Posted 24 Tháng 4, 2008 Một nghi lễ cổ truyền với tên gọi “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” để cám ơn những người làm nhiệm vụ giữ gìn biên cương Tổ quốc trên biển Đông trong Đội Hoàng Sa, có từ thời Chúa Nguyễn, nay vẫn được nhân dân huỵên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi duy trì… Vào tháng 4 hằng năm, người dân huỵên đảo Lý Sơn lại gấp rút chuẩn bị cho ngày lễ trọng này để được dâng tấm lòng thành của lớp con cháu hôm nay đối với tiên tổ, nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay từ khi vào trấn nhậm phương Nam thế kỷ 16, với ý thức về chủ quyền lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên vô giá ở biển Đông, Chúa Nguyễn đã lập đội Hoàng Sa để canh giữ. Sách Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú, phần về phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi ghi: "Quần đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi, các vua đời trước đặt ra quân giữ Hoàng Sa gồm 70 người, thường lấy người làng An Vĩnh. Hằng năm cứ đến tháng 3 nhận lệnh mang lương thực trong 6 tháng rồi dùng 5 chiếc thuyền ra khơi, đi 3 ngày 3 đêm thì đến đảo, đến nơi vừa canh giữ vừa đánh cá mà ăn. Vật báu ở đó rất nhiều, đội quân này vừa làm nhiệm vụ canh giữ vừa khai thác vật báu. Đến tháng 8 thì về cửa Eo (Thuận An) lên tâu nộp ở thành Phú Xuân". Hoạt động này còn được ghi chép cẩn thận trong nhiều tư liệu lịch sử như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Việt sử cương giám khảo lược, Hải quốc kiến văn lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục tiền biên… Âm Linh tự- nơi tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa Làng An Vĩnh ngoài biển thời nhà Nguyễn, nay là huyện đảo Lý Sơn, cách đất liền 15 hải lý. Trải bao thế hệ, hàng ngàn người dân Lý Sơn đã vượt muôn trùng sóng gió, canh giữ Hoàng Sa, biên cương Tổ quốc, nhiều người ra đi đã mãi mãi không về. Hằng năm cứ đến tháng 2 âm lịch, người dân trên đảo lại làm lễ cầu cho biển yên sóng lặng, người đi lính Hoàng Sa trở về bình an. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa có từ ngày ấy và duy trì mãi đến tận bây giờ. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết: “Đây là một lễ tục mang đậm tính nhân văn, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Lý Sơn. Vừa tri ân những người có công trong việc gìn giữ biên cương Tổ quốc, vừa làm yên lòng những người còn sống. Cùng với các danh lam thắng cảnh, những Di tích lịch sử văn hóa, lễ hội này sẽ là tiền đề để Lý Sơn phát triển thành một đảo du lịch hấp dẫn.”. Những ngôi mộ gió lính Hoàng Sa ở Lý Sơn Năm nay Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức trong 3 ngày từ 19 đến 21/4, tại Di tích Lịch sử Văn hoá quốc gia Âm linh tự. Gồm Lễ Cầu siêu cho nghĩa sĩ trận vong, Lễ tế Thanh minh, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ phóng đăng và bắn hoả châu. Người dân Lý Sơn còn tổ chức đua thuyền tứ linh, hát tuồng... Khác với những năm trước, việc tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa thường do các dòng họ có người đi lính Hoàng Sa đảm nhiệm, năm nay, lễ được tỉnh và huỵên tổ chức với qui mô lớn hơn, thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu, khách mời trong và ngoài tỉnh. Ông Võ Hiển Đạt, thành viên Ban tế tự Âm Linh tự cho biết: ngay từ đầu tháng 4, Ban quản lý Di tích Âm linh tự đã tích cực chuẩn bị, từ vịêc tu sửa lại nơi thờ tự, đồ tế khí đến vịêc làm đèn cho lễ thả hoa đăng, làm thuyền lễ, viết hàng trăm linh vị lính Hoàng Sa tử nạn... tất bật nhưng ai cũng vui. Còn con cháu họ Võ, họ Nguyễn, họ Phạm Văn, Phạm Quang từng có người đảm nhận các chức vụ quan trọng trong Đội Hoàng Sa trước đây, những ngày này càng thêm bận rộn. Trầu rượu, hoa quả, sản vật của biển cả cùng gạo, củi, mắm, muối - những thứ mà người lính Hoàng Sa ngày xưa mang theo đang được chuẩn bị chu đáo để thành kính dâng lên tiên tổ trong ngày đại lễ, với lòng tự hào, biết ơn những người đã hy sinh cho sự bình yên của biên cương Tổ quốc. Ông Phạm Thoại Tuyền, hậu duệ đời thứ 6 của Chánh đội trưởng Thuỷ quân Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật nói: “Chúng tôi rất vui, con cháu họ tộc khăn áo chỉnh tề, chuẩn bị lễ vật dâng cúng tổ tiên. Mong sao những di tích liên quan đến Đội Hoàng Sa sẽ được ngành văn hóa quan tâm trùng tu, tôn tạo để làm nơi giáo dục truyền thống cho con cháu sau này”. Mộ của ông Phạm Hữu Nhật- Chánh cai đội Hoàng Sa Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là một nét văn hóa đặc sắc của cư dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Lễ tục mang tính nhân văn cao cả, thể hiện đạo lý "uống nước, nhớ nguồn", trong lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Truyền thống ấy đang được người dân Lý Sơn hôm nay kế tục và phát huy trong hành trình chiến thắng đói nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển với hai ngành trọng tâm là thủy sản và du lịch, xây dựng Lý Sơn thành một huỵên đảo giàu về kinh tế, mạnh về an ninh quốc phòng, vững vàng vị trí tiền tiêu Tổ quốc, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của cha ông, những người từng đem Ân đức dựng xây miền đảo Lý, biết lấy Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa - vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam giữa biển Đông mấy trăm năm trước./. (Theo VOV) Share this post Link to post Share on other sites