wildlavender

Con Gái Tuổi Dần

4 bài viết trong chủ đề này

Con gái tuổi Dần

( "Em muốn sinh con", Khương ngái ngủ: "Bao giờ?".Ngay bây giờ, em muốn làm tình không dùng bcs". Khương giật mình, tỉnh cả ngủ...)* * *

Lần đầu gặp mặt, Hân ngỡ ngàng khi "đối tượng" là một thanh niên mặt búng ra sữa. Thế nhưng, hắn luôn mồm xưng anh và gọi cô là em.

Hân quen Khương trên một trang web hò hẹn online. Tất cả khởi đầu từ một đoạn giới thiệu mang đầy tính khiêu khích: "Trần Lê Ngọc Hân, viết lách tự do, sinh năm 1974, tuổi Dần. Ai không sợ bị thịt thì cứ nhào vô".

Ba ngày sau khi đăng hai câu giới thiệu ấy. Hân nhận được rất nhiều thư nhưng cô khá ấn tượng trước một lá thư khiêu khích không kém trong hộp mail: "Nguyễn Đăng Khương, thiết kế nội thất, tuổi Mèo. Mèo là chú của cọp nên không sợ bị thịt, sẵn sàng nhào vô".

Đọc e-mail, Hân khinh khỉnh: "Nhỏ hơn một tuổi à? Cũng không đến nỗi".

Thế nhưng, Khương chỉ mới 20 xuân xanh, thua Hân 13 tuổi, vẫn đang học đại học. Cũng là Mèo nhưng đi sau Hân hơn một con giáp. Buổi hẹn hò offline đầu tiên ở Hands, quán cà phê yêu thích của Hân nhìn khuôn mặt búng ra sữa của Khương, Hân suýt té ghế. "Em trêu tôi đấy à?", Hân gằn giọng.

Khương tỉnh queo: "Ban đầu định là vậy nhưng bây giờ thì không. Chị đẹp hơn em nghĩ", Hân xô ghế đứng dậy, quay đi không thèm ngó lại.

Thế nhưng Khương không dễ bảo như Hân nghĩ. Một tháng sau buổi hẹn hò thất bại ấy, Khương xuất hiện trước mặt Hân, cũng tại Hands, với dáng vẻ hoàn toàn khác. Tóc húi cua, hàm râu quai nón gọn gàng, vóc dáng cao ráo, săn chắc nổi bật trong chiếc áo pull màu đỏ vang và quần bò bạc thếch. Trước ánh mắt sững sờ của Hân, Hương nhe răng: "Sao? Bây giờ tôi xưng anh với Hân được chưa?".

Hân tự rủa sả mình sao lại tiết lộ quán cà phê Hands và cả thói quen ngồi đồng ở đây để Khương biết đường mò đến. Cô đốp chát ngay: "Trừ khi em tẩy được cả giấy khai sinh".

"Giấy tờ không quan trọng, một người làm việc tự do, chẳng bao giờ ký hợp đồng như em hẳn phải hiểu điều đấy chứ", Khương đốp chát lại.

"Nhưng như vậy không có nghĩa em có thể lớn lên bằng tôi", Hân phản bác.

Khương gân cổ cãi: "Cũng không có nghĩa là anh nhỏ hơn em, phải không? Thôi thì em cứ xem anh như là một con mèo, còn em là một con cọp, bỏ qua chuyện tuổi tác, được không?". "Chị không rảnh để chơi với em, nhóc à!". "Vậy có rảnh để yêu không?". "Không, chỉ rảnh để cưới thôi".

Khương im lặng. Hân vẫn giữ gương mặt điềm tĩnh nhưng trong bụng hò reo chiến thắng . Đàn ông nào cũng vậy, nghe đám cưới là rụt vòi, huống chi Khương chỉ mới 20 tuổi, còn thích bay nhảy. Thật tình, Hân cũng thấy tiếc cậu chàng đẹp trai này nhưng giá 20 nhân thêm cho hai thì còn có cơ may...

Đột ngột, Khương lên tiếng: "Em hứa đấy nhé, rảnh để cưới, ghi cho anh địa chỉ nhà em, mai anh sang nhà hỏi cưới".

Hân sa sầm nét mặt: "Đùa đủ rồi đấy, cậu làm tôi bực rồi đấy!".

Khương vẫn kiên nhẫn: "Người ta bảo con gái tuổi Dần thường muộn chồng. Nếu lấy chồng sớm thế nào cũng goá bụa. Em bây giờ lấy chồng được rồi, anh cũng không sợ bị em khắc chết".

Hân bật cười, không thể nghĩ ra thêm lý do để xua đuổi con mèo si tình từ trên trời rơi xuống này. Vậy là yêu nhau!

Một ngày mưa, Hân nằm cuộn tròn tấm chăn mỏng, gối đầu lên ngực Khương, thì thầm: "Em muốn sinh con", Khương ngái ngủ: "Bao giờ?".

Ngay bây giờ, em muốn làm tình không dùng bao cao su". Khương giật mình, tỉnh cả ngủ, mắt mở to: "Em đùa à?".

"Không, em nói thật. Em đã hơn 30 tuổi rồi, cũng đã đến lúc sinh con". Khương im lặng. Hân lại tiếp: "Anh không cần lo. Em tôn thờ chủ nghĩa độc thân nên chỉ muốn sinh con chứ chẳng ràng buộc trách nhiệm gì ở anh cả. Nếu thích, anh có thể đến thăm con, không thì thôi, em chẳng mang con đến mè nheo hay làm phiền anh đâu".

Khương vẫn im lặng.

"Chắc lại sắp vùng ra khỏi chăn và bỏ chạy. Rồng hay mèo hay ngựa thì cũng nhát như nhau cả, ôi đàn ông". Hân nghĩ một cách ca thán. Trải qua vài ba mối tình, Hân không còn ngạc nhiên hay đau lòng trước phản ứng hiện giờ của Khương. Những người tình trước của cô có say đắm đến mấy cũng bỏ chạy khi nghe đến chuyện sinh con.

Khương bước ra khỏi chăn thật nhưng không khoác áo và rời khỏi phòng như những anh chàng khác.

Anh lặng lẽ rít thuốc hồi lâu rồi bảo: "Mình cưới nhé!". Hân tưởng mình nghe lầm: "Sao?". Khương quay lại nhìn cô, cười dịu dàng: "Đám cưới, anh nói là mình làm đám cưới". Đến lượt Hân im lặng, cô chưa lường trước tình huống này.

Nhìn vẻ mặt của Khương, Hân biết anh không đùa. Hân khinh khỉnh: "Anh không cần vì đứa con mà cưới cả con vợ già đâu. Em nói rồi, em tôn thờ chủ nghĩa độc thân".

Khương bật cười, dụi đầu vào ngực Hân: "Anh không vì đứa con mà cưới em. Anh muốn dùng đám cưới để hợp thức hoá mong ước sinh con của em, không được sao? Bỏ quách cái chủ nghĩa độc thân của em đi, cũng đã đến lúc em cần một gia đình đúng nghĩa rồi đấy cưng" và anh hôn cô thật nồng nàn.

Khương nói là làm nên ngay tuần sau, anh đưa cô về ra mắt mẹ và xin cưới. Bố Khương mất từ khi anh còn nhỏ, nhà chỉ có hai mẹ con. Mẹ Khương đón Hân bằng ánh mắt sắc sảo pha chút lạnh lùng.

Khương chỉ mới hơn 21 tuổi, chưa đến lúc lập gia đình, bà tự hỏi ở cô gái này có điều gì khiến con trai mình say mê đến vậy. Hân rợn người khi mẹ Khương đưa mắt "chiếu tướng" cô từ đầu đến chân mình.

Cô chưa từng biết sợ ai hay điều gì nhưng giờ đây, tim cô đang đập mạnh. Rõ ràng, mẹ Khương không như những trở ngại mà Hân từng đối đầu.

Sau mấy phút căng thẳng, bà tằng hắng hỏi: "Cháu là người ở đâu?". "Dạ, cháu sinh ra ở Sài Gòn nhưng cả nhà cháu đã qua Mỹ định cư, chỉ còn mình cháu ở đây thôi ạ".

"Sao cháu không đi theo họ?".

"Dạ, tại vì cháu thích ở Việt Nam", Hân đáp hơi khiên cưỡng, không lý nào lại nói với mẹ chồng tương lai rằng mình ở lại Việt Nam lúc ấy chẳng qua vì mối tình đầu với một anh chàng kiến trúc sư.

"Cháu bao tuổi rồi?".

Hân lúng túng. Yêu Khương đã hơn năm nhưng cô vẫn ngại khi thú nhận với ai đó cô hơn anh 13 tuổi, dù sau khi Khương nỗ lực thay đổi ngoại hình, trông cô chẳng đến nỗi già hơn anh.

Ngay lập tức, Khương đỡ lời cho người yêu: "Dạ, cô ấy tuổi Dần ạ".

Gương mặt mẹ Khương bỗng biến sắc, bà gằn giọng: "Tuổi Dần thì không được, không cưới xin gì cả". Khương thảng thốt: "Sao vậy mẹ?".

Sao trăng gì? Con gái tuổi Dần lấy chồng sớm có số sát phu, con thừa biết mà".

Trời ơi, đó chỉ là chuyện vớ vẩn. Sao mẹ tin được".

Không vớ vẩn, nếu muốn, hai đứa chờ mười năm sau, bước qua tuổi 30 rồi cưới". Mẹ Khương nói với giọng đắc thắng, bà thừa biết chẳng đứa con gái nào chịu điều kiện vô lý này.

Khương cũng đắc thắng đáp ngay mà quên mất điều mình đang cố giấu: "Cô ấy đã qua ba mươi rồi mẹ ơi". Nhìn đôi mắt mở to của mẹ Khương lúc ấy, Hân rên thầm trong bụng: "Thôi rồi".

Sau ngày hôm ấy, sóng gió phủ chụp lên mối tình của họ. Mẹ Khương kiên quyết phản đối, thậm chí lấy cái chết để doạ con. Khương cố gắng thuyết phục mẹ nhưng vô ích. Sợ Hân buồn, anh khuyên cô kiên nhẫn cho anh thêm thời gian.

Trước mặt Khương, Hân luôn tỏ ra điềm tĩnh nhưng đêm về, cô ôm gối khóc. Đã lâu lắm rồi từ sau mối tình đầu tan vỡ cũng bởi định kiến tuổi Dần, Hân mới khóc vì một người đàn ông.

Nửa năm sau, mẹ Khương tìm gặp Hân. Cô hẹn bà ở Hands vào ngày 28 Tết, ngày làm việc cuối cùng trước Tết Nguyên Đán của Hands. Năm nào cũng vậy, Hands luôn đóng cửa vào 28 Tết và khai trương lại vào mùng Bốn. Hân vẫn còn nhớ ngày đầu tiên mình lồng tay vào tay Khương cũng là 28 Tết.

Hands nằm cuối một con hẻm nhỏ yên tĩnh giữa trung tâm thành phố sầm uất. Người không biết khó có thể tìm ra Hands giữa những con đường ngoằn ngoèo và chi chít như bàn cờ. Hands nhỏ, có chưa đến năm cái bàn nhưng nhờ vậy mà tuyệt đối yên tĩnh. Hân vẫn thường một mình đến Hands với chiếc laptop, ngồi vào chiếc bàn kê sát ô cửa sổ trắng và gõ lóc cóc viết bài. Và giờ đây, cô cũng đang ngồi ở chiếc bàn ấy, đối diện với mẹ Khương.

Mẹ Khương mở đầu chuyện một cách nhẹ nhàng: "Cháu có thật sự muốn làm con dâu của bác không?".

Hân im lặng, cân nhắc hồi lâu và khẽ đáp: "Cháu thật sự muốn làm vợ Khương và cháu mong bác đồng ý".

Vẫn giữ vẻ tự nhiên, bà hỏi: "Cháu nghĩ Khương muốn cưới cháu vì điều gì?". Hân im lặng, cô muốn trả lời vì tình yêu nhưng không hiểu sao không thể thốt nên lời. Mẹ Khương mỉm cười ý nhị: "Cháu không đủ can đảm để trả lời vì tình yêu, đúng không?". Hân mím chặt môi: "Bác muốn nói gì?".

Mẹ Khương vẫn điềm tĩnh: "Bác muốn cháu chủ động rời xa Khương trong một năm, không liên lạc và không giải thích bất kỳ điều gì cả. Nếu nó thật sự yêu cháu, nó sẽ vượt qua khoảng thời gian ấy và sẵn lòng chờ cháu quay về. Khi ấy, bác sẽ không phản đối chuyện đám cưới nữa. còn ngược lại, tình cảm hiện giờ nó dành cho cháu chỉ là đam mê nhất thời và hai đứa nên kết thúc. Bác cũng đang thắc mắc liệu cháu có thật sự tin là Khương yêu mình không hay chỉ đang say mê một phụ nữ từng trải và có chút nhan sắc. Sao? Cháu có tự tin để thử không?".

Bằng những nhận xét tinh tế của mình, bà thừa hiểu Hân là cô gái ngang tàng và có lòng tự tôn rất cao. Bà biết mình đã đánh trúng đòn và chắc chắn Hân sẽ đồng ý. Một cách chậm chạp, Hân khẳng định lại điều bà đang nghĩ: "Quyết định như vậy, bác nhé!".

Một năm trôi qua, Hân đang ngồi trên taxi đến Hands. Cây kim giờ trên tay của cô đang nhích dần đến số 11. Đêm đã khuya nhưng Sài Gòn vẫn chưa muốn ngủ. Hôm nay là 28 Tết. "Lại là ngày 28, không biết nên yêu thương hay nguyền rủa nó đây?", Hân vừa nghĩ vừa nhìn mông lung.

Không khí hội hè phủ khắp nơi nhưng lòng Hân trống rỗng. Cô vừa mong gặp lại Khương vừa sợ mình sẽ thất vọng.

Một năm qua, giữ đúng lời hứa vời mẹ Khương, Hân bẻ sim điện thoại, thay đổi chỗ ở, đóng cửa Facebook, không đến Hands và bất cứ nơi nào khác mà Khương có thể tìm đến. Cô vác ba lô đi khắp nơi, từ Đà Lạt, Nha Trang đến Hà Nội, Sa Pa... Cô đi vừa để viết bài vừa để quên đi nỗi cô đơn đang giày vò mình.

Hân biết ở Sài Gòn, Khương đang điên cuồng tìm cô. Hân đau lòng khi nghĩ đến gương mặt hốc hác và đôi mắt trũng sâu của anh. Ngày nào, Khương cũng gửi e-mail cho Hân và giăng trên Facebook lời van xin tha thiết: "Hân, em đang ở đâu? Đừng tránh mặt anh nữa!". Hân đọc hết, biết hết nhưng im lặng. Cô chỉ biết động viên chính mình và đánh dấu chéo vào quyển lịch cầm tay khi mỗi ngày trôi qua.

Đã có lúc Hân tưởng mình bỏ cuộc khi những lá e-mail của Khương thưa dần rồi mất hẳn. Dòng chữ tha thiết trên Facebook đã được thay bằng những câu cập nhật cuộc sống thường ngày của anh.

Thỉnh thoảng, Khương lại khoe những tấm ảnh anh chụp khi đi du lịch đâu đó, vây quanh anh luôn có những cô gái xinh đẹp và trẻ trung. Hình ảnh đó làm Hân vừa ghen vừa có cảm tưởng mình như bị xóa sổ khỏi cuộc đời của Khương.

Những lúc ấy, Hân ngồi lặng câm trước laptop và nhếch mép: "Đàn ông..." nhưng nước mắt lại rơi trên má cô nóng hổi. Hân quệt đi ngay, dù gì, đây cũng không phải lần đầu tiên cô không được lựa chọn.

Là con gái tuổi Dần, Hân đã khá quen với điều này. Người tình đầu của Hân cũng đã không thể vượt qua định kiến của gia đình và bỏ rơi cô chỉ vì hai chữ "tuổi Dần". Với những người tình sau, Hân chẳng bao giờ đặt quá nhiều hy vọng vào họ. Rồi cũng như nhau cả thôi!

Thế nhưng lần này khác, Hân biết mình yêu Khương, yêu thật sự kể từ sau mối tình đầu nên cô không thể dễ dàng bỏ cuộc. Máy bay bà già thì đã sao? Tuổi Dần thì đã sao? Chẳng lẽ cô không được quyền yêu như bao người phụ nữ khác? Và Hân vẫn ôm ấp một hy vọng nhỏ nhoi, vẫn đánh dấu chéo vào quyển lịch cầm tay khi mỗi ngày trôi qua. Cô chờ ngày được gặp lại Khương.

Chiếc taxi đỗ xịch trước con hẻm nhỏ cắt ngang những dòng suy nghĩ của Hân. Cô thanh toán cước phí rồi lặng lẽ gõ chân trên con đường lồi lõm quen thuộc. Bây giờ là 11 giờ rưỡi đêm 28 Tết và cô đang đến Hands. Nếu thật sự yêu và còn nhớ Hân, Khương chắc chắn đang đợi cô ở Hands, ít nhất là qua 12 giờ đêm nay.

Hands không khác một năm trước là mấy. Vẫn một mảng tường trắng in đầy những dấu tay bằng sơn đủ màu của các vị khách, vẫn những chiếc bàn gỗ mộc mạc được lau chùi sạch sẽ đến bóng loáng, vân những cây mai giả nhỏ xíu đặt trên bàn và những phong bao lì xì đỏ đính lục lạc đong đưa reo vui bên ô cửa sổ...

Hân đưa mắt tìm kiếm chiếc bàn kê sát ô cửa sổ trắng. Tim cô như rơi tõm xuống. Chiếc bàn trống không. Hân đưa mắt nhìn quanh. Hands vẫn còn lác đác dăm vị khách nhưng tuyệt nhiên không có người cô muốn tìm.

Hân tưởng như mình không đứng vững. Một cơn khó thở dâng lên khiến tim Hân đau thắt. Cô ôm lấy lồng ngực, lê chân khó nhọc về phía chiếc bàn quen thuộc và gọi một ly cappuchino. Mọi vật trước mắt cô nhoè đi. Hân biết mình đang khóc. Cô quệt nước mắt và cố gượng cười với cô phục vụ, nhưng nụ cười của cô phản chiếu xuống vệt nước trên mặt bàn trông méo mó và thảm hại như nụ cười của anh hề vào ngày rạp xiếc vắng khách.

Cô phục vụ ái ngại hỏi: "Chị không sao chứ?". Hân lắc đầu, cố pha trò: "Không, chỉ là tôi có hẹn một người quan trọng nhưng lại bị cho leo cây".

Cô phục vụ cợt vỗ tay lên trán: "à, thì ra là chị" rồi quày quả đi về phía quầy bar. Cô gái trở lại với một chiếc máy MP3 và bảo: "Sáng nay, có một anh chàng cũng nói câu tương tự như chị vậy. Anh ấy nhờ tôi trao lại thứ này cho cô gái nào ngồi ở chiếc bàn kê sát cửa sổ và cũng bị người ta cho leo cây".

Hân đón chiếc máy từ tay cô phục vụ, tim cô đập mạnh liên hồi. Tay run run, cô gắn tai nghe và nhấn nút play. Giọng Khương vang lên trầm ấm như đang ở thật gần: "Em đang khóc vì anh đã không đến, có phải không? Anh đã chờ em suốt một năm qua ở Hands và lần nào, anh cũng thất vọng ra về. Anh liên lạc với em bằng mọi cách nhưng vô ích. Anh biết em vẫn quan sát anh từng ngày, anh van xin em rồi khiêu khích em trên Facebook để em xuất hiện nhưng tất cả đều công cốc".

Anh tự hỏi mình đã làm gì sai để em phải xa lánh anh như vậy? Sáng nay, anh đến Hands từ rất sớm và chờ em đến tận trưa. Em vẫn mất hút. Anh thật sự không đủ kiên nhẫn nữa. Khi em nghe được những lời này, anh đã ngồi trên máy bay sang Pháp. Anh sẽ làm việc ở đó trong ba năm và có thể lâu hơn. Có lẽ chúng ta không còn gặp lại nhau. Chúc em mạnh khoẻ và hạnh phúc".

Những lời cuối của Khương như nhoè đi. Hai tai Hân lùng bùng, cô ngồi phỗng như tượng rồi đột ngột đứng bật dậy.

Không thể như thế! Mình phải ra sân bay", Hân hốt hoảng vùng chạy. Cô va mạnh vào chiếc bàn và đánh đổ ly cappuchino. Dòng cà phê nóng rẫy đổ trên tay cô nhức buốt nhưng Hân không quan tâm.

Cô luýnh quýnh chạy đi nhưng vấp phải chiếc ghế và ngã sõng soài. "Mình và Khương không thể kết thúc như vậy, không thể", Hân bật khóc ngon lành như một đứa trẻ.

Chợt một đôi tay mạnh mẽ nâng cô dậy và ôm siết cô vào lòng. Mùi da thịt quen thuộc khiến Hân như bừng tỉnh. Trước khi Hân kịp nhận biết điều gì đang xảy ra, một nụ hôn nồng nàn gắn chặt lên môi cô và giọng Khương thầm thì: "Em là cọp mà sao mít ướt thế? Anh mới trêu một tí đã khóc, vậy mà nỡ bỏ anh đi suốt một năm trời?".

Hân lắp bắp:"Anh... anh... không phải là anh...". Khương mỉm cười dịu dàng: "Anh chẳng đi đâu cả, có đi cũng phải tha con cọp này cùng đi. Anh chờ em ở đây suốt một năm qua. Em ác lắm, thoả thuận với mẹ mà chẳng nói với anh câu nào".

Anh biết hết rồi sao?".

Sáng nay, mẹ đã kể hết cho anh nghe và dặn anh phải đến đây đón em. Mẹ biết chúng ta yêu thương nhau thật lòng nên không phản đối nữa. Về nhà thôi em, mẹ đã làm thức ăn khuya, chờ con dâu tương lai về đó".

Hân cứ tưởng như mình đang mơ. Cô khẽ dụi đầu vào ngực Khương, miệng cười mà mắt đỏ hoe. Những bao lì xì đỏ đính lục lạc đang đong đưa reo vui như chia sẻ niềm hạnh phúc cùng họ. Mùa xuân đã ở khắp mọi nơi

(st)

3 people like this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Cô Wild ơi, những bài viết cô đưa lên diễn đàn rất hay. Con xin phép được gửi vào chuyên mục của cô truyện ngắn hiện đại, chắc cũng làm nhiều người xúc động

Mẹ Điên --truyện ngắn của Vương Hằng Tích; dịch giả: Trang Hạ

Hai mươi ba năm trước, có một người con gái trẻ lang thang qua làng tôi, đầu bù tóc rối, gặp ai cũng cười cười, cũng chả ngại ngần ngồi tè trước mặt mọi người. Vì vậy, đàn bà trong làng đi qua cô gái thường nhổ nước bọt, có bà còn chạy lên trước dậm chân, đuổi "Cút cho xa!". Thế nhưng cô gái không bỏ đi, vẫn cứ cười ngây dại quanh quẩn trong làng.

Hồi đó, cha tôi đã 35 tuổi. Cha làm việc ở bãi khai thác đá bị máy chém cụt tay trái, nhà lại quá nghèo, mãi không cưới được vợ. Bà nội thấy con điên có sắc vóc, thì động lòng, quyết định mang cô ta về nhà cho cha tôi, làm vợ, chờ bao giờ cô ta đẻ cho nhà tôi "đứa nối dõi" sẽ đuổi đi liền. Cha tôi dù trong lòng bất nhẫn, nhưng nhìn cảnh nhà, cắn răng đành chấp nhận. Thế là kết quả, cha tôi không phải mất đồng xu nào, nghiễm nhiên thành chú rể.

Khi mẹ sinh tôi, bà nội ẵm cháu, hóp cái miệng chẳng còn mấy cái răng vui sướng nói: "Cái con mẹ điên này, mà lại sinh cho bà cái đứa chống gậy rồi!". Có điều sinh tôi ra, bà nội ẵm mất tôi, không bao giờ cho mẹ đến gần con.

Mẹ chỉ muốn ôm tôi, bao nhiêu lần đứng trước mặt bà nội dùng hết sức gào lên: "Đưa, đưa tôi..." bà nội mặc kệ. Tôi còn trứng nước như thế, như khối thịt non, biết đâu mẹ lỡ tay vứt tôi đi đâu thì sao? Dù sao, mẹ cũng chỉ là con điên. Cứ mỗi khi mẹ khẩn cầu được bế tôi, bà nội lại trợn mắt lên chửi: "Mày đừng có hòng bế con, tao còn lâu mới đưa cho mày. Tao mà phát hiện mày bế nó, tao đánh mày chết. Có đánh chưa chết thì tao cũng sẽ đuổi mày cút!". Bà nội nói với vẻ kiên quyết và chắc chắn. Mẹ hiểu ra, mặt mẹ sợ hãi khủng khiếp, mỗi lần chỉ dám đứng ở xa xa ngó tôi. Cho dù vú mẹ sữa căng đầy cứng, nhưng tôi không được một ngụm sữa mẹ nào, bà nội đút từng thìa từng thìa nuôi cho tôi lớn. Bà nói, trong sữa mẹ có "bệnh thần kinh", nếu lây sang tôi thì phiền lắm.

Hồi đó nhà tôi vẫn đang giãy giụa giữa vũng bùn lầy của nghèo đói. Đặc biệt là sau khi có thêm mẹ và tôi, nhà vẫn thường phải treo niêu. Bà nội quyết định đuổi mẹ, vì mẹ không những chỉ ngồi nhà ăn hại cơm nhà, còn thỉnh thoảng làm thành tiếng thị phi.

Một ngày, bà nội nấu một nồi cơm to, tự tay xúc đầy một bát cơm đưa cho mẹ, bảo: "Con dâu, nhà ta bây giờ nghèo lắm rồi, mẹ có lỗi với cô. Cô ăn hết bát cơm này đi, rồi đi tìm nhà nào giàu có hơn một tí mà ở, sau này cấm không được quay lại đây nữa, nghe chửa?". Mẹ tôi vừa và một miếng cơm to vào mồm, nghe bà nội tôi hạ "lệnh tiễn khách" liền tỏ ra kinh ngạc, ngụm cơm đờ ra lã tã trong miệng. Mẹ nhìn tôi đang nằm trong lòng bà, lắp bắp kêu ai oán: "Đừng... đừng...". Bà nội sắt mặt lại, lấy tác phong uy nghiêm của bậc gia trưởng nghiêm giọng hét: "Con dâu điên mày ngang bướng cái gì, bướng thì chả có quả tốt lành gì đâu. Mày vốn lang thang khắp nơi, tao bao dung mày hai năm rồi, mày còn đòi cái gì nữa? Ăn hết bát đấy rồi đi đi, nghe thấy chưa hả?". Nói đoạn bà nội lôi sau cửa ra cái xẻng, đập thật mạnh xuống nền đất như Dư Thái Quân nắm gậy đầu rồng, "phầm!" một tiếng. Mẹ sợ chết giấc, khiếp nhược lén nhìn bà nội, lại chậm rãi cúi đầu nhìn xuống bát cơm trước mặt, có nước mắt rưới trên những hạt cơm trắng nhệch. Dưới cái nhìn giám sát, mẹ chợt có một cử động kỳ quặc, mẹ chia cơm trong bát một phần lớn sang cái bát không khác, rồi nhìn bà một cách đáng thương hại.

Bà nội ngồi thẫn thờ, hoá ra, mẹ muốn nói với bà rằng, mỗi bữa mẹ sẽ chỉ ăn nửa bát, chỉ mong bà đừng đuổi mẹ đi. Bà nội trong lòng như bị ai vò cho mấy nắm, bà nội cũng là đàn bà, sự cứng rắn của bà cũng chỉ là vỏ ngoài. Bà nội quay đầu đi, nuốt những nước mắt nóng đi, rồi quay lại sắt mặt nói: "Ăn mau ăn mau, ăn xong còn đi. Ở nhà này cô cũng chết đói thôi!". Mẹ tôi dường như tuyệt vọng, đến ngay cả nửa bát cơm con cũng không ăn, thập thễnh bước ra khỏi cửa, nhưng mẹ đứng ở bậc cửa rất lâu không bước ra. Bà nội dằn lòng đuổi: "Cô đi, cô đi, đừng có quay đầu lại. Dưới gầm trời này còn nhiều nhà người ta giàu!". Mẹ tôi quay lại, đưa một tay ra phía lòng bà, thì ra, mẹ muốn được ôm tôi một tí.

Bà nội lưỡng lự một lúc, rồi đưa tôi trong bọc tã lót cho mẹ. Lần đầu tiên mẹ được ẵm tôi vào lòng, môi nhắp nhắp cười, cười hạnh phúc rạng rỡ. Còn bà nội như gặp quân thù, hai tay đỡ sẵn dưới thân tôi, chỉ sợ mẹ lên cơn điên, quăng tôi đi như quăng rác. Mẹ ôm tôi chưa được ba phút, bà nội không đợi được giằng tôi trở lại, rồi vào nhà cài chặt then cửa lại.

Khi tôi bắt đầu lờ mờ hiểu biết một chút, tôi mới phát hiện, ngoài tôi ra, bọn trẻ chơi cùng tôi đều có mẹ. Tôi tìm cha đòi, tìm bà đòi, họ đều nói, mẹ tôi chết rồi. Nhưng bọn bạn cùng làng đều bảo tôi: "Mẹ mày là một con điên, bị bà mày đuổi đi rồi." Tôi tìm bà nội vòi vĩnh, đòi bà phải trả mẹ lại, còn chửi bà là đồ "bà lang sói", thậm chí hất tung mọi cơm rau bà bưng cho tôi. Ngày đó, tôi làm gì biết "điên" nghĩa là cái gì đâu, tôi chỉ cảm thấy nhớ mẹ tôi vô cùng, mẹ trông như thế nào nhỉ? mẹ còn sống không?

Không ngờ, năm tôi sáu tuổi, mẹ tôi trở về sau 5 năm lang thang.

Hôm đó, mấy đứa nhóc bạn tôi chạy như bay tới báo: "Thụ, mau đi xem, mẹ mày về rồi kìa, mẹ bị điên của mày về rồi!" Tôi mừng quá đít nhổng nhổng, co giò chạy vội ra ngoài, bà nội và cha cũng chạy theo tôi. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy mẹ, kể từ khi biết nhớ. Người đàn bà đó vẫn áo quần rách nát, tóc tai còn những vụn cỏ khô vàng khè, có trời mới biết là do ngủ đêm trong đống cỏ nào. Mẹ không dám bước vào cửa, nhưng mặt hướng về phía nhà tôi, ngồi trên một hòn đá cạnh ruộng lúa trước làng, trong tay còn cầm một quả bóng bay bẩn thỉu. Khi tôi và lũ trẻ đứng trước mặt mẹ, mẹ cuống cuồng nhìn trong đám tôi tìm con trai mẹ. Cuối cùng mẹ dán chặt mắt vào tôi, nhìn tôi chòng chọc, nhếch mép bảo: "Thụ... bóng... bóng...". Mẹ đứng lên, liên tục giơ lên quả bóng bay trong tay, dúi vào lòng tôi với vẻ nịnh nọt. Tôi thì liên tục lùi lại. Tôi thất vọng ghê gớm, không ngờ người mẹ ngày đêm tôi nhớ thương lại là cái hình người này. Một thằng cu đứng cạnh tôi kêu to: "Thụ, bây giờ mày biết con điên là thế nào chưa? Là mẹ mày như thế này đấy!"

Tôi tức tối đáp lại nó: "Nó là mẹ mày ấy! Mẹ mày mới là con điên ấy, mẹ mày mới là thế này!" Tôi quay đầu chạy trốn. Người mẹ bị điên này tôi không thèm. Bà nội và bố thì lại đưa mẹ về nhà. Năm đó, bà nội đuổi mẹ đi rồi, lương tâm bà bị chất vấn dày vò, bà càng ngày càng già, trái tim bà cũng không còn sắt thép được nữa, nên bà chủ động đưa mẹ về, còn tôi lại bực bội, bởi mẹ đã làm tôi mất thể diện.

Tôi không bao giờ tươi tỉnh với mẹ, chưa bao giờ chủ động nói với mẹ, càng không bao giờ gọi "Mẹ!", khi phải trao đổi với mẹ, tôi gào là chủ yếu, mẹ không bao giờ dám hé miệng.

Nhà không thể nuôi không mẹ mãi, bà nội quyết định huấn luyện cho mẹ làm việc vặt. Khi đi làm đồng, bà nội dắt mẹ đi "quan sát học hỏi", bà bảo mẹ không nghe lời sẽ bị đánh đòn.

Sau một thời gian, bà nội nghĩ mẹ đã được dạy dỗ tương đối rồi, liền để mẹ tự đi cắt cỏ lợn. Ai ngờ mẹ chỉ cắt nửa tiếng đã xong cả hai bồ "cỏ lợn". Bà nội vừa nhìn đã tá hỏa sợ hãi, cỏ mẹ cắt là lúa giống vừa làm đòng trỗ bông trong ruộng nhà người ta. Bà nội vừa sợ vừa giận phát cuồng chửi rủa: "Con mẹ điên lúa và cỏ mà không phân biệt được..." Bà nội còn đang chưa biết nên xoay xở ra sao, thì nhà có ruộng bị cắt lúa tìm tới, mắng bà cố ý dạy con dâu làm càn. Bà nội tôi lửa giận bốc phừng phừng, trước mặt người ta lấy gậy đánh vào eo lưng con dâu, chửi: "Đánh chết con điên này, mày cút ngay đi cho bà..."

Mẹ tuy điên, nhưng vẫn biết đau, mẹ nhảy nhỏm lên chạy trốn đầu gậy, miệng phát ra những tiếng lắp bắp sợ hãi: "Đừng... đừng...". Sau rồi, nhà người ta cũng cảm thấy chướng mắt, chủ động bảo: "Thôi, chúng tôi cũng chẳng bắt đền nữa. Sau này giữ cô ta chặt một tí là được...". Sau khi cơn sóng gió qua, mẹ oại người dưới đất thút thít khóc. Tôi khinh bỉ bảo: "Cỏ với lúa mà cũng chả phân biệt được, mày đúng là lợn!" Lời vừa dứt, gáy tôi bị một cái tát lật, là bà. Bà trừng mắt bảo tôi: "Thằng ngu kia, mày nói cái gì đấy? Mày còn thế này nữa? Đấy là mẹ mày đấy!" Tôi vùng vằng bĩu môi: "Cháu không có loại mẹ điên khùng thế này!"

"A, mày càng ngày càng láo. Xem bà có đánh mày không!" Bà nội lại giơ tay lên, lúc này chỉ thấy mẹ như cái lò xo bật từ dưới đất lên, che giữa bà nội và tôi, mẹ chỉ tay vào đầu mẹ, kêu thảng thốt: "Đánh tôi, đánh tôi!"

Tôi hiểu rồi, mẹ bảo bà nội đánh mẹ, đừng đánh tôi. Cánh tay bà trên không trung thõng xuống, miệng lẩm bẩm: "Con mẹ điên này, trong lòng nó cũng biết thương con đây!". Tôi vào lớp một, cha được một hộ chuyên nuôi cá làng bên mời đi canh hồ cá, mỗi tháng lương 50 tệ. Mẹ vẫn đi làm ruộng dưới sự chỉ bảo của bà, chủ yếu là đi cắt cỏ lợn, mẹ cũng không còn gây ra vụ rầy rà nào lớn nữa.

Nhớ một ngày mùa đông đói rét năm tôi học lớp ba, trời đột ngột đổ mưa, bà nội sai mẹ mang ô cho tôi. Có lẽ trên đường đến trường tôi mẹ đã ngã ì oạch mấy lần, toàn thân trông như con khỉ lấm bùn, mẹ đứng ở ngoài cửa sổ lớp học nhìn tôi cười ngớ ngẩn, miệng còn gọi tôi: "Thụ... ô...". Có mấy đứa bạn tôi cười khúc khích, tôi như ngồi trên bàn chông, oán hận mẹ khủng khiếp, hận mẹ không biết điều, hận mẹ làm tôi xấu hổ, càng hận thằng Phạm Gia Hỷ cầm đầu trêu chọc. Trong lúc nó còn đang khoa trương bắt chước mẹ, tôi chộp cái hộp bút trước mặt, đập thật mạnh cho nó một phát, nhưng bị Phạm Gia Hỷ tránh được. Nó xông tới bóp cổ tôi, chúng tôi giằng co đánh nhau. Tôi nhỏ con, vốn không phải là đối thủ của nó, bị nó dễ dàng đè xuống đất. Lúc này, chỉ nghe một tiếng "vút" kéo dài từ bên ngoài lớp học, mẹ giống như một đại hiệp "bay" ào vào, một tay tóm cổ Phạm Gia Hỷ, đẩy ra tận ngoài cửa lớp. Ai cũng bảo người điên rất khỏe, thật sự đúng là như vậy. Mẹ dùng hai tay nhấc bổng thằng bắt nạt tôi lên trên không trung, nó kinh sợ kêu khóc gọi bố mẹ, một chân béo ị khua khoắng đạp loạn xạ trên không trung. Mẹ không thèm để ý, vứt nó vào ao nước cạnh cổng trường, rồi mặt thản nhiên, mẹ đi ra.

Mẹ vì tôi gây ra đại hoạ, mẹ lại làm như không có việc gì xảy ra. Trước mặt tôi, mẹ lại có vẻ khiếp nhược, nhìn tôi vẻ muốn lấy lòng. Tôi hiểu ra đây là tình yêu của mẹ, dù đầu óc mẹ không tỉnh táo, thì tình yêu của mẹ vẫn tỉnh táo, vì con trai của mẹ bị người ta bắt nạt. Lúc đó tôi không kìm được kêu lên: "Mẹ!" đây là tiếng gọi đầu tiên kể từ khi tôi biết nói. Mẹ sững sờ cả người, nhìn tôi rất lâu, rồi y hệt như một đứa trẻ con, mặt mẹ đỏ hồng lên, cười ngớ ngẩn. Hôm đó, lần đầu tiên hai mẹ con tôi cùng che một cái ô về nhà. Tôi kể sự tình cho bà nội nghe, bà nội sợ rụng rời ngã ngồi lên ghế, vội vã nhờ người đi gọi cha về. Cha vừa bước vào nhà, một đám người tráng niên vạm vỡ tay dao tay thước xông vào nhà tôi, không cần hỏi han trắng đen gì, trước tiên đập phá mọi bát đũa vò hũ trong nhà nát như tương, trong nhà như vừa có động đất cấp chín. Đây là những người do nhà Phạm Gia Hỷ nhờ tới, bố Phạm hung hãn chỉ vào cha tôi nói: "Con trai tao sợ quá đã phát điên rồi, hiện đang nằm nhà thương. Nhà mày mà không mang 1000 tệ trả tiền thuốc thang, mẹ mày tao cho một mồi lửa đốt tan cái nhà mày ra."

Một nghìn tệ? Cha đi làm một tháng chỉ 50 tệ! Nhìn những người sát khí đằng đằng nhà họ Phạm, cha tôi mắt đỏ lên dần, cha nhìn mẹ với ánh mắt cực kỳ khủng khiếp, một tay nhanh như cắt dỡ thắt lưng da, đánh tới tấp khắp đầu mặt mẹ. Một trận lại một trận, mẹ chỉ còn như một con chuột khiếp hãi run rẩy, lại như một con thú săn đã bị dồn vào đường chết, nhảy lên hãi hùng, chạy trốn, cả đời tôi không thể quên tiếng thắt lưng da vụt lạnh lùng lên thân mẹ và những tiếng thê thiết mẹ kêu. Sau đó phải trưởng đồn cảnh sát đến ngănbàn tay bạo lực của cha. Kết quả hoà giải của đồn cảnh sát là: Cả hai bên đều có tổn thất, cả hai không nợ nần gì nhau cả. Ai còn gây sự sẽ bắt luôn người đó. Đám người đi rồi, cha tôi nhìn khắp nhà mảnh vỡ nồi niêu bát đũa tan tành, lại nhìn mẹ tôi vết roi đầy mình, cha tôi bất ngờ ôm mẹ tôi vào lòng khóc thảm thiết. "Mẹ điên ơi, không phải là tôi muốn đánh mẹ, mà nếu như tôi không đánh thì việc này không thể dàn xếp nổi, nhà mình làm gì có tiền mà đền cho người. Bởi nghèo khổ quá mà thành hoạ đấy thôi!". Cha lại nhìn tôi nói: "Thụ, con phải cố mà học lên đại học. Không thì, nhà ta cứ bị người khác bắt nạt suốt đời, nhé!". Tôi gật đầu, tôi hiểu.

Mùa hè năm 2000, tôi thi đỗ vào trung học với kết quả xuất sắc. Bà nội tôi vì làm việc cực nhọc cả đời mà mất trước đó, gia cảnh ngày càng khó khăn hơn. Cục Dân Chính khu tự trị Ân Thi (Hồ Bắc) xếp nhà tôi thuộc diện đặc biệt nghèo đói, mỗi tháng trợ cấp 40 tệ. Trường tôi học cũng giảm bớt học phí cho tôi, nhờ thế tôi mới có thể học tiếp.

Vì học nội trú, bài vở nhiều, tôi rất ít khi về nhà. Cha tôi vẫn đi làm thuê 50 tệ một tháng, gánh tiếp tế cho tôi đặt lên vai mẹ, không ai thay thế được. Mỗi lần bà thím nhà bên giúp nấu xong thức ăn, đưa cho mẹ mang đi. Hai mươi ki lô mét đường núi ngoằn ngoèo ruột dê làm khổ mẹ phải tốn sức ghi nhớ đường đi, gió tuyết cũng vẫn đi. Và thật là kỳ tích, hễ bất cứ việc gì làm vì con trai, mẹ đều không điên tí nào. Ngoài tình yêu mẫu tử ra, tôi không còn cách giải thích nào khác. Y học cũng nên giải thích khám phá hiện tượng này.

27/4/2003, lại là một chủ nhật, mẹ lại đến, không chỉ mang đồ ăn cho tôi, mẹ còn mang đến hơn chục quả đào dại. Tôi cầm một quả, cắn một miếng, cười hỏi mẹ: "Ngọt quá, ở đâu ra?" Mẹ nói: "Tôi... tôi hái..." không ngờ mẹ tôi cũng biết hái cả đào dại, tôi chân thành khen mẹ: "Mẹ, mẹ càng ngày càng tài giỏi!". Mẹ cười hì hì.

Trước lúc mẹ về, tôi theo thói quen dặn dò mẹ phải cẩn thận an toàn, mẹ ờ ờ trả lời. Tiễn mẹ xong, tôi lại bận rộn ôn tập trước kỳ thi cuối cùng của thời phổ thông. Ngày hôm sau, khi đang ở trên lớp, bà thím vội vã chạy đến trường, nhờ thầy giáo gọi tôi ra ngoài cửa. Thím hỏi tôi, mẹ tôi có đến đưa tiếp tế đồ ăn không? Tôi nói đưa rồi, hôm qua mẹ về rồi. Thím nói: "Không, mẹ mày đến giờ vẫn chưa về nhà!" Tim tôi thót lên một cái, mẹ tôi chắc không đi lạc đường? Chặng đường này mẹ đã đi ba năm rồi, có lẽ không thể lạc được. Thím hỏi: "Mẹ mày có nói gì không?" Tôi bảo không, mẹ chỉ cho cháu chục quả đào tươi. Thím đập hai tay:" Thôi chết rồi, hỏng rồi, có lẽ vì mấy quả đào dại rồi!" Thím kêu tôi xin nghỉ học, chúng tôi đi men theo đường núi về tìm. Đường về quả thực có mấy cây đào dại, trên cây chỉ lơ thơ vài quả cọc, bởi nếu mọc ở vách đá mới còn giữ được quả. Chúng tôi cùng lúc nhìn thấy trên thân cây đào có một vết gãy cành, dưới cây là vực sâu trăm thước. Thím nhìn tôi rồi nói: "Chúng ta đi xuống khe vách đá tìm!" Tôi nói: "Thím, thím đừng doạ cháu...". Thím không nói năng kéo tôi đi xuống vách núi...

Mẹ nằm yên tĩnh dưới khe núi, những trái đào dại vương vãi xung quanh, trong tay mẹ còn nắm chặt một quả, máu trên người mẹ đã cứng lại thành đám màu đen nặng nề. Tôi đau đớn tới mức ngũ tạng như vỡ ra, ôm chặt cứng lấy mẹ, gọi: "Mẹ ơi, Mẹ đau khổ của con ơi! Con hối hận đã nói rằng đào này ngọt! Chính là con đã lấy mạng của mẹ... Mẹ ơi, mẹ sống chẳng được hưởng sung sướng ngày nào..." Tôi sát đầu tôi vào khuôn mặt lạnh cứng của mẹ, khóc tới mức những hòn đá dại trên đỉnh núi cũng rớt nước mắt theo tôi.

Ngày 7/8/2003, một trăm ngày sau khi chôn cất mẹ, thư gọi nhập học dát vàng dát bạc của Đại học Hồ Bắc đi xuyên qua những ngả đường mẹ tôi đã đi, chạy qua những cây đào dại, xuyên qua ruộng lúa đầu làng, "bay" thẳng vào cửa nhà tôi. Tôi gài lá thư đến muộn ấy vào đầu ngôi mộ cô tịch của mẹ: "Mẹ, con đã có ngày mở mặt mở mày rồi, MẸ có nghe thấy không? MẸ có thể ngậm cười nơi chín suối rồi!"

Share this post


Link to post
Share on other sites

Cô Wild ơi, những bài viết cô đưa lên diễn đàn rất hay. Con xin phép được gửi vào chuyên mục của cô truyện ngắn hiện đại, chắc cũng làm nhiều người xúc động

Cô rất khuyến khích những truyện ngắn, bài văn hay mang tính "nhân bản, nghị lực vượt khó, có hậu" ít nhất để cho chúng ta còn cảm nhận được cuộc sống vẫn còn có những con người những mãnh đời như thế!

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

Con gái tuổi Dần

( "Em muốn sinh con", Khương ngái ngủ: "Bao giờ?".Ngay bây giờ, em muốn làm tình không dùng bcs". Khương giật mình, tỉnh cả ngủ...)* * *

Lần đầu gặp mặt, Hân ngỡ ngàng khi "đối tượng" là một thanh niên mặt búng ra sữa. Thế nhưng, hắn luôn mồm xưng anh và gọi cô là em.

(st)

Sau 1 tuần làm việc mệt mỏi, chủ nhật ngồi thư giãn, đọc truyện, cảm thấy thú vị.

Hay

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay