wildlavender

Sức sống mãnh liệt của lục bát

2 bài viết trong chủ đề này

Sức sống mãnh liệt của lục bát

Thứ hai, 3/11/2008, 07:00 GMT+7

Nếu chọn một loài cây Việt tiêu biểu nhất, đó hẳn phải là cây tre.

Nếu chọn một loài hoa Việt tiêu biểu nhất, đó hẳn là hoa sen.

Nếu chọn một trang phục Việt tiêu biểu nhất, đó hẳn là chiếc áo dài.

Nếu chọn một nhạc khí Việt tiêu biểu nhất, đó hẳn là cây đàn bầu…

Cũng như thế, nếu chọn trong nền thơ ca phong phú của ta một thể thơ làm đại diện dự cuộc giao lưu thơ toàn cầu, hẳn đó phải là lục bát.

Người Âu Tây tự hào về thể sonnê, người Trung Quốc tự hào về thất ngôn Đường luật, người Nhật Bản tự hào về thơ haiku v.v… thì người Việt Nam có quyền tự hào về thể lục bát. Lục bát là niềm kiêu hãnh của thơ Việt ! Nếu tâm hồn một dân tộc thường gửi trọn vào thơ ca của dân tộc mình, thì lục bát là thể thơ mà phần hồn của dân Việt đã nương náu ở đó nhiều nhất, sâu nhất. Gắn với tiếng Việt, gắn với điệu tâm hồn Việt, thơ lục bát đã thuộc về bản sắc dân tộc này. Có thể nói, người Việt sống trong bầu thi quyển lục bát. Dân ta nói vần nói vè chủ yếu bằng lục bát. Dân ta đối đáp giao duyên, than thân trách phận, tranh đấu tuyên truyền chủ yếu bằng lục bát. Và dân ta hát ru các thế hệ, truyền nguồn sữa tinh thần của giống nòi cho lớp lớp cháu con cũng chủ yếu bằng lục bát… Lục bát là phương tiện phổ dụng để người Việt giải toả tâm sự, kí thác tâm trạng, thăng hoa tâm hồn … Lục bát thực sự là một điệu hồn Việt.

Posted Image

Lục bát thực sự là một điệu hồn Việt

Lục bát có tự bao giờ ?

Người ta đã cố gắng tìm câu trả lời. Nhưng mọi trả lời đến nay vẫn chỉ là giả thuyết. Bởi cách sinh tồn của lục bát xa xưa là sống trong trí nhớ, sống qua đường truyền miệng của bao thế hệ người Việt, ít khi nằm im lìm trên trang giấy. Nên tìm kiếm văn bản đầu tiên về lục bát, kể cả dạng manh nha, dạng tiền thân của thể loại, để xác định niên đại của nó là việc dường như bất khả thi. Tuy nhiên, cội nguồn bao giờ cũng là mối băn khoăn khôn cầm của nhân gian. Cội nguồn của lục bát cũng thế. Nó vẫn luôn là một bí mật đầy hấp dẫn, luôn mời gọi những cuộc khám phá đầy phiêu lưu của các nhà thi học, đặc biệt là “lục bát học”. Chắc chắn sẽ còn nhiều cuộc lội ngược về ngọn nguồn của tiếng Việt, lội ngược về cái vùng được xem là tiền sử của văn học và thơ ca Việt để mà khảo sát, tìm kiếm, lục lọi, để truy tìm bằng được khởi thuỷ của thể loại này. Mà cuộc tìm kiếm như thế, lắm khi, cũng oái oăm như cái điều mà một câu lục bát đã nói đến : Đem vàng đi đổ sông Ngô / Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Tương

Chỉ có hai câu, mười bốn tiếng, mà một cặp lục bát tiềm tàng những khả năng biểu hiện vô tận. Nó luôn dư sức trần thuật: Đêm qua tát nước đầu đình / Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen (Ca dao) Này chồng này mẹ này cha / Này là em ruột này là em dâu (Nguyễn Du) Đang trưa ăn mày vào chùa / Sư ra cho một lá bùa rồi đi / Lá bùa chẳng biết làm gì / Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày (Đồng Đức Bốn). Nó vô cùng dồi dào năng lực trữ tình: Ai ơi bưng bát cơm đầy / Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần (Ca dao) Nghe đi rời rạc trong hồn /Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi (Huy Cận), Ngày qua ngày lại qua ngày / Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng (Nguyễn Bính) Mái gianh ơi hỡi mái gianh / Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương (Trần Đăng Khoa)… Nó dôi dả năng lực triết luận: Trăm năm trong cõi người ta / Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau… Có tài mà cậy chi tài / Chữ tài liền với chữ tai một vần (Nguyễn Du) Xin chào nhau giữa con đường /Mùa xuân phía trước miên trường phía sau… Hỏi tên rằng biển xanh dâu / Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa (Bùi Giáng), Mẹ ru cái lẽ ở đời / Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn…Ta đi trọn kiếp con người / Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru… Có gì lạ quá đi thôi/ Khi gần thì mất xa xôi lại còn (Nguyễn Duy)… Nó đáp ứng mọi yêu cầu trào tiếu: Một rằng thương hai rằng thương / Có bốn chân giường gãy một còn ba… Anh đi công tác Plây / ku dài dằng dặc biết ngày nào ra… Ối giời ơi nõn nà chưa / Bột trinh bạch đấy giời vừa rây xongThương đùng đùng nhớ đùng đùng / Yêu nhau quẫy nát một vùng chiếu chăn… Chỉ có hai câu, 14 tiếng, với áp lực lớn về tiết tấu chẵn, mà nhịp lục bát vẫn biến hoá vô chừng. Nó có thể dàn đều nhịp: Năm năm tháng tháng ngày ngày / Lần lần lữa lữa rày rày mai mai… Mình đi có nhớ những nhà / Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son. Nó có thể kéo dài những trùng điệp, tạo nên một chuỗi đồng nhịp liên khúc: Còn tình yêu của đôi ta / Đến đây là đến đây là là thôi… Nó có thể đăng đối nhịp: Người lên ngựa kẻ chia bào… Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường… Nó có thể đảo nhịp: Cái gì như thể nhớ mong /Nhớ nàng, không, quyết là không nhớ nàng… Thác, bao nhiêu thác cũng qua / Thênh thênh là chiếc thuyền ta trên đời (Tố Hữu)… Nó có thể tràn nhịp: Lòng ta lại ếch nhái hoang cả lòng Con xin ngắn lại đường gần / Một lần rồi mẹ lại dần dần đi (Trúc Thông)Nó có thể vắt hàng: Trời cao xanh ngắt. Ô kìa /hai con hạc trắng bay về Bồng lai (Thế Lữ)… Chỉ có 14 tiếng, với hai câu chật chội, mà lục bát vẫn có cách dùng chữ với những chùm đôi, chùm ba, thậm chí, chùm bốn uyển chuyển phóng túng lạ lùng: Nắng thoai thoải nắng / chiều lưng lửng chiềuThật thà lúc lắc đong đưa thật thà… Ở đây có những người con / Mang theo cái nõn nòn non lên ngànỄnh ềnh ệch hõn hòn hon thùi lùiNgon lành gió lửng mưa lơ / vô tư như thực như mơ như gì… Ngấp nga ngấp ngoáng kêu ma / hóa ra ta gặp bóng ta trên tường

Chỉ có 14 tiếng, với đắp đổi bằng trắc khắt khe, dễ sa vào đơn điệu, thế mà trên thực tế, lục bát vẫn có những cách dàn xếp bằng trắc thú vị và hấp dẫn: Vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh (Nguyễn Du), Ngã ba ngã bảy về đâu / Cái ngáng làm cớ cho nhau chuyện trò (Hữu Thỉnh)… Đến đây gió cũng đi vòng / ngoằn theo khoeo núi ngoèo trong khuỷu rừng … Thường, mỗi cặp lục bát là một khúc thức chỉ tải vừa một giọng, ví như giọng ngợi ca: Nhớ ông cụ mắt sáng ngời / Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường… Nhưng, cũng trong phạm vi hẹp của một khúc thức thế thôi, mà lục bát vẫn có thể chuyển làn qua hai giọng mau lẹ, tạo hiệu ứng trào phúng kì thú: Bác Thành có chiếc quần nâu / Bác rất giản dị bạ đâu cũng ngồi…Hoan hô đồng chí Hà Đăng / Ấn vào tàu chạy băng băng như rùa (ca dao mới)Khả năng hình thức của một cặp lục bát là vô tận, làm sao có thể khai thác hết.

Từ xưa đến nay, lục bát vẫn song hành hai phong cách: lục bát dân gian và lục bát cổ điển. Không thể nói đằng nào hơn đằng nào kém. Đó là hai vẻ đẹp lục bát. Cả hai song hành chuyển hoá và bổ sung cho nhau. Về tổ chức lời thơ, lục bát cổ điển theo điệu ngâm (coi trọng tính uyên súc của ý, cú pháp của văn viết, chất liệu ngôn từ nghiêng hẳn về thực từ), còn lục bát dân gian theo điệu nói (coi trọng việc biểu hiện xúc cảm trực tiếp, cú pháp của văn nói, ngôn từ với phổ rộng gồm thực từ và rộng rãi hư từ, thậm chí, hết sức ưa dùng khẩu ngữ). Cùng viết về một cảnh tương tự nhau, cùng bộc lộ những cung bậc cảm xúc gần gũi nhau, nhưng cặp lục bát này: Buồn trông cửa bể chiều hôm / Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa là điệu ngâm, còn cặp này: Anh đi đó anh về đâu / Cánh buồm nâu cánh buồm nâu cánh buồm rõ ràng là điệu nói. Mỗi cặp là một vẻ đẹp riêng, không thể nào đánh đổi, mỗi cặp là con đẻ của mỗi phong cách lục bát đó. Nếu thành tựu nổi bật nhất của lục bát dân gian là ca dao, thì lục bát cổ điển được viết bởi những cây bút bác học và kết tinh chói ngời là Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Những giai đoạn sau, trong bước phát triển nào của thơ, người ta cũng luôn thấy song hành hai phong cách này. Ví như đầu thời Thơ mới, là cặp Tản Đà và Á Nam Trần Tuấn Khải, đằng nghiêng về cổ điển, đằng nghiêng về dân gian. Giữa thời Thơ mới là cặp Nguyễn Bính – đượm chất dân gian và Huy Cận - đậm màu cổ điển… Đến thời sau này thì hai phong cách ấy thường hoà vào nhau, mà chất dân gian thường trội hơn, đồng hoá cả chất cổ điển. Nổi lên nhiều cây bút sáng giá: Tố Hữu, Bùi Giáng, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Trần Đăng Khoa, Lê Đình Cánh, Phạm Công Trứ… Cứ thế, qua các thời, lục bát luôn như một dòng sông, mà các dòng chảy của nó cứ song hành và hoà quyện để làm giàu cho nhau, làm nên cái diện mạo bền bỉ mà luôn mới mẻ của lục bát.

Trong thời buổi hội nhập, toàn cầu hoá hiện nay, dường như đang có hai thái độ trái ngược đối với lục bát. Lắm kẻ thờ ơ, hoài nghi khả năng của lục bát. Họ thành kiến rằng lục bát là thể thơ quá gò bó về vần luật, về thanh luật, về tiết tấu; nó đơn điệu, nó bằng phẳng. Họ vội cho rằng lục bát chỉ biểu hiện được những cảm xúc quen thuộc của người Việt truyền thống. Còn tâm sự của người hiện đại thì lục bát khó chuyển tải. Họ lầm tưởng rằng lục bát sẽ khó thể hiện được những suy tư tinh vi phức tạp, khó theo kịp nhịp biến hoá đầy bấn loạn của tư duy thơ hiện đại. Thậm chí, có người còn coi lục bát như một rào cản đối với những lối tư duy nghệ thuật tân kì. Và, họ từ chối lục bát để một mực chạy theo những thể khác. Thực ra, mọi vẻ đẹp cùng bíến thái mơ hồ nhất của thiên nhiên, mọi biến động phức tạp khôn lường của đời sống, mọi tầng sống sâu xa huyền diệu nhất của tinh thần cá thể, mọi khuynh hướng tư duy nghệ thuật, dù truyền thống hay tân kì, đều không xa lạ với lục bát. Vấn đề là người viết có đủ tài để làm chủ được lục bát hay không.

Vì thế mà có xu hướng ngược lại, nhiều người đã nhận thấy ở lục bát những ưu thế không thể thơ nào có được. Họ đã tìm về lục bát. Họ ý thức rõ, từ xưa đến nay, lục bát luôn là thể thơ đầy thách thức. Sự gò bó có thể là một khó khăn bất khả vượt đối với ai đó, nhưng nó là một thách thức đầy hấp dẫn đối với những tài năng thơ thiết tha với tiếng Việt, thiết tha với điệu tâm hồn Việt. Họ nâng niu, chăm chút. Họ làm mới, họ cách tân, để gửi gắm tấc lòng của con người hôm nay vào thể thơ hương hoả của cha ông. Họ dùng lục bát như một phương tiện tâm tình gần gũi, để nói những gì sâu sắc nhất của tâm tư. Đọc thơ lục bát thế kỉ XX, có thể thấy rõ rệt, càng về sau, hơi thở lục bát càng hiện đại hơn so với hồi đầu. Điều đó là bằng chứng khẳng định lục bát vẫn trường tồn, lục bát vẫn gắn bó máu thịt với tâm hồn Việt.

Chừng nào tre còn xanh, sen còn ngát, chừng nào tà áo dài còn tha thướt, tiếng đàn bầu còn ngân nga, chừng ấy những điệu lục bát vẫn tiếp tục sinh sôi trên xứ sở này.

Lục bát mãi mãi là một tài sản thiêng liêng của nền văn hoá Việt.

Chừng nào thế giới còn chưa thấu tỏ vẻ đẹp của lục bát, chừng ấy họ chưa thực sự hiểu vẻ đẹp của thơ Việt.

Và, chừng nào ta còn chưa làm cho thế giới tiếp nhận được vẻ đẹp của thơ lục bát, chừng ấy nền thơ Việt còn chưa thực sự làm tròn sứ mạng của mình.

Chu Văn Sơn

nguồn vietimes

Share this post


Link to post
Share on other sites

Thơ lục bát như con đê ngăn sóng

Thứ tư, 5/11/2008, 07:00 GMT+7

Anh bạn của tôi là Nguyễn, làm thơ, tuổi đời còn rất trẻ. Nhưng anh đã sớm bộc lộ cá tính văn chương khá mạnh. Anh ấy hỏi tôi rằng, vào thế kỷ hăm mốt, thơ lục bát liệu còn có đất sống không? Thấy tôi chưa kịp mở miệng, người bạn trẻ đã nhấn mạnh thêm. Trái đất ngày nay không còn là hình cầu nữa, một thế giới phẳng đã và đang hình thành. Nó sẽ phát triển bền vững và ổn định lâu dài. Bởi nhân loại đang sở hữu một nền khoa học kỹ thuật tiên tiến, siêu bùng nổ và ngày càng hùng mạnh. Điều đó khiến cho cả loài người và các quốc gia không còn cảm giác khoảng cách nữa. Vậy văn học nghệ thuật ở ta liệu có thể giữ vững bản sắc riêng của mình không. Đặc biệt là thơ lục bát, em xin nhắc lại. Thơ lục bát.

Muỗi. Tôi không nghĩ thế. Cơm tính đằng cơm. Rượu tính đằng rượu. Khác đường khác tính. Người miền núi chúng tôi vẫn nói vậy. Rượu dẫu có quý giá và ngon, nhưng không thay thế được cơm. Và ngược lại. Hầy dzà! Lại nói cái lý người Mèo rồi. Nhưng bạn đã hỏi, chả lẽ tôi lại không dám liều. Này! Tôi nhắm mắt nhảy nhé.

Khoa học bùng nổ là công việc của mấy ông bác học, mấy vị trong viện hàn lâm. Những nhà khoa học lừng danh hàng đầu thế giới. Công nhận họ là những người ưu tú nhất của hành tinh, ở thế kỷ này. Công lao ấy thật to lớn, các nhà khoa học làm thay đổi hẳn bộ mặt sinh hoạt đời sống xã hội, đến từng con người cụ thể. Phải gọi những thành quả ấy là thần kỳ. Không sai.

Nhưng với văn học nghệ thuật, có một sức sống mạnh mẽ và hoàn toàn độc lập. Đặc biệt, thơ lục bát là tài sản tinh thần vô giá của ông cha chúng ta để lại. Thơ lục bát trên sáu dưới tám, nó có hình thang, vững vàng như con đê ngăn sóng. Lục bát là con đê thơ sừng sững với thời gian. Đấy là một phát minh kỳ diệu của tổ tiên chúng ta. Đã trải qua mấy ngàn năm, lục bát vẫn là hồn cốt thi ca của người Việt. Điều này tôi nói cũng bằng thừa. Bởi đã có rất nhiều thế hệ người Việt Nam thực sự tự hào, cảm phục về thơ lục bát. Tổ quốc ta bao phen bị nhấn chìm dưới gót giày của quân xâm lược. Thế nhưng văn hóa Việt Nam không hề bị khuất phục, không bị đồng hóa. Nó vẫn trường tồn như núi sông, như cây cỏ, như miếng trầu, như tóc búi tó, như răng đen nhức. Nói như thế có vẻ đao to búa lớn, nhưng những gì ta đang sống, đã trải nghiệm, trả lời cho chúng ta rồi. Văn hóa Việt Nam mất sao được. “Truyện Kiều còn nước ta còn”. Tôi xin nhái, nước ta còn thơ lục bát còn. Thơ lục bát mất sao được. Tôi đố …

Anh bạn trẻ lại hỏi. Thế tại sao bác ít làm thơ lục bát, hầu như em chưa được đọc bài lục bát nào. Vì tôi sợ. Thơ lục bát dễ làm nhưng thậm khó hay. Tôi nhớ có một ai đó nói thế này, làm thơ lục bát giống như ta luộc rau muống. Ai cũng có thể làm cho rau chín, nhưng để nó xanh giòn mà vẫn mềm rau, đòi hỏi phải có tay nghề. Phàm đã là tay nghề, dẫu có được truyền lại, thì cũng mỏi tay mờ mắt lắm lắm, mới có thể học đòi bắt chước được tý chút. Anh bạn đừng cười. Có bao nhiêu cái tinh túy của lục bát, ông cha chúng ta đều sài trước cả rồi. Còn lại vài miếng bạc nhạc với xương xẩu, thì đã có mấy bác, mấy chú, mấy anh nhanh mắt nhanh tay cỗm nốt. Thành ra tôi chỉ đứng ngoài nhìn thèm nhỏ dãi. À mà xin nói ngay. Tôi là người Tày. Người Tày không có truyền thống thơ lục bát. Đấy! Tôi chả giấu giếm gì. Cũng chẳng phải là cái thằng tôi cổ hủ cực đoan, không chịu tiếp thu cái hay cái đẹp của người khác. Tôi tự biết mình không sở trường sở đoản gì cả về khoản thơ lục bát này. Đúng không. Cho nên tôi cứ thơ tự do mà giã. Thơ tự do như người chơi cờ tướng trong túi quần, như hai gã khùng chơi bóng bàn mà không cần lưới giăng. Nó có cái cực khó đấy, nhưng cái dễ thì đúng như …tự do. Thôi, chả dám. Thằng chết cãi thằng khiêng. Bạn còn trẻ, là người học hành nhiều, có bài bản. Tôi sắp hạ thổ đến nơi rồi, mới học dỏm dăm ba câu thôi.

Bác có đồng ý với em, thời của các cụ cứ hàng một rồng rắn mà đi trên bờ ruộng. Vừa đi vừa làm thơ à ơi đưa đẩy. Đến đây mận mới hỏi đào,vườn hồng đã có ai vào hay chưa. Chúng ta đang sống là thời siêu tốc độ. Loáng một cái, tất cả đã biến mất. Chưa kịp phát hiện ra đâu là đực, đâu là cái, đâu là xấu, đâu là đẹp. Đào với chả mận, nghe mà sốt ruột. Cứ toạc móng heo em có dám bỏ chồng về ở với anh không hay khỏa thân trong chăn thèm chồng cho nó nhanh. Ấy! Đừng nóng tính, anh bạn. Đang trưa ăn mày vào chùa. Sư ra cho một lá bùa rồi đi. Lá bùa chẳng biết làm gì. Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày. Chẳng biết nhớ có chính xác không, nhưng theo tôi, đó là một trong những bài thơ đọc một lần thấy thích ngay. Hiện đại đấy chứ. Hình như đấy là bài thơ cuối cùng của nhà thơ Đồng Đức Bốn. Thiêng thế. Vừa nhắc đến anh, có ngay một trận mưa rào. Ăn mày cửa phật là hiện thực đời sống ngày nay. Trong thời đại công nghiệp, do áp lực của công việc, nên nhiều nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý… đã tìm đến cửa Phật để thư giãn, vừa là để ăn mày. Một sự ăn mày tâm linh. Nhưng sư ra mà không giảng giải gì, chỉ cho một lá bùa. Lá bùa phải chăng là những tri thức siêu việt của nhà Phật. Là sự tự giác ngộ. Tự anh nhận thức lấy. Tu tại tâm. Nếu tôi không nhầm, điều này chỉ xảy ra ở thế kỷ hăm mốt. Thế kỷ mà các nhà khoa học đã đạt đến trình độ nghiên cứu hơn hẳn ngày trước. Nếu bạn chưa tin, hãy đi cùng tôi tới Câu lạc bộ Hiệp hội các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. Bạn sẽ chứng kiến tận mắt các học giả, nhà khoa học cả ta lẫn tây đang miệt mài om ma ni tê mê hông …lăn lưng ra mà thiền tập cùng yôga, vào các buổi chiều thứ ba và thứ năm hàng tuần. Văn hóa phương Đông đang có cơ thắng thế văn hóa phương Tây. Nói thế có ngoa không nhỉ. Nhưng sự thật là nhiều nước trên thế giới, đã áp dụng phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc của giáo sư bác sỹ biệt tài Nguyễn Tài Thu. Vì thế, châm cứu Việt Nam là một bí ẩn. Cũng vậy. Đàn bầu Việt Nam là một bí ẩn. Tất nhiên, thơ lục bát của Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nó là một món đặc sản.

Nhưng, nói đi thì nói lại. Chắc chắn đã, đang và sẽ có một bộ phận người từ chối thơ lục bát. Họ cho rằng thể thơ ấy, từ lâu không còn hợp thời nữa. Hãy cất nó vào trong rương cùng với khăn xếp áo the, quần thâm quạt mo, thuốc lào cơi trầu. Thơ lục bát đã được toàn dân quy chuẩn là toàn bích, nó có niêm luật rõ ràng mạch lạc. Thơ lục bát là hàng hóa đặc biệt đã được đóng hộp, hãy cứ để nguyên đai nguyên kiện. Có bảo hành vô thời hạn. Nếu ai đó có ý định làm mới, bóp méo hoặc phá cách, cứ thử đi, nhưng không được sai luật bằng trắc. Trên thực tế, đã có nhiều nhà thơ tên tuổi và để lại nhiều thi phẩm lục bát độc đáo. Đó là một sự sáng tạo thành công đáng kể của các nhà thơ Việt Nam đương đại. Song, vấn đề chính yếu là ở tính nhịp điệu tốc độ cà rịch cà tang của thể thơ. Hình như thơ lục bát chỉ hợp với khung cảnh mây tre đan nhâm nhi nhàn tản. Có vẻ như nó không ăn kịp với suy nghĩ và việc làm của con người ngày nay. Thậm chí có người tung hô rất to, đòi cách tân thơ Việt một cách triệt để. (Nói nhỏ nhé, điều này có người nói cách đây non thế kỷ rồi. Hi hi hi). Có kiên quyết cách tân như thế mới hòng đuổi kịp thơ thế giới. Nhưng đuổi cái gì và như thế nào thì không một ai nói cho ra ngô lai ra khoai lang tím. Các bác cứ viện dẫn ông Ốp, ông Ép, bà Hytotôbô… nói thế này kia. Tại sao không nêu hẳn cái sự đời của xã hội, con người Việt Nam bức xúc như thế nào. Tôi thì không bao giờ tin những kẻ vung tay quá óc, to mồm lên mà gào thét. Tôi chỉ nể sợ bông hoa lặng lẽ thơm, con cá lặng lẽ lớn, mặt trời lặng lẽ tỏa sáng, bào thai lặng lẽ nở. Anh muốn nói gì cũng được, miễn có thơ hay. Đúng không bạn. Thơ hay tự nó khẳng định sự “tồn tại hay không tồn tại”. Nhưng mà bạn ơi, nói đến những vấn đề có hơi hướm “ný nuận”, tôi lại thấy đau đầu nhức óc quá rồi. Xin phép bạn cho tôi được ngồi trên cỏ, dùng cơm canh với rau muống luộc dầm sấu. Nó giải sầu ngon lành như thơ lục bát. He! he ! Mình rằng mình hãy còn son, ta đi qua ngõ thấy con mình bò.He! he! Áo anh sứt chỉ đường tà, vợ hai ba bốn năm anh chưa có …he he…

Y PHƯƠNG

(Vietimes)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay