wildlavender

Đoạn sông ngắn với những vụ án oan “động trời”…

3 bài viết trong chủ đề này

Đoạn sông ngắn với những vụ án oan “động trời”…

Thứ năm, 9/10/2008, 07:00 GMT+7

Sông Đuống kỳ tích và kỳ ảo cả đôi bờ, cả trong trận mạc xưa lẫn trong ngun ngút thơ văn. Nếu thi sỹ Hoàng Cầm tiếp tục “anh đưa em về Sông Đuống”, con sông nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ ấy, thì bây giờ vẫn cứ gặp ở ven sông cả cái Bốt Hồ xám ngoét, sừng sững, tang thương tội ác quân thù, kiểu “lưỡi dài lê sắc máu”. Thuyền bè tấp nập, làng mạc tre pheo, nương dâu mướt mát, đúng là con sông đang chảy nghiêng. Nó chảy nghiêng bởi sức nặng của bao nhiêu oan khiên trong sử cũ đã oằn mình trải dọc đôi bờ! Tôi đã nhiều lần lang thang dọc các triền dâu ở miền đất mỗi bước chân mỗi huyền thoại Kinh Bắc, nơi kỳ lạ, chỉ một khúc ngắn độ chục cây số của sông Đuống, ta đã vấp phải tới 3 vụ án oan động trời trong sử cũ.

Đây là vụ Trạng nguyên đầu tiên của Việt Nam, Thái sư Lê Văn Thịnh bị lưu đày mãn kiếp vì cái “án oan” giết vua; đây vị Sao Khuê vằng vặc Nguyễn Trại và người đẹp Thị Lộ cùng kinh thiên động địa nỗi oan khiên mang tên “Lệ Chi Viên”; và đây nữa vụ án Cao Lỗ Vương giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa rồi bị Vua nghe lời xấu của gã rể gián điệp Trọng Thủy mà hắt hủi một bề tôi trượng nghĩa; đây nữa... và đây nữa.Người mải chuyện sách sử thường gọi khúc sông Đuống đẹp mà buồn này là “đoạn sông của những án oan”. Có phải chỉ là ngẫu nhiên? Có phải đọc lại các án oan diễn ra nhiều thế kỷ trước chỉ như mở lại một trang sách ố mọt? Tôi nghĩ là không phải thế. Hệ thống di tích độc đáo, những câu chuyện truyền khẩu thấu triệt lẽ đời, sự minh định lịch sử đầy tâm huyết của các bậc trí giả nhiều đời qua và cả hôm nay sẽ dẫn chúng ta đến một cái nhìn xúc cảm hơn, đầy đủ hơn, mới mẻ hơn và khách quan hơn về những án oan kia. Vả lại, trải nghiệm với thực địa ở “khúc sông oan khiên”, ngẫm lại từng tình tiết của các án oan mà nạn nhân bao giờ cũng các anh hùng cái thế, mỹ nhân “thiên cổ sầu” lững lẫy trong lịch sử kia, thường thì nó sẽ đem cho chúng ta nhiều điều bổ ích, thấm thía hơn là những trang sử không sóng gió.

Câu chuyện của chúng tôi, xin bắt đầu bằng pho tượng đã độc nhất vô nhị. Một pho tượng rợn người, rợn lên cái niềm cay đắng “tài mệnh tương đố” của trạng nguyên đầu tiên của Việt Nam, bậc Thái sư với bao chiến công hiển hách: Lê Văn Thịnh.

Bài 1: Cụ rồng kỳ lạ: “miệng cắn thân, chân xé mình” !

Posted Image

Bức tượng đá cao cả 1m, rồng dữ cắn phập vào thân mình, tay chân xé cơ thể mình,

thật rợn người. Ảnh: Lãng Quân

Đi dọc sông Đuống mãi, lần nào tôi cũng đọc nhẩm thơ “Bên kia sông Đuống” với “Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ”; “Sông Đuống trôi đi/ Một dòng lấp lánh” (thơ Hoàng Cầm, được in trong sách giáo khoa, đã và đang giảng dạy trong nhà trường), giờ ngồi lại với các cụ già, mới giật mình, sông Đuống là một con sông đào. Mà nó chỉ dài có khoảng hơn 60km, chạy từ ngã ba Dâu của huyện Đông Anh (Hà Nội), chảy tuột sang mấy cái huyện bé xíu của tỉnh Bắc Ninh, rồi nhập vào sông Thái Bình, kết thúc đời sông ở ngã ba Mỹ Lộc (huyện Lương Tài, Bắc Ninh). Con sông ngắn ngủi thế, chỉ nối sông Hồng với sông Thái Bình tí ti thôi, mà nó đã phải cõng lịch sử Thăng Long văn vật và Kinh Bắc hào hoa, với mật độ di tích văn hóa lịch sử dày đặc vào hàng quán quân trong cả nước, với địa linh và rất nhiều nhân kiệt…

Kể từ hơn 900 năm qua, có thể nói không ngoa, là Trạng nguyên Lê Văn Thịnh là thần tượng về sự học của giới chữ nghĩa mọi thời đại. Một cái đầu kinh bang tế thế. Căn nhà nơi ông từng sống và vượt vũ môn hiển đạt, sau khi cụ mất thì “hóa gia vi tự”, nơi ở thành nơi thờ tự. Nếu tính từ thời vua Lý Nhân Tông (1072-1127) mở khoa thi minh kinh bác học (cuộc thi Nho học) đầu tiên của nước ta (cũng là khoa thi đầu tiên từ khi Văn Miếu Quốc Tử Giám được lập ở Thăng Long!), khi mà “khóa sinh” Lê Văn Thịnh đỗ đầu (năm 1075), đến nay cũng đã hơn 900 năm trôi qua! Khởi đầu, Lê Văn Thịnh được vào dạy học cho vua, sau ông được giữ chức thị lang bộ binh rồi thăng dần lên đến chức Thái sư của triều đình, có nhiều công trạng hiển hách trong việc xây dựng quốc thái dân an, mở mang và bảo vệ bờ cõi.

Người ta gọi ông Lê Văn Thịnh là trạng nguyên khai khoa của cả mênh mông lịch sử dân tộc. Bằng chứng là nhân vật khổng lồ Lê Văn Thịnh và những câu chuyện về ông, đã được "Đại Việt sử ký toàn thư" và cả "Kiến văn tiểu lục" của Lê Quý Đôn rồi đến "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú, "Việt Nam sử lược" của Trần Trọng Kim ghi chép rành rành. Trạng nguyên đầu tiên của nước ta đã xuất hiện mùa xuân năm Ất Mão (1075), là người xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Đến năm 1096, Thái sư, Trạng nguyên Lê Văn Thịnh uy danh lừng lẫy thiên hạ, bỗng dưng bị vướng vào một “nghi án” khó tin như một giấc mộng và bị khép tội thí nghịch giết vua, xét công trạng và tài năng quá lớn của Lê Văn Thịnh, vua ân giảm xuống kiếp lưu đày.

Có sách viết ông bị biếm lên vùng ma thiêng nước độc Sông Thao, tỉnh Phú Thọ ngày nay. Có sách viết ông bị đưa đến với sơn lam chướng khí độc địa (xưa kia) của xứ Thanh Hóa ngày nay. Gần 10 thế kỷ qua, nghi án Lê Văn Thịnh cứ treo đó, thách thức bao nhiêu triều đại, bao nhiêu bậc quốc sỹ liên tài. Đã có nhiều tác phẩm viết về nghi án này (cũng như nghi án Lệ Chi Viên với các nạn nhân Nguyễn Trãi, Thị Lộ, sẽ được viết ở phần sau). Thậm chí, ngay cả đại kịch gia Tào Mạt, cũng từng viết một vở kịch về quốc sư Lê Văn Thịnh mang tên “Lý Nhân Tông kế nghiệp”, dẫu được hưởng ứng ở nhiều nơi, nhưng nó khiến người ở cái làng đã sinh ra Lê Văn Thịnh phẫn uất đến tận bây giờ. Họ không bao giờ tin và cho phép ai tin rằng Lê Văn Thịnh đã giết chú hề già, đã làm gián điệp đưa quân Tống vào bán rẻ đất nước (như Tào Mạt viết kịch). Lý do: chưa bao giờ, suốt gần một thiên niên kỷ qua, Trạng nguyên Lê Văn Thịnh không là niềm tự hào của người dân xã Đông Cứu và bà con vùng Kinh Bắc. Với bà con ở nơi thôn ổ (người của muôn đời), Lê Văn Thịnh là một vị thánh được trời đất hun đúc sinh ra, để an dân giúp nước. Ông đã bị sự hẹp hòi, ti tiện hãm hại. Cái chết oan khiên của ông, chỉ càng làm sáng lên cái khí thiêng của vùng địa linh nhân kiệt miền Kinh Bắc. Mà sự thật là, án oan Lê Văn Thịnh nó huyền hoặc, ma quỷ, phù phép đến mức chả ai tin được, như chuyện Lê Văn Thịnh hóa thành hổ để giết hại vua trên hồ Dâm Đàm (Hồ Tây). Tuy nhiên, vua đã định khép tội, thì dĩ nhiên Lê Văn Thịnh phải chịu và phải gánh trọn mọi oan khiên.

Khi mọi chuyện vẫn tỏ mờ trong cái vòng của nghìn năm không biết đâu mà lần, thì thiết tưởng, người nghệ sỹ như Tào Mạt, khi cầm bút viết về nhân cách của một vĩ nhân khả kính như thế, ông phải cấn cá lắm. Phải biết rằng, có những người ở thôn Đình Tổ phẫn uất, ném dém guốc lên tivi để phản đối việc vu cho Lê Văn Thịnh bán nước hại dân chứ?

Tại xã Đông Cứu hiện nay có hai địa điểm từ nhiều năm qua vẫn thờ ông Nghè Lê Văn Thịnh. Hiện nay, khách hành hương có thể chiêm bái cả tượng thờ, cả các di tích cổ kính, với tòa ngang dãy dọc, đồ thờ uy nghiêm liên quan đến Lê Văn Thịnh. Đó là Đền thờ Trạng nguyên Khai khoa Lê Văn Thịnh và di tích quốc gia Nghè Chi Nhị. Những công trình bề thế, khang trang, được sắc phong từ rất sớm (sớm nhất là năm 1853), được Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam xếp hạng di tích Quốc gia từ năm 2004. Hằng năm, dân làng vẫn rước tế ông Nghè - Thái sư Lê Văn Thịnh với cương vị một vị thành hoàng. Đặc biệt, bất kỳ ai có mặt ở cái nền nhà mà cậu học trò Lê Văn Thịnh từng dùi mài kinh sử (cùng cha mẹ), giờ là đền thờ ông, thì đều sửng sốt, ngỡ ngàng, riêng người viết bài này thì rùng mình tái mặt, lạnh xống lưng, khi bắt gặp một bức tượng đá trần gian có một! Tượng tạc một ngài rắn (rồng) lớn. Dữ tợn, quái đản, kỳ lạ, tạc bằng đá nguyên khối, chỉ nhìn lướt qua, có thể bạn sẽ phải ngồi thụp xuống vì sợ. Vì một ngọn gió oan khiên u tối nào đó tràn qua. Kiểu có một tiếng gầm lộng lộn “thiên nan vấn” (khó hỏi trời) nào đó của một người đã chết mà không thể nhắm mắt. Không thể siêu thoát. Nhất định, đó là bức tượng của sự oan khiên. Một công trình nghệ thuật chưa ai biết tác giả, một huyết thư ai cũng biết là do kẻ hàm oan nào đó đã viết, song chưa biết kẻ đó là ai. Là những ai đi nữa, thì trong số đó, phải có Lê Văn Thịnh và ông vua đã từng là học trò của Thái sư Lê Văn Thịnh. Nỗi oan chất chồng như núi, thấu mãi lên cao xanh, thấu đến muôn đời. Nỗi phẫn uất,tủi hờn, sự nhảy lầu, đâm đầu xuống giếng.

Đã từ lâu, người vùng Đông Cứu được cha anh truyền lại một lời nguyền. Rằng nếu vô tình mà có bới thấy vật gì ở khu vực “hóa gia vi tự” của Thái sư Lê Văn Thịnh thì phải đem đất đá mà chôn rấp xuống. Chứ nếu mà bới lên, thì kiểu gì cũng bị tai họa, người và súc vật, cỏ cây của cả làng cả tổng sẽ cằn lụi, chết chóc. Vài lần, bới được những mảnh vỡ của một kiến trúc nào đó, người dân đã thấy lời nguyền này ứng nghiệm (chắc bà con ‘tự kỷ ám thị” mà ra), họ sợ lắm. Đền thờ cổ kính, cổng vào xanh rêu, những cây cổ thụ trùm xòa bóng mát, đường lên đền dốc dác lắm. Đền nằm dưới chân núi Thiên Thai nổi tiếng (Nhìn lên trên núi Thiên thai/ Thấy đôi loan phượng ăn xoài bể đông - ca dao). Đỉnh gò, chỗ đường dẫn lên đền Trạng nguyên khai khoa có một bụi tre lớn.

Posted Image

Dù một phần thân thể đã bị chặt thành khúc, răng và nanh vuốt sắc như dao kiếm

vẫn tiếp tục cấu xé để tự vẫn bằng mọi giá. Đó là xúc cảm tận cùng của sự oan khiên?

Ảnh Lãng Quân

Một hôm, một người già trong làng làm thủ nhang ở đền mới xới cỏ đường vào, lưỡi cuốc oằn lên, bởi vấp phải một cái gì cứng lắm. Càng bới, ông càng thấy lộ ra những khoang đá vân vi, đá đẽo hình từng cái vảy như vảy… tê tê. Ông già sợ hãi báo cho dân thôn, bà con kéo đến rất đông, họ tổng động viên cùng bới, vừa bới vừa xin cụ Nghè tha thứ, chúng con tự hào và hết lòng bao đời nay vì người, chứ có phá phách gì đâu. Cụ Nguyễn Đức Đam, hiện là thủ nhang của Đền thờ Lê Văn Thịnh cho biết: bấy giờ là vào năm 1993. Khi dùng đủ các tráng đinh trong xã, khi thuê cả kích, bẩy để khiêng được pho tượng đá nặng hơn 3 tấn lên mặt đất, ngó qua, từ trong mênh mông, bức tượng toát lên một nỗi rợn người khiến cả làng quỳ xuống lạy vì sợ. Một cụ rồng kỳ lạ.

15 năm qua, bao nhiêu nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến thắp nhang, cũng chưa ai dám khẳng định họ đã từng gặp một pho tượng rồng nào tương tự. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đặc biệt chú ý và tâm đắc với các giá trị “độc bản” của bức tượng “cụ rồng đá” này. Nhiều cuộc hội thảo lớn đã được tổ chức về chuyên đề pho tượng rồng kỳ lạ ở đền thờ Lê Văn Thịnh, nhưng cũng chưa một ai tỏ ra không ngạc nhiên vì pho tượng. Ông Lê Viết Nga, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, người dày công nghiên cứu về pho tượng, thảng thốt: bức tượng rồng đá lớn và kỳ lạ nhất Đông Nam Á. Còn nhiều người đã từng chu du địa cầu nghiên cứu, thì nhất định: thế giới chưa bao giờ có pho tượng như vậy.

Posted Image

Tay phải xé từng khúc thân thể, tay trái cũng xé nửa còn lại của thân thể,

rồi vật cả cái đuôi của mình như muốn xé toang, muốn dứt ra vứt bỏ. Bức

tượng như nỗi dày vò của Thái sư Lê Văn Thịnh và vua Lý Nhân Tông sau

nghi án Lê Văn Thịnh hóa hổ giết vua trên hồ Dâm Đàm?! Ảnh Lãng Quân

Tượng đá, tạc hình một cụ rồng (rắn) dữ tợn. Với chiều cao 0,8m; mỗi chiều dài rộng áng chừng khoảng hơn 1m, bức tượng đập vào mắt người xem rờ rỡ, lồ lộ, rất sinh động một nỗi oan khiên bất tận. Hàm răng cụ rồng to như lưỡi bừa. “Bộ nhá” sắc nhọn, tàn độc, phẫn uất của cụ rồng cắn phập vào chính thân cụ! Một sự điên dại, một sự trả thù đời, một sự hoang mang, hoảng loạn, mất niềm tin tột độ?! Răng cắn phập vào từng khúc thân để tàn sát thân mình; “tay chân” cụ rồng còn độc địa hơn, “chúng” cũng lởm chởm nanh vuốt, “chúng” vận công lực bẻ quặt cái đuôi mình lên phía trước để cào xé, muốn cắn đứt cái phần thân, phần đuôi đem vứt bỏ. Một tay thì bấu lấy khúc thân bên đối diện, vuốt sắc cắm phập, cảm tưởng cụ như một con gấu hung dữ đang vả vào một cây chuối hột sắp giật toang cho hả giận sau khi trúng đạn của thợ săn (xem chùm ảnh). Dân gian gọi rất hình tượng: bức tượng ông rồng “miệng cắn thân, chân xé mình”. Chỉ một nhát là tan xác để cụ rồng tự ăn thịt mình, tự đưa mình về cõi chết. Tư thế kéo xé thân mình, mắt trợn ngược, đầu gục ủ rũ, tai thông tai điếc, miệng há hoác, răng lởm chởm kinh sợ, “tay chân” đều 5 ngón sắc như dao kiếm, một phần thân đã biến mất đi đâu (giống như cụ rồng đang bị truy sát, đã trọng thương)… của cụ rồng, khi nhìn vào còn thấy kinh sợ hơn cả cái chết. Đó là một bức tượng cổ cực kỳ thành công ở góc độ nghệ thuật.

Anh Nguyễn Công Hảo, trưởng thôn Bảo Tháp, nơi có đền thờ Lê Văn Thịnh cho biết: bà con trong thôn cũng đã từng đào được một phần của bức tượng rồng đá kiểu như bức tượng “cụ rồng” đang thờ cúng, trưng bày mà bài viết này đề cập; nếu khai quật kỹ, nhất định sẽ tìm thấy. Dù thế nào, hai bức tượng sẽ là những di sản vô giá. Và, rõ ràng, bức tượng đã nói về nỗi oan khiên của Lê Văn Thịnh. Nhưng con người lỗi lạc bị trời đánh già ngứa ghẻ hờn ghen Lê Văn Thịnh đã nghĩ ra một ý tưởng bày tỏ sự oan khiên của mình với hậu thế thông qua bức tượng (ông cho tạc trước khi tạ thế)? Hay là người dân nơi đây, từ thượng cổ đã làm như vậy để bày tỏ nỗi buồn “vận khứ anh hùng ẩm hận đa” (thời vận qua, anh hùng nuốt hận) giúp Thái sư Thịnh? Hay chính vua Lý Nhân Tông đã tạc bức tượng để gửi gắm vào đó tâm sự của ông, rằng ông đã trở nên mù lòa nên mới giết chết một người tài, một người nặng lòng báo quốc an dân, một vị trạng nguyên, thái sư, chính là thầy dạy học của mình? Nhiều người đã tin vào giả thiết này, khi xem kỹ bức tượng (xem ảnh) rồng: một bên tai thông, một bên tai rồng đã mít đặc (điếc) vì nghe lời đường mật xiểm nịnh của kẻ bề tôi xấu nào đó mà giết Trạng nguyên khai khoa.

Posted ImagePosted Image

… Bức tượng đầy ẩn ý, đầy tâm sự, đầy ai oán. Rõ ràng lời nguyền không được khơi đào những gì ở dưới nền nhà thờ Lê Văn Thịnh đã cho chúng ta thấy một điều: đã có sự đề phòng của người nào đó trước đây biết rõ về sự tồn tại mang tính “tố cáo” oan khiên của bức tượng. Rõ ràng có ai đó đã đem chôn bức tượng, sau khi sự hiện diện của nó làm nên những rầy rà, thậm chí cả tru di tam tộc (tỉ dụ thế).

(Còn nữa)

Ghi chép của Đỗ Lãng Quân

nguồn vietimes

Share this post


Link to post
Share on other sites

Bài 2: Giải ảo nghi án “quan Thái sư hóa hổ, giết vua”!

Thứ năm, 16/10/2008, 07:00 GMT+7Người ta bảo, các nhà khảo cổ, các nhà địa chất và mấy bác làm sử là những người tiêu thời gian hoang phí nhất, sai số hằng ngày của họ (thậm chí) là cả thế kỷ, món ưa thích của họ là những kỷ nguyên xa xôi như… không có thật với toàn những triệu triệu tỷ tỷ năm mà ở đó con người bé hơn cả những hạt cát trong hệ thiên hà. Chuyện giải oan hay kết tội “ba mặt một nhời”, “bắt tận tay day tận trán” cho cái tích Thái sư Lê Văn Thịnh hóa hổ giết vua, nếu có, thì là công việc của những người quen tiêu sài những kỷ nguyên, những tỷ triệu năm đã hóa thạch. Một gã thích chữ nghĩa quèn 30 tuổi muốn giải ảo nghi án “Lê Văn Thịnh hóa hổ giết vua” diễn ra từ gần 1000 năm trước, thật quá hoang đường.

Posted Image

Phần mộ Trạng nguyên khai khoa, Thái sư Lê Văn Thịnh xây hình cánh hoa sen trắng trong

khuôn viên thanh bạch giữa hồ sen bát ngát được bà con ở Thuận Thành kính cẩn

chăm sóc nhiều đời na. Ảnh: Lãng Quân

Tuy nhiên, sở dĩ tôi mạnh dạn ra nhời, là vì chẳng cần phải có Bao Thanh Thiên đâu! – trẻ lên ba cũng hóa giải được ngay cái nghi án “hóa hổ” làm “việc thí nghịch” giết vua của Lê Văn Thịnh.

Vì sao như thế? Dễ thế sao nghìn năm qua lịch sử dân tộc vẫn chưa thể minh định được?

Xin được mở đầu “sự tích” hóa hổ như sau:

Sách “Đại Việt Sử ký toàn thư”, vẫn được xem là thứ đáng tin cậy và được trích dẫn đủ thứ chuyện của chính sử Việt Nam suốt bao nhiêu năm qua (?), chép rõ: Năm Giáp Tý (1084) Lê Văn Thịnh đã giúp cho nhà Lý thu về 6 huyện và ba động từ tay nhà Tống trong việc bàn về phân chia cương thổ. Một năm sau, ông được phong làm Thái sư. Tuy nhiên, 11 năm sau, vị thái sư này mắc tội giết vua tày đình và dính kiếp lưu đày.

Chuyện xảy ra vào tháng 3, năm Bính Tý (1096) nhân dịp ngày xuân, vua Lý Nhân Tông ngự hồ Dâm Đàm (tức là cái hồ đầy sương mù, đó chính là Hồ Tây của Hà Nội hiện nay) trên một chiếc thuyền nhỏ để xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mây mù có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo khua nước rào rào như các đạo thủy chiến, vua lấy giáo ném bừa. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt đi. Người đánh cá tên là Mục Thận, quăng cái lưới trùm lên trên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh (Mục Thận sau này vì thế mà được ban thưởng rất trọng, được dùng cả vùng Hồ Tây để làm thái ấp và thụ lộc). Vua nghĩ Lê Văn Thịnh là đại thần có công giúp nước, uy tín lẫy lừng cả trong nước và ở các nước lân bang, không nỡ giết, đày lên trại đầu ở sông Thao…

Đồn rằng, trước đây Văn Thịnh có gia nô nước Đại Lý (Vân Nam) có phép thuật kỳ dị cho nên làm ra như thế để cướp ngôi, giết vua. Sách “Việt điệu u linh” giải thích thêm: Quan Thái sư Lê Văn Thịnh nuôi được một tên gia nô người Đại Lý, có thuật lạ, đọc thần chú xong biến thành hổ báo. Văn Thịnh cố dỗ để người gia nô dạy mình thuật ấy. Học được thuật rồi, liền lập mưu giết tên gia nô và dùng thuật hại vua để cướp ngôi. Có “tài liệu” còn cố gắng lấy bằng chứng về việc Lê Văn Thịnh có khả năng lắc mình biến thành hổ dữ, rằng: hồi còn bần hàn dùi mài kinh sách ở quê, có lần khóa sinh Thịnh đã bất ngờ hóa thành một con hổ trắng ngồi giữa phom màn đang mắc ngay ở tệ xá, khiến mẫu thân của ngài phải bạt vía kinh hồn.

Chuyện diễn ra gần 10 thế kỷ, làm gì có bằng chứng mà… cãi “trắng án” hay kiểu khép tội cho quan Thái sư? Sách cũ viết ba thực bảy hư, các nhà làm sử phong kiến viết sử về vua của mình thì làm sao mà… khách quan được (điều “sai lệch” này, ở nhiều cuốn sách mà bài này đang “dẫn” đã được cố GS Trần Quốc Vượng phân tích nhiều lần)? Một con toán đơn giản: cả thế giới này, suốt dọc dài lịch sử sinh ra và văn minh từng bước của giống người, đã có ai biết lắc mình biến thành hổ trắng chưa? Không có (chứ đừng nói là chưa có). Lê Văn Thịnh không thể hóa thành hổ được. Cái việc ông bị vu hóa hổ hòng giết vua, chỉ là một âm mưu đớn hèn hòng loại cái người tài năng, uy danh lừng lẫy thiên hạ đó ra khỏi cuộc chiến quyền lực của ai đó. Không ngoại trừ người đó chính là nhà vua Lý, với nỗi sợ bị lấn uy quyền do ông ta tưởng tượng ra!

Mà nghĩ cho cùng, cái hồ như Hồ Tây, đã được gọi thành tên là hồ Dâm Đàm, hồ đầy rẫy sương mù, thì ảo ảnh của hổ dữ có thể hiện về bất cứ lúc nào. Sương mù vón cục kéo đến, nhà vua hoảng sợ, quan Thái sư vẫy vùng giúp vua bớt hoang mang, lúc trời trong gió mát, thấy Thái sư ngồi ở thuyền bên cạnh, vua suy luận là hổ trắng hóa thành Trạng nguyên hay Trạng nguyên biến thành hổ để hãm hại “trẫm”- cũng là lẽ có thể hình dung ra được. Đấy là chưa kể, truyền thuyết về việc học được pháp thuật hóa hổ của tên gia nô người Đại Lý rồi văn võ toàn tài của Trạng nguyên khai khoa có dáng đi dũng mãnh như hổ - Lê Văn Thịnh - đã có từ lâu. Ông Thịnh là người có dáng hổ, đi lại, đánh quyền, ăn nói đều oai dũng… như hổ. Phân tích như thế để thấy, dẫu là huyền sử lắc lơ, thì vẫn có quá nhiều dấu hỏi oan khuất để chúng ta cùng bào chữa cho nghi án lạ đời “cái ách giữa đàng” nó “quàng vào cổ” quan Thái sư khả kính Lê Văn Thịnh.

Còn nhiều vấn đề nữa, chịu tư duy một tý, tự dưng Lê Văn Thịnh sẽ được chúng ta cùng minh oan đôi phần. Thái sư Lê Văn Thịnh ngất trời danh vọng thế, tiếm ngôi vua để làm gì? Nếu Lê Văn Thịnh thực sự muốn đoạt vương quyền lên làm vua, với quyền lực của mình, với trí tuệ mẫn tiệp của mình, dĩ nhiên là ông không bao giờ chọn cách hóa hổ trên hồ Dâm Đàm giết chết học trò của mình là nhà vua đương thời - bởi giả dụ giết “thành công” ông vua ấy, thì ông Thịnh có đạt được mục đích gì đâu? Giết vua phải kèm theo binh quyền, hay những thủ đoạn tày trời khác nữa chứ; trước sau, không thấy mảy may sử cũ nói dòng nào về bất cứ “dự định” lên làm vua của nghè Thịnh.Tuyệt nhiên không thấy chép gì về việc ông thù oán gì nhà Lý, ông cũng không theo phe phái, không “cánh hẩu” với ai, ông cũng chưa bao giờ có ý định làm vua. Chỉ thấy chép ông hết lòng phò tá nhà Lý, ông dùng ba tấc lưỡi, liều mình đi sứ nhà Tống đòi được vùng đất Lạng Sơn, Cao Bằng (hiện nay) về cho Đại Việt hẳn hoi. Mà việc ông hóa hổ, đã được các sách chép rất hàm hồ, dưới ánh sáng khoa học duy lý hiện nay, ai cũng biết, đó là điều hoang tưởng. Vả lại, biết hóa hổ, sao Lê Văn Thịnh bao năm bị lưu đày, phần mộ giờ ở quê, không thấy ông tiếp tục… hóa hổ? Mà có phép thuật sao ông lại để cái kết oan khuất của mình cứ thảm thương như vậy, ông sẽ phải biết tự minh oan hoặc quay về trừng trị những kẻ đốn mạt kia chứ? Ông có minh oan hay chống lại các thế lực “giết chết” sự nghiệp của mình không? Nếu Lê Văn Thịnh không bị oan, tại sao có bức tượng rồng (dạng rắn) oan khiên thấu trời xanh như thế đặt ở đền thờ ông? Dù ông Thịnh cho bí mật tạc lúc sinh thời (“về vườn” ở quê), hay ai đó đời sau cho tạc, thì cũng là để gửi gắm nỗi oan khiên động trời của ông Thịnh (theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, bức tượng “ông rồng đá” kỳ lạ có thể đã được ra đời vào thời Hậu Lê). Vả, nữa: nếu thật sự ông Thịnh có ý định giết vua, thì dù công trạng của ông cao đến thế nào, ông cũng không bao giờ được tha chết - nhà Lý có các đạo luật tàn độc dành cho tội phản nghịch, gọi là “Thập ác” (nhất là khi những kẻ có pháp thuật hô phong hoán vũ, có thể quay lại giết cả ba họ nhà vua bất cứ lúc nào như cách mà người ta “hiểu” về Lê Văn Thịnh); việc Lê Văn Thịnh làm việc thí nghịch mà được tha chết, chỉ bị lưu đày, có thể hiểu: ông đã bị người ta “xử” để cho bị vô hiệu hóa. Vì uy tín của ông ở Đại Việt và ở các lân bang quá lớn, người ta không muốn oai của “tớ” át quyền “chủ”! Nỗi đau của Nghè Thịnh, là nỗi đau của “chữ tài liền với chữ tai một vần”.

Về những cống hiến cho triều Lý của Lê Văn Thịnh. Ví như việc Lý Thường Kiệt và Tông Đản đem quân đánh thẳng sang các châu Ung, Liêm, Khâm của nhà Tống để “phủ đầu mưu đồ xâm lược” của giặc phương Bắc. Khi quân Tống đem quân của 9 tướng với “binh hùng tướng mạnh” nhiều như cỏ, kết hợp với quân Chiêm Thành, Chân Lạp hè nhau xâm lấn Đại Việt nhằm trả thù việc “táo gan” của Lý Thường Kiệt và Tông Đản. Tuy cuộc xâm lăng này của giặc Tống bị đánh bại bởi phòng tuyến sông Như Nguyệt của Lý Thường Kiệt, nhưng trước khi rút về, quân Tống vẫn chiếm mất châu Quảng Nguyên (gồm các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn ngày nay) của Đại Việt (lý do nhà Tống chiếm được 6 huyện 3 động kia là do “thổ hào” địa phương đã đớn hèn dâng đất của triều đình Đại Việt cho giặc để cầu vinh). Trong cái cuộc uốn ba tấc lưỡi của Trạng nguyên Lê Văn Thịnh nhằm lấy lại 6 huyện 3 động cho Đại Việt kia, sử sách còn lưu truyền câu nói bất hủ của Nghè Thịnh với đại diện nhà Tống: Đất thì có chủ, các viên quan giữ đất ấy đem nộp cho người khác và trốn đi thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Sự chủ giao cho mà lấy trộm đã không tha thứ được, mà trộm của hay "tàng trữ" thì luật pháp cũng không cho phép, huống chi nay lại mang đất lấy trộm dâng để làm dơ bẩn sổ sách nhà vua”. Lý lẽ xác đáng, cứng cỏi, đủ “dương đông kích tây” của Lê Văn Thịnh đã khiến nhà Tống phải trả toàn bộ đất đai cho Đại Việt. Sau phi vụ này, ông Thịnh được phong Thái sư. Xin nhắc lại và nhấn mạnh: Quan Thái sư, lại là thầy dạy học của vua, cớ gì ông Thịnh định hóa hổ giết vua? Mà giết được vua trên cái hồ sương khói ấy, chắc gì đã cướp được binh quyền, chắc chắc gì đã lập được một vương triều mới? Đây cũng là ý kiến tâm huyết, nhiều trăn trở của nhà thơ Dương Kiều Minh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Tây (cũ) - thông qua một bài viết công phu - khi ông về viếng Thái sư Lê Văn Thịnh ở Bắc Ninh. Đúng! Người đã trên thông thiên văn dưới tường địa lý như Lê Văn Thịnh, nếu muốn soán ngôi của vua Lý, ông sẽ chẳng bao giờ bắt đầu bằng cách theo vua ra hồ Dâm Đàm để hóa hổ, ăn thịt vua (!?).

Posted ImagePosted Image

Đền thờ "hóa gia vi tự" và bức tượng Thái sư Lê Văn Thịnh (trong đền) ở xã Đông Cứu,

huyện Gia Bình, Bắc Ninh. Nghè Thịnh là thành hoàng của làng, là bậc Thánh,

là biểu tượng tài năng và đức độ. Ảnh: Lãng Quân.

Sự việc kỳ ảo, đau đớn kỳ lạ mang tên Lê Văn Thịnh hóa hổ này đã được nhiều đời, suốt hơn 900 năm qua, thi nhau bàn luận. Tôi nhớ lời của ông Lê Khắc Thuần, sau khi trích dẫn “tích” Lê Văn Thịnh hóa hổ đã ‘bình” như sau: “Tháng 3 ở Hồ Tây, sương mù bỗng chốc xuất hiện cũng là điều dễ hiểu. Nay hiện tượng này vẫn có (ở Hồ Tây) huống chi là ngót ngàn năm trước, quanh hồ cây cối còn hoang vu. Giữa đám mây mù, vua quan nhìn gà hoá cuốc, Văn Thịnh bởi thế mà mang tội trong chỗ không ngờ chăng? (…) Không thấy sử chép là ông đã nói gì khi bị bắt, nhưng chắc là khó nói, bởi ý vua đã quyết, có nói cũng bằng thừa thôi”. (Theo “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần - NXB Giáo Dục). Lời bình đau đớn, chua xót, đích đáng, thống thiết như ngậm sẵn nước mắt của người đời sau với án oan Trạng Thịnh.

Tôi tâm đắc với việc nhiều nhà nghiên cứu đã đặt vấn đề: Lê Văn Thịnh bị hãm hại, là bởi vì tư tưởng cải cách của ông. Nếu so ngang sang lịch sử Trung Quốc, thời ông Thịnh cùng với triều đại của Vương An Thạch. Vương An Thạch đã hăng hái cải cách, đụng chạm đến quyền lợi sát sườn bẩn thỉu của quan lại trong triều, và bị nhà Tống đẩy về hưu trí. Lê Văn Thịnh cũng năng nổ “trai thời trung hiếu làm đầu” với những cải cách lớn, và ông đã bị hãm hại. Thêm nữa, những ông chủ (vua) thì chỉ có thể chung sống lúc khó khăn, chứ khi no đủ rồi là họ sẽ không cần các trung thần. Hết thỏ thì làm thịt chó săn, con chim bay cao đã hết thì cung tốt phải được cất giấu đi, nước đã bình định xong thì mưu thần phải mất (ý ở Thái Công Binh pháp, Khương Tử Nha)…

Dù ai nói ngược nói xuôi, dù các loại sử sách có viết khá tọc mạch, vua Tự Đức có cả bài thơ “kết tội” Thái sư Lê Văn Thịnh hóa hổ giết vua (Văn học đô vi tiến thủ tư/ Man nô tư súc nhật căng kỳ/ Thần qua nhất kích hôn phần tán/ Yêu hổ nguyên lai thệ Thái sư), dù Tào Mạt có dựng kịch về Lê Văn Thịnh là kẻ bán nước hại dân, thì trong lòng đông đảo bà con Đại Việt, đặc biệt là quê hương Kinh Bắc, ông Nghè Thịnh vẫn là một con người kiệt xuất, tâm đức sáng như sao trời, một vị Thánh sống! Càng về gần đây, các bậc trí giả càng có nhiều công trình minh oan cho Lê Văn Thịnh. GS sử học Phan Huy Lê đã chính thức lên tiếng phản đối sự “vu oan giá họa” cho nghè Thịnh, nhiều cuộc hội thảo và các công trình công phu của các nhà làm sử đã thể hiện điều đó. Mới đây nhất, nhà văn Hoàng Giá, người con của quê hương Thuận Thành cũng đã đi điền dã và nghiên cứu cực kỳ công phu, cho ra đời tiểu thuyết lịch sử “Sương khói Dâm Đàm” (NXB Công an Nhân dân, năm 2006) viết về cuộc đời và án oan Lê Văn Thịnh, qua đó khẳng định vị Trạng khai khoa nước Việt ta là một con người kiệt xuất, chưa bao giờ mảy may nghĩ đến những điều “thí nghịch”. Bằng chứng là phần mộ ông vẫn được gìn giữ cẩn thận (xem ảnh), rất nhiều di tích ở nhiều vùng vẫn thờ ông như Thành Hoàng, như một vị Thánh bất tử (hàng chục địa điểm thờ tự)… Mà, nghĩ cho cùng, công đức của một con người giúp dân giúp nước như Lê Văn Thịnh, việc ông sống trong lòng dân mới là quan trọng, mới là cái lẽ sống… bất hủ nhất của một bậc trượng nghĩa.

(còn tiếp)

Share this post


Link to post
Share on other sites

Bài cuối: 2008 - đến khóc ở Lệ Chi Viên!

Thứ ba, 21/10/2008, 07:00 GMT+7Ngày càng có nhiều người ao ước một lần được đến dầm lòng ở Lệ Chi Viên để… khóc. Đó là một sự thật không cần giải thích, là những xúc cảm tử tế của người đời dành cho tài ba và nhan sắc oan khiên. Tôi nghĩ, phải người ham đọc, ham hiểu và ưa sống nội tâm, có cái Tâm sâu thẳm lắm, thì người ta mới nảy ra cái ý định tìm về “hiện trường” của thảm án kinh hoàng đệ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam xảy ra đã 566 năm trước kia. Chưa bao giờ ba chữ Lệ Chi Viên thôi nhỏ huyết, rơi lệ trong lòng người ta, kể từ khi xa giá vua Thái Tông đến Lệ Chi Viên (năm 1442) ngủ qua đêm và… ngài bị chết tại Vườn Vải của Nguyễn Trãi (để rồi Thị Lộ bị giết và Nguyễn Trãi bị tra tấn dã man đến chết, bị tru di tam tộc vì “tội” giết vua). Thời gian trôi lạnh lùng, không biết bao nhiêu giấy mực đã viết tốn, bao nhiêu nước mắt “liên tài” đã nhỏ xuống để khóc cho người anh hùng, danh nhân văn hóa tầm cỡ thế giới Nguyễn Trãi cùng mỹ nhân chữ nghĩa Nguyễn Thị Lộ. Thời gian dường như vẫn không làm nguôi ngoai nỗi oan xé ruột.

Trong khi cái chết của vua đã được lịch sử chứng minh là vì thủ đoạn của một người đàn bà “ngứa ghẻ hờn ghen” trong cái cung buông màn đa thê thiếp mà không biết quản lý triệt để của ông Lê Lợi; thì một mỹ nhân dạy vua học chữ, học làm người, cảm hóa cả ông vua nhỏ tuổi ham chơi bướng bỉnh thành “đấng minh quân” (như sử sách hằng ca ngợi); một người từng giúp việc văn bút đắc lực cho Nguyễn Trãi và Lê Lợi trong những ngày nằm gai nếm mật bôn tẩu đánh giặc Minh như Thị Lộ đã bị giết bằng thủ đoạn tàn độc nhất; một bậc đại tài đại đức như vằng vặc sao Khuê Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc… Họ đã chết bởi cái người ta “nghi là” họ đã giết vua”. Nhiều người quá căm phẫn, đã gọi bi kịch của Nguyễn Trãi và Thị Lộ là bi kịch của những anh hùng và mỹ nhân quá tuyệt (vĩ nhân) mà vẫn phải sống trong cái không gian - xã hội quá chật hẹp, nhỏ bé của xã hội phong kiến đương thời, nơi mà thói ti tiện trùm lướt tất cả. Trong nhiều tài liệu mà chúng tôi sưu tầm được, đều có dẫn lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói về nỗi oan Lệ Chi Viên, như sau: “Tội ác này lá rừng Việt không đủ để ghi/ Vết nhơ đó nước biển Đông không đủ để rửa”. Đến nỗi, trước tượng Nguyễn Trãi, chỉ một phút suy tưởng, bạn đã có thể nhỏ lệ vì đau đớn.

Posted Image

Toàn cảnh khu công trình thờ tự đang xây dựng để tưởng nhớ Nguyễn Trãi, Thị Lộ tại Lệ Chi Viên (Gia Bình, Bắc Ninh)

Một ngày nắng nỏ. Nhà văn Hoàng Giá làm hướng đạo, chúng tôi đi dọc đê sông Đuống. Con sông bé nhỏ, ngắn ngủn mà kỳ lạ, đôi bờ cổ tích quá, với rặt những tre pheo và tằm tang canh cửi. Ít nhất 3 vụ án oan khổng lồ chỉ trong một đoạn ngắn. Sau tiếng thét ai oán gầm trời của Trạng khai khoa Lê Văn Thịnh, dăm phút khách hành hương đưa ra lời bình với nhau, thì đã đến thảm án Lệ Chi Viên (xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Đi một khúc nữa, lại là lăng mộ và đền thờ Cao Lỗ Vương, lại một án oan, một cái chết buồn bã vì ông Vua “tăm tối” An Dương Vương đã nghe lời Trọng Thủy mà phế bỏ trung thần (chuyện sẽ kể ở phần sau).

Cách thị trấn huyện Gia Bình vài cây số, cũng vẫn là dưới chân núi Thiên Thai “có đôi loan phượng ăn xoài bể Đông”, Lệ Chi Viên hiện ra thật giản dị. Nằm ngay sát đê sông Đuống, Lệ Chi Viên giờ là xóm làng, là nương lúa bạt ngàn xanh, là những ngôi miếu cổ phong rêu. Đường đã bê tông, nhà cửa đã chóp củ hành củ tỏi, cột điện giăng hết cả mọi tầm nhìn. Sông kia rày đã nên đồi. Gần 6 thế kỷ trôi qua, sông Đuống đã đỏng đảnh lượn dòng vì con đê tàn nhẫn, con đê sừng sững đã làm thay đổi tất cả. Những rừng vải hoang vu đặc trưng của Lệ Chi Viên (tục gọi là Vườn Vải) giờ không còn đến một cây. “Sông kia rày đã nên đồng/ chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai” là thế này đây. Vật đổi sao dời, bãi biển biến thành nương dâu. Nhưng, trong lòng người dân nơi đây, và trong lòng nhiều nhà văn hóa, nhà sử học, những người yêu chữ nghĩa, sử liệu, thì án oan Lệ Chi Viên vẫn ngùn ngụt “bốc khói” đó đây. Bằng chứng là nhà thờ - tưởng niệm Nguyễn Trãi và Thị Lộ đã được xây dựng bằng nhiều trăm triệu đồng, tượng của anh hùng và mỹ nhân nức tiếng cũng được dựng uy nghi, khu “du lịch Lê Chi Viên” đã được xã bản địa đưa vào nghị quyết. Nhiều cấp ngành thường xuyên quan tâm đến thực trạng ở di tích nổi tiếng Lệ Chi Viên. Có một câu chuyện thế này: rất nhiều tổ chức cá nhân ở Thái Bình (quê bà Thị Lộ) và ở Hà Tây (quê Nguyễn Trãi) đã “cung tiến” hàng nghìn hàng vạn cây vải về xã Đại Lai (nơi có Lệ Chi Viên) những mong khôi phục Vườn Vải. Vườn Vải sẽ đưa chúng ta và con em chúng ta được về nguồn. Nỗi đau, chẳng ai muốn, nhưng đôi khi nó cũng làm người ta vin vào đó mà lớn lên?!

Đại Lai có 4 thôn, thì đủ 3 thôn nằm giáp sông Đuống. Các “địa danh” như Màn Tiên, Màn Đông, Lửa Đền, Cầu Táo, Bến Trám… dường như vẫn vẹn nguyên cái không khí thời Nguyễn Trãi và Thị Lộ còn vui vầy với “thái ấp” ven sông. Bấy giờ, Lệ Chi Viên còn tràn ngập cây vải (nên gọi là Trại Vải, Vườn Vải). Sông Đuống tràn vào tận các mép vườn vải, để thuyền rồng nhà vua có thể ghé bến tuần du từ sông Đuống vào Lệ Chi Viên. Nay, tượng ông Nguyễn Trãi đội mũ cánh chuồn, tay cầm cuốn thư, tay vuốt râu thanh thản; nay, bà Thị Lộ tay nhón cầm bút lông, mặt tròn nhân hậu, sáng lồng lộng như trăng rằm… trên ban thờ. Nay không thể hình dung được nơi nào có con rắn báo mộng, nơi nào vua đã nằm rồi chết vì cảm cúm, vì bị đầu độc? Những người hầu cận của vua vào các xóm làng tìm thuốc thang cứu vua (khi ngự y chưa đến), là những xóm nào? Hôm ấy, vua ngủ ở đâu? Bà Thị Lộ ngủ ở đâu? Sao để đến nỗi sự đời vu cho bà Lộ thông dâm với ông vua chỉ bằng tuổi con mình? Sao đến cảnh người ta vu cho vợ chồng Nguyễn Trãi giết vua?

Hình như đến Lệ Chi Viên cũng đặt những câu hỏi đó. Chán cái cảnh giả nhời khách, nhóm cán bộ xã dẫn ra “hiện trường” vụ án thảm sầu trong cái đêm vĩnh viễn bí ẩn và ai oán mà nhà vua đã băng hà tại xã nhà kia rồi cứ thế kể chuyện. Rằng thỉnh thoảng lại có ông nhà văn, ông nhà viết kịch về tặng sách, tặng kịch cho những dân thôn Đại Lai yêu văn hóa, sẵn sàng cung cấp tư liệu, sử liệu, cảm nhận cho các nhà nghiên cứu khi họ tìm về với Lệ Chi Viên. Có ông cãi “trắng án” cho Thị Lộ, có ông chứng minh sự vô tội của Nguyễn Trãi. Có ông đòi cung tiến đường làm trên đê, cung tiến hàng nghìn cây vải để tái hiện Trại Vải oan khiên xưa; có ông vác máy rà đi đào trộm cổ vật ở các nền di tích, bị công an xã tóm cổ. Có ông từ mấy thập niên trước đã về Lệ Chi Viên tìm hiểu về hệ thống di tích, về huyền sử dân gian, rồi ông ta vẽ cả bản đồ di tích (trên mặt đất và đã bị chôn vùi), vẽ kỹ đến mức có lần công an tóm được mấy chú đào trộm cổ vật, khám trong người thấy cả sơ đồ di tích do nhà khoa học đã “dựng” (chúng căn cứ theo “hướng dẫn” mà cứ thế đào!...

Posted Image

Tượng đồng danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi và mỹ nhân tài sắc vẹn toàn Nguyễn Thị Lộ đang được xây dựng tại Lệ Chi Viên.

Từ hồi còn là học sinh, thế hệ chúng tôi đã được học bài đối đáp tương truyền là của Nguyễn Trãi (1380 - 1442) và Thị Lộ. Bấy giờ, 26 tuổi, đi làm quan cho nhà Hồ, Nguyễn Trãi tuần du qua xứ Thái Bình (ngày nay), gặp cô gái quá đẹp, mới tung lời “tán tỉnh”:

Ả ở đâu mà bán chiếu gon,

Chẳng hay chiếu bán hết hay còn?

Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?

Đã có chồng chưa được mấy con?

Không ngờ “cao nhân tắc hữu cao nhân trị”, cô gái đọc ngay lập tức:

Tôi ở Tây - hồ bán chiếu gon,

Cớ chi ông hỏi hết hay còn?

Xuân xanh tuồi độ vừa đôi tám,

Chồng còn chưa có, hỏi chi con!

Người tài chữ nghĩa ấy là Thị Lộ. Lấy nhau, Nguyễn Trãi và Thị Lộ không có con.

Sau khi thi đỗ, năm 1400, Nguyễn Trãi ra làm quan nhà Hồ, chức Chánh Chưởng đài Ngự sử. Năm 1402, Nguyễn Phi Khanh, cha đẻ Nguyễn Trãi sau thời gian dạy học ở Nhị Khê cũng ra làm quan nhà Hồ, chức Hàn Lâm học sỹ. Khi quân Minh mượn cớ “Phù Trần diệt Hồ”, Hồ Quý Ly bại trận. Nguyễn Phi Khanh bị bắt giải về Trung Quốc, Nguyễn Trãi theo cha sang tận điếm Vạn Sơn, tỉnh Hồ Bắc rồi mới nghe theo lời khuyên của cha, hãy trở về “rửa nhục nhà, trả nợ nước”. Nguyễn Trãi để em trai là Phi Hùng tiếp tục theo chăm sóc cha.

Không biết mối duyên giữa Nguyễn Trãi với Thị Lộ rành mạch ra sao, chỉ biết là, ngay cả khi Nguyễn Trai “dợm đi vướng núi ngoảnh về vướng sông” giữa cái thời tao loạn khó vẹn toàn khí tiết ấy mà theo Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, thì Thị Lộ vẫn luôn ở bên người Anh hùng. Mãi đến khoảng 1416/1417, có tin Lê Lợi ở Thanh Hóa chuẩn bị mộ quân đánh giặc Minh, Nguyễn Trãi và em họ, Trần Nguyên Hãn, đến diện kiến Lê Lợi. Nhưng Trần Nguyên Hãn nhìn vào Lê Lợi, thấy "có tướng như Việt vương Câu Tiễn, chỉ có thể giúp trong lúc hoạn nạn, không thể ở với nhau khi sung sướng", nên cả hai bỏ ra về. Trong chuyến này có Thị Lộ cùng đi, phong cách lúc nào cũng tươi cười, nhẫn nại, hoạt bát, đoan chính, được mọi người kính nể (lược theo Đại Việt thông sử của Lê Quí Đôn, chép lại trong Việt Sử đại cương của Phạm Ngọc Huyến, trang 75). Việc chữ nghĩa, và cả quân cơ của Nguyễn Trãi đã có “quân sư”, “thư ký” Thị Lộ giúp đỡ rất nhiều, ngay cả việc thảo thư từ, chiếu hịch.

Có một việc thế này, có lẽ lịch sử thật khó để quên được công lao của bà Thị Lộ. Khi Lê Lợi mất, năm 1433, Lê Thái Tông kế ngôi khi mới 10 tuổi. Theo di mệnh của Lê Lợi, phải vời Nguyễn Trãi ra phụ chính, làm Gián nghị đại phu. Lê Sát làm quan Tư đồ. Sách Toàn thư tục biên chép rõ: vì thấy Thái Tông còn nhỏ tuổi, thích chơi bời, không chịu học hành, Lê Sát lo lắm, mới thành lập một cái ban văn thần có Nguyễn Trãi tham gia, nhằm vào cung dạy dỗ vua. Thái Tông nổi giận đuổi cả bọn văn thần… về; riêng Lê Sát, sau bị khép tội lộng quyền, và bị ép tự tử tại gia. Sau này, nhiều người tâm huyết lo toan, vua ham chơi, “bất trị” thế, lại giết cả Quan Tư đồ, chỉ vì ông Tư đồ muốn được dạy vua học. Phải làm sao để lo cho “vua thơ ấu” và nước nhà dưới bàn tay của vua nhỏ tuổi? Những người có trách nhiệm mới chọn mặt gửi vàng đưa bà Thị Lộ văn hay chữ tốt, lại dịu dàng, thông minh, ứng xử biết nhẽ vào triều dạy vua. Quả nhiên, ông vua cứng đầu cứng cổ đã răm rắp nghe lời Thị Lộ, lại còn phong bà làm Lễ Nghi học sỹ, ngày đêm kề cận tin dùng. Sau này, khi Thái Tông đã 17 - 18 tuổi, vua và bà Thị Lộ vẫn kề cận trong cung, điều này đã khiến có nhiều “dư luận” cho rằng có việc tư thông giữa bà Thị Lộ và nhà vua. Rất nhiều ý kiến bác bỏ điều này, bởi rõ ràng, Thị Lộ là cùng thế hệ với mẹ đẻ của vua Thái Tông. Theo truyền thuyết, mẹ của vua Thái Tông đã theo Lê Lợi lúc còn “ở rừng kháng chiến”. Một hôm, vì nằm mơ thấy Thần Cá Quả dưới sông hồ ngoi lên xin Lê Lợi gả cho một thần thiếp thì sẽ phù trợ cho vương nghiệp của người anh hùng áo vải (đánh được giặc Minh, dựng được nghiệp đế). Lê Lợi hỏi ý kiến những người vợ, ý là nếu ai trẫm mình làm vợ Thần Cá Quả thì sau này con người đó sẽ được kế vị Lê Lợ làm vua. Thị Lộ bấy giờ cũng đã là vợ Nguyễn Trãi, cũng theo Lê Lợi và mẹ của Thái Tông trong những ngày đó. Một nguồn sử liệu đáng tin cậy viết rõ: Ngày 24 tháng 3 âm lịch 1425, (Lê Lợi) sai lập đàn tế thần, dâng bà phi họ Phạm làm tế vật. Bà phi mặc áo quần lộng lẫy, bịt mắt lại, lên ngồi trên chiếc thuyền nan bằng giấy. Thuyền được thả theo dòng sông Lam và chìm dần dần, trong tiếng nhị, tiếng sáo điệu Nam Ai sầu não, cùng trong tiếng khóc nức nở của các phi tần và của Nguyễn Thị Lộ, thiếp của Nguyễn Trãi. Về sau, giữ lời ước ấy, Lê Lợi truyền ngôi cho Nguyên Long (tức là vua Lê Thái Tông) – khi ông này mới chỉ 10 tuổi.

Posted Image

Một bệ miếu thờ cổ kính nằm ở ngay khu vực đã xảy ra thảm án Lệ Chi Viên.

Dù sự thật thế nào, thì có một sự thật không thể phủ nhận: là Thị Lộ tài hoa cải biến một “hôn quân” hơn 10 tuổi đầu không ai bảo ban được thành một “minh quân”. Cái lợi cho cả đất nước là quá lớn. Nhiều sử gia cho rằng, Nguyễn Trãi đại tài đại đức quá hiểu điều đó, ông đã bỏ việc nhỏ (bị đôi điều dị nghị) để mưu cầu việc lớn hơn cho dân cho nước (biến con của Lê Thái Tổ thành “minh quân”).

Đến đời Lê Thánh Tông (1460-1497), Nguyễn Trãi đã được tẩy oan và truy phong chức Đặc tiến kim tử Vinh Lộc đại phu. Người con duy nhất trốn thoát (sau thảm họa tru di tam tộc vì bị khép vào tội “giết vua”) của Nguyễn Trãi là Nguyễn Anh Vũ được bổ làm tri huyện, đồng thời vua cấp cho họ Nguyễn một trăm mẫu ruộng để lo việc thờ cúng. Tuy nhiên dấu hỏi lớn: ai đã giết Thái Tông vẫn còn bỏ đó. Vì sao? Vì chính Nguyễn Thị Anh đã ngầm sai người bỏ thuốc độc cho Thái Tông chết, nói ra thì xấu chàng hổ ai. Mà Nguyễn Thị Anh chính là vợ của Lê Thái Tông.

Chuyện giết vua, âm mưu giết Thái Tông được lịch sử “minh định” lại rất rõ ràng, chi tiết, như sau: Bà phi Nguyễn Thị Anh (vợ Lê Thái Tông), sinh ra Bang Cơ được phong làm thái tử. Đùng một cái, bà phi nữa của vua Lê Thái Tông là bà Ngọc Dao lại có chửa. Mà chửa sắp đẻ ra người nhà giời hẳn hoi, bởi bà này nó là bà mơ thấy Ngọc Hoàng sai một vị tiên xuống đầu thai vào… bụng mình. Bà Thị Anh bắt đầu lo đứa con trong bụng bà Ngọc Dao sẽ chiếm ngôi của thái tử con mình. Bà Thị Anh bèn lập mưu xui vua khép bà Ngọc Dao vào tội bùa ngải, sẽ bị voi dày. Thị Lộ và Nguyễn Trãi vốn nhân từ mới bèn tìm cách cứu bà Ngọc Dao đem đi cho sinh nở mẹ tròn con vuông ở Quảng Ninh ngày nay. Đứa con ấy chính là Lê Thánh Tông sau này. Mối thù này, sau khi vua Thái Tông chết, khiến bà Thị Anh đã được dịp “rửa”, bằng cách vu cho nguyễn Trãi và Thị Lộ giết vua, cảnh tàn sát đẫm máu đã diễn ra. Những “tin đồn” kiểu Nguyễn Trãi cùng học trò dọn vườn có làm vỡ ổ của mẹ con con rắn trắng, sau này nó hóa thành Thị Lộ để rích rắc làm cho ba họ nhà Nguyễn Trãi bị tru di, đó chỉ là cách “tuyên truyền” của vua chúa phong kiến dạng hôn quân bạo chúa thời cũ, nhằm lấp liếm sự ngu muội và vô đạo của họ.

Nỗi oan của Nguyễn Trãi và Thị Lộ, đúng là nước bể Đông, nước thời gian mấy trăm năm cũng không thể gột cho nguôi ngoai được chút nào.

Bên bờ sông Đuống (gần Lệ Chi Viên):

Cha đẻ “Nỏ Thần An Dương Vương” cũng được “rửa” nỗi oan bằng… mạng sống!

Cũng ở khúc sông Đuống mà chúng ta đang xuôi dòng, còn có đền thờ Cao Lỗ Vương. Một di tích quý, một thắng cảnh đẹp. Và cũng là một nỗi oan khuất, buồn bã, buồn như cái mối tình Lông Ngỗng của nàng Mỵ Châu “Trái tim lầm lỡ để trên đầu/ Nỏ thần sơ ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu”. Sách cũ, xin phép các tác giả được trích nguyên văn từng câu chữ (bởi tất cả đều đã là… truyền thuyết, có viết thế, viết mãi thì vẫn thế!):

Cao Lỗ là người sáng chế ra nỏ liên châu (nỏ thần): bắn một lần được nhiều phát mà các mũi tên đều bịt đồng sắc nhọn. Sử sách cũ đã thần thánh hóa gọi là: "Linh Quang Thần Cơ". Sách Lĩnh Nam chích quái chép rằng: Cứ đem nỏ ra chĩa vào quân giặc là chúng không dám đến gần.

Cao Lỗ huấn luyện cho hàng vạn binh sỹ ngày đêm tập bắn nỏ. Vua An Dương Vương thường xem tập bắn trên "Ngự xa đài", dấu vết này nay vẫn còn (góc đông bắc ngoài thành nội).

Là người phát minh ra nỏ thần, lại có tài bắn nỏ nên dân gian thường gọi ông là Ông Nỏ.

Khi Triệu Đà cho quân xâm lược Âu Lạc, chúng đã bị các tay nỏ liên châu bắn tên ra như mưa, thây chết đầy nội và phải lui binh. Đương thời, nỏ liên châu trở thành thứ vũ khí thần dũng vô địch của nước Âu Lạc.

Triệu Đà bèn lập xảo kế thông gia cho con trai là Trọng Thủy lấy con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. Cao Lỗ phản đối, khuyên vua không nên nhận, nhưng An Dương Vương không nghe còn nghe lời dèm pha của Lạc hầu. Cao Lỗ dần dần bị vua xa lánh, ông bỏ đi nơi ở ẩn.

Khi Trọng Thủy biết được bí mật phòng thủ của An Dương Vương về mách cho vua cha, Triệu Đà mang quân sang đánh Âu Lạc. An Dương Vương thua chạy. Quân Triệu đuổi theo. Cao Lỗ biết tin, ra đón đường chặn đánh quân Triệu cho vua chạy thoát và ông đã tử trận.

(Theo sách sử)

Bài và ảnh: Đỗ Lãng Quân

nguồn vietimes

Share this post


Link to post
Share on other sites