TRUYỆN SỰ TÍCH CHÚ CUỘI VÀ GIẢI MÃ CHUYỂN ĐỐI TỐN KHÔN.
Thiên Đồng - Bùi Anh Tuấn Thành viên nghiên cứu Phong thủy Lạc Việt Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông Phương.
Trong kho tàng truyện cổ tích Việt, những câu chuyện cổ sinh động giúp cho bao thế hệ trẻ em Việt Nam mở rộng những thế giới tưởng tượng huyền ảo lung linh, mở rộng nhận thức thế giới quan thông qua những hình tượng và nội dung đầy uyên áo. Nhưng đằng sau nội dung của các câu truyện cổ không thiếu sự ẩn tàng những minh triết cổ Đông phương. Và cũng từ cái nhìn minh triết ấy, một ẩn ngữ cho việc di cung hoán vị Tốn – Khôn trên Bát quái Hậu thiên của cổ thư để đi đến một nguyên lý hoàn chỉnh là Hậu thiên Lạc Việt phối Hà đồ là một điều có thể hình dung được.
Người viết xin trình bày việc hoán vị Tốn – Khôn dựa trên sự giải mã một ẩn ngữ như một thông điệp thông qua câu truyện “Sự tích Chú Cuội” - một câu chuyện nổi tiếng trong kho tàng cổ tích Việt Nam.
Nội dung câu chuyện như sau: Ngày xưa ở một miền nọ có một người tiều phu tên là Cuội. Một hôm, như lệ thường, Cuội vác rìu vào rừng sâu tìm cây mà chặt. Khi đến gần một con suối nhỏ, Cuội bỗng giật mình trông thấy một cái hang cọp. Nhìn trước nhìn sau anh chỉ thấy có bốn con cọp con đang vờn nhau. Cuội liền xông đến vung rìu bổ cho mỗi con một nhát lăn quay trên mặt đất. Nhưng vừa lúc đó, cọp mẹ cũng về tới nơi. Nghe tiếng gầm kinh hồn ở sau lưng, Cuội chỉ kịp quẳng rìu leo thoắt lên ngọn một cây cao. Từ trên nhìn xuống, Cuội thấy cọp mẹ lồng lộn trước đàn con đã chết. Nhưng chỉ một lát, cọp mẹ lẳng lặng đi đến một gốc cây gần chỗ Cuội ẩn, đớp lấy một ít lá rồi trở về nhai và mớm cho con. Chưa đầy ăn giập miếng trầu, bốn con cọp con đã vẫy đuôi sống lại, khiến cho Cuội vô cùng sửng sốt. Chờ cho cọp mẹ tha con đi nơi khác,Cuội mới lần xuống tìm đến cây lạ kia đào gốc vác về. Dọc đường gặp một ông lão ăn mày nằm chết vật trên bãi cỏ, Cuội liền đặt gánh xuống, không ngần ngại, bứt ngay mấy lá nhai và mớm cho ông già! Mầu nhiệm làm sao, mớm vừa xong, ông lão đã mở mắt ngồi dậy. Thấy có cây lạ, ông lão liền hỏi chuyện. Cuội thực tình kể lại đầu đuôi. Nghe xong, ông lão kêu lên: - Trời ơi! Cây này chính là cây có phép "cải tử hoàn sinh" đây. Thật là trời cho con để cứu giúp thiên hạ. Con hãy chăm sóc cho cây nhưng nhớ đừng tưới bằng nước bẩn mà cây bay lên trời đó! Nói rồi ông lão chống gậy đi. Còn Cuội thì gánh cây về nhà trồng ở góc vườn phía đông, luôn luôn nhớ lời ông lão dặn, ngày nào cũng tưới bằng nước giếng trong. Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người. Hễ nghe nói có ai nhắm mắt tắt hơi là Cuội vui lòng mang lá cây đến tận nơi cứu chữa. Tiếng đồn Cuội có phép lạ lan đi khắp nơi. Một hôm, Cuội lội qua sông gặp xác một con chó chết trôi. Cuội vớt lên rồi giở lá trong mình ra cứu chữa cho chó sống lại. Con chó quấn quít theo Cuội, tỏ lòng biết ơn. Từ đấy, Cuội có thêm một con vật tinhkhôn làm bạn. Một lần khác, có lão nhà giàu ở làng bên hớt hải chạy đến tìm Cuội, vật nài xin Cuội cứu cho con gái mình vừa sẩy chân chết đuối. Cuội vui lòng theo về nhà, lấy lá chữa cho. Chỉ một lát sau, mặt cô gái đang tái nhợt bỗng hồng hào hẳn lên, rồi sống lại. Thấy Cuội là người cứu sống mình, cô gái xin làm vợ chàng. Lão nhà giàu cũng vui lòng gả con cho Cuội. Vợ chồng Cuội sống với nhau thuận hòa, êm ấm thì thốt nhiên một hôm, trong khi Cuội đi vắng, có bọn giặc đi qua nhà Cuội. Biết Cuội có phép cải tử hoàn sinh, chúng quyết tâm chơi ác. Chúng bèn giết vợ Cuội,cố ý moi ruột người đàn bà vứt xuống sông, rồi mới kéo nhau đi. Khi Cuội trở về thì vợ đã chết từ bao giờ, mớm bao nhiêu lá vẫn không công hiệu, vì không có ruột thì làm sao mà sống được. Thấy chủ khóc thảm thiết, con chó lại gần xin hiến ruột mình thay vào ruột vợ chủ. Cuội chưa từng làm thế bao giờ, nhưng cũng liều mượn ruột chó thay ruột người xem sao. Quả nhiên người vợ sống lại và vẫn trẻ đẹp như xưa. Thương con chó có nghĩa, Cuội bèn nặn thử một bộ ruột bằng đất,rồi đặt vào bụng chó cũng sống lại. Vợ với chồng, người với vật lại càng quấn quít với nhau hơn xưa. Nhưng cũng từ đấy, tính nết vợ Cuội tự nhiên thay đổi hẳn. Hễ nói đâu là quên đó, làm cho Cuội lắm lúc bực mình. Ðã không biết mấy lần, chồng dặn vợ: "Có đái thì đái bên Đông, Đừng đái bên Tây, cây dông lên trời!". Nhưng vợ Cuội hình như lú ruột, lú gan, vừa nghe dặn xong đã quên biến ngay. Một buổi chiều, chồng còn đi rừng kiếm củi chưa về, vợ ra vườn sau, không còn nhớ lời chồng dặn, cứ nhằm vào phía Tây gốc cây quý mà đái. Không ngờ chị ta vừa đái xong thì mặt đất chuyển động, cây đảo mạnh, gió thổi ào ào. Cây đa tự nhiên bật gốc, lững thững bay lên trời. Vừa lúc đó thì Cuội về đến nhà. Thấy thế, Cuội hốt hoảng vứt gánh củi, nhảy bổ đến, toan níu cây lại. Nhưng cây lúc ấy đã rời khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội chỉ kịp móc rìu vào rễ cây, định lôi cây xuống,nhưng cây vẫn cứ bốc lên, không một sức nào cản nổi. Cuội cũng nhất định không chịu buông, thành thử cây kéo cả Cuội bay vút lên đến cung trăng. Từ đấy Cuội ở luôn cung trăng với cả cái cây quý của mình. Mỗi năm cây chỉ rụng xuống biển có một lá. Bọn cá heo đã chực sẵn,khi lá xuống đến mặt nước là chúng tranh nhau đớp lấy, coi như món thuốc quý để cứu chữa cho tộc loại chúng. Nhìn lên mặt trăng, người ta thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, người ta gọi cái hình ấy là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa....
1.Sự Trùng Hợp Với Cung Sức Khỏe
Đồ hình dưới đây được một Phong thủy gia Đài Loan công bố vào khoảng những năm 60 của thế kỷ 20. Trên đồ hình này - căn cứ theo Lạc Thư phối Hậu Thiên Văn Vương - quan niệm rằng:
Cung Khảm - chính Bắc = Sự Nghiệp. Cung Cấn - Đông Bắc = Tri Thức. Cung Chấn - Chính Đông = Sức Khỏe. Cung Tốn - Đông Nam = Hôn Nhân. Cung Ly - Chính Nam = Danh tiếng - Địa vị. Cung Khôn - Tây Nam = Phú Quý. Cung Đoài - Chính Tây = Con cái. Cung Càn - Tây Bắc = Quí Nhân.
Tuy nhiên, trên cơ sở Hậu thiên Lạc Việt Phối Hà Đồ mà nhà nghiện cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã chỉnh lý từ việc chuyển đổi Tốn - Khôn thì cung Chấn, phương Đông với ý nghĩa Sức Khỏe vẫn không thay đổi. Ta xem đồ hình sau:
Cung Khảm - chính Bắc = Sự Nghiệp. Cung Cấn - Đông Bắc = Tri Thức. Cung Chấn - Chính Đông = Sức Khỏe. Cung Tốn - Tây Nam = Hôn Nhân. Cung Ly - Chính Nam = Danh tiếng - Địa vị. Cung Khôn - Đông Nam = Phú Quý. Cung Đoài - Chính Tây = Con cái. Cung Càn - Tây Bắc = Qúy Nhân.
Như vậy, trên đồ hình Bát quái Hậu thiên không kể Lạc Việt hay cổ thư, phương Đông thuộc dương Mộc ứng với quái Chấn, hình tượng của cây to và theo Bát cung thì cung Chấn đông phương ứng với cung Sức Khỏe, theo phong thủy bát trạch không kể cổ thư hay Phong thủy Lạc Việt. Sự trùng hợp khi trong cây chuyện kể chi tiết quan trọng được thể hiện chính là cây đa, cũng là một loại cây to và sống lâu năm,là loại cây thuốc giúp con người "cải tử hoàn sinh". Ta hãy đọc lại đoạn sau:
Dọc đường gặp một ông lão ăn mày nằm chết vật trên bãi cỏ, Cuội liền đặt gánh xuống, không ngần ngại,bứt ngay mấy lá nhai và mớm cho ông già! Mầu nhiệm làm sao, mớm vừa xong, ông lão đã mở mắt ngồi dậy. Thấy có cây lạ, ông lão liền hỏi chuyện. Cuội thực tình kể lại đầu đuôi. Nghe xong ông lão kêu lên: - Trời ơi! Cây này chính là cây có phép "cải tử hoàn sinh" đây. Thật là trời cho con để cứu giúp thiên hạ. Con hãy chămsóc cho cây nhưng nhớ đừng tưới bằng nước bẩn mà cây bay lên trời đó!
Sự mạnh và yếu, khỏe và bệnh, chết và sống, là trạng thái thể chất tiêu cực và tích cực đều thuộc phạm trù “sức khỏe”. Vì vậy, hình tượng quái Chấn dương mộc thuộc là cung Sức Khỏe trùng khớp với nội dung câu truyện có yếu tố cây đa thần dược chữa bệnh và “cải tử hoàn sinh”.
Nói rồi ông lão chống gậy đi. Còn Cuội thì gánh cây về nhà trồng ở góc vườn phía đông, luôn luôn nhớ lời ông lão dặn, ngày nào cũng tưới bằng nước giếng trong
Quan trọng ở chi tiết, Cuội trồng cây ở “ góc vườn phía đông”. Như vậy phương vị, tượng quái và ý nghĩa của cung đã được định vị rõ ràng và trùng khớp với hình tượng trọn vẹn quái Chấn, Dương mộc, cung Sức Khỏe và Đông phương. Sách “ Nhập môn Chu Dịch dự đoán học” của tác giả Thiệu Vĩ Hoa, trang 46 có đoạn:
“Tượng Chấn Chấn là sấm, là đế vương, là con trai cả,là chủ, là tổ, là tông, là ông, là chư hầu, là bách quan, là kẻ sĩ, là chồng, là hành nhân, là đồ vật chính, là vương thần, là quân tử, là trăm thứ ngũ cốc, là tiền đồ rộng lớn, là đường bằng phẳng, là cỏ dại, là cây thấp, làlăng, là ngựa, là hưu lộc, là cái làn, là gót chân, là ngón cái, là dày, là đâmvào, là trống, là ra, là sống, là ban đầu, là bên trái, là dần dần, là đi, là làm, là khởi đầu, là bôn ba, là sống lại, là phấn chấn, là giơ lên, là kính trọng, là cấm, là đầu, là uy, là nhân nghĩa, là kinh sợ, là nói, là cười, là kêu, là âm thanh,là lời cáo, là vui, là kế giữ, là xuất chinh.”
Một sự ngẫu nhiên rõ ràng ngay trong chú giải ý nghĩa quái Chấn của sách“ Nhập môn Chu Dịch dự đoán học” của tác giả Thiệu Vĩ Hoa, cũng thể hiện một ý nghĩa tương đồng với nội dung câu truyện nói về công dụng hiệu lực của cây thần có khả năng cứu chữa “cải tử hoàn sinh”, chết đi có thể cứu sống lại, là “sống, khởi đầu, sống lại”. Theo quan niệm của nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, thuyết Âm Dương Ngũ Hành thuộc nền văn hiến Việt huyền vĩ với lịch sử trải gần 5000 năm, bát quái là ký hiệu siêu công thức trong quan hệ tương tác của vạn vật thì sự tương hợp về hình tượng và ý nghĩa giữa những chi tiết cây thần “Cải tử hoàn sinh” của câu truyện dân gian người Việt và sự giải thích tượng Chấn từ Hán thư là một sự không những trùng hợp mà có thể là một thông điệp phải được giải mã, được chuyển tải từ lâu trong lòng dân tộcViệt thuộc nền văn minh Văn Lang, hướng dẫn cho việc mở ra một bí ẩn của nguyên lý học thuật cổ Đông phương.
2.Thông Điệp Giải Mã Chuyển Đổi Tốn – Khôn:
Một chi tiết quý báu đẩy cao trào câu truyện “Chú Cuội” lên cao là câu dặn dò cho người vợ không được bình thường hay quên, được nhắc rõ bằng câu lục bát vần điệu:
'"Có đái thì đái bên Đông Đừng đái bên Tây, cây dông lên trời”
Chính ngay câu nói thơ này của nhân vật Cuội, người viết cho rằng đây là ẩn ngữ, là chìa khóa cho bí ẩn phải chuyển đổi hai quái Tốn và Khôn.Sự chuyển đổi Tốn – Khôn, cũng như việc dùng các câu chuyện dân gian Việt Nam để minh họa cho việc chuyển đổi ấy đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh là người đầu tiên khởi xướng nhằm minh họa thêm cho việc chuyển đổi Tốn - Khôn tạo nên một nguyên lý căn để và hoàn chỉnh trong nguyên lý học thuật cổ Đôngphương, gọi tắt là “Lý học”, là Hậu thiên Lạc Việt phối với Hà Đồ, đã tạo niềm hứng khởi cho người viết khi vô tình nhận ra những sự tương hợp, dường như là mật mã, trong những câu truyện dân gian Việt Nam. Hình ảnh cây thần “cải tử hoàn sinh” đã được xác định với sự trùng hợp là quái Chấn, cung Sức Khỏe và phương Đông là cái mốc cho việc giải mã tiếp theo. Ta lại thử tìm xem trong Hán thư, cụ thể là cuốn “ Nhập môn Chu Dịch dự đoán học” của tác giả Thiệu Vĩ Hoa, trang 45 có đoạn như sau:
Tượng Khôn Khôn là đất, là sau, là thần, là vợ, là dân. Là bầy đàn, là số đông, là tiểu nhân, là thị dân, là bọn trộm cướp, là mẹ, là phụ nữ, là dì, là thành trì, là ruộng, là một bang, là nhà cửa, là gia trạch, là trên bộ, là bùn, là bế quan, là bò, là ngưa con, là xe lớn, là hông,là bình đưng, là đức dày, là ngọt, là béo, là thân thể, là cái cung, là mình,là tự mình, là vương (vua nước chư hầu), là yên, là trinh, là lợi, là giàu, là tích tụ, là đến, là dùng, là quy về, là nội dung, là kinh doanh, là dối lận, là mê, là muốn, là cú, là hại, là chết, là tang, là loạn, là chiều tối, là mười năm, là bạn, là tiền tài, là hàng hóa, là vuông vức, là quang minh chính đại,là thuận theo, là được về sau, là có kết thúc, là vô biên cương, là sự nghiệp.
Tượng Tốn Tốn là gió, là sương, là trưởng nữ, là trinh nữ, là phụ nữ, là vợ, làngười trong cung, là người đi buôn, là trường mộc, là cỏ tranh, là thuốc, là gà, là cá, là súc vải, là giường, là cây cuốc, là dây, là liên hệ, là bắp đùi,là cánh tay, là tay, là nhìn xuống, là múa, là hát, là giải thoát, là trắng, là cao, là nhập vào, là phục ẩn, là tiến thoái, là không quyết, là mệnh, là hành sự, là hiệu lệnh, là phong tục, là nhìn thấy, là của cải.
Qua hai đoạn trích dẫn giải ý nghĩa của tượng quái thì sự trùng hợp giữa hai quái đều có nghĩa là vợ, tương đồng với chi tiết người phụ nữa của chú Cuội là…vợ của Cuội. Như vậy, yếu tố thứ hai để xác định cho chìa khóa giải mã là hình tương vợ của Cuội tức là nguyên nhân cho cao trào câu chuyện. Ta đọc lại lời của Cuội dặn vợ:
"Có đái thì đái bên Đông Đừng đái bên Tây, cây dông lên trời”
Tượng Khôn là đất và là vợ và tượng Tốn là gió. Mối tương tác để gây nên bi kịch là người vợ và cây thần “Cải tử hoàn sinh” nghĩa là một ẩn ngữ cho biết mối tương quan về vị trí Tốn Khôn mà trong đó vị trí này phải lấy Đông mộc, quái Chấn là mốc. Hình tượng người vợ của Cuội là hình tượng của mối tương tác, tương quan của vị trí hai quái Tốn – Khôn. và hành động “đái” của người vợ là biểu hiện cho hiện tượng chuyển đổi hai Quái Khí này.
Truyện có đoạn:
Một buổi chiều, chồng còn đi rừng kiếm củi chưa về, vợ ra vườn sau, không còn nhớ lời chồng dặn, cứ nhằm vào phía Tây gốc cây quý mà đái. Không ngờ chị ta vừa đái xong thì mặt đất chuyển động, cây đảo mạnh, gió thổi ào ào. Cây đa tự nhiên bật gốc, lững thững bay lên trời.
Ta thử nhìn lại đồ hình Bát quái Hậu Thiên được cho là Văn Vương tạo tác, được cổ thư ghi lại. Hậu thiên Văn Vương
Rõ ràng với đồ hình Hậu Thiên Văn Vương thì quái Khôn ở Tây Nam về phía phương Tây, quái Tốn và quái Chấn là hình ảnh ứng với gió ở phía dưới mà cây ở bên trên, trùng khớp với chi tiết của chuyện là:
Có đái thì đái bên Đông. “Đừng đái bên Tây, cây dông lên trời”
và chi tiết: “Không ngờ chị ta vừa đái xong thì mặt đất chuyển động, cây đảo mạnh, gió thổi ào ào.Cây đa tự nhiên bật gốc, lững thững bay lên trời”.
Gió dưới cây trên là hình ảnh của “Cây đa tự nhiên bật gốc, lững thững bay lên trời.”.
Hình tượng hai quái Chấn - Cây (trên) và Tốn - Gió (dưới) dưới đây, rỏ ràng tương thích với hiện tượng gió thổi "Cây đa tự nhiên bật gốc, lững thững bay lên trời”.
Như vậy hậu quả của việc đái không đúng chổ của người vợ làm cây bay lên trời và câu dặn dò như cảnh báo
“Đừng đái bên Tây, cây dông lên trời”
Bởi Cuội đã biết hậu quả như thế nào khi thực hiện hành động đó. Như vậy, đó là một lời nhắn nhủ cho hậu thế rằng vị trí Tốn nằm phía dưới Chấn là một vị trí hoàn toàn không hợp lý cho một nguyên lý lý thuyết về sự sắp xếp Bát quái trong lý thuyết Âm Dương Ngũ Hành.
Hình tượng người vợ do vậy phải chính là tượng Khôn.Và nếu người vợ (của Cuội), “đái” đúng vị trí ở hướng Đông thì sao? Ta thử nhìn đồ hình Bát quái Hậu Thiên Lạc Việt, do nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã chuyển đổi, được minh chứng qua những tác phẩm “Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyềnthoại”, "Tìm về cội nguồn Kinh Dịch"; "Thời Hùng Vương và bí ẩnLục thập hoa giáp"; Tính minh triết trong tranh dân gian Việt Nam" như sau:
HậuThiên Lạc Việt:
Hậu thiên Lạc việt phối Hà Đồ
Hình tượng Chấn - Cây (trên) và Khôn - Đất (dưới) là hình tượng tương thích cho hiện tượng cây trụ trên mặt đất.
Đồ hình rỏ ràng thể hiện quái Chấn tượng mộc, tức là cây, đang đứng trên đất là quái Khôn - đất ở phía dưới. Hình tượng này là một hình tượng hoàn toàn hợp lý cho quy luật tự nhiên là “Cây ở trên đất”. Nghĩa là một kết cục tốt đẹp, trọn vẹn và đúng đắn đem lại hạnh phúc cho thế gian khi cây thần “Cải tử hoàn sinh” không bay lên trời, nếu người vợ “đái đúng chổ”. Từ đây cũng thấy rằng hiển thị một mật ngữ rỏ ràng nhắn gửi, nếu quái Khôn để đúng vị trí về phương Đông, phía dưới quái Chấn, vì hành động đái của nữ là phải ngồi, ám chỉ phía dưới, thì một sự hoàn chỉnh trọn vẹn của nguyên lý học thuật cổ đông phương sẽ được mở ra. Nghĩa “cải tử hoàn sinh” ở đây khi cây thần còn ở lại thế gian, tức là cây trụ trên đất, nhiên hậu làm hiển hiện một ý nghĩa rỏ ràng là một sự hồi sinh cho một lý thuyết hoàn chỉnh,cho một nền văn hiến với một nguyên lý học thuật cổ nhất quán, hoàn chỉnh, thể hiện qua một nguyên lý căn để là Hậu thiên Lạc Việt phối Hà đồ.
3. Lời Kết: Người viết cho rằng truyện “Sự Tích chú Cuội” là một câu truyện dân gian đặc sắc,chứa đựng dấu hiệu hay một ẩn ngữ cho một minh triết Đông phương chứng tỏ chủ nhân đích thực cho Nguyên Lý học thuật cổ Đông phương thuộc nền văn minh Văn Lang rực rỡ 5000 năm ở phía nam sông Dương Tử.
Phải chăng thần dược "cải tử hoàn sinh" cũng có thể mang một ẩn nghĩa rằng sẽ có sự phục hồi lý thuyết âm dương ngũ hành một cách có hệ thống và hoàn chỉnh, xứng đáng là một lý thuyết thống nhất, trên cơ sở của những "di tích" văn hóa phi vật thể còn để lại trong văn hóa Việt. Và nếu sự ẩn ngữ đó đúng như vậy thì rỏ ràng đó là một sự hồi sinh cho một lý thuyết cổ xưa đã bị thất truyền, như thế sự trùng lấp so với lời tiên tri của nhà tiên tri Vanga nổi tiếng:
"Một lý thuyết cổ xưa sẽ quay trở lại với nhân loại trong tương lai."
Sự giải mã không được xem như một bằng chứng khoa học, nhưng là một sự gợi mở cho việc tìm lại cội nguồn, việc tìm lại một nền văn minh đã bị lãng quên trong quá khứ.
Ngày mười chín tháng Ngọ năm Tân Mẹo. Thiên Đồng
Tham khảo:
- Hà Đồ trong văn minh Lạc Việt, tg Nguyễn Vũ Tuấn Anh, NXB Tổng Hợp TpHCM 2007 - Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại, tg Nguyễn Vũ Tuấn Anh, NXB Tổng Hợp TpHCM 2003 - Tính minh triết trong tranh dân gian Việt Nam. - Phong thủy Lạc Việt, tg Nguyễn Vũ Tuấn Anh, lưu hành nội bộ. - Dịch học ngũ linh, tg Cao Từ Linh, NXB Văn Hóa Thông Tin, 2006. - Nhập môn chu dịch dư đoán học, tg Thiệu Vỹ Hoa, NXB Văn Hóa Thông Tin, 1996. - www.wikipedia.org