bụng mẹ.

Nhưng đến giờ, khi đã quen với công việc này, bất cứ khi nào vào nghĩa trang, cô Lập cũng cảm thấy ấm áp như về nhà của mình vậy. Đây là “ngôi nhà chung” mà ngày nào cô và bà con trong thôn đều muốn lui tới thăm viếng an ủi linh hồn những hài nhi nhỏ bé.

Posted Image

Hình ảnh mai táng các hài nhi do dân làng ghi lại

Cô Lập xót xa kể: “Các em bốn, năm tháng là thành hình, có tay, có chân đầy đủ, thậm chí phân biệt được trai hay gái rồi. Có em bị tiêm thuốc, người tím đen lại. Có em khi ra phải làm thủ thuật, không còn lành lặn nữa.

Thậm chí có trường hợp em lớn, hôm trước mang về một nửa, hôm sau nửa kia mới được mang nốt về, chúng tôi lại phải ngồi ghép các cháu lại tay, chân, mặt… đầy đủ rồi mới đem khâm liệm, chôn cất.

Đau xót nữa là trường hợp các em bảy, tám tháng, khi về đây vẫn còn nóng hổi, bế trên tay vẫn còn thoi thóp thở, vẫn còn nấc nấc. Nhưng bệnh viện họ đã tiêm thuốc rồi, không cứu được nữa”.

Khuôn viên nghĩa trang dành cho các hài nhi rộng chừng 300 mét vuông, được chia làm hai khu: Một bên là những nấm mộ vô danh, mới được xây cất lại khang trang. Một bên là những nấm mộ có ghi tên tuổi cụ thể và dãy “huyệt chờ” – những hố chôn tập thể đợi mai táng các hài nhi.

Cô Lập cho hay, lúc nào ở đây cũng phải sẵn các huyệt chờ như vậy. Khi nào huyệt đầy các tiểu để hài nhi thì dân làng mới lấp đất, xây cất một thể.

Hầu hết các nấm mộ mộ ở đây là mộ vô danh. Ngay cả người cha, người mẹ cũng không biết con họ được an nghỉ ở đây. Chỉ có một vài trường hợp các em sinh non, hoặc trẻ chết lưu được chính bố mẹ đưa về dây chôn cất là có tên, có bia mộ riêng.

Mỗi cái tên, mỗi tấm bia mộ hiếm hoi ấy cũng đều gợi lại cho cô những kỷ niệm đau buồn: “Có bậc cha mẹ đưa con về đây xong khóc lóc thảm thiết cả ngày trời. Họ xót thương con… hằng năm trời vẫn quay trở lại.

Cũng có những người mẹ trót bỏ con, đoán được đưa về đây chôn cất, nhớ đến ngày mất của con lại tìm đến thắp hương, sám hối. Chẳng biết con mình nằm ở đâu giữa hàng chục vạn hài nhi ở đây, họ chỉ biết khóc và cầu nguyện…”.

“Cái tiếng còn hơn cái tội”

Những người gắn bó với nghĩa trang hài nhi Đồi Cốc kể rằng, ở đây họ đã chứng kiến biết bao ngang trái của cuộc đời liên quan tới những hài nhi bất hạnh.

Có người chồng ép vợ bỏ thai vì cái thai là con gái. Có người mẹ quyết định bỏ con vì thai nhi dị tật… Có những cặp tình nhân yêu đương, lỡ dở để có thai, không dám có trách nhiệm với đứa trẻ, họ âm thầm đưa nhau đi nạo hút.

Posted Image

Cô Nguyễn Thị Lập bên những ngôi mộ rõ tên, tuổi hiếm hoi

Thậm chí, dã man hơn có trường hợp cả bố mẹ đẻ đưa con gái đi phá thai vì sợ ảnh hưởng đến danh dự của cả gia đình.

Bất cứ ai khi đi đến quyết định bỏ đi một thai nhi cũng viện dẫn rất nhiều lý do. Vì hoàn cảnh, vì cuộc sống… song dù với lý do gì đi nữa, thì việc tước đi một sinh mệnh cũng là hành động không thể nào bào chữa được.

Đó là cái “tội” mà chắc chắn, những người cha, người mẹ sẽ phải trả giá lại bằng những nỗi day dứt ân hận trong cuộc đời.

“Gần đây nhất có cháu được bố đem lên đây. Tôi nhớ mãi, chàng trai ấy hãy còn trẻ. Cậu ấy vừa khóc lóc thảm thiết, vừa đau đớn nói trong oán hận: “Chỉ vì một chút danh lợi mà họ ép chúng cháu bỏ đứa trẻ…” – cô Lập ngậm ngùi nhớ lại.

Hỏi ra mới hay, người yêu cậu quê ở Nghệ An, vốn là con một gia đình quyền thế. Hai người yêu nhau nhưng bị gia đình cấm cản vì sợ không môn đăng hộ đối. Quyết đến với nhau, cặp tình nhân trẻ chọn cách “vượt rào” để gây sức ép. Nhưng cuối cùng, bố mẹ người con gái không đồng ý, ép cô phải bỏ cái thai đến cùng…

Cô Lập tâm sự: “Tôi chôn cất cho đứa trẻ vô tội, mà cứ nghĩ mãi, nghĩ mãi đến chảy nước mắt. Giá như con người ta biết tôn trọng sự sống của đứa trẻ, đừng ích kỷ, đừng vì những mục đích riêng tầm thường thì đâu đến nỗi.

Chúng tôi làm công việc này, cũng chỉ mong góp tiếng nói để những bậc làm cha, làm mẹ dù rơi phải hoàn cảnh nào thì cũng xin đừng hủy hoại con mình. Cha mẹ có trót lỡ làng thì hãy cố gắng một chút, cái tiếng còn hơn cái tội…”.

Đó không chỉ là mong mỏi của cô, mà còn là điều mà cả dân làng Đồi Cốc và nhiều người khác luôn trăn trở.

nguồn tintuconline

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Buồn thảm lễ an táng gần 100 hài nhi

Cứ đều đặn mỗi tuần một lần, vào lúc 9h sáng, tại một ngôi đền nằm nép mình giữa những khu nhà cao tầng của Hà Nội lại diễn ra lễ an táng cho các thai nhi được nhặt từ nhiều nơi trong thành phố về.Những số phận bị ruồng rẫy

Gần 5 năm trôi qua nhưng bà Trần Thị Hường, trưởng một nhóm bảo vệ sự sống tại Hà Nội vẫn không quên được lần đầu tiên nhận thai nhi về mai táng.

Posted Image

Các cơ sở nạo phá thai nằm san sát trên một đoạn đường Giải Phóng, đối diện cổng Bệnh viện Bạch Mai.

Hôm đó gần nửa đêm, có điện thoại từ một phòng khám gọi tới thông báo có một thai nhi vừa mới nạo xong. Hai vợ chồng họ không nỡ bỏ mặc mà muốn được mai táng cho đứa con mà họ vừa rứt ruột bỏ đi, nhưng với họ thì không thể. Họ đã nhờ phòng khám giới thiệu giúp người có thể làm việc đó thay họ để đứa con đỡ tủi phận.

Bà Hường tức tốc nhờ người giúp việc đèo tới đó. Phòng khám đã đóng cửa, đường vắng và tối, không một bóng người. Hai bà cháu nhìn quanh rồi quyết định lục tìm trong tất cả những túi ni lon đựng rác vứt trên đoạn phố đó. Gần 20 phút trôi qua mà không có kết quả, thì bỗng có hai người dắt xe đạp tiến lại, trên tay cầm một cái bọc. Đó chính là cặp vợ chồng vừa bỏ đi giọt máu của mình. Họ đã nép vào một chỗ kín đáo để đợi bà. Hôm đó, đưa được thai nhi về cũng là lúc đồng hồ điểm 12h đêm.

Ngay trong đêm đó, hài nhi bé bỏng được tắm rửa, được đặt tên Thánh và rửa tội trước khi khâm liệm và đưa vào giữ lạnh chờ ngày mai táng.

Posted Image

Tắm cho một thai nhi bị phá bỏ. Ảnh: BVSS

Gần 5 năm trôi qua, hàng ngàn thai nhi bị chối bỏ đã được nhóm Bảo vệ sự sống này đưa về nơi an nghỉ. Bà Hường cho biết, hiện nay nhóm Bảo vệ sự sống tại Hà Nội có hơn 100 thành viên, trong đó có hơn chục thành viên gần như thường trực. Bất kể đêm hôm, mưa gió, hễ được tin báo có thai nhi bị phá bỏ cần mai táng là họ lên đường đi nhận ngay. Hiện nay nhóm phân công nhau đi lấy thai nhi ở các bệnh viện, phòng khám đều đặn 3 lần/ngày.

Có những em bị đưa ra khỏi cung lòng người mẹ khi chưa có nổi hình hài, mà chỉ là một nắm lầy nhầy, đỏ hỏn. Đến các tình nguyện viên lâu năm nhất cũng không thể phân biệt nổi em nào với em nào. Các em đến từ nhiều cung lòng ấm áp khác nhau nhưng cuối cùng lại chung một tấm vải liệm. Và, cũng rất nhiều em chỉ chút ít nữa thôi là được chào đời.

Posted Image

Cỗ quan tài chung và gần 100 số phận bị ruồng rẫy. Ảnh: BVSS

Nhìn những tấm ảnh tư liệu nhóm lưu lại tôi không khỏi rùng mình. Những hình hài bé trai, bé gái sáu, bảy, tám tháng, thậm chí gần đến ngày chào đời, bị cắt ra làm nhiều mảnh, đớn đau nằm trên tấm vải liệm trắng toát. Viết những dòng này bên tai tôi còn văng vẳng tiếng một thành viên trong nhóm nói với bà Hường: "Bà ơi, bà nhắc bác sĩ đừng cắt nát đầu các em ra".

Cũng có những em may mắn hơn là bị đưa ra khỏi lòng mẹ còn nguyên hình hài. Có em vẫn còn sống và với những trường hợp như thế ngay lập tức sẽ được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Posted Image

Một lễ tiễn đưa các em về nơi an nghỉ. Tuần này là 91 hài nhi. Ảnh: H.Vinh

Lễ tiễn đưa 91 hài nhi

Có mặt tại Đền Đức Mẹ Hằng cứu giúp (Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) một sáng thứ 7, với tôi ngôi nhà thờ này hôm nay dường như lạnh lẽo hơn. Bên trong đang diễn ra Thánh lễ tiễn đưa 91 hài nhi. Tất cả các em được đặt chung trong một chiếc hộp xinh xắn, phủ khăn trắng toát trên một chiếc bàn cũng phủ khăn trắng và điểm những chiếc nơ màu tím. Những người có mặt dường như cũng lặng lẽ hơn, thỉnh thoảng mọi người lại đưa mắt về chiếc hộp đặt giữa nhà thờ.

Posted Image

Đưa các em về nơi an nghỉ. Ảnh: H.Vinh

91 thai nhi trong một tuần của một số rất ít ỏi phòng khám chịu hợp tác để nhóm đem về an táng. Còn bao nhiêu em nữa sẽ đi đâu về đâu. Bà Hường cho biết, vài năm gần đây, không có tuần nào nhóm an táng dưới bảy chục thai nhi, có nhiều tuần lên tới hơn 100 em.

Sau lễ tiễn đưa, các em sẽ được đưa về nghĩa trang hài nhi Từ Châu (xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội) để mai táng. Đó là một nghĩa trang nhỏ nằm giữa cánh đồng bao la. Người ta có thể dễ dàng nhận ra nghĩa trang bởi những tấm nắp bê tông xám xịt và nổi bật lên là cây Thánh giá trầm mặc. Ngôi mồ chung của các em là một hố lớn, hố này được phân ra mười hai ô nhỏ, sâu chừng 2m. Cứ chôn lớp nọ xếp lên lớp kia cho đến khi đầy ô. Hết ô này sẽ chuyển qua ô khác.

Posted Image

Nghĩa trang hài nhi Từ Châu nằm giữa cánh đồng bát ngát. Ảnh: BVSS

Vì nằm giữa cánh đồng trũng, mỗi năm 12 tháng thì có tới 5 tháng nơi đây bị ngập nước. Đưa các em về tới nơi, việc đầu tiên của các thành viên là mở tấm nắp bê tông và tát nước trong mộ ra để đặt cỗ quan tài chung của các em vào. Thứ nước nhờ nhờ đen, nhìn kỹ như có loang loáng mỡ và bốc mùi hôi thối kinh hoàng. Vậy mà có khi vừa tát xong chưa kịp trát lại đã bị dềnh nước từ các ô khác sang, lại phải dừng lại để tát.

Posted Image

Một năm 12 tháng thì có 5 tháng phần mộ của các bé bị ngập nước như thế này. Ảnh: BVSS

Chưa đầy 5 năm, hơn 8.000 sinh linh đã yên nghỉ nơi đây và sẽ còn nhiều nữa khi các ông bố bà mẹ cứ vô tư giết đi những đứa con của mình bất chấp đạo lý, bất chấp an toàn sức khỏe.

Việt Nam là một trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, đáng báo động có tới 20% người nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên. Theo số liệu của một phòng khám tại Hà Nội, có người mới 23 tuổi phá thai tới 4 lần trong năm. Độ tuổi phá thai nhiều nhất là dưới 25, trung bình mỗi người phá từ 2-3 lần trước khi kết hôn (cá biệt là 4-5 lần).

Nguồn Tin Tức Online

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thật tội nghiệp cho những kiếp chưa được làm người trọn vẹn,cầu cho tất cả các cháu được siêu thoát.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Nam Mô A Di Đà Phật !

Cầu cho các cháu được siêu thoát Thanh thản, nhẹ nhàng !

Để chuyển sang 1 kiếp làm người khác, may mắn hơn kiếp làm người này !

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay