wildlavender

Những bài học cũ ở nông thôn

1 bài viết trong chủ đề này

Những bài học cũ ở nông thôn.

Lại lang thang chốn quê. Có khi một mình giữa mênh mông đồng mạc. Trong những hoài niệm về thuở bé thơ, chợt nhớ lại những bài học nông thôn “Nè, ẵm em không được cho nó dòm xuống giếng đó nghen con, nhỏ mà ngó xuống giếng sẽ bị câm đó. Không nên. Con nhớ chưa?” - má cứ dặn tôi vậy mỗi buổi sáng trước khi bà xuống chợ. Nhà chỉ có một mình, tôi ẵm em loanh quanh trong nhà, tha thẩn trước sân rồi không hiểu sao một chặp lại đứng xớ rớ bên bờ giếng. Định ẵm em cho nó... ngó xuống giếng soi gương cho vui, nhưng lời má dặn chợt vang lên như một điều răn khiến tôi sợ hãi vội ẵm em đi chỗ khác.

Những lời căn dặn “không nên” như thế không phải là ít: khi nằm ngủ không nên quay đầu ra ngoài đường, không nên tắm sông ban trưa kẻo bị con ma da kéo cẳng. Đi qua đình chùa lăng miếu mà “tè” bậy thì “chim” sẽ bị sưng to - không nên. Đi đêm thấy có cây ngã xuống đường không nên bước qua, sẽ bị con ma “cần vọt” đưa tọt lên ngọn, giữa trưa mà trèo cây khế là không nên...

Từ “không nên” ở đây ngoài nghĩa thông thường là không được, còn hàm chứa một ý nghĩa tâm linh với sức mạnh như một điều răn. Ví như lời ông bà thường dạy: “Đồ cúng còn dọn trên bàn thờ con không được bốc đó nghen. Như vậy là không nên”. Cứ như thế những lời căn dặn tự nhiên thấm vào đầu những đứa trẻ nhà quê lúc nào cũng ưa tinh nghịch quậy phá. Nhưng dù có nghịch ngợm thế nào, khi nghĩ tới những điều “không nên” cũng trở nên thuần nết.

Lúc nhỏ, nghe những điều “không nên” thì cứ thế mà tuân theo thôi, đâu nghĩ sâu xa gì. Dần lớn lên, thấy đó rõ ràng là những bài học không đơn thuần đánh vào tâm lý sợ hãi mà còn rất khoa học. Này nhé: “Ẵm em nhỏ mà cho ngó giếng là sẽ bị câm”, thật ra không câm gì cả. Nhưng ẵm em ngó giếng, lỡ vuột tay rớt xuống thì sao? Cho nên phòng ngừa là tốt hơn hết. Và không có điều răn nào hiệu lực mạnh mẽ hơn là “bị câm”. Còn nằm ngủ quay đầu ra phía ngoài đường nếu lỡ có vật gì văng vào sẽ trúng ngay đầu, mình lại thụ động, xử trí không kịp. Chẳng có con ma “cần vọt” nào cả, nhưng ban đêm bước qua cây ngã rất dễ bị rắn rết cắn.

Buổi trưa vắng, mọi người đang say giấc, lũ trẻ lén đi tắm sông nếu gặp nạn thì không ai biết mà cứu. “Mắc cổ xương gà nhìn ra cây khế” - mắc cổ xương gà rất nguy hiểm vì xương mảnh nhọn, cũng như cây khế cành rất giòn, trưa vắng té cây thì không ai biết lo liệu. Đi qua đình chùa lăng miếu nên cung kính là đúng rồi, xem ra cái vụ dọa “sưng chim” lại tỏ ra hiệu nghiệm hơn những lời sách vở.

Thế nhưng đó là những bài học đã cũ, ngay cả ở nông thôn hôm nay. Bây giờ dọa một đứa trẻ nhìn xuống giếng bị câm nó sẽ le lưỡi cười. Một đứa trẻ học lớp 2, xem phim truyền hình Bỗng dưng muốn khóc đã phán một câu “già chát” rằng: “Con Trúc yêu thằng Nam rồi mà nó không biết đó nghen!”. Khi nói về con ma da dường như không có đứa trẻ nào sợ, có đứa còn kêu: “Xạo, tivi nói là không có ma”!

Như vậy xem ra những bài học cũ không còn giá trị nữa. Từ “không nên” chỉ còn đơn nghĩa là “không được”, nhưng lời nói “không được” đâu có giá trị như một điều răn. Sự giải thích khoa học rườm rà, trẻ có thể hiểu nhưng mau quên. Nói đồ chơi nhựa Trung Quốc nguy hại, trẻ nghe gật gù nhưng rồi quên ngay, vẫn vô tư chơi, dường như không có một lời dọa nào khiến chúng e dè cả.

Khi nghe tôi nói về những bài học nông thôn, có người bảo không phải vì bài học đã cũ mà vì trẻ em ngày càng khôn lanh hơn, do đó cần phải có những “giáo án” hiện đại hơn. Điều đó thật đúng, vì thế giới không thể tồn tại mãi những lời dọa. Mà những lời dọa bao giờ cũng mang bóng tối nhiều hơn là ánh sáng. Và không phải đứa trẻ nào cũng tìm được đường từ bóng tối bước ra.

TRẦN NHÃ THỤY

Nguồn tuoitreonline

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay