Posted 8 Tháng 12, 2011 Tản mạn về bức vẽ ‘Hiếu-Ức-Quốc’ (phần 1) (Họa phẩm cổ nhất liên hệ đến Việt Nam/Đại Việt) Nguyễn Cung ThôngHọa phẩm bên dưới cho thấy hình ảnh các sứ giả của Hiếu-Ức-Quốc - dịch âm Hán Việt/HV trực tiếp từ chữ Trung Hoa/TH bên góc phải - rất đáng chú ý từ nhiều phương diện. Phần này tóm tắt cách nhìn từ quá trình phục hồi âm cổ để đưa ra một giải thích, hi vọng sẽ thấy được nghĩa chính xác hơn của cụm từ ‘Hiếu-Ức-Quốc’ này. 1. Bức tranh này được đăng trên mạng ‘Việt Nam hình ảnh xưa’ của Nguyễn Tấn Lộc1, trích lại từ cuốn “Đất Việt Trời Nam” của tác giả Việt Điểu Thái Văn Kiểm - xuất bản ngày 22-08-1960 tại Sàigòn. Theo lời trích thì ‘…Một họa phẩm danh tiếng của Lý-Công-Lân hay Lý-Long-Miên, người đất Chu, đại thần đời nhà Tống, miêu họa các sứ giả của Hiếu-Ức-Quốc, có nghĩa là nước của những người có lòng hiếu thảo, tức là nước Đại Việt…’. Đọc xong lời giải thích, người viết rất thắc mắc vì có thể Hiếu-Ức-Quốc chỉ là dạng phiên âm (của một tiếng ngoại quốc dùng các âm Hán Trung Cổ) chứ không mang nghĩa đặc biệt gì cả, như những ghi nhận sau đây. 2. Hiếu2 HV đọc là xiào (theo pinyin/phiên âm Bắc Kinh/BK) bây giờ. Ức HV đọc là yì BK bây giờ, nghĩa là trước ngực - ngực với phụ âm đầu ng- và phụ âm cuối –c cho thấy một dạng âm cổ hơn. Quốc HV đọc là guó BK bây giờ, dạng HV vẫn còn duy trì âm cuối –c3. Hiếu/xiào có dạng âm Hán Cổ ra sao ? Thật ra hiếu HV đã là một dạng âm cổ còn duy trì trong tiếng Việt. Ta có thể tìm thêm vài manh mối trong các từ có chữ hiếu làm thành phần hài thanh/HT sẽ thấy rõ hơn. Hao HV viết bằng bộ khẩu hợp với chữ hiếu HT là la hét, mà tiếng Việt còn có từ gào (thét), cũng như các từ HV khác như khiếu (kêu to) . Thêm vào đó là liên hệ rất gần4 giữa hai phụ âm h và k để ta có thể khôi phục âm cổ của hiếu/xiào là *khjô/kjô – so với dạng âm Hán Trung Cổ thường thấy là *kheo (phiên âm theo tiếng Việt). Còn ức/yì có dạng âm Hán Cổ ra sao? Ta để ý yì còn là giọng BK cho dịch/*diệt hay cũng là âm Hán Trung Cổ với phụ âm cuối –t : thành ra hai âm hiếu ức, ngược dòng thời gian hơn 1000 năm, có thể đọc như là *kjô *diệt. Hai âm này rất gần với hai âm Cồ Việt (đọc theo giọng Nam), tên của nước Việt Nam thời Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế (968) – tên này được dùng nhiều năm sau đó – phù hợp với khoảng thời gian bức họa của Lý-Công-Lân ra đời (thời Tống 960-1279 SCN). Đại trong Đại Cồ Việt chỉ là tiếng thêm vào cho oai vệ như các cách dùng (nước) Đại Hán, Đại Thanh, Đại Nam, Đại Việt, Đại Pháp, Đại nhân … Ngay cả trong tiếng Anh thuộc họ Ấn-Âu ta còn thấy nước Anh gọi là ‘Great Britain’ (nước Đại Anh). 3. Trong cách phiên âm của tiếng nước ngoài vào tiếng TH, ta nhận thấy những trường hợp như sau : nước Mĩ/Mỹ là Mỹ Quốc HV hay Mĕiguó BK, mĕi là mỹ (đẹp); Nước Pháp là Pháp Quốc HV hay Făguó BK, fă là pháp (luật) …v.v… Các âm Mỹ hay Pháp đều là âm tương đương của me- (trong chữ America, dấu nhấn vần thứ hai a-me’-ri-ca) và âm rút gọn của Pha-Lăng-sa (France, âm đầu). Nếu dựa trên các chữ mỹ để giải thích nước Mĩ/Mỹ có nhiều người đẹp, hay nước Pháp có nhiều luật lệ thì e không được ổn cho lắm : ta đã lầm phiên âm thành ra phiên nghĩa…v.v… Đây có thể là trường hợp của “Hiếu-Ức-Quốc” ghi trong phần 1 ở trên. 4. Một lầm lẫn rất thường gặp là dùng hệ thống âm thanh hiện tại để gán ghép vào hệ thống âm thanh trong quá khứ, nhất là khi khoảng cách thời gian rất lớn (như cả ngàn năm đã qua chẳng hạn). Ngôn ngữ con người luôn luôn thay đổi, theo thời gian để cho các tiếng cổ và theo không gian để cho các tiếng địa phương (phương ngữ, thổ ngữ…). Sự thay đổi này còn được ghi trên giấy tờ rõ ràng như tên thành phố Bắc Kinh, Nam Kinh : thế hệ bây giờ thường đọc là Bây-Ching (theo giọng Phổ Thông BK, bĕijīng) hay Nan-Ching (Nánjīng BK), nhưng các báo chí sách vở từ trăm năm qua vẫn thường ghi là Peking, Nanking … và ta vẫn cứ gọi là Bắc Kinh, Nam Kinh khi nói chuyện hàng ngày. Bắc HV còn duy trì âm cổ cuối –k (cũng như một số giọng miền Nam TH như Quảng Đông, Hẹ) và phụ âm cổ đầu k- của Kinh (thay vì ngạc hoá thành một dạng ch-). 5. Cách dùng hiếu ức có vẻ gượng ép, so với những cách dùng HV khác như hiếu tâm (lòng hiếu thảo5), hiếu tính (tính hiếu thảo của con đối với cha mẹ), hiếu đạo (đạo phụng dưỡng cha mẹ), hiếu thuận (hiếu thảo và phục tùng cha mẹ), hiếu nữ (người con gái có hiếu), hiếu tử (con có hiếu, con đang có tang cha mẹ) …v.v… 6. Cồ7 hay cù HV viết bằng bộ mục, giọng BK bây giờ là jù, qú, qū, jí, jī so với giọng Quảng Đông keoi4, geoi3, geoi6, geoi2 và âm Hẹ là ki1, gi5 … và âm Hán Trung Cổ phục hồi là *kuH (hay *gjuH), rất gần âm cù. Việt HV hay yuè BK có âm Hán Trung Cổ là *hjwot và âm Hán Thượng Cổ6 phục hồi là *wjat (rất gần âm Việt, giọng Bắc môi hoá cao độ cho ra âm v-). Tiếng TH hiện tại không có phụ âm môi xát v- như tiếng Việt. Tóm lại, ‘Hiếu-Ức-Quốc’ có thể là phiên âm của Cồ-Việt-Quốc (nước Cồ Việt), phù hợp với tên nước Việt Nam vào khoảng thời gian đó cũng như phù hợp với các cách đọc âm Hán Trung Cổ phục hồi. Phụ chú và phê bình thêm (1) địa chỉ mạng http://nguyentl.free...sommaire_vn.htm : có nhiều hình ảnh xưa và nay cùng các tài liệu ít gặp (cập nhật tháng 3 năm 2007 từ lúc lên mạng năm 2000). Bức tranh này được lưu giữ tại viện bảo tàng Emile Etienne Guimet ở Paris. (2) chữ hiếu viết bằng bộ tử (con), các hình khắc cổ trên giáp cốt văn, kim văn, tiểu truyện … cho thấy một đứa bé (ở dưới) dắt một ông già (râu dài) – nói lên sự tôn kính/giúp đỡ người già hay cha mẹ nói riêng. Đây là một chữ mà trong tiếng Anh thuộc họ Ấn Âu không có một chữ hay nhóm chữ nào tương đương (‘filial piety’ chỉ là một nhóm chữ dịch gần đúng, cũng như áo dài dịch là ‘long dress’ vậy). Chữ này tóm tắt truyền thống Á Đông chúng ta và có thể viết cả mấy bộ sách về đề tài này mà vẫn chưa hết ý! Có tác giả (như G. D. Wilder và J. H. Ingram trong “Analysis of Chinese Characters” 1974) cho rằng chữ hiếu viết bằng bộ tử hợp với chữ lão HT, nhưng bây giờ chữ viết đã thay đổi mà ta chỉ còn một nửa chữ lão trong chữ hiếu. Điều này cũng có lý nếu ta để ý các liên hệ ngữ âm lão/khảo, cố, cổ, cũ, cụ, cựu, hủ … cho thấy phụ âm cuối lưỡi và thanh hầu cho thấy dạng âm cổ của hiếu có thể là *cổ/cồ (3) các phụ âm cuối vô thanh (voiceless) và tắc (stop) -p/t/k thường hiện diện trong các tiếng phía Nam Trung Hoa như Quảng Đông, Hẹ, Phúc Kiến, Tiều Châu … và âm Hán Trung Cổ khi phục hồi cũng có các dạng âm cuối này. Giọng BK thường có khuynh hướng mất đi các âm cuối này như các âm yì (ức) và guó (quốc) trên. (4) xem thêm liên hệ h-k trong bài “Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp - Hợi/cúi – heo (phần 5)” cùng tác giả. Chiều biến âm g/k > h có thể thấy rõ khi so sánh tiếng Phạn (Sanskrit) agama (kinh A-Hàm), ganga (sông Hằng Hà) …Các bài này đăng trên mạng khoahoc.net (các số lưu trữ năm 2006/2007) hay dunglac.net, anviettoancau.net (5) các định nghĩa trích từ cuốn “Hán Việt Tự Điển” – SàiGòn (1960), bản cập nhật (revised edition) – NXB DAINAM (1987), California (USA). (6) theo William Baxter trong cuốn “A Handbook of Old Chinese Phonology” – NXB Mouton de Gruyter (1992). Theo Edwin Pulleyblank trong cuốn “Lexicon of reconstructed pronunciation in early Middle Chinese, late Middle Chinese, and early Mandarin” – NXB University of British Columbia (1991), thì âm Hán Trung Cổ phục hồi có dạng wuat. Theo người viết, dạng *diệt/*juat (giọng Nam, môi hoá w- không nhiều) thành ra gần với âm Hán Trung Cổ của ức là *ik/*jiat hơn, phản ánh qua cách đọc yì BK bây giờ. (7) Cồ là to lớn : chữ Nôm có những cách viết như cù HV (nghĩa là sợ, một họ người TH), cù HV hợp với chữ cổ, cù HV hợp với chữ đại … Ta có các cách dùng như gà cồ, vịt cồ … Trong “Cư Trần Lạc Đạo” (thế kỷ XIII) có câu ‘…mến đức cồ kiêng bùi ngọt…’. Tác giả Trần Văn Giáp cũng ghi nhận (tên Nôm) Đại-Cồ-Việt trong giai đoạn hình thành chữ Nôm, so với các tên gọi Bố Cái Đại Vương (Phùng Hưng, thế kỷ VIII) trong cuốn “Lược khảo vấn đề chữ Nôm” NXB Ngày Nay (2002). Chữ cù HV còn được dùng làm thành phần HT trong quá trình cấu tạo chữ Hán, hay để phiên âm Gautama (Cù Đàm, Cồ Đàm … một tên gọi của họ Thích/Sakya - họ của đức Phật Tổ). Share this post Link to post Share on other sites