Thiên Sứ

Phát Âm Sai Từ Việt!

2 bài viết trong chủ đề này

Có nên "chữa ngọng"?

11/11/2011 11:04:57

Posted Image - Chủ trương “chữa ngọng” cho giáo viên để từ đó chữa ngọng cho học sinh lần đầu tiên được Sở GD-ĐT Hà Nội triển khai đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ dư luận.

Hà Nội "chữa ngọng" cho giáo viên và học sinh

Phát âm có thể sai nhưng viết phải chuẩn

Rất nhiều độc giả cho rằng việc sửa lỗi nói ngọng và viết sai do nói ngọng là việc làm thiết thực góp phần giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ tiếng Việt vốn giàu thanh điệu và sắc thái biểu cảm của chúng ta. Độc giả Hà Trung, ở địa chỉ hatrung88@gmail.com bày tỏ: "Việc sửa tật nói ngọng và viết sai chính tả do nói ngọng cho học sinh là rất cần thiết. Bản thân tôi cũng bị nói ngọng chữ l và n. Và chính điều đó làm tôi mất tự tin khi giao tiếp và bị mọi người chê cười, thậm chí còn bỏ lỡ những cuộc thi tài năng. Chính vì thế tôi đã cố sửa thành công tật nói ngọng này và bây giờ tôi tự tin trong giao tiếp của mình". Ngoài ra độc giả này cũng lưu ý: "Nói ngọng khá nguy hiểm vì khi ngữ âm bị biến đổi sẽ làm chính tả dần biến đổi theo, dẫn đến hiện tượng ngôn ngữ viết cũng sẽ bị “ngọng”, sai chính tả. Khá nhiều bậc cha mẹ không nhận thức được một cách đầy đủ về điều này, thường xuyên phát âm tùy tiện nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ ngay từ lúc các em tập phát âm. Đến khi đi học, các cô giáo mầm non chỉ chú ý dạy các em vui chơi, múa hát, chưa chú trọng uốn nắn ngôn ngữ nên việc nói ngọng của các em ngày càng nghiêm trọng. Khi còn nhỏ, các em chưa có năng lực phản biện để so sánh đúng sai nên tin tuyệt đối vào người thầy. Do đó, trên thực tế dù cô giáo phát âm sai nhưng các em vẫn nhất nhất nghe lời. Trong khi đó, tật nói ngọng càng lớn càng khó sửa. Thế nên vai trò của các bậc cha mẹ, ông bà học sinh trong việc sửa lỗi ngọng cho các em cũng khá quan trọng. Vì thế từ nhỏ các bậc cha mẹ, ông bà uốn nắn kịp thời khi trẻ bắt đầu học nói. Thực tế cho thấy rằng những bậc cha mẹ ở vùng khác đến sinh sống dễ nhận rõ tật nói ngọng của con mình nên có ý thức sửa chữa".

Posted Image Hà Nội vẫn còn nhiều học sinh và giáo viên phát âm chưa chuẩn, nhất là vùng ngoại thành. Ảnh minh họa: VNE

Độc giả đến Nguyễn Việt đến từ Thái Bình cũng đồng ý quan điểm trên: "Nếu ở trong gia đình thì ngôn ngữ địa phương là nét truyền thống. Nhưng đã ra ngoài thì phải dùng ngôn ngữ chuẩn. Việc sửa lỗi này thật đáng hoan nghênh. Mong các địa phương khác cũng vậy". Tương tự độc giả, Hà Trang, Thái Nguyên cho rằng: Đồng ý là bản sắc địa phương bao gồm cả cách phát âm, giọng điệu, nhấn nhá hay ý tứ của mỗi vùng miền là khác nhau. Nhưng đừng để cách phát âm làm ảnh hưởng đến khả năng viết đúng chính tả trong 1 số văn bản, việc đó có thể làm người khác đánh giá không tốt về mình. Bản thân tôi, tôi có thể chấp nhận người ta phát âm sai nếu tôi vẫn có thể hiểu họ; còn việc viết sai chính tả trên báo chí và một số văn bản thì thật tức cười, là người SN 1990 tôi cũng dễ dàng chấp nhận việc comment facebook bằng số kiểu viết tắt hay kiểu viết theo phát âm mà tôi thấy vui tai (không-ko, vui-dzui, buồn-bùn, rồi-rùi,....) nhưng khi viết đơn hay làm bài tập tôi viết rất đàng hoàng (việc viết sai sẽ ảnh hưởng tới thông tin tôi muốn truyền đạt đến thầy đến cô, người mà tôi tôn trọng). Chị Hương Nga (Hà Nội) có con bị ngọng cho biết: "Con tôi nói ngọng vần l và n, tôi rất lo lắng rối ruột vì sợ ảnh hưởng đến giao tiếp, đến việc học ngoại ngữ của con cái sau này. Vì thế mà tôi hoàn toàn ủng hộ cách làm này của Hà Nội".

Sửa rồi còn gì là văn hóa địa phương?

Bên cạnh đó lại có những ý kiến cho rằng việc chuẩn hóa quá không hay. Ngôn ngữ địa phương sửa sao cho hết được. Bạn Lê Hòa (SV trường Công đoàn) phản đối: Theo tôi nghĩ đó không phải là nói ngọng mà là tiếng địa phương, đó là bản sắc riêng của từng địa phương, tại sao lại chê bai? Nên phân biệt tiếng phổ thông (là tiếng nói chung của toàn dân Việt Nam, dùng trong học tập, giao tiếp chung) và tiếng địa phương vùng miền, mỗi vùng miền khác nhau thì có tiếng nói và phát âm riêng. Tại sao phải đồng hóa theo giọng Hà Nội? Đừng bảo, mai mốt người Huế, người Trung, người Nam đều phải nói theo giọng Bắc thì mới đúng. Chưa chắc gì giọng Hà Nội là chuẩn nhất". Cùng chung quan điểm với bạn Lê Hòa, độc giả Văn Giang (Ninh Bình) nói: "Thế nào là nói ngọng?": Chúng ta luôn nói đền "nói ngọng" và thường chỉ chú ý đến âm "l" & "n". Theo tôi, đấy chỉ là phương ngữ. Ai dám khẳng định "giọng" Hà Nội là "tiếng Việt chuẩn"? "giọng Hà Nội" cũng có những âm "ngọng": - Âm "rờ" ® luôn bị phát âm là "zờ" (RỒI nói là DZỒI...) - Âm "sờ" (S) và âm "xờ" (X) luôn giống nhau khi phát âm - ... Giọng Huế (tạm xem là "chuẩn" của miền Trung), giọng Sài Gòn (tạm xem là "chuẩn" của miền Nam) cũng có rất nhiều âm bị phát âm sai. Thế nhưng nếu có 1 nỗ lực nào đó "cấp quốc gia" để "chuẩn hóa" cách phát âm của Tiếng Việt thì quả là hoang đường & không tưởng. Ngôn ngữ là phương cách để giao tiếp, trong giao tiếp thông thường, nói sao mà người nghe hiểu được là "chuẩn". Các trường hợp ngôn ngữ mang tầm "quốc gia" thì có thể dùng phương ngữ Thủ đô (giọng Hà Nội "chuẩn") ví dụ như các đài phát thanh truyền hình quốc gia (VOV, VTV) và trong các hội nghị quốc gia, quốc tế". Không đồng tình với cách làm của Hà Nội, độc giả Trần Mai Sơn chia sẻ: "Đó là văn hóa không cần phải sửa, nếu dân Nam Bộ mà sửa lời nói zdề (về) lại thành về thì còn gì là Nam Bộ nữa". Độc giả Mai Sơn cho rằng: "So với chuẩn chữ viết, nói chung, miền Bắc thì sai một số âm đầu, miền Trung thì lệch vài âm giữa, còn miền Nam thì kém chính xác lác đác các âm cuối âm cuối... đều là sự đa dạng của tiếng Việt, cũng như tiếng Anh thì có giọng Anh, giọng Scotland, giọng Úc, giọng Mỹ mà có ai đòi sửa đâu?!

Cần sàng lọc từ các trường sư phạm

Không chỉ tán thành, nhiều độc giả còn đưa ra những giải pháp. Bác Cường Quốc (Hà Nội) nói: "Tôi cũng thấy rất không thoải mái khi nghe các bác sỹ, tiến sỹ khoa học, các giám đốc... phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng mà vẫn phát âm sai chữ "n" thành chữ "l" và ngược lại. Nên sàng lọc những sinh viên khi vào học tại các trường sư phạm tức là các giáo viên tương lai phải là những người phát âm chuẩn, nếu không sàng lọc được thì phải có các buổi luyện giọng sửa tật nói ngọng cho bằng được, nhất là các giáo viên Tiểu học. "Học sinh nói ngọng chủ yếu do thói quen từ địa phương và bị ảnh hưởng từ giáo viên. Nếu giáo viên nói ngọng thì nguy cơ hàng loạt thế hệ học sinh nói ngọng và “viết ngọng” sẽ rất cao", độc giả này giải thích. Còn độc giả Hà Hoa chỉ ra rằng muốn con không nói ngọng thì từ nhỏ khi các bé tập phát âm, các cha mẹ, ông bà phải uốn nắn, định hướng cho các bé nói theo. Độc giả này cũng cho biết "Trẻ đến tuổi đi học mà vẫn ngọng nghịu thì phụ huynh cần quan tâm điều chỉnh, để lâu trẻ sẽ bị mặc cảm, khó chữa hơn và cần đến bệnh viện khám".

Trong bài viết “Nói ngọng” và việc dạy phát âm đúng đăng trên Tuổi trẻ, GS.TS Đạo Cung cho rằng: Hiện nay có nhiều cách phát âm khác nhau do sự khác biệt về cư dân ở các vùng địa lý khác nhau. Một vùng rộng lớn ở đồng bằng Bắc bộ, bà con nói "uống lước", "đi nàm", "lằm ngủ", "năn nộn"... Tôi kiên quyết phản đối cách gọi hiện tượng đó là "nói ngọng". Chữ "ngọng", một nửa của cụm từ "ngọng nghịu", bao hàm một ý tứ khinh thị. Từ ngàn đời nay bà truyền cho mẹ, mẹ truyền cho con cách phát âm như thế. Thế hệ sau nói đúng y thế hệ trước, sao lại bảo "nói ngọng". Cũng giống như cụm từ viết là "vay vốn làm ăn" được nói là "day dốn làm ăng", "vay vống lòm eng", có nơi đọc "tổng quát" thành "tổng quác", có nơi đọc "quan trọng" là "quan chọng", "trong nước" thành "chong nước"... Tất cả trường hợp nói trên đều không thể coi là nói ngọng, mà là phát âm khác nhau giữa các vùng miền.

Đặng Thái Thu Hương - Khoa phục hồi chức năng Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho biết trên Tuổi trẻ: Hiện nhiều người quan niệm trẻ có thắng lưỡi ngắn, dính dây thắng lưỡi (lớp màng mỏng niêm mạc dưới lưỡi) nên nói ngọng. Tuy nhiên điều này hoàn toàn sai lầm. Dính thắng lưỡi có thể gây trở ngại cho phát âm, song biến chứng của viêm tai giữa, một tổn thương thần kinh... cũng dẫn đến chậm nói. Cha mẹ ít quan tâm, ít chơi và nói chuyện với trẻ có thể làm trẻ khó phát triển ngôn ngữ. Đáng tiếc, quan niệm về nguyên nhân dính thắng lưỡi quá phổ biến đến mức hầu hết trẻ đều được cắt thắng lưỡi trước khi điều trị phục hồi tại viện.

Theo ThS Hoàng Đình Ngọc - Phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng trung ương: Ngọng do bệnh lý không thể dồn hết vào nguyên nhân thắng lưỡi ngắn. Thắng lưỡi là một màng rất mỏng ở phía dưới lưỡi, nếu ngắn quá sẽ khiến lưỡi khó cử động. Song việc phát âm là sự cộng hưởng của rất nhiều bộ phận, từ khu vực tiếp nhận âm thanh (tai) cho đến các phần góp vào sự phát âm: miệng, lưỡi, răng, môi, thanh quản... Lưỡi quá to, quá dày, răng cửa trên bị khe hở... đều có thể gây ra lỗi phát âm.

Bắc Lưu

(Tổng hợp)

============================

C

hán thật! Nại còn cái gọi nà văn hóa địa phương trong chuyện lày.

Ở Cổ Nhuế cách đây vài chục lăm, người dân lói không có dấu.

Thí dụ thế lày:

Bô đi ăn cô thi nhơ lây phân lây gio vê cho con nhơ! (Bố đi ăn cỗ thì nhớ lấy phần , lấy giò về cho con nhớ).

Hoặc người Trung "không" thì họ bảo "nỏ".

Chẳng ai bắt bò mấy người nói tiếng địa phương cả. Trái lại cần gìn giữ như chứng tích văn hóa phi vật thể, có tác dụng chứng minh Việt sử 5000 năm văn hiến. Nhưng "lói " ngọng thì nại nà chuyện khác. Cái lày ló không phải nà tiếng địa phương. Mà nà phát âm sai từ Việt và nhà trường phải chính sửa để nhất quán tiếng Việt và bảo đảm tính trong sáng tiếng Việt và văn hóa Việt. Lếu không thì trong tương nai, một nhà văn lổi tiếng sẽ viết thế lày:

Đêm lay tôi đến làng để hỏi chuyện tình của chúng tôi. Làng lói làng sợ chuyện tình nàm láo noạn cả nàng . Bởi vậy làng muốn từ chối tình tôi vì muốn xóm nàng yên tĩnh. Tôi định ôm nấy làng chia tay nần chót. Làng đẩy tôi ra và lói: "Lô! Lô!" .

Có vị giáo sư khả kính bảo rằng đây không phải nà lói ngọng. Lói ngọng ló khác. Nhưng dù gọi nà gì thì cũng cần chấn chỉnh. Vì nó phát âm sai từ Việt.

Vị giáo sư kia xuống dạy nớp vỡ nòng tại một địa phương chuyên phát âm sai từ "n" và "l". Giáo sư thì không lói ngọng, nhưng vì để hòa nhập với quần chúng lên thày cũng phải phát âm đúng tiếng địa phương. Thày giơ cái bảng có ghi chữ N hỏi các em:

- Chữ lày nà chữ gì?

- En lờ. Cả lớp đồng thanh.

- Thế còn chữ lày? Vị giáo sư ấy giơ cái bảng có chữ L .

- En Nờ..ờ...Cả lớp lại đồng thanh...

Vị giáo sư dạy đại học ấy gật gù : - Giỏi! Giỏi thật! Thành tích học tập thật đáng lể.

Hy vọng các em sẽ trở thành "nương đống của đất lước" sau lày! Đất lước trong tương nai rất hy vọng vào các em.
1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites

GS.TS Đạo Cung cho rằng:

Hiện nay có nhiều cách phát âm khác nhau do sự khác biệt về cư dân ở các vùng địa lý khác nhau. Một vùng rộng lớn ở đồng bằng Bắc bộ, bà con nói "uống lước", "đi nàm", "lằm ngủ", "năn nộn"... Tôi kiên quyết phản đối cách gọi hiện tượng đó là "nói ngọng". Chữ "ngọng", một nửa của cụm từ "ngọng nghịu", bao hàm một ý tứ khinh thị.

Đề nghị xem lại chức danh ông GS.TS này. Nói ngọng thì nói là nói ngọng, chứ nói văn hóa đại phương truyền đời từ thời cha ông thì ...xin ông sửa luôn từ điển tiếng Việt cho nó tiện. GS.TS gì trả lời kỳ cục quá.

Người bình thường thì có thể lẫn lộn giữa chữâm, chứ GSTS mà không phân biệt nổi thì thua. Chữ l thì được phát âm là [l], phát âm khác đi [n]là sai, là ngọng. Chữ ph thì phát âm là [f], phát âm thành [tr] hay [ch] hay gì đó thì là sai, là ngọng.

Vùng miền nào cũng nói ngọng, nhưng khi cần thì người có học, hoặc có ý thức đều có thể nói đúng chính tả, nhưng người nghe vẫn dễ dàng nhận ra giọng miền Bắc, miền Nam, hay miền Trung, đó mới gọi là giọng, âm điệu địa phương. Còn phương ngữ là thay từ hoàn toàn như răng, rứa, chi, mô hay quẹo/rẽ, hay ngõ/hẽm, hay tía má cha mẹ bầm u. Còn phát âm lẫn lộn l thành n, v thanh d, hay r thành j thì là ngọng đứt đuôi con nòng nọc rồi.

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay