Posted 31 Tháng 1, 2012 Thủy quân triều Nguyễn Thứ Tư, 01/02/2012, 06:14 (GMT+7) Người Việt chinh phục đại dương - Kỳ 5: TT - “Chắc chắn rằng người An Nam phải là những kỹ thuật gia về thủy quân và công trình của họ có một vẻ đẹp khéo léo. Tôi bị ấn tượng rất mạnh bởi ngành này ...”. Từ đầu thế kỷ 19, thuyền trưởng người Mỹ John White đã thốt lên khi thăm các xưởng đóng tàu hải quân nhà Nguyễn. Một chiến thuyền nhỏ của thủy quân nhà Nguyễn - Ảnh tư liệu Những xưởng đóng tàu chiến Từ biển Vũng Tàu, tôi vào Sài Gòn theo hải trình qua cửa biển Cần Giờ mà tàu Franklin xưa của John White đã đi. Hai trăm năm trôi qua, bến bờ hoang sơ mà viên thuyền trưởng người Mỹ từng mô tả đã đổi thay nhiều, nhưng cặp mắt hàng hải của ông vẫn nhìn đến thời nay khi nó vẫn là thủy lộ huyết mạch nối thế giới bên ngoài với cảng Sài Gòn. Trong hồi ký Chuyến đi đến “Nam Hà”, John White kể ông đến Sài Gòn vào tháng 10-1819 và rất thích thú các xưởng đóng tàu: “Về phía đông bắc, trên bờ sông sâu, người ta thấy một công trường xây dựng và một xưởng đóng tàu thủy quân. Tại xưởng này, thời loạn lạc, người ta đã đóng những chiếc thuyền chiến to lớn có nhiều buồm ... Chỗ đóng tàu này đã tạo danh dự cho người An Nam hơn bất cứ cái gì hiện có trong xứ sở họ. Nó có thể cạnh tranh với những xưởng đóng tàu tốt nhất của châu Âu ... Xưởng đầy ắp vật liệu có phẩm chất tuyệt vời để đóng nhiều hộ tống hạm. Các thứ gỗ để đóng tàu và những lớp vỏ lòng tàu đều là những thứ đẹp nhất mà tôi chưa bao giờ được thấy ...”. Bị thu hút bởi xưởng đóng tàu thủy quân, John White liệt kê: “Có khoảng 150 chiếc thuyền chiến được đóng rất tốt nằm dưới các nhà chái... Có một vài chiếc được trang bị đến 16 khẩu đại bác bắn đạn nặng ba cân Anh. Nhiều chiếc khác được trang bị từ bốn đến sáu canông bắn đạn nặng từ 4-12 cân Anh. Tất cả đều bằng đồng và đúc rất đẹp. Ngoài ra còn có độ 40 thuyền chiến đang neo đậu trên sông, chuẩn bị tham gia một chuyến tuần thám bất ngờ mà quan tổng trấn sẽ thực hiện ở miền thượng lưu con sông, ngay lúc ông từ Huế trở về... Chắc chắn người An Nam phải là những kỹ thuật gia về hải quân và công trình của họ có một vẻ đẹp khéo léo. Tôi bị ấn tượng rất mạnh bởi ngành này của nền kinh tế chính trị của họ, nên tôi đã đến thăm viếng xưởng đóng tàu rất nhiều lần ...”. Thời điểm năm 1819, những gì John White quan sát là kết quả chiến lược phát triển hải quân hùng mạnh của Nguyễn Ánh để bảo vệ bờ cõi, chủ quyền biển đất nước. Đến nước Việt sớm hơn John White, nam tước John Barrow, người Anh đi biển lừng danh đã sáng lập Hội Địa lý hoàng gia, tường thuật tỉ mỉ nỗ lực của Nguyễn Ánh xây dựng các hạm đội hùng mạnh. Trong du ký A voyage to Cochinchina in the years 1792 - 1793 (Một chuyến du hành tới Nam Hà trong các năm 1792 - 1793), John Barrow kể rằng: “Ông (Nguyễn Ánh - PV) đặc biệt lưu ý về những gì liên quan đến kỹ thuật hàng hải và kỹ nghệ đóng tàu... Để nắm vững kiến thức về thực hành cũng như lý thuyết của kỹ thuật đóng tàu châu Âu, ông đã mua một chiếc tàu Bồ Đào Nha với mục đích chỉ để tháo ra từng bộ phận, từng tấm ván một, rồi tự tay lắp vào một tấm ván mới có hình dáng và kích thước tương tự cái cũ mà ông đã tháo ra, cho tới khi mọi thanh sàn tàu, xà ngang tàu, thanh gỗ khớp nối được thay thế bằng những cái mới, và như vậy con tàu hoàn toàn đổi mới... Nhà vua là người quản đốc các cảng biển và kho quân dụng, thợ cả trong các xưởng đóng tàu, kỹ sư trưởng trong mọi công trình, không có việc gì dự định thực hiện mà không có lời khuyên bảo và chỉ dẫn của ông. Trong việc đóng tàu, không có cái đinh nào được đóng mà không có sự tham vấn ban đầu của ông, không có một khẩu đại bác nào được đưa lên vị trí mà không có lệnh của ông”. Phải khẳng định John Barrow viết rất cẩn trọng, tham khảo, đối chiếu nhiều nguồn tư liệu khác như từ chính ghi chép của Barysi, cố vấn đắc lực cho Nguyễn Ánh. Nhờ đó, John Barrow chân thực kể về Nguyễn Ánh rằng: “Ông đi đến các xưởng quân dụng hải quân, xem xét những công việc được thực hiện khi ông vắng mặt, cho thuyền chèo quanh các hải cảng, kiểm tra những thuyền chiến. Ông đặc biệt chú ý đến các sở quân cụ, các lò đúc được dựng nên trong các sở binh khí, các cỡ súng đại bác đã được đúc ra theo đủ loại kích cỡ ... Ông dùng bữa ngay ở xưởng đóng tàu, gồm một ít cơm ăn với cá khô. Khi đó vua lại trở dậy, hội kiến với các sĩ quan quân đội và hải quân”. Hơn hai vạn thủy quân Chiến lược phát triển hải quân của Nguyễn Ánh đã được John Barrow kể lại kết quả từ chính những gì ông thấy và tư liệu xác thực từ viên thuyền trưởng Barysi, từng là trợ thủ hải quân của Nguyễn Ánh: trong năm 1800, lực lượng hải quân của Nguyễn Ánh đã đến 26.800 người. Trong đó chỉ riêng thợ xưởng hải quân đã có 8.000 người, 8.000 lính trên 100 chiến thuyền chèo tay, 1.200 lính trên chiến thuyền đóng kiểu châu Âu, 1.600 lính phục vụ trên các thuyền mành và 8.000 lính thường trực ở cảng. Thuyền trưởng Mỹ John White bổ sung số liệu hải quân nhà Nguyễn năm ông ta có mặt ở nước này: “Ở Huế, nhà vua cũng có một đội thuyền chiến và vào năm 1819, 200 chiến thuyền khác có trang bị 14 khẩu thần công đang được đóng. Trong số 200 chiến thuyền này, có khoảng 50 chiếc được trang bị buồm chão bằng buồm dọc và có một phần được đóng theo kiểu châu Âu”. Đến triều Minh Mạng, bộ sử Đại Nam hội điển sự lệ ghi rõ số lượng tàu thuyền lúc ấy đã phát triển thêm rất nhiều như năm 1828, chỉ riêng ở kinh sư đã có 379 chiếc thuyền định ngạch, còn các tỉnh thành lớn như Gia Định có 105 chiếc, Nam Định 85 chiếc, Nghệ An 40 chiếc, Quảng Nam 40 chiếc, Quảng Ngãi 25 chiếc ... Những nhà hàng hải nước ngoài cho rằng sự phát triển hải quân nhà Nguyễn đã có bước ngoặt lớn trong thời Nguyễn Ánh. Ngoài tầm nhìn xa trông rộng của vị vua này còn có sự trợ giúp của một số người Pháp. Nhưng họ cũng thừa nhận thời tổ tiên Nguyễn Ánh đã có hải quân hùng mạnh lập nhiều chiến thắng hiển hách. Trong đó lẫy lừng nhất là trận cửa Eo, Thuận An, năm 1644, chúa Nguyễn Phúc Lan với chiến thuyền nhỏ đánh bại đội tàu chiến Hà Lan. Dù dày dạn kinh nghiệm hải chiến với tàu lớn, pháo hạng nặng, nhưng tàu Hà Lan đã bị nhà Nguyễn vô hiệu hóa bằng chiến thuật áp sát thần tốc của chiến thuyền nhỏ. Một chiến hạm Hà Lan bị đắm tại chỗ, một chiếc cùng đường phải cho nổ kho thuốc súng hủy tàu và chiếc còn lại quay đầu chạy. Ngoài hải chiến cửa Eo, hải quân nhà Nguyễn cũng nhiều lần gây khiếp vía cho các tàu cướp phá đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. QUỐC VIỆT 1 person likes this Share this post Link to post Share on other sites
Posted 1 Tháng 2, 2012 Người Việt chinh phục đại dương TT - Từ xa xưa, người Việt đã giỏi thủy chiến với nhiều chiến thắng hiển hách. Đến triều Nguyễn, hải quân được nâng tầm chiến lược. Nhiều hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải được thành lập, các dự án đóng tàu hơi nước, tàu bọc đồng, đặc biệt đưa người ra nước ngoài học hỏi kỹ thuật hàng hải và kỹ nghệ đóng tàu. Đó là hành trình dài đầy ý chí tiến ra đại dương của người Việt và minh chứng xác thực chủ quyền biển của quốc gia đã được thực thi từ lâu đời...Kỳ 1: Khát vọng tàu hơi nước “Tàu này mua bên Tây cũng được, nhưng muốn khiến cho công tượng nước ta tập quen máy móc cho khéo, vậy nên chẳng kể lao phí gì”. Từ năm 1839, lời phán của vua Minh Mạng đã lưu truyền chính sử, khi ông thân chinh đến dự lễ hạ thủy tàu hơi nước đầu tiên do chính người Việt đóng.Loại thuyền đi biển quan trọng nhất của nhà Nguyễn trong thế kỷ 19 được khắc trên cửu đỉnh ở Huế - Ảnh: THÁI LỘC Ai đóng tàu hơi nước đầu tiên? Từ nội thành Huế, tôi tìm về quê hương Hoàng Văn Lịch đã lưu danh trong công trình đóng tàu hơi nước đầu tiên ở làng Hiền Lương, huyện Phong Điền. Đây là làng Việt cổ có tên là Hoa Lang, huyện Quảng Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Triều Minh Mạng đổi Thuận Hóa làm phủ Thừa Thiên và đặt lại tên làng Hoa Lang thành Hiền Lương. Trải bao biến động thời cuộc, làng luôn nổi tiếng với nghề rèn. Đặc biệt không chỉ rèn nông cụ, danh tiếng Hiền Lương còn gắn liền việc chế tạo vũ khí. Người làng đỗ đạt cao, làm quan triều đình. Khi vua Minh Mạng thực hiện cách mạng hàng hải, khởi đóng những chiếc tàu hơi nước của nước Việt thì chính Hoàng Văn Lịch, người Hiền Lương, được giao làm giám đốc công trình đặc biệt này. Bao vương triều hưng thịnh rồi suy vong, nhưng Hoàng Văn Lịch vẫn mãi lưu danh trong ký ức nhiều đời người Hiền Lương. Nhà nghiên cứu Huế Dương Phước Thu là người làng này hồi tưởng: “Dân làng tôi truyền đời kính trọng cụ Hoàng Văn Lịch. Đến giờ vẫn còn phần mộ, nhà thờ ghi công đức cụ cho hậu thế không quên...”. Theo nghiên cứu của ông Thu, Hoàng Văn Lịch sinh năm giáp ngọ 1771 ở làng Hiền Lương, hưởng thọ 77 tuổi. Công đức ông rõ nhất có lẽ chính là nội dung bản sắc phong của vua Thiệu Trị được khắc trên bia mộ: “Năm Thiệu Trị thứ sáu. Cáo thọ Minh Nghĩa đô úy Võ khố đốc công sở chánh giám đốc thủy tráng dực Lương Sơn Hầu Hoàng Văn Lịch... Nay ban tờ chiếu này trước là để cho tận lực của người được phấn chấn mà tỏ lòng cường lĩnh, trung kiên, sau là để thưởng cho người nhiều công lao đốc thúc, đảm đang phòng ngự, bảo vệ vương triều...”. Đặc biệt, mặt sau bia mộ còn được con cháu đời sau ông ghi cụ thể: “Hiển cao tổ khảo Hoàng Văn Lịch... trí tuệ thông minh, kỹ nghệ tinh xảo, học thông chữ tốt, võ vẫn kiêm văn. Triều Gia Long bổ vào Thạch Cơ Tượng. Triều Minh Mạng thăng thọ chánh giám đốc ở sở Võ khố kiêm quảng bá công cuộc... đốc suất chế tạo ra mấy chiếc hỏa thuyền...”.Đầu đông 2011, nắng hanh hao đường làng Hiền Lương. Tôi lần lại dấu vết người xưa. Phó giáo sư Hoàng Dũng, hậu duệ họ Hoàng làng Hiền Lương, kể rằng ông đã được nghe các bậc cao niên truyền kể cụ Hoàng Văn Lịch là người đặc biệt, mang lại tiếng thơm cho làng. Học hành đỗ đạt làm quan thì nhiều làng đều có, nhưng từ người làng rèn trở thành “công trình sư trưởng” đóng tàu hơi nước đầu tiên ở Việt Nam như cụ Hoàng Văn Lịch làng Hiền Lương này là rất hiếm để đời sau tôn vinh.Hỏa thuyền Đại Nam Những ngày ở Huế, tôi cố gắng tìm dấu vết còn lại của những chiếc tàu hơi nước đầu tiên. Quốc triều sử toát yếu của Cao Xuân Dục kể rằng triều Minh Mạng năm thứ 19 (1838) đã cho Võ khố đóng tàu hơi nước theo nghiên cứu kiểu cách tàu máy mua của Tây Dương. Năm sau, công trình đặc biệt này hoàn thành. “Tháng 4, ngài (vua Minh Mạng) ngự chơi Bến Ngự, xem thí nghiệm tàu chạy máy hơi. Khi trước khiến sở Võ khố chế tạo tàu ấy, đem xe chở ra sông, giữa đàng vỡ nồi nước, máy không chạy, người đốc công bị xiềng, quan bộ công là Nguyễn Trung Mậu, Ngô Kim Lân vì cớ tâu không thiệt đều bị bỏ ngục. Bấy giờ chế tạo lại, các máy vận động lanh, thả xuống nước chạy mau. Ngài ban thưởng giám đốc là Hoàng Văn Lịch, Võ Huy Trinh mỗi người một cái nhẫn pha lê độ vàng, một đồng tiền vàng Phi Long hạng lớn, đốc công và binh tượng được thưởng chung 1.000 quan tiền. Ngài truyền rằng: Tàu này mua bên Tây cũng được, nhưng muốn khiến cho công tượng nước ta tập quen máy móc cho khéo, vậy nên chẳng kể lao phí gì”...Tác giả Huỳnh Hữu Hiến viết cuốn Hiền Lương chí lược, kể thêm sau cuộc thử nghiệm thất bại, giám đốc Hoàng Văn Lịch cùng cộng sự tại Võ khố nghiên cứu, sửa chữa được hỏng hóc và chạy thử thành công ở sông An Cựu. Sự kiện này đánh dấu mốc lịch sử trong nỗ lực của ngành đóng tàu nước Việt. Sử nhà Nguyễn ghi chép rõ ý chí nắm bắt kỹ thuật đóng tàu máy của nước Việt từ cách đây gần hai thế kỷ: “... Kiểu thuyền ấy nhờ hơi mà chuyển động, không cần gió nước thuận hay nghịch, không bắt sức người chèo chống mà thuyền tự phóng nhanh, máy móc thực là tinh xảo. Phải thu mua bằng giá đắt để phỏng theo cách thức đóng thuyền lớn khác để dùng mãi mãi”. Sau đó, ít nhất hai tàu hơi nước khác được tiếp tục đóng mới. Đặc biệt, Hoàng Văn Lịch còn chỉ huy thợ thuyền chế tạo thành công bộ máy tàu lớn. Ngoài thợ kinh thành và làng Hiền Lương, 90 thợ rèn, đúc ở Hà Tĩnh, Bắc Ninh cũng được trưng dụng. Kỹ thuật đóng tàu được nghiên cứu, cải tiến, kể cả cỡ tàu, mớm nước lẫn động cơ. Để nâng vận tốc và độ linh hoạt, những bộ phận quan trọng như thùng hơi nước, bánh xe quay đều được tăng kích cỡ trong khi ván thuyền sử dụng nhiều loại gỗ nhẹ hơn. Từ đây, ngành đóng tàu hơi nước triều Minh Mạng tiến dần đến quy thức công nghiệp. “Lần này, đóng thuyền cơ khí, vật kiện máy móc làm ra kích thước to nhỏ đã có đồ thức làm bằng cứ, không ví như một lần đầu làm thử... Hạn trong tháng 12 nay hiện đã hoàn chỉnh, quả có linh hoạt, tinh xảo nên công hiệu rõ ràng”. Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, ít nhất triều Minh Mạng đã đóng thành công mấy chiếc tàu hơi nước. Chiếc Yên Phi lớn nhất, dài 8 trượng 5 thước 2 tấc, rộng 2 trượng 6 tấc và sâu 8 thước 6 tấc 1 phân (1 trượng = 10 thước mộc, một thước mộc = 0,425m). Hai chiếc khác là Vân Phi và Vụ Phi. Đặc biệt, tàu hơi nước người Việt đóng đã có cải tiến so với tàu mua. “Chiếc thuyền cơ khí mua của Tây Dương cũ, trước đã có chỉ giao Vệ long thuyền nhận giữ để chạy thử. Hiện nay thuyền cơ khí đã có những chiếc mới đóng, còn chiếc cũ ấy ngắn nhỏ, xét ra không dùng vào việc gì”. Thời vua Thiệu Trị tiếp tục cho đóng mới tàu hơi nước tên Hương Nhi và cải tiến các tàu đã đóng. Ngoài đóng mới, triều đình cũng mua thêm tàu hơi nước và tiếp tục học hỏi kỹ thuật đóng tàu hiện đại bấy giờ.QUỐC VIỆT 1 person likes this Share this post Link to post Share on other sites