Thiên Sứ

Vào rốn lũ phía Tây Hà Nội

1 bài viết trong chủ đề này

Vào rốn lũ phía Tây Hà Nội

02:45' 07/11/2008 (GMT+7)

Posted Image- Trong khi ở nhiều vùng lũ của Hà Nội, mực nước đang có dấu hiệu rút nhanh thì ở An Phú (Mỹ Đức - Hà Nội), lũ vẫn đang làm cho đời sống người dân quanh lòng hồ đê 700 Ái Nàng gặp muôn vàn khó khăn. Nhóm PV VietNamNet đã có một ngày vào rốn lũ có mực nước sâu nhất Hà Nội.

An Phú là xã có nhiều làng đang chìm sâu trong lũ. Gần như không thể nhìn thấy được con đường đến vùng lòng hồ đê 700 mẫu An Phú, do các con đường đều ngập bởi nước lũ. Tại chân đê Ái Nàng, những người dân chạy lũ của thôn phải dựng lều ở tạm chờ ngày nước xuống. Theo kinh nghiệm ở đây, nếu trời không mưa, ít nhất cũng phải mất 20 ngày nữa mực nước mới hạ xuống, lúc đó họ mới quay về nhà được.

Posted Image

Đường vào An Phú đã biến thành sông - Ảnh: Lê Anh Dũng

Sở dĩ, khu dân cư nằm trong lòng đê 700 mẫu, An Phú bị cô lập là do xã An Phú là vùng đất thấp, lại được bao quanh bởi hệ thống đê của sông Mỹ Hà và dãy núi An Phú xung quanh. Mỗi khi trời mưa to, nước từ dãy núi chảy xuống, từ vùng cao Hòa Bình đổ về qua đường mòn Hồ Chí Minh thoát ra sông Đáy không kịp, thì nguồn nước bị ùn ứ và ngập lụt.

Chị lái thuyền giọng nghiêm nghị cảnh tỉnh: “Các anh ngồi cẩn thận đấy! Ở đây mực nước rất sâu và có đoạn chảy xiết nếu không cẩn thận lật thuyền thì… chắc không thể bơi quay lại được”.

Thuyền xuôi dòng, một màu nước trắng xóa đến tận chân núi, những ngôi nhà ngập nước gần mái, những trạm bơm chìm nghỉm.

Đối diện với đói, rét, sạt nghiệp...

Theo chỉ dẫn của người lái đò, 10h sáng chúng tôi vào thôn Đồng Chiêm. Cả thôn có 397 hộ dân thì tất cả đều chìm sâu trong lũ. Do mực nước quá cao nên hầu hết nhà dân phải tự sơ tán trong phạm vi của làng. Có người thì dựng lều ở tạm bên vách đá, có người nhà ngập sát mái nên đành rủ nhau đến ở nhờ những nhà có vị trí cao nơi chân núi.

Posted Image

8 hộ gia đình ở nhờ trong nhà anh Bản và thay nhau nấu cơm từ 9h sáng - Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhà anh Vũ Xuân Bản, trong những ngày này đang trở thành nơi trú ngụ của 8 hộ dân làng Đồng Chiêm. Trong ngôi nhà mái bằng rộng chừng 70m2 nằm chơ vơ trên u đất cao sát chân núi, gần 30 con người đành phải chấp nhận cảnh cùng sống chung một nhà.

Anh Vũ Xuân Bản cho biết: “Sau những cơn mưa tầm tã ngày 31/10, nước cứ thế chảy ùn ùn về gây ngập lụt, khiến người dân chúng tôi không kịp trở tay. Một số hộ chỉ kịp vác một ít lương thực đã chớm ướt và những đồ dùng cần thiết có thể cầm được chạy tá hỏa sang nhà tôi gửi trước khi lũ ập đến”.

Sống nhờ trong nhà anh Bản, hàng ngày, các hộ dân thay nhau chèo thuyền hàng cây số vào vùng ngoại đê xin nước sạch về dùng. Vì có quá nhiều hộ cùng chung sống nên hàng ngày, từ 9h sáng, bếp nhà anh Bản đã nổi. Các hộ thay nhau nấu ăn, cứ 2 hộ một lần nấu trong điều kiện thiếu thốn mọi thứ. Phòng ngoài nhà anh Bản rộng chưa đầy 30 m2 nhưng về đêm gần 30 con người phải ngăn đôi rồi thay nhau ngủ, bất chấp về đêm trời trở lạnh không có chăn màn do đã bị lũ cuốn đi.

Posted Image Posted Image

Gần 30 con người chen chúc nhau trong nhà anh Bản (ảnh 1),

nhưng vẫn "tươm tất" hơn những nhà phải căng

bạt ngủ ngoài vách núi (ảnh 2) - Ảnh: Lê Anh Dũng

Chị Hợp, một người dân sống nhờ nhà anh Bản thành thật: “Không màn bị muỗi đốt còn tốt hơn bị lũ lụt cuốn chết. Chúng tôi chỉ lo chẳng may có ai ốm thì chẳng biết phải xoay sở thế nào. Nói thật, chỉ biết chờ thôi, vì đến giờ này chưa thấy ai cứu tế...”.

Không phải đi ở nhờ, nhưng vì nhà ngập lụt nên vợ chồng anh Bạch Văn Tiến lại chọn cách căng bạt vào vách đá ngay liền nhà để ở. Hiện toàn bộ ngôi nhà anh nước ngập đến nửa người, các đồ dùng dù đã được kê lên cao nhưng vẫn bị ngập nước. Những bộ quần áo được đem ra mắc trên vách đá để hứng gió, phơi khô..

Anh Tiến nói: "Khó khăn trong sinh hoạt chỉ là cái trước mặt, chứ nỗi lo nhất của tôi là không biết rồi đây gia đình có 7 nhân khẩu sẽ lấy gì mà ăn. Lúa và hoa màu đã bị lũ cuốn trôi hết, trong khi nguồn lương thực dự trữ nhà tôi lại chẳng còn gì”.

Posted Image

Hồ cá bị ngập trắng - Ảnh: Lê Anh Dũng

Từ thôn Đồng Chiêm, chúng tôi xuôi thuyền gần 4 km nước lũ để vào làng Bắc Sơn. Đây là làng thiệt hại nhiều nhất, vì có nhiều nhà nuôi cá bị mất trắng do nước lũ dâng cao.

Vừa vào đến đầu làng, đã thấy cảnh hồ cá bị ngập trắng. Anh Chung, một hộ nuôi cá nhiều nhất làng than phiền: “Mất, mất sạch rồi các anh à! Bao nhiêu vốn liếng, tiền vay ngân hàng đầu tư vào nuôi cá đều đã mất hết. Kiểu này chắc phải gán nhà cho ngân hàng cho xong”.

Anh Chung cùng gần 70 hộ ở làng Bắc Sơn trong những năm qua đều sống được nhờ vào nghề nuôi cá, nhưng trong đợt lũ này, nước lũ dâng cao khiến các hộ nuôi cá lâm vào cảnh trắng tay. Ước tính ban đầu, chỉ riêng thiệt hại về cá của thôn Bắc Sơn vào khoảng gần10 tỉ đồng.

Trong một ngày ở tâm lũ An Phú, chúng tôi tìm đến nhà anh Trần Văn Công, người mới có vợ bị thiệt mạng do lũ cuốn. Một màu tang tóc trên đầu anh và hai đứa con thơ.

Posted Image

Ba bố con anh Công bên bàn thờ vợ - Ảnh: Lê Anh Dũng

Anh Công kể lại: Hôm đó là ngày 31/10, trời mưa to và có dấu hiệu ngập lụt, anh và vợ là chị Nguyễn Thị Hân (31 tuổi) ra hồ đầu làng đăng giữ cá. Lúc đó khoảng gần 6h tối, anh ở lại tiếp tục công việc đăng cá, còn chị Hân cùng với 6 chị em trong làng đi về lo chuyện cơm nước.

Khi về đến gần một đoạn nước chảy xiết, vợ và chị gái anh bị trượt chân rồi ngã theo dòng nước. Chị gái anh Công may mắn vớ được cây cột điện thoát chết, còn vợ anh thì bị lũ cuốn đi. Mất gần 30h đồng hồ sau, mọi người mới vớt được chị lên...

Tay run run vừa thắp nhang cho vợ, anh Công bảo: “Lũ lụt đã cướp đi của tôi hết rồi, tiền mất đã đành, lại còn mất cả vợ. Không biết rồi những ngày tới đây tôi và các con phải xoay sở thế nào khi vợ không còn, mà nợ ngân hàng chuẩn bị đến hạn trả…”.

Mưu sinh nơi rốn lũ

Trong điều kiện giao thông đường bộ bị cô lập, công tác viện trợ tiếp tế chưa được ứng cứu. Nhiều người dân vùng lũ đã chọn cho mình công việc kiếm sống mùa lũ. Ở vùng An Phú năm nào cũng có lũ này, thì nghề chèo thuyền thuê và thả lưới cá là hai nghề chính của người dân mỗi khi lũ tràn về.

Chị Khanh, tay quàng mái chèo một cách điêu luyện đưa chúng tôi lướt qua những đoạn đường hiểm trở bị giăng mắc đầy dây điện và cây cối bao quanh. Chị nói: “Ở cái vùng này, mấy năm nay, năm nào dân cũng phải chịu cảnh ngập lụt và đói, nên chúng tôi ngoài làm ruộng phải làm thêm nghề chèo thuyền hoặc thả lưới cá thì mới sống được”.

Posted Image

Người dân An Phú quanh năm sống với lũ lụt, nhưng năm nay, họ chịu quá nhiều thiệt hại do mưa lũ gây ra

- Ảnh: Lê Anh Dũng

Khi đi đến một con nước xiết gần thôn Bắc Sơn, con thuyền bị xác chết động vật và rau bèo rong ngăn lại, chị Khanh quay nhẹ mái chèo chặn lại để tránh, rồi dùng tay chèo còn lại cho xuôi dòng về chỗ an toàn.

Chị trấn an: “Các anh cứ ngồi yên, thế này thì chưa ăn thua gì. Ở cái chốn quanh năm dân phải đối mặt với lũ như như cái vùng này thì tay lái của những người đưa mái chèo như chúng tôi cũng phải điều luyện chứ! Nhiều tình huống chở hàng tưởng như đánh vật với số phận mà chúng tôi đâu có việc gì!”.

Chị Ngân, làm nghề chèo thuyền khoảng 10 năm nay. Trước đây chị hay chèo thuê cho các chủ thuyền ở chùa Hương trong mùa lễ hội, nhưng mấy năm nay do làm chẳng ăn thua nên chị nghỉ ở nhà, chỉ chở khách trong mùa lũ. Tính ra, cũng chẳng ăn thua, nhưng nếu gặp may, ngày gặp khách chị cũng kiếm được gần 200 nghìn đồng/ ngày.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, ở khu vực tâm lũ này, có khoảng 15 hộ có thuyền chở khách. Tất cả đều rất nhiệt tình và hiếu khách. Chị Hà, một chủ thuyền vùng lũ này tâm sự: “Lũ như thế này ai cũng khổ cả, giúp được ai vào và ra vùng lũ an toàn cũng là niềm vui của những người chèo thuyền như chúng tôi rồi, còn tiền công thì tùy khách thôi!”.

Nếu như việc chèo thuyền chở khách thuê trong ngày lũ ở các thôn Ái Nàng, Đồng Chiêm, Bắc Sơn được dành cho phụ nữ, thì đàn ông ở đây lại chọn nghề đánh cá để mưu sinh. Hàng nghìn ha nuôi cá khu lòng đê bị ngập khiến cho việc thả lưới được nhiều người dân chọn làm trong mùa lũ.

Trong lúc, ở nhiều vùng lũ của Hà Nội, mực nước đang có dấu hiệu rút nhanh, thì ở An Phú, lũ vẫn đang khiến cho đời sống người dân gặp muôn vàn khó khăn. Những người nông dân chân lấm tay bùn vẫn vật vờ mưu sinh trong mùa nước lớn và đang chờ mong sớm được cứu trợ.

Bởi, như lời của Chủ tịch UBND xã An Phúc thì: Đây là vùng năm nào người dân cũng phải chịu cảnh túng đói từ 3 đến 4 tháng, nên cần phải cứu tế.

  • Vũ Điệp

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay