Laido

Đặt tên thế nào cho hay?

1 bài viết trong chủ đề này

Nhân lúc nông nhàn, mở top này ra bàn chút về xem tên họ cho vui vẻ.

Việc đặt tên cho con cái không phải là chuyện dễ, từ xưa đến nay chỉ có bậc học giả nghiên cứu lý học hoặc gia đình cầu thị, mong muốn con cháu mình có một cái tên vừa đẹp, vừa tốt thì mới cần lựa kỹ càng. Việc lựa chọn tên cũng có nhiều nguyên tắc khắt khe phải tuân thủ. Đầu tiên là việc lựa tên không được trùng với tên người thân trong gia đình, ông bà ông vải (kể cả người đã khuất). Ở nước ngoài thì khác hẳn, họ có thể lấy tên ông bà đặt cho cháu chắt nhằm tỏ lòng kính trọng. Ở ta mà đặt trùng như vậy là phạm húy, là điều cấm kỵ hàng đầu. Tên phải mang một ý nghĩa nào đó, tùy theo sở thích, tâm tư tình cảm của gia đình, cha mẹ. Có người để luôn nhớ tới những kỷ niệm tại nơi mình đã sinh sống một thời gian dài, họ đã lấy tên địa danh để đặt tên cho con, như Nhật – trong tên nước Nhật bản, Nga – trong tên nước nga, hay Nam Bắc, … hoặc muốn con cái thành đạt, vinh danh khi trưởng thành thì đặt tên con là Vinh Hiển, Thành Đạt, … Tên còn phải dễ đọc, dễ nhớ, âm tiết không được quá trúc trắc, không được na ná những âm tiết không tốt, không hay, không mang điều gở. Ở vùng nông thôn, người viết đã được chứng kiến rất nhiều cái tên phạm phải nguyên tắc này, như con gái tên là Tiện, có lẽ chữ tiện nằm trong chữ Ti tiện, tiện nhân, hà tiện, … quả thực người này rất đúng với cái nghĩa Ti tiện, chẳng coi liêm xỉ là gì hết. Hay tên là Rần, đọc lên đau cả miệng, hay tên Phân có lẽ là trong chữ phân phát, phân chia, nhưng dù sao nó cũng gần với từ phân ..bón, nên cũng chẳng nên dùng làm gì, cuộc đời thực của người này rất kém, bệnh tật, yểu mệnh. Tên còn phải phối hợp họ, tên đệm làm sao cho nó có âm tiết hay khi đọc lên, không quá khó đọc, chẳng hạn tên đẹp như Lê Hoàng Nam, Tống Khánh Linh, không nên khó đọc như Uông Sỹ Rần, … Không nên đặt tên đệm và họ cũng có thanh nặng, sắc, trắc, .... làm cho cái tên có cảm giác nhàm chán hoặc khó chịu khi gọi lên, như: Hoàng Huỳnh Bình, Trịnh Thị Phượng, …

Một cái tên mà thỏa mãn được những nguyên tắc kể trên mới chỉ là một phần rất nhỏ của yêu cầu đặt tên, vì nó mới là phần lông và da. Phần quan trọng, coi như điều kiện đủ để phối hợp làm lên một cái tên đẹp phù hợp với mệnh của từng người phải là: Họ, đệm và tên phải có sự phối hợp tốt với nhau, cân bằng về âm dương ngũ hành Kim mộc thủy hỏa thổ, không được xung khắc nhau, sự phối hợp này tạo nên bộ ngũ cách, tam tài mà phân cát hung, họa phúc. Tên phải phù hợp với mệnh (tứ trụ, năm tháng ngày giờ), mệnh kém mà tên “Đẹp - kêu” quá cũng không tốt, đó là cách yểu chiết. Tên và mệnh như thể và dụng, phối hợp tốt với nhau là cát, ngược lại là hung. Tên cũng có thể là cứu cánh cho mệnh, nó có thể bổ sung điểm khuyết (ngũ hành) để trợ mệnh, cũng có khi khắc phá, làm tổn hại mệnh. Nếu ai theo dõi cuốn phim Chu Nguyên Chương trên VTV thì biết, thủa nhỏ ông tên là Trùng bát. Khi 24 tuổi tham gia quân khăn đỏ, được đổi tên thành Chu Nguyên Chương. Thời niên thiếu là một cậu bé mồ côi, chăn trâu cắt cỏ, nghèo đói, bơ vơ. Sau khi trưởng thành, qua hơn 20 năm chinh chiến, ông đã trở thành một vị hoàng đế nổi tiếng trong lịch sử Trung hoa, được người đời ca tụng. Xét cái mệnh của ông chắc rằng không nhỏ, nhưng trên thực tế tuổi thiếu thời rất khổ cực, gắn liền với cái tên Trùng Bát của ông. Tền trùng bát là bát thuần Cấn (người viết tự bịa ra), biểu hiện sự ngưng trệ, khó khăn, không người giúp đỡ, không nơi nương tựa, khó khăn trùng trùng. Nhưng cũng chính vì cái tên Trùng Bát - "Tượng Tích thiểu thành cao" này đã tôi luyện cho ông trở lên ngoan cường, … và dũng mãnh hơn. Sau khi đổi thành Chu Nguyên Chương thì cuộc đời ông biến đổi sang một trang sử mới, bắt đầu manh nha cho ước vọng đế vương. Chỉ xét riêng Tổng cách thôi đã thấy tên của ông mới đạt làm sao: “Số làm thủ lĩnh hiển hách, giàu có rất lớn, có thế vận xung thiên, khắc phục mọi khó khăn mà thành công. Nếu số này mà thiếu đức thì tuy có địa vị, uy quyền e cũng không giữ đợc lâu. Cần nên tu thân, dưỡng tính mới giữ đợc địa vị. Nếu đàn bà đừng dùng số này, lý do cũng như số 21. Đàn bà mà chủ vận và các cách khác có số này thì khó tránh phòng khuê rời rã, trướng gấm lạnh lùng”. Đây là nói đến một bậc anh hùng hào kiệt, còn người thường thì sao? Nếu người thường, mệnh yếu không nên lấy tên nổi danh như thế này, càng không nên lấy tên của những người nổi tiếng đặt tên cho con cháu, sẽ phạm vào cách yểu chiết. Còn nhớ, mấy tháng trước người viết có xem lá số và đặt tên cho một cháu bé. Cháu bé này sinh trong một gia đình họ Tăng, giàu có “nhất khoảnh”, lại là con hiếm muộn, lá số có cách giàu cự phú, kiểu như công tử bạc liêu, đốt tiền soi đường, … cộng thêm cách của Nhạc bất quần. Căn cứ vào những điều này, người viết đã lựa ra một cái tên chỉ có hai từ Tăng… (xin không nêu ra vì cháu còn nhỏ). Một cái tên có thể nói là rất vui, … Từ khi cháu mang tên này thì rất nổi danh, có nhiều người nói chuyện, hỏi thăm về cháu mặc dù chẳng biết mặt mũi ra sao, bố mẹ cháu rất KHOÁI. Hay một cái tên nữa cũng là tên rất hay và ý nghĩa, đó là tên của một vị anh hùng dân tộc, một vĩ nhân của mọi thời đại. Ông có cái tên là Võ Nguyên A. Điều đặc biệt ở đây là cả họ tên và đệm đều rất chuẩn mực. Từ Võ biểu hiện của một võ tướng, nghề binh nghiệp, Nguyên trong nguyên hanh lợi trinh, nguyên là đầu tiên và to lớn, vĩ đại, nguyên còn là nguyên bản, nguyên vẹn (bịa ra cho vui), A là đứng đầu bản chữ cái (hì), mệnh của ông chắc chắn cũng phải rất lớn rồi, sự kết hợp (thể và dụng) này làm sao không trở thành bậc vĩ nhân, lưu danh sử sách? Tên Võ Nguyên A còn có nghĩa là cả cuộc đời chinh chiến, lên xuống gì đi nữa thì vẫn giữ Nguyên được A (lại bịa thêm cho vui).

Trân trọng

Laido

1 person likes this

Share this post


Link to post
Share on other sites