wildlavender

Mục Đích Đời Người

4 bài viết trong chủ đề này

Mục đích đời người

Cho dù bạn chỉ có một giờ để sống, một phút để sống, mục đích của cuộc đời vẫn là sống vì sự lợi lạc của người khác, với một trái tim tốt lành, với lòng bi mẫn đối với người khác.Như tôi đã nói trong một Pháp thoại trước đây, bạn nên hiểu rõ ý nghĩa của đời bạn, lý do bạn sống, mục đích của việc đã nhận được thân người quý báu vào lúc này, đặc biệt là sự tái sinh làm người cao quý này với tám sự tự do và mười điều thuận lợi - bạn nên hiểu rõ điều này, không chỉ một cách trí thức mà còn hiểu thật sâu xa khiến bạn chuyển hóa thái độ của bạn một cách thích đáng và sống cuộc đời bạn trong sự hòa hợp với mục đích đó. Mục đích đó là gì? Đó là sống cuộc đời bạn để làm lợi lạc cho những người khác.

Như thế, lòng bi mẫn là thiền định hay thực hành quan trọng nhất mà bạn có thể làm. Mặc dù những giáo lý của đức Phật nói về hàng tỷ cách thiền định hay thực hành khác nhau mà bạn có thể trải cả cuộc đời mình để thực hành, nhưng đây chính là điều quan trọng nhất - làm lợi lạc người khác, sống cuộc đời bạn với một thái độ bi mẫn đối với người khác. Đây là mục đích thực sự của cuộc đời, là ý nghĩa của cuộc đời

Cho dù bạn chỉ có một giờ để sống, một phút để sống, mục đích của cuộc đời vẫn là sống vì sự lợi lạc của người khác, với một trái tim tốt lành, với lòng bi mẫn đối với người khác. Cho dù bạn chỉ có một phút để sống, chỉ còn lại một phút của thân người quý báu này, điều quan trọng nhất mà bạn có thể thực hành là lòng bi mẫn; ngoài ra không có gì khác.

Cũng hoàn toàn giống như thế nếu bạn có một trăm năm để sống, một ngàn năm, thậm chí một kiếp để sống. Để hoàn thành mục đích của cuộc đời bạn, bạn vẫn phải sống với lòng bi mẫn đối với những người khác, vì sự lợi lạc của những người khác.

Nếu bạn đang vui hưởng một cuộc đời hạnh phúc, đang kinh nghiệm lạc thú, thì để cuộc đời bạn không trống rỗng, trở nên lợi lạc, hữu ích cho những người khác, bạn nên thực hành lòng bi mẫn, sống cuộc đời bạn để làm lợi ích cho người khác. Nếu đời bạn không hạnh phúc, nếu bạn đang kinh nghiệm những vấn đề trong mối quan hệ, nếu bạn bị ung thư hay bệnh AIDS, nếu bạn tuyệt vọng, nếu đời bạn không thoải mái, cho dù bạn đang gặp đến hàng trăm hay hàng ngàn vấn đề – sức khỏe, mối quan hệ, những vấn đề liên quan tới việc làm – như thể bạn đang chết đuối trong vũng lầy của những vấn đề, bạn cũng nên thực hành lòng bi mẫn đối với những người khác. Nếu bạn có thể thực hành lòng bi mẫn vào những thời điểm như thế thì bạn vẫn làm cho cuộc đời bạn có ý nghĩa, lợi lạc cho người khác, hữu ích cho người khác, và nhờ đó – bằng cách làm lợi lạc cho người khác – bạn sẽ thường xuyên làm cuộc đời bạn mang lại lợi lạc cho bản thân bạn. Yêu thương người khác là cách thức tốt đẹp nhất để yêu thương bản thân bạn.

Yêu thương người khác có nghĩa là bạn đừng làm hại người khác, và không làm hại người khác là không làm hại bản thân bạn. Ngay cả trong phạm vi của sự bảo vệ, đây là cách tốt đẹp nhất để bảo vệ cuộc đời bạn. Cũng giống như thế, khi bạn làm cho người khác hạnh phúc, bạn mang lại hạnh phúc cho chính bạn. Nghiệp được tạo nên nhờ làm cho người khác hạnh phúc cũng làm cho bạn kinh nghiệm sự hạnh phúc; đó là loại nghiệp dẫn tới hạnh phúc. Cho dù bạn không mong muốn hạnh phúc nhưng một khi bạn đã tạo nên nguyên nhân của hạnh phúc thì hạnh phúc chính là kết quả.

Nếu bạn trồng một hạt giống trên mặt đất và hội đủ mọi điều kiện (duyên), chẳng hạn như đất, nước và nhiệt độ toàn hảo – mọi sự đều hội tụ và không có những trở ngại nào – thì cho dù bạn có cầu nguyện nhiều tới đâu để cây đừng mọc lên, nhưng nó vẫn sẽ phát triển. Chắc chắn là nó sẽ mọc lên bởi hạt giống được gieo trồng trên mặt đất đã gặp được mọi điều kiện cần thiết để phát triển; nhân và duyên đã gặp gỡ. Bởi nó là một sự duyên sinh nên việc bông hoa hay trái cây đó sẽ mọc lên là điều không thể tránh khỏi, cho dù bạn có cầu nguyện nhiều tới đâu để nó không mọc.

Tương tự như thế, nếu bạn sống cuộc đời hàng ngày của bạn với lòng bi mẫn, mang lại thật nhiều hạnh phúc cho người khác trong khả năng của bạn, thì kết quả tự nhiên là bản thân bạn sẽ kinh nghiệm hạnh phúc, bây giờ và trong tương lai – đó là kết quả tức thì, là sự an bình trong tâm trong đời này và kết quả lâu dài là hạnh phúc trong tất cả những đời sau của bạn. Tất cả những điều này là kết quả chắc chắn của việc mang lại hạnh phúc và lợi lạc cho người khác.

Như vậy, bạn sẽ thâu hoạch được rất nhiều khi thương yêu người khác, quan tâm tới những chúng sinh khác như bạn làm cho bản thân bạn. Dù họ là những côn trùng hay con người thì họ cũng là những sinh loài giống như bạn – ước mong hạnh phúc và không mong muốn đau khổ. Giống như bạn cần tới sự giúp đỡ của người khác để giải trừ những vấn đề thì họ cũng cần điều đó. Giống như hạnh phúc của bạn tùy thuộc vào những người khác, hạnh phúc của họ cũng thế. Không chỉ có con người, mà cả đến những côn trùng cũng cần tới sự giúp đỡ của bạn. Việc họ giải thoát khỏi những vấn đề thì tùy thuộc vào bạn; hạnh phúc của họ tùy thuộc vào bạn.

Tại sao việc thương yêu người khác, quan tâm tới người khác như bạn làm cho bản thân bạn, không làm hại mà làm lợi lạc cho họ, lại là phương cách tốt đẹp nhất để chăm sóc bản thân bạn, quan tâm tới bản thân bạn? Đó là nhờ có một trái tim tốt lành, sự thương yêu người khác, làm lợi lạc người khác mà mọi ước muốn của riêng bạn đều được hoàn tất.

Nói chung, trong thế giới, khi những người khác nhìn thấy một người thiện tâm, có bản tánh bi mẫn, từ ái, họ nhận được những sự rung động tốt lành, một cảm xúc tích cực từ người đó. Ngay cả những người không quen biết gặp người đó trên đường, trong máy bay, trong các văn phòng hay cửa hàng, thì chỉ cái nhìn của người đó cũng đủ làm cho họ sung sướng, mỉm cười và muốn được trò chuyện. Do bởi trái tim tốt lành, những rung động tốt lành, cảm xúc tích cực của bạn, bạn làm cho người khác hạnh phúc. Ngay cả những biểu lộ trên khuôn mặt họ cũng thay đổi và phản ánh tâm thức hạnh phúc của họ. Cho dù bạn không phải trải nghiệm bất kỳ vấn đề gì thì những người khác cũng vẫn giúp đỡ bạn.

Khi bạn có một trái tim tốt lành đối với những người khác, tất cả những ước muốn hạnh phúc của riêng bạn đều được đáp ứng một cách ngẫu nhiên. Giống như một Bồ tát, mặc dù động lực của bạn chỉ là hạnh phúc của người khác và bạn không trông chờ gì hạnh phúc của bản thân bạn, cho dù mọi sự bạn làm trong hai mươi bốn giờ đồng hồ một ngày được đặc biệt hồi hướng cho hạnh phúc của những người khác mà không có một niệm tưởng nào về hạnh phúc của riêng bạn, thì bản thân bạn cũng sẽ kinh nghiệm mọi điều hạnh phúc.

Nhờ chứng ngộ Bồ đề tâm, những thánh nhân - những vị Bồ tát – sẽ hoàn toàn từ bỏ bản thân mình vì người khác. Các ngài không nghĩ tưởng gì về hạnh phúc của riêng mình mà thay vào đó dùng mỗi giây phút để tìm kiếm hạnh phúc cho những người khác. Như thế điều gì sẽ xảy ra? Với Bồ đề tâm, các ngài có thể phát triển trí tuệ tối thượng nhận ra bản tánh đích thực của cái tôi – bản ngã và những uẩn, sự kết hợp của thân và tâm là căn bản của cái được quy gán là cái tôi – và mọi hiện tượng khác.

Nhờ phát triển Bồ đề tâm và trí tuệ tối thượng, các ngài có thể tiệt trừ mọi lỗi lầm của tâm thức, nguyên nhân của mọi đau khổ – những ô nhiễm thô sơ, những lầm lạc của tham, sân và si, và những ô nhiễm vi tế, là những gì có tính chất của các dấu vết để lại trong dòng tương tục của tâm thức do những mê lầm.

Như vậy, đây là điểm đặc biệt của Bồ đề tâm, bởi với sự hỗ trợ của nó, bạn có thể phát triển không chỉ trí tuệ chứng ngộ tánh Không mà còn có thể ngăn cản những ô nhiễm vi tế và nhờ đó trở nên hoàn toàn giác ngộ, đạt được trạng thái toàn trí, tâm toàn giác, thấu suốt trực tiếp và không chút lỗi lầm, không chỉ nghiệp thô nặng mà cả mỗi nghiệp vi tế duy nhất của từng người trong vô số chúng sinh. Bạn sẽ nhận ra mọi đặc tính dị biệt, những ước muốn và mức độ thông tuệ của họ; thấu hiểu từng phương pháp độc nhất thích hợp với tâm thức của tất cả những chúng sinh khác biệt này vào những lúc khác nhau; và khám phá phương pháp thích ứng phù hợp với tâm của mỗi cá nhân chúng sinh vào những thời điểm khác nhau để dẫn dắt chúng sinh đó từ hạnh phúc này sang hạnh phúc khác, bằng đủ mọi cách để đạt được giác ngộ.

Như thế, Bồ đề tâm khiến cho trí tuệ của bạn hoạt động khiến nó có thể chiến thắng ngay cả những ô nhiễm vi tế, làm cho tâm bạn hoàn toàn giác ngộ.

Theo cách này, Bồ đề tâm khiến bạn trở thành một người dẫn đường hoàn toàn có phẩm tính, một bậc giác ngộ toàn hảo, và nhờ đó giải thoát vô số chúng sinh khỏi luân hồi sinh tử, đại dương của đau khổ, và mang họ tới hạnh phúc vô song của sự Toàn Giác.

Như thế sự thành tựu mọi phẩm tính giác ngộ vô biên này xuất phát từ đâu? Ngay cả những Bồ tát Thập địa cũng có những phẩm tính khó tin, không thể nghĩ bàn. Ngay một Bồ tát Sơ địa cũng có thể thiền định trong hàng trăm cách tập trung khác nhau, đi tới hàng trăm cõi Tịnh độ khác nhau, khám phá cho chúng sinh hàng trăm giáo lý khác. Tôi không nhớ chính xác, nhưng có khoảng mười một điều khác nhau trong đó các ngài có thể làm hàng trăm việc. Một Bồ tát Nhị địa có thể thực hiện một ngàn thiền định tập trung khác nhau, đi tới một ngàn cõi Tịnh độ, khám phá một ngàn giáo lý khác nhau cho chúng sinh và v.v.. Cũng giống như thế, bởi các ngài tiến bộ càng lúc càng cao hơn qua các cấp độ (địa), các ngài thành tựu càng lúc càng nhiều hơn những phẩm tính không thể nghĩ bàn mà với chúng các ngài có thể làm lợi ích chúng sinh. Tôi không nhớ những thuật ngữ để chỉ địa thứ chín và thứ mười nhưng chư vị Bồ tát sở hữu vô số phẩm tính không thể nghĩ bàn như thế.

Tất cả những phẩm tính không thể nghĩ bàn này của con đường Bồ tát, tất cả những phẩm tính vô biên của thân linh thánh, ngữ linh thánh và tâm linh thánh của đức Phật xuất phát từ cội gốc là sự từ bỏ bản ngã và tư tưởng tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình, và sự phát triển trái tim tốt lành, tư tưởng chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho chúng sinh. Tất cả mọi phẩm tính đó xuất phát từ cội gốc này. Mọi phẩm tính tốt lành vô biên của đức Phật, của Pháp, con đường của Bồ tát, và của Tăng, những bậc thánh và thậm chí những Bồ tát bình thường, đều xuất phát từ tư tưởng quý báu phi thường, Bồ đề tâm như ý – sự từ bỏ bản ngã và tâm quy-ngã, và sự phát triển lòng yêu thương chỉ dành cho người khác. Tất cả những phẩm tính đó đều xuất phát từ tư tưởng này.

Những bậc có thể làm được điều này chứng ngộ sự thành tựu tuyệt hảo nhất. Các ngài từ bỏ bản ngã, từ bỏ cái tôi, nhưng các ngài đạt được sự thành tựu tuyệt hảo, thành công vĩ đại nhất. Các ngài không chỉ tìm ra sự giải thoát vĩnh cửu khỏi chu kỳ của sự chết và tái sinh và mọi vấn đề mà nó mang lại, chẳng hạn như sự tái sinh, sự già, bệnh, những vấn đề thuộc cảm xúc và mọi khó khăn khác của cuộc sống mà chúng ta kinh nghiệm, mà các ngài cũng đạt được sự giải thoát vĩnh cửu, tự do vĩnh cửu, hạnh phúc vĩnh cửu cho bản thân mình, và có thể mang lại hạnh phúc bao la như bầu trời cho vô số chúng sinh. Tất cả những điều này xuất phát từ cội gốc là Bồ đề tâm, tâm linh thánh cao quý nhất, sự từ bỏ cái tôi, thương yêu người khác.

Chúng ta có thể hiểu được điều này chân thật ra sao bằng cách đọc những bản văn thuật lại những câu chuyện tiền thân của đức Phật và cuộc đời của những Bồ tát khác, nhưng ta cũng có thể thấu hiểu một trái tim tốt lành thì như ý ra sao đối với hạnh phúc của bạn, từ các gương mẫu của những cuộc đời bình thường của những con người bình thường trong thế giới – những người mà tâm họ bi mẫn hơn trong bản chất ra sao, những người có thiện tâm, có những đời sống thoải mái hơn.

Chẳng hạn như, nếu bạn đang kinh nghiệm những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như ung thư và v.v.., nhưng bạn có một trái tim tốt lành, tâm bạn sẽ hạnh phúc và an bình bởi mối quan tâm chính không phải là cho bản thân bạn mà là cho người khác; mối quan tâm của bạn được dành cho chúng sinh. Nhờ đó tâm bạn được an bình. Cho dù bạn đang hấp hối nhưng tâm bạn không bị xáo trộn vì mối quan tâm của bạn là dành cho người khác chứ không phải cho bạn. Ngay cả vào lúc cuối đời bạn, giây phút chấm dứt đời người của bạn, kinh nghiệm của bạn về cái chết là một kinh nghiệm hạnh phúc bởi thái độ của bạn là thái độ quan tâm tới người khác, chứ không phải cho cái ta, không phải là tâm thức tự yêu thương mình, tâm quy-ngã.

Mặc dù các sự việc không tiến triển với bạn, bạn gặp nhiều trở ngại, cuộc đời bạn gặp rắc rối, nhưng tất cả những điều này không làm bạn lo lắng, tâm bạn không bị quấy nhiễu, luôn luôn vui vẻ và an bình, bởi ưu tiên hàng đầu trong đời bạn là hạnh phúc của những người khác. Điều bạn quan tâm nhất là người khác, chứ không phải bản thân bạn. Đó là mục đích của bạn. Thái độ này mang lại rất nhiều an bình và hạnh phúc cho đời sống hàng ngày của bạn, đem lại cho bạn rất nhiều sự hài lòng. Mặc dù những người khác gây nên cho bạn những vấn đề, làm phiền bạn, nhưng nó không gây rắc rối cho bạn; tâm bạn vẫn an bình và hạnh phúc.

Đặc biệt là với một trái tim tốt lành, lòng bi mẫn đối với người khác, bất kỳ khi nào một vấn đề xuất hiện bạn cũng kinh nghiệm nó vì người khác, nhân danh chúng sinh khác. Nếu bạn kinh nghiệm hạnh phúc, bạn kinh nghiệm nó cho người khác. Nếu bạn vui hưởng một đời sống xa hoa, bạn hồi hướng nó cho người khác. Và nếu bạn trải nghiệm một vấn đề, bạn trải nghiệm nó cho người khác – để người khác thoát khỏi những vấn đề và có mọi hạnh phúc cho tới sự Giác ngộ, sự an bình và hỷ lạc hoàn toàn viên mãn. Khi ước muốn những người khác có mọi hạnh phúc, bạn kinh nghiệm những vấn đề nhân danh họ.

Điều đó đem lại cho bạn sự hài lòng và hoàn thành thật phi thường, nhưng không chỉ có thế. Nếu bạn có thái độ đó, cho dù bạn trải nghiệm bao nhiêu vấn đề chăng nữa, khi bạn gặp mỗi vấn đề bạn có cảm tưởng như bạn đã khám phá một kho tàng quý báu. Bạn coi nó như một cơ hội phi thường để hồi hướng bản thân bạn cho người khác; một dịp may to lớn để trải nghiệm những đau khổ của người khác, giống như chư vị Bồ tát thực hiện, giống như đức Phật đã làm, giống như đức Jesus Christ đã làm để nhận vào mình những đau khổ của người khác.

Mặc dù những người khác có thể thấy vấn đề đó không thể chịu đựng nổi, nhưng đối với bạn, là người có thái độ này, thì nó không là một điều thật phiền nhiễu, bạn không thấy nó đặc biệt khó khăn, hầu như bạn rất thoải mái về điều đó – do bởi trái tim tốt lành và thái độ thuần tịnh của bạn đối với cuộc đời. Điều này làm cho toàn bộ cuộc đời của bạn trở nên thật thoải mái, thật hạnh phúc.

Trái tim bạn không trống rỗng, không rỗng tuếch, nhưng tràn ngập sự hài lòng, đầy ắp niềm vui. Theo cách này, cho dù bạn gặp nhiều khó khăn nhưng bạn sống cuộc đời bạn với niềm vui. Bạn vui hưởng những vấn đề; thậm chí bạn vui hưởng cái chết của bạn. Cho dù điều gì xảy ra thì bạn cũng vui hưởng nó với Bồ đề tâm, tư tưởng thương yêu người khác. Những gì mà người bình thường có thể thấy là không đáng ao ước thì người có trái tim tốt lành, có thái độ yêu thương người khác lại thấy là thật đáng ao ước bởi người ấy có thể làm cho những vấn đề trở nên lợi lạc cho người khác. Người có trái tim tốt lành, có tâm bi mẫn, tư tưởng thương yêu người khác, thái độ Bồ đề tâm, sẽ làm cho vấn đề trở nên hữu ích, lợi lạc cho người khác. Theo cách này, kinh nghiệm về những vấn đề của người này trở thành một nguyên nhân của hạnh phúc của tất cả chúng sinh – không chỉ hạnh phúc nhất thời mà là hạnh phúc của sự Giác ngộ viên mãn, tối thượng. Bồ đề tâm làm cho kinh nghiệm về những vấn đề của người ấy trở thành một nguyên nhân cho hạnh phúc của mọi sinh loài. Làm cách nào? Bằng cách chuyển hóa những vấn đề thành con đường dẫn tới Giác ngộ.

Trích dịch từ: “Teachings from the Vajrasattva Retreat” của Lama Zopa Rinpoche.

Share this post


Link to post
Share on other sites

SÁU THÂN TRUNG ẤM

S hiện hữu của chúng sinh đã bị điều kiện hóa bởi sự sinh, sự chết, và sự chuyển tiếp từ cái chết sang sự tái sinh. Sức khởi động không ngưng nghỉ của nghiệp lực đã làm cho đời sống vô thường. Chúng ta liên tục luân hồi xuyên qua những trạng thái khác nhau của hữu thể, và trong pháp môn p’howa thì cách hữu dụng nhất để hiểu chúng là trong cách phân loại của sáu thân trung ấm, tức là các trạng thái trung gian. Thân trung ấm nơi sinh (birthplace bardo) bắt đầu từ khoảnh khắc chào đời, và kết thúc khi từ trần. Nó chỉ cho kiếp sống của chúng sinh, và với kiếp người thì đây là cơ hội tối thắng để tu tập - có khả năng để làm thanh tịnh các nghiệp xấu và thu thập công đức và sự giác ngộ nhằm giải thoát khỏi luân hồi và hướng dẫn các chúng sinh khác tới giải thoát. Thân trung ấm nơi sinh trong cõi người thường xen lẫn bởi hai thân trung ấm khác, thân trung ấm chiêm bao (dream bardo) và thân trung ấm của thiền định (bardo of meditative concentration). Cả hai thân này dung chứa tiềm năng cho các trạng thái thâm sâu của tâm thức, mặc dù với hầu hết mọi người chúng chỉ giữ trong khoảng thời gian ngắn. Hệt như thân trung ấm nơi sinh, chúng có thể được vận dụng cho sự tiến bộ tinh thần. Tiến trình chết xảy ra trong thân trung ấm của khoảnh khắc lìa đời (bardo of the moment of death), nó tiếp cận với hơi thở cuối cùng và sự hợp nhất vào luân xa quả tim của các năng lực nam và năng lực nữ nguyên thủy của chúng sinh đó. Thân trung ấm này có thể rất ngắn ngủi; nếu người này gặp cái chết chưa đúng thời bởi vì tai nạn hay vì bạo lực, hay là nó có thể được kéo dài, nếu người này chết vì căn bệnh dằng dai. Thân trung ấm của khoảnh khắc lìa đời là chặng chuyển tiếp chủ yếu trong chu kỳ luân hồi, bởi vì đó là lúc pháp môn p’howa có thể thành tựu được và sự giải thoát vào cõi tịnh độ có thể đạt được dễ dàng. Tuy nhiên, để thành tựu p’howa, học nhân nên tu tập kỹ lưỡng khi còn trong thân trung ấm nơi sinh, bởi vì tâm thức hỗn loạn thường gây mê mờ vào thời điểm chết. Đối với hầu hết mọi người, thân trung ấm của chân tánh của vạn pháp (Anh ngữ: bardo of the true nature of phenomena; Tây Tạng ngữ: chos nyid; Phạn ngữ: dharmata) khởi đầu khi họ rơi vào màn tối đen, sau khi các năng lực nam và nữ hợp nhất trong quả tim. Các thiền sư vĩ đại nào có thể duy trì tỉnh thức trong suốt thời chuyển tiếp của cái chết sẽ không rơi vào màn tối đen này. Trong thời khoảng này, các phẩm chất của tâm được buộc vào trong tự tánh bất khả hủy diệt, vào trong tận nguồn vi tế nhất của tâm thức và sự hồn nhiên. Các phẩm chất của tâm về tánh biết - tám phương diện của ý thức - thì hiện hữu như là quả cầu cốt yếu của ý thức. Đặc tính di động của tâm thì hiện hữu như là các năng lực nghiệp thức cực kỳ vi tế (tức là “các gió”; Tạng Ngữ là lung), các lực này quấy động các phần tử của ý thức. Sự quấy động nhẹ này làm mê mờ ý thức, và ánh sáng trong suốt của thật tánh của vạn pháp khởi lên như một trạng thái bất nhị, bất khả diễn tả của Tánh Biết.

Tất cả chúng sinh, từ bất kỳ cảnh giới nào của đời sống, có một kinh nghiệm chớp nhoáng về tia sáng trong suốt khi họ chết, nhưng đối với hầu hết, nó qua đi trong khoảnh khắc mà không được ghi nhận. Chỉ có các đại thiền giả - những người đã chứng nhập cái nhìn cao nhất qua các pháp thiền của Đại Toàn Thiện, Đại Thủ An, Trung Quán - có khả năng để tìm giải thoát vào pháp thân, để thành đạt giác ngộ, xuyên qua việc chứng nhập ánh sáng trong suốt. Đối với những người khác, sự giải thoát bị ngăn trở bởi một sự thúc giục về hướng “đầu thai” và một nỗi sợ bị hư vô hóa. Các phương diện vi tế của ý thức, bị quấy động thêm nữa bởi các năng lực tế vi, dẫn khởi lên các hiện tướng thanh tịnh của Tánh Biết, sự xuất hiện các vị Thánh hiền hòa và hung dữ. Ánh sáng khởi lên, cùng với các âm thanh cuồng nộ. Và rồi các hình tướng xuất hiện từ ánh sáng đó, trước tiên hiện ra như các vị Thánh đầy giận dữ cùng với tiếng cười gây kinh hãi. Mỗi vị mặc trang phục riêng đặc biệt và được đi kèm bởi một đoàn hội chúng dầy đặc tới đầy khắp không gian. Rồi các vị Thánh hiền hòa xuất hiện - trong đó có các vị bổn tôn của pháp môn p’howa là Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát, và Phật Vô Lượng Thọ (1) - sáng rực và đầy kính ngưỡng. Bất kỳ ai đã tu tập pháp quán tưởng, những ai đã thấy vị bổn tôn chỉ là hóa hiện tự tâm mình, có thể giải thoát được vào cảnh giới Báo thân. Đối với những người khác, sự hóa hiện của các vị Thánh hiền hòa và hung dữ sẽ chớp qua đi. Những người khác sẽ lùi xa khỏi khối sáng rực đó, và những hình ảnh và âm thanh của các vị bổn tôn sẽ biến dạng.

Bây giờ xuất hiện một chuỗi bốn chùm ánh sáng màu, mỗi chùm là hai độ rực rỡ, tập trung trên đầu như một chiếc dù - trước tiên là màu trắng, rồi xanh-đen, vàng, và đỏ. Sau khi chuỗi ánh sáng này hiển lộ, ánh sáng mang nhiều hình dạng khác nhau. Rồi một hình ảnh khởi lên như một sơ đồ thế giới, với các mạn đà la của tam thân (Pháp thân, Báo thân, Sắc thân - ND) và dưới các mạn đà la, là sáu cõi chúng sinh. Sơ đồ này rất trong sáng và chi tiết, và nếu có ai thấy được bản tánh của tam thân, thì người đó giải thoát. Nếu chúng sinh nào tránh né khỏi các tia sáng chói lọi và bị thu hút về các tia mờ, nếu chúng sinh nào không thấy bản tánh của mạn đà la tam thân và bị thu hút về sáu cõi, thì các hình ảnh nhạt dần, và thân trung ấm của thực tánh của vạn pháp chấm dứt. Thân trung ấm của sự trở thành (Anh ngữ: bardo of becoming; Tạng ngữ: sidpa bardo) thì như một giấc mơ. Nếu có ai đã tập thiền trong kiếp trước của mình đủ vững vàng để nhớ tới vị thầy của mình hay vị bổn tôn đã chọn, thì sự giải thoát vào sắc thân [Phật] vẫn có thể thành tựu. Nếu chúng sinh này đã quên đi niềm tin trước đó của mình, và không có thể tái thiết lập thiền định, thì đau đớn lớn xảy ra. Thân trung ấm của sự trở thành là một nơi hoang vắng, nơi bầu trời mang mầu xám, không có mặt trời hay mặt trăng, không có nước hay lương thực, và chúng sinh trải qua đủ loại kinh nghiệm hãi hùng, như bị rượt đuổi bởi các nhóm thù nghịch hay là thú rừng, hay là rơi từ các đỉnh núi khi chúng biến thành các trận tuyết lở. Chúng sinh trải qua những kinh nghiệm này dường như chúng sinh này đã mang thân người và không có ký ức gì về sự hấp hối, không có ký ức gì về thân trung ấm của giây phút lìa trần, cũng như về thân trung ấm của bản tánh thật của vạn pháp. Chúng sinh vào thân trung ấm của sự trở thành trong một thân thần-thức (mental body).

Năng lực của 5 phần tử (ngũ uẩn-ND) hòa lẫn với các phương diện vi tế của ý thức và các năng lực vi tế của thân thần-thức, làm cho nó dày đặc hơn. Năm uẩn phát triển tới điểm mà các thân trung ấm có thể nhìn thấy, và được nhìn thấy bởi các thân trung ấm khác và bởi các vị trong các cảnh giới khác có khả năng thần thông. Các bộ phận cảm quan (của thân trung ấm-ND) hình thành, và cần có dưỡng chất, điều này được tiếp nhận trong hình thức mùi hương. Các thân trung ấm không bao giờ ở lâu một nơi, bởi vì, trong trạng thái không cân nặng này, các thân trung ấm tức khắc được mang tới bất cứ nơi nào mà họ mong muốn. Thoạt tiên, họ có thể cảm thấy một cảm giác có sự khoan khoái và quyền lực lớn trong trạng thái này, nhưng khi mong muốn của họ đi nơi này và nơi kia và họ bị buộc phải theo, và khi những mong muốn này bị ngăn trở, các thân trung ấm càng lúc càng dao động và bực bội. Họ tụ họp ở các cây xưa, nhà cũ, và các nơi hoang vắng, và loài người cảm nhận các thân trung ấm đó là ma. Khi các uẩn dày đặc hơn, thì sự mong muốn, sự ghen tị và sự giận dữ của các thân trung ấm càng tăng. Họ nhìn thấy chúng sinh nơi 6 cõi, và muốn những gì mà các chúng sinh đó có. Khát vọng tìm một hình tướng trở thành khẩn cấp, và điều này lôi cuốn họ gần thêm tới cõi phù hợp với nghiệp lực của họ. Nếu ý thức của họ mang sự căm thù và giận dữ giết chóc, thì những cảm xúc này, được triển nở đầy đủ, dẫn tới tái sinh trong cảnh giới địa ngục. Nếu nhiều khát vọng và tham lam, khuynh hướng này khi phát triển đầy đủ sẽ dẫn tới tái sinh trong cõi quỷ thần. Sự ngu dốt và trực giác mù quáng dẫn tới tái sinh trong cảnh giới thú vật. Tính ghen tị và tính cạnh tranh, kết hợp với vài đức hạnh, dẫn tới tái sinh trong cõi bán thiên (demigod realm), trong khi sự hãnh diện hay mê luyến niềm vui thiền định, cùng với đức hạnh, dẫn tới các tầng chư thiên cõi dục giới. Thiền định bị mê luyến vào sự trong sáng - viễn kiến, tiên tri và tương tự - dẫn tới tái sinh trong cảnh giới sắc tướng của chư thiên. Thiền định bị mê luyến bởi sự ổn định dẫn tới tái sinh trong cõi trời vô sắc. Tái sinh trong cõi người là do kết quả tổng hợp của công đức, kết tập từ các việc làm từ bi, và các điều xấu, khởi lên từ ngũ độc. Hoàn cảnh tái sinh vào cõi người - hoặc là người này sẽ giàu hay nghèo, khỏe hay yếu, thông minh hay khờ khạo, tất cả các cực này và khoảng giữa chúng - tùy thuộc chính xác vào tổng hợp nghiệp thiện và nghiệp ác của người đó.

Các biến đổi cũng vô tận, bởi vì ảnh hưởng nghiệp thức thì không ngưng nghỉ. Mệt mỏi vì sự xáo động của thân trung ấm của sự trở thành, thèm khát sự ổn định của một thân xác, một thân trung ấm có nghiệp tái sinh vào cõi người sẽ bị lôi kéo về cảnh giao hợp của bố mẹ tương lai. Nếu trung ấm này sẽ tái sinh làm người nam, thì sẽ bị lôi kéo về phía người mẹ, và ghen với người cha; nếu sẽ tái sinh làm nữ, thì bị lôi kéo ngược lại. Vào khoảnh khắc thụ thai, thì cái tâm thức vô tướng đó, bị thúc đẩy bởi các năng lực vi tế không ngưng nghỉ, kết hợp với tinh trùng và trứng của bố mẹ. Thân trung ấm của sự trở thành giữ tiếp trong khoảng hơn 9 tháng, cho tới khi ra đời, điều cho thấy rằng bánh xe luân hồi đã xoay đủ một vòng tròn. Một kiếp người lại bắt đầu.

CHÚ THÍCH(1) Bản Anh văn ghi tên ba vị là Amitabha, Avalokiteshvara và Amitayus. Hai vị đầu dịch ra Việt ngữ là A Di Đà Phật, và Quan Thế Âm Bồ tát. Nhưng chữ “Amitayus” lại có nghĩa là “Vô Lượng Thọ,” một danh hiệu khác của Phật A Di Đà. Trong khi theo kinh điển Tịnh độ thì vị thứ ba phải là Đại Thế Chí, tức Anh ngữ phải là Mahasthamaprapta. Tuy nhiên, bản Việt dịch sẽ giữ hoàn toàn trung thực với nguyên tác Anh ngữ, và sẽ ghi các chỗ nghi vấn.Cần phải ghi nhận thêm rằng cuốn Tử thư Tây Tạng, The Tibetan Book of the Dead - bản Anh dịch và chú giải của Francesca Fremantle và Chogyam Trungpa, ấn bản 2000 của NXB Shambhala, trang 46 - ghi rằng lúc đó “Phật A Di Đà sẽ xuất hiện trước người chết từ hướng Tây phương Cực lạc, toàn thân màu đỏ, tay cầm hoa sen và ngồi trên ngai trên lưng chim công, ôm người bạn đạo là Pandaravasini. Ngài được đi kèm theo bởi hai nam Bồ tát là Quan Thế Âm và Văn Thù và hai nữ Bồ tát là Gita và Aloka, để 6 hình tướng Phật xuất hiện từ không gian của ánh sáng cầu vồng.” Có lẽ, chỉ nên xem các mâu thuẫn nơi đây như là các ngón tay dị biệt đang cùng chỉ về một mặt trăng, và có khi chỉ là mang tính ẩn dụ, chứ không có gì sai lạc cả.

Nguyên Giác dịch

Chagdud Khadro

Share this post


Link to post
Share on other sites

Sức mạnh của nội tâm

Cách chúng ta ứng xử trước một hoàn cảnh nhất định có thể chuyển hóa cái nhìn của chúng ta đối với hoàn cảnh ấy cũng như đối với cả thế giới

'Biết trân trọng và tri ân' là chìa khóa duy trì sự cân bằng trong cuộc sống. Khi con người ta may mắn có được thành công, ta không nên để cho sự thành công hay sự kiêu mạn xâm chiếm tri giác của mình, mà ngược lại hãy biết trân trọng và tận hưởng những điều ích lợi từ sự thành công ấy. Tương tự như vậy, khi gặp thất bại, hãy đừng để cảm giác buồn đau chi phối tri giác của mình, mà cũng lại phải biết trân quý những trải nghiệm và bài học rút ra được từ những thử thách ấy. Hãy nên tự nhủ rằng vì vạn sự vô thường nên những điều tồi tệ rồi cũng sẽ chuyển hóa trở thành tốt đẹp nếu chúng ta ứng xử tích cực trước mỗi khó khăn. Lý do chính khiến mọi người bị những thăng trầm chi phối là bởi vì chúng ta thiếu trí tuệ biết trân trọng và tri ân cuộc sống. Không có trí tuệ hiểu biết, chúng ta không thể biết trân quý và tri ân.

Tôi không cho rằng thế giới này là một nơi xấu xa tồi tệ mặc dù vào những thời điểm khó khăn nhất định nhiều người có thể không đồng tình với ý kiến này. Sở dĩ tại sao tôi lại tin như vậy vì cách thức chúng ta ứng xử trước một hoàn cảnh có thể chuyển hóa cái nhìn của ta đối với hoàn cảnh ấy cũng như đối với cả thế giới này. Chẳng hạn như khi nền kinh tế ở trong giai đoạn phát triển thịnh vượng, chúng ta nên biết trân trọng niềm hạnh phúc mà mình đang được tận hưởng nhờ thặng dư tài chính. Điều căn bản mà chúng ta cần phải hiểu rằng niềm hạnh phúc đích thực đến từ việc chúng ta biết sẻ chia niềm vui, và nếu có thể là biết sẻ chia những gì mình có, và mang hạnh phúc đến với mọi người. Như thế, bằng cách khai triển nguyên nhân của hạnh phúc và trân trọng niềm hạnh phúc ấy, chính là chúng ta đang đầu tư vào hạnh phúc để càng them nhiều niềm vui và hạnh phúc nảy nở hơn. Ngược lại, nếu chúng ta không biết học cách tri ân thì điều đó lại trở thành cần phần nghèo nàn nhất trong cuộc đời và hạnh phúc mà con người ta có được từ sự thành đạt thế gian sẽ hoàn toàn bị uổng phí. Tôi tin tưởng rằng sự đầu tư cho một tương lai tốt đẹp hơn có thể được thực hiện một cách giản đơn thông qua trí tuệ biết trân trọng và tri ân.

Một điều tối quan trọng là mọi người cần biết học cách trân trọng và tri ân; nếu không họ sẽ vẫn mãi khổ đau và tự gây áp lực và căng thẳng cho chính bản thân mình. Stress hay sự căng thẳng là hệ quả của sự thiếu linh hoạt và không biết chấp nhận thực tại. Nói cách khác, stress gây ra bởi bám chấp và tham cầu mạnh mẽ. Khi hy vọng và mong cầu có mặt, thì đồng thời sẽ xuất hiện sự sợ hãi cái điều mình mong cầu ấy sẽ không trở thành hiện thực hoặc sẽ hiện khởi cảm giác bất an khiến cho con người ta lo sợ sẽ đánh mất những gì họ đang có, nghĩa là bất kỳ những gì họ mong đợi có thể sẽ không xảy ra như mong muốn. Vì thế stress không chỉ là tác nhân khởi đầu mà còn có sức ảnh hưởng rất lớn. Cũng có thể nói rằng do không biết trân trọng và tri ân, chúng ta không vững vàng trong cuộc sống và do đó chỉ toàn đánh cược với hạnh phúc của mình và cố gắng với trò chơi may rủi. Biết trân trọng và tri ân sẽ mang lại sự hài lòng biết đủ và nhờ vậy là niềm hạnh phúc. Rốt cuộc thì tất cả chúng ta đang sống trên thế giới này đều mưu cầu hạnh phúc, chẳng phải vậy sao?

Mọi việc chúng ta làm đều tạo quả, và tôi tin rằng con người ta không nên hành động tùy tiện hay thiển cận chỉ nhắm tới những kết quả tạm thời chóng vánh mà thiếu đi trí tuệ hiểu biết nền tảng căn bản là biết trân trọng và tri ân; điều đó sẽ dẫn tới rất nhiều vấn đề rắc rối trong cuộc sống. Chẳng hạn như nếu chúng ta biết tri ân mẹ trái đất của mình, biết trân trọng chính chúng ta, tất cả mọi người và vạn vật, chúng ta sẽ không khi nào muốn hủy diệt phá hoại trái đất, làm hại bản thân mình, mọi người và vạn vật, mà ngược lại chúng ta sẽ trân quý bản thân, thế giới và mọi sinh linh trên trái đất này.

Không có gì là không thể, vậy tại sao chúng ta không dồn tâm sức vào việc chuyển hóa những tiêu cực thành tích cực? Khi chúng ta có thể học được cách trân trọng và sống với yêu thương, thì món quà tặng sẽ che chở bảo vệ ta khỏi những thất bại và chắc chắn thành công và hạnh phúc sẽ đến với ta ở bất cứ nơi đâu và với bất cứ điều gì mình làm. Cho dù thế giới này có sụp đổ hay không cũng không phải là vấn đề vì sức mạnh nội tâm được tích lũy dồi dào nhờ trí tuệ hiểu biết cảm thông và trân trọng tri ân sẽ nâng đỡ chúng ta bình an vô sự, không mảy may thương tổn trước những thăng trầm thịnh suy trong cuộc đời.

Gyalwang Drukpa

http://www.drukpavietnam.org/index.php?option=com_content&view=article&id=624%3Asc-mnh-ca-ni-tam&catid=89%3Akinh-sach-tu-tp&Itemid=89〈=en

Share this post


Link to post
Share on other sites

Ðến cuối đời, có gì để tiếc?

Một bài viết của một cô y tá người Úc dạy mình nhiều bài học về lẽ sống ở đời. Bài viết được truyền đi trên Internet, nhiều người bấm “like.” Có một trang blog chỉ in lại bài này thôi mà cũng được tới 52,000 người bấm nút “like.”

Bài viết mang tựa đề “5 nỗi hối hận của người sắp qua đời,” cho thấy những điều người ta tiếc nuối khi biết mình sắp chết. Tác giả Bronnie Ware là một nhạc sĩ sáng tác, từng là y tá chuyên điều trị người sắp chết. Ðây là những bệnh nhân biết mình không qua được, không muốn chữa trị nữa mà về nhà chờ ngày ra đi vĩnh viễn. Trong những ngày đó, cô Ware tới chăm sóc họ, cho họ uống thuốc, và họ trò chuyện với cô. Cô nói, “Họ trưởng thành rất nhiều khi họ phải đối mặt với cái chết của mình.” Khi cô hỏi họ có gì tiếc nuối không, một số câu trả lời cứ trở lại mãi. Dưới đây là 5 câu thường nghe nhất. Cô Ware hiện đã viết thêm thành một quyển sách mang tên “THE TOP FIVE REGRETS OF THE DYING,” nhà xuất bản Balboa Press, có bán trên Amazon.com. 1. “Tôi ước gì tôi có đủ can đảm để sống cho mình, thay vì sống theo ước muốn của người khác.” Ðây là điều tiếc nuối lớn nhất, cô Ware nói. Khi sắp qua đời, nhìn lại, người ta mới thấy mình có những điều ước chưa bao giờ thực hiện. Hầu hết mọi người còn chưa thực hiện được một nửa điều mình muốn và phải nhắm mắt ra đi biết rằng đó là do chọn lựa của mình. Cô Ware nói: “Ðiều quan trọng là thỉnh thoảng phải thực hiện vài điều mình ước mơ. Ðến lúc mình bệnh thì trễ mất rồi. Sức khỏe là điều kiện để thực hiện nhiều thứ, mất rồi thì quá trễ.”

2. “Tôi ước gì tôi đừng đi làm quá như vậy.” Cô Ware nói gần như bệnh nhân phái nam nào cũng nói vậy. Các ông ấy do quá quan tâm việc làm, đã lỡ mất thời em bé hay thiếu niên của các con, lỡ mất tình bạn với người bạn đường. Phụ nữ cũng nuối tiếc như vậy nhưng ở thế hệ các bệnh nhân của cô Ware, số phụ nữ đi làm thường không nhiều. Còn đàn ông, thì “tất cả nuối tiếc đã phí đi quá nhiều phần của cuộc đời cho cuộc chạy giậm chân của sự nghiệp.”

3. “Tôi ước gì tôi có can đảm bày tỏ cảm xúc.” Nhiều người cố nén cảm xúc để không bị đụng chạm. Kết quả là cuộc đời của họ bị đè nén. Có người còn vì thế mà bị bệnh. 4. “Tôi ước gì tôi giữ liên lạc được với bạn bè.” Nhiều người không thực sự biết giá trị của tình bạn cũ cho tới những tuần cuối đời và nhiều khi không còn kịp tìm lại bạn cũ nữa. Ðời sống bận bịu, ai cũng có lúc bỏ bê bè bạn. Nhưng khi người ta biết mình sắp chết, người ta trước tiên hết lo sắp xếp vấn đề tài sản đâu ra đấy, nhưng nhiều khi họ muốn sắp xếp để giúp đỡ những người họ quan tâm. Rồi họ lại quá yếu, quá mệt, không làm được việc này. Ðến cuối đời, cái còn lại chỉ là bạn bè và người thân là quan trọng. 5. “Tôi ước gì tôi cho phép mình được hạnh phúc hơn.” Ðiều đáng ngạc nhiên là rất nhiều người nói lên điều này. Nhiều người phải đến lúc gần ra đi mới thấy là hạnh phúc là một chọn lựa. Nhiều người cứ sống và làm theo thói quen, để quên đi mất mình có quyền thay đổi hết để tìm đến hạnh phúc. Ðến lúc nằm trên giường bệnh, nhiều người lúc đó mới thấy chuyện người khác nghĩ gì, chê bai gì, là chuyện không quan trọng gì hết. Họ chỉ muốn được vui, được cười, được hạnh phúc.

Vũ Quí Hạo Nhiên

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay