Công Minh

Linh thiêng Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn

1 bài viết trong chủ đề này

Linh thiêng Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn

TPCN - Đi dưới những vòm cây xanh tỏa bóng mát sườn đồi, Trưởng ban quản lý Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, anh Hồ Tất Ái kể: “Hàng đêm chúng tôi tuần tra canh giấc ngủ cho các liệt sỹ, thường nghe tiếng chào hỏi rất rõ: Chào đồng chí. Đi tuần đấy hả!”.

"Tiếng của ai vậy?”- Tôi hỏi. Giọng anh Ái hạ xuống như thì thầm: “Của các liệt sỹ”.

Anh Hồ Tất Ái kể: Lúc khánh thành, tháng 4/1977, Nghĩa trang có 10.327 ngôi mộ.

Mấy năm sau đó, thân nhân các liệt sỹ xin đưa về quê nhà một số, khi còn 10.263 ngôi mộ thì ổn định đến nay. Thân nhân liệt sỹ đến viếng thấy mộ phần được chăm sóc chu đáo đều hài lòng, không xin đưa về quê nữa.

Mộ liệt sỹ được xếp từng khu vực theo tỉnh, thành phố, trải trên năm quả đồi. Xen kẽ các khu mộ là những cánh rừng. Lối đi được lát đá, gạch hoặc tráng xi măng, hoa nở bốn mùa hai bên.

Mỗi khu có nhà tưởng niệm kiến trúc phảng phất hình ảnh các vùng quê đất nước. Đứng ngoài nhìn vào, Nghĩa trang như một lâm viên. Vô bên trong, Nghĩa trang tĩnh lặng, thâm nghiêm, mát dịu.

Nơi gần nhất của Nghĩa trang cách đường Hồ Chí Minh khoảng 400 mét, cuộc sống ồn ào bên ngoài không động tới đây! Đi trong Nghĩa trang, bất giác nhẹ bàn chân, tâm tưởng lắng lại để chuyện trò với các liệt sỹ hoặc với bản thân mình.

Khu trung tâm Nghĩa trang nằm trên một ngọn đồi cao 32,4 mét, Đài tưởng niệm (Đài Tổ quốc ghi công) bằng đá trắng cao vút uy nghiêm, rỗng ruột và khuyết ba mặt, thể hiện nỗi mất mát vô cùng.

Sát sau Đài tưởng niệm, cân đối hài hòa như có bàn tay nghệ nhân sắp đặt là một cây bồ đề. Đây là cây bồ đề tự mọc. Nghĩa trang khánh thành được 6 tháng, vào tháng 10/1977 đột nhiên mọc lên cây bồ đề này.

Và dường như sợ có người nhầm lẫn mà nhổ đi, cây bồ đề lớn rất nhanh, chẳng mấy đã vươn cành lá um tùm, che mát Đài tưởng niệm. Anh ái dừng chân dưới gốc bồ đề nói: “Chúng tôi đã tìm hiểu, trong vòng bán kính khoảng 10 cây số xung quanh đây không hề có bồ đề”. Cây bồ đề trở thành cây thiêng của Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn.

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn chính thức khởi công ngày 24/10/1975, hoàn thành ngày 10/4/1977, nơi yên nghỉ của các liệt sỹ Binh đoàn Trường Sơn Anh hùng đã ngã xuống trong 16 năm trời khai mở, giữ vững và phát triển con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Nghĩa trang nằm ở khu đồi Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Trường (Gio Linh, Quảng Trị).

Trên đồi có cây xanh bóng mát. Dưới chân đồi có một hồ nước trong vắt. Đây là hồ nhân tạo. Hồi xây dựng Nghĩa trang, nơi đó là bãi đất thấp trũng, bộ đội đào đất để đắp đường thì bên dưới phụt lên một mạch nước ngầm. Tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn khi đó lệnh sửa thành cái hồ, còn tạo gò đảo ở giữa và bắc cầu đi ra.

Những năm đại hạn, khe suối, ao hồ xung quanh cạn nước nhưng hồ này vẫn long lanh nước mát.

Ban quản lý Nghĩa trang có 20 người. Nghe sơ qua về công việc của họ đã thấy không hề nhẹ nhàng. Mỗi ngày đón khoảng 20 đoàn khách, từ trong nước đến ngoài nước.

Đón tiếp nghĩa là mời trà, mời xem phim, phục vụ làm lễ viếng ở Nhà khánh tiết, dẫn đường vào Đài tưởng niệm cách hơn 200 mét và đi xuống các khu mộ.

Ban đêm, thay nhau tuần tra. Phải thường xuyên chăm sóc bồn hoa, cây cảnh, rừng xanh, làm vệ sinh toàn bộ 39,8 ha. Mỗi năm một lần cọ sạch rong rêu trên 10.263 bia mộ, thay cát trong 10.263 bát hương.

Nhiều người ở xa không đến được thường điện thoại nhờ Ban quản trang thay mặt viếng liệt sỹ thân nhân. Giữa tháng 5 rồi, một chị ở Hải Phòng vào viếng mộ liệt sỹ, khi về nằm mộng mới tá hỏa nhớ lại là lễ vật dâng cúng do xúc động, lúng túng mà chưa tròn như lời hứa.

Chị điện thoại khẩn khoản nhờ Ban quản trang mua sắm, tổ chức cúng giúp chị. Ban quản trang không bao giờ từ chối, luôn luôn đáp ứng mọi nguyện vọng đến từng chi tiết.

Tôi hỏi anh Ái:

- Ban đêm, các anh đi tuần một mình hay phải nhiều người?

Anh Ái trả lời:

- Đi một mình thôi. Chúng tôi quen rồi – Trầm ngâm một lúc, anh nói tiếp - Tuy vậy, có một lần tôi cũng hoảng hồn, phải bỏ chạy. Hôm ấy, mới hơn 7 giờ tối, còn nhìn rõ mặt người, tôi lên Đài tưởng niệm thắp hương, chợt thấy một người đàn ông ngồi gần đó, hỏi thì ông ta trả lời là liệt sỹ đi thăm liệt sỹ.

Tôi hơi bực mình là vào Nghĩa trang mà còn trả lời ỡm ờ nên vừa đốt hương vừa để ý liếc nhìn ông ta. Cắm hương xong, tôi định bước tới để xem cho rõ mặt thì ông ta không thấy đâu nữa.

Lúc đó chúng tôi cách nhau chỉ dăm mét. Tôi hoảng quá, quay đầu chạy xuống chân đồi.

Câu chuyện của anh Ái làm cho không khí Nghĩa trang thêm linh thiêng, chính xác hơn, cho tôi hiểu thêm sự linh thiêng của một Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia.

10.263 liệt sỹ, trong đó anh Ái cho biết khoảng 80% hy sinh ở lứa tuổi 18 - 22. Sự linh thiêng của núi sông, trong tâm tưởng, trong cõi sâu thẳm tâm hồn mỗi người đang được sống trên đất nước thanh bình hôm nay luôn luôn tưởng nhớ công ơn các liệt sỹ.

Các liệt sỹ không chết trong lòng người đang sống, trong lòng quê hương đất nước. Anh Ái và các anh các chị trong Ban quản trang, hàng ngày chăm sóc từng phần mộ, hàng ngày đón tiếp tấm lòng tưởng nhớ liệt sỹ ở mọi miền gần xa, hơn ai hết luôn thấy các liệt sỹ vẫn sống bên mình.

Những mẩu chuyện của anh Ái về các liệt sỹ mà anh “thấy” thường xuyên, là ảo ảnh với cuộc sống thực song dứt khoát là hình ảnh thực trong tình cảm, trong suy tưởng, trong niềm kính trọng vô bờ bến những linh hồn vì nước vì dân.

Như bao Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hằng đêm vẫn thường thấy con của mình trở về, đi lại trên đường quê yêu dấu. Bao cựu chiến binh, thỉnh thoảng lại “gặp” đồng đội cũ đã hy sinh, sống dậy vui đùa, gọi nhau đi chiến đấu.

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng viết: “Đất nước của những người không bao giờ khuất, đêm đêm rì rầm trong tiếng đất, những buổi ngày xưa vọng nói về”.

Theo thống kê của Ban quản trang, mỗi năm có gần 100.000 lượt người đến viếng các liệt sỹ ở đây, không ngày nào vắng người đến viếng, không ngày nào tắt khói hương. Lúc bước đi dưới mái nhà tưởng niệm cong vút như mái chùa cổ kính, trong hương hoa đại tinh khiết, tôi hỏi nhỏ anh Ái:

- Anh hết lòng vì các liệt sỹ ở đây thì vợ con sống như thế nào?

Anh tâm sự về gia cảnh: Vợ làm nông nghiệp ở xã Đông Thanh (thị xã Đông Hà, Quảng Trị), hai con, trai học lớp 12, gái học lớp 10. Anh vào làm việc ở Ban quản trang từ năm 1998.

Cũng từ ngày đó, lương của anh hàng tháng vẫn 1,7 triệu đồng, trừ các khoản đóng nọ kia còn 1,2 triệu đồng, tuy nhiên kinh tế gia đình có phần khá lên sau mỗi năm nhờ vợ trồng trọt, chăn nuôi luôn gặp may, được mùa được giá.

“Cũng nhờ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật”-Anh nói thêm. Anh sinh năm 1960, trước khi làm quản trang từng là bộ đội, phục viên, trải nhiều chức vụ, được điều về Nghĩa trang cũng tưởng nhất thời song như câu thơ anh đọc: “Cứ ngỡ xuống trần chơi một giấc, nào ngờ ở mãi đến hôm nay”.

Anh hạ giọng tâm tình: Trong Ban quản trang, người lương thấp nhất mỗi tháng chỉ có hơn 400.000 đồng, thêm 40.000 đồng trị giá 20 ký gạo. Song mọi người đều yên tâm, gắng sức lo toan cho phần mộ liệt sỹ.

Tôi đứng trước Đài tưởng niệm, ngước nhìn ngọn bồ đề xanh biếc giữa bầu trời xanh vĩnh cửu. Cầu Hiền Lương cách đây chừng 30 cây số, Thành cổ Quảng Trị cách hơn 40 cây. Thành cổ Quảng Trị, nơi ngã xuống của hơn 10.000 chiến sỹ, hầu hết còn trẻ. Sông Thạch Hãn chạy qua đâu đây, vẳng bên tai tôi câu thơ của một cựu chiến binh khi viếng thăm đồng đội đã hy sinh:

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi đôi mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi nghìn năm.

Một làn gió vụt qua. Nén hương tôi vừa dâng lên Đài tưởng niệm lóe sáng như những đốm sao đỏ rực.

Sáu Nghệ

( Theo Tiền phong chủ nhật )

Share this post


Link to post
Share on other sites

Tạo một tài khoản hoặc đăng nhập để bình luận

Bạn phải là một thành viên để tham gia thảo luận.

Tạo một tài khoản

Đăng ký một tài khoản mới trong cộng đồng của chúng tôi. Dễ thôi!


Đăng ký tài khoản mới

Đăng nhập

Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập tại đây.


Đăng nhập ngay