wildlavender

Chống tham nhũng ở "TAM GIÁC THẦN KỲ"

1 bài viết trong chủ đề này

Chủ Nhật, 09/11/2008, 00:01 (GMT+7)

Chống tham nhũng - “Tam giác thần kỳ”

TTCT - 1.500 người, cả thường dân lẫn viên chức chính phủ tề tựu tại thủ đô Hi Lạp suốt bốn ngày chỉ để nói với nhau và cho nhau: “Tham nhũng là gì ở chỗ tôi, và có thể làm gì để chống lại tham nhũng?”.

Tham nhũng có thể là, trong bối cảnh toàn cầu hóa, một trong những cái được “toàn cầu hóa” nhanh chóng nhất qua những hành vi như chuyển tiền từ trong nước ra nước ngoài đến những “thiên đàng thuế vụ”, nơi mà bất kỳ ai cũng có thể mở tài khoản gửi tiền. Tất nhiên là đồng tiền bẩn rồi! Chỉ cần vài thao tác bàn phím là tiền tỉ ung dung ra đi. Tham nhũng cũng vẫn còn đó dưới dạng “cổ lỗ sĩ” của những rào cản dựng lên, nhân danh một quy định nào đó, mà mục đích là... moi tiền của dân chúng; vẫn còn nhân danh phát triển và tăng trưởng để biến tài nguyên quốc gia thành cơ hội trục lợi cho cá nhân. Chính vì thế, chủ đề của Hội nghị quốc tế chống tham nhũng (IACC) lần thứ 13 này là “Minh bạch toàn cầu: chống tham nhũng vì một tương lai bền vững”.

Phương trình tham nhũng là gì?

Có một công thức mà tại hội nghị được nhiều lần nhắc đến như một quy luật phổ quát:

C=M+D-A

C: Corruption - tham nhũng.

M: Monopoly - độc quyền (quyền lực, luật lệ, kinh doanh, tài chính...)

D: Discretion - sự che chắn kín đáo của các quan chức.

A: Accountability - trách nhiệm giải trình

Tham nhũng xảy ra khi hoạt động của xã hội mang tính độc quyền, lại được che chắn kín đáo, nên cứ tha hồ “làm ăn” mà chẳng cần giải thích với ai.

Từ góc nhìn này, mọi hoạt động của các công ty đều phải được công khai hóa. Điều này có thể thấy qua các bản cáo bạch cho cổ đông (không còn xa lạ gì lắm ở VN). Trong các xã hội ấy chủ yếu là các công ty tư, tất nhiên, huống hồ là các công ty nhà nước! Từ góc nhìn đó, có thể thấy việc công chúng chẳng được hay biết gì về giá thành của xăng dầu, điện, nước, điện thoại... chính là một bức màn bí mật không thể tồn tại mãi. Khi không ai được biết các công ty ấy “làm ăn” như thế nào, khi tất cả đều là “mật” thì không có chỗ cho sự công khai, minh bạch và chính đó là “đất đai màu mỡ” cho tham nhũng hoành hành.

Công khai và giải trình (thay vì che chắn và “vô tư” khỏi phải giải trình) chính là điều kiện cơ bản cho việc phòng chống tham nhũng.

Thế còn độc quyền là gì? Trả lời câu hỏi đó cũng chính là trả lời câu hỏi: “Chống tham nhũng là việc của ai?”. IACC, với 25 năm hoạt động như là một hội nghị toàn cầu của những thường dân, là một điển hình cho khái niệm chống tham nhũng là việc của cả xã hội chứ không chỉ của các cơ quan nhà nước.

Từ lâu rồi, khi hoạt động của các nền kinh tế (thị trường) là của tư nhân thì các nhà nước không còn vai trò “làm ra của cải” qua các “công ty nhà nước” nữa. Cái gọi là cổ phần hóa ở đây ở kia chính là để đưa nhà nước ra khỏi vị trí “vừa đá bóng vừa thổi còi” và chỉ giữ vai trò “thổi còi” thôi. Từ đó, giới tư nhân đóng vai trò “làm ra của cải” bằng chính đồng vốn của họ bỏ ra. Của đau con xót, họ luôn tự bảo vệ tài sản của mình trước những động thái “thổi còi” của nhà nước.

Do các nhà nước tồn tại bằng tiền thuế của người dân và tiền thu từ việc bán hay cho thuê các tài nguyên quốc gia cho các tập đoàn nước ngoài khai thác, tỉ như mỏ dầu, đất đai, bãi biển..., nên giới chủ nhân ở các nước ấy chính là đối tác đối thoại với nhà nước, để kỳ kèo thêm bớt một hai những lợi ích của mình. Ở các nền kinh tế thị trường 100%, còn gọi là tư bản, như sách vở đã nêu, nhà nước chỉ là công cụ của giới tư nhân, nếu không được việc, kỳ sau không bầu cho nữa...

Thế nhưng, nếu chỉ có nhà nước và giới (chủ) tư nhân nói chuyện với nhau thì sẽ dẫn đến thỏa hiệp, cấu kết khai thác tài nguyên đất nước, và dân chúng, kẻ vắng mặt, là nạn nhân của sự toa rập này. Bởi thế mới có thêm một vai trò thứ ba gọi là xã hội dân sự, mà theo lời thẩm phán Barry O’Keefe, là không do nhà nước dựng ra, để “thổi còi” cả hai phía nhà nước và chủ nhân.

Đại diện các tổ chức chống tham nhũng ở châu Phi - một khu vực luôn được xem là bán đất đai, bán mỏ... tham nhũng bậc nhất - ngày càng trở nên sôi nổi hơn trong vai trò “thổi còi” của mình. Đó đây đã có những thành quả ban đầu trong việc quản lý tài nguyên địa phương, như Phyllis Muema của Kenya với các dự án giám sát tài nguyên nước. Những chuyển động tích cực này không chỉ ở châu Phi. Tiến sĩ Vugar Bayramov đến từ Azerbaijan, một nước mà 20 năm trước còn là kinh tế chỉ huy, cũng thuật lại bối cảnh “nhà giàu mới” nở rộ ở đất nước dầu hỏa này, và quá trình “thổi còi” buộc công ty dầu hỏa nước này phải công khai tài chính như thế nào, rốt cuộc là phải “ói ra” 555 triệu USD bốc hơi từ ngân sách...

Thế nhưng, không phải lúc nào xã hội dân sự cũng “thổi còi” được. Một trong những đại diện Philippines là bà Evita Jimenez của Tổ chức “Center for People Empowerment in Governance” nêu vấn đề: tại sao các tổ chức quốc tế lại cứ thích “làm việc” với các cơ quan nhà nước để rồi tất cả những thuyết phục “sạch sẽ giùm đi” trở thành công cốc? Thực tế đáng buồn này cũng được Adrian Fozzard của Tổ chức StAR, một tổ chức chuyên tìm cách thu hồi tài sản quốc gia bị đánh cắp, mô tả như sau: “Một số chính phủ bảo với tôi: Hãy giúp chúng tôi chống tham nhũng! Thế nhưng, tôi không hiểu họ có thật sự muốn chống hay không!”. Do lẽ hằng năm có đến 40 tỉ USD công quỹ các nước đang phát triển bị “ăn cắp” và tẩu tán ra nước ngoài.

Để dân được nói

Thông cáo chung của hội nghị đã nhấn mạnh: để bớt tham nhũng, phải bớt cơ hội phát sinh tham nhũng. Cơ bản là để cho người dân có đươc cơ hội cất lên tiếng nói của mình. Nếu người dân không nói lên được ý kiến của mình, ai muốn làm gì cũng được.

Mặt khác, không thể cứ tiếp tục ngần ngại xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng. Không thể chỉ kêu gọi đạo đức suông do lẽ khó có thể quy chuẩn đạo đức một cách cụ thể, trong khi đó với luật pháp, có thể rạch ròi phân biệt điều gì cấm hay không cấm. Thành ra xây dựng một văn hóa liêm chính cũng chính là xây dựng một văn hóa (tuân thủ) pháp lý.

Danh Đức (tuoitre cuối tuần)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay