Tầm nhìn mới

ĐỐI THOẠI VỀ ÂM DƯƠNG - NGŨ HÀNH

2 bài viết trong chủ đề này

Bài của nhà giáo Trần Ngọc Thêm - ngưởi khai sáng ra " văn hóa chửi ". Nhưng có lẽ văn hóa chửi không hay bằng văn hóa này. Mời các quan bác tham khảo bài dưới đây nội dung cũng hay hay và có thể "cãi " nhau thêm cho sáng xủa.

Bài chép từ diễn đàn vanhoahoc.edu

Share this post


Link to post
Share on other sites

ĐỐI THOẠI CÙNG BẠN ĐỌC VỀ ÂM DƯƠNG - NGŨ HÀNH

GS.VS.TSKH.Trần Ngọc Thêm

Bộ môn Văn hóa học

Trường Đại học KHXH & NV

Đại học Quốc gia Tp.HCM

Trích từ PHỤ LỤC cuốn Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam (Trần Ngọc Thêm, NXB Tp. HCM, bản in lần 5, 2006)



Cuốn “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” (in lần đầu năm 1996) là sự mở rộng của công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Tính hệ thống của văn hóa Việt Nam” (nghiệm thu năm 1994, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về công trình NCKH xuất sắc 5 năm 1991-1995) và cuốn “Cơ sở văn hóa Việt Nam” dày 500 trang do Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh xuất bản chính thức lần đầu năm 1995. Mặc dù khi đó sách mới chỉ lưu hành nội bộ với số lượng xuất bản không nhiều, song sau khi ra mắt, “Cơ sở văn hóa Việt Nam” đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận bạn đọc. Một Hội thảo đã được tổ chức tại Trung tâm Quốc học. Nhiều báo và tạp chí trong nước và của Việt kiều ở nước ngoài đã đăng tải các bài giới thiệu, nhận xét, thảo luận.

Bên cạnh nhiều ý kiến, bài viết đánh giá cao công trình này và những góp ý đúng đắn, chân thành mà chúng tôi rất trân trọng tiếp thu, cũng có một số bài viết chứa những nhận xét không thỏa đáng do không hiểu rõ, không cùng điểm xuất phát, hoặc đơn giản là do chưa đọc kỹ. Nhận thấy một số băn khoăn thắc mắc trong những bài này có thể cũng là băn khoăn thắc mắc chung của bạn đọc “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” nên chúng tôi đã đưa vào phần Đối thoại cùng bạn đọc này mà nội dung chủ yếu được soạn theo bài trả lời phỏng vấn của chúng tôi với phóng viên Công Bình nhan đề “Trò chuyện với tác giả Cơ sở văn hóa Việt Nam” đã đăng trên Báo “Văn nghệ”, số 32-1996 và một bài khác đã gửi cho báo “Văn nghệ” sau đó, nhưng chưa được tòa soạn công bố.

Đối thoại cùng bạn đọc hy vọng góp phần làm sáng tỏ thêm về phương pháp tiếp cận và nội dung những vấn đề đã trình bày trong sách “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”.

VỀ VẤN ĐỀ ÂM DƯƠNG - NGŨ HÀNH



- Những vấn đề tranh luận xung quanh các khái niệm “âm dương”, “ngũ hành”, “bát quái” mà các cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam đã khơi lên là gì?

- Có thể thấy lộ ra ba vấn đề: Nguồn gốc chúng từ đâu? Chúng thuộc sở hữu của ai? Và chúng có phải là mê tín dị đoan không?

Nguồn gốc chúng từ đâu? Khác với các giá trị của văn hóa phương Nam là vấn đề đã có đủ cơ sở để kết luận, đây là vấn đề còn đang ở dạng giả thuyết. Phần đông xưa nay thường theo Khổng An Quốc và Lưu Hâm đời Hán mà quy công sáng tạo cho Phục Hy. Một số khác thì cho rằng tác giả của âm dương ngũ hành là Châu Diễn và phái âm dương gia. Quy công cho Phục Hy là phi khoa học, đơn giản là vì đó là một ông vua truyền thuyết hoang đường không có thực. Quy công cho phái âm dương gia cũng vô lý không kém, đơn giản là vì phái âm dương gia mãi đến thế kỷ III trước công nguyên mới xuất hiện, tức là sau Khổng Tử đến hai thế kỷ, mà vào thời Khổng Tử đã có Kinh Dịch, có âm dương bát quái rồi; phái âm dương gia chẳng qua chỉ vận dụng âm dương để giải thích địa lý - lịch sử và vận dụng ngũ hành để tạo ra “Ngũ đế đức” mà thôi.

Về phần mình, trước hết chúng tôi nhận thấy rằng ngũ hành và bát quái là sản phẩm của hai dân tộc khác nhau. Bằng chứng thứ nhất là trong quan niệm về quá trình hình thành vũ trụ của người Trung Hoa “Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bái quái, Bái quái biến hóa vô cùng” không có chỗ đứng cho ngũ hành. Thứ hai là ta gặp trong Ngũ hành và Bát quái cùng một số hiện tượng xuất phát (đất, nước, lửa), nhưng với tên gọi hoàn toàn khác nhau và ứng với những phương vị khác nhau. Thứ ba là việc phân tích đặc điểm của ngũ hành và bát quái cho thấy chúng là sản phẩm của hai kiểu tư duy khác nhau (xem §7.4 sách này). Chính nhà triết học Trung Quốc Phùng Hữu Lan trong “Đại cương triết học sử Trung Quốc” (SG, 1968, tr. 140-151) cũng lưu ý đến sự kiện là trong khi Kinh Thư chỉ đề cập đến Ngũ hành thì ở Kinh Dịch lại chỉ nói đến Bát quái, và ông nhận xét: “Hình như hai luồng tư tưởng ấy đã tiến triển độc lập, không liên quan gì với nhau”.

Chúng là sản phẩm của hai dân tộc. Vậy cái nào là sản phẩm của ai? Việc phân tích cho thấy: a) Ngũ hành là sản phẩm của cách tư duy tổng hợp và trọng quan hệ (đặc thù cho phương Nam hơn), còn bát quái là sản phẩm của tư duy phân tích hơn và trọng yếu tố hơn (đặc thù cho phương Bắc hơn); :unsure: Ngũ hành sử dụng phổ biến ở phương Nam hơn, bát quái sử dụng phổ biến ở phương Bắc hơn (xem §7.4 sách này). Từ đó có thể kết luận: ngũ hành là sản phẩm của phương Nam, còn bát quái là sản phẩm của phương Bắc. Cả hai tiến triển độc lập nhưng cùng xuất phát từ một gốc chung là triết lý âm dương.

Về triết lý âm dương thì hàng loạt bằng chứng liên ngành có thể quy về 7 điểm cho thấy rằng triết lý âm dương được hình thành trong khu vực văn hóa phương Nam (xem các trang 86-91 sách Cơ sở văn hóa Việt Nam bản in năm 1995 hoặc §5.5 sách này). Nếu âm dương không phải sản phẩm của phương Nam (mà là của vùng sông Hoàng Hà) thì tại sao trong khi người Việt có vật tổ cặp đôi (Rồng-Tiên) mà người Hán lại không có? Tại sao người Hán chỉ có một ông Tơ Hồng mà vào đến Việt Nam thì phát triển thành cặp đôi “Ông Tơ - Bà Nguyệt”? Tại sao mộ cổ Đông Sơn chôn theo nguyên lý âm dương? Tại sao trên trống đồng Đông Sơn có các hình vuông tròn lồng vào nhau? Tại sao tư duy dân gian Việt Nam phát triển theo lối âm dương một cách rõ rệt (Trong rủi có may, trong dở có hay, trong họa có phúc; Sướng lắm khổ nhiều; Trèo cao ngã đau; Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời…)? Dễ thấy rằng từ yang (dương) trong tiếng Hoa được phiên âm từ yang (= trời, giàng) của các tiếng Đông Nam Á, còn yin (âm) thì có thể thấy là được phiên âm từ yana, ina (= mẹ) của các ngôn ngữ phương Nam; sở dĩ “mẹ-trời” không thuộc cùng một cặp đối lập như có người thắc mắc là bởi vì truyền thống tư duy tổng hợp ­ ghép “mẹ” với “trời” để tổng hợp được cả hai cặp “mẹ-cha” và “đất-trời” là hai quá trình sinh sản quan trọng nhất: sản sinh ra con người và sản sinh ra mùa màng. Tại sao người Việt vẫn xưng hô “ông-con”, “cô-con”, vẫn nói “xem hát”, v.v.? Chẳng qua là để tổng hợp được cả hai quan hệ ông-cháucha-con, cô-cháumẹ-con, xem-diễnnghe-hát vậy!

Tìm hiểu nguồn gốc không phải là để “tranh chấp” quyền sở hữu. Một hiện tượng văn hóa, dù xuất phát từ đâu, qua con đường giao lưu đã thâm nhập vào các dân tộc khác, được họ tiếp nhận và phát triển thì chúng sẽ thuộc quyền sở hữu của tất cả các nền văn hóa này. Nho giáo bắt nguồn từ Trung Hoa đến nay đã trở thành sở hữu chung của các dân tộc Đông Á và Việt Nam. Cũng vậy, dù triết lý âm dương có bắt nguồn từ cư dân Nam-Á hay Hán tộc thì đến nay nó cũng đã trở thành sở hữu của nhiều dân tộc phương Đông. Việc xác định nguồn gốc của một hiện tượng chẳng qua là nhằm giúp làm sáng tỏ và giải thích thỏa đáng nhiều vấn đề có tính quy luật của hiện tại.

Âm dương ngũ hành có phải là mê tín dị đoan không? Có người cho rằng việc chúng tôi nói đến “sự quan trọng của số lẻ”, đến âm dương ngũ hành, đến cách đổi ngày tháng năm dương lịch ra ngày tháng năm theo hệ can chi vô tình có thể làm cho người đọc bị chi phối bởi tư tưởng siêu hình, bởi óc mê tín dị đoan…” (tạp chí Văn Tp. Hồ Chí Minh tháng 5-1996). Cần lưu ý rằng chúng tôi không hề “nhấn mạnh đến sự quan trọng của số lẻ” mà chỉ nhận xét khách quan rằng “người Việt rất coi trọng các số lẻ (3, 5, 7, 9) và những bội số của chúng (18, 27, 36)” và giải thích do đâu mà có hiện tượng ấy. Âm dương ngũ hành và lịch can chi là những tri thức văn hóa cổ có ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống con người (ăn uống, chữa bệnh, nông nghiệp,…); việc các tri thức này bị một số người lợi dụng vào lĩnh vực mê tín dị đoan chỉ là một khía cạnh của vấn đề. Không nên vì chê rượu dở mà đập vỡ bình. Không cần đến lịch can chi và cách đổi ngày tháng năm theo hệ can chi ra dương lịch, chẳng lẽ lại có người Việt Nam nào có thể ăn tết Nguyên Đán và cúng giỗ gia tiên theo dương lịch hay sao?

- Phải chăng tác giả Cơ sở văn hóa Việt Nam Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam đã dùng thuyết âm dương ngũ hành làm cơ sở triết học cho việc lý giải sự hình thành những quy luật của văn hóa Việt Nam?

- Cơ sở lý luận cho việc lý giải sự hình thành những quy luật của văn hóa Việt Nam được chúng tôi trình bày rất rõ trong chương I của hai cuốn sách, đặc biệt là sách Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam ­ đó là phương pháp hệ thống - loại hình với việc phân biệt hai loại hình văn hóa, việc định vị văn hóa Việt Nam trên một hệ tọa độ 3 chiều căn cứ vào các điều kiện tự nhiên và xã hội của nó. Lối tư duy âm dương cũng như mọi thứ khác được nói đến trong năm chương sau chỉ là những đặc điểm của văn hóa Việt Nam ­ hệ quả của các cơ sở đã nêu.

- Về vấn đề ÂM DƯƠNG, có ý kiến cho rằng một vật “phải được đặt vào ít nhất là một quan hệ với một sự vật, hiện tượng khác cùng hệ thống thì một sự vật, hiện tượng mới có thể được coi là âm hay dương, chứ tự thân nó chẳng âm cũng chẳng dương gì cả”? (báo Văn nghệ số 37-1996).

- Đây là một cách nhìn sai cả trên thực tế lẫn trên phương diện phương pháp luận khoa học.

Trên thực tế, mọi học sinh phổ thông đều biết rằng một thanh nam châm dù có bẻ ra làm bao nhiêu mảnh thì trong mỗi mảnh vụn ấy vẫn luôn luôn có một đầu dương, một đầu âm bất kể nó có “được đặt vào quan hệ với một sự vật” nào khác hay không. Mọi khái niệm thời gian tự nó đều có trước có sau; mọi vật thể không gian tự nó đều có trên dưới, trái phải, trong ngoài…; mà đã có trên dưới, trái phải, trong ngoài… thì rõ ràng là đã có âm dương rồi đó. Trong vũ trụ không có sự vật (hiện tượng) nào là không chứa cả bản chất âm lẫn dương, âm với dương tuy hai mà một, người xưa gọi đó là tình trạng “lưỡng nhất”. Chính bởi vì vật nào cũng chứa cả âm lẫn dương cho nên nếu muốn xác định xem một vật thiên về âm hay dương thì mới phải đặt nó trong quan hệ so sánh!

Trên phương diện phương pháp luận khoa học, cách hiểu như vậy đã rơi vào cái gọi là “cấu trúc luận thuần tuý”, chỉ biết có các quan hệ mà phủ nhận vai trò của bản thân sự vật ­ đó là một thứ chủ nghĩa cực đoan đã bị giới khoa học bác bỏ từ lâu.

- Tác giả bài viết trong báo Văn nghệ vừa nhắc còn nhận xét rằng “với những dương biến thành âm, âm biến thành dương [= quy luật âm dương chuyển hóa] kia thì văn hóa sử [= việc vận dụng nó] chỉ còn là một vòng tròn không lối thoát chứ đừng nói tới việc bước qua kỷ nguyên tin học”!

- Điều này một lần nữa cho thấy tác giả hiểu rất sai về triết lý âm dương. Đúng là khi nhìn vào biểu tượng âm dương (xem hình 5.1 trong sách), nhiều người có cảm tưởng như đó là một “vòng tròn luẩn quẩn không lối thoát”. Nhưng cần nhớ rằng đó là biểu tượng, là sơ đồ không đầy đủ của triết lý âm dương, chứ không phải là bản thân triết lý âm dương. Thực tế, triết lý âm dương là sự khái quát hóa vận động có quy luật của vạn vật, một sự vận động liên tục, không ngừng nghỉ, không bao giờ lặp lại hoàn toàn: Nóng chuyển thành lạnh, lạnh chuyển thành nóng, nhưng cái nóng năm nay khác hẳn cái nóng năm qua. Từ nền dân chủ bộ lạc đến dân chủ hiện đại là một sự trở lại, nhưng ở một trình độ phát triển cao hơn (vòng tròn xoáy trôn ốc) chứ đâu phải là vòng tròn khép kín không lối thoát? Người Việt xưa đã nhận xét rất đúng rằng Có dại mới nên khôn để rồi lại Hết khôn dồn đến dại; quanh đi quẩn lại chỉ có “dại” với ‘khôn” thôi nhưng đó đâu phải là một vòng tròn khép kín không lối thoát? Bởi lẽ ông cha ta biết rõ rằng Không cái dại nào giống cái dại nào! Những người làm tin học ai mà không biết rằng kỷ nguyên tin học làm sao có được nếu không có cặp khái niệm khởi đầu 0-1 (âm-dương) và các phép biến hóa từ chúng? Biểu tượng âm dương chỉ nói lên được tính quy luật của sự vận động âm dương chuyển hóa (cái tương đồng) mà không phản ánh được sự dị biệt của nó. Nếu triết lý âm dương chỉ là sơ đồ diễn tả một vòng tròn không lối thoát thì nó làm gì có sức sống để tồn tại và được vận dụng đến ngày nay?

- Nói các từ ghép tiếng Việt chỉ các cặp âm dương cơ bản, thiết yếu tuân theo trật tự “âm trước dương sau”, vậy tại sao tổ tiên ta lại nói đực cái, trống mái, cha mẹ…?

- Âm dương là cặp khái niệm mang tính triết lý phản ánh nhận thức khách quan của người xưa về thế giới, còn truyền thống trọng nữ, thiên về âm tính (mà một trong những biểu hiện của nó là trật tự “âm trước dương sau” kiểu âm dương, vợ chồng, chẵn lẻ, vuông tròn…) là một thói quen mang tính chủ quan của một vùng dân tộc, một nền văn hóa, do hoàn cảnh sống, loại hình kinh tế… quy định. Mà đã là thói quen mang tính chủ quan thì ta chỉ có thể tìm thấy quy luật qua những sự kiện mang tính xác suất - thống kê. Hơn nữa, các sự kiện thực tế luôn là sản phẩm chồng chéo của nhiều quy luật, nhiều sự tác động khác nhau. Do vậy, sẽ là vô lý nếu cứ khăng khăng đòi hỏi trật tự “âm trước dương sau” phải đúng một cách tuyệt đối với MỌI sự kiện để rồi mà “thật không sao hiểu nổi” tại sao tổ tiên ta lại nói đực cái, trống mái, cha mẹ…!

Thực ra, thành tựu của ngôn ngữ học lịch sử Việt Nam ở giai đoạn hiện nay chưa cho phép xác định được rằng những từ ghép đó xuất hiện từ bao giờ. Cho nên, sẽ là sai lầm khi khẳng định rằng đó là những cách nói của “tổ tiên ta” từ xa xưa. Chỉ cần nhìn vào những ngôn ngữ cùng họ hàng của các dân tộc ít người anh em mà trong lịch sử hầu như chưa bị ảnh hưởng của văn hóa trọng dương thì ta sẽ thấy một bức tranh khác hẳn. Tiếng K’ho (Lâm Đồng) có các từ: me bap (= mẹ cha), mộ pàng (= bà ông), oh mih (= chị anh), ur klau (= gái trai), mê kuăng (= cái đực, mái trống); tiếng H’rê (Quảng Ngãi) có các từ: mi fa (= mẹ cha), za vok (= bà ông), mai ong (= vợ chồng), rụ klo (= gái trai); tiếng Tày nói mẻ tập (= cái đực), phú pỏ (= mái trống) ­ tất cả đều là trật tự “âm trước dương sau” cả. Rõ ràng là cách tiếp cận hệ thống với hàng loạt chứng cứ từ ngôn ngữ học và các lĩnh vực khoa học khác cho ta một bức tranh toàn cảnh với kết luận không thể chối cãi về truyền thống trọng nữ, thiên về âm tính của Việt Nam nói riêng và toàn vùng Đông Nam Á cổ đại nói chung.

- Ở §26.2.3 sách Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam có viết: “Người Việt Nam, phụ nữ thiên về Phật, đàn ông thiên về Nho. Phật âm tính hơn và Nho dương tính hơn”. Đây là một nhầm lẫn đáng tiếc! Theo giáo sư Michio Kushi trong cuốn Your Face Never Lies [1][2]: “hoạt động viết của con người là âm, hoạt động nói là dương. Khổng Tử viết rất nhiều nên âm, còn Chúa Jesus và Phật Thích Ca không viết một chữ nào nên rất dương” (Xưa & nay, số 75B, tr. 37).

- Giáo sư Michio Kushi nói đúng. Tôi cũng không sai. Chỉ có người dùng câu của Michio Kushi để soi vào câu của tôi rồi từ đó cho rằng tôi “nhầm lẫn” mới sai thôi! Sai đơn giản là vì chưa hiểu hết triết lý âm dương.

Điều quan trọng nhất của triết lý âm dương mà nhiều người thường quên là vạn vật đều vừa âm vừa dương. Âm về mặt này mà dương về mặt khác. Âm trong sự so sánh với đối tượng này mà dương trong sự so sánh với đối tượng khác. Nước so sánh với đất vừa âm hơn (vì mềm hơn, thấp hơn...), lại vừa dương hơn (vì động hơn)!

Đúng là viết âm hơn nói vì viết tĩnh (bút sa gà chết), còn nói động (lời nói gió bay), về mặt này thì Khổng Tử âm hơn Thích Ca. Nhưng đây chỉ là sự so sánh hai giáo chủ trên phương diện hoạt động truyền bá, còn nếu so sánh hai giáo lý, giáo luật, v.v. thì bức tranh thu được sẽ hoàn toàn khác: Phật giáo thiên về xuất thế, chủ trương sống từ bi nên âm tính hơn; Nho giáo thiên về nhập thế, chủ trương tham gia chính sự nên dương tính hơn.

- Có ý kiến phê bình tác giả Cơ sở văn hóa Việt NamTìm về bản sắc văn hóa Việt Nam “giảng giải ngũ hành sinh khắc theo kiểu trực quan giống hệt các sách tử vi nhập môn, mà chưa hiểu được sự tinh tế của cổ nhân”?

- Trước hết cần nhắc rằng mục đích cuốn sách của chúng tôi không phải là bàn về ngũ hành - bát quái, càng không phải là bàn về kinh Dịch; chúng tôi chỉ đặt ra nhiệm vụ giới thiệu rất sơ lược về những điều cơ bản trong chừng mực chúng có liên quan tới văn hóa Việt Nam mà thôi. Tuy nhiên, về sự tinh tế của các khái niệm này, ở trang 96 sách Cơ sở văn hóa Việt Nam bản in năm 1995 (và §6.2 sách Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam), chúng tôi đã nói rõ: “ngũ hành không phải là 5 yếu tố mà là 5 loại vận động, quan hệ với tính khái quát rất cao: Thủy, hỏa… không chỉ và không nhất thiết là “nước”, “lửa” mà còn là rất nhiều thứ khác”. Do tính trừu tượng và khái quát cao ấy, muốn giải thích các quan hệ ngũ hành sinh khắc cho dễ hiểu thì xưa nay, từ các sách tử vi nhập môn cho đến các từ điển triết học đều vẫn phải dùng các ví dụ trực quan kiểu “nước dập tắt lửa” cả; tuy nhiên chúng tôi đã luôn nói rõ rằng đó chỉ là ví dụ mà thôi, bởi lẽ thủy, hỏa… không chỉ và không nhất thiết là “nước”, “lửa” mà còn là rất nhiều thứ khác.

- Phải chăng “sơ đồ ngũ hành tương sinh không ghi nhận được một cách đồng thời các quan hệ tương khắc, tình hình này không ăn khớp với quy luật trong khắc có sinh, trong sinh có khắc” và “các sơ đồ ấy không phản ảnh được đầy đủ thực tế”?

- Nói vậy là thiếu am hiểu về phương pháp luận khoa học: Mọi sơ đồ, mô hình bao giờ cũng phản ánh thực tế một cách sơ lược, không đầy đủ; có như thế thì mới phải gọi là đồ, hình, chứ nếu đầy đủ, chính xác thì chúng đã là bản thân thực tế rồi! Từ sơ đồ đến thực tế còn phải bổ sung thêm các sơ đồ khác, thêm chất liệu, thêm sự vận dụng… Giữa sơ đồ mang tính nguyên lý “thủy khắc hỏa” với thực tế “nước gáo lửa xe” (trường hợp nước ít, lửa nhiều, nước không dập tắt được lửa) là vấn đề vận dụng, là hậu quả sự tác động của quy luật chuyển hóa giữa lượngchất.

- Có ý kiến khẳng định một cách tin tưởng rằng do hạn chế của ngũ hành mà người xưa đã tạo ra bát quái?

- Đây là cách hiểu khá phổ biến đã trở thành định kiến lâu nay. Trong các sách của mình, chúng tôi đã nêu ra các bằng cứ chứng minh rằng ngũ hành và bát quái là sản phẩm của hai dân tộc khác nhau (xem các trang 91, 114-117 sách Cơ sở văn hóa Việt Nam bản in năm 1995 hoặc §§5.6, 7.4 sách Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam) và đã nhắc lại ở trên, khi trả lời câu hỏi đầu tiên.

- Có người cho rằng ngũ hành và bát quái là những thứ không thể so sánh được vì lẽ, thứ nhất, ngũ hành là “các yếu tố tự nhiên, được khái quát hóa thành hệ thống khái niệm”, trong khi bát quái là “các khái niệm nhân tạo, được vận dụng để nhận thức về các quá trình của thế giới”...

- Nhưng đó chỉ là một sự ngộ nhận. Trên thực tế, không có một khái niệm nhân tạo nào lại không có nguồn gốc từ những quan sát tự nhiên. Các lý luận gia về khoa học đã biết từ lâu rằng dù đi bằng con đường phân tích hay tổng hợp, quy nạp hay diễn dịch, nhà khoa học suy cho cùng bao giờ cũng phải xuất phát từ thực tế trực quan. Ai đã từng nghiên cứu triết học Mác-xít mà lại không biết đến luận điểm nổi tiếng của V.I. Lênin về con đường biện chứng của nhận thức “từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng”?

- ... Thứ hai, ngũ hành “mô tả thế giới năm thành phần”, còn Bát quái thì “coi thế giới là nhất nguyên nhất thể (thái cực)”...

- Thực ra, việc coi vũ trụ là một thể thống nhất, một thái cực, không phải là đặc điểm riêng của bát quái, mà là đặc điểm chung của nhận thức Đông phương. Nếu xét về nguồn gốc thì ngũ hành (với những cặp đối lập thủy-hỏa, mộc-kim) cũng xuất phát từ âm dương, mà âm dương là khái niệm giải thích bản thể của vũ trụ và vạn vật. Như thế, xét về nguồn gốc thì thực chất cả ngũ hành lẫn bát quái đều “coi thế giới là nhất nguyên nhất thể”, còn xét về hiện trạng thì cả hai đều “mô tả một thế giới” đã biến hóa, đã phức tạp hóa ­ bên năm, bên tám thành tố.

- ... Thứ ba, ngũ hành phản ánh thế giới trong không gian, còn bát quái thì “đã giản lược yếu tố không gian, nên chỉ còn phải phản ánh thế giới trong sự vận động của nó trên trục thời gian”.

- Nghiên cứu bát quái, ai mà không biết rằng trong tri thức về bát quái có vấn đề phương vị? Thiệu Tử nói về bát quái tiên thiên: “Đây là phương vị bát quái của vua Phục Hy: kiền ở Nam, khôn ở Bắc, ly ở Đông, khảm ở Tây, đoài ở Đông-Nam, chấn ở Đông-Bắc, tốn ở Tây-Nam, cấn ở Tây-Bắc”. Hồ Cư Nhân nói về bát quái hậu thiên: “ly ở Nam, khảm ở Bắc: đó là nơi giao tiếp trung chính của trời đất. Chấn ở Đông, đoài ở Tây: đó là nơi tuần tự ra vào của thời lệnh. Cấn ở Đông-Bắc, tốn ở Đông-Nam: phụ chấn để sinh xuất. Khôn ở Tây-Nam, kiền ở Tây-Bắc: phụ đoài để thu nhập. Đấng thánh nhân bố trí phương vị bát quái tinh vi như vậy đó, thế mà nhiều kẻ còn không hiểu, thực chỉ là tại họ chưa khảo cứu sâu xa đó thôi” [Nguyễn Hữu Lương 1971: 212-542]. Đó là cái gì nếu không phải là không gian? Chính tác giả bài viết trong báo Văn nghệ số 37-1996 cũng tự mâu thuẫn với mình: khi muốn chứng minh rằng bát quái không thể so sánh được với ngũ hành thì tư biện rằng “bát quái chỉ còn phải phản ảnh thế giới <…> trên trục thời gian”, trong lúc trước đó mới chỉ 12 dòng thôi đã viết: “phương vị (!) của bát quái trong không gian (!) cũng tương tự như ngũ hành (!), đều là các quy ước mang tính biểu trưng”.

- Phản bác nhận xét của Cơ sở văn hóa Việt NamTìm về bản sắc văn hóa Việt Nam về việc “giữa các quẻ trong bát quái không có quan hệ gì với nhau” (trang 115 sách Cơ sở văn hóa Việt Nam bản in năm 1995 hoặc §7.4.2 sách Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam), tác giả bài viết trong báo Văn nghệ số 37-1996 nói rằng “các quẻ trong bát quái liên hệ với nhau rất chặt chẽ <…>, mỗi quẻ đều có thể biến thành bảy quẻ kia nếu thay đổi các hào dương thành hào âm và ngược lại”?

- Trước hết, nên nhớ rằng “quan hệ” và “liên hệ” là hai khái niệm rất khác nhau; thứ hai, cái liên hệ được nói đến ở đây (“mỗi quẻ đều có thể biến thành bảy quẻ kia”) là liên hệ biến hóa, nó mang tính giả định và tư biện (do vậy mà không thể diễn đạt nếu thiếu các từ “có thể… nếu…”), khác hẳn với quan hệ tương tác mang tính tự nhiên của ngũ hành. Thử so sánh, chẳng hạn, giữa một bên là quan hệ giữa hũ vàng (kim) chôn dưới gốc khiến cho cái cây (mộc) ngày càng héo úa, với bên kia là việc tưởng tượng rằng con thú có thể biến thành con chim nếu thay hai chi trước bằng hai cánh! So sánh ngũ hành với bát quái theo kiểu như thế chẳng khác gì việc so sánh giữa “bị thương ở chân” với “bị thương ở Trường Sơn”!

- Phản bác nhận xét của Cơ sở văn hóa Việt NamTìm về bản sắc văn hóa Việt Nam về việc ngũ hành có trung tâm, còn bát quái bỏ trống trung tâm, tác giả bài viết trong báo Văn nghệ vừa nhắc ở trên cho rằng “trung ương của Bát quái chính là cái không gian biểu kiến tức phần thể là đồ hình Thái cực Lưỡng nghi Tứ tượng, chứ Bát quái chỉ là phần dụng của cái thể Thái cực ấy mà thôi”.

- Chỉ trong một câu nói này thôi đã chứa đựng bốn điều phi lôgic: Thứ nhất, nếu tác giả đã cho rằng bát quái “chỉ <…> phản ảnh thế giới <…> trên trục thời gian” thì trung tâm của bát quái (= THỜI GIAN) không thể đồng thời là KHÔNG GIAN được! Thứ hai, trung tâm của bát quái (= một KHÁI NIỆM) không thể là một đồ hình (= cách BIỂU DIỄN trực quan)! Thứ ba, trung tâm của bát quái (= một bộ phận của nó, ở TRONG NÓ) không thể là cái sinh ra nó (= thái cực) vốn nằm NGOÀI NÓ! Thứ tư, cái “ngoài nó” được nhét vào trung tâm ấy lại không phải ít ỏi gì cho cam, mà là một đống tất cả những “Thái cực Lưỡng nghi Tứ tượng”: ngay cả tư duy dân gian khi làm bùa trừ tà ma cũng chỉ dám vẽ thêm một đồ hình âm dương vào chỗ trống giữa hình bát quái mà thôi!

Share this post


Link to post
Share on other sites