Thiên Sứ

Hiểu Biết Về Tâm Năng Dưỡng Sinh Và Đạo Phật.

2 bài viết trong chủ đề này

Hiểu biết về Tâm năng dưỡng sinh và Đạo Phật.

Lê văn Cường

Nghiên cứu về phương pháp giải bệnh không phải dùng thuốc thuộc bộ môn tâm năng dưỡng sinh - phục hồi sức khỏe đòi hỏi phải nghiên cứu sâu không những về khoa học tự nhiên thuộc các lĩnh vực vật lý, y khoa, giải phẫu cơ thể con người... mà còn cần phải hiểu rộng thêm về khoa học xã hội, các lý thuyết triết học âm dương ngũ hành, tâm lý học, tâm linh học và tôn giáo cụ thể như Đạo Phật.

Càng nghiên cứu, tác giả bài viết này lại càng thấy nhận thức của con người nói chung còn hạn hẹp. Có những điều rất đơn giản, có ích lợi thiết thực trong cuộc sống nhưng vì chưa hiểu, chưa nhận thức ra nên đã làm phức tạp hóa thành ra khó hiểu. Thậm chí có thể vì lợi ích của bản thân hay của một nhóm người, người ta lại quy định ra những luật lệ, nguyên lý theo ý nghĩ chủ quan của mình. Ý nghĩ chủ quan đó nhầm tưởng là chân lý, nhưng thực ra không phải. Ví dụ như cộng đồng xã hội chẳng mấy ai hiểu gì về Đạo Phật, không hiểu gì về sự phát hiện vĩ đại của thái tử Tất Đạt Đa khi ngài phát hiện ra các quy luật tiến hóa trong thế giới tự nhiên nên đã quy định, xếp loại sự phát hiện đó là tôn giáo, không mang tính khoa học! Với tầm hiểu biết còn hạn chế, không nhận thức và chứng minh được sự tồn tại của thế giới tự nhiên siêu vi mô, nên đã khởi xướng “sáng tạo” ra đủ mọi học thuyết, đủ mọi chủ nghĩa... nào là chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa duy tâm... Tinh vi hơn, còn phân loại đặt ra cái gọi là chủ nghĩa duy vật biện chứng khoa học để rồi lấy đó làm nền tảng, làm “cơ sở khoa học”, ai không theo quỹ đạo đó thì không phải là khoa học, là thuộc dạng lạc hậu, “mê tín”, tôn giáo. Ngược lại, những người theo đạo có cảm nhận và có “niềm tin tôn giáo” về hiện thực có tồn tại các “thế giới siêu hình” lại không đủ trình độ làm bậc thầy của “đạo” khoa học để chứng minh nhận thức của “đạo” khoa học cần phải xem lại, định nghĩa lại để nhận thức của con người được gần với chân lý hơn, được tiến hóa cao hơn đúng với quy luật của thế giới tự nhiên hơn. Không loại trừ có nhiều nhóm người vì sự tham vọng danh lợi của bản thân, có thể có chút hiểu biết về “tâm linh”, nắm bắt được sự nhận thức còn hạn hẹp, có niềm tin mơ hồ của nhiều người tin vào “tâm linh”, “tôn giáo” để kiếm tiền, xã hội thường gọi là loại đồng cốt, xem bói... Cao cấp hơn có nhóm người lại lợi dụng “tôn giáo” để làm cái gọi là chính trị mong cầu sự sùng bái danh lợi bản thân, mong được làm “lãnh tụ”, “giáo chủ”. Do đó xã hội loài người càng trở nên phức tạp, đồng thau lẫn lộn không biết thế nào là phải, là đúng để có hướng vươn lên. Viết đến đây, tác giả bỗng hiểu thế nào cũng có người cho “ý kiến”: Cái ông này theo chủ nghĩa đảng phái, tôn giáo nào? nói ra những suy tư của mình nhằm mục đích gì? Xin trả lời ngay rằng tác giả không theo bất cứ một thứ chủ nghĩa hay đảng phái, tôn giáo nào. Chỉ là một con người bằng xương bằng thịt như những người bình thường khác, chỉ có mắc một bệnh không giống ai đó là bệnh lãnh cảm với danh lợi của bản thân nên thực sự cuộc sống có hoàn cảnh đúng nghĩa là con người thuộc loại vô sản. Vì có chút hiểu biết cả khoa học lẫn tôn giáo mà cộng đồng xã hội đã quy định phân loại như vậy nên viết ra để mọi người tham khảo, ai thấy có lợi cho bản thân mình thì thử ứng dụng, không thấy có lợi thì thôi chứ không phải vì thuộc loại vô sản nên tự quảng cáo “đánh bóng tên tuổi” để mong kiếm chút tài sản hoặc chút hư danh trên cõi đời này cũng như để quảng bá cho một đạo giáo nào.

Nguyên nhân của sự hiểu biết về các loại “đạo” là do bà Phạm Thị Mai Cương, nguyên thứ trưởng Bộ tài chính, hiện đang là Giám đốc Trung tâm Tâm năng dưỡng sinh - phục hồi sức khỏe khuyến nghị nên tham gia vào Hội đồng khoa học của Trung tâm để nghiên cứu phương pháp giải bệnh không phải dùng tới thuốc có thực là khoa học hay không? Vì đây là một bộ môn mới phát triển, nhận thức của con người còn chưa rõ, có thể dễ có sự lập lờ danh giới giữa khoa học và niềm tin tôn giáo. Thấy đây là việc có ích cần phải tham gia nghiên cứu để hiểu thực chất của phương pháp chữa bệnh không mất tiền nên đã nhận lời. Quả thật, càng nghiên cứu về bộ môn TNDS này lại càng thấy đó là bộ môn thật sự khoa học rất có ích lợi cho con người cũng như cộng đồng xã hội. Không những thế lại càng nhận thấy quan niệm nhận thức về Đạo Phật là tôn giáo tín ngưỡng từ xưa đến nay của cộng đồng xã hội cần phải định hướng lại cho đúng. Sự phát hiện và tư tưởng của thái tử Tất Đạt Đa, (xưa nay mọi người thường tôn kính gọi là Đức Phật Thích Ca), là biện chứng khoa học rất cần thiết và rất có lợi cho con người cũng như cộng đồng xã hội chứ không phải là thứ tôn giáo, tín ngưỡng ai “có duyên thì nghe, không có duyên thì không nghe”. “Có duyên thì nghe...” nhưng nghe mà không hiểu sẽ lại trở thành “mê tín” có hại cho xã hội.

Xuất phát từ phương pháp luyện tập TNDS, người luyện tập thu được kết quả có sức khỏe, giải được các bệnh tật mà không phải tốn tiền mua thuốc có những nét giống như sự “Thiền” của Đạo Phật. Có người đã đặt vấn đề vậy chăng phương pháp luyện tập TNDS mang hình thức tôn giáo? Có thể nói chính xác và đúng đắn rằng ông Nguyễn Văn Chiều người đã khởi xướng ra môn luyện tập TNDS này do bị tai nạn điện giật “chết lâm sàng”, (nguồn điện cao thế 600KV) đã tình cờ khai thác được tiềm năng của bản thân và tiếp cận hiểu được quy luật của tự nhiên, giải bệnh không cần dùng thuốc mà thái tử Tất Đạt Đa đã phát hiện ra cách đây hơn 2500 năm. Và sự phát hiện ra quy luật ứng dụng khai thác tiềm năng đang có sẵn trong con người của thái tử Tất Đạt Đa, (từ nay nói ngắn gọn là Đức Phật), bằng việc “Thiền định” là sự phát hiện khoa học chứ không phải là “mê tín”, tôn giáo. Đức Phật đã ứng dụng việc khai thác tiềm năng bằng sự “Thiền định” trong vòng 49 ngày dưới gốc cây bồ đề nơi rừng sâu yên tĩnh, nên trí tuệ của một con người bình thường như những người khác, trí tuệ ngài đã trở nên uyên bác, siêu phàm. Ngài đã khám phá ra nhiều quy luật của thế giới tự nhiên mà sau này các nhà khoa học lỗi lạc được cả thế giới ca tụng mới nhận thức khám phá ra.

Phát hiện khoa học đầu tiên của Đức Phật cần nói đó là tính tương đối của không gian và thời gian trong vũ trụ. Năm 1905, ngài Einstein, nhà bác học được cả thế giới, nhất là giới khoa học vật lý tôn vinh là nhà khoa học vĩ đại của mọi thời đại vì đã phát hiện và chứng minh được không gian, thời gian mang tính tương đối chứ không phải là tuyệt đối không thay đổi như nhận thức của nhà bác học Newton trước đó. Thế nhưng có lẽ bị sự nhận thức Đạo Phật là tôn giáo nên mọi người trong cộng đồng xã hội không để ý tới nên không biết rằng điều đó Đức phật đã phát hiện ra trước tới hơn 2400 năm. Điều này được thể hiện ở kinh sách “Diệu pháp liên hoa”, ngài đã mô tả thời gian tại các cảnh giới (nói theo ngôn ngữ khoa học đó là các hệ quy chiếu khác nhau) trong vũ trụ là khác nhau. Ví dụ 1 ngày trên cõi cung trời đạo lợi tương đương với 1 thế kỷ đã trôi tại trần gian, tại trái đất nơi cộng đồng xã hội con người đang sinh sống. Không tin cứ ra các hiệu sách Phật giáo mua quyển “Diệu pháp liên hoa” đó về mà xem. Nếu là những người có lương tri khoa học và muốn có sự công bằng xã hội thì tại sao cộng đồng xã hội tôn vinh Einstein là nhà khoa học có trí tuệ lỗi lạc lại không tôn vinh Đức phật cũng là nhà khoa học có trí tuệ lỗi lạc?

Vấn đề thứ hai cần phải kể đến tính khoa học về nhận thức vũ trụ của Đức Phật. Theo Đức Phật thì vũ trụ là “vô thỉ vô chung”, nghĩa là không biết được điểm đầu xuất phát từ đâu cũng như điểm kết thúc của vũ trụ vào thời gian nào. Nói chính xác khoa học là vũ trụ rộng mênh mông, không có giới hạn và nhất là không thể tính tuổi của vũ trụ. Thế nhưng nền khoa học vật lý vũ trụ hiện đại ngày nay trên thế giới lại “phát hiện” ra học thuyết vũ trụ được hình thành từ vụ nổ BigBang, và khoa học đã công bố tuổi của vũ trụ vào cỡ 13,7 tỷ năm, (từ khi vũ trụ co về một điểm kỳ dị không có kích thước và bùng nổ lan rộng ra, nhiệt độ nguội dần đã tạo ra mọi ngân hà, thiên hà, thế giới vật chất trong vũ trụ như trái đất hiện nay). Không nói ra thì khoa học thế giới bị nhầm đường lạc lối không thể phát triển, nói ra thì lại có thể bị gán cho là “kẻ ngạo mạn”,”phản khoa học” dám kinh thường tầm nhận thức tưởng là vô địch chỉ có đúng của khoa học hiện đại trên thế giới. Năm 2003, khi nhận được thông tin công bố khoa học của các nhà khoa học vật lý thiên văn có tiếng trên thế giới đã phát hiện ra 1 dải ngân hà mới hình thành cách xa trái đất 13,2 tỷ năm ánh sáng, (năm ánh sáng là thước đo khoảng cách trong vật lý thiên văn, nghĩa là khoảng cách mà ánh sáng là giới hạn của mọi vận tốc, là hằng số c≈300.000km/s không đổi di chuyển trong thời gian 1 năm). Tác giả đã thấy khoa học hiện đại của thế giới có cái gì đó trục trặc, mâu thuẫn. Nếu khoa học thế giới vẫn cứ khăng khăng cho là các phát hiện về vụ nổ Bigbang, về sự đã “khám phá” ra có dải ngân hà cách xa trái đất 13,2 tỷ năm ánh sáng là đúng, và vận tốc ánh sáng là hằng số tuyệt đối không đổi, là giới hạn lớn nhất của mọi vận tốc như ông Einstein đã phát biểu trong Thuyết tương đối, thì tác giả có thể xác định vị trí trái đất hiện nay chúng ta đang sống đang ở bên “rìa” vũ trụ. Lý do rất đơn giản, vì nếu có vụ nổ BigBang, trước đây toàn bộ vũ trụ co về một điểm sau đó mới nổ tung và dãn ra, tuổi của vũ trụ vào khoảng 13,7 tỷ năm và vận tốc ánh sáng là hằng số không đổi, theo logic khoa học thì như thế vũ trụ là hữu hạn và có bán kính tối đa khoảng 13,7 tỷ năm ánh sáng. Cái vụ phát hiện ra dải ngân hà cách xa trái đất 13,2 tỷ năm ánh sáng, tức có khoảng cách xấp xỉ bán kính vũ trụ và dải ngân hà phải có trước trái đất (do tia ánh sáng của nó phải mất 13,2 tỷ năm di chuyển nay mới tới được để các nhà khoa học mới biết), nói lên dải ngân hà ở gần tâm vũ trụ còn trái đất hiện đang ở “rìa” vũ trụ. Tác giả bài viết nhận xét như thế liệu có phải là có tư duy logic khoa học hay là “phản” khoa học? Rõ ràng là khoa học nhận thức về vũ trụ hiện nay có vấn đề và không phải bất cứ cái gì khoa học hiện đại nói ra đều là đúng, còn nhận thức dựa trên nhận thức của Đức Phật thì gán vào hàng tôn giáo, thì coi là không có “cơ sở khoa học”. Đó là chưa kể tới việc ứng dụng phát hiện ra tính tương đối của thời gian và không gian trong thuyết tương đối của Einstein mà khoa học thế giới công nhận là sự phát hiện khoa học vĩ đại để minh chứng cho nhận thức tuổi của vũ trụ khoảng 13,7 tỷ năm là sự ngộ nhận lấy được, là sự mâu thuẫn phản khoa học do tầm nhận thức khoa học còn bị hạn chế. Theo Einstein, thời gian tại hệ quy chiếu đứng yên khác với thời gian tại hệ quy chiếu chuyển động nhanh, thời gian trôi 1 năm tại hệ quy chiếu chuyển động nhanh có thể tương đương thời gian trôi 100 năm tại hệ quy chiếu đứng yên. Cũng theo tiên đề thứ nhất trong thuyết tương đối mọi quy luật vật lý diễn ra tại các hệ quy chiếu dù là đứng yên hay chuyển động thẳng đều là như nhau. Nghĩa là giả sử trái đất chúng ta là hệ quy chiếu đứng yên, khoa học của chúng ta chứng minh tuổi của vũ trụ khoảng 13,7 tỷ năm. Nhưng tại hệ quy chiếu chuyển động thẳng đều với tốc độ cực nhanh xấp xỉ tốc độ ánh sáng đã gây hiệu ứng biến đổi thời gian lớn, 1 triệu năm trôi tại trái đất tương đương 1 năm trôi tại hệ quy chiếu chuyển động đó. Các nhà khoa học trong cộng đồng xã hội tại hệ quy chiếu chuyển động đó, họ cũng tính tuổi của vũ trụ cũng khoảng 13,7 tỷ năm tính theo thời gian trôi của họ, tức tương đương 13,7 triệu tỷ năm đã trôi trên trái. (Do các quy luật vật lý diễn ra tại các hệ quy chiếu quán tính dù là đứng yên hay chuyển động thẳng đều là như nhau nên các phép tính toán cũng như nhau. Ông Galile, ông Newton và cả ông Einstein đều có chung một nhận xét này). Vậy theo các bạn thời gian hình thành vũ trụ là 13,7 tỷ năm đúng hay 13,7 triệu tỷ năm đúng? Chỉ có thể phát biểu phép tính toán của cả hai hệ quy chiếu đó đều đúng chứ không thể nói “chân lý” của hệ quy chiếu này là đúng còn “chân lý” của hệ quy chiếu kia là sai. Nghĩa là tuổi vũ trụ là 13,7 tỷ năm cũng đúng và tuổi vũ trụ là 13,7 triệu tỷ năm cũng đúng. Xin lỗi, nếu cho rằng tuổi của vũ trụ là 13,7 tỷ năm mới đúng còn cái tuổi 13,7 triệu tỷ năm là sai thì phải xóa ngay cái Thuyết tương đối của Einstein đi! Đáng tiếc là Thuyết tương đối của Einstein lại là khoa học đúng ở phương diện không gian và thời gian chỉ là tương đối trùng hợp với sự phát hiện của Đức Phật từ hơn 2500 trước đã được chính khoa học chứng minh là đúng. Nếu không có tầm nhìn sâu rộng, thấy được chân lý cũng chỉ là tương đối, mọi nhận thức “thượng đế sinh ra vũ trụ” hay vũ trụ được hình thành từ vụ nổ BigBang sẽ biến thành nhận thức của kẻ “ếch ngồi đáy giếng”. Qua đó mới thấy tầm hiểu biết và nhận thức của Đức Phật về vũ trụ rất khoa học đáng phải học tập. Ngài đã hiểu rõ sẽ có tình huống “ếch ngồi đáy giếng” nếu nói về tuổi của vũ trụ nên đã lịch sự nói vũ trụ là “vô thỉ vô chung”.

Điều phát hiện khoa học thứ ba của Đức Phật, rất hiện thực khách quan, nên hiểu biết nhất là đối với những người muốn luyện tập TNDS để có sức khỏe tốt cả thân lẫn tâm cũng nên nghe để có niềm tin khoa học trong việc tu dưỡng. Trong kinh sách, Đức Phật nói ai cũng là phật, phật chưa thành, nhưng vì còn mắc nghiệp chướng, nghiệp chướng gây nên sự vô minh nên chưa hiểu, chưa nhận thức được ra. Nhưng con người qua tiến hóa, chăm chỉ tu dưỡng thân-tâm rồi cũng sẽ nhận thức, ngộ ra thành phật. Trong kinh sách, Ngài dành hẳn 1 chương nói về ông lão “thường bất khinh” để nói điều đó. Chương sách đó mô tả một ông lão như người “lẩn thẩn” gặp ai dù là người sang trọng quyền quý hay là kẻ ăn mày, ăn xin, “khố rách áo ôm”, ông lão “thường bất khinh” cũng tôn trọng, kính cẩn chào lạy: “Xin kính chào vị phật chưa thành”. Với cái trí bình thường thì cho hiện tượng ông lão “thường bất khinh” đó là điên rồ, lẩn thần, vô lý... Tại sao lại “kính trọng tất cả các loại người” một cách “vớ vẩn” thế? Phải hiểu sâu xa rằng: ý Đức Phật muốn nói trong mỗi một con người, ai cũng như ai đều có trong Tâm một tiềm năng rất lớn, một kho tàng tri thức khổng lồ nhưng chưa ai biết cách để khai thác. Ai khai thác được cái tiềm năng đang sẵn có của mình thì sẽ có trí tuệ, tri thức như Đức Phật. Vì thế ai cũng là Phật nên cần phải tôn trọng. Ngày nay, nền khoa học kỹ thuật thế giới đã phát triển tương đối cao và có bằng chứng để chứng minh sự phát hiện khoa học: Ai cũng là Phật, vì tạo hóa đã sinh ra ai cũng có những tiềm năng vô cùng to lớn trong cơ thể con người, nhưng chẳng ai biết mình có cái tiềm năng, kho tàng tri thức khổng lồ, to lớn đó nên vẫn là “Phật chưa thành” của Đức Phật. Cập nhật thông tin khoa học thế giới, được biết các nhà khoa học nghiên cứu về bộ não con người đã phát hiện ra bộ não con người có khoảng 100 tỷ tế bào nơ-ron thần kinh, nhưng đáng tiếc là thông thường cả một đời người, số lượng tế bào nơ-ron thần kinh chỉ sử dụng liên kết hoạt động chưa đến 1% tổng số lượng tế bào thần kinh của não bộ. Nếu số lượng tế bào nơ-ron liên kết sử dụng lớn hơn 1% , giả dụ ai đó liên kết sử dụng vào khoảng 10% trong tổng số hay nhiều hơn nữa thì người đó sẽ trở thành thiên tài, có thể nói là phi thường, có trí tuệ khoa học phát triển vượt xa các nhà bác học hiện đang là thần tượng của cả thế giới như ông Newton hay Einstein. (Xem tham khảo đoạn trích thông tin theo www.dacbietthuvi.net :

Não Người có số Nơ-ron nhiều hơn tổng số phân tử trong Vũ Trụ

những nghiên cứu về não bộ của con người cho thấy: trong suốt cuộc đời chúng ta chỉ sử dụng chưa tới 1% tổng số liên kết thần kinh. Mỗi tế bào có thể liên kết với hơn 20.000 tế bào khác. Và bạn biết đó, với hơn 100 tỉ tế bào thì số liên kết được tạo ra thật "siêu khổng lồ" thậm chí nhiều hơn tổng số phân tử trong vũ trụ này. Hay nói cách khác, không có việc gì mà con người không thể làm được, với điều kiện là phải được kích thích đúng phương pháp. .”)

Như vậy, chính khoa học hiện đại đang thừa nhận trong con người đang có một tiềm năng vô cùng to lớn nhưng chưa được khai thác, ai cũng có thể trở thành vĩ nhân, bác học, thiên tài, có sức thông tuệ như Phật, nói ngắn gọn là trở thành Phật hiểu biết mọi quy luật của thế giới tự nhiên hữu hình cũng như vô hình nếu khai thác được tiềm năng to lớn mình đang có, tức là số lượng tế bào nơ-ron thần kinh được liên kết sử dụng lớn hơn 1% tổng số đang có trong bộ não. Mặc nhiên câu chuyện ông lão “thường bất khinh” trong kinh Phật đã chứng minh Đức Phật đã phát hiện về điều mà khoa học hiện đại ngày nay mới khám phá về tiềm năng còn lãng phí trong bộ não con người.

Những điều phát hiện khoa học của Đức Phật nêu trên, khiến chúng ta phải suy nghĩ học tập và nhận thức Đức Phật là nhà bác học vĩ đại, đừng nên xếp ngài vào hàng “tôn giáo”. Những gì ngài nói và thể hiện bằng việc làm cụ thể chẳng hạn như việc “thiền định” đều có ý nghĩa và là khoa học phản ánh quy luật đúng đắn của thế giới tự nhiên. Chúng ta những con người cụ thể sẽ mãi mãi là “phật chưa thành” nếu như không hiểu và không biết cách ứng dụng những phát hiện khoa học về phương pháp khai thác tiềm năng con người của Đức Phật. Trong đó sự “Thiền định” chính là phương pháp khai thác tiềm năng con người mà Đức Phật đã phát hiện ra. Lý giải chứng minh việc thiền định là phương pháp khai thác tiềm năng con người, ứng dụng làm tăng số lượng tế bào nơ-ron thần kinh liên kết sử dụng lớn hơn 1% tổng số tế bào trong não, không cần phải dài dòng, bất cứ ai là phật tử hoặc nghiên cứu về đạo phật cũng đều biết lịch sử quá trình đi đến giác ngộ thành Đạo của Đức Phật. Trước khi giác ngộ thành Đạo, Đức Phật đã theo học đủ các môn phái, các loại đạo đang hiện hành tại thời của ngài, kể cả cái đạo khổ hạnh, hành hạ cái thân xác bản thân nhưng cũng chẳng thu được kết quả gì. Cuối cùng, ngài phải đi một mình vào rừng sâu, tìm nơi yên tĩnh chẳng ai quấy rối để dễ bề “thiền định”, tức ngồi “luyện thân bất động, tĩnh tâm vô thức”. Trong vòng 49 ngày cực kỳ gian khổ cuối cùng tiềm năng trong cơ thể con người của ngài được khai mở, ngài đã chứng ngộ thấy được toàn bộ các cảnh giới và các quy luật của thế giới tự nhiên.

Từ chỗ theo học đủ các môn phái, các loại Đạo đều không có kết quả, cuối cùng ứng dụng ngồi “luyện thân bất động, tĩnh tâm vô thức”, trong đạo Phật gọi là ngồi “thiền” lại có kết quả trí tuệ được mở mang, khai sáng thấy và hiểu được các quy luật của thế giới tự nhiên, của trời đất, vũ trụ thì rõ ràng phương pháp “thiền”, ngồi “luyện thân bất động, tĩnh tâm vô thức” là phương pháp khai thác tiềm năng đang tiềm ẩn trong con người. Phương pháp “thiền” trong Đạo Phật và phương pháp ngồi “luyện thân bất động, tĩnh tâm vô thức” trong Tâm năng dưỡng sinh giống nhau về bản chất đó là phương pháp ứng dụng khai thác tiềm năng trong cơ thể con người.

Nhưng phương pháp “thiền” trong Đạo Phật khác với phương pháp luyện tập “luyện thân bất động, tĩnh tâm vô thức” trong bộ môn TNDS ở chỗ:

Thứ nhất, sự “thiền” trong Đạo Phật có nhiều loại theo các môn phái khác nhau. Ví dụ sự thiền định theo môn phái Bắc tông khác với sự thiền định theo môn phái Nam tông hoặc môn phái mật tông hay phổ độ chúng sinh. Khi các môn đồ thực hành “thiền” phải quán tưởng niệm các câu kinh, câu mật chú theo các thày đã thành đạo thuộc các môn phái đó hướng dẫn để lại nên có lẽ không còn nguyên bản chính gốc của Đức Phật Thích Ca, người đã phát hiện ra sự “thiền”. Ứng dụng “thiền” theo môn phái nào mới đúng? Khó quá, vì đó là cái đúng tương đối, môn phái nào cũng nhận thức môn phái của mình mới là đúng theo tinh thần của Đạo Phật và các trưởng môn cũng ứng dụng có hiệu quả nhất định trên thực tế. Có điều dễ thấy là môn phái nào sự ứng dụng có thể hợp với người này nhưng không hợp với người kia. Điều đó nói lên sự khác nhau về nội dung một đằng “thiền” quán tưởng niệm chú để kêu gọi mong cầu sự gia trì của các “đức phật đã thành” khai thông trí tuệ, một đằng “tĩnh tâm vô thức” quán tưởng đơn giản chỉ để thu năng lượng trực tiếp vào cơ thể mình mà không phải qua khâu trung gian gia trì hộ niệm của các “đức phật đã thành”.

Thứ hai, mục đích của sự “thiền” trong Đạo Phật rất rộng, đỉnh cao nhất là tiến tới sự giác ngộ có trí tuệ phật để không bị nghiệp lực níu kéo không cho giải thoát khỏi quy luật luân hồi. Trong khi đó mục đích của phương pháp luyện tập TNDS chỉ giản đơn thiết thực giới hạn ở mức cân bằng năng lượng trong cơ thể của bản thân để giải bệnh phục hồi sức khỏe trong cuộc sống hiện tại.

Thứ ba, Vì mục đích của sự “thiền” trong đạo phật là tiến tới đỉnh cao để thấy được bản thể vũ trụ, “thấy được chính mình” và trở thành Phật đã thành, nên rất khó có thể có thành tựu đạt hiệu quả ngay trong một kiếp người hiện tại. Đức Phật cũng đã từng nói để đạt được thành tựu trở thành Phật có thể phải tu dưỡng trong nhiều kiếp. Nghĩa là để khai thác được toàn bộ tiềm năng to lớn trong con người, đòi hỏi phải rất kiên trì, công phu tu dưỡng, không dễ gì đạt được hiệu quả ngay trong một thời gian ngắn, một kiếp người. Cũng là khác thác tiềm năng trong cơ thể con người, nhưng luyện tập TNDS chỉ tập trung khai thác trong phạm vi nhỏ, mục đích không cao siêu mà chỉ phục vụ cho việc có sức khỏe, giải được các bệnh trên cơ thể nên dễ đạt được hiệu quả trong thời gian ngắn và có ý nghĩa thiết thực ngay trong cuộc sống của kiếp người hiện tại.

Thực tế cũng đã chỉ cho chúng ta thấy, sự khai thác được tiềm năng trong con người để có công năng trông thấy các cảnh giới khác, trông thấy “ma”, (người đã khuất) như những người gọi là nhà “ngoại cảm” là việc khá khó khăn. Chẳng thế mà hầu như các nhà “ngoại cảm” trước khi có công năng khác thường, tức khai thác được tiềm năng của bản thân, (tăng được mối liên kết của nhiều tế bào nơ-ron thần kinh còn chưa được sử dụng trong não bộ) cũng phải xẩy ra những biến cố, những cú sốc mạnh hệ thần kinh trong não như bị “điên khùng”, hoặc “chết lâm sàng”. Không trải qua các cú sốc, chỉ dựa vào sự “thiền” để khai thác tiềm năng trong con người để trông thấy các các trường năng lượng siêu hình trong không gian như các nhà “ngoại cảm” lại càng khó. Để khai thác tiềm năng tới mức đó đòi hỏi, người tu “thiền” phải dành nhiều thời gian để chỉ có chuyên tu “thiền”, tức là phải thoát tục, không sống cuộc sống của người bình thường, ngả hẳn theo đúng nghĩa là “thầy tăng” đi tu trong chùa theo đạo Phật, không theo đạo làm Người.

Cần hiểu một thực tế logic khoa học rằng: Tạo hóa đã sinh làm con người, không ai tránh khỏi phải ăn uống để có sức khỏe duy trì sự tồn tại, phải mặc quần áo để bảo vệ thân thể, phải có quan hệ gia đình, xã hội...vì ai cũng có cha mẹ, hoặc vợ hay chồng, con cái, bè bạn... Đó là cái “duyên” cái đạo làm người nên khó có nhiều thời gian và điều kiện để thoát tục dứt bỏ mọi “duyên nợ” vào chùa thực hành chuyên tu “thiền” thành phật. Cách tốt nhất là hiểu đúng và tin vào sự phát hiện khoa học: Sự “thiền” hay “tĩnh tâm vô thức” là phương pháp khai thác tiềm năng đang ẩn chứa trong cơ thể con người của Đức Phật. Không có điều kiện tu dưỡng khai thác tiềm năng của bản thân để trở thành phật, có trí tuệ phật ngay trong kiếp này, thì rất nên khai thác tiềm năng dần dần trong phạm vi điều kiện có thể, như luyện tập TNDS để có sức khỏe tốt cả thân lẫn tâm phục vụ cái đạo đang làm Người hiện tại. Đã có sức khỏe tốt cả thân lẫn tâm thì cuộc sống sẽ hạnh phúc, tâm hồn luôn luôn thanh thản, an vui. Người luyện tập TNDS theo đạo làm Người tưởng như không phải là phật tử theo Đạo Phật, nhưng suy cho cùng lại chính là “phật tử” hiểu và ứng dụng sự phát kiến và lời dạy của Đức Phật có hiệu quả và khoa học nhất.

Tại sao thực hành “thiền”, hay “tĩnh tâm vô thức”, sức khỏe của con người mau chóng phục hồi và có thể giải được bệnh tật? Quan sát cuộc sống xung quanh, chúng ta thấy có những quy luật rất giản đơn nhưng chẳng ai để ý đến để tìm hiểu xem tại sao nó thế. Ví dụ như tại sao trong vòng một ngày đêm, chu trình sống của con người phải chia làm hai giai đoạn thức và ngủ? Nếu cuộc sống của con người chỉ có thức, không có ngủ hoặc ngược lại, liệu có được không? Hiển nhiên khoa học y sinh học trả lời rằng: không thể được! Nếu chỉ có thức không có ngủ mỗi ngày vài tiếng đồng hồ thì sau một thời gian nhất định con người sẽ bị suy nhược hệ thần kinh dẫn đến ốm đau, bệnh tật, cơ thể héo mòn. Vậy sự ngủ có tác dụng gì? Ngủ thì bộ não con người tạm dừng mọi suy nghĩ, ý thức nhận biết để “bộ máy” cơ thể tự hồi phục, cân bằng lại những năng lượng đã bị tiêu hao trong lúc ý thức hoạt động. Để ý thêm sẽ thấy những người bị mệt mỏi, hay ốm đau bệnh tật thường hay ngủ li bì, nếu bệnh nặng thì hay mê man bất tỉnh, thời gian ngủ sẽ kéo dài nhiều hơn thức. Có thể kết luận là sự ngủ, tức ý thức không khởi lên bất cứ một ý nghĩ nào trong não bộ thì bộ phận tự điều chỉnh cơ thể cân bằng lại những năng lượng đã bị tiêu hao mới hoạt động. Đó là quy luật khách quan phản ánh thực tế sự sống của con người. Một nhận xét khách quan nữa là tục ngữ có câu: “...giận đến bầm gan, tím ruột”, nghĩa là sự “sân hận” quá mức, tức sự hoạt động của tư duy, ý thức quá mạnh (cái tâm không yên ổn, bị loạn động) sẽ ảnh hưởng tới nội tạng. Thực tế cũng thấy ai có tâm trạng hồi hộp, bồn chồn lo lắng thì nhịp tim sẽ tăng nhanh. Không chỉ sân hận hay hồi hộp mà mừng vui quá mức cũng gây sốc, ảnh hưởng tới các bộ phận của cơ thể. Có trường hợp, có người nhận được tin vui, tâm trạng mừng vui quá mức đến nỗi đứt cả dây thần kinh liên quan tới mắt thành ra mù lòa. Chẳng thế mà trong đạo phật, Đức Phật đã khuyên nên tránh mọi sự “tham, sân, si, hỷ, ái...” thái quá. Điều đó phản ánh cái tâm hồn con người phải thư thái, thanh thản thì bộ máy cơ thể con người mới bình yên không bị ảnh hưởng gây ra sự trục trặc. Sự “thiền” hay “tĩnh tâm vô thức” là sự dừng mọi ý nghĩ trong đầu, giống như trạng thái con người lúc ngủ cũng dừng mọi ý nghĩ để tâm hồn được tĩnh lặng, vì thế hệ thống tự điều chỉnh cơ thể trong con người mới được khởi động hoạt động. Sự “thiền” hay “tĩnh tâm vô thức” khác với trạng thái ngủ ở chỗ khi ngủ thì hệ thống tự điều chỉnh cơ thể ở thể bị động và hoạt động mạnh yếu tùy theo cơ địa của mỗi con người, còn sự “thiền”, hay “tĩnh tâm vô thức” ở thể chủ động kích hoạt hệ thống tự điều chỉnh cơ thể hoạt động không phải đợi đến lúc ở trạng thái ngủ mới có thể hoạt động.

Ai đã từng trải qua thời học sinh, sinh viên có thể sẽ biết tại những kỳ thi chuyển cấp, quan trọng dễ gây ra tâm lý căng thẳng, hồi hộp lo lắng đối với học sinh. Nếu học sinh nào lúc bước vào phòng thi trong tâm trạng lo lắng, hồi hộp (tâm lý mất bình tĩnh) thì sẽ rối trí chẳng thể nhớ được kiến thức đã học để làm bài thi. Nhưng khi thi xong, tâm lý bình tĩnh trở lại, lại nhớ rất rõ những kiến thức đã học mà khi tại phòng thi mất bình tĩnh không thể nhớ được. Do vậy sự làm chủ tinh thần của bản thân muốn bình tĩnh là bình tĩnh được ngay rất cần thiết trong cuộc sống. Việc luyện tập TNDS, trong đó sự “luyện thân bất động, tĩnh tâm vô thức” chính là phương pháp luyện tập làm chủ được tinh thần của bản thân để lúc nào cũng tỉnh táo, thanh thản, bình tĩnh giữ thăng bằng cho tâm hồn không bị những nghịch cảnh bên ngoài tác động khiến cho sóng não tăng mạnh, đột biến bất ngờ ảnh hưởng tới hệ thần kinh liên quan tới các bộ phận trong cơ thể cũng như không có được trạng thái tinh thần sáng suốt để giải quyết các công việc. Luyện tập để làm chủ tinh thần của bản thân là một việc tưởng như dễ, nhưng thực tế lại rất khó. Cứ thử ngồi “luyện thân bất động, tĩnh tâm vô thức” sẽ thấy chỉ sau một thời gian rất ngắn, chừng 5 đến 7 phút sẽ có bao nhiêu ý nghĩ ập đến mà ý nghĩ nào cũng “quan trọng” cần phải nghĩ khiến người luyện tập thấy sốt ruột. Không có nghị lực, tính kiên trì và sự hiểu rõ tác dụng rất tốt của việc luyện “tĩnh tâm vô thức” người luyện tập sẽ thấy nghi ngờ và bỏ cuộc. Do khó như vậy, mới phải rèn luyện, luyện “thiền” thường xuyên, kiên trì mỗi ngày. Hôm nay chỉ “tĩnh tâm vô thức” được có 5 phút, ngày mai cố gắng nâng lên 7 phút...cứ như vậy sau một thời gian mới có hiệu quả đúng nghĩa của sự “tĩnh tâm vô thức” liên tục trong vòng 60 phút của buổi tập. Lúc đó mới thực sự làm chủ được tinh thần của bản thân mình.

Đức Phật thực tế đã trải nghiệm việc “thiền” hay “tĩnh tâm vô thức” nên hiểu rất rõ sự khó khăn đó. Ngài coi đó là cái nghiệp của từng con người, có người luyện tập dễ “thiền định” đúng nghĩa với trạng thái “trong lìa niệm, ngoài lìa cảnh” nhưng có người mặc dù ngồi “thiền” cả buổi, nhưng thực chất việc “tĩnh tâm vô thức”, “trong lìa niệm, ngoài lìa cảnh” đúng nghĩa chưa chắc đã được 10 phút liên tục. Ngài hiểu cái tính tham lam, ích kỷ hay sự sân, si, ái thường dễ tạo ra các luồng ý nghĩ trong đầu con người, hình tượng hóa đó là những “con ma”, “cái quỷ” nó đến quấy rối, phá không cho người “thiền” được khai thác tiềm năng, đi đúng đường chính đạo để được gặp “phật” tại tâm của chính mình. Thế nào là chính đạo? Chính đạo đó là con đường, là quy luật đúng đắn của tự nhiên dẫn con người gặp được “phật” tại tâm của chính mình. Gặp được phật tại tâm của chính mình, nghĩa là đã khai thác được tiềm năng, kho tàng trí tuệ to lớn đang ẩn chứa có sẵn trong tâm con người thì đương nhiên trí tuệ của con người sẽ là trí tuệ “phật”. Nói cách khác con người đã trở thành phật. Đó là lý do vì sao Đức phật khuyên con người theo đạo phật phải sống lương thiện, không làm điều độc ác hại người và tránh mọi sự “tham, sân, si...” Lý do đó rất logic khoa học, nếu trong bộ não của con người còn có ý nghĩ tham lam, ích kỷ hay si ái quá thì không thể luyện “thiền” để bộ não được tĩnh lặng không khởi lên bất cứ một ý nghĩ nào, không thể “trong lìa niệm, ngoài lìa cảnh” được. Muốn có sự “thiền”, tâm hồn yên tĩnh đúng với trạng thái “trong lìa niệm, ngoài lìa cảnh” để khai thác tiềm năng, kho tàng tri thức khổng lồ đang có sẵn trong tâm của mình thì điều kiện đầu tiên bắt buộc phải có là phải sống lương thiện, không được có trong đầu những ý nghĩ tham lam ích kỷ, mưu mô hại người... Tiếp thu được điều đó từ Phật trong tâm, nên ông Chiều nhà “ngoại cảm” do đã bị chết lâm sàng, người sáng lập ra phương pháp luyện tập TNDS cũng đã khuyến cáo người luyện tập TNDS phải sống thiện, thực hiện 6 điều nên làm và 6 điều không được làm để việc luyện tập TNDS cho con người có được sức khỏe, giải trừ tối đa bệnh tật trong người mới có hiệu quả.

Tóm lại, luyện tập TNDS cũng như sự “thiền” trong Đạo phật là phương pháp khai thác tiềm năng trong cơ thể con người đúng quy luật khách quan của thế giới tự nhiên. Không có một vĩ nhân nào có thể ép buộc, uốn nắn được quy luật đó cũng như có thể “thiền” hay “tĩnh tâm vô thức” hộ cho mỗi cá nhân con người được. Tự mỗi một cá nhân con người phải tu dưỡng, phấn đấu nếu muốn khai thác tiềm năng của chính mình để có sức khỏe tốt, cuộc sống hạnh phúc cả thân lẫn tâm hay cao hơn là trở thành “Phật đã thành”. Sự “thiền” trong đạo phật là sự khai thác tiềm năng của con người ở mức cao, mong cầu đến mức “giác ngộ”, hiểu và thấy được các các “cảnh giới”, mọi quy luật của thế giới tự nhiên hữu hình cũng như vô hình thuộc về Đạo Phật. Còn luyện tập TNDS là khai thác tiềm năng của chính mình phục vụ cho con người có sức khỏe tốt vẫn sống an vui cùng cộng đồng xã hội nên thuộc về đạo làm Người.

Luyện “thiền” hay luyện tập TNDS là phương pháp khoa học có lợi ích không những đối với riêng cá nhân mỗi con mà còn đối với cộng đồng xã hội con người. Bởi lẽ giản đơn rằng người luyện “thiền” hay luyện tập TNDS phải là người đã xác định suộc sống lương thiện, có đạo đức tình thương yêu con người thì mới có hiệu quả khai thác được tiềm năng trong cơ thể con người của mình, mới thu được năng lượng để có sức khỏe tốt cả thân lẫn tâm. Trong cộng đồng xã hội hầu hết mọi người tham gia luyện tập TNDS, tức là hầu hết con người sống trong cộng đồng xã hội đó đều có tâm, có đức, hướng thiện, biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Hầu hết con người trong cộng đồng xã hội tốt đẹp như thế thì làm sao có chỗ đứng của sự tham lam, nhũng nhiễu, ác độc, ích kỷ, sống với phương châm lẽ sống “mọi người vì mình” ? Đương nhiên lẽ sống “mình vì mọi người” sẽ là lẽ sống chung của xã hội nếu xã hội đó có đa số, đông đảo người tham gia vào luyện “thiền”, tham gia vào phong trào luyện tập TNDS-PHSK.

Hà nội, ngày 18/4/2012

Lê văn Cường

5 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites